Trang
▼
▼
Tuesday, October 15, 2013
Kim Dung - hồn tính lãng mạn phương đông
(Vietkiemhiep) - Trong văn học Tây Phương, chủ nghĩa lạng mạn (Le romantisme) được hiểu nhưng một trào lưu đến sau chủ nghĩa cổ điển (Le classisme). Nếu chủ nghĩa cổ điển mang theo những quy ước có tính bó buộc thì chủ nghĩa lãng mạn được hiểu như là một thái độ vượt qua các quy ước, phá vỡ sự bó buộc để vươn tới sáng tạo. Lãng mạn, đúng như tên gọi của nó, là những cơn sóng vỗ tràn bờ - những bến bờ cổ điển gò bó, chật hẹp.
Phương Đông không có chủ nghĩa lãng mạn nhưng từ nghìn xưa, hồn tính lạng mạn đã là bản chất của tình yêu, của sự sáng tạo triết học, văn học, nghệ thuật Phương Đông. Nếu phương Tây lãng mạn trong hành động thì phương Đông lãng mạn trong tư duy. Biểu hiện của hồn tính lãng mạn có khác nhau, tạo ra phong cách khác nhau trong sáng tạo văn học. Ta thử đi tìm hồn tính lãng mạn ấy trong tác phẩm văn học của Kim Dung.
Tác phẩm của Kim Dung là tác phẩm của tình yêu, của những bài tình ca nồng thắm. Những lứa đôi trong tình yêu rất trẻ, thường là trên dưới đôi mươi, như Trương Thuý Sơn với Hân Tố Tố; như Vô Kỵ với Triệu Minh (Ỷ thiên Đồ long ký); như Hồ Phỉ với Miêu Nhược Lan (Tuyết Sơn Phi Hồ); như Lệnh Hồ Xung với Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ). Gần như những nhân vật nữ của ông yêu nhân vật nam ngay từ cái nhìn đầu tiên, từ lần gặp gỡ đầu tiên. Kim Dung không hề nhắc đến tiếng sét ái tình (coup de foudre). Nếu quan điểm tâm phân học của Sigmund Freud cắt nghĩa tiếng sét ái tình không phải là một cảm xúc tình yêu đến bất chợt mà là đã kinh qua một quá trình chiêm nghiệm, dung nạp và hồi ức những hình ảnh tương tự thì có lẽ Kim Dung cũng để cho những nhân vật của mình kinh qua quá trình tương tự như vậy. Hân Tố Tố yêu Trương Thuý Sơn ngay từ đầu vì cô từng nghe Trương Thuý Sơn có ngoại hiệu là Ngân câu thiết hoạch, một nhà thư pháp chính cống, mà cô lại yêu thư pháp. Doanh Doanh yêu Lệnh Hồ Xung ngay sai khi nghe chàng trai thổ lộ nỗi đau tình trước sự phụ bạc của Nhạc Linh San vì cô tin rằng kẻ nào không chung thủy với quá khứ thì không chung thủy với hiện tại và tương lai. Những trải nghiệm tương tự như vậy trở thành một thứ vô thức tập thể lắng đọng ngàn đời trong tâm hồn nhân loại và các nhân vật của Kim Dung cũng không thể vượt qua ngoài vô thức tập thể đó. Bởi vì họ là một nhân loại thu gọn.
Vâng, những người tình trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung là những con người lãng mạn. Họ lãng mạn đến nỗi họ vững tin rằng tình quân sẽ vượt ngàn dặm quay về với họ như lời hứa trước khi ra đi. Thủy Sinh trong Tố tâm kiếm, A Châu trong Thiên Long bát bộ phận gái dặm trường, bỏ Trung Nguyên ra vũng băng tuyết Quan Ngoại hay Nhạn Môn quan để chờ người yêu trở lại. Và những người anh hùng Địch Vân, Kiều Phong cũng là những người tình lãng mạn. Quả nhiên họ tìm về nơi cũ, quả nhiên họ nhìn thấy người tình đứng trong tuyết trắng chờ họ về. Hồn tính lãng mạn miên man tình ý nhưng hành động lãng mạn chấm dứt ở đó. Không ai ôm nhau, hôn nhau, quấn quít lấy nhau. Đi tới một bước nữa, dù chỉ một bước ngắn, cũng rất phàm tục. Mà tình yêu trong tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung thì không phàm tục chút nào.
Ta hãy nói về một phạm vi khác, phạm vi võ thuật. Trên đỉnh Quang Minh giữa núi Thiên Sơn, Trương Vô Kỵ dùng một cành mai xuân đấu với đao kiếm của Chính - Phản Lưỡng nghi đao pháp, kiếm pháp. Giữa rừng đao núi kiếm tràn đầy sát khí hào quang, cành mai chính là biểu tượng của sự sống, của cái đẹp, của lòng nhân ái. Đấu với đao kiếm là mai không rụng một bông, cái hồn tính lãng mạn quả đã được Kim Dung chắp cho đôi cánh bay bổng tuyệt vời. Ta hãy nói đến đường Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung. Nguyên tắc cao nhất của võ thuật là tiên phát chế nhân (phóng chiêu ra trước thì kiềm chế được người). Cả một đường Độc cô cửu kiếm chỉ có công mà không có thủ, bởi vì người kiếm sĩ không sử chiêu thức mà sử kiếm ý; ý muốn phóng kiếm đến đâu, kiếm theo đến đó, ung dung nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi. Đường kiếm đó chính là hồn tính lãng mạn trong triết học của Trang Tử; nó phảng phất, mênh mông và bất khả tư nghị.
Những hào sĩ giang hồ của Kim Dung vốn là bọn ham vui. Họ sống thành băng, nhóm, đảng, động; khi họ họp với nhau, Kim Dung gọi họ là quần hào, quần hùng. Thế nhưng trong đám đông đảo đó, thỉnh thoảng vẫn có những người tự tách mình ra sống ẩn dật như một nhà hiền triết. Phong Thanh Dương sống một mình trong hậu động Hoa Sơn, Hoàng Dược Sư sống một mình trên đảo Đào Hoa, Trương Vô Kỵ sống một mình trong hang núi, Tiểu Long Nữ sống một mình trong Cổ Mộ đài… là nhưng nhà hiền triết như vậy. Họ chọn một thái độ sống rất lãng mạn: quay về với thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên, hái hoa quả trên rừng, bắt ếch cá bên suối làm thức ăn. Hoàng Dung săn bắn nuôi Quách Tỉnh, Doanh Doanh bắt ếch nướng cho Lệnh Hồ Xung ăn… đơn giản là thái độ trở về với thiên nhiên. Cái mà họ muốn vượt qua là lễ giáo thế tục; cái mà họ muốn đạt được là tinh thần tự do tuyệt đối. Giữa rừng xanh, họ đánh đàn, đánh cờ, nghe thác chảy, nhìn mây trôi, xa lánh chốn giang hồ hiểm ác man trá. Còn lối sống nào hiền triết hơn và minh triết hơn?
Lục hợp chi nội, thánh nhân tồn nhi bất luận,
Lục hợp chi ngoại, thánh nhân tồn nhi bất nghị.
Tiên vương chi chí, Xuân Thu kinh tế, thánh nhân tồn nhi bất biện.
(Việc trong trời đất, thánh nhân biết rồi nhưng không bàn đến,
Việc ngoài trời đất, thánh nhân biết rồi nhưng không nghĩ đến.
Chí của các bậc tiên vương, cách kinh bang tế thế thời Xuân Thu, bậc thánh nhân biết rồi nhưng không giải thích).
Những nhân vật minh triết của Kim Dung quả rất gần gũi với khái niệm “thánh nhân” mà Khổng Tử ca ngợi.
Nhân vật của Kim Dung luôn hướng về tự do. Lệnh Hồ Xung học kiếm pháp Hoa Sơn với Nhạc Bất Quần, một cái nhấc chân hay một cái cất tay đều đúng bộ vị, thước tấc. Cho đến khi nhân vật này được học kiếm pháp với Phong Thanh Dương, lãnh hội ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của lão: “Người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người, cứ như nước chảy mây trôi mà sử kiếm” thì hắn mừng như điên. Ấy bởi vì Lệnh Hồ Xung biết mình đang tiếp cận với tự do, cái tự do mà một tên lãng tử vô hạnh như hắn cần phải có. Khi hắn yêu Nhạc Linh San thì tình yêu đó nhắc hắn nghĩ tới công danh, địa vị sau này. Nhạc Linh San là con một, Nhạc Bất Quần không có con trai; sau này khi lão trăm tuổi, ngôi vị chưởng môn chắc chắn sữ được trao lại cho Lệnh Hồ Xung. Nhưng làm chưởng môn pháo Hoa Sơn hay tự do ngao du, tiếu ngạo giang hồ là khoái hoạt hơn? Lệnh Hồ Xung chọn cái thứ hai. Đến khi gặp Nhậm Doanh Doanh, nhân ra ở cô gái này tinh thần yêu tự do tuyệt đối thì hắn mới thật sự tìm ra nguồn hạnh phúc cho đời sống. Khúc Tiếu ngạo giang hồ là một khúc hoà tấu tự do, trong tay Khúc Dương và Lưu Chính Phong nghe ra vẫn còn chất binh đao sát phạt, buồn lo uất hận nhưng trong tay Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung thì ấm áp xuân tình, hoà bình trung chính. Chính trạng thái tự do hay mất tự do của tinh thần đã quyết định bản chất của điệu thức, của âm thanh.
Kim Dung nói về tự do một cách say mê, đặc biệt là phần hậu ký của bộ Tiếu ngạo giang hồ do Minh Hà xã, Hongkong in tháng 9 năm 1997. Ông dành hậu ký này bàn về nhân tính, bàn về tự do. Cái tự do của ông quan niệm rất gần gũi với cái tự do của TrangTử trong Nam hoa kinh, lãng mạn và tuyệt đối. Cuối bộ Tiếu ngạo giang hồ, ông để cho Lệnh Hồ Xung từ chức chưởng môn phái Hằng Sơn; Doanh Doanh không làm giáo chủ Triêu Dương thần giáo; hai người dắt tay nhau tiếu ngạo giang hồ. Cuộc sống tự do hấp dẫn họ hơn mọi quyền lực. Đúng ra, đứng trên đỉnh cao quyền lực, họ cũng được tự do hành động nhưng bản chất hành động ấy luôn hướng về một mục đích, nghĩa là họ không còn được hành động một cách tự do nữa.
Tự do chính là tâm thức lãng mạn cao nhất trong tư tưởng phương Đông. Đạo Không đưa con người đi đến chỗ hiền triết thánh nhân, đạo Phật đưa con người đi đến chỗ giải thoát, Lão-Trang đưa con người đến chỗ vô vi. Hiền triết thánh nhân, giải thoát, vô vi là những khát vọng lãng mạn và độc đáo, Chính những khát vọng ấy làm nên hồn tính lãng mạn trong tác phẩm Kim Dung. Điều này rất rõ là khi cầm một tác phẩm Kim Dung lên, đọc mấy chương đầu, ta bỗng nghe lòng thư thái, nhẹ tênh, không còn những vương vất ưu tư từ cuộc sống tác động vào. Đó là gì? Đó chính là sự giải thoát, là tâm trạng cảm thấy mình đang được tiếp cận với tự do dù trong giây phút ngắn ngủi của đời người!
No comments:
Post a Comment