Trang

Sunday, October 6, 2013

Lâm Bình Chi con tốt trên bàn cờ số mệnh


TRIỆU THANH ?

(Vietkiemhiep) - Bộ trường thiên tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ kết thúc với hình ảnh đôi vợ chồng Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh tang bồng nơi chân trời góc bể, hạnh phúc hợp tấu cầm tiêu khúc nhạc Tiếu Ngạo. Tuy nhiên nằm sâu lạnh lẽo ở đại lao dưới đáy danh thắng Tây Hồ, vẫn còn đó một khối hận khôn nguôi mang tên Lâm Bình Chi.

Những trang đầu của Tiếu Ngạo Giang Hồ rất dễ khiến người đọc suy luận rằng Lâm Bình Chi chính là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Nhưng với ngòi bút điêu luyện và đầy biến ảo của mình, Kim Dung đã khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ việc tưởng như là một nhân vật chính bị đẩy xuống thành nhân vật phụ, Lâm Bình Chi còn khiến người đọc chuyển từ cảm thương sang ghét bỏ khi Nhạc Linh San bỏ rơi Lệnh Hồ Xung và chuyển sang yêu họ Lâm. Sự căm ghét đối với Lâm Bình Chi được đẩy lên đỉnh cao bằng tình tiết gã đang tâm ra tay rút kiếm sát hại Nhạc Linh San. Quá trình biến đổi từ Chính sang Tà của Lâm Bình Chi hoàn toàn bất ngờ, khiến người đọc phải ngỡ ngàng. Và vì sự bất ngờ đó mà Lâm Bình Chi đã trở thành một trong những nhân vật đáng ghét nhất của Tiếu Ngạo Giang Hồ. Nhưng liệu rằng độc giả có quá khắt khe với Lâm Bình Chi? Hay chỉ nên trách Kim Lão Gia đã vẽ nên Lâm Bình Chi với những bi kịch quá lớn. Và họ Lâm kia đáng căm ghét hay thực tế là một kẻ thật đáng thương và cần được chia sẻ? Có thể nói Lâm Bình Chi là một trong những nhân vật chịu nhiều bi kịch nhất trong số các nhân vật được Kim Dung dựng nên. Là đứa con độc nhất của một gia đình giàu có, được giang hồ ngưỡng vọng, được sống trong nhung lụa, nhưng Lâm Bình Chi đã lần lượt chứng kiến cảnh cha mẹ bị sát hại, bản thân bị người đời sỉ nhục, bị người ta lợi dụng và bị phản bội để rồi cuối cùng thành một kẻ mù loà, người chẳng ra người, quỷ chẳng ra quỷ. Bi kịch đó quá lớn đối với một chàng thanh niên chỉ mới ngoài tuổi đôi mươi.

Bi kịch của Lâm Bình Chi đến từ pho Tịch Tà kiếm phổ. Với 72 đường kiếm tuyệt diệu của Tịch Tà kiếm phổ, ông tổ của họ Lâm là Lâm Viễn Đồ đã đánh bại những cao thủ bậc nhất và tạo dựng nên một Phước Oai tiêu cục với gia sản đồ sộ và danh tiếng lẫy lừng. Tịch Tà kiếm phổ đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu Phước Oai Tiêu Cục và trở thành niềm tự hào của gia tộc họ Lâm. Và đó cũng chính là khởi nguyên tạo nên chuỗi bi kịch sau này của Lâm Bình Chi.

Tạo hình Lâm Bình Chi trong tác phẩm điện ảnh Tiếu Ngạo Giang Hồ phiên bản 2013

Lâm Bình Chi bản chất vốn là kẻ có phong thái của một đấng nam nhi. Lâm Chấn Nam vốn là một doanh nhân sành sỏi đã luôn biết dạy con phải biết kính trên nhường dưới, làm mọi việc theo lẽ phải, với mong muốn con trai sau này sẽ thấm nhuần những giá trị căn bản để trở thành một người đủ sức gánh vác công việc gia đình. Phải Lâm Bình Chi con tốt trên bàn cờ số mệnh chăng, vì những giá trị căn bản đó mà Lâm Bình Chi đã không ngồi yên khi thấy con trai Dư Thương Hải trêu ghẹo con gái nhà lành trong tửu quán, giữa thanh thiên bạch nhật. Hành động hiên ngang đứng ra bênh vực kẻ yếu, đương đầu với kẻ cường bạo đã phần nào bộc lộ tính “thiện” vốn có của Lâm Bình Chi. Và việc chứng kiến một chàng trai yếu thế hơn nhưng sẵn sàng “thấy việc bất bình mà tha” đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng “cô gái bán rượu” Nhạc Linh San. Hình ảnh đẹp đó sau này đã phần nào khiến Lâm Bình Chi lọt vào mắt xanh của thiên kim tiểu thư họ Nhạc.

Trước khi luyện thành Tịch Tà kiếm pháp, Lâm Bình Chi chỉ là một kẻ võ công tầm thường, nhưng không thể không công nhận khí phách hơn người của gã. Khi bị Dư Thương Hải giả vờ bắt tay nhưng thực ra là ngầm bẻ gãy xương tay trong tiệc rửa tay gác kiếm của Lưu Chính Phong. Lâm Bình Chi không hề kêu một tiếng, khiến cả bậc anh hùng như Lưu Chính Phong cũng phải nể nang trước thái độ cương cường của gã. Tuy tuổi còn trẻ và trải nghiệm giang hồ gần như không có, nhưng họ Lâm cho thấy hắn là kẻ suy nghĩ thấu đáo hơn người. Khi bị Dư Thương Hải kích động khiêu chiến để giết hại, Lâm Bình Chi đã tự nghĩ mình phải như Hoài Âm Hầu Hàn Tín, nhịn cái nhục trước mắt để đạt được những điều lớn lao sau này. Chính vì vậy Lâm Bình Chi đã cam chịu nương tựa vào Mộc Cao Phong. Nhưng ngay khi thấy họ Mộc là kẻ ác tâm, định lợi dụng gã để tìm cách chiếm Tịch Tà kiếm phổ, gã đã nhất định không chịu nhận họ Mộc làm sư phụ, cho dù bị họ Mộc hành hạ đủ đường. Hành động sẵn sàng xuống nước với Mộc (hòng nhờ họ Mộc trả thù cho mình) khiến bạn đọc coi Lâm Bình Chi như một kẻ hạ cấp, nhưng... vậy thì đã sao? Chẳng phải đến như kẻ ngông cuồng là Lệnh Hồ Xung, trong lúc thật lòng nhất cũng khảng khái “nếu nhất quyết giết đệ tử thì thủ đoạn hạ cấp đệ tử cũng phải dùng tạm” đó sao? Và chẳng phải đó cũng là điều khiến lão tiền bối Phong Thanh Dương tỏ lòng yêu quý đặc biệt với Lệnh Hồ Xung, vì cho rằng gã: “thuận theo tự nhiên mà hành sử” đó sao? Tại sao cùng một hành động, mà với Lệnh Hồ Xung ta thấy thích thú, trong khi với Lâm Bình Chi ta lại thấy ghét bỏ”

Bản thân người ta một phần ghét bỏ Lâm Bình Chi bởi trong những trang viết của Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung đã hơn một lần mô tả phong cách của Lâm Bình Chi giống với Quân Tử kiếm Nhạc Bất Quần, thậm chí còn gọi Lâm Bình Chi là người có khí độ của một “Tiểu Quân Tử Kiếm”. Thành ra, khi Nhạc Bất Quần bị lật mặt nạ là một Ngụy Quân tử, Lâm Bình Chi cũng bị ghét lây. Nhưng thực tế vị thế của họ Lâm và họ Nhạc là hoàn toàn khác nhau. Trong khi nhiều năm trời Nhạc Bất Quần bản thân là một kẻ Ngụy Quân tử, nhưng vẫn mặt dày đón nhận danh hiệu Quân Tử Kiếm, thì Lâm Bình Chi chưa bao giờ tự nhận mình là một “Tiểu Quân Tử Kiếm” cả. Vậy sao có thể bảo họ Lâm là một kẻ Ngụy Quân tử như sư phụ Nhạc Bất Quần của gã được? Gã có thể không phải là người quân tử, chỉ là kẻ tiểu nhân, nhưng nhất quyết không phải là Ngụy Quân tử.

Ta có thể trách Lâm Bình Chi đã chọn lầm nơi để nương tựa khi trở thành đệ tử của Nhạc Bất Quần, kẻ đã gián tiếp sát hại song thân gã: Việc rơi vào vòng kiềm tỏa của Nhạc Bất Quần và nảy nở tình yêu với Nhạc Linh San khiến bi kịch của Lâm Bình Chi càng thêm phần trầm trọng. Tuy nhiên, liệu rằng ai có thể tránh được cái bẫy quá tinh vi mà Nhạc Bất Quần đã giăng sẵn, dành cho một kẻ non nớt giang hồ như Lâm Bình Chi? Sự xuất hiện với hình cảnh hào hùng chính nghĩa lẫm lẫm và hành động cứu khốn phò nguy của Nhạc Bất Quần khiến ai cũng phải lòng kính ngưỡng và nể phục. Việc Lâm Bình Chi bị che mắt và tự nguyện nhận Nhạc Bất Quần làm sư phụ trong hoàn cảnh đó âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ngay sau đó, Lâm Bình Chi đã thể hiện mình là kẻ có dự cảm hơn người. Nhạc Bất Quần có thể đóng kịch xuất sắc, không những qua mặt tất cả những cao thủ bậc nhất đương thời như Phương Chứng Đại Sư, Xung Hư Đạo Trưởng .v.v... mà thậm chí còn qua mặt cả những người thân thiết nhất như vợ và con gái; nhưng họ Lâm đã sớm nhìn xuyên thấu trái tim đen của Nhạc Bất Quần. Tuy nhiên ở giây phút đó, dường như gã đã ở vào thế cưỡi trên lưng cọp, không thể nhảy xuống được.

Bi kịch của Lâm Bình Chi không chỉ gói gọn ở mối thù gia đình, mà còn cả ở mối tình của gã với Nhạc Linh San. Độc giả có thể khắt khe cho rằng Lâm Bình Chi ngay từ đầu đã lợi dụng cô gái ngây thơ Nhạc Linh San và không hề có tình cảm với nàng, nhưng thực ra không hẳn như vậy. Có thể độc giả vì quá yêu Lệnh Hồ Xung nên đã không thấy được sự phát triển tình cảm giữa Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San diễn ra hết sức tự nhiên, không hề gò ép. Lòng hảo cảm của Nhạc Linh San dành cho Lâm Bình Chi đã có từ khi nàng được gã tiểu tử họ Lâm trói gà không chặt ra tay cứu giúp trong quán rượu. Hơn nữa, Kim Dung đã hơn một lần mô tả họ Lâm là một gã trai tuấn mỹ và có phong thái đĩnh đạc, khác hắn với Lệnh Hồ Xung. Với những yếu tố đó, Nhạc tiểu thư nảy sinh tình cảm với họ Lâm là chuyện hết sức bình thường. Về phía Lâm Bình Chi, khi được một vị sư tỷ xinh xắn và thông minh luôn gần gũi quan tâm, trong hoàn cảnh không còn nơi nương tựa, không thể nói gã không phát sinh tình cảm với Nhạc tiểu thư. Và khi tình cảm đó được đáp lại, Lâm Bình Chi đã “cưa gái” với sự quan tâm hết sức chân thành: gã dạy người yêu bài ca Phúc Kiến “chị em lên núi hái chè”, dẫn người yêu đi chơi phố, mua cho người yêu đồ ăn ngon. Tình yêu đó nở hoa rất đẹp nhưng kết quả thì lại là trái độc. Khi Lâm Bình Chi phát hiện ra Nhạc Bất Quần chính là kẻ gián tiếp đẩy mình vào cảnh nhà tan cửa nát, họ Lâm trở nên nghi kỵ và căm hận lây cả Nhạc Linh San, vì cho rằng Nhạc Linh San cũng cùng một phe với cha mình. Ở hoàn cảnh là một kẻ luôn bị lợi dụng, sự nghi ngờ của Lâm Bình Chi âu cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều người cho rằng Lâm Bình Chi thật ngu dại khi không thành thân với Nhạc Linh San để rồi sau này trở thành kẻ “đại bất hiếu” khi không có con cái để nối dõi tông đường. Nhưng xét cho cùng, với một người có tính cách mạnh và chịu nhiều tổn thương như Lâm Bình Chi, làm sao gã có thể chung chăn gối với người mà gã thấy đầy nghi ngại và thù ghét? Tại thời điểm đó, họ Lâm cũng chẳng thể nào ra mặt ruộng rẫy Nhạc Linh San, vì Nhạc Bất Quần luôn theo sát gã kỹ càng, và bất cứ hành vi nào của gã khiến sư phụ nghi ngờ cũng có thể phải trả giá bằng cả mạng sống. Trong tình thế tính mạng luôn bị đe dọa trong tay Nhạc Bất Quần, bản lĩnh thì chưa bằng ai, Lâm Bình Chi không có nhiều lựa chọn cho mình. Đúng lúc đó thì họ Lâm lấy được Tịch Tà kiếm phổ lừ tay Nhạc Bất Quần. Gã đã quyết định “dẫn đao tự cung” để trả hận cho gia đình.
Nhiều độc giả sẽ cho rằng sự lựa chọn đó của Lâm Bình Chi là quá tiêu cực và ngu dại. Tuy nhiên, hãy xem thử Lâm Bình Chi có lối thoát nào không? Khi đã nhìn ra dã tâm của Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi có thể làm gì? Nếu quay trở lại giang hồ, hắn sẽ bị kẻ thù như Dư Thương Hải truy diệt! Hắn cũng không thể đầu quân cho môn phái khác được vì đã danh chính ngôn thuận là đệ tử của Hoa Sơn phái rồi. Hắn cũng không thể tố cáo Nhạc Bất Quần được vì thân phận của hắn quá nhỏ nhoi, so với vị trí cao tôn của họ Nhạc. Nếu tiếp tục ở lại Lâm Bình Chi có thể nhận thấy rõ rằng đến sư phụ của hắn là Nhạc Bất Quần, có một đời luyện công kiếm pháp Hoa Sơn và Tử Hà thần công đã đạt đến thành tựu nhất định, cũng chỉ nhỉnh hơn Dư Thương Hải hay Mộc Cao Phong vài phần. Nếu chính hắn học theo công phu Hoa Sơn, đến bao giờ thù nhà mới được rửa? Trong khi đó, Tịch Tà kiếm pháp dường như là lối thoát danh chính ngôn thuận nhất, vì đó vừa là kiếm phổ gia truyền nhà họ Lâm, lại là phương tiện có thể giúp hắn trở thành cao thủ để rửa nhục cho danh dự gia đình và báo thù cho song thân.

Ở vào hoàn cảnh đó, họ Lâm đã quyết định “dẫn đao tự cung” để rửa thù nhà và hy vọng với kiếm thuật cao siêu trong tay, gã sẽ thoát khỏi số phận tốt thí và tự tay định đoạt vận mệnh của mình. Một hành động ngu dại, nhưng cũng hoàn toàn có thể cảm thông phần nào. Âu đó cũng là số phận sắp đặt tạo thêm oan nghiệt chất chồng lên Lâm Bình Chi. Nhìn lại chuỗi đại bi kịch của Lâm Bình Chi, ta không thể không thấy thương cảm. Bi kịch lớn đến thế nhưng Lâm Bình Chi chỉ có một thân một mình. Gã không có một ai để có thể chia sẻ được nỗi buồn của mình. Khi thành đệ tử của Hoa Sơn phái, gã yêu Nhạc Linh San, nhưng bị các huynh đệ khác ghét bỏ, do những người đó đều mặc định Nhạc Linh San sẽ phải trở thành vợ của Lệnh Hồ Xung. Khi mối chân tình với Nhạc Linh San nảy nở, họ Lâm cũng bắt đầu lờ mờ nhận ra dã tâm của Nhạc Bất Quần, khiến mối tình với tiểu thư họ Nhạc trở nên hữu thủy mà vô chung. Bi kịch của hắn quá lớn lao so với những gì mà nhân vật chính là Lệnh Hồ Xung phải trải qua.

Lệnh Hồ Xung bị người yêu thanh mai trúc mã là Nhạc Linh San không đáp lại mối tình si và bị sư phụ úy kỵ, vậy mà họ Lệnh đã ưu tư thiểu não không thiết sống, uống rượu như hũ nút quên sầu. Trong khi Lâm Bình Chi không có bất cứ một ai khả dĩ có thể làm bạn, thì Lệnh Hồ Xung có biết bao bằng hữu chia sẻ buồn vui, lại có tiểu thư Nhậm Doanh Doanh tha thiết yêu thương và sẵn sàng hy sinh. Nếu nói về mặt nghị lực, Lâm Bình Chi hơn Lệnh Hồ Xung đến mấy phần. Bi kịch chồng chất cộng với khát khao báo thù quá lớn và việc “dẫn đao tự cung” đã khiến tâm tính sau này của Lâm Bình Chi thay đổi, trở nên ác độc và tàn nhẫn. Họ Lâm đã đang tay sát hại Nhạc Linh San khi bi kịch của gã đã được đẩy đến mức cao trào. Hắn đã trả được mối hận với Dư Thương Hải và Mộc Cao Phong, nhưng còn mối thù với Nhạc Bất Quần thì làm sao hắn có thể trả được khi hai mắt đã mù lòa. Bị Lao Đức Nặc kích động, Lâm Bình Chi đã đang tay hạ sát Nhạc Linh San.

Xét cho cùng, đó là hành động hết sức nhẫn tâm nhưng phù hợp với một kẻ đã đi vào bước đường cùng và đã hoàn toàn bị tâm ma chi phối sau khi đã “dẫn đao tự cung” như Lâm Bình Chi. Ngay cả Nhạc Bất Quần, với công phu hàm dưỡng của “Tử Hà thần công”, hay kẻ đầy tham vong và cơ trí như Đông Phương Bất Bại, đều trở nên tàn ác sau khi “dẫn đao tự cung”, thì họ Lâm trở nên u mê độc ác là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nhìn lại cả cuộc đời đầy phong ba sóng gió của Lâm Bình Chi, với những bi kịch chất chồng, ta không khỏi phần nào thấy xót thương cho số phận đầy hẩm hiu của gã. Có thể thấy Lâm Bình Chi như một con tốt đen của số mệnh, bị dòng đời oan nghiệt xô đẩy khiến gã vừa là nạn nhân mà cũng là kẻ thủ ác. Chỉ tiếc rằng số phận đã không cho họ Lâm bất cứ một cơ hội nào khả dĩ để có thể thoát khỏi những bi kịch của mình.

No comments:

Post a Comment