Trang

Monday, October 7, 2013

Luận về Âm nhạc trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Kim Dung quan niệm âm nhạc cũng như một thứ võ công, có thể giúp người ta dưỡng thương, chữa bệnh, mê hoặc và khắc chế địch thủ. Trên một đất nước Trung Hoa rộng lớn, đa chủng tộc và sắc tộc, nhiều loại hình âm nhạc đã ra đời và hình thành. Trong những tác phẩm võ hiệp của mình, Kim Dung đã dành cho âm nhạc một vị trí quan trọng. Âm nhạc có ở khắp mọi nơi. Trong tác phẩm võ hiệp của ông, ta bắt gặp "cái vỏ" là sự đấu tranh của võ lâm đầy đau thương, sắt máu nhưng "cái ruột" chính là tâm hồn nghệ sĩ khoáng dật, thanh thoát...


Có những tác phẩm mà âm nhạc như một sợi chỉ xuyên suốt, trở thành cốt lõi, chi phối toàn bộ và tạo nên cái hồn cho tác phẩm. Đó là trường hợp của Tiếu ngạo giang hồ. Tác phẩm này lấy chủ đề từ một bản nhạc cầm tiêu hợp tấu giữa bạch đạo và hắc đạo, giữa chính và tà. Đó là bản nhạc hợp soạn giữa hai người nghệ sĩ, hai nhân vật võ lâm tiêu biểu: Lưu Chính Phong, sư đệ của chưởng môn phái Hành Sơn và Khúc Dương, trưởng lão của Triêu Dương thần giáo. Vốn xưa, họ là hai người đứng ở hai thái cực, hai thế lực đối nghịch với nhau, coi nhau là cừu hận. Nhưng rồi âm nhạc đã nối kết tình bạn của Lưu-Khúc lại và người này nhìn ra bản chất nghệ sĩ tài hoa của người kia. Khúc Tiếu Ngạo giang hồ ra đời như kết quả của hai tâm hồn đồng thanh, đồng điệu và đồng cảm, một khúc nhạc có khả năng hoá giải sự khác biệt giữa hắc và bạch.

Lưu Chính Phong và Khúc Dương, một cầm một tiêu, đã hoà tấu bản này đạt tới đỉnh cao nhất của âm nhạc "khoan hoà trung chính, khi mau sầm sập, khi khoan thai, chỗ trầm lắng, chỗ cao vút", tương thông tâm ý. Lưu Chính Phong ăn mừng thọ 60 tuổi, muốn rửa tay gác kiếm để tìm những tháng ngày ung dung tự tại giữa một đời đấu tranh trá ngụy. Thế nhưng, phái Tung Sơn mà lãnh tụ là Tả Lãnh Thiền đã huy động hết lực lượng của Hoa Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn nhằm ngăn cản hành động của Lưu Chính Phong, vu cáo rằng "Lưu Chính Phong kết bạn tà ma", buộc Lưu Chính Phong phải tìm cách giết Khúc Dương, chặt đứt mối quan hệ với Triêu Dương thần giáo. Không đồng ý với cách sống bán bạn cầu vinh, Lưu Chính Phong đã chịu một thảm kịch đau đớn: nhà tan người chết, bản thân bị trọng thương. Khúc Dương nhanh tay cứu bạn, đưa bạn chạy về dưới núi Hành Sơn. Nơi đây, hai đại cao thủ đã hợp tấu lần sau cùng trước khi qua đời rồi trao bản nhạc cho đệ tử phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Xung.

Phải chăng khát vọng Tiếu Ngạo giang hồ là không bao giờ có thể thực hiện được giữa một cuộc sống đầy đua tranh, thù hận, chia rẽ và bạo lực? Cầm bản đàn của hai bậc tiền bối, Lệnh Hồ Xung phiêu bạt giang hồ, thân danh tàn tạ, bị khinh miệt, bị đánh, bị vũ nhục, bị vu cáo. Người ta cứ đinh ninh rằng đó là một loại bí lục võ công thượng thặng! Lệnh Hồ Xung gặp nàng Doanh Doanh trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương, ngỏ hết nỗi đau thương của đời mình, trong đó có niềm đau về mối tình đầu tan vỡ. Doanh Doanh đã dạy cho Lệnh Hồ Xung khúc đàn Thanh tâm phổ thiện trú để duy trì mạng sống. Âm nhạc trở thành một liều thuốc chữa bệnh tâm thần, tạo nên sự hưng phấn, đem lại nguồn sống cho Lệnh Hồ Xung.

Đoạn dễ thương nhất của Tiếu ngạo giang hồ là đoạn Doanh Doanh đàn Thanh Tâm Phổ Thiện Trú ru cho Lệnh Hồ Xung ngủ. Cuối cùng, âm nhạc cũng không đủ tác dụng vực dậy một tâm hồn đau thương trong một thể xác đã suy tàn, nàng đành cõng tình lang lên chùa Thiếu Lâm, chịu bị cầm tù để tình lang được chữa trị. Kết thúc Tiếu ngạo giang hồ là một kết thúc thật đẹp. Lệnh Hồ Xung chữa được thương thế, cùng Doanh Doanh hợp tấu bản Tiếu ngạo giang hồ, sống cuộc đời thanh bình, hạnh phúc.

Tiếu ngạo giang hồ đưa ra một luận điểm triết lý sâu sắc: con người sinh ra không thể sống một mình, cũng không thể sống hai mình khi tâm ý chẳng tương thông. Khát vọng của Tiếu ngạo giang hồ chính là tình thương yêu con người đằm thắm. Sự giao hoà âm nhạc tạo nên giao hoà tình yêu và chỉ có tình yêu chân chính mới đạt đến hạnh phúc làm người.



Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta bắt gặp một loại hình âm nhạc khác - âm nhạc lang thang của chưởng môn phái Hành Sơn Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Với vóc dáng "điêu linh cổ quái", người chưởng môn ấy từ chối quyền lực và danh vọng, mang một cây dao cầm trong có dấu một thanh kiếm mỏng như lá lúa, vui chơi bốn biển năm hồ. Kiếm để trừ diệt kẻ ác, dao cầm để di dưỡng tâm hồn. Mạc Đại tiên sinh chính là hình tượng mà Nam Hoa Kinh của Trang Tử thường mơ ước: "Khi cao lên 9000 dặm, nương mây cỡi gió mà bay". Tiếc thay, ông ta chưa đạt được phong cách thần tiên thoát tục đó bởi cái khúc Tiêu Tương dạ vũ mà tiên sinh thường hay hát là một "bài ca buồn bã có đi mà không có lại". Tiếng hát của tiên sinh là tiếng hát lênh đênh trong ảo ảnh sương khói và suốt đời, tiên sinh chỉ là một nghệ sĩ lang thang. Mạc Đại là nhà du ca lớn nhất trong Tiếu ngạo giang hồ và trong toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, một thứ thần tiên bị đọa phải nhập thể và nhập thế. Nếu Doanh Doanh chơi nhạc thính phòng thì âm nhạc của Mạc Đại là nhạc du ca.

Nhưng Tiếu ngạo giang hồ không phải chỉ có chừng đó dạng âm nhạc. Tiếu ngạo giang hồ còn có khúc "Sơn ca Phúc Kiến" của Lâm Bình Chi mang về núi Hoa Sơn dạy cho Nhạc Linh San hát. "Chị em lên núi hái chè", câu sơn ca đó làm tan hồn nát ruột Lệnh Hồ Xung vì mỗi khi Nhạc Linh San hát lên, anh biết nàng ta đang nghĩ tới Lâm Bình Chi và phụ rẫy mối tình đầu của mình.

Tiếu ngạo giang hồ còn có một bài ca rất buồn cười mà bọn giáo chúng Triêu Dương thần giáo đồng thanh hợp ca để tâng bốc Nhậm Ngã Hành khi lão vừa chiếm lại được ngôi giáo chủ: "Thánh giáo văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ. Bọn thuộc hạ đưa lời cung nghinh thánh giáo chủ thương sinh trạch bị, ơn khắp lê dân..." Nguyên cái loại "âm nhạc" này phát xuất từ thời giáo chủ Đông Phương Bất Bại. Khi Đông Phương Bất Bại trở thành "tất bại", bọn giáo chúng Triêu Dương thần giáo mới dùng nó để ca ngợi Nhậm Ngã Hành. Cả ngàn người cùng há miệng hò ca chấn động cả lỗ tai người nghe! Thứ "âm nhạc" này bị coi là nhạc sến!

Trong bộ Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung đã để cho âm nhạc xuất hiện trước tiên với nhân vật Côn Lôn tam thánh Hà Túc Đạo. Hà Túc Đạo tuổi ngoài 40, khuôn mặt xương xương, giỏi kiếm, giỏi cờ, giỏi đàn, được xưng tụng là tam thánh, từ Côn Lôn xuống Trung Nguyên.

Ông ta có một khúc đàn tuyệt vời, có thể sai khiến trăm chim tụ họp về nhảy múa, ca hót gọi là Không sơn điểu ngữ. Cô bé Quách Tương, 19 tuổi, đi tìm Dương Qua, đã gặp người trung niên tài hoa Hà Túc Đạo ngoài rừng chùa Thiếu Lâm, được nghe khúc Bách điểu triều phụng và tiếng muôn chim ca hót. Hình ảnh trong sáng, tươi đẹp của cô đã in ngay vào trong tâm hồn chàng nghệ sĩ trung niên.

Hôm sau, khi chiến đấu với ba cao thủ Thiếu Lâm Tây Vực trước sự chứng kiến của Quách Tương, Hà Túc Đạo chỉ dùng đến một tay, tay còn lại vận Cách không chỉ phóng vào cây dao cầm đang để dưới đất, mời Quách Tương nghe bản nhạc mình mới sáng tác tặng cô. Kiếm chưởng thì sát phạt sắt máu, tiếng đàn lại lãng mạn xuân tình, u uất thương nhớ. Cái công phu phân ý của Hà Túc Đạo quả thật hy hữu! Cô bé Quách Tương thơ ngây nghe hết cung đàn, cảm động và đỏ mặt vì biết Hà Túc Đạo đang dùng âm nhạc tỏ tình với mình. Thế nhưng mối tình của Hà Túc Đạo cũng chẳng tới đâu. Hà Túc Đạo đánh thua sư Giác Viễn, hổ thẹn chạy về núi Côn Lôn. Quách Tương yêu Dương Qua mà tìm nhau không gặp, lên núi Nga My đi tu, mở ra phái Nga My. Âm nhạc của Hà Túc Đạo cũng "có đi mà không có lại". Nó trở thành bài biệt ca của tình yêu.
Nhưng âm nhạc hay nhất, đẹp nhất, mang giá trị nhân bản cao nhất vẫn là bài Hoả ca của giáo chúng Minh giáo (tức Bái Hoả giáo), truyền từ Ba Tư (tên cũ: Perse - thời ấy chưa gọi Iran) sang Trung Quốc. Đây là bài ca được hát trên Quang Minh Đỉnh khi quần hùng Trung Quốc bao vây quần hùng Minh giáo, vu cáo họ là tà giáo, có ý muốn đuổi tận diệt. Theo tác giả Kim Dung, bài Hoả ca lấy từ thơ của nhà thơ lớn Ba Tư Omar Khayam, có những câu được dịch thoát ra như thế này:

Đốt tàn thân xác của ta
Ngọn lửa thánh bốc cháy lên đỏ rực
Sống đã chẳng có chi là hạnh phúc
Thì chết đi nào có khổ đau gì.
Vì thiện lương, ta trừ cái ác
Nẻo quang minh cứ vậy mà đi
Hỷ, Lạc, Sầu, Bi xin gởi về cát bụi
Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn lắm khi.

Giữa cảnh đang bị cường địch bao vây, giáo chúng Minh giáo vẫn ung dung tự tại hát lên bài Hoả ca dâng lên đức Giáo chủ Minh Tôn Di Lạc, bày tỏ tấm lòng của mình với cuộc đời và thể hiện khí phách hiên ngang trước cái chết. Trương Vô Kỵ đã nghe được bài ca đó và nhận ra rằng Minh giáo là một đạo nhân bản, rằng những lời kết án Minh giáo là bàng môn tả đạo là những lời xuyên tạc, rằng việc chống lại người Minh giáo là hành động phi nhân. Và chàng đã xả thân cứu quần hùng Minh giáo, nguyện hiến tấm thân vì trăm họ để cho giáo chúng Minh giáo được sống. Chàng được Minh giáo Trung Hoa bầu lên làm giáo chủ, huy động các lực lượng Minh giáo chống lại quân Nguyên, giành lại được giang sơn từ giống nòi di tộc.

Chu Nguyên Chương lên ngôi cũng còn biết nhớ nguồn gốc của mình xuất thân từ Minh giáo nên đặt đế hiệu là Minh Thành Tổ. Người Minh giáo mặc áo đạo bào trắng, trước ngực áo có vẽ ngọn lửa đỏ, gặp nhau chào bằng hai bàn tay chắp lại thành hình ngọn lửa. Và thánh ca của họ chính là bài Hoả ca, bài mang một giá trị nhân bản, nhân đạo tuyệt vời.

Trong Thiên Long bát bộ, âm nhạc mới phong phú làm sao. Trước hết, người ta dễ nhận ra bài ca "chiến thắng" ê a của bọn lính Khất Đan sau những cuộc "hành quân" qua thảo nguyên ngoài ải Nhạn Môn Quan. Bọn chúng bắt đàn bà, giết trẻ em, tước đoạt tài vật của những gia đình lương dân Trung Quốc. Ấy thế mà chúng vẫn hát được!

Cũng trong bộ truyện này, người đọc thật sự cảm thấy thú vị với bài ca bợ đít của bọn đệ tử phái Tinh Tú nhằm ca ngợi Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu. Mỗi khi Đinh Xuân Thu xuất hiện hay lâm trận, bọn đệ tử đồng thanh hát:

Tinh Tú lão tiên
Danh lừng Trung thổ
Oai lực vô biên
Đánh đâu thắng đó

Nhân vật Bao Bất Đồng, một thuộc hạ của Cô Tô Mộ Dung Phục đã làm cho phái Tinh Tú mắc lỡm khi cất giọng solo bài này dưới chân núi Thiếu Thất để bọn Tinh Tú “hợp ca” theo:

Tinh Tú lão tiên
Danh lừng Trung thổ
Oai lực vô biên
...Thối hơn rắm chó

Đem “rắm chó” vào trong bài ca để “hướng dẫn” bọn đề đệ Tinh Tú hát theo làm trò cười cho thiên hạ, cách phê phán thói nịnh của Kim Dung vừa bình dân, vừa bác học hết chỗ nói.




Nói đến âm nhạc trong Thiên Long bát bộ, ta không thể quên hai nhân vật quái dị trong nhóm Hàm Cốc bát hữu (tám người bạn ở Hàm Cốc) là Cầm điên Khang Quảng Lăng và Hí mê Lý Quỹ Lỗi. Cầm điên Khang Quảng Lăng đánh địch bằng cây dao cầm. Nghe tiếng đàn của lão, trái tim người ta nhảy loạn lên, đầu óc trở thành u mê, hồ đồ. Tiếng đàn của lão thoạt đông, thoạt tây; khi trên, khi dưới khiến người ta tưởng khinh công của lão xuất thần nhập hoá. Nhạc sĩ Khang Quảng Lăng này rất hồ đồ. Lão tin rằng tiếng đàn của lão có thể làm người chết sống lại: "Vậy mộ của Huyền Khổ đại sư chôn ở đâu ? Dẫn ta đến mau, ta đàn cho đại sư nghe một khúc, không chừng đại sư có thể sống lại (?)". Ngược lại với Khang Quảng Lăng, nhân vật Lý Quý Lỗi là một con hát. Anh ta vừa đánh, vừa hát bội, thậm chí khi bị đánh gãy chân, thay vì rên la, anh ta lại mở miệng hát (!). Hai nhân vật chơi nhạc trong Hàm Cốc bát hữu là hai con người hồn nhiên như trẻ con. Họ xuất hiện rất ngắn nhưng để lại ấn tượng rất sâu trong lòng người đọc.

Trong Thiên Long bát bộ, người ta còn nghe bài ca "Xin cơm" của anh em Cái bang, một bài hát không dùng vào việc xin cơm thông thường mà để kết Đả cẩu trận, khắc chế địch nhân hung hãn.

Khi viết về âm nhạc, kiến thức âm nhạc của Kim Dung tiên sinh cũng rất tinh tường và phong phú. Trong Lộc Đỉnh ký, ông đã trích lại bài ca của danh sĩ Ngô Mai Thôn nói về Trần Viên Viên - một danh kỹ cuối Minh đầu Thanh, người tình của Lý Sấm và Bình Tây Vương Ngô Tam Quế. Trần Viên Viên được mô tả "mặt đẹp như Quan Âm", sống một cuộc đời đau thương chìm nổi đúng như định đề cổ điển của văn học "hồng nhan đa truân". Tất cả những đau thương đó đều được đúc kết thành Viên Viên khúc. Khi đi tu, Viên Viên vẫn hát khúc ca Ngô Mai Thôn viết cho mình với cây dao cầm. Ngô Tam Quế nghe được vài chục câu, Mỹ đao vương Hồ Dật Chi nghe được dăm ba câu. Chỉ có Vi Tiểu Bảo, một kẻ chẳng hiểu âm nhạc là gì, lại có hồng phước nghe được trọn bài. Viên Viên khúc nghe thật buồn bã, đúng là một bài ca mất nước chẳng khác gì Hậu đình hoa của Lý Hậu chủ trong thơ Đỗ Mục:

Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa
(Con hát biết đâu hờn vong quốc
Bên sông còn hát Hậu đình hoa)

Lộc Đỉnh ký còn có một loại "âm nhạc" ngộ nghĩnh khác: những bài ca nịnh bợ của bọn Thần Long giáo. Đó là những bài ca mang tính chất tự kỷ ám thị dùng trong lúc đánh nhau, đã được Kim Dung viết với một giọng văn thô thiển, phù hợp với "trình độ" của bọn giáo chúng ngu muội:

Hồng giáo chủ thần thông quảng đại
Giáo chúng ta đánh bại khắp nơi
Địch nhân thấy bóng chạy tơi bời
Cứng rắn cũng tan tành xác pháo
Hồng giáo chủ ra oai sấm sét
Chúng đô nhi sức mạnh phi thường
Ta một người trăm địch khôn đương
Địch hàng vạn trăm quân đủ thắng
Hồng giáo chủ thần kinh như điện
Chiếu nhãn quang ra khắp muôn phương....

Những bài hát như vậy mang tính kinh điển, khẩu hiệu, quê muội, tự nó đã nói lên được kiểu lừa bịp trá ngụy của những tà giáo thứ thiệt. Cái hay của Kim Dung là ông chỉ mô tả sự kiện, tường thuật vấn đề không bình luận. Nhưng thông qua sự kiện, vấn đề, người đọc nhận biết được ý đồ của ông, hiểu được ông muốn nói lên điều gì. Bài ca tập thể lạ lùng của giáo chúng Thần long giáo sau đây khiến người ta nghĩ đến “bài ca” của các tiểu tướng Hồng vệ binh ở Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng văn hóa:

Bảo huấn của giáo chủ
Thời khắc ghi tronglòng
Lập công và thắng địch
Trường thọ với non sông.

Trong truyện võ hiệp của Kim Dung, âm nhạc xuất hiện khắp mọi nơi trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Trong Phi hồ ngoại truyện, ta nghe được tiếng hát vùng Sơn Đông - Triết Giang của tiểu anh hùng Hồ Phỉ. Trong Xạ điêu anh hùng truyện, ta nghe được khúc sáo ma quái, nhiếp hồn của Đông tà Hoàng Dược Sư. Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta nghe được tiếng hát của dân tộc Miêu Cương của giáo chủ Ngũ Độc giáo Vân Nam Lam Phượng Hoàng.

Trong Lộc Đỉnh ký, ta nghe được bài ca Trầm Giang hùng tráng trích từ tác phẩm dân ca Đào hoa phiến, ca ngợi cái chết anh hùng của nhà yêu nước Sử Các Bộ, người chịu hy sinh để giành lại đất nước trong bàn tay di tộc. Nhưng không phải ai cũng có thể hát được khúc Trầm Giang. Đi trên sông Liễu Giang giữa đêm mưa gió, cả mấy chục người mà chỉ có Trần Cận Nam - Tổng đường chủ của Thiên Địa hội - và Ngô Lục Kỳ - đường chủ Hồng Thuận đường của Thiên địa hội - mới đủ công lực cất lên tiếng hát át cả tiếng cuồng phong sậu vũ:

Đầy lòng phẫn nộ ngỏ cùng ai
Giọt lệ già nua dạ ái hoài
Trong chốn cô thành mong cứu viện
Tàn quân huyết chiến luống bi ai
Đoái trông cố quốc lòng đau xót
Trùng vây không nỗi vượt ra ngoài
Trường giang một dải ba ngàn dặm
Nỡ để về tay kẻ khác loàị..

Và:

Non nước ngàn thu để tiếng truyền
Đau lòng huyết lệ khắp Tây Xuyên...

Trong Thiên Long bát bộ, ta nghe được tiếng hát bài ca "Hái sen ở Giang Nam" (Giang Nam khả thái liên) hoà với tiếng đàn hồ cầm thánh thót của cô gái đẹp A Bích tại Yến tử ổ, Giang Nam:

Giang Nam khả thái liên
Liên điệp hà điền điền
Ngư hý liên điệp đông
Ngư hý liên điệp tây...

(Giang Nam ta hãy hái sen
Lá sen dày khít mọc chen thành đồng
Cá đùa bên lá sen phía đông
Cá đùa bên lá sen phía tây...)

Nhưng tiếng hát đẹp nhất, mang nặng tính chất triết lý nhất là vẫn là tiếng hát của Tiểu SIêu, cô gái lai người Ba Tư. Tiểu Siêu là cô bé 16 tuổi, được mẹ là Đại Y Ty đưa vào "nằm vùng" trong Minh giáo Trung Quốc, len lỏi lên Quang Minh Đỉnh để tìm cách đánh cắp bộ thần công Đại nã di tâm pháp. Cô trở thành con hầu của giáo chủ Trương Vô Kỵ và thầm yêu trộm nhớ Trương Vô Kỵ. Nhưng cô đã tiên cảm được rằng mối tình đó không đến đâu, số phận của cô không biết sẽ trôi dạt về đâu. Nỗi u oán đó biểu hiện lên trong những khi cô hát cho giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ nghe. Lời ca nguyên là 1 trong 101 bài thơ của Nga Mạc (Omar Khayam) - thi hào Ba Tư đã được Quách Mạt Nhược dịch qua tiếng Quan Thoại. Triết lý trong lời ca là cái khát vọng cắt nghĩa cho được những vấn đề gần gũi nhất của con người: cuộc sống, tình yêu và cái chết:

Lai như lưu thủy hề thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề hà sở chung
(Chợt đến như giòng sông nước chảy
Thoắt tan như gió qua mau
Chẳng biết từ đâu mà đến
Cũng chẳng biết về nơi đâu)

Bài ca này là một bài thánh ca của Bái hỏa giáo Ba Tư và tiếng hát cuối cùng là tiếng hát của Hân Ly trong cơn mê sảng trước khi chết trên một hải đảo vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Trong lịch sử văn minh Trung Quốc, không có biên giới giữa Thi và Ca. Trường phái thơ Đường đã dung nạp một cách tự nhiên âm nhạc vào thi ca; biến phong cách này trở thành truyền thống:

Sở thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần

Hoặc:

Khương địch hà tu oán Dương liễu?
Xuân phong bất độ Ngọc môn quan

Kim Dung đã đưa âm nhạc vào tiểu thuyết đúng như truyền thống của Đường thi nhưng lãnh vực phản ánh của ông rộng hơn và mức độ phản ánh sâu sắc hơn. Âm nhạc đó hoá giải được tính chất đấu tranh gay gắt, phức tạp của bản chất truyện võ hiệp. Nó làm nên cái hồn tính lãng mạn cho tiểu thuyết võ hiệp, đem lại chất hài hước vui nhộn cho tiểu thuyết võ hiệp. Nói là âm nhạc, nhưng nó chính là võ công, là công phu, là y đạo, và đồng thời là phương thức biểu lộ tình yêu. Ngay chính trong cách dung nạp này, Kim Dung đã chứng tỏ được rằng ông là bậc thầy trong kỹ thuật viết tiểu thuyết. Đọc Kim Dung là lắng nghe chất âm nhạc trong tiểu thuyết của Kim Dung, nhờ âm nhạc, người ta thấy được niềm tin, dù trong đau thương hay trong hạnh phúc.




No comments:

Post a Comment