Trang

Sunday, October 13, 2013

Luận về chuyện ghen tuông trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Ghen (jalousie) là một tình cảm tự nhiên của con người, đặc biệt là ở phụ nữ. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, tuy trọng tâm phản ánh về những sinh hoạt võ lâm, cũng đã có những nhân vật ghen tuông, tình huống ghen tuông thú vị. Nhận định về tình yêu trong tiểu thuyết võ hiệp của ông mà không nhận định về cái ghen quả thật là một thiếu sót.


Một cách khái quát, Kim Dung dùng khái niệm rất cụ thể để nói về cái ghen. Ghe được gọi là “bình giấm chua” hoặc “ghè tương”. Còn cái binh giấm chua và ghe tương đó đổ bể trong tình huống nào, đổ bể ở đâu thì lại là chuyện khác.

Ở mức độ sơ cấp, người phụ nữ bày tỏ lòng ghen tuông một cách nhẹ nhàng, đôi khi không khỏi khiến độc giả buồn cười, thương hại. Đó là trường hợp Á bà bà (bà già câm) (Tiếu ngạo giang hồ). Ở tuổi đôi mươi, bà đã xuất gia đi tu và là một nữ ni xinh đẹp. Có một chàng đồ tể cảm mến sác đẹp đó, cứ theo tán tỉnh hoài. Và hắn cũng cạo đầu đi tu, tự đặt pháp hiệu cho mình là Bất Giới hoà thượng. Hắn cho rằng “chỉ có ông sư mới có thể yêu bà vãi” (?) Họ thành vợ chồng và sinh ra cô con gái xinh đẹp là Nghi Lâm. Một lần, Bất Giới nhìn thấy Ninh Trung Tắc, vợ Nhạc Bất Quần. Ông ta lỡ miệng khen Ninh Trung Tắc đẹp, thế là Á bà bà nổi cơn ghen vì “đã có vợ rồi, sao lại còn khen kẻ khác đẹp?”. Bà ta bỏ luôn Bất Giới, vào phái Hằng Sơn giả làm mụ già câm điếc, chuyên việc quét chùa, lau tượng trong 18 năm, báo hại Bất Giới đi tìm muốn chết!

Ở mức độ trung cấp, cái ghen bắt đầu có “bài bản” hơn. Đó là trường hợp ghen của Mai Phương Cô (Hiệp khách hành). Mai Phương Cô thầm yêu trộm nhớ Thạch Thanh nhưng Thạch Thanh chỉ yêu và cưới Mẫn Nhu. Họ sinh được hai đứa con trai song sinh: Thạch Trung Ngọc và Thạch Phá Thiên. Thạch Phá Thiên mới 6 tháng tuổi thì... mất tích. Ai bắt? Chính là Mai Phương Cô. Nàng đem cậu bé về hoang sơn dã lĩnh ở Triết Giang nuôi nấng, đặt tên cho bé là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống) để mỗi khi lòng ghen tuông với hạnh phúc của Mẫn Nhu nổi lên, nàng kêu mấy tiếng “cẩu tạp chủng” cho đỡ buồn!

Cẩu Tạp Chủng lớn lên, thành một chàng trai tuấn tú, hiền lành nhưng hoàn toàn dốt nát. Nhưng chính nhờ đó mà chàng trở thành một con người đệ nhất võ công đắc thủ được trong bài thơ Hiệp khách hành, khác xa người anh ruột dâm ác và tàn bạo Thạch Trung Ngọc. Hiệp khách hàng - một bài thơ danh tiếng của Lý Bạch, đi vào tiểu thuyết Kim Dung, trở thành một tác phẩm tiểu thuyết ca ngợi lòng dũng cảm, đức hy sinh và tâm hồn trung hậu của chàng trai Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên.



Ở mức độ cao cấp, cái ghen được Kim Dung nâng lên thành những âm mưu, thủ đoạn cao cường. Đó là cái ghen của Chu Chỉ Nhược, chưởng môn phái Nga Mi (Ỷ thiên Đồ long ký). Ở trên đảo hoang, để độc chiếm kiếm Ỷ thiên và đao Đồ long, cô đánh thuốc mê cho mọi người, lấy kiếm rạch mặt và giết Hân Ly, trói Triệu Minh và bỏ lên một con thuyền thả lênh đênh, mưu đồ để Triệu Minh chết đói vừa đổ vạ cho nàng. Trở về trung Nguyên, Chu Chỉ Nhược lập tức tiến hành hôn với Trương Vô Kỵ nhưng lại bị Triệu Minh phá ngang, làm Trương Vô Kỵ bỏ hôn lễ và chạy theo Triệu Minh để tìm nghĩa phụ tạ Tốn. Chu Chỉ Nhược vừa thẹn, vừa sợ bại lộ âm mưu, đã sử dụng một chiêu ác độc nhất trong Cửu âm bạch cốt trảo, định đánh vỡ sọ Triệu Minh để bịt đầu mối. Tuy nhiên Triệu Minh chỉ bị thương, và nhờ vết thương đó, Trương Vô Kỵ mới dần hiểu được rằng Chu Chỉ Nhược là người đánh cắp kiếm Ỷ thiên và đao Đồ long, luyện thành Cửu âm bạch cốt trảo giấu trong thân kiếm, bắt cóc cha nuôi của mình là Tạ Tốn và là người giết Hân Ly.

Cái ghen tuông không chỉ có trong những bậc nữ lưu bình thường. Cái ghen trong bậc nữ lưu quý tộc còn ghê gớm hơn. Đó là trường hợp của Đao Bạch Phụng, người tộc Bãi Di, vợ Đoàn Chính Thuần. Thân là Vương phi nước Đại Lý, giận chồng lăng nhăng, đã đem tấm thân ngàn vàng cho gã ăn mày dơ dái ân ái... “Mối tình” chớp nhoáng đó đã sinh ra vương tử Đoàn Dự, danh nghĩa là con Đoàn Chính Thuần nhưng huyết thống là con Đoàn Diên Khánh. Vương phu nhân, gốc người tộc Đảng Hạng (Tiên Ty), còn ghen ghê gớm hơn. Giận Đoàn Chính Thuần, hễ ai họ Đoàn nước Đại Lý lọt vào sơn trang của bà là bà ra lệnh giết để làm phân bón hoa.

Tuy nhiên, cái hay của Kim Dung là không biến những tình huống ghen tuông trong tác phẩm của mình trở thành những vụ án hình sự có nhà tan, người chết. Những nhân vật của ông chỉ ghen như một cách bày tỏ thái độ, chẳng có ai chết cả. Hên ly vẫn không chết do nhát kiếm của Chu Chỉ Nhược, thậm chí, nhờ đó mà độc tính của Thiên châu tuyệt hộ thủ theo máu thoát ra ngoài và cô... sống lại.

Đứng trên quan điểm hôn nhân của chế độ phong kiến, Kim Dung cho phép những nhân vật nam của mình có nhiều vợ, nhiều tình nhân. Đoàn Chính Thuần có một vợ và... 5 tình nhân (có kể lại!); Vi Tiểu Bảo có... 7 vợ và một tình nhân. Tuy nhiên, Kim Dung cũng đã để cho những nhân vật nữ của mình đấu tranh chống lại quan điểm đa thê sai trái đó. Một cách tích cực, ghen tuông được coi là một cách thể hiện phản ứng chế độ đa thê. Những Á bà bà, Đao Bạch Phụng... là những con người đã phản ứng như vậy.

Quả thật đáng buồn nếu có những nhân vật (và ngay cả những người thật) không biết yêu và cũng chẳng biết ghen. trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, người ta yêu tha thiết nhưng ghen tuông cũng cháy chòi lá! Rõ ràng, tuy lấy bối cảnh là xã hội phong kiến Trung Quốc nhưng tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung lại đi sát cuộc đời bởi vì tâm tình trong đó là tâm tình của xã hội phương Đông thời hiện đại.

No comments:

Post a Comment