Trang

Thursday, October 17, 2013

Những vụ án oan trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Án oan thì bao giờ chẳng có. Ngay trong những xã hội có nền pháp luật tiên tiến nhất, với sự giúp đỡ của những phương tiện điều tra tinh vi nhất, vẫn có những kết luận sai lầm của người chấp pháp, tạo ra những vụ án oan, huống chi trong tiểu thuyết. Khi viết tiểu thuyết, nhà văn Kim Dung đã khẳng định rằng: "Tiểu thuyết là viết cho con người hiện đại đọc. Kể cả tôi cũng là con người hiện đại". Điều đó có nghĩa là dù lấy bối cảnh là những triều đại lịch sử Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhưng tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chủ yếu là phản ánh về xã hội Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là những vụ án oan. Có lẽ Kim Dung đau niềm đau của hàng triệu người Trung Hoa trước những oan khuất mà họ phải gánh chịu những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Kim Dung xây dựng bộ Liên thành quyết trên nền tảng câu chuyện oan ức có thật của Hoà Sinh, một lão bộc trong gia đình tác giả, đã từng cõng tác giả đi học. Thuở đôi mươi, Hoà Sinh đi làm mướn trong một gia đình địa chủ ở huyện Đơn Dương, tỉnh Giang Tô. Anh đã từng hứa hôn với một cô gái quê xinh đẹp. Thế nhưng, con của gã địa chủ cũng đem lòng yêu cô gái và hắn quyết tâm chiếm cho được cô gái đó. Trong một đêm cận Tết, khi Hoà Sinh đang giã bột thì nghe thấy tiếng người hô bắt trộm. Hoà Sinh chạy tới tiếp ứng nhưng khi đến nơi thì anh bị đám gia đinh chận đánh túi bụi, vu cáo anh là đồng đảng bọn trộm. Lưng anh bị đánh gãy. Người nhà của gã địa chủ còn tìm ra nhiều vàng bạc giấu gần cối xay. Anh bị giải lên quan, kêu oan không nổi, đành phải nhận tội ăn trộm. Ở tù hai năm, anh mới hay cô gái xinh đẹp đã trở thành vợ lẽ của con trai gã địa chủ.

Khi ông nội của Kim Dung về làm huyện lệnh chính đường Đơn Dương, ông cho tra cứu lại các vụ hình án, thấy được sự oan khuất của Hoà Sinh bèn thả Hoà Sinh ra. Hoà Sinh xin vào làm người giúp việc trong nhà Kim Dung và kể cho Kim Dung nghe vụ án oan của mình. Xúc động từ nỗi oan của Hoà Sinh, năm 40 tuổi, Kim Dung viết bộ Liên thành quyết. Trong tác phẩm này, nhân vật Địch Vân thương yêu cô sư muội Thích Phương, con gái của sư phụ Thích Trường Phát. Bị cha con Vạn Chấn Sơn vu cáo, Địch Vân phải vào tù chịu một vụ án oan và Thích Phương trở thành vợ của Vạn Khuê, con trai Vạn Chấn Sơn. Địch Vân phải mang nỗi oan khuất đó suốt mười mấy năm, cho đến khi Thích Phương sắp chết, anh mới giải thích được cho cô nghe nỗi oan khuất của mình.

Có lẽ vụ án oan của Hoà Sinh tạo ra những ấn tượng lớn trong tâm hồn của Kim Dung cho nên trong bất kỳ bộ tiểu thuyết nào, ông cũng xây dựng những tình huống oan khuất và cho nhân vật trung tâm của mình phải gánh chịu những oan khuất đó. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, nhân vật Trương Vô Kỵ 20 tuổi, giáo chủ của Minh giáo Trung Hoa, con trai của Trương Thuý Sơn - đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong phái Võ Đang, bị nghi oan là giết vị sư thúc Mạc Thanh Cốc. Sở dĩ phái Võ Đang nghi oan Trương Vô Kỵ bởi vì anh là giáo chủ Minh giáo, đạo phái mà Võ Đang gọi là Ma giáo, và bởi vì bạn của anh là Triệu Mẫn, quận chúa Mông Cổ, kẻ thù lớn của nhất của võ lâm Trung Hoa và phái Võ Đang. Người đệ tử thứ hai của phái Võ Đang là Du Liên Châu căn cứ vào câu di chúc viết bằng máu của Mạc Thanh Cốc: "Môn hộ hữu biến, kích tu thanh lý" và cho rằng Mạc Thanh Côc ám chỉ Trương Vô Kỵ. Chàng trở thành kẻ thù của phái Võ Đang. Những bước thăng trầm của Trương Vô Kỵ khiến người đọc phải hồi hộp, lo lắng hộ chàng. Chỉ đến khi Trương Vô Kỵ điểm huyệt được bọn Du Liên Châu, tạo điều kiện cho những đệ tử phái Võ Đang nghe được chính miệng của Tống Thanh Thư, con trai của đại đệ tử Tống Viễn Kiều, kể lại thủ đoạn hắn học võ của phái Nga mi và giết sư thúc Mạc Thanh Cốc trong trường hợp nào thì các đệ tử của phái Võ Đang mới hết nghi ngờ Trương Vô Kỵ và nỗi oan của anh mới được rửa sạch.

Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ cũng là một trường hợp hàm oan trầm trọng, và chỉ có cơ may của số phận mới cứu được mạng sống của anh. Lệnh Hồ Xung bị sư phụ Nhạc Bất Quần vu cáo là ăn cắp bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm ở Phúc Châu, giết bạn đồng môn là Lục Đại Hữu, kết giao với bọn Ma giáo là dâm tặc Điền Bá Quang. Nhạc Bất Quần còn gởi thông báo tới các môn phái báo tin đã đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi phái Hoa Sơn và nhờ các hào sĩ giang hồ ra tay giết hộ tên phản đồ Lệnh Hồ Xung. Sự thực thế nào? Chính Nhạc Bất Quần đã chiếm đoạt bộ Tịch tà kiếm phổ; Lao Đức Nặc giết hại Lục Đại Hữu; mối giao tình giữa Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang chỉ là sự khâm phục phẩm chất thẳng thắn, khâm phục trình độ uống rượu mà thôi. Nhạc Bất Quần trút lên đầu Lệnh Hồ Xung nỗi oan khuất to lớn đó với mục đích duy nhất là nhờ giang hồ hảo hán giết tên đại đệ tử hộ mình để lão yên tâm luyện Tịch tà kiếm pháp, leo lên đại vị minh chủ võ lâm Trung Hoa.

Kiều Phong trong Thiên long bát bộ mới là trường hợp bi đát nhất. Ông vấn là người Khất Đan bị đưa về Trung Quốc từ thủa mới nằm nôi, lớn lên ở Trung Quốc và trở thành bang chủ Cái bang, một tổ chứ yêu nước và tích cực chống Khất Đan. Một bọn đệ tử Cái bang phản loạn đã công bố lý lịch của Kiều Phong; ông mất ngôi Bang chủ, trở thành kẻ thù của quần hùng Trung Quốc. Ông bị vu cáo là bọn Khất Đan nằm chờ cơ hội dâng Trung Hoa cho đế quốc Khất Đan. Đau sót vì trời đất Trung Hoa mênh mông mà không thể tìm ra một nơi để sống, Kiều Phong ra ngoài Nhạn Môn quan, mong sống cuộc đời du mục săn chồn đuổi thỏ, sám hối những hành động chống Khất Đan của mình ngày xưa. Nhưng cơ duyên đã đưa đẩy ông cứu được Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Đại Liêu. Hồng Cơ phong ông làm Nam viện Đại vương và ra lệnh cho ông đem 20 vạn quân tiến qua Nhạn Môn Quan, đánh thẳng xuống Lạc Dương tiêu diệt Tống triều. Kiều Phong nghĩ đến chuyện trăm họ lầm than,nghĩ đến miếng cơm manh áo người Trung Hoa đã nuôi mình nên người, ông chống lại lệnh hành quân. Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh bắt nhốt ông, chụp cho ông chiếc mũ "tư thông với Hán tặc, phản bội Liêu quốc." Con người ngay thẳng, nhân hậu ấy cuối cùng phải tìm một khát vọng tự do bi thảm: bẻ gãy mũi tên chó sói, tự tử ngay Nhạn Môn Quan, sau khi đã xin Gia Luật Hồng Cơ một lời hữa vĩnh viễn không xâm lăng Trung Hoa. Cái chết đó đồng thời cũng là một lời tạ tội với Hồng Cơ và hàng triệu đồng bào Khất Đan của mình.

Thạch Phá Thiên trong Hiệp khách hành bị vu cáo là kẻ gây ra những vụ án cưỡng dâm, giết người ở phái Tuyết Sơn vì tướng mạo của chàng giống như đúc người anh ruột của mình là Thạch Trung Ngọc; Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện bị các thầy của mình nghi ngờ là Hán gian làm gián điệp cho quân Mông Cổ; Dương Qua trong Thần điêu hiệp lũ bị vu oan là kẻ bắt cóc em bé Quách Tương, thoả hiệp với giặc Nguyên xâm lược...

Những nhân vật của Kim Dung đã trải qua thiên ma bách chiết mới được minh oan, rửa sạch nỗi nhục, lấy lại phẩm giá tươi đẹp của con người.

Kim Dung xây dựng những vụ án oan với một bút pháp tinh tế, một kỹ thuật tiểu thuyết sâu sắc. Ông dựng lên những hiện trường giả, những hồ sơ giả, những suy đoán thoạt nghe thì rất hợp lý nhưng thực sự rất phi luận lý, tạo điều kiện cho những nhân vật phản diện giết oan một con người. Tất nhiên bọn họ cũng nhân danh pháp luật quốc gia, chủ nghĩa Hán tộc, đạo lý làm người, tinh thần yêu nước...Rồi tác giả lật ngượclại vấn đề, chứng minh cho độc giả thấy toàn bộ các dữ kiện ấy chỉ là nguỵ tạo nên để những nhân vật chính quân tử của ông sáng lên rực rỡ giữa những kẻ đạo đức giả . Rồi đúng như mô thức tiểu thuyết phương Đông, cái hậu ngọt ngào đến ở cuối tác phẩm: Địch Vân trở về với tình yêu của Thủy Sinh; Trương Vô Kỵ kẻ lông mày cho Triệu Mẫn; Lệnh Hồ Xung "Tiếu ngạo giang hồ" với Nhậm Doanh Doanh; Thạch Phá Thiên trở về với A Tú... Chỉ có Kiều Phong để lại giọt lệ vĩnh viễn trong lòng người: xác ông vùi sâu dưới Nhạn Môn Quan, dù nỗi oan khuất đã được rửa sạch.

No comments:

Post a Comment