Trang

Friday, October 4, 2013

Tên những môn phái, bang hội trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung


Chùa Thiếu Lâm

Trong các tác phẩm võ hiệp Kim Dung có tới hàng chục môn phái, bang hội. Có những môn phải được đề cập trong một tác phẩm duy nhất. Nhưng phần lớn dều được nhắc lại nhiều lần trong nhiều tác phẩm.


Ghi chú: Đây chỉ là bài viết mang tính khái quát, không đủ 100%. Các fan tìm đọc nhiều hơn trong mục Bang phái, môn hội.

Cần lưu ý là truyện kiếm hiệp Kim Dung thuộc thể loại tiểu thuyết, nghĩa là có sự hư cấu, tưởng tượng. Vì vậy, những giáo phái được đề cập trong tiểu thuyết không nghĩa là có thật. Hoặc có thể đó là giáo phái có thật ngoài đời, thì cũng không có nghĩa là hoàn toàn giống nhau giữa tiểu thuyết và ngoài đời. Chính vì vậy, chúng ta không nên thắc mắc là vì sao khi đọc về giáo phái Thiếu Lâm trên sách báo, thì lại thấy có những thông tin khác/mẫu thuẫn trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu hay Tiếu ngạo giang hồ.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, các môn phái bang hội được chia là phe chánh - tà một cách rõ ràng. Chánh phái (chính phái) dùng để chỉ những môn phái "tốt", đạo nghĩa. Ngược lại, tà giáo (hắc đạo) dùng để chỉ những môn phái xấu, tà ma ngoại đạo ...

Tuy nhiên, thực ra cũng không có lằn ranh rõ ràng thế nào là chính, thế nào là tà. Theo chúng tôi sự phân biệt như vậy chỉ là mang tính quy ước, giống như một bên là kẻ xấu, một bên là người tốt. Hoàn toàn không có nghĩa cứ ai thuộc tà giáo thì hoàn toàn xấu, còn ai thuộc chính phái thì hoàn toàn tốt.

Những bang, phái được xem là mạnh, lớn gồm: Thiếu Lâm, Cái Bang (mệnh danh là Thái Sơn và Bắc Đẩu trong võ lâm) và Minh Giáo. Tuy nhiên, những phái như Hoa Sơn, Nga My ... cũng được xem là lớn.

Cũng có những môn phái rất nhỏ, chỉ vài người - như phái Cổ Mộ.

Ngoài ra, lại có những cá nhân võ lâm tuy rất giỏi võ công nhưng có thể là thành viên của cùng lúc nhiều môn phái hoặc không theo môn phái nào cả.

Dưới đây là tên một số môn phái, bang hội thường gặp nhất trong các tác phẩm của Kim Dung (được xếp một cách ngẫu nhiên):

Thiếu Lâm
Cái Bang
Võ Đang
Côn Luân
Nga Mi
Toàn Chân
Minh Giáo
Cổ Mộ
Thanh Thành
Tiêu Dao
Tinh Tú
Vô Lượng
Không động


Ngũ Nhạc kiếm phái bao gồm:

Tung Sơn
Thái Sơn
Hoa Sơn
Hành Sơn
Hằng Sơn

Đại Lý Đoàn Thị
Điểm Thương

---------------------------

Dưới đây là phần thông tin mở rộng:

1. Thiếu Lâm

Phái Thiếu Lâm được nhắc tới trong hầu hết các tiểu thuyết của Kim Dung, đặc biệt là trong Tiếu ngạo giang hồ. Đây là một môn phái có thật ngoài đời và rất nổi tiếng, có lịch sử lâu dài hàng ngàn năm.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, Thiếu Lâm luôn được xem là môn phái lớn nhất với nhiều cao thủ, được coi là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Thiếu Lâm ở giai đoạn này được lãnh đạo bởi các nhà sư với tên được gắn với chữ Phương.

Phương Chấn đại sư  

Là chưởng môn phái Thiếu Lâm, trụ trì Thiếu Lâm tự. Phương Chấn là một hòa thượng nhân từ, luyện Dịch cân kinh, Thiên thủ Như Lai chưởng đến độ xuất thần nhập hóa. Ông nhanh chóng nhận ra con người thật của chàng trai Lệnh Hồ Xung, và bộ mặt thật đầy gian trá của Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần...

Khi Lệnh Hồ Xung được Doanh Doanh cõng lên chùa Thiếu Lâm trong tình trạng suy kiệt sắp chết, và biết Nhạc Bất Quần đã đuổi chàng ra khỏi sư môn, ông đã nhận lời truyền thụ Dịch cân kinh cho chàng với điều kiện chàng chịu gia nhập phái Thiếu Lâm, nhưng Lệnh Hồ Xung không đồng ý. Khi Lệnh Hồ Xung lên chức vụ chưởng môn phái Hằng Sơn, ông đã cùng Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang hết lòng ủng hộ, mong chàng, đề nghị Lệnh Hồ Xung đoạt chức chưởng môn phái Ngũ Nhạc phái, để tránh cho chức này rơi vào tay những kẻ như Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền.

Khi Nhậm Ngã Hành công khai đòi tiêu diệt Hằng Sơn, ông đã không ngần ngại đem Dịch cân kinh truyền thụ cho chàng, tôn chàng làm minh chủ để chống lại cuộc chiến này.

Phương Sinh đại sư 

Là sư đệ của Phương Chấn, từng bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại, vì thế nhận ra chàng là truyền nhân đích thực của Phong Thanh Dương (ông từng được Phong Thanh Dương cứu giúp và rất kính trọng Phong Thanh Dương) vì thế hết lòng kính trọng Lệnh Hồ Xung, mong chàng gia nhập phái này. Phương Sinh tính tình cũng nhân hậu và rất ủng hộ Lệnh Hồ Xung.  - đây là môn phái của chùa Thiếu Lâm, gồm các nhà sư. Thiếu Lâm được xem là môn phái hùng mạnh bậc nhất, võ công cao cường

-----------------

2. Cái Bang

Đây là môn phái của những người ăn mày. Lịch sử Cái Bang có thể nói là từ rất lâu đời, danh xưng “Thiên Hạ Đệ Nhất Bang” không phải tự nhiên mà có. Nhờ tinh thần quật cường và nhân số đông đảo, phái này luôn chiếm một vị trí đáng kể trong võ lâm Trung Nguyên. Danh tiếng trên Giang hồ của Cái Bang lừng lẫy hàng trăm năm, nhân tài Ngọa hổ tàng long, thời nào cũng có. Trong bốn bể Đông Tây Nam Bắc, nơi nào có ăn xin, nơi đó có Cái Bang. Những đệ tử trong bang thương yêu giúp đỡ nhau, chia sẻ mọi thứ, tạo nên một khối thống nhất luôn theo phò Chính nghĩa.

Cái Bang có rất đông hội viên, thường khoảng trên dưới vài chục vạn người, thanh thế cực kì to lớn.

Các đệ tử Cái Bang thường được chia theo đẳng cấp, mới gia nhập là cấp 1, đệ tử 1 túi rồi từ từ theo công lao và thời gian mà thăng cấp từ từ lên 2 , 3 , 4 … Cao nhất là các trưởng lão 8, 9 túi rồi trên nữa là Phó Bang Chủ và Bang Chủ. Bang Chủ Cái Bang rất được quần hào trọng vọng vì là người nắm trong tay sinh mệnh của hàng vạn đệ tử. Người có thể chi phối hầu hết các lực lượng võ lâm chính phái cùng với phái Thiếu Lâm là lãnh tụ võ lâm Trung Nguyên. Một bên được ví với Thái Sơn, còn 1 bên là Bắc Đẩu của võ lâm.

Cái Bang tôn vinh chữ “nghĩa” và giúp người khó khăn, là môn phái gần gũi với dân nghèo. Trong vô số những môn phái của giang hồ thì Cái Bang là môn phái có thế mạnh về tin tức nhất. Tất cả thu nhập của Cái Bang đều dựa vào việc xin ăn. Nhưng việc xin ăn này không phải là do bất hạnh hay vì miếng ăn đơn thuần. Mục đích xin ăn của Cái Bang là kết bạn và cuối cùng là ra tay nghĩa hiệp.

Các đệ tử của Cái Bang có quyền học võ của bất kì môn phái nào, hay có thể được Bang Chủ truyền dạy võ công. Nhưng Cái Bang có hai môn Thần Công trấn phái là Hàng Long Thập Bát Chưởng cùng Đả Cẩu Bổng Pháp. Hai môn võ này được truyền tụng đời đời, các Bang Chủ chấp chưởng đại quyền đều phải biết 2 môn công phu này. Hàng Long chưởng có thể không biết nhưng nhất định phải thông thạo 36 chiêu Đả Cẩu Bổng. Suốt các đời Bang chủ luôn phải lãnh đạo Bang chúng hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổ phò nguy đối phó ngoại xâm nội phản chống lại các thế lực ác độc của võ lâm.

Về lịch sử Cái bang, theo lời kể của Hồng Thất Công, khoảng vào thời Đường sau khi Thiếu Lâm khai môn lập phái, vị Tổ Sư mở bang sáng lập bang phái cùng với 18 chiêu Hàng Long chưởng. Còn Đả cẩu Bổng pháp thì chưa được hoàn thiện , truyền qua từng đời thì tới đời thứ 3 vị Bang chủ này thêm vào thành 36 chiêu Đả Cẩu Bổng hoàn chỉnh …Truyền qua nhiều đời, thời cực thịnh của Cái Bang có thể là từ lúc Tiêu Phong tiếp nhiệm Cái Bang. Ông là vị Bang Chủ được đánh giá là tài ba nhất của Cái Bang với bao nhiêu công trạng to lớn lập được cho võ lâm Trung Nguyên và triều đình Đại Tống.

Lực lượng Cái Bang lúc đó khoảng hơn 60 vạn người, tiếc thay anh hùng thường bị trời ghen ghét. Nên Tiêu Phong đoản mạng, lập tức Cái Bang như rắn mất đầu chẳng còn oai phong như khi xưa. Mãi tới khi Hồng Thất Công nắm quyền mới có thể khôi phục phần nào uy danh lừng lẫy của Bang phái năm xưa.

Sau Hồng Thất Công là Hoàng Dung, vị Bang chủ nữ đầu tiên của Cái Bang từ khi mở bang (người thứ hai là Sử Hồng Thạch), cũng đã lập nhiều đại công tạo dựng lại thanh thế cho Cái Bang trên giang hồ. Rồi Lỗ Hữu Cước , Gia Luật Tề thay nhau tiếp nhiệm …

Các Bang Chủ Cái Bang qua các thời kì :
- Uông Kiếm Thông: Bang chủ đời thứ 16
- Tiêu Phong: Bang chủ đời thứ 17
- Hồng Thất Công: Bang chủ đời thứ 18
- Hoàng Dung: Bang chủ nữ duy nhất, đời thứ 19
- Lỗ Hữu Cước: Bang chủ đời thứ 20
- Gia Luật Tề: Bang chủ đời thứ 21

Sau đó còn 2 vị là Sử Hoả Long, Giải Phong ( trong Tiếu Ngạo Giang Hồ ): không rõ đời thứ bao nhiêu …

Sơ đồ tổ chức của Cái bang: Đứng đầu là Bang chủ. Bang chủ lấy bốn biển làm nhà, ngao du đây đó, không cố định một nơi. Tuy nhiên, vào mỗi đầu tháng phải đến Hồ Động Đình để họp cùng gặp các trưởng lão trong bang, xử lý những công việc quan trọng. Bang chủ Cái Bang võ công xuất chúng, lại ngày đây mai đó, nên hành hiệp trượng nghĩa khắp nơi. Dưới bang chủ là các Trưởng Lão. Ví dụ như truyền công trưởng lão (dạy võ công), chấp pháp trưởng lão, chưởng côn trưởng lão v.v…. Nhiệm vụ là giúp đỡ bang chủ xử lý công việc trong bang. Đảm đương chức vụ trưởng lão, phải là đệ tử 9 túi.

Kế đến, đó là đệ tử 8 túi. Giữ cương vị hộ pháp trong bang. Thường gồm có 5 người, xưng là Ngũ Đại Hộ Pháp, gồm : Đông Đàng Hộ Pháp, Tây Đàng Hộ Pháp, Nam Đàng Hộ Pháp, Bắc Đàng Hộ Pháp, Trung Đàng Hộ Pháp. Nhiệm vụ của họ là phân công quản lý các phân đà ở 5 khu vực khác nhau của Trung Nguyên. Tiếp theo đó là đệ tử 7 túi, thường giữ chức vụ trưởng phân đà ở 1 thành thị nào đó, kế đến là dệ tự sáu túi, năm túi, bốn túi, ba túi, hai túi, một túi, và không có túi nào.

Về Võ công: Cái Bang là có tính thực dụng và thực tiễn cao. Võ công của Cái Bang chuyên đánh lạc hướng đối phương, nên thoạt nhìn nó có vẻ lén lút hèn hạ. Thế nhưng, ẩn bên trong nó là triết lý của những bậc thầy không màng tới thế sự. Võ công Cái Bang không ảo diệu thâm thúy. Những chiêu thức lộ pháp nổi tiếng nhất là:

1. Cái Bang Chưởng Pháp: Cao thủ Cái bang càng đánh càng dồi dào sức lực, khi sinh mạnh lâm nguy võ công được phát huy tới mức tột đỉnh.Đệ tử Cái bang thiện chiến giáp lá cà, đồng thời né tránh đòn đánh gần rất lanh lẹ. Những kẻ ra đòn nặng với đệ tử Cái bang đều phải chuốc lấy phần thiệt. Họ càng ra nhiều đòn liên hoàn, công lực càng tăng lên gấp bội và có thể kết liễu kẻ địch từ xa. Đến khi nhận ra ý đồ của họ, kẻ địch tiến thoái lưỡng nan, chạy trốn không được mà chống cự cũng không nổi.

2. Hàng Long Thập Bát Chưởng: Còn gọi là Giáng Long Thập Bát Chưởng. Giáng Long Thập Bát Chưởng được xem là 1 trong 3 chiêu thức lợi hại nhất võ lâm, cùng sánh ngang với tuyệt kỹ võ học của Thiếu Lâm và Võ Đang.  Những cao thủ về môn chưởng pháp này có thể kể là Tiêu Phong, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh. Tiếc thay, từ sau thời Anh Hùng Xạ Điêu, vật đổi sao dời Hàng Long Chưởng cũng theo đó mà thất truyền cùng với sự suy vi của Cái Bang. Đến thời Gia Luật Tề thì chắc không học nổi toàn bộ, Quách đại hiệp đành phải gửi gắm hi vọng vào hậu thế trong thanh Ỷ Thiên kiếm… Nhớ lại sau này bang chủ Cái Bang Sử Hoả Long chỉ tập thành có 12 chiêu mà tiếc cho Tiêu Phong 1 thân anh hùng lại vùi thây nơi hiểm địa …

3. Đả Cẩu Bổng Pháp: Đây là môn võ công với tên gọi là dùng gậy đánh chó, nhưng lại được xem là bổng Pháp chí bảo trấn bang. Đả Cẩu Bổng Pháp gắn liền với cây Đả Cẩu Bổng danh lừng thiên hạ. Tương truyền tất cả các Bang Chủ Cái Bang khi tiếp nhiệm trọng trách đều được Bang Chủ tiền nhiệm dạy cho môn võ công thần diệu này. Nhưng có lẽ ít ai biết được hình dáng thực sự của cây Đả cẩu Bổng. Bởi nó dài 3 thước lẻ 7 phân, hình thẳng và làm bằng trúc xanh. Còn Đả Cẩu Bổng của Bang Chủ thì làm bằng Lục ngọ, có màu xanh như trúc vậy. Một cây gậy tầm thường như vậy nhưng lại có quyền lực tối cao, có thể sai khiến hàng vạn vạn Bang Chúng dưới quyền. Lộ đả cẩu Bổng Pháp gồm 36 chiêu chia theo 8 chữ khẩu quyết : buộc, đập, trói đâm, khều, dẫn, khoá, xoay.  Người có thể sử dụng thuần thục Đã Cẩu Bổng Pháp lại là nữ bang chủ duy nhất của Cái Bang, đồng thời cũng là bang chủ đời 19 của Cái Bang : Hoàng Dung.

-------------------------

3. Võ Đang 

Võ Đang là đạo giáo lớn trong võ lâm, nổi tiếng ngang với chùa Thiếu Lâm tung sơn của phật giáo, nên trên giang hồ có câu “Bắc tông thiếu lâm, Nam tông võ đang”.

Phái Võ Đang vinh nổi tiếng nhờ “Huyền thiên thượng đế” và Trương Tam Phong. Đệ tử phái Võ đang nghĩa hiệp nổi tiếng thiên hạ, giữa các đồng môn cực kỳ trọng nghĩa. Môn phái có nội công mạnh nhất.

Trương Tam Phong, hay còn gọi là Trương Chân Nhân, tên lúc nhỏ là Trương Quân Bảo, tổ tiên gốc ở Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây. Thuở nhỏ, ông theo học đạo Nho và đạo Lão. Từ nhỏ ông đã được mẹ gửi đi học võ tại chùa Thiếu Lâm. Nhưng trong thời gian học võ Trương Tam Phong đã có một số bất đồng với đồng môn nên đã bị đuổi khỏi Thiếu Lâm. Nhờ bản tính thông minh hơn người, nên Trương Tam Phong đã sử dụng võ công của Thiếu Lâm để tạo nên 1 loại võ công mới đó là Thái Cực Thần Công danh tiếng và xây dựng nên Võ Đang.

Tại thời điểm trong Tiếu ngạo giang hồ, Võ Đang từng xung đột với Nhật Nguyệt thần giáo, bị các trưởng lão của NNTG cướp mất cây thần kiếm truyền đời từ Trương Tam Phong dùng để luyện Thái cực kiếm.

Xung Hư đạo trưởng

Là một đạo sĩ đắc đạo, luyện Thái cực quyền, Thái cực kiếm đến độ xuất thần nhập hóa. Ông đã lặng lẽ theo dõi hành vi của chàng trai Lệnh Hồ Xung, và biết chàng thực sự là một đại trượng phu.

Khi Lệnh Hồ Xung dẫn quần hùng lên Thiếu Lâm tự cứu Nhậm Doanh Doanh, ông đã đóng giả một nông phu bình thường đấu kiếm với chàng. Lệnh Hồ Xung đã suýt bị bại trận dưới tay Xung Hư, buộc phải liều mạng để đánh vào chỗ sơ hở của Thái cực kiếm và dành chiến thắng. Xung Hư rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và rất ủng hộ chàng. Trong cuộc đấu ở Thiếu Lâm tự, Xung Hư đã nhận thua Lệnh Hồ Xung và khiến Nhậm Ngã Hành từ khâm phục một nửa con người tăng thành 3/4. Xung Hư đạo trưởng kết bạn thân với Phương Chứng và được coi là một trong những cao thủ số một lúc đó.

----------------------

4. Côn Luân

Môn phái này được nhắc tới trong nhiều tác phẩm của Kim Dung. Tuy nhiên vai trò khá mờ nhạt vì không có nhân vật nào thuộc phái này là chính.

Điểm mạnh võ thuật của Côn Luân là kiếm pháp.

Người nổi tiếng: Hà Túc Đạo ( ngoại hiệu Kiếm Thánh).

-----------------------
5. Nga Mi 

Nga Mi là một môn phái có thật ngoài đợi, đóng ở núi Nga Mi. Núi Nga Mi, cao 3.099 m, là một trong bốn ngọn núi danh thắng được gọi là Tứ đại Phật giáo danh sơn ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Đây cũng chính là ngọn núi xuất phát lịch sử võ thuật của một môn phái võ đã đi vào huyền thoại lịch sử võ thuật Trung Hoa.

Có nguồn tin nói rằng võ phái Nga Mi có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn, Hà Nam do các sư tăng của Thiếu Lâm đến núi Nga Mi hoằng dương Phật pháp vào khoảng từ triều nhà Đường và phát triển mạnh từ thời nhà Nguyên đến thời nhà Minh. Cho đến nay nguồn gốc của Nga Mi võ phái vẫn chưa có ai biết được sư tổ sáng lập ra môn võ này là ai, có lẽ đây là môn phái có nhiều người sáng tạo trải qua nhiều thế hệ do tính chất phong phú đa dạng và không nhất quán về đường lối kỹ pháp của nó nhất trong các phái võ miền Bắc Trung Hoa.

Theo tài liệu của Giáo sư Vũ Đức ghi rằng: "Vào thời vua Minh Tuyên Tôn (1426) tại núi Nga Mi, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, võ phái Nga Mi được sáng lập, do nữ sáng tổ Chu Tú Anh, xuất thân từ dòng họ Chu gia giỏi võ, danh tiếng nhiều đời, tại tỉnh Sơn Đông, Hoa Bắc. Thuở nhỏ, vì cha mất sớm, hai anh em Chu Đức Kiệt và Chu Tú Anh được chú ruột, Chu Đức Võ Thượng Nhân, nuôi dưỡng và truyền dạy võ nghệ rất cẩn thận".

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp, cụ thể là tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của nhà văn Kim Dung, nhân vật Trần Hữu Lượng lại nói rằng : Quách Tương ( con gái của đôi vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung) đã lập ra phái Nga Mi.

Có người cho rằng sự tồn tại của Nga Mi Võ Phái đã được nhà văn Kim Dung thổi phồng lên trong bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Theo đó, cho rằng võ lâm Trung Hoa có ba phái lớn là Thiếu Lâm, Võ Đang và Nga Mi, độc lập với nhau về mặt kỹ pháp và luyện công.

Nói chung theo tiểu thuyết, thì phái Nga My là phái của nữ giới. Những người giữ chức vụ quan trọng như chưởng môn phải là trinh nữ. ( Thể hiện qua dấu thủ cung sa ở cánh tay). Những chưởng môn của Nga My theo thứ tự là Quách Tương - Phong Lăng sư thái - Diệt Tuyệt sư thái - Chu Chỉ Nhược

Bốn câu thơ sau đây là nói về Nga My:

"Thủ như tam xuân dương liễu
Bộ như bãi phong Hà diệp
Xuất thủ tựa thiểm điện
Phát lực như lôi đình"

( Tay mềm như liễu xuân, 
Bước nhẹ như lá sen trong gió, 
Ra tay nhanh như ánh chớp, 
Mà lực mạnh tựa lôi đình).

--------------

6. Cổ Mộ 

Nhắc tới trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ. Được sáng lập bởi Lâm Triều Anh (người yêu giáo chủ Vương Trùng Dương của Toàn Chân Giáo). Sau đó truyền lại cho Tiểu Long Nữ.

Đặc điểm võ công: lòng hận thù vì tình yêu bị từ chối, Lâm Triều Anh sáng tạo ra các chiêu thức dùng kiếm dành cho nữ nhi chuyên khắc chế chiêu thức của Toàn Chân Giáo.

Chiêu thức võ thuật đặc trưng: Ngọc Nữ tâm kinh.

Những nhân vật quan trọng và nổi tiếng: Lâm Triều Anh, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Lý Mạc Sầu.

-----------------------------

7. Thanh Thành

Phái Thanh Thành là một môn phái trên núi Thanh Thành ở Tứ Xuyên, theo giáo lý đạo Giáo, đứng đầu lúc đó là Dư Thương Hải. Phái Thanh Thành nổi danh với môn Thôi Tâm chưởng.Ngòai ra còn có tuyệt kĩ "Vô ảnh ảo cước" và "Tùng Phong Kiếm pháp"

Dư Thương Hải 

Còn được gọi là Dư quán chủ (Dư Thương Hải tu đạo trên đạo quán Tùng Phong, núi Thanh Thành), có nhiều vợ, tì thiếp và có một con trai. Dư Thương Hải đã âm thầm tìm cách chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ, sai con trai đến Phúc Châu và vô tình bị Lâm Bình Chi giết. Y đã mượn cớ đó tàn sát toàn bộ Phước Oai tiêu cục, bắt vợ chồng Lâm Chấn Nam tra khảo để tìm ra Tịch tà kiếm pháp. Dư Thương Hải bản tính nhỏ nhen, thâm hiểm và đồi bại nên dù được coi là chính phái nhưng vẫn bị nhiều người khinh thường. Dư Thương Hải cuối cùng bị Lâm Bình Chi đánh bại một cách nhục nhã bằng chính Tịch Tà kiếm pháp, bị giết chết trong nỗi sợ hãi cùng với Mộc Cao Phong.

-------------------

Ngũ Nhạc kiếm phái 

Bao gồm 5 phái là: Tung Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn và Hằng Sơn - được nhắc đến trong Tiếu ngạo giang hồ và nhiều tác phẩm khác.

Ngũ nhạc kiếm phái  là một liên minh giữa 5 môn phái võ lớn nằm ở năm quả núi (mà người Trung Quốc gọi là Ngũ Nhạc gồm có Đông nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn mà tại thời điểm đó, chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền được tôn là minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái. Đặc điểm chung của Ngũ Nhạc kiếm phái là các môn phái đều lấy kiếm thuật làm môn võ học trung tâm. Ở gần cuối tiểu thuyết, Tả Lãnh Thiền thực hiện âm mưu thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất gọi là Ngũ Nhạc phái, nhưng lại bị Nhạc Bất Quần âm thầm đoạt chức vị chưởng môn.

8. Hoa Sơn

Phái Hoa Sơn có bản doanh nằm trên dãy Hoa Sơn của tỉnh Thiểm Tây nổi danh với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công. Phái Hoa Sơn có 2 trường phái tranh chấp nhau là phe kiếm tông lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm (mà điển hình là Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu, Bảo Bất Khí...), phe khí tông lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh. Hai phe phái này từng gây mâu thuẫn cực điểm trong quá khứ và gây một cuộc chém giết đẫm máu khiến cho các nhân tài phái Hoa Sơn bị tiêu diệt. Tại thời điểm hiện tại của câu chuyện, Hoa Sơn còn những nhân vật chính:

Lệnh Hồ Xung  

Là nhân vật chính của tiểu thuyết. Lệnh Hồ Xung vốn là đứa trẻ lang thang không gia đình, được vợ chồng chưởng môn Nhạc Bất Quần - Ninh Trung Tắc đem về nuôi nấng từ nhỏ và trở thành đại đệ tử của chưởng môn Nhạc Bất Quần. Lệnh Hồ Xung bản tính chính trực, ngay thẳng, thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại ham mê uống rượu, có lối sống lãng tử, thích tự do. Lệnh Hồ Xung xả thân cứu tiểu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn khỏi bàn tay của Điền Bá Quang, rồi vô tình phạm môn quy và cũng nhờ đó gặp kỳ duyên được thái sư thúc Phong Thanh Dương truyền cho kiếm thuật kì diệu Độc cô cửu kiếm và trở thành một tay kiếm thủ hầu như không có địch thủ.

Chàng lang thang giang hồ, kết bạn với đủ các thành phần từ tà đến chính, truyền bá khúc Tiếu ngạo giang hồ, được các hào sĩ giang hồ kính trọng. Lệnh Hồ Xung bị chính sư phụ của mình là Nhạc Bất Quần đổ oan là ăn cắp Tịch tà kiếm phổ, bị nhiều người hiểu lầm và bị trọng thương nặng gần chết. Trên đường lang thang giang hồ, chàng kết bạn với Nhậm Doanh Doanh và sau đó yêu nàng, cùng nàng cầm tiêu hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ, hóa giải những hiểu lầm, chém giết trong giới giang hồ đầy sóng gió, phá tan những âm mưu đen tối của giang hồ.

Lệnh Hồ Xung ban đầu yêu nàng Nhạc Linh San, nhưng sau khi nàng hờ hững với chàng, chàng đã thất tình không muốn sống, phiêu bạt giang hồ, vô tình kết duyên cùng Thánh cô Ma giáo Nhậm Doanh Doanh, và trở thành truyền nhân đắc ý của 2 bí kíp tối thượng: bí kíp kiếm thuật Độc cô cửu kiếm và khúc nhạc kỳ diệu Tiếu ngạo giang hồ. Trên quãng đường phiêu bạt giang hồ, Lệnh Hồ Xung đã sử dụng Độc cô cửu kiếm đánh bại hầu hết các cao thủ kiếm thuật, vô tình luyện thành môn Hấp tinh đại pháp, đồng thời cũng có duyên được truyền thụ bí kíp nội công thượng thừa của phái Thiếu Lâm là Dịch cân kinh.

Phong Thanh Dương  

Là thái sư thúc tổ của Lệnh Hồ Xung, hay sư thúc tổ của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Phong Thanh Dương được liệt vào hàng ngũ đại diện cho phái kiếm tông của phái Hoa Sơn, tính tình tự do, phóng khoáng, ghét các lề luật, quy củ giang hồ. Phong Thanh Dương là truyền nhân tiêu biểu của Độc cô cửu kiếm, đã đưa kiếm thuật thoát ra khỏi những hạn chế của kiếm tông (lấy chiêu số kiếm thuật làm căn bản), đồng thời là bạn vong niên của Lệnh Hồ Xung.

Phong Thanh Dương may mắn thoát khỏi kiếp nạn chém giết của phái Hoa Sơn, một mình giết 10 trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo nhờ kiếm thuật thần kỳ Độc cô cửu kiếm, ẩn cư ở hậu động trên đỉnh Ngọc nữ phong trên dãy Hoa Sơn. Duyên kỳ ngộ giữa Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung khiến ông đem toàn bộ bí quyết Độc cô cửu kiếm truyền cho Lệnh Hồ Xung, sau đó lặng lẽ ngấm ngầm giúp đỡ chàng rồi lại mất tích, như con thần long phiêu hốt, thấy đầu mà không thấy đuôi. Trong quá khứ, Phong Thanh Dương cũng là một chàng trai sôi nổi, tự do như Lệnh Hồ Xung, từng làm nhiều việc nghĩa hiệp, được những tiền bối võ lâm kính trọng (Phong Thanh Dương từng giúp đỡ phái Thiếu Lâm...).

Nhạc Bất Quần 

Là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, sư phụ của Lệnh Hồ Xung. Nhạc Bất Quần là đại diện tiêu biểu của phái Khí tông trong Hoa Sơn với môn Tử Hà thần công. Nhạc Bất Quần có ngoại hiệu là Quân tử kiếm, nhưng kỳ thực là một kẻ ngụy quân tử, miệng nói điều nhân nghĩa lễ trí tín nhưng kỳ thực thì ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn để chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ: dựng màn kịch để lừa Lâm Bình Chi vào phái Hoa Sơn, dùng con gái làm mồi nhử để độc chiếm Tịch tà kiếm phổ, đổ vạ lên đại đệ tử Lệnh Hồ Xung, ngấm ngầm hạ độc thủ giết hai vị sư thái phái Hằng Sơn, hại chết vợ, ham muốn quyền lực, thủ đoạn tàn nhẫn...

Nhạc Bất Quần dù đoạt được Tịch tà kiếm phổ, nhưng phải dẫn đao tự cung (tự hoạn mình) để luyện, đánh bại Tả Lãnh Thiền để đoạt chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái, nhưng cuối cùng vẫn phải bại trận dưới Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung, bị buộc uống Tam thi não thần đan, bị chết dưới tay ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn. Nhạc Bất Quần là đại diện tiêu biểu của những kẻ tiểu nhân, ngụy quân tử, tham vọng quyền lực chính trị.

---------------------

9. Hành Sơn

Phái Hành Sơn kiếm phái có bản doanh ở thành Hành Dương dưới chân dãy núi Hành Sơn của tỉnh Hồ Nam. Phái Hành Sơn nổi tiếng với các cao thủ kiếm thuật đều mê âm nhạc, những chiêu thức đều gắn liền với âm nhạc. Có hai nhân vật của phái Hành Sơn góp phần tạo nên những sóng gió của Tiếu ngạo giang hồ:

Mạc Đại tiên sinh 

Là chưởng môn nhân phái Hành Sơn, rất ít khi ra mặt. Ông có dáng người gày gò, ăn mặc rách rưới, lang thang như một người ăn xin. Mạc Đại tiên sinh mê âm nhạc, sử dụng cây hồ cầm, chuyên chơi bản Tiêu Tương dạ vũ (Đêm mưa trên bến Tiêu Tương) nên còn được gọi là Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Mạc Đại tiên sinh nổi tiếng với kiếm thuật thần kỳ, sử dụng cây liễu kiếm, được ca ngợi là cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh (trong đàn giấu kiếm, kiếm phát âm nhạc).

Mạc Đại tiên sinh bất đồng chính kiến về âm nhạc với sư đệ của mình là Lưu Chính Phong (bị người đời hiểu nhầm là ganh tị với sư đệ) và rất ít khi xuất hiện. Ông chỉ xuất hiện vài lần nhưng để lại những dấu ấn rất đặc sắc: ở đầu tiểu thuyết xuất hiện như một người ăn mày, dùng một đường kiếm cắt đứt bảy chén trà; xuất hiện trên núi Hành Sơn giết chết Đại tung dương thủ Phí Bân, cứu Lệnh Hồ Xung, Nghi lâm, Khúc Dương, Lưu Chính Phong, Khúc Yên Phi; sau đó lại biến mất, rồi lại xuất hiện trên bến sông Trường Giang bày tỏ cảm kích với Lệnh Hồ Xung, ra mặt ủng hộ mối tình của chàng với Nhậm Doanh Doanh, giục chàng đi cứu nàng, còn mình ngấm ngầm bảo vệ phái Hằng Sơn...

Cuối cùng, tưởng rằng ông bị sát hại trong hậu động trên núi Hoa Sơn bởi âm mưu của Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền, nhưng đám cưới của Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh sau đó lại nghe tiếng hồ cầm của ông vọng lại chúc mừng cho đôi tình nhân nên duyên phu phụ.

Lưu Chính Phong

Là sư đệ của Mạc Đại tiên sinh, cao thủ kiếm thuật và thổi tiêu của phái Hành Sơn. Lưu Chính Phong kết bạn tri kỷ với Khúc Dương qua tiếng đàn, cùng nhau tri giao sáng tác ra khúc Tiếu ngạo giang hồ, định rút lui ở ẩn khỏi giang hồ để cùng Khúc Dương ngao du chơi nhạc. Không ngờ Tả Lãnh Thiền âm mưu cản trở, giết chết cả nhà ông, hạ nhục danh dự.

Ông và Khúc Dương cùng chết trên núi Hành Dương, trước khi chết còn kịp cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ và sau đó nhờ Lệnh Hồ Xung truyền lại khúc nhạc này. Có thể nói, Lưu Chính Phong dù xuất hiện rất ngắn, nhưng là người đóng vai trò quan trọng trong bi kịch Tiếu ngạo giang hồ.

------------------------

10. Hằng Sơn 

Phái Hằng Sơn nằm trên dãy núi cao Hằng Sơn ở Hà Bắc, là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), khởi đầu bởi Hiểu Phong sư thái, đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia).

Định Nhàn sư thái 

Chưởng môn nhân phái Hằng Sơn: Trong ba người đứng đầu phái Hằng Sơn thì Định Nhàn đứng hàng thứ hai (sau Định Tĩnh). Bà là người hiền hòa, võ nghệ cao cường. Chính bà là người nhận ra con người thật tốt đẹp của Lệnh Hồ Xung và nhận ra âm mưu của Tả Lãnh Thiền. Bà cùng với Định Dật bị Nhạc Bất Quần sử dụng kim châm bắn chết tại Thiếu Lâm tự. Trước khi chết, bà đã nhường ngôi vị chưởng môn phái Hằng Sơn cho Lệnh Hồ Xung.

Định Dật sư thái  

Là người đứng thứ ba ở phái Hằng Sơn. Định Dật tính tình nóng nảy, ngay thẳng nhưng cũng rất nhân hậu. Bà là sư phụ của Nghi Lâm, ngay từ đầu đã lên án phản đối phái Tung Sơn ép buộc Lưu Chính Phong, không tán thành phái này tàn sát gia đình Lưu Chính Phong. Khi cùng với Định Nhàn sư thái lên Thiếu Lâm tự khẩn cầu phái Thiếu Lâm thả Nhậm Doanh Doanh, bà cùng với Định Nhàn đã bị Nhạc Bất Quần sát hại.

Định Tĩnh sư thái 

Là chị cả trong ba người đứng đầu phái Hằng Sơn, chỉ xuất hiện một lần ở Tây Hà lĩnh, khi dẫn đệ tử phái Hằng Sơn đến Phúc Kiến. Bà đã phản đối âm mưu của phái Tung Sơn, không theo lời phái Tung Sơn dụ dỗ nhằm hợp nhất (dù phái Tung Sơn từng dụ dỗ sẽ đưa bà lên làm chưởng môn). Định Tĩnh tính tình hiền hòa, đã từng khẩn cầu sư phụ mình đưa sư muội của mình là Định Nhàn làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Định Tĩnh bị tay chân của Tả Lãnh Thiền sát hại.

---------------------------

11. Tung Sơn 

Phái Tung Sơn nằm ở trên đỉnh Thái Thất thuộc dãy Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam (cùng với phái Thiếu Lâm trên đỉnh Thiếu Thất, đứng đầu là chưởng môn Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền đã thu nhận nhiều nhân vật từ cả các giới hắc bạch nhằm xây dựng lực lượng hùng hậu nên lúc đó phái Tung Sơn có nhiều cao thủ nhất.

Tả Lãnh Thiền  

Là chưởng môn phái Tung Sơn. Tả Lãnh Thiền là người có chí lớn, âm mưu thâu tóm Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất, rồi sau đó đánh chiếm các môn phái khác... Để thực hiện mong muốn, Tả Lãnh Thiền đã âm thầm thực hiện nhiều mưu kế, từ việc cài cắm gián điệp vào Hoa Sơn (cho đệ tử của mình là Lao Đức Nặc làm môn hạ của Nhạc Bất Quần), giả làm người của Nhật Nguyệt thần giáo ám hại phái Hằng Sơn để nhân lúc nguy nan ép phái này theo mình, tấn công phái Hoa Sơn, gây nội loạn trong phái Thái Sơn, tàn sát gia đình Lưu Chính Phong... Tã Lãnh Thiền đã dùng thủ đoạn đoạt lấy Tịch tà kiếm phổ, nhưng bị Nhạc Bất Quần tương kế tựu kế đưa cho bộ giả nên luyện sai, rốt cuộc bị Nhạc Bất Quần dùng kim châm đâm mù mắt, âm mưu bị phá sản. Cuối cùng, Tả Lãnh Thiền lại dùng kế nhốt quần hùng trong hậu động Hoa Sơn để nhân đêm tối ám hại, nhưng rốt cục vẫn bị Lệnh Hồ Xung sử dụng Độc cô cửu kiếm giết chết.

Các nhân vật khác: Đại Tung Dương Thủ Phí Bân, Lục Bách...

----------------------

12. Thái Sơn

Phái Thái Sơn nằm ở núi Thái Sơn, trung tâm của Đạo giáo, cũng là kiếm phái của những người theo đạo Giáo, phái này tự hủy diệt do sự sắp xếp của Tả Lãnh Thiền gây nên nội bộ tự giết lẫn nhau ngay trong đại hội võ lâm ở Phong Thiền đài.

Thiên Môn đạo nhân: Là chưởng môn phái Thái Sơn, xuất hiện không nhiều. Tại đại hội võ lâm ở Tung Sơn, Thiên môn đạo nhân đã bị sát hại (do chính âm mưu của Tả Lãnh Thiền), và dẫn đến việc phái Thái Sơn tan rã.

Các nhân vật khác: Ngọc Cơ Tử, Ngọc Khánh Tử...

---------------------

13. Đào Hoa đảo võ phái:

Được thành lập bởi đảo chủ Đông Tà Hoàng Dược Sư vào cuối thời Tống.

Đặc điểm võ công:

- Chiêu thức: Đàn chỉ thần công, Ngọc Anh thần kiếm, Ngọc Tiêu kiếm pháp, Phách Không chưởng.

- Người nổi tiếng: Đông Tà Hoàng Dược Sư, Hoàng Dung, Mai Siêu Phong ...

----------------------

14. Đại Lý Đoàn Thị

Hay còn gọi là Đoàn gia phái, Đoàn thị: Đây là môn phái do Đoàn Trí Hưng (Nam đế trong Võ lâm ngũ tuyệt) sáng lập khi bỏ chức vua (nước Đại Lý) đi tu.

Đặc điểm võ công: sử dụng các chiêu thức về điểm huyệt, chỉ công.

Chiêu thức: Nhất Dương Chỉ, Lục mạch thần kiếm.

Người nổi tiếng: Đoàn Trí Hưng, Đoàn Dự, ngư tiều canh độc ...

--------------------------

15. Toàn Chân

Do Vương Trùng Dương sáng lập. Sau khi Toàn Chân giáo tan ra, Trương Tam Phong lập ra phái Võ Đang (?)

-----------------

16. Minh Giáo

Trong tác phẩm Ỷ thiên đồ long ký. Xuất xứ từ Ba Tư, truyền sang TQ khoảng thời Đường.

Chiêu thức võ thuật nổi tiếng: Càn Khôn Đại Na Di.

Những nhân vật nổi tiếng: Trương Vô Kỵ (chưởng môn), Dương Tiêu, Chu Nguyên Chương, Thành Côn, Tạ Tốn...

--------------------------

17. Nhật Nguyệt thần giáo

Nhật Nguyệt thần giáo là một giáo phái lớn nhất thời điểm đó (có nhiều người cho rằng đây chính là Minh giáo, do chữ Nhật và chữ Nguyệt ghép thành chữ Minh trong chữ Hán, và giáo phái này cũng dùng những chức danh như Minh giáo, ví dụ như Quang Minh tả hữu sứ...). Bản dịch của Hàn Giang Nhạn gọi giáo phái này là Triêu Dương Thần Giáo. Giáo phái này đóng quân ở Hắc Mộc nhai, bị các môn phái khác coi là tà phái (gọi là Ma giáo). Nhưng đây cũng là phái tập hợp nhiều nhân tài, nhiều kỳ nhân dị sĩ. Bất kỳ ai khi theo giáo phái đều bị giáo chủ cho uống một viên thuốc gọi là Tam thi não thần đan để buộc phải phục tùng giáo chủ. Viên thuốc này chứa một con trùng, nếu ai bất phục sẽ bị con trùng chui ra, cắn vào óc khiến người đó chịu một cái chết khủng khiếp.

Nhậm Ngã Hành  

Ban đầu là giáo chủ Nhật nguyệt thần giáo, sau bị thuộc hạ của mình là Đông Phương Bất Bại ám hại và đoạt mất chức. Nhậm Ngã Hành bị giam dưới hắc lao đáy Tây Hồ, được canh giữ bởi Giang Nam tứ hữu. Nhậm Ngã Hành võ nghệ cao cường Hấp tinh đại pháp, chuyên đi hút công lực của người khác, kiếm thuật siêu đẳng (chỉ bị đánh bại bởi Phong Thanh Dương), tính tình kiêu ngạo, ngông cuồng. Nhờ mưu kế của Hướng Vấn Thiên, và sự trợ giúp vô ý của Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành đã tẩu thoát khỏi đại lao, quay lại chiếm đoạt lại ngôi giáo chủ. Sau khi giết chết đối thủ Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành lên ngôi giáo chủ, âm mưu thống nhất giang hồ, nhưng không ngờ bị chết đột ngột do sự xung đột từ chính những luồng chân khí mà ông ta hút từ các đối thủ. Cái chết của Nhậm Ngã Hành chính là nút mở, hóa giải những ân oán giang hồ và tạo nên hòa bình cho giang hồ ở cuối câu chuyện. Khi còn sống, Nhậm Ngã Hành luôn tự cao tự đại, cái tên của ông có nghĩa là Ta thích là ta làm.

Đông Phương Bất Bại  

Ban đầu là phó giáo chủ dưới quyền Nhậm Ngã Hành. Sau đó, Đông Phương Bất Bại đã đoạt chức giáo chủ, âm thầm luyện bí kíp Quỳ Hoa bảo điển, và buộc phải tự thiến mình để luyện công. Y trở thành một con người ái nam ái nữ, yêu chàng trai Dương Liên Đình, bỏ mặc việc của giáo phái. Đông Phương Bất Bại có võ công cao cường nhất (Lệnh Hồ Xung sử dụng Độc cô cửu kiếm cũng không đánh bại được), và chỉ chịu thất bại nhờ mưu kế của Nhậm Doanh Doanh. Đông Phương Bất Bại bị Nhậm Ngã Hành giết chết, trước khi chết vẫn cầu khẩn Nhậm Ngã Hành chăm sóc cho Dương Liên Đình nhưng không được chấp nhận.

Nhậm Doanh Doanh 

Là con gái của Nhậm Ngã Hành, sau này là người yêu của Lệnh Hồ Xung. Cô giỏi âm nhạc nên đã vô tình được truyền thụ khúc Tiếu ngạo giang hồ, cũng vô tình nhờ đó mà nhận ra con người đích thực của Lệnh Hồ Xung và đã ngay lập tức yêu chàng trai này. Do cô có ơn với nhiều giáo chúng Nhật Nguyệt thần giáo nên hầu hết đều tôn kính cô, gọi cô là Thánh cô và hết thảy đều sẵn sàng xả thân để trả ơn cô. Nhậm Doanh Doanh đã cõng Lệnh Hồ Xung bị bệnh sắp chết lên núi Thiếu Thất, chấp nhận hi sinh để phái Thiếu Lâm dùng Dịch cân kinh cứu chàng, còn mình thì tùy ý phái Thiếu Lâm xử trí (trước đó cô đã sát hại ba người phái Thiếu Lâm). Sau đó, phái Thiếu Lâm đã giam giữ cô, rồi lại thả khi có sự thỉnh cầu của Định Nhàn sư thái và Định Dật sư thái. Khi Nhậm Ngã Hành chết, cô lên thay chức giáo chủ, hóa giải mọi ân oán của Nhật Nguyệt thần giáo và các môn phái khác, tạo hòa bình cho giang hồ. Sau đó cô cùng Lệnh Hồ Xung kết duyên, chu du thiên hạ cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.

--------------------------------

Và một số môn phái khác như : Không động ...

CỐC HIỆP

No comments:

Post a Comment