Trang

Saturday, October 5, 2013

Thiên hạ ngũ tuyệt


(Vietkiemhiep) - Thiên hạ ngũ tuyệt là danh từ chỉ nhóm năm người có võ công giỏi nhất trong giới giang hồ võ lâm, là kết quả của các kỳ thi thố võ công gọi là Hoa Sơn luận kiếm - trong các tác phẩm của Kim Dung thời kỳ Xạ điêu tam bộ khúc ( Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ).

Ngoài tên gọi Thiên hạ ngũ tuyệt, còn có các tên khác là Càn khôn ngũ tuyệt hay Võ lâm ngũ bá. Năm người có võ công cao nhất sẽ đại diện cho năm phương đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Nhóm này được bầu ra thông qua một cuộc Hoa Sơn luận kiếm.

Hoa Sơn luận kiếm là một sự kiện đặc biệt trong võ lâm đương thời. Trong đó những cao thủ có tiếng tăm nhất sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ. Trong thời đại Xạ Điêu tam bộ khúc, có tổng cộng ba lần Hoa Sơn luận kiếm. Và như vậy, sẽ có sự thay đổi tên tuổi trong Thiên hạ ngũ tuyệt.

Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất

Cuộc luận kiếm lần thứ nhất diễn ra trước khi câu truyện Anh hùng xạ điêu bắt đầu. Vào thời điểm này, trên giang hồ đang tranh giành quyết liệt bí kíp võ học Cửu Âm chân kinh. Vô số cao thủ, bang phái bị cuốn vào vòng tranh đoạt, gây ra rất nhiều tổn thất. Những cao thủ võ công bậc nhất quyết định tụ họp trên đỉnh Hoa Sơn để định ra ai là người mạnh nhất. Người đó sẽ được giữ Cửu Âm chân kinh vì theo lí luận của họ, chẳng kẻ nào dám đến cướp bí kíp võ học trong tay người mạnh nhất võ lâm.

Sau nhiều người thi thố võ công, cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt cũng được bầu ra gồm năm người gồm:

Đông Tà Hoàng Dược Sư hay còn gọi là Hoàng Lão Tà: Đảo chủ đảo Đào Hoa, tính tình quái dị, thường hành sự theo ý mình, coi thường thiên hạ. Ông có 6 đệ tử tài năng, nổi tiếng với tuyệt kỹ Đạn chỉ thần công, Lạc Anh thần kiếm chưởng , Ngọc Tiêu kiếm pháp và Tảo Diệp Thoái Pháp.

Tây Độc Âu Dương Phong còn được mọi người gọi là Lão Độc Vật : Chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, độc ác, xấu xa, tham lam, xảo quyệt. Y nổi danh với tuyệt kỹ Hàm mô công, Linh xà quyền và khả năng pha chế ra những loại độc dược chết người, không ai giải nổi.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng còn được gọi là Đoàn Hoàng Gia : Hoàng đế nước Đại Lý ở phương Nam. Gia tộc của ông nhiều đời luyện võ. Ông nổi tiếng với tuyệt kỹ gia truyền Nhất dương chỉ và tuyệt kỹ Tiên Thiên Công có thể đả thông kỳ kinh bát mạch do Vương Trùng Dương chỉ dạy . Về sau khi đi tu mang pháp hiệu là Nhất Đăng Đại Sư.

Bắc Cái Hồng Thất Công còn được người đời gọi là Lão Ăn Mày: Bang chủ thứ mười tám của Cái Bang, tham ăn tham rượu nhưng hào hiệp, trượng nghĩa. Võ công của ông rất cao. Hồng Thất Công thường sử dụng Giáng Long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương: Chưởng môn tổ sư Toàn Chân giáo, vốn là một lãnh tụ chống Kim, sau thất bại quay về núi Chung Nam lập ra môn phái. Ông có bảy đệ tử rất giỏi giang nổi tiếng với Thiên cang bắc đẩu trận được giang hồ ca tụng gọi là Toàn Chân thất tử. Môn võ công đắc ý của ông là Tiên thiên công có thể giúp mọi người đả thông kỳ kinh bát mạch.

Vương Trùng Dương được coi là người mạnh nhất, nên ông được giữ Cửu Âm chân kinh. Trong cuộc luận kiếm này có hai sự vắng mặt được cho là đáng tiếc đó là: Bang chủ Thiết Chưởng bang Cừu Thiên Nhận và nữ hiệp Lâm Triều Anh của phái Cổ Mộ.

Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai

Cuộc luận kiếm thứ hai diễn ra sau lần thứ nhất 25 năm vào cuối tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu. Lần luận kiếm này khá vắng vẻ chỉ có Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Quách Tĩnh tham gia. Đoàn Trí Hưng (khi này đã đi tu, đổi là Nhất Đăng đại sư), Cừu Thiên Nhận, Chu Bá Thông có đến nhưng không tham dự. Vì vậy cuộc luận kiếm này không bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt.

Lần này, do Quách Tĩnh là hậu bối so với Bắc Cái và Đông Tà nên Hoàng Dung bày ra quy củ, hai người lần lượt thi đấu với Quách Tĩnh, trong 300 chiêu, ai hạ chàng trước thì thắng. Còn nếu sau 300 chiêu mà không ai đánh bại Quách Tĩnh thì chàng sẽ là người chiến thắng. Cả hai vị cao thủ đều biết ý Hoàng Dung muốn người yêu của mình thắng nên đều không đánh hết sức ngay từ đầu, không ai hạ chàng sau 300 chiêu. Đúng lúc đó Âu Dương Phong xuất hiện. Y vốn bị Quách Tĩnh đưa bản Cửu Âm chân kinh giả và Hoàng Dung chỉ dẫn tu luyện sai đường nên tẩu hỏa nhập ma, kinh mạch hỗn loạn, trở nên điên cuồng. Nhưng vô tình điều này lại khiến cho võ công của y tăng tiến vượt bậc. Tuy vậy thiên hạ đệ nhất võ công lại có thể là Chu Bá Thông.

Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai kết thúc mà không bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt.

Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba

Cuộc luận kiếm lần thứ ba diễn ra vào cuối tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ. Bấy giờ, Vương Trùng Dương, Hồng Thất Công, Âu Dương Phong đều đã qua đời nhưng cao thủ mới xuất hiện cũng rất nhiều. Lần luận kiếm này có khá đông cao thủ tham gia: Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư, Quách Tĩnh , Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Chu Bá Thông. Tuy vậy lần này mọi người không trực tiếp giao đấu mà chỉ tự phân chia thứ bậc thông qua hiểu biết về võ thuật của nhau. Cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt được bầu ra gồm có:

Đông tà Hoàng Dược Sư - giữ nguyên như lần trước.

Tây cuồng Dương Quá: Cao thủ trẻ tuổi có biệt danh là Thần điêu đại hiệp. Chàng võ công rất cao, tu tập từ nhiều môn phái. Môn võ công nổi tiếng nhất của chàng là Ảm Nhiên Tiêu Hồn chưởng.

Bắc hiệp Quách Tĩnh: Đại hiệp trấn giữ thành Tương Dương, là một vị anh hùng đương thời.Võ công cực kỳ thâm hậu. Môn võ công nổi tiếng nhất của Quách Tĩnh là Giáng Long Thập Bát chưởng.

Nam tăng Nhất Đăng Đại Sư: Chính là Nam Đế Đoàn Trí Hưng khi xưa, giờ đã đi tu ( giữ nguyên như lần trước. Lần trước là Nam đế).

Trung Ngoan Đồng Chu Bá Thông: Sư đệ của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, tính nết như trẻ con, hay nghịch ngợm, chơi đùa, say mê võ học. Võ công nổi tiếng nhất của ông là Không Minh quyền và thuật Song thủ hỗ bác.

Trong những người này, Chu Bá Thông được chọn là người mạnh nhất. Đây là lần Hoa Sơn luận kiếm cuối cùng. Từ đó về sau trong tiểu thuyết của Kim Dung không thấy có cuộc bầu chọn thiên hạ vô địch nào nữa.

Như vậy, có thể thấy trong gia đình Hoàng Dược Sư có tới 2 người lọt vào danh sách ngũ tuyệt này gồm Hoàng Dược Sư và con rể Quách Tĩnh.

Dưới đây là hình ảnh dãy núi Hoa Sơn, nơi diễn ra các kỳ luận kiếm.



No comments:

Post a Comment