Ðoàn Dự bỗng nghe bên ngoài thạch thất có tiếng nói:
- Phép “kim cương chỉ” đó thật lắm công phu.
Giọng nói khàn khàn đầy uất hận đó chính ở Thanh Bào Khách ác quán mãn doanh thốt ra.
Chàng lại thấy lão cầm cành trúc vạch xuống phiến đá một đường ngang cũng thẳng tắp. Nét vạch ngang tương xứng và giao nhau với nét vạch dọc của Huỳnh Mi hòa thượng.
Ðoàn Dự ở trong thạch thất không trông thấy mặt Thanh bào khách nhưng chàng nhận thấy rằng cành trúc của lão cứng rắn chẳng kém gì ngón tay Huỳnh Mi mà dùng nó để vạch phiến đá còn có phần tiện hơn. Vả ngón tay ngắn mà cành trúc dài, cầm cành trúc vạch xuống phiến đá thành đường rãnh sâu so với cách vạch bằng tay thì khí lực Thanh Bào Khách tương đối phải mạ nh hơn Huỳnh Mi hòa thượng.
Ðoạn chàng lại nghe tiếng Huỳnh Mi hòa thượng cười nói:
- Ðoàn thí chủ đã thụ giáo vậy lão tăng xin vạch nữa.
Dứt lời nhà sư lại lấy ngón tay vạch vào tảng đá một đường dọc.
Thanh Bào Khách chờ nhà sư vạch xong lão lại vạch bằng cành trúc một đường ngang. Hai người cứ thế tiếp tục luân lưu mỗi bên vạch một đường. Về sau cả hai ông: ông vạch bằng ngón tay cũng như ông vạch bằng cành trúc mỗi lúc một thong thả lại và mỗi lúc một cẩn thận cố gắng hơn vì không ông nào chịu thua về những đường vạch của mình hoặc sâu nông khác nhau hoặc nét vạch kém chỉnh tề thẳng thắn.
Thì ra những tay cao thủ họ ăn thua nhau từng ly từng tý, không chỉ ở chỗ có sức mạnh hơn là được. Chừng trong khoảng thời gian ăn xong bữa cơm, Huỳnh Mi hòa thượng cù ng Thanh Bào Khách vạch xong ngang dọc mỗi bề 19 đường, thành hình một bàn cờ rất vuông vắn.
Huỳnh Mi nghĩ thầm: “Bảo Ðịnh Ðế nhận định thật không sai chút nào, nội lực lão Thái tử Diên Khánh này quả đã không vừa. Môn Nhất Dương Chỉ của lão nhất định không thua Bảo Ðịnh Ðế”.
Huỳnh Mi hòa thượng vào đây đã có chủ ý nhưng thái tử Diên Khánh thấy Huỳnh Mi đến một cách đột ngột thì không khỏi ngạc nhiên, lão tự hỏi: “ông sư ghê gớm này ở đâu lẩn vào đây làm gì?
Rõ ràng Ðoàn Chính Minh mời y đến tiếp tay cho hắn. Nếu hắn thừa cơ mình ngồi đây để vào cứu Ðoàn Dự thì mình đâu có thể chia người ra làm hai để đối phó?”.
Huỳnh Mi lại nói tiếp:
- Ðoàn thí chủ võ nghệ cao thâm, lão tăng rất là khâm phục. Về môn cờ chắc thí chủ cũng cao gấp mười bần tăng. Bây giờ ta đánh cờ chơi, lão tăng xin thí chủ chấp cho bốn con.
Thanh Bào Khách giật mình nghĩ thầm: “Mình tuy không biết lai lịch nhà sư này nhưng xem chỉ lực cũng đã biết y là bậc cao nhân. Lão đến đây khiêu chiến lại mở miệng đòi xin nhân nhượng là nghĩa làm sao?”. Nghĩ vậy liền đáp:
- Ðại sư bất tất quá khiêm? Nếu đại sư muốn cá cuộc hơn thua thì cứ để bằng quân.
Huỳnh Mi nói:
- Tôi nhất quyết xin thí chủ chấp cho bốn con.
Thanh bào khách đáp bằng một giọng lạnh lùng:
- Ðại sự đã tự biết mình kém nước thì bất tất phải đấu nữa.
Huỳnh Mi nói:
- Thế thì thí chủ chấp lão tăng ba con vậy.
Thanh bào khách chậm rãi:
- Tôi chấp đại sư một con thôi.
Huỳnh Mi cười khà khà nói:
- Thế là lão tăng đủ biết rồi. Thí chủ còn kém lắm. Lão tăng dám chấp thí chủ ba con.
Thanh bào khách bình thản đáp:
- Bất tất phải thế, ta cứ để nguyên bằng quân nhau.
Huỳnh Mi trong dạ nôn nao nghĩ thầm: “Lão này đã không kiêu ngạo lại không nóng nảy, thực là thâm độc gan góc. Mình khích bác thế nào lão cũng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, không sao làm cho lão xúc động được thế mới là kẻ kình địch ghê gớm”.
Huỳnh Mi hòa thượng vốn vẫn chưa nắm vững được phần thắng thường thấy người chơi cờ hay có tính hiếu thắng nên mở miệng xin được chấp ba bốn con để làm kiêu binh dò tính tình thái tử Diên Khánh. Chẳng ngờ lão không xúc động mảy may vẫn giữ một niềm nghiêm cẩn, kín đáo.
Huỳnh Mi lại nói:
- Thôi thế cũng được. Nhưng thí chủ là chủ mà tôi là khách, chủ phải nhường khách đi trước.
Thanh bào khách đáp:
- Không được! Tôi đi trước mới hợp lý. Tiền chủ hậu khách mà.
Huỳnh Mi không chịu nói:
- Nếu vậy thì phải bói. Năm nay lão tăng tuổi chẵn hay tuổi lẻ, nếu thí chủ đoán trúng thì đi trước, bằng trật thì phải nhường lão tăng.
Thanh bào khách hỏi lại:
- Thế ngộ tôi đoán trúng mà đại sư cứ bảo trật thì ai mà biết được?
Huỳnh Mi đáp:
- Ðược! Lão tăng đã có cách chứng minh, muốn cãi cũng không được. Lão tăng xin hỏi: sau khi được 70 tuổi, tổng số ngón cả hai bàn chân lão tăng lẻ hay chẵn?
Thanh bào khách vừa nghe câu đố rất lấy làm kỳ, nghĩ bụng: “cứ bình thường mà nói thì hai bàn chân ai chả có 10 ngón và đương nhiên là số chẵn rồi. Câu lão hỏi rõ sau khi 70 tuổi bao nhiêu ngón? Làm như khi lão được 70 tuổi bị cụt đi một ngón mới thành số lẻ là có ý đánh bẫy mình. Trong binh pháp có câu “hư thành ra thiệt, thiệt lại ra hư”, lão lừa mình thế nào được?”.
Nghĩ vậy Thanh bào khách đáp:
- Vẫn số chẵn.
Huỳnh Mi đáp:
- Trật rồi, số lẻ mới đúng.
Thanh bào khách nói:
- Ðại sư tháo giày ra cho coi!
Huỳnh Mi tháo giày và bít tất chân trái trước. Năm ngón chân hãy còn nguyên vẹn. Thanh Bào Khách để ý quan hình sát sắc đối phương, thấy Huỳnh Mi vẫn tỏ vẻ bình tĩnh tươi cười thì tưởng chân phải nhà sư chỉ có bốn ngón thật. Huỳnh Mi lại ung dung tụt giày chân phải đang đưa tay ra tháo bít tất.
Thanh Bào Khách đã toan gạt đi bảo bất tất phải chứng nghiệm nữa, mời đại sư đi nước trước. Nhưng nghĩ sao lão lại để cho Huỳnh Mi tháo nốt bít tất thì rõ ràng đầy đủ cả năm có cụt ngón nào đâu? Tuy Thanh Bào Khách tàn tật đầy người, mặt trơ như gỗ tựa hồ tâm trí không mảy may xúc động nhưng kỳ thực bao nhiêu ý nghĩ đang quay lộn trong đầu óc.
Lão chưa đoán ra Huỳnh Mi có dụng ý gì. Bỗng thấy Huỳnh Mi giơ bàn tay phải lên làm lưỡi dao, đánh xuống đánh “phập” một tiếng, ngón chân út đã đứt rơi ra.
Sáu đồ đệ đứng ở phía sau, toàn là những tay tu luyện cửa Phật lâu ngày, có thể xứng đáng với câu: “Non Thái lở trước mặt thần sắc vẫn điềm nhiên, hươu nai chạy rầm rập bên mình không ghé mắt” vậy mà trước cảnh sư phụ chặt ngón chân, máu chảy lênh láng không khỏi giật mình kinh hãi. Người ít tuổi nhất là Phá Mạn hòa thượng buột miệng khẽ la lên một tiếng “ối”. Ðồ đệ thứ tư là Phá Sa hòa thượng vội vàng lấy thuốc dấu trong bọc ra rịt vào vết thương cho sư phụ.
Huỳnh Mi hòa thượng cười nói:
- Năm nay lão tăng 69 tuổi, có phải 70 tuổi thì số ngón chân thành số lẻ rồi không?
Thanh bào khách đáp:
- Ðúng rồi xin mời đại sư đi nước trước.Thanh bào khách nổi tiếng là người ác nhất thiên hạ thì hẳn đã nhìn thấy và đã gây ra bao nhiêu thảm cảnh hung ác, rùng rợn chẳng chút sờn lòng vậy mà đối với việc chặt ngón chân nhỏ mọn làm cho lão phải suy nghĩ. Phải chăng vì thấy Huỳnh Mi muốn tranh tiên một nước cờ mà coi lẹ việc chặt đứt một ngón chân như trò đùa. Cái chí quyết thắng một ván cờ này của nhà sư lão đã nhìn thấy rõ rệt, nếu mà lão thua tất sẽ bị nhà sư đưa ra điều kiện khắt khe vô cùng.
Huỳnh Mi nói: “Xin vâng” rồi đưa hai đầu ngón tay ra xoáy vào 2 điểm tứ tứ cả hai bên trên mặt bàn cờ cho lõm xuống. Ðó là dấu hiệu hai con cờ đen.
Thanh bào khách cũng cầm cành trúc khoanh ở hai điểm tứ tứ bên mình hai vòng tròn nhỏ để tượng trưng cho hai con cờ trắng đặt xuống đó. Bốn góc bàn cờ ở điểm tứ tứ thoạt đầu đặt bốn con gọi là “thế tứ”. Ðây là phép đánh vi kỳ thuở xưa ở Trung Quốc. Hiện nay phế bỏ lối cờ này rồi. Ðến con thứ 5 Huỳnh Mi đặt ở điểm lục tam “bình vị”. Bên Thanh bào khách lại đặt ở điểm ngũ tam. Lúc mới đánh hai bên ra quân rất lẹ, Huỳnh Mi không dám chú ý thái quá để duy trì tinh thần về sau.
Từ con thứ 18 trở đi, cuộc tranh thủ đã bắt đầu gay cấn. Chỉ lực hai bên hao tốn rất nhiều, một mặt phải dùng hết tâm trí để suy tính nước cờ, một mặt phải vận khí bồi bổ sức lực, mỗi lúc cờ đi một chậm thêm. Trong sáu đồ đệ của Huỳnh Mi thì ông thứ ba là nhà sư Phá Sản cao cờ hơn hết. Phá Sản thấy bên sư phụ đi nhiều nước hay và có vẻ thắng thế trong bụng đã mừng thầm và thán phục. Ðến nước 24 Thanh bào khách xuất kỳ binh một cách đột ngột thế cờ đại biến. Bên Huỳnh Mi lâm vào tình trạng bế tắc. Góc trên về bên phải (khứ vị) một mối đe doạ rất lớn đang rình rập, nếu đem một con ra cố thủ thì lại thiệt mất nước tranh tiên. Huỳnh Mi còn đang suy tính chưa tìm ra lối thoát bỗng trong thạch thất có tiếng vọng ra:
- Phản công ở khứ vị thì vẫn giữ được nước tranh tiên.
Người mách nước này chính là Ðoàn Dự. Ðoàn Dự vốn giỏi chơi cờ vây từ thuở nhỏ. Lúc đó thấy hai người đấu đang hăng say không khỏi đứng ngoài ngứa miệng.
Người ta thường nói “cờ ngoài bài trong”, bản lãnh về cờ chàng còn cao hơn Huỳnh Mi một bậc. Hơn nữa chàng đứng ngoài cuộc lại càng đắc nước.
Huỳnh Mi nghe Ðoàn Dự mách nước đáp vọng vào:
- Lão tăng đã nghĩ tới nước cờ này rồi còn đang cân nhắc. Giờ được thí chủ đồng ý thì lão tăng không phân vân gì nữa.
Ðoạn Huỳnh Mi làm dấu đặt con cờ xuống điểm thất tam ở khứ vị. Thanh bào khách lạnh lùng đọc hai câu thơ: “Bàng quan ngậm miệng là quân tử. Tự ý ra quân đáng trượng phu”.
Ðoàn Dự nghe lão đọc tức mình la lên:
- Tự nhiên vô cớ ngươi nhốt ta vào đây thì ngươi có phải là quân tử không?
Huỳnh Mi cũng cười nói:
- Lão tăng đây là đại hòa thượng chứ đâu phải đại trượng phu?
Thanh bào khách khinh khỉnh mạt sát:
- Nói thế mà không biết ngượng.
Vừa nói vừa khoanh tròn ở Khứ vị. Ði mấy nước nữa Huỳnh Mi lại lâm vào thế bí. Phá Sản hòa thượng nóng ruột nghĩ không ra nước gỡ mà Ðoàn Dự lại lặng thinh. Phá Sản liền chạy đến bên nhà thạch thất khẽ hỏi:
- Ðoàn công tử bây giờ đi nước nào cho phải?
Ðoàn Dự khẽ đáp:
- Ta có cách gỡ dễ lắm. Thế cờ này gồm bảy nước bí hiểm, nếu đọc ra cho bên địch nghe tiếng nước thì cờ ảo diệu sẽ bị tiết lộ nên không tiện nói.
Phá Sản liền viết vào tay phải ba chữ: “Xin viết ra”. Rồi nhà sư luồn tay qua lỗ hổng luồn vào trong. Ðoàn Dự nghĩ thầm: “kế này tuyệt diệu” đoạn viết cả bảy nước cờ vào tay Phá Sản. Phá Sản rút tay ra xem, suy tính kỹ lại thì quả là những nước cờ rất cao liền chạy trở lại sau lưng Huỳnh Mi giơ tay áo rộng thùng thình lên để che cho khỏi lộ cơ mưu rồi thò ngón tay phải ra viết cả bảy nước cờ vào lưng sư phụ. Huỳnh Mi hòa thượng định thần một lúc hiểu cả, cứ thế ra quân. Thanh Bào Khách đằng hắng rồi nói:
- Quả lại có kẻ ngấm ngầm mách nước, tôi xem bản lãnh đại sư chưa thể tự mình nghĩ ra được những nước cờ này.
Huỳnh Mi cười nói:
- Ðánh cờ là một trò chơi đấu trí. Hay ở chỗ không để cho đối phương trông rõ bản lãnh vì thế mà các tay cao thủ chỉ thò những ngón dở ra. Nếu lão tăng để thí chủ tỏ tường hư thực ngay từ lúc đầu thì cuộc cờ còn chi là ảo diệu nữa?
Thanh bào khách nói:
- Thôi đừng có ỡm ờ, bịp bợm, hòng lấy tay che mặt trời nữa.
Lão thấy rõ Phá Sản chạy đi chạy lại rồi lấy tay che áo lên lưng Huỳnh Mi đã sinh nghi. Nhưng vì tâm trí bận chuyên chú vào thế cờ biến ảo nên không để ý soi mói đến chuyện khác được. Huỳnh Mi theo kế Ðoàn Dự đi được đến nước thứ sáu, tuyệt không phải nhọc lòng suy nghĩ, chuyên chú vận nội công vào đầu ngón tay xoáy thành sáu lỗ tròn trĩnh, đều đặn tỏ ra khí lực có thừa. Thanh Bào Khách thấy sáu nước cờ của Huỳnh Mi nước nào cũng hiểm hóc, lão phải đem hết tâm lực ra suy nghĩ, luẩn quẩn đối phó trong vòng thế thủ. Ngọn trúc khoanh vòng tròn trên bàn đá đã hơi lộ ra chỗ sâu chỗ nông chứ không được đều tăm tắp. Lão phải ngừng lại tính toán dây lâu, rồi đột nhiên biến thế, hạ một con cờ vào nhập vị. Nước cờ xoay thành thế công mãnh liệt không dính líu gì vào thế cờ của Ðoàn Dự. Huỳnh Mi cả kinh nghĩ thầm: “bảy nước cờ của Ðoàn công tử bố cục rất tinh vi, những nước kia mình đi có nước tranh tiên được một thành hai mà sao nước thứ bảy không đi được nữa? Thế này thì uổng mất cả những nước trước ư?”.
Nên nhớ rằng nếu thả sức cho hai người đấu với nhau thì Thanh Bào Khách tất nhiên ăn đứt Huỳnh Mi hòa thượng. Lão thấy thế cờ bất lợi là lập tức tìm cách biến đổi, không chịu chui vào cạm bẫy Ðoàn Dự.
Phá Sản hòa thượng thấy tình thế đại biến, sư phụ khó lòng giải quyết nổi, bèn lập tức chạy lại bên nhà thạch thất, khẽ báo tin cho Ðoàn Dự hay. Ðoàn Dự nghĩ ngay được cách phá, chìa ngón tay ra để viết vào bàn tay Phá Sản. Vừa viết được hai chữ bất thình lình toàn thân run bắn, một luồng hoả khí trong huyệt đan điền bốc lên dữ dội, môi khô lưỡi bỏng, hai mắt lại quáng loá.
Chàng tiện tay nắm chặt lấy tay Phá Sản. Phá Sản vừa bị Ðoàn Dự nắm lấy bàn tay biết ngay lập tức là nguy đến nơi vì thấy chân khí trong mình bị bàn tay Ðoàn Dự hút đi hoài. Nhà sư cả sợ la lên:
- Ðoàn công tử! Công tử làm gì vậy?
Nên biết rằng đối với các nhà nội công phái võ, chân khí có mối quan hệ rất lớn đến tính mạng. Chân khí sung túc bao nhiêu thì nội công cao lên bấy nhiêu. Chân khí thoát đi hết thì người chẳng chết cũng mất hết nội công mà thành phế nhân.
Phá Sản xuất gia từ thuở nhỏ, khổ công tu luyện dư bốn mươi năm, chân khí rất là sung mãn. Thế mà chỉ chạm tay vào Ðoàn Dự một lần chân khí thoát đi chẳng khác gì sông đang bành chướng bị vỡ đê nước chảy đi như tháo, không còn cách gì thu về được nữa. Nhà sư hỏi luôn mấy tiếng nhưng Ðoàn Dự thần trí mê man, chẳng biết gì hết nên không trả lời. Phá Sản muốn rút tay ra khỏi nhưng lạ thay hai tay dường như dính liền vào nhau, rút thế nào cũng không rời ra được mà chân khí trong người thoát đi không ngớt.
Tại sao Mãng Cổ chu cáp lại có sức công hiệu ghê gớm như vậy? Số là có một giống vật kỳ dị chuyên ăn nọc những loài rắn độc đã lâu đời rồi do sự giao hợp ngẫu nhiên sinh ra Mãng Cổ chu cáp là vật rất hiếm có trên thế gian.
Vợ chồng Chung Vạn Cừu cùng Chung Linh chỉ biết mỗi khi đôi chu cáp kêu lên là bao nhiêu rắn nghe tiếng đều đến hết nhưng có biết đâu nuốt nó vào bụng lại sinh ra hiện trạng quái gở như vậy? Nếu không có Ðoàn Dự cam tâm chịu chết thì cũng không ai dám cả gan nuốt giống vật kỳ độc, ngàn năm chưa chắc đã có một lần.
Ðoàn Dự nuốt vào bụng đôi chu cáp, trộn lẫn với âm dương hòa hợp tán rồi chất độc cả hai thứ sinh khắc biến hoá chẳng những làm cho khí dương cực thịnh, khiến sức người không thể chống chế nổi lại còn phát sinh một đặc tính hút chân khí của người khác một khi đụng chạm vào. Lúc đó chân khí của Phá Sản hòa thượng bị hút mãi vào thân thể Ðoàn Dự. Ngay khi tỉnh táo chàng còn chẳng biết vận nội công để giật tay mình ra khỏi tay Phá Sản, cho chân khí nhà sư hết lối chạy sang mình huống chi chàng lại mê man bất tỉnh, chẳng còn biết trời đất là gì nữa. Phá Sản thấy chân khí mình bị hút đi mãi, không biết làm thế nào la lên:
- Sư phụ cứu tôi với!
Năm vị huynh đệ nghe tiếng chạy đến bên nhưng không trông rõ tình hình bên trong thạch thất, chỉ nghe tiếng gọi thất thanh “sư huynh”, “sư đệ” rối rít vội hỏi:
- Có chuyện chi? Có chuyện chi?
Phá Sản đáp:
- Tay... tay tôi...
Ông cố sức giãy giụa để rút tay ra không được. Mười phần chân khí đã thoát đi đến tám chín, nói không ra hơi nữa. Ðồ đệ thứ sáu là Phá Mạn hòa thượng cầm tay Phá Sản để giúp sức sư huynh rút tay ra, không ngờ vừa mó tay vào cũng bị dính chặt, toàn thân run bắn lên như bị điện giật, chân khí cũng bị tiết đi. Nhà sư trẻ sợ quá la lên:
- Ối chao! Ối chao!
Nguyên hấp lực của chu cáp vô hạn lượng, có thể hút chân khí người thứ ba chuyển qua người thứ hai.
Nhắc lại chuyện tam công nước Ðại Lý là tư đồ Hoa Hách Cấn, tư mã Phạm Hoa, tư không Ba Thiên Thạch trà trộn vào hang Vạn Kiếp chẳng khó khăn gì.
Cửa hang trước có người canh giữ nhưng từ khi Bảo Ðịnh Ðế vào đã san phẳng ngôi mộ ngoài cửa hang nên người ra vào không bị cản trở.
Ba ông đào đường hầm, mới đào trong một đêm đã xa chừng được vài chục trượng. Hoa Hách Cấn dĩ nhiên là tay thiện nghệ, còn Phạm Hoa và Ba Thiên Thạch giỏi môn nội công cũng rất được việc. Hoa đào đến đâu thì hai ông lại cào đất đi đến đấy. Lúc ăn lương khô hay uống nước cũng thay phiên nhau để công cuộc đào hầm được luôn luôn tiếp tục không bị ngừng trệ. Hôm sau ba người đào một ngày nữa.
Vào khoảng xế chiều tính ra đã gần đến thạch thất. Biết rõ thái tử Diên Khánh võ nghệ cao siêu, ba ông phải đào một cách cực thận trọng, nạo đất nhẹ nhàng không để phát ra mảy may tiếng động. Họ hiểu rằng những tay võ công trác tuyệt thì dù lúc đang ngủ say, chỉ khẽ một tiếng động khác lạ cũng đủ làm cho tỉnh giấc. Vì thế mà cuộc đào hầm chậm đi rất nhiều. Họ có biết đâu lúc này thái tử Diên Khánh đang mải miết đem hết tâm lực vào cuộc đấu cờ với Huỳnh Mi hòa thượng nên lão không thể phát
giác ra những tiếng động ngầm dưới đất.
Lúc này tay Phá Sản hòa thượng vẫn dính chặt vào tay Ðoàn Dự, chân khí trong người vẫn cuồn cuộn thoát đi gần hết, bắt buộc nhà sư phải kêu cứu. Sau Huỳnh Mi hòa thượng lại thấy cả sáu gã đồ đệ xúm xít lại trước cửa thạch thất, tình trạng có vẻ nguy ngập khác thường. Huỳnh Mi tưởng là thái tử Diên Khánh ngấm ngầm đặt cơ quan hiểm độc và các đồ đệ mình bị sa vào cạm bẫy rồi liền nói:
- Tôn giá thật là lắm chuyện quái ác, làm cho đồ đệ lão tăng lâm nạn cả rồi. Lão tăng phải lại đó xem sao.
Nói xong đứng dậy toan đi. Thanh Bào Khách vừa đưa cành trúc tay trái ra điểm vào vai Huỳnh Mi vừa nói:
- Bàn cờ chưa phân thắng bại. Ðại sư có chịu thua cuộc thì mới bỏ đi được.
Huỳnh Mi xoay tay trái lại toan chụp lấy đầu roi. Cành trúc rung rung nhằm vào huyệt đạo dưới vú bên tả Huỳnh Mi. Bàn tay Huỳnh Mi đang chụp biến ra thế chém xuống. Ðầu cành trúc cũng biến đổi thế đánh. Chỉ trong chớp mắt hai người đã xoay nhau đến tám đòn. Huỳnh Mi nghĩ bụng: “tay mình ngắn mà cành trúc của đối phương dài thì mình chỉ thủ chứ không công được tức là mình chỉ có phần thua chứ không thể thắng. Bỗng thấy cành trúc lại điểm tới, hòa thượng vụt đưa ngón tay ra nhằm đúng đầu roi điểm lại. Thanh Bào Khách không chịu thu roi về, cứ phóng tới. Ngón tay và đầu roi chạm nhau, hai người cùng vận nội công tranh đấu.
Bấy giờ Huỳnh Mi mới biết rõ bên trong cành trúc có đặt giấu một cây roi bằng thép nên mới cứng rắn như vậy. Hai tay cao thủ mỗi người một đầu roi cùng vận nội lực đẩy mạnh thế mà cành trúc vẫn không cong đi chút nào.
Thanh Bào Khách giục:
- Nước cờ này đại sư mãi không đi được, chịu thua quách đi cho rồi.
Huỳnh Mi cười ha hả đáp:
- Chưa chắc.
Rồi đặt ngón tay bên phải xuống bàn cờ đá xanh xoáy một điểm. Thanh Bào Khách không cần nghĩ ngợi đi cờ luôn. Lúc này tình thế cực kỳ nghiêm trọng. Tay trái hai người đều đang vận nội lực để khuynh loát nhau không bên nào dám nới tay ra một chút, đồng thời trên bàn cờ nước nào cũng khẩn cấp, chỗ nào cũng gay go. Huỳnh Mi biết rằng nếu mình còn phân tâm nghĩ đến chỗ đệ tử lâm nạn thì chẳng những không được ích gì mà để kẻ đại địch nhân chỗ mình sơ hở, dồn sức mạnh đánh ập vào thì chính mình sẽ mất mạng như chơi. Nhà sư nhớ lại mười năm trước đây, vì muốn nâng đỡ cho cả dân tộc nước Ðại Lý đã xin Bảo Ðịnh Ðế xoá thuế nhập cảng muối, đến nay mới được nhà Vua chuẩn cho. Tuy Vua không nói ra miệng nhưng nhà sư có nghĩa vụ phải thay ngài trong công cuộc cứu Ðoàn Dự thoát nạn. Nhà sư lại nghĩ rằng: “mình sống hay chết cũng chẳng đáng quan tâm nhưng nếu không cứu thoát được Ðoàn Dự thì còn mặt mũi nào trông thấy hiền đệ
Ðoàn Chính Minh?”. Nghĩ thế nhà sư đành bỏ mặc đám đồ đệ, gắng vận nội lực, bao nhiêu tấm trí để cả vào bàn cờ.
Ðại phàm các phái võ lúc luyện nội công cần nhất là phải tĩnh trí, song đánh cờ thì trái lại phải suy nghĩ rất nhiều tính toán từng ly từng tý cho khỏi kém nước. Hai việc mâu thuẫn nhau là thế. Huỳnh Mi hòa thượng biết rõ thế cục hôm nay nguy hiểm khác thường.
Kể ra thi đấu về cờ cũng như về nội lực tựa hồ Thanh Bào Khách đều có vẻ trội hơn Huỳnh Mi hòa thượng đôi chút. Cũng may mà hòa thượng nhất tâm quyết sống mái, chỉ biết cung cúc tận tuỵ để đáp lòng tri kỷ của Bảo Ðịnh Ðế còn chính thân mình thì dù sống thác cũng chẳng quan tâm nên mới chống chọi được đến thế.
Hấp lực của đôi chu cáp thần diệu dị thường. Mười phần chân khí của nhà sư Phá Sản đã bị trút sang thân thể Ðoàn Dự đến tám chín. Ðoàn Dự một anh chàng chưa từng luyện võ bao giờ, phút chốc biến thành người có một nội lực mười mấy năm tu luyện. Trong mình có thêm nội lực sức hút lại càng mạnh hơn, chẳng khác gì đá nam châm hút sắt. Vì thế mà nhà sư Phá Mạn bám vào Phá Sản cũng bị hút chặt luôn và chân khí trong mình cũng bị lôi cuốn theo, qua người Phá Sản nhập vào thân thể Ðoàn Dự. Lát sau hai nhà sư Phá Tham, Phá ái cũng bị hút mất chân khí theo kiểu ấy.
Phá Tham, Phá ái là hai đại đồ đệ của Huỳnh Mi hòa thượng, nội công còn thâm hậu hơn mấy vị sư đệ kia, vừa cảm thấy chân khí bị thoát đi, lập tức vận nội công chống lại. Nhưng cũng chỉ giữ được một lúc rồi sau tâm thần phân tán đi một chút, tức khắc chân khí bắt đầu bị hút đi từ từ ít một rồi dần dần mỗi lúc tiết đi một nhiều hơn.
Ðồ đệ thứ tư là Phá Si, thứ năm là Phá Dục đứng ngoài thấy thế hoang mang quá đỗi, chạy đi kêu sư phụ đến cứu thì lại gặp lúc tối nguy nan. Huỳnh Mi cũng phải đem hết tâm lực cùng đối phương quyết sống mái. Hai người chạy tới, chạy lui mặt sợ tái xanh. Rút cục nghĩ tình đồng môn, không còn biết làm thế nào Phá Si, Phá Dục đành nghiến răng gắng sức lại lôi Phá Tham, Phá ái ra. Nhưng lúc này ngoài sức chu cáp thần công còn thêm nội lực bốn nhà sư nhập vào nữa thì hai nhà sư Phá Si, Phá Dục lôi ra thế nào được mà trái lại, chẳng những không lôi ra được, chính hai người cũng bị hút chặt luôn.
Sáu nhà sư lâm vào tình trạng thụ động, đành cho là kiếp vận xui nên mắc vào tai nạn hiếm có này, khiến cho bao nhiêu năm khổ công tu luyện tan ra mây khói.
Mọi người chẳng còn biết nói sao, chỉ trông nhau thở dài. Phá Si và Phá Dục không cầm lòng được, bất giác hai mắt rưng rưng đẫm lệ.
Lại nói đến bọn Hoa Hách Cấn hôm đó đào hầm cho đến giờ Dậu độ chừng đã tới gần nhà thạch thất và đoán rằng chỉ còn cách chỗ thái tử Diên Khánh ngồi gác trừng một trượng nên hành động phải cực kỳ thận trọng, không dám để phát ra một tiếng động nhỏ. Hoa Hách Cấn bỏ xẻng cuốc xuống, dùng mười ngón tay móc đất.
Hoa đã rèn luyện phương pháp này gọi là “Hổ trảo công” rất lợ hại. Những ngón tay vận nội lực vào cứng tựa móng sắt, dù đất cứng đến đâu cũng móc ra được từng khối lớn chuyền tay cho Ba Thiên Thạch và Phạm Hoa chuyển ra xa. Ðã đến lúc không đào tiến về phía trước nữa mà đào ngược lên để chui ra. Phạm, Ba hai ông biết công cuộc mạo hiểm sắp hòan tất chỉ còn việc có cứu được Ðoàn Dự hay không lúc nữa mới rõ nên cảm thấy nóng ruột, trống ngực đánh thình thình. Công cuộc đào ngược lên dễ dàng hơn trước nhiều, chỉ động vào là đất rụng xuống. Hoa Hách Cấn đứng thẳng được người lên đào lại càng mau. Thỉnh thoảng Hoa dừng lại chú ý lắng tai nghe xem trên mặt đất đã thấy động tĩnh gì chưa. Từ lúc bắt đầu đào ngược lên, mới trong khoảng thời gian thắp hết tuần hương thì chỉ còn cách mặt đất chừng một thước. Hoa Hách Cấn càng đào thong thả hơn, móc đất nhẹ nhàng. Sau cùng Hoa đụng vào một tấm ván gỗ mặt phẳng, trong bụng sinh nghi tự hỏi: “tại sao trong thạch thất không lát đá phiến mà lại lát ván gỗ? Nhưng thế này càng tiện việc cho mình”. Hoa Hách Cấn vận cả nội lực vào đầu ngón tay, từ từ khoét vuông vắn mỗi bề hai xích thành cái cửa hầm vừa một người chui lọt. Khoét xong cúi
xuống ra hiệu cho hai ông bạn Phạm, Ba đỡ lấy rồi buông tay để tấm ván hạ xuống. Hoa Hách Cấn giơ xẻng lên khoa trên miệng hầm để đề phòng có người đột kích, chợt nghe tiếng lanh lảnh một cô gái la lên: “trời ơi” đầy vẻ kinh hòang.
Hoa Hách Cấn khẽ gọi:
- Mộc cô nương! chớ to tiếng! Người nhà đến cứu các ngươi đây mà.
Chưa dứt lời Hoa đã nhảy vọt lên. Vừa thoáng nhìn Hoa đã giật mình kinh hãi vô cùng: nhà tù gì mà bàn ghế cửa sổ chỗ nào cũng sạch như lau? Trong tủ trên giá chỗ nào cũng bày la liệt những chai lọ đựng thuốc... một cô gái chừng 15, 16 tuổi xiết bao kinh hãi phải lui ẩn vào góc nhà. Hoa Hách Cấn biết là mình tính sai, đào không đúng chỗ, vào lầm nhà người khác mất rồi. Sở dĩ có sự sai lầm này là vì chính mắt Hoa Hách Cấn không trông thấy thật sự thạch thất ở chỗ nào, chỉ được Ba Thiên Thạch nghe lời Bảo Ðịnh Ðế kể lại cho nghe. Câu chuyện từ miệng người nọ sang tai người kia nên nỗi sai một ly đi một dặm. Ðây là nhà ở Chung Vạn Cừu còn cô gái đó tức là Chung Linh.
Nguyên Chung Linh đang ở phòng thuốc của cha để lần tìm thuốc giải độc, lấy trộm đem cho Ðoàn Dự. Nàng có biết đâu rằng những thuốc giải độc tầm thường đối với chất độc ằm dương hòa hợp tán hòan toàn vô hiệu. Lúc này vợ chồng Chung Vạn Cừu đang ở ngoài sảnh đường tiếp đãi tân khách yên ấm nên Chung Linh một mình lén vào phòng khách cố tìm. Bất thình lình ở dưới đất chui lên một người to lớn thì làm gì mà nàng chẳng sợ tái mặt? Hoa Hách Cấn tâm linh ứng biến cực kỳ mau lẹ, nghĩ bụng: “việc mình đào lầm đường, cố nhiên là phải đào lại nhưng đã trót lộ hình tích. Nếu giết nàng đi để bịt miệng thì rồi người trong hang Vạn Kiếp này thấy thi thể nàng nằm đó, tức khắc sẽ điều tra gắt gao. Mình chưa vào đến nhà thạch thất đã bị khám phá ra đường hầm rồi thì hỏng bét. Chỉ còn cách là đem nàng xuống hầm, mọi người không thấy nàng nhất định chạy ra ngoài bổ đi tìm nàng. Vừa nghĩ tới đó chợt ngoài phòng có tiếng chân người đi tới Hoa
Hách Cấn bèn khoa tay trước mặt Chung Linh ra hiệu cấm nàng không được lên tiếng. Rồi giả vờ trở gót, tựa như kiểu muốn chui xuống hầm nhưng vụt một cái Hoa nhảy phắt lại phía sau, giơ tay trái bịt miệng Chung Linh còn tay phải quờ ra sau lưng quắp nàng đem vào miệng hầm thả xuống. Phạm Hoa đưa tay ra đón lấy.
Hoa Hách Cấn lấy ngay một nắm đất nhét vào miệng nàng, đậy tấm ván lại cho bằng bặn như trước rồi ghé tai vào kẽ hở nghe ngóng. Những cử động vừa rồi Hoa làm lẹ như chớp, Chung Linh kinh hãi vô cùng tự nghĩ không biết bọn cướp này bắt mình có dụng ý gì, miệng lại bị nhét đất chặt rất là khó chịu. Chợt thấy hai người đi vào phòng, một người bước chân nặng trịch còn một người nhón gót nhẹ nhàng.
Rồi thấy tiếng đàn ông hỏi:
- Hẳn nàng đối với hắn còn có mối dư tình chưa cắt đứt. Không thì sao tôi muốn phá hoại thanh danh họ Ðoàn, can gì đến nàng mà nàng ngăn cản?
Ðoạn thấy tiếng đàn bà đáp:
- Chàng nói... dư... dư... chi đó? Tôi cho chàng hay tôi không còn tình nghĩa với người đó đâu.
Gã đàn ông lại nói:
- Nếu vậy thì còn gì hay bằng?
Giọng nói đầy vẻ hớn hở vui mừng. Người đàn bà lại tiếp:
- Chẳng qua Mộc Uyển Thanh là con gái sư tỷ tôi, tuy tính y ngang chướng, có vô lễ với vợ chồng mình đi nữa thì cũng là người một nhà. Tôi thấy chàng làm cái việc này không ổn chút nào.
Hoa Hách Cấn nghe đến đây biết ngay hai người này là vợ chồng Chung động chúa. Vì thấy câu chuyện có liên quan đến Ðoàn Dự nên Hoa vẫn chú ý lắng tai nghe nữa.
Lại thấy tiếng Chung Vạn Cừu nói:
- Sư tỷ nàng ngấm ngầm chạy đi trả Ðoàn Dự may mà Diệp Nhị Nương phát giác kịp thời. Thế thì mụ đã thành cừu địch với mình rồi, hà tất nàng còn phải quan tâm đến con gái mụ nữa? A Bảo nàng ơi, bao nhiêu khách khứa ngoài đại sảnh toàn là những nhân vật có tên tuổi trong võ lâm. Nàng đối với họ đã có vẻ lãnh đạm thì chớ lại còn bỏ chạy vào đây như thế là mất mặt cho tôi quá.
Chung phu nhân vùng vằng đáp:
- Chàng mời bọn này đến làm chi? Nào Nộ Giang Vương Tần Nguyên Tôn, nào Nhất phi xung thiên Kim Ðại Bằng, nào đại đệ tử phái Ðiểm Thương Liễu Chi Hư, lại còn Tả Tử Mục phe Ðông, Song Thanh đạo cô phe Tây phái Vô Lượng kiếm vàgã võ sư Mã Ngũ Ðức ở phổ nhị gì gì nữa. Bọn này liệu có dám chống chọi với Hòang Ðế đương kim nước Ðại Lý không?
Chung Vạn Cừu nói:
- Tôi có mời họ về tiếp tay làm phản đâu mà ngại? Chẳng qua họ ở gần quanh đây nên mời đến để chứng kiến hai đứa con Ðoàn Chính Thuần cùng ở trong nhà thạch thất làm chuyện loạn luân ô uế, chứ có gì đâu? Ðám khách hôm nay còn lại Tuệ Thuyền hòa thượng ở chùa Thiếu Lâm rồi Giả Diệp thiền sư chùa Ðại Giác, hắc bạch kiếm Sử An, toàn là những bậc hào kiệt đất Trung Nguyên. Sáng sớm mai sẽ mở cửa thạch thất để mọi người coi cho rộng tầm con mắt. Các đức tính nhà họ Ðoàn nổi tiếng về phép Nhất Dương Chỉ sẽ thêm lừng danh trên chốn giang hồ.
Nói xong hắn đắc ý cười ha hả. Chung phu nhân đằng hắng một tiếng rồi xẵng giọng:
- Thật là tuồng đê hèn vô liêm sỉ.
Chung Vạn Cừu hỏi:
- Nàng bảo ai đê hèn, vô liêm sỉ?
Chung phu nhân đáp:
- Kẻ nào làm việc đê hèn vô liêm sỉ thì kẻ ấy là quân đê hèn vô liêm sỉ chứ còn ai? Tôi mắng không đáng sao?
Chung Vạn Cừu nói:
- Phải lắm! Phải lắm! Ðoàn Chính Thuần cậy mình là gã phong lưu công tử, gây ra bao oan nghiệt, thế nào trời quả báo đến nỗi hai đứa con mình sinh ra giở thói loạn luân, đúng là quân đê hèn đến cùng cực.
Chung phu nhân cười lạt không đáp. Chung Vạn Cừu lại hỏi:
- Sao nàng lại cười? quân đê hèn vô liêm sỉ nàng vừa mắng đó không phải là Ðoàn Chính Thuần ư?
Chung phu nhân nói:
- Mình không địch lại người họ Ðoàn, suốt đời chui rúc trong hang ẩn nấp, giả chết, không dám thò mặt đi đâu thì đành nằm chịu thế mới phải. Con người biết liêm sỉ cũng là một điều dũng. Chàng bắt nhốt con cái người ta, còn bày trò đê tiện. Tôi chỉ sợ các vị anh hùng hảo hán trong thiên hạ chẳng những không ai chê cười họ Ðoàn, còn quay lại thoá mạ chàng mà thôi.
Chung Vạn Cừu tức quá nhảy lên chồm chồm:
- Nàng... nàng thoá mạ tôi là kẻ đê hèn, vô liêm sỉ ư?
Chung phu nhân ứa nước mắt nghẹn ngào nói:
- Không ngờ tôi lấy phải người chồng là... là một nhân vật như chàng.Chung Vạn Cừu vốn thiết tha yêu vợ. Sở dĩ hắn ghét cay ghét đắng Ðoàn Chính Thuần là do sự ghen tuông mà ra. Hắn vừa thấy vợ ứa nước mắt, bất giác chân tay luống cuống, nói chiều lòng:
- Tốt! Tốt lắm! Nàng muốn mắng tôi thì cứ việc mà mắng cho sướng miệng. Tôi được mình mắng cũng vui lòng kia mà.
Hắn chạy lui chạy tới trong phòng tìm lời tạ lỗi với vợ mà không biết nói sao.
Chợt nhìn thấy thùng chai, lọ thuốc để lung tung liền nói:
- Trời ơi! Con Linh phá quá trời. Mới bé bằng ấy mà đã hỏi tới âm dương hòa hợp tán làm gì? Không biết ai xúi nó lại vào lục tìm loạn cả lên.
Vừa nói vừa xếp những chai thuốc lại, chân bước thế nào lại trúng vào tấm gỗ miệng hầm. Hoa Hách Cấn phải vận nội lực chống cho nắp hầm khỏi rớt xuống, sợ Chung Vạn Cừu khám phá ra hầm bí mật của mình.
Chung phu nhân cất tiếng gọi:
- Linh con ơi! Nó lại đi đâu rồi? Tôi đã bảo nó mấy bữa nay kẻ gian trà trộn vào rất nhiều, dặn nó đừng có đi ra đi vô bữa bãi. Tôi thấy thằng cha Vân Trung Hạc có đôi mắt diều hâu thường lấm la lấm lét nhìn con Linh nhà này nên tôi bảo nó phải đề phòng.
Chung Vạn Cừu cười hềnh hệch nói:
- Tôi để ý đề phòng mình nàng mà thôi. Con người nguyệt thẹn hoa nhường thế kia, đứa nào trông thấy mà chả thèm khát?
Chung phu nhân chặc lưỡi rồi cất tiếng gọi to:
- Linh! Linh ơi!
Một con nữ tỳ chạy ra thưa:
- Con vừa thấy tiểu thư qua đây.
Chung phu nhân gật đầu nói:
- Mi đi kêu tiểu thư về đây ta bảo.
Chung Linh ở dưới hầm, từ nãy đến giờ nghe rõ mồn một. Khốn nỗi miệng bị nhét đầy đất, không sao la lên được, trong lòng áy náy vô cùng.
Chung Vạn Cừu bảo vợ:
- Thôi nàng hãy nằm đây nghỉ một lát để tôi ra tiếp khách.
Chung phu nhân lạnh lùng đáp:
- Chàng vốn có cái ngoại hiệu: Kiến nhân tựu sát không ngờ tuổi già một chút hoá ra Kiến nhân tựu pha.
Mấy bữa nay Chung Vạn Cừu mắc bận bù đầu. Bất luận hắn thốt ra câu gì cũng là một dịp để cho vợ mỉa mai. Hắn biết vợ trước có tư tình với Ðoàn Chính Thuần.
Bữa nay hoa xưa ong cũ được dịp trùng phùng tránh sao khỏi mối tình trước kia chớm nở khiến lòng người đàn bà sinh ra bực bội. Tuy hắn căm giận vô cùng mà không dám dây miếng với nàng, chỉ cười hề hề đi ra nhà khách.
Nói về Bảo Ðịnh Ðế xuống chỉ xoá thuế muối, muôn dân nước Ðại Lý ca tụng ơn đức vô cùng. Trong địa hạt Vân Nam sản xuất muối rất ít, không đủ luật cung cầu, phải mua thêm muối ở đất Thục. Dân đã nghèo thuế muối lại nặng nên hàng năm có đến mấy tháng phải ăn nhạt. Nhà Vua biết rằng một khi miễn thuế muối, thế nào Huỳnh Mi hòa thượng cũng tìm cách đi cứu Ðoàn Dự để trả ơn. Ngài vẫn khâm phục Huỳnh Mi võ công trác tuyệt, lại lắm cơ mưu, ngoài ra hòa thượng còn có sáu tên đồ đệ giỏi nội công. Cả bảy thầy trò cùng ra tay quyết phải thành công.
Nào ngờ đã qua một ngày một đêm mà chẳng thấy hồi âm nhà Vua nóng ruột muốn phái Ba Thiên Thạch đi dò la động tĩnh, nhưng sai người đi triệu thì cả ba ông Ba Thiên Thạch, Hoa Hách Cấn cùng Phạm Hoa đều chẳng thấy đâu. Bảo Ðịnh Ðế nghĩ thầm: “phải chăng thái tử Diên Khánh vô cùng lợi hại khiến cho bảy thầy trò Huỳnh Mi hòa thượng cùng cả ba quan tam công nước Ðại Lý đều gặp khốn đốn trong hang Vạn Kiếp. Nhà Vua lập tức tuyên triệu Thái đệ Ðoàn Chính Thuần, thiện xiển hầu Cao Thăng Thái cùng bọn Ngư, Tiều, Canh, Ðộc và luôn cả vương phi Thư Bạch Phụng lại đến hang Vạn Kiếp lần nữa.
Thư Bạch Phụng quá nóng lòng vì con xin nhà Vua đem cả ngự lâm quân đi bình trị hang Vạn Kiếp.
Bảo Ðịnh Ðế nói:
- Chưa phải lúc cạn tàu ráo máng, hãy theo lề lối giang hồ mà hành động. Ta không muốn tự tay mình phá hoại thanh danh họ Ðoàn đã được di truyền từ mấy trăm năm nay.
Ðoàn người vừa đến cửa hang Vạn Kiếp đã thấy Vân Trung Hạc cười khanh khách ra đón tiếp. Gã xá dài nói:
- Chung động chúa biết đêm nay thế nào đại giá cũng giáng lâm nên cho tại hạ ra đây chờ đợi. Giả tỷ mà các hạ điều động quân thiết giáp tới thì chúng tôi đành chịu đánh bài “tẩu mã”. Nhưng các hạ vẫn giữ lề luật giang hồ, lấy tư cách nhà võ họp bạn vậy xin mời liệt vị vào đại sảnh dùng trà.
Bảo Ðịnh Ðế xem chừng đối phương vẫn bình tĩnh như thường, tuyệt không lộ vẻ hoang mang, khác hẳn bữa trước chỗ nào cũng xảy cuộc ác chiến thì trái lại nhà Vua thấy vậy rất quan tâm.
Bảo Ðịnh Ðế cũng chắp tay đáp lễ nói:
- Ðược vậy là hay lắm!
Vân Trung Hạc đi trước dẫn đường. Vào tới đại sảnh, Bảo Ðịnh Ðế thấy các hào kiệt trong đám giang hồ ngồi đầy tại đó cũng hơi chột dạ. Vân Trung Hạc lớn tiếng giới thiệu cùng cử toạ:-Ðây là chưởng môn Ðoàn gia ở Thiên Nam Ðoàn lão sư.
Sở dĩ Vân Trung Hạc không xưng hô Bảo Ðịnh Ðế là Hòang Ðế bệ hạ nước Ðại Lý mà lại giới thiệu bằng danh hiệu võ lâm là theo quy của giang hồ. Không cần nói đến ngôi chí tôn trong một nước, chỉ riêng về địa hạt võ lâm, Ðoàn Chính Minh cũng đã có một địa vị lừng lẫy, ai ai cũng ngưỡng mộ ông là một bậc tôn sư cao cả.
Các vị anh hùng vừa nghe giới thiệu, ai nấy đứng lên răm rắp. Chỉ có mình Nam Hải Ngạc Thần là chễm chệ ngồi yên nói đổng:
- Ta cứ tưởng là ai, té ra là ông Vua. Ông mạnh giỏi chứ?
Chung Vạn Cừu rảo bước tiến đến trước mặt Bảo Ðịnh Ðế nói:
- Chung Vạn Cừu này chưa kịp ra xa nghênh tiếp, xin ngài thứ lỗi cho!
Bảo Ðịnh Ðế đáp:
- Hà tất phải khách sáo?
Mọi người theo thứ bậc an toạ. Cuộc họp mặt này theo lề luật giang hồ nên vợ chồng Ðoàn Chính Thuần cùng Cao Thăng Thái không phải giữ lễ vua tôi, ngồi gần bên Bảo Ðịnh Ðế. Bọn Lăng Thiên Lý đứng đằng sau nhà Vua.
Người nhà bưng trà lên mời. Bảo Ðịnh Ðế đưa mắt nhìn một lượt, không thấy thầy trò Huỳnh Mi hòa thượng và bọn Ba Thiên Thạch có mặt tại đây, đang tìm câu để dò hỏi bỗng Chung Vạn Cừu lên tiếng:
- Ðược Ðoàn chưởng môn hai phen hạ cố, tại hạ rất lấy làm vinh dự. Nay lại được các vị bằng hữu tới đây đông đủ, tại hạ xin giới thiệu.
Rồi kể từng tên một, bắt đầu từ Tả Tử Mục, Mã Ngũ Ðức, Tuệ Thuyền hòa thượng, lần lượt đến tất cả mọi người.
Chừng quá nửa số người có mặt tại đó, Bảo Ðịnh Ðế tuy chưa từng quen biết nhưng cũng đã nghe danh.
No comments:
Post a Comment