VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - Bình Nhứt Chỉ là một nhân vật quái dị, xuất hiện ba lần, cộng khoảng 15 trang trong bộ Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung, nhưng người thầy thuốc này lại để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm.
Kim Dung ca ngợi nhân vật của mình là Đại phu – tước hiệu một chức quan có từ thời Xuân thu – Chiến quốc. Tên của nhân vật này là Bình Nhứt Chỉ, ngoại hiệu của nhân vật là Sát nhân danh y. Tuy gọi là Nhứt Chỉ (1 ngón tay) nhưng sát nhân danh y Bình Nhứt Chỉ vẫn đầy đủ cả mười ngón tay. Cả cái tên và ngoại hiệu có ý phô trương tài nghệ của nhân vật: Bình Nhứt Chỉ cứu người hay giết người chỉ cần dùng đến một ngón tay là đủ. Nói cách khác, võ công và y thuật của người này đã đạt tới trình độ thông thần.
Bình Nhứt Chỉ là người thuộc phủ Khai Phong, lưu vực sông Hoàng Hà. Tướng mạo vị danh y thật cổ quái: “Người lùn mập cao không tới bốn thước mà lưng lại rộng tới gần bốn thước. Cái đầu cực lớn, dưới hàm lại có túm râu như râu chuột”. Ngược lại với Bình Nhứt Chỉ, vợ của nhà danh y lại cao lêu ngêu, mặt dài như tấm thớt và trắng bệch, lông mày thưa rỉnh. Vợ của nhà danh y chính là y tá chuyên bưng mâm đựng dụng cụ mổ phục vụ cho nhà danh trong các ca đại phẫu.
Đúng như ngoại hiệu của mình, Bình Nhứt Chỉ cứu một người nào thì ông đồng thời ra lệnh cho người đó giết một người khác. Bình Nhứt Chỉ quan niệm rằng Diêm vương là một nhân vật sáng suốt, nếu cứ cứu cho người sống hết mà không để cho ai chết đi thì Diêm vương ắt phải rất bực mình vì không đủ “chỉ tiêu“. Cho nên Bình Nhứt Chỉ ra lệnh cho bệnh nhân của mình đi giết một người khác – thường là kẻ tàn ác – là một cách đảm bảo túc số cho Diêm vương. Nói như vậy nhưng trong suốt tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Bình Nhứt Chỉ vẫn là một ông thầy thuốc hiền lành, chẳng ra lệnh cho ai giết ai cả.
Ca phẫu thuật mà ta bắt gặp trong tác phẩm là ca Bình Nhứt Chỉ mổ và nối lại tâm mạch cho Đào Thực Tiên trong nhóm Đào Cốc lục tiên. Đào Thực tiên bị Ninh Trung Tắc, vợ Nhạc Bất Quần, đâm cho một kiếm trí mạng, đứt cả tam âm lục mạch. Bình Nhứt Chỉ đã mổ ruột Đào Thực tiên, nối lại tâm mạch, chẳng những làm cho y khoẻ lại hoàn toàn mà còn đảm bảo cho y vẫn giữ được võ công và nội công như lúc chưa bị thương. Với sự trợ giúp của bà vợ, viên thầy thuốc có những ngón tay to như trái chuối này khâu vết thương cho bệnh nhân thuần thục như một cô gái sử kim thêu. Y thuật của Bình Nhứt Chỉ cao cường đến nỗi khâu xong vết thương, bệnh nhân đã có thể ngoác mồm ra mà cãi lộn được rồi.
Thế nhưng có một ca mà Bình Nhứt Chỉ không thể chữa được. Đó là ca bệnh của Lệnh Hồ Xung. Biết Lệnh Hồ Xung là người tình của Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, bọn hào sĩ hắc đạo hiếu sự mời Bình Nhứt Chỉ đến thăm mạch cho chàng. Trên con thuyền đậu ở bến Khai Phong, Bình Nhứt Chỉ dùng đủ mười ngón tay để thăm mạch cho Lệnh Hồ Xung, nói trúng phóc trong con người chàng có bảy luồng chân khí dị chủng đang tranh đấu nhau và tâm hồn thì rất bạc nhược vì thất tình. Bình Nhứt Chỉ khuyên bệnh nhân mình cữ bốn món: không nghĩ đến gái, không đánh lộn, không cãi vã, không uống rượu. Theo Bình Nhứt Chỉ, đàn bà là một thứ gì đó vô vị nhất trên đời! Có lẽ khi lão phát biểu điều ấy, lão nghĩ đến vợ mình!
Bình Nhứt Chỉ tạm xa Lệnh Hồ Xung để mời bảy tay đại cao thủ tham gia hoá giải bảy luồng chân khí, kết hợp với y thuật của Bình Nhứt Chỉ, khả dĩ làm Lệnh Hồ Xung lành mạnh như xưa. Thế nhưng Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Linh San phụ bạc, hàng ngày phải chứng kiến cái cảnh Nhạc Linh San âu yếm với Lâm Bình Chi; lại bị Tổ Thiên Thu dẫn dụ uống tám viên Tục mệnh bát hoàn gồm những dược liệu linh chi, nhân sâm, hà thủ ô… chỉ dành cho con gái uống; lại được Lam Phượng Hoàng mời uống rượu Ngũ tiên đại bổ của Ngũ độc giáo Vân Nam…
Gặp nhau lần thứ hai trên gò Ngũ Bá Cương, Bình Nhứt Chỉ đã phóng cước đá bay những tên lang băm được mời về thăm bệnh cho Lệnh Hồ Xung. Bắt mạch Lệnh Hồ Xung, Bình Nhứt Chỉ khám phá ra tâm thần bệnh nhân hoàn toàn bạc nhược, lại dư khí âm hàn do uống lộn thuốc của phụ nữ, chẳng khác nào sông Dương Tử, sông Hoàng Hà đã đầy nước, lại khơi thêm cho nước hồ Động Đình, hồ Bàn Dương chảy vào để biến thành ngập lụt. Bình Nhứt Chỉ cũng báo tin cho Giang Phi Hồng, một cao thủ được mời chữa bệnh nội thương cho Lệnh Hồ Xung đã vung kiếm tự tử vì nghe tin Lam Phượng Hoàng – người mà y theo đuổi bấy lâu nay - đã mời rượu và ôm hôn Lệnh Hồ Xung. Viên thầy thuốc này thú nhận là không thể chữa trị cho Lênh Hồ Xung được nữa. Ứng dụng nguyên tắc cứu một người thì phải giết một người, nay cứu Lệnh Hồ Xung không được, Bình Nhứt Chỉ phải tự giết mình. Viên thầy thuốc này đã vận đứt kinh mạch mà chết.
Bình Nhứt Chỉ là con người huyền thoại trong những con người huyền thoại được xây dựng trong truyện võ hiệp của Kim Dung. Tác giả làm cho ta ngạc nhiên về y thuật, y đạo và lương tâm thầy thuốc của nhân vật này. Chỉ trong một khắc suy nghĩ về bệnh tình của Lệnh Hồ Xung mà mái tóc của Đại phu đã bạc màu, da mặt nhăn nheo như già đi mấy chục tuổi. Cái chết của Bình Nhứt Chỉ thật sự là một cách nhận lấy trách nhiệm của người thầy thuốc có tấm lòng đối với cuộc sống, thể hiện phong cách của nhà nho, của kẻ sĩ trong triết lý Trung Hoa.
No comments:
Post a Comment