Sunday, October 6, 2013

Tóm tắt Bích Huyết Kiếm

Hoa Văn

(Vietkiemhiep) - Bích huyết kiếm là tiểu thuyết võ hiệp đầu tay của nhà văn Kim Dung, đăng lần đầu tiên trên Hương Cảng thương báo từ ngày 1-1- đến ngày 31-12-1956. Một số nhân vật, tên môn phái trong Bích huyết kiếm sau này cũng được nhắc đến trong một số tác phẩm khác của Kim Dung, nhưng không có mối liên hệ rõ ràng. Dù cũng khá hấp dẫn, nhưng nhìn chung Bích huyết kiếm chưa phải là tác phẩm thật sự hay của Kim Dung.

Viên Thừa Chí là nhân vật chính trong Bích Huyết Kiếm




Tóm tắt nội dung:

Bối cảnh câu chuyện ở vào cuối thời nhà Minh (khoảng năm 1630-1644). Khi đó, đại tướng triều đình Viên Sùng Hoán bị cáo buộc có tư thông với ngoại phiên và bị hoàng đế khi đó là Sùng Trinh xử tử. Trong khi thực tế ông là một viên quan yêu nước, bị hãm hại.

Khi đó, con trai duy nhứt của Viên Sùng Hoán tên là Viên Thừa Chí, được người thân lén đưa lên núi Hoa Sơn thoát nạn. Tại đây Viên Thừa Chí, lúc này chỉ là một cậu bé trên dưới 10 tuổi, được một cao thủ võ lâm là chưởng môn phái Hoa Sơn Mục Nhân Thanh truyền thụ võ công.

Cũng trên núi Hoa Sơn, một lần nọ Viên Thừa Chí tình cờ phát hiện một hang đá bí mật đã bị lấp kín. Khi vào bên trong, chàng trai trẻ đã tìm thấy thanh kiếm quý giá có hình đầu rắn Kim xà kiếm và pho sách võ Kim xà bí kíp. Đây là di vật để lại cho hậu thế của một nhân vật tiền bối có tên là Kim xà lang quân Hạ Tuyết Nghi, vốn lừng danh trên chốn giang hồ. Đặc biệt là về kiếm pháp. Nhờ duyên này, Viên Thừa Chí đã tự mình tìm hiểu, học được kiếm thuật vô địch của Hạ Tuyết Nghi.

Sau đó, theo lệnh của sư phụ, Viên Thừa Chí xuống núi, bôn ba hành tẩu giang hồ, tìm gặp và quy tụ những người yêu nước.

Trên một chuyến thuyền đường xa, Viên Thừa Chí gặp Hạ Thanh Thanh, chính là con gái của Kim xà lang quân Hạ Tuyết Nghi và Ôn Nghi. Hạ Thanh Thanh khi đó đóng giả là con nam nhi, mang theo một bao vàng nàng vừa cướp được từ tay một đảng cướp. Khi đảng cướp đuổi theo đòi lại vàng, Viên Thừa Chí đã ra tay nghĩa hiệp giải nguy cho Hạ Thanh Thanh. Giữa hai người này sinh tình cảm, Viên Thừa Chí tìm đến nhà Hạ Thanh Thanh và biết được đây là một người con gái, lại chính là con của Kim xà lang quân.

Để trả thù cho cha mình, Viên Thừa Chí gia nhập lực lượng khởi nghĩa do Sấm vương Lý Tự Thành lãnh đạo, có mục đích lật đổ triều đình nhà Minh khi đó.

Một lần Viên Thừa Chí giúp nghĩa quân lấy lại số vàng đã bị gia đình họ Ôn lấy cắp, cùng với Thanh Thanh khám phá ra kho báu ở Nam Kinh và dùng nó để cung cấp cho nghĩa quân.

Nhiều nghĩa sĩ giang hồ đã kết bạn và cam nguyện trung thành với Viên Thừa Chí khi biết chàng là con trai Viên Sùng Hoán. Họ suy tôn Viên Thừa Chí thành minh chủ của 7 tỉnh, tổ chức thành nghĩa quân nhằm bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của quân Mãn Châu phía bắc.

Để giúp Sấm vương, Viên Thừa Chí cùng bằng hữu giang hồ tiến hành phá hủy đại pháo do người Tây dương cung cấp cho triều đình đàn áp nhân dân, sau đó chàng lẻn sang kinh đô Mãn Châu nhằm mưu sát Hoàng Thái Cực nhưng không thành công. Mặc dù căm thù hoàng đế Sùng Trinh sát hại cha mình, nhưng Viên Thừa Chí vẫn cứu thoát Sùng Trinh khỏi mưu đồ phế lập của Huệ Vương.

Trong thời gian đó chàng quen biết Hà Thiết Thủ, giáo chủ Ngũ độc giáo và là người cùng phe với Huệ Vương, giúp cô cải tà quy chính và thu nhận làm đệ tử.

Đặc biệt, Viên Thừa Chí đã gặp A Cửu - chính là Trường Bình công chúa, con gái vua Sùng Trinh. A Cửu đem lòng yêu say đắm Viên Thừa Chí. Chàng ta cũng phân vân không dứt khoát giữa A Cửu và Thanh Thanh.

Lý Tự Thành sau khi đánh chiếm thành Bắc Kinh, bức tử vua Sùng Trinh, đã không thực hiện lời hứa giúp dân nghèo thoát khỏi cảnh nghèo khổ lầm than. Ngược lại còn dung túng cho quân sĩ cướp bóc hãm hiếp lê dân, còn bản thân Lý Tự Thành thì đắm chìm vào rượu ngon gái đẹp, nghe lời sàm nịnh giết chết Lý Nham là người vô cùng trung thành với mình.

Trước nghịch cảnh như vậy, Viên Thừa Chí quá thất vọng nên quyết định ra đi. Quân Mãn Châu với sự trợ giúp của Ngô Tam Quế vượt qua Sơn Hải quan tiến vào Trung nguyên, đánh bại Lý Tự Thành và lập ra nhà Thanh. Viên Thừa Chí biết rằng Trung Quốc đã hoàn toàn rơi vào tay người Mãn, chàng nhận ra rằng mình không thể đảo ngược được tình hình nên quyết định cùng Thanh Thanh và bằng hữu giang hồ chu du hải ngoại, định cư tại hải đảo mà ngày nay là Brunei.

....

Các nhân vật chính

Viên Sùng Hoán: đại tướng thời Minh, cha của Viên Thừa Chí, nhận trách nhiệm bảo vệ biên giới phía bắc trước sự xâm lược của Mãn Thanh. Ông bị vu cáo tư thông với ngoại phiên và bị hoàng đế Sùng Trinh xử tử.

Viên Thừa Chí: nhân vật chính của tác phẩm, là con trai Viên Sùng Hoán, đệ tử thứ ba của Mục Nhân Thanh phái Hoa Sơn. Viên Thừa Chí cũng học được võ công vô địch của Kim Xà lang quân Hạ Tuyết Nghi thông qua bộ Kim Xà bí kíp, trở thành minh chủ 7 tỉnh đứng đầu Kim Xà Doanh trong lực lượng khởi nghĩa của Lý Tự Thành, sau khi nhà Minh mất cùng mọi người ra hải ngoại.

Hạ Thanh Thanh: còn gọi là Ôn Thanh Thanh, con gái của Hạ Tuyết Nghi và Ôn Nghi. Cô là người Kỳ Tiên Phái ở Chiết Giang, thành viên của gia đình họ Ôn. Thanh Thanh rất yêu Viên Thừa Chí nên sau khi mẹ cô bị Ôn gia sát hại, cô đã đi theo Viên Thừa Chí làm bạn đồng hành. Thanh Thanh rất hay ghen tuông với những thiếu nữ có quan hệ với Viên Thừa Chí như An Tiểu Tuệ, Tiêu Uyển Nhi, A Cửu. Sau khi nhà Minh mất, Thanh Thanh cùng Viên Thừa Chí ra hải ngoại.

A Cửu: tức Trường Bình công chúa cô là con gái vua Sùng Trinh. Cô là đồ đệ của Trình Thanh Trúc, bang chủ Thanh Trúc bang, sau đó gặp và yêu Viên Thừa Chí. Khi Lý Tự Thành tấn công Bắc Kinh, A Cửu bị Sùng Trinh chặt đứt một cánh tay nhưng đã được Viên Thừa Chí cứu thoát. Cuối tiểu thuyết, A Cửu quyết định cắt đứt tình yêu với Viên Thừa Chí và xuất gia làm ni cô, bái Mộc Tang đạo nhân làm sư phụ, lấy pháp danh là Cửu Nạn. Cô cũng xuất hiện trong Lộc Đỉnh ký.



Hình tượng nhân vật A Cửu

Hạ Tuyết Nghi: ngoại hiệu Kim xà lang quân, võ nghệ cao cường với Kim xà kiếm pháp và Kim xà trùy oai chấn giang hồ. Ông hấp dẫn phụ nữ với vẻ ngoài quyến rũ hào hoa và tinh thần nghĩa hiệp, và đã có hai cuộc tình với Hà Hồng Dược và Ôn Nghi. Hạ Tuyết Nghi được miêu tả là đã chết khi bộ tiểu thuyết bắt đầu và được nhắc đến bởi những người còn sống, trong đó có Viên Thừa Chí là truyền nhân của ông. Hạ Tuyết Nghi (hay còn được biết đến qua danh hiệu Kim Xà Lang Quân) là một trong những nhân vật quan trọng trong tác phẩm Bích Huyết Kiếm của nhà văn Kim Dung.

Cả gia đình ông người bị con thứ Sáu của họ Ôn của phái Thạch Lương giết hại. Hạ Tuyết Nghi may mắn trốn thoát và đã luyện tập võ nghệ trong Kim Xà Bí Kíp (cùng với Kim Xà Kiếm là bảo vật trấn bang của Ngũ Độc Giáo). Trong lúc thâm nhập vào Ngũ Độc Giáo để cướp Kim Xà Kiếm, ông vô tình tìm được bảo vật thứ ba của họ là một bản đồ kho báu mà sau này Lý Tự Thành dùng để nuôi binh khởi nghĩa. Mang mối thù không đội trời chung với Ôn gia, ông quyết giết 50 người và 10 phụ nữ trong gia đình họ. Tuy nhiên, sau khi bắt cóc được Ôn Nghi, con gái Ôn lão chủ, ông bị vẻ đẹp của nàng cảm hóa. Ôn Nghi vì thấy chàng là một hảo hán hiệp nghĩa và vốn căm ghét sự xấu xa của gia đình nên nàng đã yêu thầm chàng. Tuy Hạ Tuyết Nghi võ nghệ siêu quần, nhiều lần bất phân thắng bại với Ngũ trận của Ôn Gia Ngũ Lão, ông đã bị Ôn lão chủ đầu độc trong bát canh sen của Ôn Nghi đưa. Mang trong mình kịch độc, nhưng vì cứu Ôn Nghi, chàng đã chiến đấu dũng cảm, sau bị Ôn gia cắt hết gân tay và phế đi võ công. Cuối cùng, trong quá trình giao lại cho họ Ôn bản đồ kho báu giả, chàng đã thông minh thoát thân và sau đó sáng chế ra ám khí Kim Sa chùy để đấu lại thế trận họ Ôn.Về sau, Viên Thừa Chí đã vô tình học được bí kíp này. Hạ Thanh Thanh chính là con gái của ông với Ôn Nghi. Sau ông đã chết trong hang núi trên phái Hoa Sơn và được Thừa Chí tận tay cất táng.

Hà Thiết Thủ: giáo chủ Ngũ độc giáo. Cô có một cái móc sắt ở tay phải, giống như tên gọi Thiết Thủ là bàn tay sắt. Cô gặp Viên Thừa Chí và ra sức gây khó dễ cho chàng. Khi gặp Hạ Thanh Thanh đóng giả nam trang, Hà Thiết Thủ đã yêu cô nên quyết định phản bội Ngũ độc giáo và rút khỏi kế hoạch ám sát Sùng Trinh. Viên Thừa Chí đã thành công trong việc giúp cô cải tà quy chính và thu nhận cô làm đệ tử, đổi tên là Hà Dịch Thủ. Cô cũng xuất hiện trong Lộc Đỉnh ký.

Lý Tự Thành: dân gọi là Sấm vương, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa lật đổ triều Minh.

Mục Nhân Thanh: chưởng môn phái Hoa Sơn, ngoại hiệu Thần kiếm tiên viên, có ba đệ tử là Đồng bút thiết toán bàn Hoàng Chân, Thần quyền vô địch Quy Tân Thụ và Viên Thừa Chí.

Mộc Tang đạo nhân: chưởng môn Thiết Kiếm môn, sư phụ của Cửu Nạn, sư huynh của Ngọc Chân Tử.

Quy Tân Thụ: ngoại hiệu Thần quyền vô địch, đệ tử thứ hai của Mục Nhân Thanh. Có xuất hiện trong Lộc Đỉnh ký.

--------------------------

Viên Sùng Hoán bình truyện

Viên Sùng Hoán bình truyện là phần phụ lục của Bích huyết kiếm, được Kim Dung viết năm 1975, được chia làm 15 phần. Ban đầu có tên Quảng Đông anh hùng Viên man tử đăng trên Minh báo. Tư liệu được lấy từ Minh sử, Thái Tông thực lục, Sùng Trinh trường thiên...

Nội dung chủ yếu của Viên Sùng Hoán bình truyện là lý giải nguyên nhân Sùng Trinh giết Viên Sùng Hoán không phải vì trúng kế phản gián của Hoàng Thái Cực mà là vì xung đột giữa hai cá tính con người, và tâm lý không bình thường của Sùng Trinh[5]. Một mục tiêu khác là nhắc đến nỗi hại của chế độ độc tài chuyên chế.

Theo bản thân Kim Dung thì bài văn này không có giá trị học thuật mà chỉ có tính dễ đọc so với sách sử thông thường.



No comments:

Post a Comment