VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - Kính thưa Hội đồng xét xử,
Bị cáo Nhất Đăng là một nhân vật... trong bộ tiểu thuyết Xạ điêu anh hùng truyện. Nhất Đăng chỉ là pháp hiệu, tên thật của bị cáo là Đoàn Trí Hưng, nghề nghiệp: hoàng đế nước Đại Lý; địa chỉ thường trú: thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay. Bị cáo Nhất Đăng đã từng được nhà văn Kim Dung xếp vào Võ lâm ngũ bá (5 ông trùm của võ lâm) cùng với Vương Trùng Dương (giáo chủ phái Toàn Chân), Hồng Thất Công (bang chủ Cái bang), Âu Dương Phong (chưởng môn Bạch Đà Sơn) và Hoàng Dược Sư (đảo chủ Đào Hoa đảo).
Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn lên ngôi làm vua ở Trung Quốc, mở ra nhà Đại Tống, đóng đô ở Biện Kinh, tức phủ Khai Phong từ năm 960. Họ Đoàn lên ngôi vua ở Côn Mình, mở ra nước Đại Lý trước Triệu Khuông Dẫn 23 năm, tức từ năm 937. Đại Lý là một quốc gia độc lập ở phía Tây nam Trung Quốc, coi Phật giáo là quốc giáo. Các vua nước Đại Lý sùng mộ Phật giáo, tính đến Nhất Đăng thì trong 18 đời đã có 7 vị xuất gia làm sư. Bị cáo Nhất Đăng là đời vua thứ 18 của nước Đại Lý nhưng động cơ xuất gia của bị cáo không phải là do sùng mộ Phại giáo mà nên. Bị cáo xuất gia là để tránh một sự trả thù và đồng thời cũng để tỏ lòng ăn năn hối hận về những hành vi phạm pháp luật mà bị cáo đã gây ra trước đó. Hồ sơ vụ án do Kim Dung xây dựng đã thể hiện rõ lời nhận tội của bị cáo: “Ta tạo phúc cho trăm họ thì ít mà gây ra tội nghiệt thì nhiều”. Cần nhớ rằng bị cáo nhận tội ngay trong bản cung đầu tiên, trạng thái tinh thần hoàn toàn sáng suốt, không hề bị cán bộ điều tra dùng nhục hình, bức cung, dụ cung.
Có thể nói khi còn là hoàng đế nước Đại Lý, bị cáo Nhất Đăng là con người lý tưởng, biết giữ cho quốc gia một nền hoà bình bền vững, biết chăm lo cơm áo cho trăm họ. Bản thân bị cáo cũng là tôn sư của một võ phái, là một đại hành gia với tuyệt kỹ Nhất dương chỉ. Võ công của bị cáo cao cường đến nỗi một chỉ (ngón tay) phóng ra có thể là tan bia vỡ đá, huống chi nói tới tấm thân huyết nhục của con người. Bản lĩnh của bị cáo thật khiến cho người ta kinh hãi: “Ngón tay phóng ra co vào như ý muốn; cánh tay cử động ung dung khoáng dật, điểm vào 36 đại huyệt với 36 thủ pháp khác nhau”. Rồi có khi: “Nhà sư đi như rồng, bước như cọp, cánh tay rung rung như chuồn chuồn điểm thủy”. Phòng cách võ công của bị cáo là phong cách võ công của một bậc đại vương giả, người thường ít ai có được. Một người như bị cáo tưởng đã có thể an tâm là vua nước Đại Lý lâu dài, tiếp tục tạo phúc cho trăm họ, tiếp tục làm một thế lực đối trọng chống kẻ tà ác để góp phần duy trì công đạo cho võ lâm. Ấy thế mà bị cáo đã phạm tội đến nỗi phải đào nhiệm, bỏ trốn khỏi nơi cu trú, dẫn một số quan chức thân cận về huyện Đào Nguyên, Giang Nam, Trung Quốc rồi xuống tóc đi tu.
Đại Lý là một nước nhỏ; họ Đoàn làm vua thường chủ trương kiệm ước, khác hẳn cách sống hưởng thụ xa hoa, truỵ lạc của các vua nhà Đại tống. Các vua Đại Lý không tổ chức ra tam cung lục viện; hàng năm cũng không tuyển thêm các hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, thiếu nữ thanh lịch để bổ sung vào đội ngũ phi tần, cung nữ. Tuy vậy, bị cáo Nhất Đăng, tức Đoàn Trí Hưng, vẫn là vua nên ngoài hoàng hậu chánh cung còn có thêm một số thứ phi khác. Trong đội ngũ phi tần ấy, có Lưu phi, tên thật là Lưu Anh Cô, 19 tuổi, thật sự là một đại hoa hậu.
Lưu Anh Cô hiếu võ, thường mong muốn được bị cáo dạy cho những môn võ công độc đáo. Ban đầu thì bị cáo có dạy cho Lưu Anh Cô vài ba chiêu thức nhưng sau đó việc dạy dỗ trở nên lơ là, thậm chí nghĩa vụ chăn gối cũng thực hiện không xong. Theo bị cáo, tình hình tồi tệ đó xảy ra là do bị cáo phải tiếp giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trung Dương đang sang thăm và làm việc với bị cáo để trao đổi võ công thượng thừa.
Đi theo Vương Trùng Đương có gã sư đệ tên Châu Bá Thông, ngoaạ hiệu là Lão ngaon đồng, tâm tính hồn nhiên, con người hiếu động, chỉ thích giỡn chơi. Lưu Anh Cô gặp Châu Bá Thông, đề nghị gã này dạy cho cô phép điểm huyệt. THế nhưng đại phàm phép điểm huyệt là ít nhất phải đưa ra một ngón tay để đụng chạm vào da thịt của người khác. Mà những huyệt đạo trên thân thể con người lại nằm ở những vị trí rất ác hại: huyệt Mi tâm nằm giữa hai lông mày, huyệt Đản trung nằm giữa ngực, huyệt Đan điền nằm dưới lỗ rún mấy phân tây... Từ điểm huyệt, Châu Bá Thông và Lưu Anh Cô đã thực hiện chuyện “điểm” nhau ngay trong cung cấm. Bị cáo Nhất Đăng có biết rõ việc ấy. Đó là việc xảy ra trong hoàng cung, bị cáo đang làm vua và làm chủ nhà. Chuyện bị cáo phản cung, cho rằng mình không biết chuyện quan hệ giữa Châu Bá Thông và Lưu Anh Cô là không có cơ sở để tin cậy.
Lưu Anh Cô có thai với Châu Bá Thông. Vương Trùng Dương giận lắm, muốn trừng phạt gã sư đệ lỗ mãng dã dám động chạm đến ái phi của ông bạn quý. Song bị cáo Nhất Đăng chính thức tuyên bố cho phép Lưu Anh Cô được lấy Châu Bá Thông, hai người phải nên duyên nợ vợ chồng. Lúc này thì Châu Bá Thông giở quẻ. Đương sự tâu rõ với bị cáo rằng đương sự gây ra lầm lỗi, bị cáo muốn giết đương sự cũng được nhưng đừng bắt buộc đương sự phải làm chồng Lưu Anh Cô. Rồi đương sự... chạy trốn khỏi chốn hoàng cung nước Đại Lý. Từ đó, bị cáo không nhìn đến Lưu Anh Cô nữa.
Hai năm sau, một đêm, Lưu Anh Cô chợt xuất hiện, bồng đứa con trên tay đến nhờ bị cáo Nhất Đăng cứu mạng. Nguyên đứa con của cô bị một cao thủ nào đó đánh trọng thương nhưng đứa bé không chết. Hành vi vố ý gây thương tích này có ý đồ rõ ràng: kẻ gây án muốn bị cáo Nhất Đăng sử dụng Nhất dương chỉ để cứu mạng cho đứa bé, khiến cho bị cáo tiêu hao công lực để kẻ thù ra mặt thách đấu.
Ban đầu, bị cáo nhận cứu giúp đứa con riêng của Lưu Anh Cô. Nhưng khi giở tấm khăn bọc đứa bé ra, bị cáo nhìn thấy chiếc yếm đứa bé đang đeo chính là tấm khăn gấm thêu đôi uyên ương và những câu thơ do Lưu Anh Cô tặng Châu Bá Thông thì ngẩn người ra. Hồ sơ vụ án không thể hiện rõ bị cáo có nổi lòng ghen tức hay không, nhưng có ghi lại một câu mà bị cáo đã nói: “Con của các ngươi sinh ra thì tại sao ta phải hao tổn tinh lực để cứu?”. Lưu Anh Cô quỳ lại bị cáo, nguyện tự xử lấy mình để bị cáo ra tay cứu mạng cho đứa bé nhưng bị cáo vẫn không chịu cứu giúp. Chỉ trong một đêm mà mái tóc xanh của Lưu Anh Cô đã trở nên bạc trắng. Bị cáo nhìn rõ mọi diễn biến đo trên mái tóc của Lưu Anh Cô nhưng y vẫn không chịu cứu đứa bé. Trong lúc quẫn trí, Lưu Anh Cô điên cuồng cất tiếng hát ru con rồi dùng lưỡi truỷ thủ mang trong người giết chết đứa bé rồi bỏ hoàng cung ra đi.
Đứa bé ấy là con của Lưu Anh Cô và Châu Bá Thông. Thế nhưng trên phương diện pháp luật, Lưu Anh Cô vẫn là vợ của bị cáo bởi trong hồ sơ vụ án không có một chứng cứ nào chứng minh rằng bị cáo và Lưu Anh Cô đã ly dị; bị cáo không còn nghĩa vụ làm chống đối với Lưu Anh Cô. Lưu Anh Cô lại sinh đứa bé ra ngay trong hoàng cung nên trên danh nghĩa, đứa bé ấy vẫn là con của bị cáo, trừ trường hợp bị cáo xuất trình được... biên bản xét nghiệm ADN chứng minh đứa bé không mang những đặc điểm di truyền của bị cáo. Mà dù đứa bé ấy là con của một người nào đó thì bị cáo vẫn phải có nghĩa vụ cứu giúp nạn nhân bởi bị cáo có công phu Nhất dương chỉ, tức là có khả năng và điều kiện cứu giúp nạn nhân.
Nếu xét theo... pháp luật Việt Nam ngày nay, hành vi từ chối cứu người của bị cáo Nhất Đăng đã phạm vào tội không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, được quy định rõ tại Tiết b Khoản 2 Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 1999 “Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.”, có khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.
Ở đây, chúng tôi xin lưu ý Hội đồng xét xử một điều là bị cáo Nhất Đăng có trình độ văn hóa cao, có hiểu biết pháp luật sâu rộng. Nạn nhân trong trường hợp cụ thể này là một hài nhi. Cho nên hành vi phạm tội của Nhất Đăng không có một tình tiết nào có thể được gọi là giảm nhẹ. Từ những điều đã trình bày trên, cần có một bản án thích hợp với hành vi gây án của bị cáo, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định nhằm giáo dục bị cáo và góp phần răn đe giáo dục chung. Tôi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nhất Đăng, tức Đoàn Trí Hưng mức án 5 năm tù giam, cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoàng đế nước Đại Lý vĩnh viễn.
Xin cám ơn Hội đồng xét xử.
No comments:
Post a Comment