Wednesday, October 16, 2013

Bọn hào sĩ giang hồ ăn Tết

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Khái niệm "hào sĩ giang hồ" là một khái niệm khá đặc biệt mà người ta chỉ tìm thấy trong những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa hào sĩ là "những người có thế mạnh hơn người". Trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, từ "giang hồ" (sông hồ) mang một ý nghĩa hết sức tượng trưng để chỉ những cuộc đời lênh đênh, trôi giạt; những con người chuyên sống bằng đường đao mũi kiếm, đứng trên và đứng ngoài những quy định vương pháp của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Họ hình thành một giới: giới võ lâm.


Tính theo âm lịch, người Trung Quốc ăn 12 cái tết (tiết) trong năm: Nguyên đán (1 tháng giêng), Khai hạ (7 tháng giêng), Nguyên tiêu (15 tháng giêng), Hàn thực (3 tháng ba), Thanh minh (tháng ba), Đoan ngũ (5 tháng năm), Trung nguyên (15 tháng bảy), Trung thu (15 tháng tám), Trùng cửu (Trùng dương - 9 tháng chín), Trùng thập (10 tháng mười), Hạ nguyên (15 tháng mười), Táo quân (23 tháng chạp). Bọn hào sĩ giang hồ vốn là những hán tử thô hào, bồng bột, lãng mạn - nói theo ngôn ngữ Kim Dung, cũng "ăn tết" quanh năm.

"Gió xuân đầm ấm
Ngàn liễu xang tươi
Hoa phô sắc thắm
Hương nức lòng người"

"Tiết trời vào buổi dương xuân, ánh dương quang sáng lạn khắp miền nam". Đoạn văn ngắn trên đây của Kim Dung, mở đầu cho tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ với những nét phác rất đơn giản, giới thiệu cho chúng ta thấy khung cảnh mùa xuân ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc. Trong khung cảnh đó, chàng trai Lâm Bình Chi của Phước Oai tiêu cục cao hứng dẫn bọn tiêu sư đi săn rồi vào quán bên đường uống rượu, gây ra cuộc ẩu đả với bọn phái Thanh Thành để rồi vướng vào những cuộc đấu tranh đẫm máu trong suốt chiều dài cuốn truyện.

Ăn tết không gì vui bằng rượu. Rượu của Trung Quốc vốn rất phong phú về nguyên liệu, về cách chưng và về tên gọi: Thiệu Hưng trạng nguyên hồng, Thiệu Hưng nữ nhi hồng, Trúc diệp thanh, Mai quế lộ, Bách thảo mĩ tửu, Hầu nhi tửu, Bồ Đào tửu, Cao lương tửu, Ngũ tiên tửu, Phần Dương tửu... kể cả Phục đặc gia tửu (rượu Vodka). Bọn hào sĩ giang hồ cứ thế mà uống, uống xong rồi tuốt kiếm giương đao nói chuyện phải quấy với nhau.

Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ đấu với nhau trí mạng trên Tuý tiên lâu ngoại thành Hành Sơn để rồi trở thành bạn của nhau cũng qua chén rượu. Biết Lệnh Hồ Xung quý rượu hơn tính mạng, bọn hào sĩ giang hồ các bang, các đảo, các động tổ chức cuộc họp mặt ăn tết trên gò Ngũ Bá Cương để lấy lòng chàng và lấy lòng Nhậm Doanh Doanh, ý trung nhân của chàng. Ngũ Bá Cương thuộc về hạ lưu sông Hoàng Hà, giáp giới Hạ Trạch, Định Đào, phía Tây địa giới tỉnh Hà Nam, là nơi thuận tiện cho quần hùng bốn châu Tề, Lễ, Dự, Ngạc tụ hội. Bọn hào sĩ giang hồ bốn châu đã ăn cắp thuốc và bắt thầy thuốc về chữa bệnh cho Lệnh Hồ Xung; mang theo những bò khô, bò quay (?), đùi gà và cả chục loại rượu đủ cho 3000 người ăn để tiếp đãi chàng. Tất cả chỉ vì một mục đích: được bái yết tôn dung Lệnh Hồ Xung. Họ "ăn mặc kỳ dị, mặt mày dữ tợn", chuyên ăn những miếng thịt to, uống những bát rượu lớn, tưởng đâu chẳng biết sợ trời sợ đất là gì. Thế nhưng, nghe tiếng đàn tình tang của thánh cô Nhậm Doanh Doanh nổi lên, cả 3000 con người vứt chen bỏ tô hè nhau trốn sạch!

Gần như cuộc sống của giới võ lâm trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung chẳng thấy ai làm nghề nghiệp gì, nhưng họ lại có vàng, có bạc, quanh năm ăn uống no say. Khi Doanh Doanh ban lệnh buộc bọn hào sĩ giang hồ phải tìm cách giết Lệnh Hồ Xung thì bọn Lão Đầu Tử, Tổ Thiên Thu và Kế Vô Khả Thi vẫn tuân lệnh. Nhưng vốn đấu kiếm không lại Lệnh Hồ Xung, cả bọn 40 người nguyện dùng rượu ngon đổ cho Lệnh Hồ Xung say đến chết! Họ lý luận: "Cái đó kêu bằng dúng sức không được thì dùng trí" (?). Rồi từ 40 người, họ về kết bè phái lên tới 2000 người, bầu Lệnh Hồ Xung làm minh chủ, trống rong cờ mở tiến lên chùa Thiếu Lâm vào rằm tháng chạp để giải cứu Nhậm Doanh Doanh. Đi đến bất kì nơi đâu, bọn hào sĩ giang hồ cũng "ăn tết" thủng nồi trôi rế tới đó.

Có lẽ căn bệnh ăn nhiều uống lắm là căn bệnh phổ quát của con người. Biết làm sao được? Cuộc sống ngắn ngủi có 100 năm, lại sẵn rượu ngon nhắm tốt, không uống không ăn hoá ra cô phụ tấm lòng của cuộc đời dành cho mình lắm sao? Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung lại là những nhân vật tự nhiên chủ nghĩa, hễ có là ăn uống ì xèo như ngày tết, không cần biết thức đó do ai làm và làm cho ai.

Trong Thiên Long bát bộ, có một đoạn tao ngộ khá vui: bọn Tần gia trại ở Hà Sóc vô tình chạm mặt bọn phái Thanh Thành ở Tứ Xuyên trong Tính hương tịnh xá của Đoàn A Châu tại Giang Nam. Mục đích chung của họ là tìm Mộ Dung Phục để trả thù. Trong khi bọn đệ tử Thanh Thành ăn chay, ngồi trơ như gỗ đá thì bọn Tần gia trại lại nhậu nhẹt tưng bừng. Chúng lấy hết những rượu hoa nhài, Mai Quế lộ, Mai hoa lộ do A Châu chưng cất ra uống, lại buộc lão Cố - đầu bếp của A Châu, phải xào nấu thức nhắm cho chúng thưởng thức. Để trả thù, lão Cố vừa nấu nướng vừa xỉ mũi, khạc nhổ đờm rãi vào thức ăn, "phục vụ" cho chúng anh hùng Tần gia trại!

Nếu hình thái ăn tết tập thể có vẻ lúi xùi, lộn xộn thì hình thái ăn tết cá nhân lại có vẻ đàng hoàng, trật tự hơn. Chúng ta có thể tìm gặp trong Thiên Long bát bộ hình ảnh của một người ngồi nhậu trên Tùng hạc lâu, thành Vô Tích, đất Giang Nam: "Một đại hán ngồi đầu mé tây, hai mắt sáng như điện, thân thể cao lớn, trạc ngoài 30 tuổi, phục sức có vẻ sơ sài mộc mạc, mặt vuông chữ điền, tướng mạo không tuấn tú nhưng oai phong lẫm liệt". Đó là Kiều Phong, bang chủ Cái bang Trung Quốc. Anh ta mời Đoàn Dự, vương tử nước Đại Lý đối ẩm với một mân thịt bò chín, một bát canh lớn và ba hồ rượu to, mỗi tô mười cân, mỗi cân tương đương 600 gram, vị chi khoảng 18 lít. Cả hai cưa đôi số rượu đó, tính ra mỗi người uống được 40 bát, tương đương chín lít. Chắc chắn là tác giả có thổi phồng con số này để khắc hoạ đậm nét thên hai hình tượng anh hùng của giới võ lâm thời nhà Tống.

Ở chừng mực nào đó, việc đối ẩm của giới võ lâm thể hiện những nét văn hoá nhất định, không phi văn hoá và tự nhiên chủ nghĩa như việc loạn ẩm của quần hào. Ta có thể tìm ra được những biểu hiện văn hoá như vậy trong cuộc gặp gỡ giữa Kiều Phong và Công Dã Can, trang chủ Huyền Sương trang trên Vọng giang lâu ở thành Giang Âm, thượng lưu sông Trường Giang. Kiều Phong và Công Dã Can, mỗi người bưng một bát rượu đầy, thách đấu với nhau ba chưởng. Qua hai chưởng đầu, Công Dã Can còn giữ được bát rượu trong tay. Qua chưởng thứ ba, anh ta không chịu nổi được sức mạnh của Kiều Phong, Công Dã Can chỉ than: "Tiếc quá, thực uống bát rượu ngon". Qua cấu nói đó, Kiều Phong đánh giá Công Dã Can là một anh hùng chân chính, một hảo hán tử.

Trong năm cách uống rượu (ẩm): độc ẩm, đối ẩm, cộng ẩm, quần ẩm và loạn ẩm thì cách loạn ẩm là lộn xộn nhất, lăng nhăng nhất. Bọn hào sĩ giang hồ vốn là những người ít học, lại văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị, ai cũng tự cảm thấy mình là bậc anh hùng, là con người siêu việt. Khi cả bọn họp mặt nhau lại, khó khăn lắm mới bâu ra được người thống lĩnh. Khổ thay, người thống lĩnh đó tài trí và võ công chưa chắc đà hơnai, lại không qua một trường huấn luyện chỉ huy nào nên đội ngũ được thống lĩnh vốn đã ô hợp lại càng thêm xộc xệch. Trường hợp của Ô Lão Đại thống lĩnh bọn quần tiên 36 động, 72 đảo gồm mấy ngàn người, tấn công lên núi Phiêu Miễu, cung Linh Thứu chống Thiến Sơn Đồng Mỗ trong Thiên Long bát bộ là như vậy. Bọn hào sĩ giang hồ này tự xưng là "tiên" nhưng thực ra chỉ là một đám ăn hại, võ nghệ tào lao mà đầu óc lại nông choèn. "Quần tiên" lên được tới cung Linh Thứu không thu được thắng lợi gì ngoài việc ăn uống thả dàn và phóng uế bừa bãi. Vụ "ăn tết" đó khiến cho cung Linh Thứu xú khí ngất trời xanh.

Gần như ai cũng công nhận rằng người Trung Quốc có kĩ thuật chế biến món ăn tinh vi, khoa học, xảo diệu và cầu kì nhất. Đọc Lộc Đỉnh ký, chúng ta biết được có trên 100 món hạt dưa, trên 100 món bánh mứt ăn chơi và cả ngàn món thức ăn mặn. Nhân vật được quyền ăn ngon nhất trong Lộc Đỉnh ký là nhà vua Khang Hy. Tuy nhiên, đúng như định đề Kim Dung đã rút ra: "Ở trên đời, hoàng cung và kĩ viện là hai nơi trá nguỵ nhất" cho nên trong cái ăn vẫn có những điều trá nguỵ buồn cười.

Trên nguyên tắc, đồ ăn thức uống nào ngon nhất, bổ nhất thì được dâng lên vua. Bọn trù phòng (đầu bếp) và bọn thái giám thường hợp đồng mua thực phẩm từ nhà thầu bên ngoài đưa vaò hoàng cung để chế biến. Tuy nhiên, cũng như muôn đời, cuộc sống vốn tồn tại cái gọi là tham nhũng mà trong kĩ thuật tham nhũng, bọn thái giám chính là tổ sư bồ đề. Cho nên, bất kì món thực phẩm nào đưa vào hoàng cung dẫu có ươn thúi đi nữa mà kèm theo được chút tiền lót tay thì món ấy mới xứng để dâng lên nhà vua và các hậu phi; món nào dù có tươi ngon đến mấy mà thiếu tiền lót tay cũng trở thành ươn thối.

Con heo được nuôi bằng những vật trân quý như Đậu hoàng Nhân sâm, Hoa điêu, Phục linh, có tên là Đậu hoàng nhân sâm trư, Hoa điêu phục linh trư được bọn quần hùng Thiên Địa hội làm sẵn, nhét người vào trong đó để đưa đến tổng quản thái giám Vi Tiểu Bảo (người của Thiên Địa hội làm nội tuyến trong hoàng cung). Bọn chúng giả vờ quên đưa tiền lót tay để Vi Tiểu Bảo chửi toáng lên, buộc đưa heo về phòng mình khám nghiệm và cứu người ra. Những món thịt heo trân quý như vậy ít khi đến miệng vua Khang Hy. Nó dùng làm thức đưa cay cho quí vị thái giám trù phòng và thị vệ dưới quyền Vi Tiểu Bảo. Ngay cả quần hùng Thiên Địa hội cũng được “ăn theo” nhiều món khoái khẩu mà chỉ có trong hoàng cung mới nấu nướng được.

Cho nên, quanh năm suốt tháng, những ai đi theo Vi Tiểu Bảo đều được ăn tết. Họ "ăn tết" từ hoàng cung ra đến quanh thành Bắc Kinh, từ Bắc Kinh đến Vân Nam, từ Vân Nam đến Dương Châu, từ Dương Châu đến biên giới Trung - Nga ở vùng Hắc Long Giang. Kiến thức về văn hoá thì Vi Tiểu Bảo khống có lấy một xu nhưng kiến thức về đánh bạc bịp, làm tiền và nhất là ăn uống thì Vi Tiểu Bảo là nhân vật siêu hạng.

Trong 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp của mình, Kim Dung đã dành nhiều trang nói về các đồ ăn thức uống, cách chế biến, cách dùng. Có lẽ chủ nghĩa dân tộc cũng hằn sâu vào những trang sách này của ông: ông không che giấu được niềm tự hào khi nói về nghệ thuật ăn uống của người Trung Quốc, và đối với những đồ ăn thức uống của dân tộc khác, ông thường chê là hủ lậu. Và cũng có lẽ do âm vang lịch sử về nỗi thống khổ của dân tộc trong những năm Bát quốc liên quân tấn công triều Thanh, cuộc xâm lược của phát xít Nhật vào vùng Đông Bắc, những tao loạn trong quá trình đấu tranh Quốc - Cộng đã khiến cho hàng triệu người Trung Quốc đói rét lầm than nên Kim Dung đã hào phóng để cho bọn hào sĩ giang hồ trong tác phẩm võ hiệp của mình ăn tết thoải mái, không nhằm ngày tết cũng tiểu yến, đại yến như thường. Họ đi đến đâu là được ăn nhậu no say đến đấy mặc dầu thấy họ hiếm có nghề nghiệp, tiền bạc. Bọn hào sĩ giang hồ chỉ có được cái miệng rộng và cái dạ dày to. Hoặc giả đó cũng có thể là một mơ ước nhân bản của Kim Dung: mơ ước về một nền văn minh phồn thực tự nhiên. Ông mong đồng bào mình suốt đời được ăn ngon, mặc đẹp. Mà suy cho cùng, nếu được thảnh thơi ăn tết quanh năm thì loài người quả thật hạnh phúc.

No comments:

Post a Comment