Wednesday, October 16, 2013

Huyền thoại Thủ cung sa

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Thủ cung sa (守宮沙) có lẽ là một khái niệm khá mới trong hệ thống từ Hán - Việt của ngôn ngữ Việt Nam. Tôi đã tra 6 cuốn từ điển Hán - Việt hoặc Việt – Hán mà không tìm ra được từ ghép này, có lẽ vì nó cổ quá và có lẽ đến bây giờ, người phụ nữ Trung Quốc không cần đến nó nữa. Cuộc sống văn minh với làn sóng “cách mạng tình dục”, tư tưởng tự do luyến ái và một chút thực dụng của chủ nghĩa hiện sinh Tây phương đã ảnh hưởng đến phương Đông.


Người phương Đông, kể cả người phương Đông Trung Quốc, vốn là con cháu Đức Khổng Phu tử, đã có một quan điểm rất thoáng về chữ trinh nơi người phụ nữ. Tôi nhấn mạnh chữ Trinh (貞) chứ không phải chữ Tiết (節). Trinh là một cái gì đó hoàn toàn nguyên vẹn, ban sơ mà đạo Khổng vốn coi là biểu tượng của sự trong trắng, đạo đức, của tất cả các hành vi giữ mình như ngọc của một cô gái mới lớn lên. Trong y học, trinh mang ý nghĩa cụ thể hơn: đó là một cái màng mỏng nằm trong nội cung người phụ nữ. Ai còn trinh thì được gọi là xử nữ. Và do vậy, màng trinh được gọi là xử nữ mạc.

Thủ cung sa là một dấu vết nhỏ có màu đỏ sậm của thần sa, được điểm lên cánh tay của một cô gái mới lớn (thường là cánh tay trái, cách vai khoảng một tấc, ngang với chỗ mà ngày nay người ta chủng ngừa đậu mùa) để chứng minh cô gái ấy còn trinh bạch. Các thầy thuốc ngày xưa khó lòng quan sát xử nữ mạc, mà dẫu muốn quan sát cũng chưa chắc được ai cho! Cho nên, người Trung Quốc cổ mới nghĩ đến một tiêu ký nhằm hình tượng hoá chữ trinh ra ngoài cấm địa của người phụ nữ - ấy là vế thủ cung sa trên cánh tay. Muốn biết cô gái nào còn là xử nữ hay không, chỉ chỉ cần vén tay áo lên xem xét thủ cung sa còn hay mất. Nếu thủ cung sa mất đi thì ô hô, ai tai; dẫu có mười miệng cũng không biện giải, cãi chày cãi cối nữa với mọi người vốn thuộc lòng câu “Nam nữ thọ thọ bất thân”.

Làm sao lưu được tiêu ký của thủ cung sa? Hán thư, cách chúng ta trên 2.000 năm, ghi chú rõ: bắt một con tắc kè con, nuôi nó cho thật tử tế, cho nó ăn hết bảy cân thần sa. Đập nát con tắc kè, vắt xác của nó lấy một loại nước có màu đỏ sậm. Đem nước ấy chấm lên cơ bắp cánh tay trái của cô gái mới lớn. Dấu chấm ngoài da sẽ ăn sâu vào lớp ngoại biểu bì, để lại một vết tròn màu đỏ sậm trên làn da trắng nõn. Vết tròn màu đỏ sậm ấy chính là biểu tượng uy nghi, hùng hồn nhất của sự trinh bạch. Nếu cô gái tự mình gần gũi với người đàn ông hoặc bị cưỡng hiếp, vết thủ cung sa sẽ mất đi ngay.

Lý luận thì chặt chẽ như vậy nhưng Hán thư của học giả Ban Cố vẫn không cắt nghĩa được mối tương quan hữu cơ giữa thủ cung sa trên cánh tay và xử nữ mạc trong nội cung của người phụ nữ. Nói cách khác, lời bí chú của Hán thư không giải thích được tại sao khi xử nữ mạc bị rách thì vế thủ cung sa lại biến mất đi và giả thiết một cô gái bị mất thủ cung sa rồi thì họ có thể… làm lại cái mới không. Và bởi thủ cung sa có được từ nước cốt của con tắc kè ăn đủ 7 cân thần sa, nghĩa là chuyện mà tất cả mọi nhà ở Trung Quốc đời Hán đều làm được, và bởi thịt da ai cũng như ai nên tôi đồ chừng tất cả mọi phụ nữ Trung Quốc (thời Hán thôi nhé) từ cô gái 16 tuổi thơm như đóa ngọc lạn đến người thiếu phụ 50 tuổi có mấy mặt con, tả tơi như tàu lá chuối sau trận bão, đều có thể tự làm tiêu ký thủ cung sa được. Đến lúc đó, dẫu sư phụ của các danh y Hoa Đà, Biển Thước nhìn được vết thủ cung sa cũng khó lòng nhận ra chân giả, thực hư. Không chừng rút kinh nghiệm đó mà ngày nay, các tú bà thường cho bác sĩ “tân trang” xử nữ mạc các cô để gạt mấy tay Hongkong, Taiwan giàu sụ.

Đó là chuyện 2.000 năm trước. Hai ngàn năm sau, nhà văn Kim Dung đã đưa huyền thoại thủ cung sa của dân tộc mình vào trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của ông, vẫn với mục đích chứng minh cho sự trinh bạch của người phụ nữ mới lớn. Các nhân vật nữ của ông nhưng Chu Chỉ Nhược (Ỷ thiên Đồ long ký), Lý Mạc Sầu (Thần điêu hiệp lữ), Mai Phương Cô (Hiệp khách hành) đều giữ được những vết đỏ thắm của thủ cung sa trên cánh tay trắng nõn nà. Nghĩa là họ không hề mất trinh, chưa từng chăn gối với đàn ông, chưa thất thân vì người khác giới như họ tự nhận hoặc do người khác vu vạ.

Lứa đôi Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kỵ thương yêu nhau. Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga My lại buộc học trò Chu Chỉ Nhược của mình phải thề độc, không được thương yêu Trương Vô Kỵ. Chu Chỉ Nhược phải dựng lên câu chuyện Tống Thanh Thư là chồng của cô để đánh lừa mọi người, chủ yếu là đánh lừa chàng Trương. Khi Tống Thanh Thư bị đánh trọng thương, mọi người vẫn đinh ninh rằng Chu Chỉ Nhược đã là đàn bà. Đến lúc đó, Chu Chỉ Nhược mới vén cánh tay áo lên cho mọi người biết cô vẫn còn vết thủ cung sa tươi thắm. Vết thủ cung sa đó đủ sức cải chính tất cả mọi lời đồn đại, mọi điều mà cô đã tự nhận về mình.
Mai Phương Cô thương yêu Thạch Thanh nhưng Thạch Thanh đã có vợ, có hai con trai. Trong một cơn ghen tuông làm mất lý trí, cô đã bắt một đứa con mới 3 tháng tuổi của Thạch Thanh đem đi, nuôi nấng hài nhi thành người, đặt tên là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống). Đứa bé lớn lên, vẫn đinh ninh Mai Phương Cô là mẹ ruột của mình. Cho đến một ngày vợ chồng Thạch Thanh lên núi Hùng Nhĩ tìm Mai Phương Cô, có cả cậu trai Cẩu Tạp Chủng đi theo, Mai Phương Cô vẫn vì cơn ghen, không tiết lộ thân thế Cẩu Tạp Chủng. Ai cũng yên chí Phương Cô chửa hoang, sinh ra thẳng bé không cha, riêng vợ Thạch Thanh thì cho rằng chồng mình đã chăn gối với Mai Phương Cô sinh ra cậu Cẩu Tạp Chủng. Kim Dung đã xử lý tình huống tiểu thuyết hết sức bi kịch nhưng cũng hết sức cao thượng: ông để cho Mai Phương Cô tự vận, một bên áo rách hiện rõ vết thủ cung sa trên làn da trắng. Nghĩa là Mai Phương Cô vẫn còn trinh bạch. Còn Cẩu Tạp Chủng là ai, tại sao khuôn mặt chàng giống hệt Thạch Thanh, tại sao chàng gọi Mai Phương Cô là má má thì tự độc giả tìm hiểu.

Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, huyền thoại thủ cung sa được nâng lên thành hiện thực mang dấu ấn của triết lý, dấu ấn của tư tưởng nhân văn và nhân đạo. Nếu cứ lý luận theo kiểu nhà nho thì ai còn trinh mới là đạo đức; ai mất trinh là kẻ hư thân. Nhưng Kim Dung không nhìn người phụ nữ Trung Quốc theo nhãn quan đó. Trong Thần điêu hiệp lữ, ông xây dựng nhân vật Tiểu Long Nữ, chưởng môn phái Cổ Mộ Đài. Tiểu Long Nữ mới 18 tuổi, thương yêu người học trò nhỏ hơn cô 2 tuổi là Dương Qua. Một hôm, khi cô đang thoát y để luyện Ngọc nữ tâm kinh trong bụi rậm thì bị một tên đệ tử phái Toàn Chân là Doãn Chí Bình điểm huyệt, che mặt rồi đưa vào chỗ kín đáo cưỡng hiếp. Cô gái đau khổ khi mất đi vết thủ cung sa và cảm thấy không còn xứng đáng với chàng học trò nhỏ Dương Qua nữa.

Cô đau xót bỏ Dương Qua ra đi. Nhưng trong con mắt Dương Qua, một Tiểu Long Nữ mất trinh còn hơn hàng vạn cô gái trinh bạch khác trên đời. Dương Qua ra đi tìm cô khắp bốn phương trời. Không có nàh văn nào can đảm như Kim Dung khi đưa ra một người thầy mất trinh, một mối tình thầy tro trong một bối cảnh xã hội mà Khổng giáo vẫn chiếm tư thế độc tôn như xã hội Trung Quốc thế kỷ XI. Ở đây, ông muốn chứng minh một điều: chữ trinh qua dấu vết thủ cung sa không là cái gì cả. Một tai nạn thông thường hoặc nghiêm trọng có thể làm mất đi sự trinh bạch của người phụ nữ nhưng phẩm giá và tình yêu của người phụ nữ đó vẫn còn nguyên vẹn. Chất nhân bản, nhân văn đó dễ có mấy ai đã thể hiện được trong tiểu thuyết. Một Lý Mạc Sầu trinh bạch nhưng tàn ác vẫn thua xa một Tiểu Long Nữ bị mất trinh nhưng tấm lòng quảng đại bao dung. Nếu với đàn ông, Kim Dung thường đưa câu “Đừng đem thành bại luận anh hùng” thì với phụ nữ, chúng ta cũng có thể nghĩ đến câu “Chớ đem trinh tiết khoe thục nữ”.

Thủ cung sa, rốt cuộc lại, chỉ là quan điểm của Kim Dung về chữ trinh, một quan điểm mới mè, vượt xa công thứ sơ lược của cổ nhân. Trước Kim Dung trong hơn 200 tác phẩm tiểu thuyết Minh – Thanh, chữ trinh đã từng là vấn đề trong Tây sương ký, Liêu trai chí dị, Tam quốc chí, Hồng lâu mộng. Thế nhưng, chữ trinh đó đôi khi rất cực đoan, đôi khi lại bị xem quá nhẹ. Chữ trinh trong tác phẩm tiểu thuyết Kim Dung không nhẹ, cũng chẳng cực đoan. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm, số phận của từng nhân vật cụ thể. Kim Dung không lấy chữ trinh làm thước đo phẩm giá người phụ nữ. Những nhân vật nữ thất trinh của ông như Tiểu Long Nữ, Kỷ Hiểu Phù… khiến người đọc thông cảm, xót xa, kính trọng. Văn chương của Kim Dung đúng là một thứ văn chương nhân bản, nhân văn.

No comments:

Post a Comment