Tuesday, October 15, 2013

Kim Dung đặt lại mấy vấn đề lịch sử



VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Một tác phẩm văn học không bao giờ là một tác phẩm sử học. Tác phẩm văn học được viết bởi nhà văn; tác phẩm sử học được viết bởi những sử quan mà đời Hán gọi là Thái sử lệnh. Tác phẩm văn học được xây dựng từ những khả năng hư cấu lãng mạn; tác phẩm sử học dựa trên những sự kiện lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, nếu biết vận dụng khéo léo, đưa những yếu tố lích sử vào tác phẩm văn học thì tác phẩm văn học hấp dẫn hơn, haòng tráng hơn và hiện thực hơn. Đó là đặc điểm của một số bộ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Ông đã đưa yếu tố lịch sử vào văn học và vượt xa hơn, ông dùng tác phẩm văn học để đặt lại một số vấn đề lịch sử.
Ai cũng hết lời ca ngợi Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương, tức Minh Thái tổ, làm vua Trung Hoa từ năm 1368 đến năm 1398, được coi là người anh hùng của phong trào kháng Nguyên, người có công bậc nhất thiên hạ giành lại đất nước Trung Hoa từ tay Di Dịch. Thế nhưng, qua Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung đã buộc người đọc phải nhìn lại đúng bản chất của Chu Nguyên Chương. Xuất thân từ nông dân, Chu Nguyên Chương đã nhân lúc An Huy đói kém, nổi lên làm giặc cướp rồi đi tu ở chùa Hoàng Giác. Ăn cướp một con bò của một nhà giàu làm thịt nấu ăn, bị người nhà giàu sai hai gia nhân đi bắt, Chu Nguyên Chương đã dùng vũ lực bóp miệng hai gia nhân buộc họ phải ăn lông bò. Thủ đoạn vu oan giá hoạ như vậy không phải ai cũng có thể làm được. Chu Nguyên Chương gia nhập Minh giáo (Manichéisme) Trung Hoa, lãnh đạo đội quân Hoài Tứ. Trước khi cuộc khởi nghĩa Minh giáo thành công, Chu Nguyên Chương giết thủ lĩnh của mình là Hàn Sơn Đồng, trấn nước con trai là Hàn Lâm Nhi để nắm quyền lãnh tụ. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung đã mô tả đoạn nghĩa quân Minh giáo đón Trương Vô Kỵ giáo chủ, đoạn Chu Nguyên Chương tạ ơn giáo chủ đã khen ngợi mình. Thế nhưng, chính thuộc hạ Chu Nguyên Chương đã bỏ thuốc độc vào bình rượu cho Vô Kỵ và Triệu Mẫn uống rồi xiềng khoá hai người, giam vào đại lao. May còn được thanh Ỷ thiên gãy, Vô Kỵ đã chặt xiềng, dẫn Triệu Mẫn lặng lẽ ra đi... Con người thủ đoạn, phản bạn, bất trung với cấp trên như vậy đã lên làm vua khai sáng triều Minh ở Trung Hoa. Về sau, để bảo vệ cho quyền lực họ Chu, Nguyên Chương đã tận sát hết các chiến hữu từng cùng ông ta vào sinh ra tử. Ông ghét văn chương đến nỗi chỉ cần đọc một chữ nghi ngờ có ý giễu mình là ông giết ngay người viết.

Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung lại cho ta thấy được tư cách của một ông vua Trung Hoa khác - Tống Triết tôn Triệu Hú. Để làm nổi bật tính cách lấc cấc, huyênh hoang của Triệu Hú, Kim Dung đã xây dựng một nhân vật Hoàn Nhan A Cốt Đả, thủ lĩnh kiêu dũng của bộ lạc Nữ Chân ở miền Đông Bắc; một Đại Liêu hoàng đế Gia Luật Hồng Cơ thâm trầm, sắc sảo bên kia Nhạn Môn quan, một nước Tây Hạ thịnh vượng ở phía Tây, một nước Đại Lý quân thần như huynh đệ ở phía Nam. Triệu Hú lên ngôi năm 8 tuổi, được bà thái hậu họ Cao nhiếp chính. Vào khoảng năm 1090 đến năm 1093, những biến pháp của Vương An Thạch (phe Tân đảng) đã gần như phá sản, Cao Thái hậu áp dụng tư tưởng cai trị mềm dẻo của phe Cựu đảng gồm Tư Mã Quang, Tô Thức, Tô Triệt. Cách trị nước của Cao Thái hậu vững vàng, ôn hoà khiến quân Liêu không dám đưa binh qua biên giới gây hấn với nhà Tống. Tể tướng nước Liêu dâng sớ lên Gia Luật Hồng Cơ, ca ngợi: "Từ khi thái hậu Đại Tống buông rèm nghe chính sự, chiêu nạp trung thần, bài trừ chính trị hà khắc, trong chín năm trời thiên hạ yên vui, triều đình hưng thịnh". Trong khi đó, Triệu Hú chỉ muốn áp dụng biện pháp của phe Tân đảng Vương An Thạch để gây chiến tranh với nước Liêu. Kim Dung thuật lại đoạn thái hậu bệnh nặng, nằm trong điện Sùng Khánh thành Biện Lương, kêu Tống Triết Tôn Triệu Hú đến dặn dò. Gã vua con nít này chỉ muốn kích động cho bà nội chết sớm; hắn bảo sẽ đem quân Bắc phạt, sẽ trừng trị bon "hủ nho" Tư Mã Quang, Tô Thức, Tô Triệt. Hắn rút kiếm chém chiếc ghế đứt làm hai đoạn trước mắt bà nội. Khi bà già tắt thở, hắn reo lên: "Ta đã được làm vua rồi". Theo chính sử Trung Hoa thì đó là năm 1093, khi Triệu Hú 18 tuổi. Quả nhiên, Triệu Hú giáng Tô Thức từ Lễ bộ thượng thư xuống làm tri phủ Định Châu, giáng Tể tướng Tô Triệt xuống làm tri phủ Nhữ Châu; mắng Hàn lâm học sĩ Phạm Tô Vũ khi người này dâng bản tấu can gián.

Một thứ hôn quân như Tống Triết Tôn mà có thể cai trị được đất nước Trung Hoa quả là một chuyện lạ. Triệu Hú chết năm 1099, em ruột lên ngôi xưng là Huy Tôn. Cái lẽ bại vong của nhà Tống không phải đợi đến sau này mà nó nằm ngay trong đời Triệu Hú, trong Thiên Long bát bộ của Kim Dung. Đoạn văn Triệu Hú chọc cho bà nội chết sớm thật lâm li biến ảo, không thể tìm thấy trong Tống sử hay lịch sử Trung Hoa. Kim Dung không bình luận, nhưng bản chất Tống Triết Tôn Triệu Hú như thế nào thì mọi người đọc văn ông đều rõ.
Kim Dung viết Lộc Đỉnh ký là một cách đối chiếu lịch sử, giúp cho hàng tỷ đồng bào của ông có cơ hội nhìn lại các ông vua của triều Minh - dòng dõi Hán tộc và các ông vua triều Thanh - dòng dõi Di Địch trong bốn rợ (Tứ di). Hình ảnh của vua Minh Sùng Trinh không hiện ra; hình ảnh của những ông vua hậu duệ nhà Minh như Phúc vương, Quế vương, Đường vương, Lỗ vương cũng không hiện ra. Nhưng cảm giác mà Kim Dung tạo ra được cho người đọc là sự nhận chân ra bản chất triều Minh: những ông vua u tối, nhu nhược, không được người Trung Hoa ủng hộ. Đúng ra, có một số ít người theo họ nhân danh chữ trung của nhà nho.

Nhưng bản thân chữ trung đó cũng ngu xuẩn nốt: phe thì ủng hộ Đường, phe thì ủng hộ Quế, phe nào cũng chỉ nhận mình mới là chính thống. Điều đó nói lên được thực chất của các phong trào phản Thanh phục Minh cuối thế kỉ 17 ở Trung Hoa: những lực lượng ô hợp, không nêu lên được một khẩu hiệu rõ ràng, một ngọn cờ chính thống. Đối lập với họ là một ông vua con Khang Hy thông minh, tài trí, đức độ. Con người xuất thân từ dòng dõi Di Địch đó đã biết chia rẽ các lực lượng chống đối, áp dụng thủ pháp có nhu có cương để cai trị thiên hạ, thể hiện lòng nhân từ và tư tưởng đại đoàn kết để thu phục nhân tâm. Nhà vua thiếu niên đọc thật kĩ sử sách Trung Hoa, rút ra những bài học lâm sàng từ những ông vua hôn ám để tránh, đi theo cái vương đạo mà bậc đại học đã đi. Đối với quân Mông Cổ, Tây Tạng, Nga La Tư, nhà vua có đối sách ngoại giao rõ ràng. Chính vì vậy khi Ngô Tam Quế dựng lên chiêu bài "hưng Minh thảo Lỗ" ở Vân Nam, phát hịch kể tội nhà Thanh và Khang Hy thì không có lực lượng nào của người Trung Quốc ủng hộ Ngô Tam Quế cả.

Kim Dung là một nhà văn chứ không phải là một nhà sử học. Cách đặt lại vấn đề lịch sử trong tác phẩm của ông cũng rất văn học: không cay cú kết án, không hồ hởi ca ngợi. Ông chỉ nhẹ nhàng trình bày sự kiện người đọc nhân ra quan điểm cá nhân của ông. Nhiều khi, tôi kinh ngạc khi đọc đến những kiến giải uyên bác của Kim Dung về sử học. Thí dụ như đoạn lung trong Lộc Đỉnh ký, khi Kim Dung mượn lời của Lữ Lưu Lương giải thích cho con trai nghe về hai từ "trục lộc" (đuổi hươu). Con hươu ví với thiên hạ, gồm có đất đai và dân chúng. Khương Thái Công tâu với Văn Vương: "Lấy thiên hạ như đuổi bắt con hươu làm thịt chia nhau mà ăn. Có khi nhiều người cùng ăn, có khi một người ăn hết". Ông dẫn lời trong Hán thư: "Nhà Tần để sổng con hươu, thiên hạ tranh nhau bắt". Từ khái niệm "hươu" (lộc), Kim Dung đưa ta qua khái niệm "vạc" (đỉnh). Đỉnh là cái vạc cao, có ba chân, dùng để nấu thịt (hươu) mà ăn. Sau đó, người ta dùng đỉnh để làm một hình cụ. Lịch Sinh bị Tề vương Điền Quảng bỏ vào vạc dầu luộc chín khi Hàn Tín đánh vào Lâm Tri. Nối "lộc" và "đỉnh" lại có khái niệm lộc đỉnh. Trong địa danh Trung Quốc, có núi Lộc Đỉnh ở miền bắc sông Hắc Long, đọc theo âm Mãn Châu là Hô Mã Nhĩ Oa Tập Sơn. Kim Dung đã nắm tay độc giả dẫn vào thế giới Lộc Đỉnh ký, bộ tiểu thuyết ông viết ra trong khoảng 1969 - 1972 tự nhiên như thế. Cách dẫn nhập từ khái niệm lịch sử vào thế giới tiểu thuyết của Kim Dung không phải ai cũng làm được!

No comments:

Post a Comment