Cô là người có một mối tình câm lặng và đơn phương với nhân vật chính là chàng lãnh tử Lệnh Hồ Xung.
Là một nữ tu, nhưng Nghi Lâm thật xinh đẹp, kiều diễm và đặc biết là đôi mắt trong sáng có thần. Bi kịch của cô phần nào cũng là vì vẻ đẹp này.
Nghi Lâm có cha là một hòa thượng (pháp danh là Bất Giới), mẹ là một ni cô (không rõ tên thật, tên thường gọi là Á bà bà). Theo lời kể của Bất Giới thì trước ông ta là một đồ tể. Ông gặp mẹ của Nghi Lâm, lúc đó bà là một ni cô, và đã ngay lập tức đem lòng yêu ni cô này. Sau nhiều lần theo đuổi, ni cô này vẫn từ chối tình yêu của ông vì cho rằng Bồ Tát sẽ trừng phạt, đày bà xuống 18 tầng địa ngục nếu phá giới. Và thế là Bất Giới đã tình nguyện xuất gia làm hòa thượng để được cưới ni cô, với quan điểm: nếu thế thì ông sẽ cùng với bà gánh chịu hình phạt của Bồ Tát (vì ông cũng là đệ tử nhà Phật). Kết quả của tình yêu này là Nghi Lâm. Hai vợ chồng Bất Giới vừa tu hành, vừa sống hạnh phúc bên nhau.
Nhưng trớ trêu thay, bà vợ ni cô của Bất Giới lại là một người có máu ghen đặc biệt. Khi nhìn thấy chồng mình đang ôm con gái nói chuyện với một người phụ nữ khác (suy luận theo lời kể của Bất Giới thì chính là Ninh Trung Tắc, vợ của Nhạc Bất Quần, sư mẫu của Lệnh Hồ Xung), bà đã ngay lập tức bỏ chồng và con gái nhỏ đi biệt tích, chỉ để lại một dòng chữ "Đây là kẻ tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc nghĩa nhất thiên hạ".
Bất Giới đã gửi con gái ở Hằng Sơn, lang thang khắp nơi tìm vợ nhưng vô vọng. Sau nhờ Lệnh Hồ Xung giúp đỡ, hai vợ chồng ông đã được đoàn tụ. Chính vì được gửi ở Hằng Sơn nên Nghi Lâm đã vô tình theo con đường của cha mẹ - trở thành một đệ tử Phật gia.
Trong một lần xuống núi Hành Sơn dự lễ từ giã giang hồ của Lưu Chính Phong, Nghi Lâm bị Điền Bá Quang, kẻ được mệnh danh là Hái hoa dâm tặc, bắt định hãm hiếp. Khi Điền Bá Quang mang Nghi Lâm vào hang núi định giở ý đồ đồi bại thì Lệnh Hồ Xung xuất hiện, xả thân mình cứu cô. Lệnh Hồ Xung đã dùng mưu trí thắng cuộc Điền Bá Quang để hắn buông tha Nghi Lâm, đồng thời phải chịu nhận Nghi Lâm làm sư phụ.
Nhưng cũng vì thế mà Lệnh Hồ Xung bị thương nặng và bị La Nhân Kiệt ám hại. Nghi Lâm tưởng Lệnh Hồ Xung đã chết khi bị hai ông cháu Khúc Dương, Khúc Yên Phi cướp mất xác. Sau tai nạn này, Nghi Lâm đã thầm yêu Lệnh Hồ Xung, thậm chí còn khóc vì ghen khi nghe Lệnh Hồ Xung kể về mối tình với tiểu sư muội của mình. Nghi Lâm đã tương tư Lệnh Hồ Xung đến mức héo hon sầu muộn, nhưng lại luôn cầu chúc cho tình yêu của người sư huynh này. Nghi Lâm không chỉ yêu mà còn tỏ ra là một người thấu hiểu nỗi lòng, bản tính và ước muốn của Lệnh Hồ Xung. Đồng thời cũng là người luôn ủng hộ, tin tưởng mọi hành động, ứng xử của Lệnh Hồ Xung. Ngay cả khi Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Bất Quần vu oan, mang tiếng xấu ở khắp bạn hữu giang hồ thì cô vẫn luôn tin vào gã sư huynh trong sáng này, và luôn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng.
Nghi Lâm còn dành cho Lệnh Hồ Xung một sự quan tâm thầm lặng như một người vợ luôn dõi theo từng bước chân của chồng mình. Đoạn mô tả cuộc tỷ đấu đoạt chức Minh chủ Ngũ Nhạc Phái thể hiện rất rõ mối quan tâm thầm lặng này của Nghi Lâm:
"Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mấy ngàn người đều chăm chú theo dõi cuộc tỷ võ trên Phong thiền đài. Chỉ có cặp mắt của Nghi Lâm là thủy chung vẫn dán chặt vào Lệnh Hồ Xung ngoài ra nàng chẳng quan tâm đến chuyện chi hết".
Có như vậy nên khi đó lúc Lệnh Hồ Xung đột nhiên đứng dậy thì "một cánh tay mềm mại nhỏ bé đưa ra đỡ dưới nách chàng mà chàng cũng không hay biết" và "cả cặp mắt dịu dàng ngó thẳng vào mặt chàng, chàng cũng chẳng nhìn thấy". Sau này, khi biết về tình yêu giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, cô cũng vẫn hết lòng ủng hộ họ dù trong lòng đầy đau khổ. Chứng kiến con mình héo hon sầu muộn vì tương tư, Bất Giới hòa thượng đã không ngần ngại yêu cầu hết Điền Bá Quang đến Đào cốc lục tiên đi tìm Lệnh Hồ Xung về. Thậm chí xuất lực tự thân cùng Nghi Lâm đi tìm Lệnh Hồ Xung. Những hành động này vô tình khởi tạo ra biết bao sóng gió cho Lệnh Hồ Xung.
Khi Lệnh Hồ Xung trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, Nghi Lâm càng bị lún sâu vào tương tư trong mối tình câm lặng không thể nói lên lời. Cô đã đêm đêm tâm sự với Á bà bà (người đàn bà câm điếc) quét chùa trên chùa Huyền Không về mối tình của cô, về những ước mong cho Lệnh Hồ Xung. Thực ra, người này chính là mẹ của Nghi Lâm, giả làm người câm điếc để tránh Bất Giới. Sau này, khi Nghi Lâm giết Nhạc Bất Quần - kẻ đã ám hại các vị chưởng môn của Hằng Sơn là Định Dật và Định Nhàn, đồng môn và Lệnh Hồ Xung đã tôn cô làm chưởng môn. Nhưng Nghi Lâm đã nhất quyết từ chối, nhường ngôi vị cho Nghi Thanh, còn mình thì nhất tâm kinh sách, ngày ngày cầu nguyện cho vợ chồng Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh, sống trong mối tình câm lặng của mình. Mối tình của Nghi Lâm là mối tình một chiều không cầu Lệnh Hồ Xung đáp lại, chỉ mong những điều tốt đẹp sẽ đến với người mình yêu. Những mong muốn của Nghi Lâm hướng trực tiếp vào Lệnh Hồ Xung. Cầu mong những điều tốt đẹp đến với chàng, mong chàng một đời tiêu dao nhàn nhã, không bị điều gì ràng buộc và ngay cả có kết hôn với Nhậm Doanh Doanh rồi cũng vẫn mong Doanh Doanh đừng câu thúc Lệnh Hồ Xung.
Đem tâm lý người thường xem xét tình yêu của Nghi Lâm thì không ai hiểu được. Như Nghi Lâm đã từng tâm sự với Á bà bà: "Gia gia không hiểu lòng tiểu ni! Các vị sư tỷ Nghi Hòa, Nghi Thanh cũng đều không hiểu lòng tiểu ni!". Đoạn cuối truyện, Nghi Lâm đã nói với Á bà bà về tình yêu của mình: "Bà bà ơi! Bà bà không hiểu lòng dạ tiểu ni. Hễ Lệnh Hồ đại ca được sung sướng là tiểu ni vui lòng".
Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan cảm khái nàng:
"Chuông khuya dẫn mối sầu về
Giọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh
Chao ơi! Sư nữ đa tình"
No comments:
Post a Comment