Saturday, October 5, 2013

Những chiêu thức, bí kíp võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung


Cát Tường biên soạn

Chiêu thức, bí kíp võ học là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Đây là những bí kíp, công phu võ học gắn với các nhân vật, giáo phái trong tiểu thuyết. Nhân vật giang hồ dĩ nhiên phải giỏi võ, phải có những chiêu thức, ngón đòn để đả bại đối thủ.


Hầu hết những chiêu thức, bí kíp võ thuật đều được Kim Dung phân tích dưới lăng kinh thoạt đọc có vẻ là logic, khoa học. Tuy nhiên, thực chất chỉ là lối suy luận tưởng tượng tạo ra sự hứng thú cho người đọc. Có những chiêu thức tuy không nói ra nhưng hàm chứa một triết lý sống, ví dụ: Chiêu Độc Cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ. Với tiêu chí vô chiêu thắng hữu chiêu, chỉ có tiến không có lùi. Nó cũng như bản tính của Lệnh Hồ Xung tính tình phóng đãng (vô chiêu) không muốn đi theo tập tục lễ giáo (hữu chiêu), làm việc gì cũng theo ý mình không cần phải e ngại (chỉ có tiến không có thoái).

Chiêu Hàng long thập bát chưởng (Giáng long thập bát chưởng) của Cái Bang, là một môn võ công thuần dương, tấn công trực diện, nên chỉ có những người tâm địa ngay thẳng như Kiều Phong, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh... là đạt tới đỉnh cao của nó.

Những chiêu thức nổi tiếng nhất trong truyện Kim Dung có thể kể đến:

Tiểu Vô Tương công: Võ công của phái Tiêu Dao thâu tóm toàn bộ võ công trong thiên hạ.

Kim xà bí kíp: là võ công do Hạ Tuyết Nghi-Kim Xà Lang Quân sáng tạo ra và Viên Thừa Chí tình cờ học được.

Hàng long thập bát chưởng là chưởng pháp lừng danh, chỉ truyền cho đệ tử Cái Bang từ 8 túi trở lên và lập nhiều công lớn.

Dịch cân kinh (Dịch cân Tẩy tủy kinh, Đạt Ma Dịch cân kinh) là một phương pháp rèn luyện nội công của phái Thiếu Lâm.

Thái Cực Quyền của Trương Tam Phong chưởng môn phái Võ Đang sáng tác, là một môn võ công cao thâm dựa trên nguyên tắc "Lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy chậm đánh nhanh". Một trong những đặc điểm nổi bật của môn võ này là mượn sức của đối thủ để đánh ngược lại đối thủ, khiến đối phương tự mình tự đoạn.

Thái Cực Kiếm: cũng do Trương Tam Phong sáng tạo ra. Lúc thi triển, Thái Cực Kiếm trông đẹp mắt và biến ảo khôn lường. Khi luyện đến đỉnh cao, chỉ cần dùng kiếm gỗ cũng đủ để đánh thắng kiếm thật.

Ảm nhiên tiêu hồn chưởng là môn võ công quái dị của Dương Quá. Môn võ này chỉ phát huy tối đa công lực khi người thi triển đang ở trong tâm trạng u sầu cực độ, nếu không sẽ mất tác dụng.

Càn khôn đại nã di, bí kíp nội công thượng thặng của Minh Giáo. Có thể dịch chuyển đòn đánh của đối thủ sang một người khác, hoặc phản ngược lại chính đối thủ.

Quỳ Hoa bảo điển - Tịch tà kiếm phổ, là 1 loại võ công nhưng bị biến đổi thành 2 cách luyện, cả 2 cách luyện đều đòi hỏi người luyện phải tự cung.

Đả cẩu bổng pháp: môn võ công "gậy đánh chó", chỉ dành cho bang chủ Cái Bang.

Song thủ hỗ bác: chiêu thức quái đản của Chu Bá Thông, là thuật phân tâm sao cho 2 bàn tay có thể ra 2 chiêu khác nhau cùng 1 lúc. Chỉ dành cho những người có đầu óc hoàn toàn vô tư, trong sáng. Ngoài Chu Bá Thông là người sáng tạo ra, chỉ có Quách Tĩnh và Tiểu Long Nữ là có duyên học được môn võ công này.

Không Minh quyền: cũng là một môn võ công siêu hạng của Chu Bá Thông.

Độc cô cửu kiếm: môn võ của Độc Cô Cầu Bại, được Phong Thanh Dương truyền lại cho Lệnh Hồ Xung.

Hấp tinh đại pháp, môn võ bị căm ghét nhất võ lâm, vì hút nội lực kẻ khác.

Lục mạch thần kiếm: Kiếm pháp thượng thừa của nước Đại Lý.

Lăng ba vi bộ: Khinh công thượng thừa của phái Tiêu Dao, môn võ mà Đoàn Dự vô tình học được.

Đàn chỉ thần công: Môn võ này dùng sức mạnh nội công để bắn đi hòn đá nhỏ bằng ngón tay. Đây là tuyệt học đắc ý của Hoàng Dược Sư.

Lạc Anh thần kiếm chưởng: Cũng là một chiêu đắc ý của Hoàng Dược Sư.

Cáp mô công: môn võ của Âu Dương Phong (cáp mô nghĩa là con cóc), nhìn không đẹp mắt nhưng uy lực rất ghê gớm.

Cửu âm chân kinh: Được viết bởi Hoàng Thường, đây được xem là bí kíp võ công tối thượng trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Theo lời của Vương Trùng Dương, các môn võ công ghi trong bí kíp này "cao siêu không thể tưởng, chỉ cần xuất chiêu là có thể đưa đối thủ vào chỗ chết".

Cửu dương thần công: Một bí kíp võ công thượng thừa có khả năng bảo vệ cơ thể, chống lại độc tố xâm nhập.

Nhất dương chỉ: Môn võ chỉ truyền giữa các đời vua Đại Lý

Bắc Minh thần công: Môn võ Đoàn Dự học được, tương tự với Hấp Tinh đại pháp.

Tiên Thiên công: Môn võ tuyệt học của phái Toàn Chân, nhờ nó mà Vương Trùng Dương mới trở thành Đệ nhất thiên hạ trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất. Sau lần này, vì lo ngại sau khi mình mất đi sẽ không còn ai trị được Tây Độc Âu Dương Phong, nên Vương Trùng Dương đến Đại Lý truyền lại cho Đoàn Trí Hưng, đồng thời học lấy Nhất Dương Chỉ công. Chỉ khi có Tiên Thiên công và Nhất Dương Chỉ Công mới có thể đã thông được kỳ kinh bát mạch.

Ngọc Nữ tâm kinh: Môn võ của phái Cổ Mộ, dùng để khắc chế võ công của Toàn Chân giáo. Tuy nhiên, nếu sử dụng Ngọc Nữ Kiếm Pháp cùng liên thủ với Toàn Chân Kiếm Pháp sẽ tạo nên Song Kiếm Hợp Bích có uy lực kinh người (Dương Quá và Tiểu Long Nữ tình cờ phát hiện ra điều này). Sở dĩ có điều lạ lùng như vậy bởi vì Lâm Triều Anh (tổ sư sáng lập phái Cổ Mộ) không thể đến với người yêu là Vương Trùng Dương (tổ sư Toàn Chân giáo) nên đã chán ghét, quyết tạo ra võ công để chế ngự võ công của Toàn Chân giáo.
Tuy nhiên, trong lòng bà vẫn luôn nhớ đến tình xưa nên đã khéo léo sáng tạo ra Ngọc Nữ Tâm Kinh, một môn võ vừa để khắc chế vừa để hỗ trợ võ công của Toàn Chân giáo.

Thất tinh Bắc Đẩu trận: Trận pháp dựa theo vị trí của 7 vì sao do Thanh Hư Chân Nhân truyền lại cho Vương Trùng Dương và được thi triển bởi 7 đệ tử.

Sư tử hống: Tuyệt chiêu của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, khiến đối thủ trở nên điên loạn hoặc tử thương.

Tử hà thần công: Môn võ của Nhạc Bất Quần trưởng môn phái Hoa Sơn (Tiếu ngạo giang hồ)

Thiết sa chưởng: Tuyệt chiêu của Cừu Thiên Nhận (Anh hùng xạ điêu)

Cửu Âm bạch cốt trảo: Môn võ Mai Siêu Phong học được từ Cửu Âm chân kinh.

Thần chiếu kinh thần chưởng là môn công phu rất lợi hại: chỉ cần chụp vào ai là người đó chết, trừ phi mặc chiếc Ô Tằm Giáp.

Kim Cuơng phục ma khuyên: là trận pháp của ba nhà sư chữ Độ phái Thiếu Lâm, sau bị Truơng Vô Kỵ phá giải.

Kim Cang Chưởng: Võ công mang tính Nội công của Tây Vực.

Thiên Sơn Chiết Mai Thủ: Tuyệt học của phái Tiêu Dao.

Dưới đây là phần phân tích thêm:

Ảm nhiên tiêu hồn chưởng

Ảm nhiên tiêu hồn chưởng là loại chưởng pháp kỳ lạ bậc nhất do Dương Quá sáng tạo nên trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ và cũng chỉ có mình Dương Quá sử dụng được. Muốn sử dụng môn võ tương tư sầu khổ vô cùng đau đớn tuyệt vọng. Khi tâm trạng vui vẻ hạnh phúc, vô ưu vô lo thì lộ chưởng pháp này mất đi thần hiệu.

Môn võ này được sáng tạo khi Dương Quá chỉ còn một tay nên lấy nội công làm gốc không dùng các biến hóa đa đoan để thủ thắng. Nhiều chiêu thức trong Ám nhiên tiêu hồn chưởng được bắt nguồn từ các võ công mà Dương Quá đã biết ví dụ như : Cửu Âm Chân Kinh, Nghịch Hành Kinh Mạch.

Càn khôn đại nã di

Càn khôn đại nã di là bộ võ công tâm pháp thất truyền của Minh giáo nơi Tây Vực, sử dụng để di chuyển nội lực trong cơ thể đồng thời giảm sát thương của các chiêu thức do kẻ địch gây. Tất cả có 7 tầng (cấp độ), theo Kim Dung viết thì người có tư chất cao thì sẽ mất 7 năm để luyện tầng 1, còn người có tư chất thấp thì là 14 năm.

Giáo chủ Minh Giáo đời thứ 33 là Dương Đỉnh Thiên đang luyện Càn khôn đại nã di đến tầng thứ 4 thì bị tẩu hỏa nhập ma do Thành Côn cùng phu nhân của ông ta gây nên, dẫn đến cái chết. Dương Tả Sứ (Dương Tiêu) là sứ giả của Minh Giáo, cũng chỉ luyện đến tầng thứ 2.

Giáo chủ Minh Giáo đời thứ 34 Trương Vô Kị trong một lần tình cờ đang đuổi theo Thành Côn đã tìm ra bí kíp võ học này. Nhờ có cửu dương thần công thâm hậu nên đã tu luyên đến tầng thứ 6 chỉ trong 1 đêm (người thường phải mất đến gần 20 năm mới tu luyện thành công, ngay cả người sáng lập ra Minh Giáo cũng chỉ luyện đến tầng thứ 6 trong 5 năm). Sau này nhờ đoạt được Thánh hỏa lệnh nên chàng học được tầng thứ 7 của Càn khôn đại nã di tâm pháp uy trấn giang hồ.

Cửu Dương Chân Kinh

Cửu Dương Chân Kinh (hay Cửu Dương Thần Công) là pho sách võ thuật chỉ dẫn cách luyện nội công xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký của nhà văn Trung Quốc Kim Dung.

Cửu Dương Thần Công thường bị lầm tưởng là một phần của bộ Lăng Già Kinh mà tác giả không phải là Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư khai sáng trường phái võ lâm Thiếu Lâm Tự mà có thể do cao thủ đạo gia lánh đời nào đó. Sau khi kết thúc chín năm diện bích tham thiền, trở lại đời sống bình thường, Bồ Đề Đạt Ma đã nhận ra những hòa thượng tu hành ở Thiếu Lâm tự thường ốm yếu và có sức khỏe kém. Và ông đã dựa vào các triết lý Phật giáo để sáng tạo ra một số bí kíp rèn luyện nội công và võ thuật, tăng cường sức khỏe cho hòa thượng cũng như những người ở Thiếu Lâm tự, trong đó có Dịch Cân Kinh..., nhưng KHÔNG THỂ là Cửu Dương Thần Công Trong thực tế, chưa từng có tài liệu nào nói về sự tồn tại của Cửu Dương Thần Công tại Thiếu Lâm Cho đến trước sự kiện xảy ra trong phần cuối bộ Thần Điêu Hiệp Lữ thì bộ kinh này nằm trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. Có nhiều chi tiết chứng minh đây không phải là võ học Thiếu lâm. Thứ nhất nó được viết bằng Hán tự, không phải tiếng Phạn do đa số kinh văn của Thiếu Lâm Tự đều là Tiếng Phạn do xuất xứ gốc của Thiếu Lâm Tự không đến từ Trung Nguyên. Thứ 2 là nó được chép bên cạnh kinh Lăng già, mà không phải được ghi chép tử tế như Dịch Cân Kinh (Dịch Cân Kinh nguyên gốc tiếng phạn, không thể nào Cửu Dương Thần Công viết bằng tiếng Hán được). Thứ ba là Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành Cửu Dương Thần Công cũng nghĩ rằng đây chắc không phải võ học Thiếu lâm mà do cao thủ lánh đời nào đó đề lại vì nó có nhiều quan điểm của Đạo gia. Thực ra Cửu Dương Thần Công do chính Hoàng Thường viết ra - tác giả Cửu Âm chân kinh khi vào những năm cuối đời, ẩn cư Thiếu lâm sau đó tạo ra bộ Cửu Dương Thần Công này, do thời gian ông ở Thiếu Lâm Tự nên Cửu Dương Thần Công dù là kinh văn của Đạo Giáo nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của kinh văn Phật Giáo là một cuốn kinh tu luyện nội công, bảo vệ thân thể, đó là tính chất chung của đa số kinh văn nhà Phật khác.

Cửu Dương Thần Công lần đầu được nhắc đến bởi Giác Viễn thiền sư, một người gác Tàng kinh các trong Thiếu Lâm tự khi truy đuổi Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử đến Hoa Sơn ở phần cuối Thần điêu hiệp lữ. Theo lời Giác Viễn, Cửu Dương Thần Công được viết bởi Đạt Ma sư tổ trong bộ Lăng Già Kinh. Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử trong khi tạm lánh ở chùa Thiếu lâm đã ăn trộm bộ sách này và đã bị Giác Viễn truy đuổi đến Hoa Sơn để đòi lại. Tuy nhiên, hai người này đã khéo léo giấu bộ sách vào bụng con vượn già nên dù Giác Viễn được sự trợ giúp của Quách Tương và Trương Quân Bảo vẫn không thể tìm thấy và buộc phải quay về. Về sau, Giác Viễn vì lý do này bị Thiếu Lâm tự phạt phải xích chân gánh nước đổ vào giếng hàng ngày. Về phần Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử, hai người bỏ trốn đến dãy Côn Luân thì đánh nhau để tranh giành bộ kinh đến mức cả hai cùng kiệt sức mà chết. Trước khi chết, họ có lời nhờ Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo chuyển lời đến Giác Viễn về sách là "Sách để trong hầu" (hầu chỉ con khỉ già) nhưng do kiệt sức phát âm không thành nên Hà Túc Đạo nghe nhầm là "Sách để trong dầu" nên cả Giác Viễn lẫn Thiếu Lâm tự đều không hiểu và bộ sách đã gần như bị thất truyền.

Có nhiều người học được một phần hoặc toàn phần Cửu Dương Thần Công, nhưng chỉ có Giác Viễn và sau này là Trương Vô Kỵ học được toàn vẹn Cửu Dương Thần Công nguyên bản. Giác Viễn là một người mê đọc sách, khi gác Tàng Kinh Các của Thiếu lâm đã đọc hết các sách và vô tình đọc cả bộ Kinh Lăng Già. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đã mang trong mình nội công hùng hậu (Cửu Dương Thần Công) mà không hề hay biết. Khi đó, Trương Quân Bảo (sau này thành Trương Tam Phong-tổ sư phái Võ Đang) là học trò của Giác Viễn cũng vô tình luyện được một phần của Cửu Dương Thần Công và mang trong mình nội công Cửu Dương Thần Công. Do nhiều biến cố, trước khi Giác Viễn qua đời đã đọc lại toàn bộ Cửu Dương Thần Công, lúc đó có mặt cả Trương Quân Bảo, Quách Tương (sau này lập nên phái Nga Mi) và Vô Sắc thiền sư, mỗi người đã học một phần của bộ kinh này. Vì thế, các chiêu số, nội công của các phái Thiếu lâm, Võ Đang và Nga Mi đều có màu sắc của Cửu Dương Thần Công nhưng không toàn vẹn.

Hơn một trăm năm sau, Trương Vô Kỵ khi bị kẻ thù truy đuổi trên núi tuyết Côn Luân đã vô tình lạc vào thung lũng nơi con vượn mà Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây từng ở. Ở đó, Vô Kỵ đã mổ bụng cứu con vượn già (vì bộ sách bị nhét vào bụng, con vượn đã mang bệnh suốt trăm năm) và vô tình học được toàn bộ nội công Cửu Dương Thần Công trong bộ sách này. Vô Kỵ đã dùng nội công này đẩy toàn bộ hơi hàn độc của Huyền Minh thần chưởng đang đe dọa mạng sống của mình, đồng thời trở thành người có nội lực hùng hậu nhất. Sau này, cùng với võ công Càn khôn đại nã di, Vô Kỵ đã trở thành cao thủ võ công tuyệt đỉnh trong tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký. Trước khi rời khỏi hẻm núi hoang này, Vô Kỵ đã chôn bộ kinh trong hẻm núi và sau đó không ai còn nghe về hành trình của bộ sách này.

Theo mô tả của Kim Dung, nếu như Cửu Âm chân kinh (thuộc về tính Thái Cực nhiều người nhầm tưởng rằng là Âm-Nhu, vậy nên có thể nói Cửu Âm Chân Kinh mang màu sắc của Đạo Giáo) là sách dạy các chiêu số võ công để thắng địch thì Cửu Dương Thần Công lại là bộ sách tu luyện nội công và bảo vệ thân thể. Khi luyện thành, trong mình người học sẽ có nội công Cửu Dương Thần Công mang tính Dương (nóng). Cửu Dương Thần Công có thể hóa giải sự tấn công của các nguồn lực khác, đồng thời phản kích lại tỉ lệ thuận với độ mạnh của lực tấn công bên ngoài. Vì thế, Trương Vô Kỵ luôn được sự bảo vệ của Cửu Dương Thần Công và không bị bất kỳ một nguồn nội lực hay độc tính nào xâm phạm. Ngoài Trương Vô Kỵ, Giác Viễn, Trương Quân Bảo, Quách Tương, Vô Sắc, còn có Không Kiến thần tăng của Thiếu Lâm cũng là cao thủ về Cửu Dương thần công.

Cửu âm chân kinh

Cửu âm chân kinh là tên gọi của một bộ sách võ công, xuất hiện trong bộ Xạ điêu tam khúc của nhà văn Trung Quốc Kim Dung.

Khái niệm Cửu âm chân kinh lần đầu xuất hiện trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu (tiểu thuyết đầu tiên của bộ Xạ điêu tam khúc), qua lời kể của Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông cho Quách Tĩnh nghe lý do tại sao mình bị Hoàng Dược Sư giam giữ trên Đào Hoa đảo. Theo lời kể của Lão Ngoan đồng, người viết nên Cửu âm chân kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.

Hoàng Thường vốn là một quan lại trong triều đình dưới triều đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tạng (theo lời Chu Bá Thông thì việc này diễn ra vào năm Chính Hòa thứ năm, vua Huy Tông). Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh giáo và quân lính bị đại bại. Tuy nhiên, Hoàng Thường học được toàn bộ bí kíp võ công cao cường nên đánh bại hầu hết các cao thủ Minh giáo, nhưng sau đó vì đơn thương độc mã nên vẫn thất bại, kết quả là toàn bộ gia đình của Hoàng Thường bị sát hại, chỉ một mình Hoàng Thường thoát nạn chạy lên núi ẩn náu quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù.

Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường trở lại với ý định trả thù nhưng thời gian đã trôi quá lâu tất cả các đối thủ đều đã qua đời, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nữa, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm các bí kíp rèn luyện nội công căn bản của Đạo gia, Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.

Trước thời kỳ xảy ra những nội dung chính của câu chuyện trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, có năm người võ công cao siêu nhất cùng đấu với nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tranh nhau Cửu âm chân kinh gồm Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công, và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương. Võ công của Vương Trùng Dương cao nhất và giành được Cửu âm chân kinh. Ông định đốt sách để tránh chuyện tàn sát trong võ lâm, nhưng lại tiếc công người xưa nên giấu quyển sách đi. Trước khi chết, ông đã giao cho Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông là sư đệ của mình đi giấu hai quyển sách ở hai nơi nhằm tránh cho quyển sách rơi vào tay kẻ xấu.

Trên đường đi giấu sách, Lão Ngoan đồng bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm đọc lại một lần nhớ hết quyển hạ. Bà về viết lại cho chồng, nhưng Hoàng Dược Sư chưa tu luyện thì bị học trò là cặp vợ chồng Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong lấy trộm quyển hạ trốn đi, luyện ra những võ công âm độc (ví dụ như Cửu âm bạch cốt trảo...). Hoàng Dược Sư nổi giận đánh gãy chân các học trò còn lại và đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa. Vợ Hoàng Dược Sư lúc đó mang thai cố gắng nhớ lại viết lại sách cho chồng nên bị kiệt sức và mất sau khi sinh con. Chu Bá Thông thấy vậy đến Đào Hoa đảo đòi sách và đánh nhau với Hoàng Dược Sư, thua trận bị nhốt trong động đá.

Vô tình từ những ân oán giữa Giang nam thất quái và vợ chồng Mai Siêu Phong khiến cho Quách Tỉnh có được nội dung Cửu âm chân kinh phần quyển hạ được ghi lại trên da bụng của Trần Huyền Phong. Khi Quách Tỉnh gặp Chu Bá Thông trên Đào Hoa đảo, Chu Bá Thông đã dạy cho Quách Tĩnh thuộc lòng cả bộ Cửu âm chân kinh và cũng vô tình đó, Chu Bá Thông cũng luyện thành và trở thành một nhân vật võ công cao nhất. Một phần của Cửu âm chân kinh viết bằng tiếng Phạn được Nhất Đăng đại sư dịch lại sang Trung văn. Sau này, Quách Tĩnh trở thành một cao thủ nhờ tu luyện Cửu âm chân kinh. Cửu Âm chân kinh cũng là một lý do gây ra những bi kịch thù hận trong bộ truyện này.

Khi đến bộ Thần điêu hiệp lữ, Cửu âm chân kinh một lần nữa xuất hiện. Vương Trùng Dương trước khi chết đã ghi lại một phần nội dung Cửu âm chân kinh trong thạch động Hoạt tử nhân mà Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai người có duyên luyện được bí kíp này.

Cửu âm chân kinh được vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung giấu trong kiếm Ỷ Thiên, được Chu Chỉ Nhược luyện tập. Thành tựu nhất trong truyện này có lẽ là cô gái áo vàng,hậu nhân của Dương Quá và Tiểu Long Nữ.

Cửu âm bạch cốt trảo:

Là một trong nhiều môn võ công được ghi lại trong Cửu âm chân kinh, bộ võ công tối thượng trong tiểu thuyết võ hiệp Anh hùng xạ điêu của nhà văn Kim Dung. Nổi danh nhất với võ công này là Mai Siêu Phong, biệt hiệu Thiết Thi, 1 trong 6 đệ tử ban đầu của Đông Tà Hoàng Dược Sư.

Cửu âm bạch cốt trảo thực chất trong Cửu âm chân kinh mà Chu Bá Thông truyền thụ cùng cửu âm chân kinh trong hang đá cho Quách Tĩnh có tên là Cửu âm Thần trảo. Khi luyện Cửu âm thần trảo thì chỉ dùng tay đánh vào vách đá để luyên tập, nhưng do Mai Siêu Phong cùng sư huynh Trần Huyền Phong ăn cắp được nửa quyển hạ Cửu âm chân kinh, sau đó tập luyện theo mà không hiểu yếu chỉ đạo gia trong khẩu quyết võ công nên khi luyện dùng tay đánh vào sọ người sống, khi luyện tập thường chất rất nhiều sọ người xung quanh nơi mình tập, từ đó tên gọi Cửu âm bạch cốt trảo được dùng cho Cửu âm thần trảo cùng sự nổi danh của Hắc phong song sát. Chu Bá Thông có giải thích: Mai Siêu Phong không biết cách thức luyện công cho đúng, thấy quyển hạ viết: Năm ngón phát kình, không gì cứng không phá được, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu hũ, lại không biết câu: Chụp vào đầu óc trong kinh có ý là tấn công vào chỗ yếu hại của địch nhân, tưởng rằng phải chụp vào đầu người thật nên lúc luyện công cũng theo đó mà làm. Yếu chỉ của bộ Cửu âm chân kinh này vốn là đường lối học theo tự nhiên của Ðạo gia, xua quỷ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh, há lại dạy người ta luyện thành võ công hung ác tàn nhẫn như thế sao?

Ngoài Mai Siêu Phong ra,trong tiểu thuyết của Kim Dung chỉ có Dương Khang (đã bái Mai Siêu Phong là sư phụ), Chu Chỉ Nhược phái Nga Mi và truyền nhân phái cổ mộ (cô gái áo vàng trong Ỷ thiên đồ long ký) là có sử dụng võ công này.

Ngoài Cửu âm Thần trảo trong Xạ Điêu Tam bộ khúc còn xuất hiện một số chiêu thức, bí pháp sau trong Cửu âm chân kinh như: Dịch cân đoạn cốt thiên, Nghịch chuyển kinh mạch, Giải huyệt bí pháp, Quy tức đại pháp, Di hồn đại pháp, Tồi tâm chưởng, Xà hình ly phiên thuật, Thủ huy ngũ huyền, Bách xà tiên pháp,..

Đả cẩu bổng pháp

Đả cầu bổng pháp là một trong những tuyệt chiêu trấn phái của Cái Bang (dùng côn). Song hành cùng đó là "Hàng long thập bát chưởng". Đả cẩu bổng pháp là bộ bổng pháp (côn, gậy) chỉ có bang chủ đời trước đích thân truyền thụ cho bang chủ đời sau, là một loại Côn pháp chí cao. Từ lâu côn pháp này đã nổi danh nhưng song đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang, thì mới thật sự uy trấn giang hồ. Và đến đời Hoàng Dung - con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư thì được biết đến rộng rãi. Bộ bổng pháp này dùng nhu thắng cương bao đời, nên Bang chủ Cái Bang nhờ nó mà nổi danh giang hồ những cao thủ về bộ Côn pháp này có thể kể đến như: Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Tống Nguyên Ân (trưởng lão đời thứ 12 của Cái Bang)... Đả Cẩu Bổng Pháp có tổng cộng 36 chiêu, mỗi chiêu có nhiều thức biến hóa khác nhau tạo thành vô số chiêu thức tinh diệu. Đả Cẩu Bổng Pháp được thi triển theo đường lối "Tứ lạng bạt thiên cân" (Bốn lạng bạt ngàn cân), võ công được áp dụng theo 8 chữ khẩu quyết: buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khoá, xoay.

Độc cô cửu kiếm

Độc cô cửu kiếm là một bí kíp kiếm thuật tối thượng xuất hiện trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, bắt nguồn từ nhân vật không xuất hiện mang tên Độc Cô Cầu Bại và có hai nhân vật sử dụng thành thục là Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung. Độc cô cửu kiếm được coi là triết lý đặc sắc của Đạo gia đề cao việc sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt theo phương châm "dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu" (không có chiêu số mà thắng chiêu số).

Độc cô cửu kiếm được tạo ra bởi Độc cô cầu bại, nhân vật chưa bao giờ xuất hiện thật sự trong các tiểu thuyết của Kim Dung, mà chỉ xuất hiện qua các huyền thoại bởi lời kể của các nhân vật khác về một cao thủ có võ công đạt mức lư hỏa thuần thanh do năm xưa tự mình sáng chế để tiêu diệt kẻ thù đã hại chết cha mẹ mình là Bạch Thành Trung, đặc biệt là trình độ kiếm thuật cao siêu không ai địch nổi. Ông ta tung hoành giang hồ suốt một đời mà không từng bị thất bại, không tìm được đối thủ của mình. Ông ta cô độc cho đến chết mà chỉ mong được một lần bại trận bởi đối thủ nên có tên là Độc cô cầu bại. Tuy nhiên, đôi khi cũng có thể hiểu chính những người sử dụng Độc cô cửu kiếm là những "Độc cô cầu bại". Nhân vật Độc cô Cầu bại xuất hiện qua lời kể của Phong Thanh Dương trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ và trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ khi con thần điêu (người bạn còn sống sót của Độc cô Cầu bại) đưa Dương Quá đến mộ Độc cô cầu bại và qua đó học được triết lý kiếm thuật của Độc cô. Tuy nhiên, qua miêu tả về kiếm pháp của Dương Quá trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp và kiếm pháp của Độc cô cửu kiếm trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, ta có thể rút ra nhận xét đây là hai môn võ công có nhiều điểm khác biệt, thậm chí theo một số nhận xét là hoàn toàn tương phản. Do vậy giả thuyết cho rằng Độc Cô Cầu Bại vẫn còn có truyền nhân khác được ủng hộ hơn cả.

Theo lời của Phong Thanh Dương, Độc cô cửu kiếm có 9 nguyên lý chính:

Tổng quát thức: Là các quy luật chung, các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật: di chuyển, quan sát, tấn công... Các biến hóa trong tổng quát thức dựa trên các quy luật biến hóa của bát quái trong Kinh Dịch với 360 cách biến hóa.

Phá kiếm thức: Là các quy tắc phá kiếm thuật.
Phá đao thức: Các quy tắc tấn công đối thủ dùng đao.
Phá thương thức: Quy tắc tấn công các đối thủ sử dụng thương, giáo, kích, gậy...
Phá tiên thức: Hóa giải cương tiên, thiết giản, điểm huyệt...
Phá sách thức: Phá trường sách, nhuyễn tiên, tam thiết côn, trùy...
Phá chưởng thức: Hóa giải quyền, cước, chỉ, chưởng (võ công sử dụng trực tiếp tay, chân, công lực...)
Phá tiễn thức: Dùng để phá các tên, ám khí.. chẳng những dùng kiếm gạt ám khí mà có thể phản công trở lại. Một minh họa điển hình của chiêu thức này là Lệnh Hồ Xung dù mất hết nội lực vẫn sử dụng một chiêu kiếm xuất thần đâm mù mắt 15 đại cao thủ vây quanh trong miếu Dược Vương.
Phá khí thức: Dùng để hóa giải các đối thủ có nội công thượng thặng.
Trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Độc cô cầu bại sống cô độc trên núi hoang với con chim điêu, trước khi chết đã chôn các thanh kiếm của mình trong đá với ba triết lý:

Lúc trai trẻ lòng đầy nhiệt huyết mà thiếu sự chín chắn thì sử dụng tử vi kiếm là thanh bảo kiếm sắc, nhẹ và linh hoạt. Khi đạt độ chín của suy nghĩ và sức lực, sử dụng thanh kiếm sắt nặng nề mà không sắc bén.

Khi bắt đầu về già, suy nghĩ và kiếm thuật đạt trình độ cao, vũ khí chỉ còn là thanh kiếm gỗ và đạt mức thượng thừa thì không kiếm mà thắng đối thủ, bất cứ thứ gì cũng là kiếm.

Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, không ai rõ Phong Thanh Dương học Độc cô cửu kiếm qua người nào, chỉ biết ông ta là một truyền nhân của triết lý Độc cô cầu bại với kiếm thuật Độc cô cửu kiếm thần kỳ tung hoành trên giang hồ khi trai trẻ. Đồng thời, Phong Thanh Dương là người phát triển lý luận của Độc cô cửu kiếm đến trình độ tối thượng: "Chiêu số là phần tĩnh, người phát chiêu mới là động. Chiêu số tĩnh phá giải kỳ tuyệt đến đâu mà khi gặp chiêu số động liền chịu bó tay, vì vậy người học võ luôn cần nghĩ đến chữ động.... Luyện võ và sử chiêu linh động mới chỉ là bước đầu, luyện đến trình độ ra tay không còn chiêu thức mới tiến vào trình độ tuyệt luân. Theo người thì những chiêu luyện tới chỗ tối cao là không tài nào phá giải được. Ý nghĩ đó chỉ đúng có một điểm là chiêu thức dù có cao đến đâu mà để đối phương tìm thấy đường lối là có thể nhận ra kẽ hở phá mình ngay. Còn như đã không có chiêu thức thì địch nhân còn phá vào đâu?". Theo Phong Thanh Dương, kiếm thuật thượng thừa đòi hỏi người sử dụng kiếm sử dụng chiêu thức biến hóa liên tục như nước chảy mây trôi, tùy theo sự thay đổi của đối thủ mà điều chỉnh lại chiêu thức của mình, lấy sự tấn công làm phòng thủ.

Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung đã phát huy năng lực của Độc cô cửu kiếm và đã trở thành những cao thủ bất bại trên giang hồ. Theo lý luận của Phong Thanh Dương, Độc cô cửu kiếm tối kị tính học thuộc mà đòi hỏi một chữ Ngộ và khi đó thì dù có quên thì lại càng phát huy khả năng phong phú của kiếm thuật. Và bản thân Phong Thanh Dương cũng đã trở thành một Độc cô cầu bại khi cuối đời ẩn cư một mình trên đỉnh Ngọc Nữ phong hoang vắng trên núi Hoa Sơn và mong chờ được thất bại dưới tay một đối thủ chân chính.

Với những lý luận này, Độc cô cửu kiếm đã thoát ra khỏi sự hạn hẹp của kiếm thuật, mà đã trở thành triết lý sống của Phong Thanh Dương cũng như Lệnh Hồ Xung, và trở thành một triết lý đặc sắc của Tiếu ngạo giang hồ. Triết lý này đề cao sự tự do, sống và hành động linh hoạt phù hợp với các quy luật tự nhiên, phát huy sự sáng tạo và hạn chế sự dập khuôn máy móc.

Hàng long thập bát chưởng

Hàng long thập bát chưởng là tên một loại tuyệt kỹ võ công xuất hiện trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, . Được mô tả trong loạt truyện kiếm hiệp gồm Thiên Long bát bộ và Xạ điêu tam bộ khúc (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên Đồ long ký), Hàng long thập bát chưởng là 1 trong 2 tuyệt kỷ của Cái Bang bên cạnh "Đả cẩu bổng pháp".

Đả cẩu bổng pháp là bộ bổng pháp (côn, gậy) chỉ có bang chủ đời trước đích thân truyền thụ cho bang chủ đời sau, còn Hàng long thập bát chưởng thì chỉ có những đệ tử cái bang từ hàng 9 túi trở lên mới được truyền dạy và mỗi người chỉ được dạy một vài chiêu chứ không được học hết cả pho chưởng pháp, ngoại trừ các đồ đệ truyền nhân của bang chủ.

Theo truyện Anh hùng xạ điêu, Hàng long thập bát chưởng đã vang danh thiên hạ từ lâu, song đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang, thì mới thật sự uy trấn giang hồ, và đến đời Quách Tĩnh (đồ đệ của Hồng Thất Công) thì được biết đến rộng rãi nhất.

Theo truyện Thiên long bát bộ, một nhân vật nữa làm cho Hàng long thập bát chưởng đi vào huyền thoại là Tiêu Phong, một nhân tài kiệt xuất của Cái Bang. Với tấm lòng hào hiệp, chính nghĩa, không chịu khuất phục cường địch, Tiêu Phong cùng với Hàng long thập bát chưởng là nỗi khiếp sợ của tà môn ngoại đạo. Trong bản chỉnh sửa mới nhất của Thiên Long Bát Bộ, thì Hàng long thập bát chưởng mới đầu có 28 chiêu là Hàng Long nhị thập bát chưởng. Về sau Tiêu Phong nhận thấy vẫn còn thiếu uy lực, lại có nhiều chiêu lập lại nên đã bổ sung, sửa chữa, rút gọn lại, tạo thành Hàng long thập bát chưởng, đồng thời khiến uy lực của bộ chưởng pháp tăng thêm. Cũng trong bản sửa đổi này thì Tiêu Phong còn nhờ Hư Trúc học Hàng long thập bát chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp với mục đích sau này khi Cái Bang tìm được bang chủ mới thì Hư Trúc sẽ truyền lại võ công cho người đó.

Theo Kim Dung, bộ chưởng pháp này là võ công chí cương của thiên hạ, bao đời Bang chủ Cái Bang nhờ nó mà thành danh giang hồ, uy lực tùy theo người sử dụng. Những cao thủ về môn chưởng pháp này có thể kể là Tiêu Phong, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh. Gia Luật Tề cũng biết tất cả các chiêu nhưng không thể phát huy uy lực được như Tiêu Phong,Quách Tĩnh và Hồng Thất Công. Về sau Hàng Long thập bát chưởng chỉ còn truyền lại được 12 chiêu như bang chủ Sử Hoả Long (Ỷ Thiên Đồ Long Ký) luyện nhưng không ai có được thành tựu cao, vật đổi sao dời, Hàng long thập bát chưởng cũng theo đó mà thất truyền cùng với sự suy vi của Cái Bang.Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký,một lần nữa Hàng long thập bát chưởng được Tống Thanh Thư tái xuất do Chu Chỉ Nhược đã lấy ra từ Ỷ Thiên Kiếm đưa cho Tống Thanh Thư tập để đối phó Trương Vô Kỵ. Trong Trạng Nguuyên Tô Khất Nhi, Hàng Long Thập Bát Chưởng cũng được Tô Khất Nhi (Tô Sáng-Bang Chủ cuối cùng của Cái Bang) sử dụng để đánh bại Thành Vô Khấu (Triệu Vô Cực). Hơn 150 năm sau, 1 người nữa cũng biết Hàng Long Thập Bát Chưởng, đó là Vương Tiểu Long của Long Hổ Môn, con trai của Vương Phục Hổ (Vương Hàng Long cùng Vương Phục Hổ sáng lập Long Hổ Môn), cũng đã dùng Hàng Long Thập Bát Chưởng đánh bại Hỏa Vân Tà Thần (La Sát Giáo).

Lạc Anh thần kiếm chưởng

Lạc Anh kiếm pháp là một bộ kiếm pháp của một môn phái mà trước kia Đông Tà Hoàng Dược Sư theo học. Đông Tà trước khi lấy mẹ của Hoàng Dung đã từng có một người yêu đó là con gái của sư phụ mình,do có mâu thuẫn với sư phụ của mình,nên sư phụ ông không gã con gái mình cho Đông Tà,vì quá buồn nên cô con gái của sư phụ Đông Tà đã tự sát, Đông Tà trong lúc giận dữ đã xóa sổ môn phái mà mình đã theo học, và lấy bộ kiếm pháp Lạc Anh làm võ thuật riêng của mình. Trong bản sửa đổi năm 2003, Kim Dung đã đổi tên Lạc Anh thần kiếm chưởng thành Đào Hoa Lạc Anh Chưởng.

Lục mạch thần kiếm

Lục mạch thần kiếm là tên một loại tuyệt kỹ võ công xuất hiện trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Theo đó, đây là 1 trong 2 tuyệt kỹ của nước Đại Lý: Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch thần kiếm. Nhất Dương Chỉ là bộ chỉ pháp được truyền dạy trong hoàng tộc Đại Lý, còn Lục Mạch thần kiếm thì chỉ có những đệ tử của Thiên Long tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này). Theo truyện Thiên long bát bộ, nhân vật Đoàn Dự là người duy nhất có thể sử dụng trọn vẹn cả 6 mạch kiếm khí; điều kì lạ là Đoàn Dự lại là một chàng trai hào hoa, phong nhã, vốn ghét việc luyện võ công lại có thể luyện thành thần công trong khi các cao tăng của Thiên Long Tự khổ công tập luyện đều không thành. Bộ thần kiếm này được sánh ngang với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm Tự nên nó thu hút các võ lâm cao thủ chiếm đoạt và tiêu biểu nhất là Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí. Về chiêu thức, Lục mạch thần kiếm là một loại kiếm khí, là cảnh giới cao nhất của Nhất Dương Chỉ. Trong Thiên long bát bộ, Lục mach thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí theo nguyên lý của Nhất Dương chỉ rồi phát triển thành kiếm khí. Sáu mạch của bộ kiếm pháp này bao gồm:

1.Thiếu trạch kiếm (ngón út tay trái)
2.Thiếu xung kiếm (ngón út tay phải)
3.Quan xung kiếm (ngón áp út – ngón đeo nhẫn – tay phải)
4.Trung xung kiếm (ngón trỏ tay trái)
5.Thương dương kiếm (ngón trỏ tay phải)
6.Thiếu thương kiếm (ngón cái tay trái)

Mãn thiên hoa vũ

Mãn Thiên Hoa Vũ (Hoa rải đầy trời) là một chiêu thức võ công tập trung sức mạnh và tinh thần phóng ra hàng loạt ngân châm để tiêu diệt địch thủ, đây là một chiêu thức ám sát được các sát thủ trong võ lâm rất đắc ý, chiêu thức không những hiểm độc mà còn có khả năng sát thương nhiều đối thủ. Một chiêu thức khác có sức sát thương cao hơn Mãn Thiên Hoa Vũ là chiêu thức Bạo Vũ Phi Hoa Châm. Chiêu thức này được nhắc nhiều trong các tiểu thuyết kiếm hiệp và được tái hiện qua nhiều bộ phim về chủ đề võ hiệp. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Hồng Thất Công đã dạy Mãn Thiên Hoa Vũ cho Hoàng Dung để chống lại bầy rắn độc của Âu Dương Phong

Nhất dương chỉ

Nhất Dương chỉ do Thái Tổ Thần Thánh Văn Vũ Hoàng Đế Đoàn Tư Bình, Vua đầu tiên của vương quốc Đại Lý sáng tạo ra cùng với Lục Mạch Thần kiếm.[cần dẫn nguồn] Đây được xem như là 2 võ công tuyệt ký của Đại Lý Đoàn Gia.[cần dẫn nguồn] Nhất Dương Chỉ là bộ chỉ pháp được truyền dạy trong hoàng tộc Đại Lý, còn Lục Mạch thần kiếm thì chỉ có những đệ tử của Thiên Long tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này).

Nhất Dương Chỉ xuất hiện trong truyện Thiên Long Bát Bộ và Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Trong Thiên Long Bát Bộ, có 3 người sử dụng thành thạo bộ chỉ pháp này là Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần, Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh và Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân cũng là thế tử nước Đại Lý( anh họ Đoàn Chính Minh) Đoàn Diên Khánh. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Đoàn Trí Hưng là người đã sử dụng Nhất Dương Chỉ để cứu sống Hoàng Dung sau khi nàng bị bang chủ Bang Thiết Chưởng là Cừu Thiên Nhận đánh trúng. Ngoài ra, Quách Tĩnh cũng có thể sử dụng chiêu thức này, tuy không thuần thục.

Nhất Dương Chỉ là chiêu thức dùng ngón tay để đánh. Người sử dụng Nhất Dương Chỉ dồn nội lực vào ngón tay trỏ rồi bắn ra.

Ngọc Nữ Tâm Kinh

Ngọc Nữ Tâm Kinh là khái niệm võ học trong tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung nằm trong bộ Xạ Điêu Tam Bộ Khúc. Ngọc Nữ Tâm Kinh là môn võ công lợi hại nhất của phái Cổ Mộ, theo lời kể của Tiểu Long Nữ thì đây là môn võ công do tổ sư bà bà "Lâm Triều Anh" sáng tạo ra. Nguyên nhân là do Lâm Triều Anh này từng có một mối lương duyên với tổ sư của phái toàn chân là Vương Trùng Dương, hai người này tuy yêu nhau nhưng không đến được với nhau vì quá nhiều mâu thuẫn, Lâm Triều Anh vừa yêu vừa hận nên đã sáng tác ra Ngọc Nữ Tâm Kinh dựa trên võ công của Toàn Chân Giáo nhưng lại khắc chế hoàn toàn võ công của Toàn Chân Giáo. Ngọc Nữ Tâm Kinh muốn luyện thành phải trải qua 3 giai đoạn: - Thứ nhất phải luyện hết võ công của Toàn Chân Giáo (Toàn Chân Kiếm Pháp) - Thứ hai phải luyện hết võ công của phái Cổ Mộ - Thứ ba mới luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh (khi luyện tập phải có người cùng luyện và phải cởi bỏ quần áo trong lúc luyện công do lúc luyện tập khí nóng trong cơ thể phát ra nếu có quần áo khí nóng chạy ngược vào thể nội nhẹ thì tẩu hoả nhâp ma, nặng thì chết ngay tức khắc) Lúc luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh chia ra Âm Tiến và Dương Thoái , luyện Dương Thoái thì có thể ngừng lại nghỉ nhưng Âm Tiến thì phải liên tục không được đức quãng nếu không tẩu hoả nhập ma chân khí chạy ngược vào lục phủ ngũ tạng. Khi luyện thành nếu song kiếm hợp bích với Toàn Chân Kiếm Pháp thì trở thành Ngọc Nữ Tố Tâm Kiếm Pháp uy lực tăng lên rất nhiều lần

Quỳ Hoa bảo điển

Quỳ Hoa bảo điển là bí kíp võ thuật thượng thặng trong tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Trung Quốc Kim Dung. Quỳ Hoa bảo điển có chung một nguồn gốc với Tịch tà kiếm pháp do hai vợ chồng tiền nhân viết ra trong quá khứ với Quỳ là tên người chồng, Hoa là tên người vợ. Giống như Tịch tà kiếm pháp nguyên lý đầu tiên để luyện là Quỳ Hoa bảo điển là "dẫn đao tự cung".

Nguồn gốc của Quỳ Hoa bảo điển được tiết lộ theo lời kể của Phương Chấn đại sư, trụ trì Thiếu Lâm Tự khi bàn việc cùng Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang trên đỉnh núi Hằng Sơn. Theo lời Phương Chấn, bộ sách Quỳ hoa bảo điển là tác phẩm của một cặp vợ chồng hợp tác mà người đàn ông có chữ Quỳ và người đàn bà có chữ Hoa, là tiền nhân của phái Hoa Sơn. Sau vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích, cuối cùng cả hai vợ chồng đã đi ở ẩn, xa lánh cõi trần và pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của người chồng gọi là Càn kinh. Bộ của người vợ kêu bằng Khôn kinh. Sau một thời gian, bộ sách này vô tình truyền đến phái Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến.

Cũng thời gian đó, có hai tiền nhân phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc (sau này là ông tổ phe Khí tông) và Chu Tử Phong (sau này trở thành ông tổ phe Kiếm tông) cùng đến Nam Thiếu Lâm không biết bằng cách nào đọc lén được bộ sách rồi về Hoa Sơn tu luyện. Khi biết chuyện, trụ trì Nam Thiếu Lâm là Hồng Diệp thiền sư đã sai môn đồ của mình là Độ Nguyên thiền sư đến Hoa Sơn khuyên hai người kia không nên rèn luyện Quỳ Hoa bảo điển. Hai người kia tưởng lầm Độ Nguyên đã tinh thông bộ bảo điển nên đọc lại nhờ nhà sư kiểm chứng. Không ngờ Độ Nguyên thực ra không biết gì hết, nhưng cũng bị cuốn hút bởi bộ sách nên dụng tâm ghi nhớ, đêm về chép lại vào trong áo cà sa, sau đó hoàn tục trở thành Lâm Viễn Đồ, phát triển những kiến thức về kiếm thuật từ Quỳ Hoa bảo điển thành Tịch tà kiếm pháp của họ Lâm nổi danh giang hồ.

Nguyên Mẫn Túc và Chu Tử Phong cùng nhau tu luyện Quỳ Hoa bảo điển, nhưng mâu thuẫn về việc triết giải sách đã tranh cãi, dẫn đến việc chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai trường phái là Khí tông coi trọng việc rèn luyện nội công(Càn kinh?) (mà hậu duệ tiêu biểu sau này là Nhạc Bất Quần) và Kiếm tông lấy việc rèn luyện kiếm chiêu làm trung tâm(Khôn kinh?) (mà hậu duệ là Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu...). Hậu quả của việc này là hai phái tranh chấp, dẫn đến chém giết lẫn nhau, chỉ có một mình Phong Thanh Dương vì không ham hố đấu đá nên thoát nạn. Kết cục của việc này là mười đại trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo kéo đến Hoa Sơn, cướp bộ sách Quỳ Hoa bảo điển về mình. Về sau, bộ sách truyền đến Đông Phương Bất Bại, là người duy nhất rèn luyện thành công bí kíp võ công này và trở thành cao thủ không ai địch nổi.

Cũng giống như Tịch tà kiếm pháp, muốn luyện Quỳ Hoa bảo điển phải vì thế Đông Phương Bất Bại cũng chung số phận với Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần trở thành kẻ ái nam ái nữ. Đông Phương Bất Bại hàng ngày sống trong cung cấm như một hoàng hậu, ngồi thêu hoa, yêu một chàng trai là Dương Liên Đình, và đến chết vẫn cầu xin Nhậm Ngã Hành bảo vệ cho Dương Liên Đình. Đông Phương Bất Bại dành cả đời tu luyện Quỳ Hoa bảo điển nên có võ công phi phàm, không bị thất bại dưới Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung, trái lại còn làm cho bốn người là Nhậm Ngã Hành, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên bị thương bằng kim thêu, cuối cùng chỉ chịu thất bại khi Nhậm Doanh Doanh khống chế Dương Liên Đình và khiến cho Đông Phương Bất Bại mất tập trung.

Sau khi Đông Phương Bất Bại chết, Nhậm Ngã Hành đã tiết lộ chính ông ta đã bẫy Đông Phương Bất Bại bằng bộ sách này, và đã phá hủy cuốn sách, và Quỳ Hoa bảo điển hoàn toàn mất tích trên đời.

Tịch tà kiếm pháp

Tịch tà kiếm pháp là bí kíp kiếm thuật thượng thặng trong tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Trung Quốc Kim Dung. Tịch tà kiếm pháp có cùng nguồn gốc với Quỳ Hoa bảo điển, và là nguồn gốc của những tranh chấp trên giang hồ vào thời đại của câu chuyện Tiếu ngạo giang hồ. Tịch tà kiếm pháp là nguyên nhân trực tiếp của việc Dư Thương Hải(chưởng môn phái Thanh Thành) tàn sát cả dòng họ Lâm (mà hậu duệ duy nhất sống sót là Lâm Bình Chi).

Xuất xứ của Tịch tà kiếm pháp đến từ Quỳ Hoa bảo điển, mà chính từ những bí kíp này dẫn đến việc chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai phái là Khí tông (trọng khí công) và Kiếm tông (trọng về kiếm chiêu). Từ bộ sách (gồm hai phần là Càn kinh và Khôn kinh) tạo ra bởi hai vợ chồng tiền nhân (tên người chồng có chữ Quỳ, tên người vợ có chữ Hoa), bí kíp này truyền đến Nam Thiếu Lâm, rồi lại được hai nhân vật của Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc (ông tổ phe Khí tông) và Chu Tử Phong (ông tổ phe Kiếm tông) học lén. Khi họ trở lại Hoa Sơn, Nam Thiếu Lâm đã phái Độ Nguyên thiền sư đến khuyên hai người không nên học bí kíp này. Khi Độ Nguyên đến Hoa Sơn, cả ba đã cùng nhau đọc và vô tình lại bị hấp dẫn bởi bộ sách này, dẫn đến việc Độ Nguyên xin ra khỏi Nam Thiếu Lâm, hoàn tục lấy vợ.

Sau khi Độ Nguyên hoàn tục đã lấy tục danh cũ là Lâm Viễn Đồ, lập ra Phúc Oai tiêu cục, đồng thời tiến hành tập luyện các bí kíp mà mình đã học được từ bộ sách Quỳ-Hoa ở Hoa Sơn. Ông chỉ phát triển các kỹ năng kiếm pháp và phát triển thành Tịch tà kiếm pháp có 72 đường kiếm, và trở thành một trong những kiếm thủ xuất chúng. Một trong những đối thủ bị Lâm Viễn Đồ đánh bại là Trương Thanh Tử, chưởng môn phái Thanh Thành, người được xem là một trong những cao thủ đệ nhất khi đó. Từ đó, Tịch tà kiếm phổ nổi danh giang hồ khiến nhiều nhân vật giang hồ thèm khát, và chính là nguồn gốc của những tranh đoạt sau này. Hậu duệ của Lâm Viễn Đồ là gia đình Lâm Chấn Nam là những người trực tiếp chịu họa từ những tranh chấp này với việc toàn thể tiêu cục bị sát hại bởi Dư Thương Hải.

Theo lời của Lâm Bình Chi, yếu quyết đầu tiên của Tịch tà kiếm pháp là "Võ lâm xưng hùng, dẫn đao tự cung" có nghĩa là muốn luyện Tịch tà kiếm pháp thì đầu tiên phải tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình. Bởi vì nếu không thiến, khi luyện nội công Tịch tà kiếm pháp, lửa dục sẽ thiêu đốt ruột gan thành "tẩu hỏa nhập ma" ngay lập tức khiến người ta cứng đờ ra mà chết. Hai người trực tiếp luyện Tịch tà kiếm pháp là Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần đều phải làm vậy mới có thể luyện được và đã trở thành những kẻ ái nam ái nữ. Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ biết điều nay nên đã lập gia đình, có vợ con rồi mới luyện tập để không triệt đi nòi giống của mình. Cuối đời, hiểu tác hại của Tịch tà kiếm pháp, Lâm Viễn Đồ đã chép Tịch tà kiếm pháp vào áo cà sa trên Phật đường của dòng họ và di chúc cho con cháu không được mở ra xem. Lời di chúc này dù Lâm Bình Chi biết (nhờ cha mẹ anh ta truyền qua Lệnh Hồ Xung) nhưng vì để trả thù cho cả nhà, Lâm Bình Chi vẫn quyết ý luyện.

Giang hồ cho rằng khi luyện Tịch tà kiếm pháp họ sẽ thành kiếm thủ vô địch, bất khả chiến bại. Nhưng trên thực tế, cả hai người luyện Tịch tà kiếm pháp thành thục là Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần đều bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại bằng việc tìm ra sơ hở của quá trình biến chiêu thức.

Một số chiêu thức trong Tịch tà kiếm pháp xuất hiện trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ: Tảo đãng quần ma, Lưu tinh phi trụy, Hoa khai kiến phật, Giang thượng lộng địch, Tử khí đông lai, Quần tà tịch địch và Phô quỳ quyết mục,..

Chiêu thức võ công mà Kim Dung yêu thích nhất là Kháng long hữu hối (trong Hàng long thập bát chưởng).

No comments:

Post a Comment