Thursday, October 17, 2013

Những phiên tòa trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tập trung phản ánh về sinh hoạt của giới võ lâm; mà nói đến giới võ lâm là nói đến những tôn giáo, môn phái, bang hội. Mỗi tôn giáo, môn phái bang hội có những luật lệ riêng và để thực thi luật lệ ấy, họ cũng tổ chức những phiên tòa xét xử những kẻ phạm môn quy, giới luật. Một cách khái quát, đó là những phiên toà lãng mạn; pháp đình có thể nhóm bất cứ đầu và bất kỳ lúc nào; chủ toạ phiên toàn đồng thời kiêm luôn quyền công tố; có khi có bồi thẩm đoàn tham gia hội thẩm, có khi không.

Đọc Tiếu ngạo giang hồ, ta gặp ngay phiên toà xử Lệnh Hồ Xung do chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần ngồi ghế chủ toạ. Lệnh Hồ Xung đã vi phạm nhiều điều trong "Hoa Sơn thất giới" (bảy điều giới luật của phái Hoa Sơn), trong đó có điều "nguông cuồng tự đại", giết La Nhân Kiệt của phái Thanh Thành; có thiện chí cứu Nghi Lâm - cô nữ ni nhỏ tuổi của phái Hằng Sơn - nhưng lại có những lời xúc phạm đến thanh danh phái Hằng Sơn như là "hễ gặp ni cô là xúi quẩy, đánh bạc tất thua", trốn vào kỹ viện với ni cô Nghi Lâm và Khúc Phi Yến. Nhạc Bất Quần phạt Lệnh Hồ Xung phải lên ngọn Ngọc Nữ Phong, quay mặt vào tường sám hối một năm. Chính thời gian thụ án này đã làm cho Lệnh Hồ Xung phải xa Nhạc Linh San, người tình nhỏ bé, con gái của Nhạc Bất Quần và khiến cho Nhạc Linh San bỏ Lệnh Hồ Xung, đi theo anh chàng Lâm Bình Chi. Tiếu ngạo giang hồ còn có một phiên toà thứ hai: Nhạc Bất Quần thông báo xử tử hình Lệnh Hồ Xung và gởi thông báo đi khắp các môn phái bạch đạo hễ gặp Lệnh Hồ Xung nơi đâu là có quyền tru diệt ngay. Đây là phiên toà vắng mặt bị cáo vì khi ấy Lệnh Hồ Xung đã mất hết công lực, đang ở một chỗ với Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, nhờ Nhậm Doanh Doanh nuôi dưỡng và che chở. Cũng tương tự, Nhậm Doanh Doanh cũng ra một thông báo tương tự: bất kỳ hào khách giang hồ hắc đạo nào gặp Lệnh Hồ Xung cũng phải giết ngay. Tại sao có bản án tử hình đó? Rất đơn giản: Nhậm Doanh Doanh đã thương yêu Lệnh Hồ Xung và cô biết chỉ có cô mới bảo vệ nổi chàng trai này. Cô phải ra lệnh như thế để Lệnh Hồ Xung vĩnh viễn ở lại bên cô, tiếp tục được cô che chở và chữa trị. "Phiên toà" và cái ản tử hình đó mênh mông một tình thương yêu đằm thắm, nghe ra có vẻ trẻ con những rất hợp logique. Đó là cách bày tỏ tình yêu của Thánh cô Nhậm Doanh Doanh!

Trong Thiên Long bát bộ, nhân vật Kiều Phong (tức Tiêu Phong), người Khất Đan, cũng từng là bị cáo của hai phiên toà, một phiên toà trên đất Khất Đan. Phiên toà thứ nhất mở ra tại Tụ Hiền trang của anh em nhà Du Ký - Du Câu, do phái Thiếu Lâm ngồi ghế chủ toạ; các môn phải khác ở Trung Hoa giữ quyền công tố. Bị cáo Kiều Phong vắng mặt, bị kết án là quân Khất Đan chó má (Liêu cẩu), đại ác, cần phải tiêu diệt. Thế nhưng, chàng Kiều Phong lại dẫn xác tới. Lý do: anh muốn đi tìm Thần y Tiết Mộ Hoa để chạy chữa cho A Châu, một cô gái mới quen biết, vừa được anh cứu ra khỏi chùa Thiếu Lâm. Phiên toà tiến hành rất lãng mạn: sau khi nghe mọi người kết án mình, Kiều Phong bình tĩnh gởi gắm A Châu lại cho thuộc hạ cũ là Bạch Thế Kính nhờ chăm sóc, xin anh em họ Du mấy chục hũ rượu rót đầy bát uống để chia tay với quần hùng Trung Hoa. Đó là lần đầu tiên người ta thấy bị cáo uống rượu với quan toà và các uỷ viên công tố! Uống xong, Kiều Phong địa khai sát giới, đánh nhau loạn xạ trong vòng vây của "quý toà" để tìm đường sống cho mình.

Phiên toà thứ hai xử Kiều Phong diễn ra tại Yên Kinh, nước Khất Đan. Khi ấy, Kiều Phong đã đổi lại họ tên Khất Đan - Tiêu Phong và giữ chức Nam Viện đại vương, tư lệnh tất cả các lực lượng bộ binh và kỵ binh Khất Đan. Ông lại còn là em kết nghĩa của hoàng đế Gia Luật Hồng Cơ. Hồng Cơ ra lệnh cho Kiều Phong đem hai chục vạn binh vượt qua Nhạn môn quan, tiến đánh và uy hiếp Lạc Dương. Thế những, bản tính nhân hậu, Kiều Phong không muốn cho hai bên Tống - Liêu phải đổ máu, trăm họ lầm than. Ông lại nhớ đến những ngày thơ ấu ở Trung Hoa, nhớ ơn người Trung Hoa đã dành cho ông miếng cơm, manh áo, sự dạy dỗ, giúp ông nên người. Ông rất phân biệt những người Trung Hoa giàu lòng từ ái sẵn sàng cưu mang, đùm bọc một tên "Liêu cẩu man rợ" như ông trong mấy mươi năm. Và ông quyết chống lại lệnh hành quân của Gia Luật Hồng Cơ. Để bắt được Kiều Phong, Gia Luật Hồng Cơ đã dùng kế: sai người vợ thứ ba của mình gọi A Tử - cô gái đang say mê Kiều Phong đến; giao cho cô một bình rượu pha thuốc mê với lời dặn "Uống rượu này vào là Tiêu đại vương sẽ thương yêu hiền muội ngay". Ngây thơ tin tưởng vào lời nói đó của thứ phi Gia Luật Hồng Cơ, A Tử đã rót rượu mời Kiều Phong uống. Và ông đã bị bọn võ sĩ của Gia Luật Hồng Cơ bắt giam vào cũi nhốt sư tử. Gia Luật Hồng Cơ kết tội Kiều Phong bất trung với vua, thông đồng với địch. Ông sẽ bị chém nếu bọn quần hùng Trung Nguyên không đến cứu thoát được và đưa về Nhạn Môn quan.
Biên giới giữa sự có tội và sự vô tội trong số phận những nhân vật tiểu thuyết Kim Dung thật mong manh. Những người chính nhân quân tử thường là nạn nhân những vụ án mà sự kết án vội vàng dẫn đến những oan khuất, những mất mát không thể bù đắp được. Đó là trường hợp Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố, đôi vợ chồng trẻ trong ngày trở về phái Võ Đang, đã trở thành bị cáo trong một phiên toà bất ngờ mở ngay trong đạo quán của phái Võ Đang. Năm đại môn phái Thiếu Lâm, Nga My, Côn Lôn, Không Động, Hoa Sơn lấy cớ lên thăm núi võ Đang để ép buộc hai vợ chồng chỉ ra chỗ ở của Tạ Tốn. Họ trở thành đồng chủ toạ và đồng công tố viên giữ quyền công tố trước phiên toà. Mục đích tối hậu của họ là nhằm chiếm đoạt bảo đao Đồ Long mà Tạ Tốn đang giữ để hy vọng trở thành võ lâm chí tôn. Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố bằng mọi cách phải giữ kín hành tung của người anh kết nghĩa Tạ Tốn. Cả hai vợ chồng đã tìm đến cái chết, tự tử trước phiên toà để giữ cho được phong thái của người nhân quân tử, mặc dù họ chẳng có tội tình gì.

Nhưng có lẽ trong phiên toà cảm động nhất là phiên toà của Minh giáo Ba Tư xét xử vụ án Thánh sứ nữ Đại Ỷ Ty mất trinh, phản giáo. Minh giáo tức Bái hoả giáo (Mazdeisme hay Zoroastrisme) do Zoroasstre, người Ba Tư sáng lập từ thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Do sự xâm lấn của Hồi giáo, Bái hoả giáo phân hoá thành nhiều nhánh, trong đó có một nhánh do Manes sáng lập, cũng lấy tên là Minh giáo (Manicheisme), du nhập vào vùng Tây - Bắc Trung Hoa vào năm 760, mà người Trung Hoa vẫn gọi là Mani giáo. Lâu ngày chầy tháng, người ta lượt mất âm nước ngoài, Minh giáo mới bị gọi là Ma giáo. Thực sự, đây là một tôn giáo rất nhân bản, thờ ngọn lửa và mặt trời, cho sự quang minh là thiện, sự hắc ám là ác. Minh giáo chỉ chọn gái đồng trinh làm giáo chủ và những cô gái đồng trinh ấy phải có một thời gian làm những việc tích phúc. Kim Dung kể chuyện Thánh sứ nữ Đại Ỷ Ty của Minh giáo Ba Tư đã được phái sang Minh giáo Trung Hoa làm những việc tích phúc. Nhưng cô gái Ba Tư ấy đã yêu một chàng trai Trung Hoa - Hàn Thiên Diệp và họ đã có một đứa con gái xinh đẹp: Tiểu Siêu. Để tránh giáo luật của Minh giáo Ba Tư, Đại Ỷ Ty phải hoá thân làm một bà già xấu xí. Tiểu Siêu lớn lên, 16 tuổi xinh đẹp như một bông hoa, trở thành con hầu và thầm yêu chủ giáo chủ Minh giáo Trung Hoa Trương Vô Kỵ. Thế nhưng, Minh giáo Ba Tư thi hành giới luật: 18 Bảo Thụ vương từ Ba Tư sang đảo Linh Xà trên biển Trung Hoa, bắt được kẻ phản giáo Đại Ỷ Ty, đưa lên giàn hoả thiêu. Đến phút ấy, Tiểu Siêu mới xuất hiện cứu mẹ. Cô hy sinh mối tình đầu của mình với Trương Vô Kỵ, tình nguyện về lại Ba Tư làm giáo chủ Minh giáo, chuộc tội cho mẹ đã không còn trinh nữ. Tiểu Siêu sang Trung Hoa bằng con đường tơ lụa và trở lại Ba Tư bằng con đường tơ lụa. Cuối phiên toà ấy là tiếng reo hò hạnh phúc của giáo chúng Minh giáo Ba Tư, 12 Bảo Thụ vương cúi lạy cô bé đồng trinh xinh đẹp lên ngôi giáo chủ trong khi những giọt lệ xa người tình của cô vẫn còn đầm đìa trên má. Đó là những phiên toà đẹp nhất mà những "quan toà" và người dự khán đều cúi lạy con của bị cáo.

Trí tưởng tượng và sức hiểu biết của nhà văn Kim Dung thật phong phú. Ông nắm vững những loại tập tục, những khoa học về phong tục (sciences des moeurs) của từng dân tộc, từng tôn giáo môn phái bang hội và phản ảnh khía cạnh luật pháp trong những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp! Tác phẩm của ông tràn đầy những tình huống đấu tranh giữa thiện và ác, đúng sai. Hai mặt đối lập triệt để đó được dàn dựng một cách công phu, giàu kịch tính giúp ngời ta dễ nhận ra được cái công lý đích thực ở đời. Trong bốn phiên toà vừa nêu, ông đã dành sự thắng lợi cho cái thiện, cái đúng: Lệnh Hồ Xung được sống hạnh phúc, Đại Ỷ Ty được cứu sống, Kiều Phong thoát được hai lần án tử hình. Riêng vợ chồng Trơng Thúy Sơn và Hân Tố Tố chết trước phiên toà nhưng con trai của họ, chàng trai Trương Vô Kỵ vẫn sống. Anh trở thành giáo chủ Minh giáo Trung hoá, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên trên toàn Trung Hoa. Một thuộc hạ của anh, Chu Nguyên Chương, khởi nghĩa thắng lợi ở Hoài Tứ - An Huy, lên ngôi lấy đế hiệu là Minh Thái Tổ.

No comments:

Post a Comment