Wednesday, October 16, 2013
Sự suy tàn của chủ nghĩa bạo lực
(Vietkiemhiep) - Bao giờ cũng như bao giờ, bạo lực luôn luôn có giữa cuộc sống loài người. Có thứ bạo lực chân chính nhằm duy trì trật tự xã hội, bảo vệ công lý, bảo vệ mạng sống và quyền lợi chính đáng của những con người lương thiện. Có thứ bạo lực phản động nhằm làm náo loạn cuộc sống, gây cảnh can qua cho trăm họ lầm than để thừa cơ hưởng lợi hoặc để cai trị, nô dịch người khác. Loại bạo lực phản động ấy không thiếu trong tác phẩm võ hiệp tiểu thuyết Kim Dung. Khi xử lý tác phẩm, tác giả thường để cho chủ nghĩa bạo lực tự nó suy tàn đúng như định đề "Gieo nhân nào, hưởng quả ấy" của phương Đông hay "Ai gieo gió phải gặt bão" của phương Tây.
Đoạn lung mở đầu cho Lộc Đỉnh ký có lẽ là đoạn triết luận hay nhất, tài hoa nhất trong sự nghiệp trước tác của Kim Dung. Ông luận về chủ nghĩa duy bạo lực của các thế lực quân chủ mấy ngàn năm ở Trung Quốc qua hai từ "Trục lộc" (đuổi hươu). Mượn lời nhà văn Lữ Lưu Lương dạy con trai, Kim Dung nhắc lại câu nói của Khương Thái Công với Chu Văn Vương: "Lấy thiên hạ như đuổi bắt con hươu để làm thịt chia nhau mà ăn. Con hươu dù có trốn chui trốn nhủi nhưng rốt cuộc vẫn bị bắt. Có khi nó bị nhiều người ăn thịt, có khi một người giành ăn hết". Con hươu (lộc) ở đây có nghĩa là thiên hạ, mà thiên hạ có nghĩa là đất Trung Hoa. Hán thư có câu: "Nhà Tần để sổng con hươu, thiên hạ tranh nhau đuổi bắt". Hán vương Lưu Bang và Tây Sở Bá vương Hạng Võ cùng đánh nhà Tần, sau cùng Hán vương diệt được Tây Sở Bá vương, chiếm được thiên hạ, bắt được cả con hươu béo mập.
Để có thể nấu thịt hươu lên ăn, người ta phải dùng đến cái vạc to, có ba chân, đốt lửa ở dưới. Cái vạc ấy đồng thời cũng là hình cụ tàn khốc để đốt, để nấu những người phạm trọng tội. Chữ "đỉnh" trong Hán văn tức là cái vạc lớn. Lộc đỉnh có nghĩa là cái vạc lớn để nấu thịt hươu. Tranh nhau "lộc đỉnh" có nghĩa là tranh nhau giành lấy thiên hạ. Các thế lực quân chủ là dao là thớt, muôn triêuh dân lành trở thành cá thành thịt. Để có thể giành lấy thiên hạ, đạt được quyền lực, người ta phải dùng đến bạo lực phi nhân tính nhất.
Các thế lực quân chủ dùng bạo lực phi nhân để trục lợi còn các thế lực giang hồ trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng dùng bạo lực phi nhân để đô hộ, chế ngự, nô dịch người khác. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, chủ nghĩa duy bạo lực luôn luôn gắn liền với các bọn tac đạo muôi tham vọng thống nhất giang hồ, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ.
Trong Lộc Đỉnh ký, tà đạo Thần Long giáo ở biển Liêu Đông do Hồng An Thông làm giáo chủ nuôi một thứ tham vọng như vậy. Tà giáo này chủ trương xây dựng các hầm rắn để trừng trị những kẻ không trung thành, buộc bọn thuộc hạ uống loại độc dược Độc long dịch cân hoàn để họ phải trung thành với giáo chủ. Họ gọi con rắn (xà) là thần long. Họ cũng có một thứ "kinh điển" nhằm đầu độc trí óc bọn giáo chúng thanh niên, sùng bái cá nhân giáo chủ:
Hồng giáo chủ ra oai sấm sét
Chúng đồ nhi sức mạnh phi thường...
...Hồng giáo chủ thần kinh như điện
Chiếu nhãn quan ra khắp muôn phương...
Tà giáo này có tham vọng tranh đoạt tấm bản đồ chỉ dẫn đi tìm kho báu được giấu trong bộ Tứ thập nhị chương kinh của nhà Thanh. Họ cấy người vào nội cung triều Khang Hy nằm vùng, khuynh loát chính trị và dọ dẫm tìm bảo vật. Thực hiện không được âm mưu ấy, họ định liên minh với các thế lực biên phòng của Sa hoang Nga La Tư để chống lại Trung Quốc. Điều buồn cười là giáo chủ Hồng An Thông tuy danh vọng to lớn, võ công cao cường nhưng chỉ là một lão liệt dương. Khang Hy đã ra lệnh cho hải quân nhà Thanh bắn phá tan tành đảo Thần Long, cuối cùng bọn thuộc hạ quần công Hồng An Thông, giết giáo chủ. Thần Long giáo tự diệt, đơn giản chỉ vì nó là một tà đạo duy bạo lực.
Trong Thiên Long bát bộ lại có một tà phái khác là phái Tinh Tú, do Tinh Tú hải lão ma Đinh Xuân Thu làm chưởng môn. Đinh Xuân Thu là kẻ lừa thầy phản bạn, từng đánh lại thầy mình là Vô Nhai Tử rồi tự mình tách ra khỏi phái Tiêu Dao để lập thành phái Tinh Tú. Vì đã từng lừa thầy nên bản tâm vẫn sợ bọn đồ đệ đánh nổi lên làm loạn chống mình, Đinh Xuân Thu chủ trương dùng thuốc độc và đạn lân tinh để trừng phạt đệ tử. Lão cho phép các đệ tử đánh nhau thoải mái để giành chức đại đệ tử. Lão chiêu nạp một đám bàng môn tả đạo làm đệ tử và đặt ra những ca quyết để đệ tử tâng bốc mình:
Tinh Tú lão tiên
Danh lừng Trung thổ
Đức sánh cửu thiên
Đánh đâu thắng đó
Ngày Đinh Xuân Thu trở lại Trung Nguyên, gần như lão khống chế được toàn bộ phái Tiêu Dao. Thế nhưng, như một kịch bản hoàn hảo nhất của công lý trên đời, Đinh Xuân Thu đã bị Hư Trúc, Cung chủ cung Linh Thứu, trừng phạt. Bằng nội công Bắc minh chân khí chính tông, mượn giọt rượu của đệ tử tung lên không gian, Hư Trúc biến các giọt rượu trở thành băng và cấy vào trong các huyệt đạo trọng yếu của Đinh Xuân Thu. Miếng băng lạnh tiếp xúc với da thịt nóng, tan ngay vào các huyệt đạo, hoá thành một thứ bùa gọi là Sinh tử phù. Sinh tử phù chạy vào người Đinh Xuân Thu, trở thành một chất kháng nguyên, khiến lão có cảm giác ngứa ngáy như bị hàng vạn con kiến đốt. Đinh Xuân Thu phải chịu thua, đầu hàng, bị phái Thiếu Lâm nhốt lại. Toàn bộ phái Tinh Tú bị giải tán, bạo lực của Tinh Tú hải lão ma tự diệt vong.
Chủ nghĩa duy bạo lực nhìn vấn đề dưới một nhãn quan đơn giản: có sức mạnh là có thể cai trị, khống chế được người khác. Và để có một sức mạnh thì phải leo lên được đỉnh cao của quyền lực, phải nắm quyền lực trong tay. Khát vọng quyền lực khiến các loại nhân vật giang hồ rình mò nhau, ngấm ngầm hại nhau. Điều đáng xấu hổ là những âm mưu đó lại được nấp sau bộ mặt của người quân tử, kẻ chính nhân - tất nhiên là quân tử, chính nhân giả hiệu. Tiếu ngạo giang hồ xây dựng một bộ ba chưởng môn khả kính: Dư Thương Hải - chưởng môn phái Thanh Thành; Tả Lãnh Thiền - chưởng môn phái Tung Sơn; Nhạc Bất Quần - chưởng môn phái Hoa Sơn. Dư Thương Hải đánh Phước Oai tiêu cuc để tìm lấy kiếm pháp Tịch tà; Tả Lãnh Thiền định triệt hạ bốn phái để leo lên chức chưởng môn Ngũ Nhạc Phái; Nhạc Bất Quần vừa rình mò Dư Thương Hải để chiếm kiếm pháp Tịch tà, vừa tháu cáy Tả Lãnh Thiền để tranh đoạt chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Họ là những người quân tử chính nhân giả hiện, mở miệng ra là nói đạo đức, lòng nhân, sự khiêm ái...
Cuối cùng Dư Thương Hải bị giết; Tả Lãnh Thiền bị đui mắt; Nhạc Bất Quần cũng bi giết. Quy luật tự nhiên thật công bằng: những kẻ gian ác, nguỵ quân tử, duy bạo lực bị đền tội bở chính những mưu đồ và hành vi độc ác của họ đã gây ra. Sự trừng phạt của cuộc sống khá nghiêm minh: gieo nhân nào hưởng quả ấy, mức độ trừng phạt tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi.
Tất nhiên, để có thể tiêu diệt chủ nghĩa duy bạo lực này, phải có một thứ bạo lực chính nghĩa đi tiên phong. Đó là bạo lực của những người anh hùng chân chính, trung thực. Tác phẩm của Kim Dung cũng đi theo con đường "có hậu" của nhiều tác phẩm văn học trên thế giới đã đi: chính nghĩa thắng gian tà. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, bạo lực phi nghĩa của người Trung Quốc yêu nước đã chiến thắng bạo lực phi nhân nghĩa của các thứ giặc xâm lược Kim Quốc và Mông Cổ. Chủ nghĩa yêu nước lấp lánh phía sau những tình huống tiểu thuyết vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thoại sử đem lại cho ngừơi đọc sự thú vị tuyệt vời.
Bạo lực phi nghĩa nào cũng có ngày tàn lụi; nếu người ta không sử dụng bạo lực chính nghĩa để tiêu diệt nó thì tự nó cũng có ngày tàn lụi. Đưa ra cái trắng, cái đen, cái thiện và cái ác, cái đúng là cái sai, cái tốt và cái xấu là Kim Dung đã khẳng định quy luật trên. Cho nên, đọc tiểu thuyết của ông, người ta có cảm giác thoả mãn khi thấy công lí thắng lợi, cái ác bị trừng phạt nặng nề. Điều này cũng chính là khát vọng ngàn đời của loài người!
Ngay đến những âm mưu sử dụng bạo lực để khuấy đảo thiên hạ, âm mưu "Toạ sơn quan hổ đấu" cũng tàn lụi từ trong trứng nước. Trong Thiên Long bát bộ, cha con Mộ Dung Bác - Mộ Dung Phục âm mưu phục hổi đế hiệu nước Đại Yên. Để có thể làm việc đó, Mộ Dung Bác phao ngôn rằng quân Khiết Đan sắp tấn công qua Nhạn Môn Quan. Bọn quần hùng Trung Quốc nóng lòng bảo vệ đất nước, ra ải Nhạn Môn Quan đánh giết lầm gia đình Tiêu Viễn Sơn. Không khuấy đảo được cho hai nước Tông - Liêu đánh nhau, Mộ Dung Bác khích cho quốc sư Cưu Ma Trí nước Thổ Phồn nhập Trung Nguyên - Trung Quốc. Làm xong mấy việc đó, Mộ Dung Bác giả chết, vào nằm cùng trong Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm, học lén võ công Thiếu Lâm mơ làm anh hùng thiên hạ. Mộ Dung Phục lại là một tay cơ hội chủ nghĩa ghê gớm. Tưởng cha chết thật, Mộ Dung Phục vẫn âm thầm nuôi giấc mộng Đại Yên. Gã hoá thân thành một cao thủ nước Tây Hạ có cái tên lạ hoắc là Lý Diên Tông, đầu quân vào dưới trướng Hách Liên Thiết Thụ sang đánh Trung Quốc. Việc đánh đấm không thành sự, gã phụ rẫy mối tình của biểu muội Vương Ngữ Yên, sang Tây Hạ dự lễ tuyển phu với một hy vọng hết sức bệnh hoạn: được cưới công chúa Tây Hạ làm vợ, trở thành phò mã Tây Hạ, đem binh lực Tây Hạ về đánh Trung Quốc. Việc lại không thành, gã trở về Trung Quốc, lạy tôn thế tử Đoàn Diên Khánh của nước Đại Lý để hoàng gia nước Đại Lý không còn ai, Đoàn Diên Khánh sẽ lên ngôi, gã là Thái tử. Rồi gã sẽ phế người cha nuôi để lên làm vua nước Đại Lý, đem quân về đánh Trung Quốc.
Cha con Mộ Dung Bác - Mộ Dung Phục, mỗi người một âm mưu, muốn quay cho Trung Quốc đại loạn để phục hưng nước Đại Yên. Mộ Dung Bác còn khích Kiều Phong - Nam viện đại vương nắm giữ binh quyền nước Khiết Đan - rằng lão sẵn sàng tự tử để tạ tội phao ngôn, chỉ mong Kiều Phong đưa quân Khiết Đan qua Nhạn Môn Quan đánh Tống triều! Hai cha con này ăn chén cơm Trung Quốc mà kịch liệt chống đối lại trăm họ Trung Quốc.
Kim Dung giải quyết khá công bằng: ông để cho Mộ Dung Bác tự ngộ ra rằng âm mưu phục hồi nước Đại Yên chỉ là mây trắng, rằng không thể lấy thiên hạ để phục hồi đế vị cho một dòng tộc. Mộ Dung Bác xin ở lại chùa Thiếu Lâm đi tu. Mộ Dung Phục giết hết những bằng hữu trung thành của mình, bị Lục mạch thần kiếm của Đoàn Dự đánh cho tơi tả. Gã phát bệnh tâm thần, đi chằm mũ lá đội, mua kẹo bánh bỏ sẵn trong túi để ...làm vua với các trẻ em chăn trâu. Giấc mơ bạo lực tự nó suy tàn mà không cần đến một tác động ngoại lai.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment