Tuesday, October 22, 2013

Tản mạn truyện Kim Dung


(Vietkiemhiep) - "Đọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm.” (Bùi Giáng).


Tôi yêu truyện Kim Dung từ đâu đó xa lắc xa lơ trong tiềm thức, yêu theo kiểu “cha truyền con nối”! Tôi biết đến thế giới võ hiệp của Kim Dung trước khi biết chữ, và thuộc các “tuồng tích” trong truyện còn nhanh hơn thuộc bảng cửu chương. Ấy là vì ba mẹ tôi - cũng như rất nhiều người miền Nam của thập niên 60 và 70 - mê đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Cho nên ngay từ lúc còn là một cô bé tí ti, tôi đã được nghe kể về thế giới võ lâm tươi đẹp, kỳ ảo, chính trực và đầy ắp ân tình mà Kim Dung mô tả. Đến khi biết tự cầm được cuốn sách thì tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đương nhiên trở thành lựa chọn số một mỗi khi tôi muốn tìm “một cái gì đó cho riêng mình”. Sau này tôi có đọc thêm vài ba bộ truyện võ hiệp của các tác giả khác nhưng chưa có bộ truyện nào mang lại cho tôi sự say mê, rung động, khao khát hướng thiện như truyện của Kim Dung.

Tôi biết nhìn nhận như thế là hơi phiến diện nhưng tình cảm dành cho tiểu thuyết Kim Dung đã trở thành duy nhất, vĩnh viễn, không thay thế được! Thậm chí, không bao giờ tôi dùng cụm từ “fan hâm mộ” để mô tả tình cảm đặc biệt của mình bởi từ “fan” gần đây xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt trên các diễn đàn với một hiệu ứng không mấy thiện cảm. Mà trong tôi, Kim Dung và tiểu thuyết của ông là một nỗi niềm riêng, bất biến, đẹp lung linh, dễ rung động nhưng cũng dễ tổn thương.

Những độc giả yêu mến thể loại tiểu thuyết võ hiệp tìm đến các tác phẩm của Kim Dung với nhiều lý do, và có nhiều cách thể hiện tình cảm: cổ suý, bảo vệ, lập hội, lập ban, lên diễn đàn bình luận, tham gia nghiên cứu… Còn tôi hướng về Kim Dung như hướng về sự hoài niệm: một không gian xa xưa có tuổi thơ, có gia đình, có hạnh phúc và sự sum vầy. Những độc giả trung thành của Kim Dung thường nhớ vanh vách tên các tác phẩm, các nhân vật, các trường đoạn đấu trí, các chiêu thức võ công, thậm chí nhớ đến từng lời thoại trong truyện của ông, còn tôi thì khác. Cứ nhớ về Kim Dung là tôi nhớ về những đêm cuối tháng 12, trời Đà Lạt bốn bề sương mù mờ mịt, lạnh như cắt. Trong nhà tôi luôn ủ một lò than hồng rực, trên bếp, khi thì có nồi ngô khoai nóng, lúc thì tí tách nướng mấy cái bánh mì bơ kiểu Pháp thơm lừng. Mấy chị em tôi ngoan ngoãn ngồi khoanh tròn bên bếp như lũ mèo con, lắng tai nghe ba kể truyện Kim Dung, thả sự mơ mộng, tưởng tượng của mình bay lên tận đỉnh Hoa Sơn nào đó quanh năm mây trắng phiêu bồng. Cũng đôi khi, chúng tôi im lặng thấm thía nghe ba tôi bình Kim Dung hoặc giảng giải đạo lý làm người qua từng chương sách nhỏ.

Người đọc có thể say mê đọc truyện Kim Dung hết đêm này qua đêm khác, hết tháng này qua tháng khác, đọc nhanh, đọc chậm, đọc đi đọc lại. Đọc hết rồi buông sách. Nhớ nhiều hay ít tùy thích, tùy người; quên đi cũng không sao. Nhưng tôi thì khác. Có thể trong nhiều năm ròng tôi không một lần nào đọc lại truyện Kim Dung, nhưng một hôm nào đó đang đi trên đường hay đang ngồi trong quán nước… bất chợt nghe ai đó dùng những cụm từ quen thuộc trong truyện Kim Dung, tôi hay mỉm cười thú vị bởi cảm giác thấy người đó tự nhiên thân thiết lạ lùng. Có một thời gian, tôi buồn vô cùng khi thấy tiểu thuyết võ hiệp tự nhiên bị người đọc quay lưng, bị cấm đoán, bị phán xét và “hắt hủi”. Những giá trị đích thực trong từng tác phẩm của Kim Dung bị xem thường, bị coi là một thứ văn chương ba xu chỉ đáng để mua vui. Những ai từng yêu thích Kim Dung hay bị chỉ trích sống trong ảo mộng, xa rời thực tế nên đôi khi thấy mình lạc lõng vì “nhỡ lời” bàn luận đôi câu về sự Chính –Tà.

Vẫn biết ban đầu, tiểu thuyết võ hiệp được viết ra với mục đích giải trí nên gọi tiểu thuyết võ hiệp là “cơm bình dân” có cái lý của nó. Tôi không phủ nhận tính giải trí của loại truyện này, nhưng sự xét nét, áp đặt một phía (giống kiểu có một dòng nhạc luôn bị gọi là nhạc “sến”!) mà quên đi những giá trị tinh thần to lớn từ tiểu thuyết Kim Dung làm tôi tổn thương kinh khủng. Mỗi khi phải “lén” mang truyện Kim Dung ra đọc, tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng. Vậy đề cao cái hay, cái đẹp trong võ thuật chỉ đáng mua vui ư? Sự thủy chung, nhân nghĩa, tình thầy trò, huynh đệ, tình yêu son sắt cũng chỉ để giải trí thôi ư? Đâu phải cứ truyện kiếm hiệp là đấm đá, chém giết, tranh giành. Nếu nhìn từ một hướng khác, sẽ thấy phía sau những pha tung quyền, phóng chưởng thần kỳ, sau những cuộc đời được vinh danh hay thất bại, cuối cùng con người ta giữ lại cho mình những gì. Những mối tình diễm lệ giữa các nhân vật trong thế giới võ lâm mà tác giả dựng lên đâu chỉ là ảo mộng, tất cả đều ẩn chứa những thân phận rất đời, rất trần ai.

Gần đây, tôi thấy truyện võ hiệp của Kim Dung đang dần hồi sinh. Cứ thử dạo chơi một vòng trên Internet, sẽ dễ dàng nhận thấy hàng loạt diễn đàn bàn luận về truyện kiếm hiệp như vietkiem.com, maihoatrang.com, tangthuvien.com, luongsonbac.com, kiếp hiệp cốc của Diễn đàn Trái tim Việt Nam hay kimdung.chungta.com với hàng triệu thành viên từ Bắc chí Nam say sưa trao đổi, bình luận.

Việc tác giả Kim Dung được đưa vào danh sách 10 đại tác gia của thế kỷ 20, tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa Trung văn đã khiến người ta có cái nhìn bình đẳng hơn về dòng văn học này. Người đọc cũng có cơ hội được hiểu sâu thêm về các giá trị văn hóa, triết học, lịch sử, y học, địa lý… trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung qua các chuyên luận, bài viết và bản dịch của các tác giả tâm huyết như Ông Văn Tùng, Cao Tự Thanh, Phạm Tú Châu, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Thị Bích Hải. Trong đó tiểu luận “Ngoài trời lại có trời” của tác giả Vương Trí Nhàn gợi mở "một cách nhìn khác xưa" rất sâu rộng về tiểu thuyết Kim Dung.



Đoàn Dự gặp Mộc Uyển Thanh ( Ảnh minh họa từ nguyên tác Thiên Long bát bộ – Tam Liên thư điếm, Bắc Kinh 1997)

Song, bên niềm vui tìm lại một dòng văn học mến yêu xưa, tôi vẫn bực bội ít nhiều mỗi khi lật xem một bản dịch mới thường bắt gặp những lỗi sai rất buồn cười. Kế đến là phim bộ tràn lan cũng góp phần làm sai lệch giá trị thẩm mỹ của dòng văn chương kiếm hiệp. Các bạn trẻ bây giờ làm quen với thế giới võ hiệp qua những bộ phim thuần chất giải trí nhiều hơn cầm sách đọc. Mà giữa sách và phim là cả một khoảng cách rất dài, chưa kể nội dung bị thay đổi chóng cả mặt, khi cắt bớt, lúc thêm vào theo kiểu “điện ảnh” nhằm thu hút người xem. Phim nào cũng đầy những diễn viên đẹp, quần áo đẹp, kỹ xảo đẹp, nhưng cái cốt lõi, cái tinh tế của thế giới võ hiệp là đề cao sự nhân ái, hướng thiện, tôn vinh sự khổ luyện, phải không ngừng học hỏi để thành danh thì mờ nhạt quá, thậm chí còn gây phản cảm và ngộ nhận cho người xem. Và đôi khi thấy hụt hẫng, tiếc nuối khi trên diễn đàn còn một số bạn trẻ mang việc bình Kim Dung để thóa mạ nhau. Tất cả những hành động đó làm giảm tinh thần trân trọng, yêu mến cái đẹp trong truyện Kim Dung nhiều lắm. Thế nên tôi vẫn luôn buồn vui theo sự thăng trầm của từng trang sách Kim Dung. Tôi cố gìn giữ từng phần nhỏ cảm xúc như gìn giữ một góc tâm hồn mình. Mỗi khi mang sách của Kim Dung ra phủi bụi, tôi hay bâng khuâng nghĩ chuyện xa gần. Ước mong một lúc nào đó thế giới võ hiệp của Kim Dung sẽ lại được đọc bằng những tấm lòng rộng mở yêu thương, bằng những cái tâm lắng đọng và thật sự chân thành.

CF&S

No comments:

Post a Comment