Thursday, October 24, 2013

Tên các nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ


(Vietkiemhiep) - Tiếu Ngạo Giang Hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của Kim Dung, với nhiều thành công về nội dung, cốt chuyện, thủ pháp văn học. Dưới đây là danh sách các nhân vật trong bộ tiểu thuyết này.



Nhân vật chính:

( Vui lòng xem trong phần Nhân vật)

Lệnh Hồ Xung - Xem Lệnh Hồ Xung

Nhậm Doanh Doanh - Xem Nhậm Doanh Doanh.

Cô là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo, con gái duy nhất của Nhậm Ngã Hành (không ai rõ mẹ cô là ai) và cuối truyện là vợ của Lệnh Hồ Xung.  Doanh Doanh đã hết lòng giúp Lệnh Hồ Xung xây dựng vị trí ở Ngũ nhạc kiếm phái, lại ra sức bảo vệ chàng trước sức ép của Nhậm Ngã Hành.

Nhạc Linh San

Là con gái duy nhất của vợ chồng Nhạc Bất Quần, Ninh Trung Tắc, nàng lớn lên ở cùng với phái Hoa Sơn và thường được mọi người gọi là Tiểu sư muội. Từ nhỏ, nàng thân thiết với Lệnh Hồ Xung, người hết mực thương yêu và chiều chuộng nàng.

Sau khi Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Bất Quần gán cho toàn bộ những tội xấu xa, Nhạc Linh San đã thực sự yêu Lâm Bình Chi và quyết giúp chàng tìm Tịch tà kiếm phổ, giúp chàng báo thù nhà. Và Nhạc Bất Quần đã khéo léo dàn dựng màn kịch gả con gái cho Lâm Bình Chi để hòng che mắt Lâm Bình Chi việc mình chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ. Sự bất hạnh đã đến với Nhạc Linh San khi Lâm Bình Chi đã khám phá ra âm mưu của Nhạc Bất Quần, cố công đoạt lại Tịch tà kiếm phổ, đồng thời "dẫn đao tự cung" - tự thiến mình để luyện Tịch tà kiếm pháp, khiến cho Nhạc Linh San cưới một anh chồng bạc hãnh, làm vợ mà không được hưởng niềm hạnh phúc chăn gối của vợ chồng. Sau khi Nhạc Bất Quần giành chiến thắng trong đại hội hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái, Lâm Bình Chi thì thành công trong việc trả thù nhà bằng việc giết chết Dư Thương Hải, Mộc Cao Phong) đồng thời cũng bị mù, Nhạc Linh San đã được Lâm Bình Chi cho biết toàn bộ sự thật về cha mình và chồng mình - những người đàn ông không đầy đủ. Dù rất đau lòng trước sự thực này, Nhạc Linh San vẫn hết lòng yêu Lâm Bình Chi và tình nguyện theo chàng. Sau khi nghe lời thuyết phục của Lao Đức Nặc liên kết với Tả Lãnh Thiền để đấu với Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi đã nhẫn tâm giết chết Nhạc Linh San. Trước khi chết, nàng trăng trối với Lệnh Hồ Xung nhờ chiếu cố và bảo vệ Lâm Bình Chi vì Lâm Bình Chi đã bị đui mù và trơ trọi.


Nhân vật phụ

Lâm Bình Chi

Là con trai duy nhất của Lâm Chấn Nam, tổng tiêu đầu của Phước Oai tiêu cục đóng tại thành Phúc Châu (Phúc Kiến), truyền nhân của dòng họ mang bí kíp kiếm thuật Tịch tà kiếm pháp, vì khát khao muốn trả thù cho cha mẹ nên đã dẫn đao tự cung (tự thiến bộ phận sinh dục của mình) để luyện Tịch tà kiếm pháp, từ chối người vợ hết lòng yêu mình là Nhạc Linh San. Lâm Bình Chi là nạn nhân của chính trị giang hồ, bị nhà tan cửa nát vì tranh chấp của giang hồ, hủy hoại bản thân vì thù hận. Một lần khi đi săn ở trong rừng, chàng đã vì nghĩa hiệp, cứu cô gái bán rượu (chính là Nhạc Linh San đóng giả) khỏi sự khả ố của khách (chính là con trai của Dư Thương Hải phái Thanh Thành), chàng đã vô tình giết chết tên này. Phái Thanh Thành dưới sự chỉ huy của Thanh Thành tứ tú đã mượn cớ này kéo đến tàn sát toàn bộ Phước Oai tiêu cục, bắt cha mẹ chàng đi. Trên thực tế, trả thù cho con trai của Dư Thương Hải chỉ là cớ nhỏ, thực chất Dư Thương Hải muốn chiếm đoạt bí kíp Tịch tà kiếm pháp lưu truyền từ tổ tiên của Lâm Bình Chi là Lâm Viễn Đồ - người từng sử dụng 72 đường Tịch tà kiếm phổ tuyệt diệu đánh bại sư phụ của Dư Thương Hải là Trương Thanh Tử.

Lâm Bình Chi đã lưu lạc giang hồ để cứu cha mẹ nhưng không thành vì cha mẹ chàng đã bị bọn Dư Thương Hải tra khảo dẫn đến bị thương nặng, và cuối cùng bị Tái bắc minh đà Mộc Cao Phong sát hại. Trước khi chết, họ đã nhờ Lệnh Hồ Xung chuyển lời đến con trai mình về báu vật truyền đời của tổ tiên trong căn nhà cổ là cấm được mở ra xem. Đây chính là bí kíp Tịch tà kiếm phổ, mà tổ tiên dòng họ Lâm không muốn con cháu mình luyện để tạo ra bi kịch cho bản thân. Lâm Bình Chi vì khao khát báo thù cho cha mẹ nên cam tâm tình nguyện đầu vào phái Hoa Sơn làm đệ tử Nhạc Bất Quần - nhưng kỳ thực đây là một cái bẫy rất cao đã được giương sẵn. Trên thực chất, việc Lâm Bình Chi gia nhập Hoa Sơn là một tính toán trước của Nhạc Bất Quần. Ông ta đã tạo ra các cơ hội để anh chàng này đầu quân cho mình, lại dùng con gái mình để thu hút Lâm Bình Chi, tiếp cận gia đình chàng, cùng lục soát Tịch tà kiếm phổ giấu trong nhà cổ của dòng họ Lâm một cách hợp pháp. Khi đôi tình nhân Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San tìm thấy kiếm phổ giấu trong áo cà sa, chiếc áo này đã bị cướp bởi hai cao thủ Tung Sơn, sau đó bị Lệnh Hồ Xung cướp lại, nhưng vì Lệnh Hồ Xung bị bạo bệnh nên kiếm phổ này rơi vào tay Nhạc Bất Quần mà không ai biết. Nhạc Bất Quần nhân cơ hội đổ tội cho Lệnh Hồ Xung, lại hứa gả con gái mình cho Lâm Bình Chi để yên lòng chàng.

Lâm Bình Chi vì khát khao báo thù nhà nên đã âm thầm theo dõi Nhạc Bất Quần, lấy lại được kiếm phổ sau khi áo cà sa bị Nhạc Bất Quần vứt xuống vực. Lâm Bình Chi vì sớm mong báo thù nên dẫn đao tự cung để luyện Tịch tà kiếm pháp, từ chối gần gũi vợ mình, để lại Nhạc Linh San là một cô vợ còn là gái trinh nữ sau khi lấy chồng. Lâm Bình Chi đã luyện thành Tịch tà kiếm pháp, đánh bại và giết Dư Thương Hải cùng Thanh Thành tứ tú (những người đã dẫn đầu nhóm tàn sát Phước Oai tiêu cục), đồng thời giết luôn Mộc Cao Phong, kẻ đã ép chết cha mẹ chàng. Nhưng kết cục, Lâm Bình Chi bị nước độc trong bướu của Mộc Cao Phong làm mù mắt. Trên đường trở về với vợ mình, Lâm Bình Chi đã thổ lộ tâm tình với Nhạc Linh San, vạch trần bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần, từ chối làm chồng của Nhạc Linh San (vì anh ta đã không còn là người đàn ông đúng nghĩa để làm chồng) dù Nhạc Linh San vẫn hết lòng yêu Lâm Bình Chi, tình nguyện theo chàng. Vì lo sợ Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi đã sai lầm nghe theo Lao Đức Nặc đến đầu quân cho Tả Lãnh Thiền, kẻ bại trận dưới tay Nhạc Bất Quần cũng bị mù mắt. Để lấy lòng Tả Lãnh Thiền, Lâm Bình Chi đã đâm chết Nhạc Linh San và bỏ trốn. Trước khi chết, Nhạc Linh San vẫn hết lòng yêu Lâm Bình Chi, dặn dò Lệnh Hồ Xung tha thứ và bảo vệ Lâm Bình Chi vì hiểu rằng anh ta là kẻ đáng thương nhất.

Kết cục, Lâm Bình Chi cùng Tả Lãnh Thiền đều bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại trong hậu động Hoa Sơn dù đã dùng mưu bịt kín động để tạo bóng tối. Tả Lãnh Thiền bị giết chết, còn Lâm Bình Chi bị bắt sống và bị giam giữ dưới hắc lao Tây Hồ bởi Giang Nam tam hữu.

Nghi Lâm

Là một ni cô tu hành, đệ tử của Định Dật sư thái của phái Hằng Sơn (một trong Ngũ nhạc kiếm phái, đóng ở trên dãy Bắc nhạc Hằng Sơn tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc)), nhưng có dáng vẻ rất kiều diễm. Cô là người tạo ra một mối tình câm lặng đặc biệt với nhân vật chính là Lệnh Hồ Xung. Nghi Lâm là một người con gái xinh đẹp, kiều diễm với đôi mắt trong sáng và những bi kịch của cô cũng đến từ chính vẻ đẹp này. Nàng có cha là một hòa thượng (pháp danh là Bất Giới), mẹ là một ni cô (không rõ tên thật, tên thường gọi là Á bà bà). Theo lời kể của Bất Giới thì trước ông ta là một đồ tể. Ông gặp mẹ của Nghi Lâm, lúc đó bà là một ni cô, và đã ngay lập tức đem lòng yêu ni cô này. Sau nhiều lần theo đuổi, ni cô này vẫn từ chối tình yêu của ông vì cho rằng Bồ Tát sẽ trừng phạt, đày bà xuống 18 tầng địa ngục nếu phá giới. Và thế là Bất Giới đã tình nguyện xuất gia làm hòa thượng để được cưới ni cô, với quan điểm: nếu thế thì ông sẽ cùng với bà gánh chịu hình phạt của Bồ Tát (vì ông cũng là đệ tử nhà Phật). Kết quả của tình yêu này là Nghi Lâm. Hai vợ chồng Bất Giới vừa tu hành, vừa sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng trớ trêu thay, bà vợ ni cô của Bất Giới lại là một người có máu ghen đặc biệt. Khi nhìn thấy chồng mình đang ôm con gái nói chuyện với một người phụ nữ khác (suy luận theo lời kể của Bất Giới thì chính là Ninh Trung Tắc, vợ của Nhạc Bất Quần, sư mẫu của Lệnh Hồ Xung), bà đã ngay lập tức bỏ chồng và con gái nhỏ đi biệt tích, chỉ để lại một dòng chữ Đây là kẻ tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc nghĩa nhất thiên hạ. Bất Giới đã gửi con gái ở Hằng Sơn, lang thang khắp nơi tìm vợ nhưng vô vọng. Sau này, nhờ Lệnh Hồ Xung giúp đỡ, hai vợ chồng ông đã được đoàn tụ. Chính vì được gửi ở Hằng Sơn nên Nghi Lâm đã vô tình theo con đường của cha mẹ - trở thành một đệ tử Phật gia.

Trong một lần xuống núi Hành Sơn (dự lễ từ giã giang hồ của Lưu Chính Phong), Nghi Lâm bị Điền Bá Quang, kẻ được mệnh danh là Hái hoa dâm tặc, bắt định hãm hiếp. Khi Điền Bá Quang mang Nghi Lâm vào hang núi định giở ý đồ đồi bại thì Lệnh Hồ Xung xuất hiện, xả thân mình cứu cô. Lệnh Hồ Xung đã dùng mưu trí thắng cuộc Điền Bá Quang để hắn buông tha Nghi Lâm, đồng thời phải chịu nhận Nghi Lâm làm sư phụ. Nhưng cũng vì thế mà Lệnh Hồ Xung bị thương nặng và bị La Nhân Kiệt ám hại. Nghi Lâm tưởng Lệnh Hồ Xung đã chết khi bị hai ông cháu Khúc Dương, Khúc Yên Phi cướp mất xác. Sau tai nạn này, Nghi Lâm đã thầm yêu Lệnh Hồ Xung, thậm chí còn khóc vì ghen khi nghe Lệnh Hồ Xung kể về mối tình với tiểu sư muội của mình. Nghi Lâm đã tương tư Lệnh Hồ Xung đến mức héo hon sầu muộn, nhưng lại luôn cầu chúc cho tình yêu của người sư huynh này. Nghi Lâm không chỉ yêu mà còn tỏ ra là một người thấu hiểu nỗi lòng, bản tính và ước muốn của Lệnh Hồ Xung. Đồng thời cũng là người luôn ủng hộ, tin tưởng mọi hành động, ứng xử của Lệnh Hồ Xung. Ngay cả khi Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Bất Quần vu oan, mang tiếng xấu ở khắp bạn hữu giang hồ thì cô vẫn luôn tin vào gã sư huynh trong sáng này, và luôn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng.

Nghi Lâm còn dành cho Lệnh Hồ Xung một sự quan tâm thầm lặng như một người vợ luôn dõi theo từng bước chân của chồng mình. Đoạn mô tả cuộc tỷ đấu đoạt chức Minh chủ Ngũ Nhạc Phái thể hiện rất rõ mối quan tâm thầm lặng này của Nghi Lâm:

"Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mấy ngàn người đều chăm chú theo dõi cuộc tỷ võ trên Phong thiền đài. Chỉ có cặp mắt của Nghi Lâm là thủy chung vẫn dán chặt vào Lệnh Hồ Xung ngoài ra nàng chẳng quan tâm đến chuyện chi hết".

Có như vậy nên khi đó lúc Lệnh Hồ Xung đột nhiên đứng dậy thì "một cánh tay mềm mại nhỏ bé đưa ra đỡ dưới nách chàng mà chàng cũng không hay biết" và "cả cặp mắt dịu dàng ngó thẳng vào mặt chàng, chàng cũng chẳng nhìn thấy". Sau này, khi biết về tình yêu giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh, cô cũng vẫn hết lòng ủng hộ họ dù trong lòng đầy đau khổ. Chứng kiến con mình héo hon sầu muộn vì tương tư, Bất Giới hòa thượng đã không ngần ngại yêu cầu hết Điền Bá Quang đến Đào cốc lục tiên đi tìm Lệnh Hồ Xung về. Thậm chí xuất lực tự thân cùng Nghi Lâm đi tìm Lệnh Hồ Xung. Những hành động này vô tình khởi tạo ra biết bao sóng gió cho Lệnh Hồ Xung.

Khi Lệnh Hồ Xung trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, Nghi Lâm càng bị lún sâu vào tương tư trong mối tình câm lặng không thể nói lên lời. Cô đã đêm đêm tâm sự với Á bà bà (người đàn bà câm điếc) quét chùa trên chùa Huyền Không về mối tình của cô, về những ước mong cho Lệnh Hồ Xung. Thực ra, người này chính là mẹ của Nghi Lâm, giả làm người câm điếc để tránh Bất Giới. Sau này, khi Nghi Lâm giết Nhạc Bất Quần - kẻ đã ám hại các vị chưởng môn của Hằng Sơn là Định Dật và Định Nhàn, đồng môn và Lệnh Hồ Xung đã tôn cô làm chưởng môn. Nhưng Nghi Lâm đã nhất quyết từ chối, nhường ngôi vị cho Nghi Thanh, còn mình thì nhất tâm kinh sách, ngày ngày cầu nguyện cho vợ chồng Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh, sống trong mối tình câm lặng của mình. Mối tình của Nghi Lâm là mối tình một chiều không cầu Lệnh Hồ Xung đáp lại, chỉ mong những điều tốt đẹp sẽ đến với người mình yêu. Những mong muốn của Nghi Lâm hướng trực tiếp vào Lệnh Hồ Xung. Cầu mong những điều tốt đẹp đến với chàng, mong chàng một đời tiêu dao nhàn nhã, không bị điều gì ràng buộc và ngay cả có kết hôn với Nhậm Doanh Doanh rồi cũng vẫn mong Doanh Doanh đừng câu thúc Lệnh Hồ Xung. Đem tâm lý người thường xem xét tình yêu của Nghi Lâm thì không ai hiểu được. Như Nghi Lâm đã từng tâm sự với Á bà bà:

"Gia gia không hiểu lòng tiểu ni! Các vị sư tỷ Nghi Hòa, Nghi Thanh cũng đều không hiểu lòng tiểu ni!".
Đoạn cuối truyện, Nghi Lâm đã nói với Á bà bà về tình yêu của mình: "Bà bà ơi! Bà bà không hiểu lòng dạ tiểu ni. Hễ Lệnh Hồ đại ca được sung sướng là tiểu ni vui lòng".

Nhạc Bất Quần

Chưởng môn Hoa Sơn kiếm phái của Ngũ Nhạc kiếm phái trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, đã dẫn đao tự cung (tự thiến) để luyện Tịch Tà kiếm phổ. Lão đã lấy trộm Tịch Tà kiếm phổ rồi đổ mọi tội lỗi lên đầu đại đệ tử của mình là Lệnh Hồ Xung - nhân vật chính của Tiếu ngạo giang hồ - âm thầm luyện tập với âm mưu hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái và lên làm chưởng môn. Nhạc Bất Quần được gọi là Quân tử kiếm nhưng thực sự lại là một kẻ ngụy quân tử, nhiều mưu mô.

Truyện miêu tả Nhạc xuất hiện lần đầu tiên là một thư sinh mặc áo bào xanh, tay phe phẩy quạt lông (dấu hiệu của phong cách tiêu sái), trạc khoảng ngoài 40 tuổi mặc dù lúc đó đã ngoài 60.

Tên "Nhạc Bất Quần" nguyên nghĩa là "không chơi với ai" nhưng lại có rất nhiều bạn bè.

Nhạc Bất Quần tự nhận là dòng dõi Nhạc Phi đời Tống.

Vợ Nhạc Bất Quần là Ninh Trung Tắc - một nữ hiệp thực sự, trái ngược với chồng. Hai người có một người con gái là Nhạc Linh San.

Nhậm Ngã Hành

Có ngoại hiệu là Vọng Phong Nhi Đào. Ông là cha của Nhậm Doanh Doanh và là người sáng lập Nhật nguyệt thần giáo, ngoài ra còn sáng lập món võ công mà khắp giang hồ khiếp sợ: Hấp tinh đại pháp[cần dẫn nguồn].Cụm từ "nhậm ngã hành" có nghĩa tiếng Việt là "làm theo ý mình".

Nhậm Ngã Hành xuất hiện từ giữa cuốn tiểu thuyết, nhưng là một nhân vật quan trọng trong bộ truyện với giấc mộng thống nhất võ lâm, xưng bá thiên hạ. Cách xuất hiện của ông khá ly kỳ, ban đầu là bằng một giai thoại trong võ lâm: một nhân vật võ công cái thế nhưng làm điều càn quấy, bị bọn đàn em lật đổ và nhốt vào ngục tối dưới Cô Mai sơn trang. Về sau, người thân cận của Nhâm Ngã Hành là Hướng Vấn Thiên đã tìm cách lừa cho Lệnh Hồ Xung vào trong ngục để giải thoát Nhậm Ngã Hành, cuối cùng mục đích của y cũng thành công: Lệnh Hồ Xung bị nhốt lại trong ngục còn Nhậm Ngã Hành giả làm Lệnh Hồ Xung để trốn thoát.

Rời khỏi ngục tối, Nhậm Ngã Hành cùng Hướng Vấn Thiên ra sức gây dựng lại thế lực, họ vào được nội viện của Nhật nguyệt thần giáo, chiến thắng Đông Phương Bất Bại (kẻ đã cướp ngôi giáo chủ) rồi Nhâm một lần nữa lên làm giáo chủ. Nhâm Ngã Hành ban đầu rất thích Lệnh Hồ Xung do y tài giỏi và đã cứu sống ông, nhưng về sau lại chuyển thành bực bội, vì Lệnh Hồ Xung không chịu gia nhập Nhật Nguyệt thần giáo ngay cả khi ông đồng ý gả con gái và có ý sẽ để hắn tiếp nhiệm ngôi giáo chủ trong tương lai. Cuối cùng hai người thành hai phe đối lập, lãnh đạo hai thế lực lớn để chống đối nhau. Lệnh Hồ Xung đại diện cho chính nghĩa với sự hỗ trợ của các phái Thiếu Lâm, Võ Đang và Ngũ Nhạc kiếm phái, chỉ mong hai bên hòa giải nhưng không thể được. Khi hai phe đang chuẩn bị lực lượng cho một cuộc giao chiến lớn thì bất ngờ, Nhâm Ngã Hành, trong lúc cười lớn vì quá hứng khởi với giấc mộng bá chủ, bị thổ huyết mà chết. Chức giáo chủ được Nhâm Doanh Doanh đảm nhận. Doanh Doanh yêu Lệnh Hồ Xung, chủ trương hoà giải, từ đó giang hồ lại được bình ổn.

Nhậm Ngã Hành là người sáng tạo ra môn Hấp tinh đại pháp. Người luyện thành có thể hút nội lực của kẻ khác để làm của mình. Vì có tác dụng đó, nó cùng với môn Bắc minh thần công là 2 môn võ tối kỵ trong thiên hạ, bị người người khinh ghét nhưng cũng rất sợ hãi. Môn võ này được ông khắc trên chiếc giường trong ngục thất dưới Cô Mai sơn trang. Một dịp do ở tù nóng bức quá, Lệnh Hồ Xung cởi áo quần nằm lên giường làm cho những vết khắc hằn lên da của y, khiến y học được món võ công này. Nhưng Lệnh Hồ Xung không dùng nó để hút nội lực kẻ khác, y dùng để hoá giải độc khí trong người mình. Có thể nói với tác dụng hoá giải độc khí, Hấp tinh đại pháp đã cứu mạng Lệnh Hồ thiếu hiệp.

Nhậm Ngã Hành cùng Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần tượng trưng cho những người có chí thâu tóm thiên hạ vào tay, nhưng ba người có những cách hành động khác nhau. Nhạc Bất Quần thì giả mặt quân tử để được lòng giới võ lâm, trong khi sử hết các chiêu gian xảo để triệt hạ từng người. Tả Lãnh Thiền cũng vậy nhưng mưu trí thua xa Nhạc Bất Quần, cuối cùng bị Nhạc Bất Quần làm mù mắt, chết dưới tay Lệnh Hồ Xung. Còn Nhâm Ngã Hành mưu trí, thâm trầm, nhưng tham vọng để lộ ra ngoài mặt và cứ lạnh lùng theo bản ý hành động, không sợ trời, không sợ đất. Cuối cùng họ đều chết nhưng có lẽ Nhâm Ngã Hành không bị ghê tởm như hai người kia, vì sống thật với bản chất. Nhìn khách quan, có thể nói họ tuy là vai phụ nhưng đều để lại những ấn tượng sâu sắc, khiến bộ truyện trở nên phong phú, sinh động. Họ là phương tiện để Kim Dung nâng cao kịch tính nhưng cũng là để đề cao triết lý Lão - Trang, phê phán chí bá vương.

Lưu Chính Phong

Lưu Chính Phong là sư đệ của chưởng môn nhân phái Hành Sơn Mạc Đại tiên sinh, là một cao thủ kiếm thuật đồng thời là một nghệ sĩ thổi tiêu. Ông kết bạn với Khúc Dương, trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo vì cùng niềm đam mê âm nhạc, cả hai cùng sáng tác khúc Tiếu ngạo giang hồ, là bản nhạc xuyên suốt tác phẩm. Lưu Chính Phong xuất hiện rất ngắn nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tình tiết chính của tác phẩm. Lưu Chính Phong là một cao thủ kiếm thuật phái Hành Sơn, sư đệ của Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái võ này. Truyền thống của môn phái này là các cao thủ đều là những người mê âm nhạc nên cả hai anh em cũng đều là những nghệ sĩ. Khác với sư huynh của mình là Mạc Đại luôn xuất hiện với bộ dạng một ông lão rách rưới, lang thang khất thực, Lưu Chính Phong lại là một điền chủ giàu có, nhà cao cửa rộng.

Theo lời kể của khách giang hồ, Lưu Chính Phong nổi danh với đường Hồi phong lạc nhạn kiếm, một đường kiếm chém đứt cổ 3 con nhạn lớn. Và trong cuộc chiến với các cao thủ phái Tung Sơn ở cuộc rút lui giang hồ của ông, Lưu Chính Phong cũng chứng tỏ trình độ võ thuật siêu đẳng khi một chiêu bắt sống cao thủ Tung Sơn để khống chế các cao thủ khác rút lui. Lưu Chính Phong - đại diện cho chính phái, đã gặp Khúc Dương, trưởng lão "Ma giáo", - đại diện cho tà phái (theo quan niệm giang hồ khi đó), hai tâm hồn đã gặp nhau ở tấm lòng khoáng đạt, nhân hậu, yêu âm nhạc và nhanh tróng trở thành bạn tri kỉ của nhau. Lưu Chính Phong là cao thủ thổi tiêu, Khúc Dương là cao thủ chơi thất huyền cầm. Cả hai đã cùng nhau sáng tác khúc Tiếu ngạo giang hồ bi tráng, là bản nhạc cầm tiêu hợp tấu tuyệt đỉnh. Bản nhạc vừa mô tả những đâm chém đau thương trên giang hồ, nhưng cũng lại mang tấm lòng khoáng đạt của những con người yêu tự do và mong ước hòa bình cho giang hồ.

Theo phiên bản cũ trước khi Kim Dung sửa đổi, Khúc Dương và Lưu Chính Phong đã đi đào các ngôi mộ cổ để tìm khúc Quảng lăng của Kê Khang (nhạc sĩ cuối đời Tam Quốc) đã bị thất truyền, sau đó dựa trên trên khúc phổ này để sáng tác nên khúc Tiếu ngạo giang hồ tuyệt đỉnh. Có thể nói khúc Tiếu ngạo giang hồ là một bản hùng ca, ca ngợi tự do và mong ước hòa bình cho giang hồ. Chỉ có ba người được chứng kiến hai người lần cuối cùng cầm tiêu hợp tấu bản nhạc này là Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm và Khúc Yên Phi, cháu gái Khúc Dương trước khi hai người qua đời trên núi Hành Sơn. Hiểu được việc môn phái khó dung cho tình bạn hai người, Lưu Chính Phong đã làm lễ rửa tay chậu vàng, phong đao quy ẩn, rút lui khỏi giang hồ để cùng tri kỉ ngao du. Nhưng kế hoạch của ông đã bị Tả Lãnh Thiền phát hiện và phá hoại. Y đã sai tay chân đến phá hoại lễ rút lui giang hồ của ông, đem tính mạng của cả nhà Lưu Chính Phong và các đệ tử ép ông dừng việc này lại, đồng thời bắt Lưu Chính Phong phải giết chết Khúc Dương vì cho rằng ông này là Ma giáo xấu xa. Lưu Chính Phong đã khẳng khái từ chối, và phái Tung Sơn đã tàn sát cả gia đình Lưu Chính Phong, sau đó lại đánh cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương bị thương nặng. Trước đó, chúng còn hạ nhục Lưu Chính Phong bằng việc bắt cậu con trai nhỏ của Lưu Chính Phong quỳ gối cầu xin - biểu thị của sự hèn nhát - một điều tối kị của võ lâm.

Lưu Chính Phong và Khúc Dương chạy đến núi Hành Sơn, dùng chút tàn lực cuối cùng tấu bản nhạc Tiếu ngạo giang hồ một lần cuối cùng rồi bình thản bên nhau đi vào cõi vĩnh hằng. Trước khi chết, cả hai đã cầu xin Lệnh Hồ Xung đem khúc nhạc này truyền đến một truyền nhân xứng đáng để khúc nhạc tuyệt diệu không bị thất truyền. Họ không thể ngờ chính Lệnh Hồ Xung lại chính là một truyền nhân xứng đáng nhất của khúc nhạc đó. Có thể nói rằng Lưu Chính Phong xuất hiện rất ngắn nhưng chính là người tạo ra cốt lõi của câu chuyện. Một điều mà giang hồ luôn bàn tán và đồn đại là mối bất hòa giữa hai sư huynh đệ Lưu Chính Phong - Mạc Đại. Người ta nhìn vào gia cảnh đối nghịch của hai người để đồn rằng Mạc Đại ghen tị với sư đệ của mình do tài năng kiếm thuật kém xa sư đệ của mình. Nhưng thực tế Mạc Đại đã biểu diễn đường kiếm tuyệt diệu trong quán rượu, một kiếm lia đứt 7 chén rượu, chứng tỏ lời đồn đó là không có căn cứ.

Khi Lưu Chính Phong và Khúc Dương đang dùng tàn lực cuối cùng để chống lại sự tàn sát của Đại tung dương thủ Phí Bân với 5 người không còn khả năng kháng cự là Lưu Chính Phong, Khúc Dương, Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm, Khúc Yên Phi, Mạc Đại đã xuất hiện giết chết Phí Bân, bảo vệ 5 người, sau đó lại lặng lẽ biến mất với khúc Tiêu tương dạ vũ bi thương. Và Lưu Chính Phong đã tiết lộ cho những người xung quanh rằng huynh đệ của họ sở dĩ không hợp nhau là do bất đồng về sở thích âm nhạc. Lưu mê thổi tiêu, và âm nhạc của Lưu có xu hướng tươi vui ngạo nghễ (tiêu biểu là khúc Tiếu ngạo giang hồ), trong khi Mạc Đại mê chơi hồ cầm, âm nhạc của Mạc Đại lại mang đầy chất bi ai, thương cảm (khúc Tiêu tương dạ vũ).

Phong Thanh Dương

Phong Thanh Dương là thái sư thúc (sư đệ của thầy dạy của thầy) của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần, và là thái sư thúc tổ của Lệnh Hồ Xung. Phong Thanh Dương ẩn cư trên Ngọc Nữ phong của Hoa Sơn và chỉ xuất hiện một lần, truyền thụ bí kíp Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung, sau đó không xuất hiện và chỉ được biết đến qua những lời ca tụng của các nhân vật khác về tài năng và nhân phẩm của ông. Phong Thanh Dương là đại diện của phe kiếm tông trong phái Hoa Sơn, bản tính thích tự do. Ông là người nắm bí kíp Độc cô cửu kiếm từ Độc cô cầu bại. Khi còn trẻ, Phong Thanh Dương qua lại giang hồ và là một kiếm thủ bậc nhất ít người bì kịp, được đồng đạo giang hồ khâm phục cả về tài năng và nhân phẩm của ông. Phong Thanh Dương đã giết chết 10 vị trưởng lão của Nhật nguyệt thần giáo đều là những người võ công cao cường có khả năng phá tan các chiêu thức lợi hại nhất của Ngũ Nhạc kiếm phái và sau đó ẩn cư trong hậu động trên Ngọc Nữ phong, nhờ đó thoát khỏi kiếp nạn huynh đệ tương tàn trong phái Hoa Sơn do mâu thuẫn giữa 2 phe Kiếm tông và Khí tông. Cũng khi ẩn cư, Phong Thanh Dương đã phát triển lý luận Độc cô cửu kiếm của Độc cô cầu bại, từ chỗ có 9 nguyên lý, trở thành một nguyên lý tổng quát dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu.

Đường lên núi Hoa Sơn, nơi trú ẩn của Phong Thanh DươngKhi Lệnh Hồ Xung bị phạt sám hối trên Ngọc Nữ phong, Điền Bá Quang theo sự sai bảo của Bất Giới hòa thượng đến đem Lệnh Hồ Xung về gặp Nghi Lâm và không được sự chấp thuận. Lệnh Hồ Xung đấu kiếm với Điền Bá Quang

Tả Lãnh Thiền

Tả Lãnh Thiền ban đầu được tôn xưng là Minh chủ của liên minh Ngũ Nhạc kiếm phái của năm phái võ trên các dãy núi của Ngũ Nhạc (các thành viên trong Ngũ Nhạc kiếm phái) thường gọi Tả Lãnh Thiền là Tả Minh chủ. Tả Lãnh Thiền là người có khát vọng lớn thâu tóm toàn bộ giang hồ, nhưng dùng những mưu gian kế hiểm để thôn tính từ các môn phái của Ngũ Nhạc kiếm phái đến các môn phái khác nhưng cuối cùng thất bại và bị Lệnh Hồ Xung giết chết. Theo nhà nghiên cứu Trần Mặc, tại các cuộc tranh cãi ở quốc hội Việt Nam Cộng hòa trước kia, các nghị sĩ thường chỉ trích đối phương là Nhạc Bất Quần (ngụy quân tử) hoặc Tả Lãnh Thiền (kẻ có mưu đồ xác lập bá quyền).

Vào thời điểm xảy ra những diễn biến chính của câu chuyện Tiếu ngạo giang hồ, Tả Lãnh Thiền được tôn là Minh chủ của liên minh Ngũ Nhạc kiếm phái tạo nên bởi năm môn phái võ trên các dãy núi thuộc hệ thống Ngũ Nhạc là Đông nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Tả Lãnh Thiền là chưởng môn nhân phái Tung Sơn đóng bản doanh trên đỉnh Thái Thất của Tung Sơn. Tả Lãnh Thiền là người ôm mộng lớn nhất thống giang hồ nhưng âm mưu quá lộ liễu nên lại bị chính đối thủ của ông ta là Nhạc Bất Quần lợi dụng.

Ở đầu tiểu thuyết, Tả Lãnh Thiền đã ngăn cản việc Lưu Chính Phong quy ẩn giang hồ, sử dụng tay chân khống chế và tàn sát toàn bộ gia đình cùng các đệ tử của Lưu Chính Phong khiến cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương bị thương nặng mà chết, vì thế phái Hành Sơn suy tàn mà tan rã. Tả Lãnh Thiền sử dụng những người đại diện trong phái Kiếm tông của Hoa Sơn đã ly khai khỏi Hoa Sơn để đòi lật đổ ghế chưởng môn của Nhạc Bất Quần (là anh em Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu, Bảo Bất Khí) nhưng những người này bị thất bại sau khi giao đấu với Lệnh Hồ Xung và Đào cốc lục tiên. Khi Nhạc Bất Quần cùng phái Hoa Sơn đi lên Tung Sơn chất vấn, Tả Lãnh Thiền đã sử dụng đám tay chân là những nhân vật thuộc những người hắc ám trên giang hồ tấn công định tiêu diệt phái Hoa Sơn nhưng lại bị thất bại dưới tay của Lệnh Hồ Xung nhờ có Độc cô cửu kiếm. Đồng thời, nhân vật Lao Đức Nặc, đệ tử thứ hai của Nhạc Bất Quần chính là gián điệp của Tả Lãnh Thiền cài cắm vào Hoa Sơn. Sau đó, Tả Lãnh Thiền dụ dỗ phái Hằng Sơn sát nhập với Tung Sơn mà bất thành nên sử dụng tay chân giả làm người của Ma giáo tấn công giết chết Định Tĩnh sư thái (sư tỉ của Định Nhàn, chưởng môn phái Hằng Sơn) sau khi thất bại trong việc thuyết phục Định Tĩnh làm "đảo chính" để thay đổi người lãnh đạo ở Hằng Sơn nhằm lái phái này theo ý mình. Và âm mưu của Tả Lãnh Thiền chính thức bị bại lộ khi Định Nhàn sư thái vạch mặt một nhân vật của phái Tung Sơn giả làm người trong Ma giáo. Đối với phái Thái Sơn, Tả Lãnh Thiền đã gây chia rẽ trong nội bộ, lôi kéo bọn tiền bối cũ Ngọc Cơ Tử, Ngọc Khánh Tử là sư thúc của Thiên môn đạo nhân, chưởng môn nhân phái Thái Sơn để những người này cướp ngôi vị của Thiên Môn, sau đó lại sử dụng dị nhân trên giang hồ ám sát Thiên Môn ngay trên Phong Thiền đài. Âm mưu của Tả Lãnh Thiền về phái này cũng bị thất bại sau khi Đào cốc lục tiên gây trọng thương cho Ngọc Khánh Tử và Ngọc Cơ Tử thì bị Nhạc Linh San đánh bại. Theo lời của Nhậm Ngã Hành, Tả Lãnh Thiền là người võ công cao thâm mà mưu kế cũng thâm trầm nhưng chỉ ném đá giấu tay, không đường hoàng ra mặt và là người đứng đầu trong ba người rưỡi mà Nhậm Ngã Hành không phục:

"Võ công các hạ cao thâm mà mưu kế cũng thâm trầm rất hợp với lão phu. Các hạ muốn thâu Ngũ Nhạc kiếm phái để chia ba chân vạc với phái Thiếu Lâm và phái Võ Đang thì chí khí khá lớn đó. Nhưng các hạ chỉ ném đá giấu tay, sắp đặt ngụy kế mà không đường hoàng ra mặt thì không phải đường lối của anh hùng hào kiệt. Thật khiến cho người ta không kính phục."

Thông qua gián điệp Lao Đức Nặc, Tả Lãnh Thiền đoạt được bí kíp Tịch tà kiếm pháp từ phía Nhạc Bất Quần. Không ngờ Nhạc Bất Quần đã cao tay hơn biết trước việc này và đánh tráo bản kiếm phổ giả khiến cho Tả Lãnh Thiền không luyện được chính xác Tịch tà kiếm pháp. Ở đại hội hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái, dù Tả Lãnh Thiền dễ dàng đánh bại Nhạc Linh San, nhưng lại bị chính Nhạc Bất Quần, người mà ông ta vẫn lo ngại nhất, sử dụng Tịch tà kiếm pháp đánh bại bằng cách dùng kim châm đâm mù mắt và buộc phải trao ngôi vị Minh chủ Ngũ Nhạc phái, tên gọi mới của một phái hợp nhất, cho Nhạc Bất Quần. Bao nhiêu công sức của Tả Lãnh Thiền để xếp đặt cuộc lên ngôi này không ngờ bị Nhạc Bất Quần đoạt mất dễ dàng. Tả Lãnh Thiền đã cố gắng để lật lại thế cờ bằng cách lôi kéo Lâm Bình Chi, người vừa bị mù mắt sau khi trả thù Dư Thương Hải và Mộc Cao Phong, rất sợ và căm thù Nhạc Bất Quần về phe mình, bày âm mưu nhốt quần hùng trên hang núi tối để sử dụng bóng đêm giết chết tất cả. Tuy nhiên, cố gắng cuối cùng này đã thất bại vì Nhạc Bất Quần đã không ở đó, đồng thời Lệnh Hồ Xung nhờ biết ám hiệu của đám mù (Lâm Bình Chi, Tả Lãnh Thiền) và sự trợ giúp từ ánh sáng lân quang ở xương người đã sử dụng Độc cô cửu kiếm đâm chết Tả Lãnh Thiền, bắt sống Lâm Bình Chi.

Hướng Vấn Thiên

Hướng Vấn Thiên là Quang Minh tả sứ của Nhật Nguyệt thần giáo, được biết đến là một nhân vật võ công cao cường, lắm mưu nhiều mẹo, kiêu căng mà cực kỳ hào sảng, đồng thời hết mực trung thành với chủ cũ là Nhậm Ngã Hành. Hướng Vấn Thiên là anh em kết nghĩa với nhân vật chính Lệnh Hồ Xung.

Hướng Vấn Thiên lần đầu tiên xuất hiện ở giữa tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ khi Lệnh Hồ Xung từ chối lời mời gia nhập Thiếu Lâm Tự và xuống núi. Lệnh Hồ Xung đã gặp Hướng Vấn Thiên trong hoàn cảnh Hướng Vấn Thiên đang bị một toán người bao vây (bao gồm cả hai bên Ma giáo và Chính giáo). Hướng Vấn Thiên khi đó vừa vượt ngục từ Nhật Nguyệt thần giáo, tay vẫn bị dây xích trói chặt, vẫn bình thản ngồi uống rượu không hề sợ hãi trước cường địch khiến cho Lệnh Hồ Xung khâm phục. Sau đó, Hướng Vẫn Thiên đã trổ tài võ công cao cường chiến đấu với những người đang bao vây mình, và nhờ sự giúp sức của Lệnh Hồ Xung, cả hai đánh bại đám người đó, sau đó cùng Lệnh Hồ Xung tẩu thoát. Hướng Vấn Thiên có kiến thức rộng, nhanh chóng hiểu được kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung là Độc cô cửu kiếm truyền lại từ Phong Thanh Dương, và rất hợp Lệnh Hồ Xung ở cách đối xử tự nhiên, hào sảng. Cả hai đã cùng kết nghĩa anh em cho dù Hướng Vấn Thiên lớn tuổi hơn Lệnh Hồ Xung rất nhiều. Trong quá khứ, Hướng Vấn Thiên là Quang Minh tả sứ của Nhật Nguyệt thần giáo khi Nhậm Ngã Hành còn ở ngôi giáo chủ, và có biệt hiệu là Thiên vương lão tử. Đông Phương Bất Bại đã bắt giam ông khi biết Hướng Vấn Thiên đang nuôi chí cứu chủ cũ. Ở đoạn gần cuối của truyện, khi Lệnh Hồ Xung từ chối lời mời gia nhập Nhật Nguyệt thần giáo của Nhậm Ngã Hành, bị trở thành đối địch với Nhậm Ngã Hành, phải nói lời từ biệt với bạn hữu cũ ở Nhật Nguyệt thần giáo, Hướng Vấn Thiên là người đầu tiên bước ra uống rượu chia tay với Lệnh Hồ Xung cho dù biết Nhậm Ngã Hành rất khó chịu.

Sau khi gặp Lệnh Hồ Xung, Hướng Vấn Thiên đã bộc lộ là một người rất hiểu biết và đầy mưu mẹo. Ban đầu là lợi dụng sự ham mê tài hoa của Giang Nam tứ hữu để mượn tay Lệnh Hồ Xung cứu Nhậm Ngã Hành khỏi bị giam dưới hắc lao Tây Hồ. Trong cuộc đấu trên chùa Thiếu Lâm để cứu Doanh Doanh, Hướng Vấn Thiên bộc lộ khả năng đối đáp khiến cho những nhân vật ti tiện như Dư Thương Hải hay ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần phải lâm vào thế bí và phải xấu hổ. Hướng Vấn Thiên đã lập mưu giúp Nhậm Ngã Hành làm suy yếu lực lượng của tay chân Đông Phương Bất Bại, qua đó cùng với Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh, Lệnh Hồ Xung lên Hắc Mộc Nhai tấn công và giết chết Đông Phương Bất Bại giành lại ngôi vị giáo chủ cho Nhậm Ngã Hành. Cuối cùng, sau khi Nhậm Ngã Hành chết, Doanh Doanh nhường ngôi giáo chủ cho Hướng Vấn Thiên để theo Lệnh Hồ Xung, Hướng Vấn Thiên đã theo lời Doanh Doanh, giữ hòa bình với các chính phái, tạo hòa bình cho giang hồ.

Đông Phương Bất Bại

Đông Phương Bất Bại là một nhân vật đồng tính do luyện môn Quỳ Hoa bảo điển, giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo và là một đối thủ mà giáo chủ tiền nhiệm Nhậm Ngã Hành rất kính phục. Đông Phương Bất Bại có một mối tình đặc biệt với chàng trai Dương Liên Đình, cũng chính là nguyên nhân khiến Đông Phương Bất Bại bị Nhậm Ngã Hành cướp lại ngôi giáo chủ. Đông Phương Bất Bại nổi tiếng với môn võ công Quỳ Hoa bảo điển.

Đông Phương Bất Bại trong quá khứ là phó giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo dưới quyền giáo chủ của Nhậm Ngã Hành. Nhậm Ngã Hành vì mải mê luyện tập Hấp tinh đại pháp nên đã giao toàn bộ công việc của giáo phái cho Đông Phương Bất Bại. Đông Phương Bất Bại đã quán xuyến rất tốt công việc của giáo phái khiến cho Nhậm Ngã Hành đặc biệt tin tưởng, nhờ đó sử dụng mật kế bắt giữ Nhậm Ngã Hành giam tại hắc lao Tây Hồ, giao cho Giang Nam tứ hữu canh giữ và chiếm ngôi giáo chủ từ tay Nhậm Ngã Hành.

Vì Đông Phương Bất Bại luyện Quỳ Hoa bảo điển nên việc đầu tiên là phải "dẫn đao tự cung" (tự thiến bộ phận sinh dục của mình). Do đó, Đông Phương Bất bại dù có võ công tuyệt thế nhưng lại bị trở thành con người ái nam. Đông Phương Bất Bại sống một mình trong tẩm cung (như một hoàng hậu), yêu thương một gã đàn ông đẹp trai lực lưỡng tên là Dương Liên Đình. Vì yêu Dương Liên Đình, Đông Phương Bất Bại đã giao toàn bộ quyền hành giáo phái cho anh ta, và nghe lời anh ta tàn sát đồng môn khiến cho giáo phái bị chia rẽ.

Khi nhóm người Nhậm Ngã Hành, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh cùng Hướng Vấn Thiên tấn công Đông Phương Bất Bại đã bắt được Dương Liên Đình và sử dụng anh ta để khống chế Đông Phương Bất Bại, vì trên thực tế cả bốn người cộng lại đều không bằng Đông Phương Bất Bại. Nhờ đó, Nhậm Ngã Hành đã đánh Đông Phương Bất Bại trọng thương. Trước khi chết, Đông Phương Bất Bại đã hạ mình cầu xinh Nhậm Ngã Hành tha mạng và chăm sóc cho Dương Liên Đình. Bị Nhậm Ngã Hành từ chối và giết chết Dương Liên Đình, Đông Phương Bất Bại đã nổi giận dùng kim châm đâm mù mắt phải Nhậm Ngã Hành trước khi bị Nhậm Ngã Hành giết chết.

Ninh Trung Tắc

Là sư muội của Nhạc Bất Quần, sau này cùng nhau kết phu phụ. Bà đã nhận nuôi Lệnh Hồ Xung từ khi chàng còn là một đứa bé mồ côi cha mẹ va hết mực yêu thương chàng. Ninh Trung Tắc tính tình ôn hòa, nhân từ nhưng kiếm pháp lại thuộc hàng cao thủ của phái Hoa Sơn. Khi biết Lệnh Hồ Xung bị bệnh nặng, bà đã rất lo lắng cho chàng. Bà là một nữ hiệp trên giang hồ được người người kính trọng, ngay đến cả giáo chủ Nhật Nguyệt Thần giáo là Nhậm Ngã Hành cũng coi trọng bà. Nhưng có thể nói đời bà vô cùng bất hạnh vì đã không nhận ra dã tâm và tính tình ngụy quân tử của Nhạc Bất Quần. Sau khi Lệnh Hồ Xung bị nghi oan là đã gia nhập ma giáo và ăn trộm Tịch tà kiếm phổ, bà đã rất đau buồn nhưng vẫn cố cứu mạng chàng khi chàng bị Nhạc Bất Quần toan dùng chưởng đánh chết ở Phước oai tiêu cục, tỉnh Phúc Kiến. Về sau, khi đã hiểu rõ bản chất ngụy quân tử của Nhạc Bất Quần, bà đã quá đau buồn mà tự sát. Tóm lại, có thể nói Ninh Trung Tắc là một trong những nữ hiệp đệ nhất của giang hồ nói chung và phái Hoa Sơn nói riêng, tính tình bà khẳng khái, nhưng lại nhân từ hiền hậu nên được Lệnh Hồ Xung và các đồng đạo trong võ lâm kính trọng.

Mạc Đại tiên sinh

Tên gọi đầy đủ của nhân vật này không ai rõ, chỉ biết đến họ là Mạc Đại và được mọi người gọi là Mạc Đại tiên sinh. Ông là chưởng môn nhân phái Hành Sơn, là người đặc biệt giỏi âm nhạc và kiếm pháp. Ông chơi đàn hồ cầm, và sử dụng một cây liễu kiếm mỏng giấu trong đàn. Ông nổi tiếng với bản "Tiêu Tương dạ vũ" (Đêm mưa trên bến Tiêu Tương) đầy bi ai, và luôn xuất hiện với bộ dạng một người ăn mày gầy gò đau khổ. Mạc Đại tiên sinh lần đầu tiên xuất hiện trong phần đầu của Tiếu ngạo giang hồ khi Lâm Bình Chi trên đường tìm cha mẹ ngồi ở quán rượu trong thành Hành Dương nghe mọi người bàn tán về việc Lưu Chính Phong ngày mai quy ẩn giang hồ. Đám đông trong quán trọ bàn tán về mối bất hòa giữa Lưu Chính Phong, sư đệ của Mạc Đại và Mạc Đại tiên sinh. Người ta đồn rằng Mạc Đại ghen tức với sư đệ mình là Lưu Chính Phong-tác giả của bản Tiếu ngạo giang hồ vì tài nghệ kiếm thuật kém hơn sư đệ mình. Lưu Chính Phong nổi danh với 36 đường Hồi phong lạc nhạn kiếm, một kiếm rút ra lia đứt đầu 3 con nhạn lớn. Đúng lúc đó, một ông lão ăn mày gầy gò xuất hiện, tay cầm chiếc hồ cầm đi qua chửi những kẻ bàn tán là nói càn, chỉ thoáng thấy tay lia chiếc dao cầm rồi đi khuất. Khi ông ta đi khỏi, trên bàn lăn lóc 7 chiếc chén trà bị kiếm chém đứt. Qua tiếng đàn thấp thoáng để lại, người ta nhận ra đó chính là Mạc Đại tiên sinh với khúc Tiêu tương dạ vũ bi thương, với danh hiệu "Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh" có nghĩa là Trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn. Điều này chứng tỏ những lời đồn về việc ông ghen tị với sư đệ của mình do kém về kiếm thuật là hoàn toàn bịa đặt.

Khi gia đình Lưu Chính Phong bị phái Tung Sơn dẫn đầu là Đại tung thủ Phí Bân tàn sát để ép Lưu Chính Phong giết hại bạn mình là Khúc Dương, ông ta vẫn bặt tăm tích không xuất hiện, và Lưu Chính Phong đã nhầm tưởng sư huynh mình là người đứng sau gây ra vụ này. Chỉ đến khi Phí Bân đuổi theo Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương đến núi Hành Sơn, đang chuẩn bị ra tay giết hại nốt những người không còn khả năng chống cự (trong đó có cả Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm và Yên Phi, cháu gái của Khúc Dương), thì Mạc Đại đột nhiên xuất hiện, giết chết Phí Bân cứu mọi người, sau đó lại ra đi với tiếng đàn ai oán. Cuối cùng, Lưu Chính Phong đã nhận ra sự bất hòa của hai anh em chính là sự bất đồng quan điểm về âm nhạc. Sau lần xuất hiện đầu tiên đó, Mạc Đại mất tích để lại một phái Hành Sơn lộn xộn. Lần thứ hai ông ta xuất hiện lại là một đêm trên sông Hán Thủy, khi Lệnh Hồ Xung đang cùng các ni cô phái Hằng Sơn ngược dòng Hán Thủy lên Tung Sơn. Khi Lệnh Hồ Xung đêm lên quán rượu say một mình, chàng lại gặp một ông lão ăn mày đang ngồi uống rượu và nhận ra đó là Mạc Đại. Thực ra, Mạc Đại vẫn đêm đêm lén lên thuyền theo dõi Lệnh Hồ Xung xem chàng có nảy tà dâm với các ni cô xinh đẹp phái Hằng Sơn hay không. Khi nhận ra con người đích thực của Lệnh Hồ, ông ta đã rất khâm phục chàng, đồng thời kể cho chàng nghe về việc Nhậm Doanh Doanh vì chàng mà hi sinh thân mình trên Thiếu Lâm tự, lại ra sức ủng hộ mối tình của hai người. Được sự khích lệ của ông, chàng quyết chí lên Tung Sơn cứu Doanh Doanh, còn ông ta theo đoàn thuyền bảo vệ các ni cô Hằng Sơn. Cũng qua lần gặp gỡ này, Lệnh Hồ Xung đã nhận ra con người của Mạc Đại: một người có nhiều tâm sự u uất trong lòng, nhưng lại có một tấm lòng hào hiệp, rất hào sảng, không câu nệ, không lễ tiết. Khi uống rượu, ông cao hứng gọi Lệnh Hồ Xung là bạn mình, và cũng khẳng khái vạch trần âm mưu của Tả Lãnh Thiền. Lần xuất hiện tiếp theo của Mạc Đại là đại hội hợp nhất của Ngũ nhạc kiếm phái theo âm mưu của Tả Lãnh Thiền. Tại đây, Mạc Đại đã bộc lộ tài sử dụng kiếm của mình, đánh bại Nhạc Linh San (trước đó, cô đã dùng bí kíp thất truyền đánh bại hầu hết các cao thủ của Ngũ Nhạc) nhưng lại nhường cô chiến thắng, để Nhạc Linh San dùng đá cố tình gây bị thương. Ông đã khẳng khái nhận thua.

Là một cao thủ kiếm thuật, Mạc Đại tiên sinh đã không tránh khỏi kết cục của việc ham mê tìm kiếm các bí kíp thất truyền. Dù không ham mê tranh đoạt Tịch tà kiếm phổ như Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền, nhưng ông vẫn bị mắc lừa Nhạc Bất Quần, lên hậu động Hoa Sơn xem đồ hình các bí kíp môn phái mình (từng bị thất truyền) khắc trên động. Ông cùng đám đông trong động đã rơi vào bẫy của Tả Lãnh Thiền, bịt kín động, lợi dụng bóng đêm để sát hại tất cả. Chỉ có vợ chồng Lệnh Hồ Xung nhờ biết nhanh trí nên thoát chết và đánh bại Tả Lãnh Thiền nhờ ánh sáng của lân quang trên khúc xương người. Khi thoát nạn, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đã tìm thấy xác của Mạc Đại bị chết cùng đám người hỗn loạn, một kết cục rất bi thảm cho một nhân vật đặc biệt như Mạc Đại. Trong phiên bản cũ trước khi sửa đổi, Kim Dung lại để cho Mạc Đại không chết mà còn chúc mừng đôi vợ chồng Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh qua tiếng hồ cầm đầy bí ẩn.

Độc Cô cầu bại

Độc Cô cầu bại là một trong những nhân vật có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Độc cô cầu bại được đề cập đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Độc cô cầu bại chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết mà chỉ để lại những triết lí đặc sắc về kiếm thuật. Tên của Độc cô cầu bại có nghĩa là Cô độc một mình mong được bại trận, biểu thị khả năng kiếm thuật thần thông của nhân vật này. Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc cô cầu bại là Dương Quá (trong Thần điêu hiệp lữ), Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ).

Giang Nam tứ hữu

Là một nhóm gồm bốn nhân vật kết nghĩa anh em của Nhật Nguyệt thần giáo sống ở Cô Sơn Mai trang bên cạnh Tây Hồ ở thành Tô Châu, gồm có Hoàng Chung Công, Đan Thanh tiên sinh, Ngốc Bút Ông và Hắc Bạch Tử, đều là những người tài hoa, mê cầm kỳ thi họa, có võ công trác tuyệt, có nhiệm vụ canh giữ Nhậm Ngã Hành đang bị nhốt dưới hắc lao. Theo Huỳnh Ngọc Chiến, kết cục số phận của Giang Nam tứ hữu được coi là "thảm kịch của tài hoa".

Hướng Vấn Thiên vì muốn cứu chủ nên đã sử dụng kiếm pháp Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung để đấu với họ, và lợi dụng sự si mê cầm kỳ thi họa đến quá mức của bốn người để nhân cơ hội cứu chủ. Hướng Vấn Thiên đã đem "nước cờ tiên của Ly Sơn Tiên mỗ" cùng 80 danh cục về cờ vây của thần tiên ra dụ Hắc Bạch Tử, bức tranh "Bắc Tống Phạm Trung Lập khê sơn hành lữ đồ" của Phạm Khoan ra dụ Đan Thanh tiên sinh, bản thư pháp của Trương Húc ra dụ Ngốc Bút Ông và bản Tiếu ngạo giang hồ ra tặng Hoàng Chung Công, giao hẹn nếu ai đó đánh bại kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung thì sẽ tặng cho Giang Nam tứ hữu bốn báu vật đó.

Cả bốn người (cùng hai gia nhân khác của Cô Sơn Mai Trang là Đinh Kiên và Thi Lệnh Oai) đều bị Lệnh Hồ Xung sử dụng Độc cô cửu kiếm đánh bại. Vì quá khao khát những đồ đó, họ đã đem Nhậm Ngã Hành đang bị giam trong hắc lao ra đấu với Lệnh Hồ Xung để tìm chiến thắng. Không ngờ Nhậm Ngã Hành đã sử dụng nội lực thâm hậu làm cho cả bọn ngất đi, đem đánh tráo mình với Lệnh Hồ Xung và sau đó tẩu thoát. Khi Nhậm Ngã Hành quay lại trong chiến dịch chiếm lại Nhật Nguyệt thần giáo, Hắc Bạch Tử thì bị tàn phế vì bị Lệnh Hồ Xung dùng Hấp tinh đại pháp hút mất nội lực thành tàn phế, Ngốc Bút Ông cùng Đan Thanh tiên sinh đành uống "Tam thi não thần đan" để theo phục vụ Nhậm Ngã Hành, Hoàng Chung Công tự sát sau khi than thở:

"Hỡi ơi, mê say vật đẹp đến nỗi đánh mất cả tâm chí, đều do lỗi của bọn thuộc hạ đắm chìm nơi Cầm Kỳ Thư Họa, để cho người ta nhìn vào điểm yếu".


Hoàng Chung Công - Là đại ca của Giang Nam tứ hữu. Vào thời điểm Hoàng Chung Công gặp Lệnh Hồ Xung, ông ta chừng 60-70 tuổi, hình dáng gày gò, quắc thước. Hoàng Chung Công mê chơi đàn cầm và có nội công thâm hậu. Hoàng Chung Công sử dụng tiếng đàn để tấn công địch thủ bằng cách đưa nội công thâm hậu bằng tiếng đàn với tuyệt kỹ "Thất huyền vô hình kiếm". Hoàng Chung Công bị thất bại dưới tay Lệnh Hồ Xung vì anh chàng này không còn nội lực để cảm ứng với tiếng đàn.

Hắc Bạch Tử - Là người thứ hai trong Cô Sơn Mai trang, là người mê đánh cờ vây. Võ công của Hắc Bạch Tử cũng dựa trên các nước cờ với binh khí là một bàn cờ đúc bằng thép, có pha đá nam châm để hút các binh khí bằng sắt. Hắc bạch Tử có công phu "Huyền thiên chỉ" có khả năng làm đông nước bằng nội lực. Hắc Bạch Tử ngoài ra còn khao khát được Nhậm Ngã Hành truyền thụ võ công Hấp tinh đại pháp nên cuối cùng đã bị Lệnh Hồ Xung hút mất toàn bộ nội lực và trở thành người tàn phế.

Đan Thanh tiên sinh - là người anh em thứ tư trong Giang Nam tứ hữu, mê vẽ tranh, kiếm pháp và đặc biệt thích uống rượu do đó rất hợp tính cách của Lệnh Hồ Xung.

Ngốc Bút Ông - là em thứ ba trong bốn anh em kết nghĩa, mê viết thư pháp, sử dụng vũ khí là cây bút phán quan dài một thước sáu tấc đúc bằng thép nguyên chất, ở đầu bút có buộc một túm lông cừu có bôi một loại mực bằng mười mấy chất dược liệu đặc biệt, đã quệt vào người là vĩnh viễn rửa không sạch mài không đi vì vết mực ăn sâu vào da. Các chiêu số võ công của Ngốc Bút Ông cũng bay bướm theo kiểu thư pháp và một trong những bút pháp nổi tiếng của Ngốc Bút Ông là "Bùi tướng quân thi".

Điền Bá Quang

Vì khinh công cực giỏi nên được gọi là Vạn lý Độc hành (vì ít người theo kịp). Điền Bá Quang ban đầu là một tên dâm tặc, chuyên đi hãm hiếp phụ nữ, giết người cướp của, không việc gì không làm, y lại cực giỏi sử dụng khoái đao, vì thế có tên gọi đầy đủ là Thái hoa dâm tặc Giang dương đại đạo Khoái đao.

Bi kịch của Tiếu ngạo giang hồ một phần do Điền Bá Quang góp phần tạo ra khi y có ý định hãm hiếp ni cô Nghi Lâm nhưng bị Lệnh Hồ Xung xả thân cứu. Y đánh bại Lệnh Hồ Xung, nhưng cũng qua đó cả hai nhận ra nhau là những người rất có hào khí, Điền Bá Quang rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và sau đó tìm cách kết bạn với Lệnh Hồ Xung.

Điền Bá Quang bị Bất Giới hòa thượng bắt lên núi tìm Lệnh Hồ Xung mang về cho Nghi Lâm, qua đó tạo ra việc Phong Thanh Dương dạy Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung, đồng thời bộc lộ là con người sống rất tín nghĩa. Sau đó Điền Bá Quang đã từ bỏ tính xấu hoàn lương, bị Bất Giới ép đi tu (do y đánh cuộc với Lệnh Hồ Xung thua, bị buộc phải nhận Nghi Lâm làm sư phụ). Bất Giới đặt cho Điền Bá Quang pháp danh là Bất Khả Bất Giới, trở thành một hòa thượng theo phái Hằng Sơn.

Bất Giới hòa thượng - Là cha của ni cô Nghi Lâm, ban đầu là một đồ tể (người thịt lợn).Bất Giới hòa thượng tuy là người cửa Phật nhưng tính tình thẳng thắng ko thích bị lệ thuộc và ràng buộc bởi giáo điều. Lý do ông xuất gia làm hòa thượng là vì ngày trước ông có yêu một ni cô, nên để cưới nicô này làm vợ ông đã xuống tóc tu hành.Có thể nói Bất Giới là một người si tình.Mối tình giữa hai vợ chồng Bất Giới là mối tình đặc biệt nhất và cũng nhân bản nhất trong các tác phẩm Kim Dung. Khi ông cầu hôn, ni cô đã từ chối vì nàng là người xuất gia, nếu lấy chồng Bồ Tát sẽ trừng phạt. Ông liền xuất gia làm hòa thượng để lấy nàng (vì ông cho rằng nếu ông làm hòa thượng, Bồ Tát sẽ phạt cả ông, ông không nỡ để Bồ Tát trừng phạt một mình vợ).

Hai người sinh ra Nghi Lâm, do ông trêu đùa với Ninh Trung Tắc, vợ ông đã nổi cơn ghen, bỏ đi biệt tăm, giả dạng làm người câm điếc quét chùa trên núi cao Hằng Sơn. Bất Giới gửi con ở Hằng Sơn, lang thang khắp nơi tìm vợ mà không thành. Bất Giới võ công cao cường và cũng rất yêu thương con gái. Cuối cùng, bà vợ đã xuất hiện, cả hai được đoàn tụ nhờ sự mách bảo của Lệnh Hồ Xung.

Lao Đức Nặc - Là đệ tử thứ hai của Nhạc Bất Quần, thực chất là gián điệp của Tả Lãnh Thiền cài vào Hoa Sơn để theo dõi. Lao Đức Nặc đã ăn trộm Tử Hà bí lục, giết chết Lục Đại Hữu... cuối cùng bị Nhậm Doanh Doanh bắt xích với 2 con khỉ.

Lục Hầu Nhi - là đệ tử thứ sáu của Nhạc Bất Quần, rất kính trọng Lệnh Hồ Xung và luôn chăm sóc cho chàng. Lục Đại Hữu từng đem bí kíp Tử Hà thần công cho Lệnh Hồ Xung luyện và sau đó bị Lao Đức Nặc sát hại.

Phong Bất Bình - là một đại biểu của phái kiếm tông Hoa Sơn, cùng vai vế với Nhạc Bất Quần. Y từng nhờ Tả Lãnh Thiền can thiệp để giành lại ngôi vị chưởng môn. Phong Bất Bình nổi tiếng với Cuồng phong khoái kiếm, nhưng đều bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại (cùng với các sư đệ khác của y là Thành Bất Ưu, Bảo Bất Khí...).

Định Nhàn sư thái - Chưởng môn nhân phái Hằng Sơn. Trong ba người đứng đầu phái Hằng Sơn thì Định Nhàn đứng hàng thứ hai (sau Định Tĩnh). Bà là người hiền hòa, võ nghệ cao cường. Chính bà là người nhận ra con người thật tốt đẹp của Lệnh Hồ Xung và nhận ra âm mưu của Tả Lãnh Thiền. Bà cùng với Định Dật bị Nhạc Bất Quần sử dụng kim châm bắn chết tại Thiếu Lâm tự. Trước khi chết, bà đã nhường ngôi vị chưởng môn phái Hằng Sơn cho Lệnh Hồ Xung.

Định Dật sư thái - Là người đứng thứ ba ở phái Hằng Sơn. Định Dật tính tình nóng nảy, ngay thẳng nhưng cũng rất nhân hậu. Bà là sư phụ của Nghi Lâm, ngay từ đầu đã lên án phản đối phái Tung Sơn ép buộc Lưu Chính Phong, không tán thành phái này tàn sát gia đình Lưu Chính Phong. Khi cùng với Định Nhàn sư thái lên Thiếu Lâm tự khẩn cầu phái Thiếu Lâm thả Nhậm Doanh Doanh, bà cùng với Định Nhàn đã bị Nhạc Bất Quần sát hại.

Định Tĩnh sư thái - Là chị cả trong ba người đứng đầu phái Hằng Sơn, chỉ xuất hiện một lần ở Tây Hà lĩnh, khi dẫn đệ tử phái Hằng Sơn đến Phúc Kiến. Bà đã phản đối âm mưu của phái Tung Sơn, không theo lời phái Tung Sơn dụ dỗ nhằm hợp nhất (dù phái Tung Sơn từng dụ dỗ sẽ đưa bà lên làm chưởng môn). Định Tĩnh tính tình hiền hòa, đã từng khẩn cầu sư phụ mình đưa sư muội của mình là Định Nhàn làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Định Tĩnh bị tay chân của Tả Lãnh Thiền sát hại.

Thiên Môn đạo nhân - Là chưởng môn phái Thái Sơn, xuất hiện không nhiều. Tại đại hội võ lâm ở Tung Sơn, Thiên môn đạo nhân đã bị sát hại (do chính âm mưu của Tả Lãnh Thiền), và dẫn đến việc phái Thái Sơn tan rã.

Các nhân vật khác: Ngọc Cơ Tử, Ngọc Khánh Tử... thuộc phái Thái Sơn.

Khúc Dương - Là một trưởng lão trong Nhật Nguyệt thần giáo, một cao thủ đánh thất huyền cầm, kết bạn tri giao với Lưu Chính Phong qua âm nhạc, và cùng Lưu Chính Phong sáng tác khúc Tiếu ngạo giang hồ. Khúc Dương từng cứu Lệnh Hồ Xung. Khúc Dương cùng với Lưu Chính Phong bị phái Tung Sơn sát hại, trước khi chết đã cùng tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.

Bình Nhất Chỉ - Là một thần y trong tiểu thuyết. Ông có biệt danh Sát nhân danh y, do cứu một người thì phải giết một người khác thế mạng. Bất kỳ ai được ông cứu đều phải lập lời thề, sau khi được ông cứu phải đi giết một người mà ông chỉ định. Được Nhậm Doanh Doanh yêu cầu, Bình Nhất Chỉ đã hết sức cứu mạng Lệnh Hồ Xung nhưng không thành, cũng qua đó rất khâm phục hào khí của Lệnh Hồ Xung. Cuối cùng, do thấy mình không cứu được chàng, ông đã tự vẫn (Bình Nhất Chỉ cho rằng không cứu được người phải tự giết mình). Bình Nhất Chỉ còn có một đặc điểm rất thú vị là rất sợ vợ.

Lam Phượng Hoàng - Là một cô gái dân tộc Miêu ở tỉnh Quý Châu, đứng đầu Ngũ độc giáo, chuyên đi đánh độc. Cô rất khâm phục lòng dũng cảm và hào khí của Lệnh Hồ Xung, đã từng dùng đỉa truyền máu cho chàng khi anh chàng này bị kiệt sức vì cạn máu (Lệnh Hồ Xung dùng máu của mình cứu con gái của Lão Đầu Tử), và kết nghĩa huynh muội với Lệnh Hồ Xung.

Các nhân vật khác: Hoàng Hà Lão Tổ, Dạ miêu tử Kế Vô Thi, Bạch phát đồng từ Nhậm Vô Cương... trong phái Ma giáo

Phương Chấn đại sư

Là chưởng môn phái Thiếu Lâm, trụ trì Thiếu Lâm tự. Phương Chấn là một hòa thượng nhân từ, luyện Dịch cân kinh, Thiên thủ Như Lai chưởng đến độ xuất thần nhập hóa. Ông nhanh chóng nhận ra con người thật của chàng trai Lệnh Hồ Xung, và bộ mặt thật đầy gian trá của Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần...

Khi Lệnh Hồ Xung được Doanh Doanh cõng lên chùa Thiếu Lâm trong tình trạng suy kiệt sắp chết, và biết Nhạc Bất Quần đã đuổi chàng ra khỏi sư môn, ông đã nhận lời truyền thụ Dịch cân kinh cho chàng với điều kiện chàng chịu gia nhập phái Thiếu Lâm, nhưng Lệnh Hồ Xung không đồng ý. Khi Lệnh Hồ Xung lên chức vụ chưởng môn phái Hằng Sơn, ông đã cùng Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang hết lòng ủng hộ, mong chàng, đề nghị Lệnh Hồ Xung đoạt chức chưởng môn phái Ngũ Nhạc phái, để tránh cho chức này rơi vào tay những kẻ như Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền. Khi Nhậm Ngã Hành công khai đòi tiêu diệt Hằng Sơn, ông đã không ngần ngại đem Dịch cân kinh truyền thụ cho chàng, tôn chàng làm minh chủ để chống lại cuộc chiến này.

Phương Sinh đại sư - Là sư đệ của Phương Chấn, từng bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại, vì thế nhận ra chàng là truyền nhân đích thực của Phong Thanh Dương (ông từng được Phong Thanh Dương cứu giúp và rất kính trọng Phong Thanh Dương) vì thế hết lòng kính trọng Lệnh Hồ Xung, mong chàng gia nhập phái này. Phương Sinh tính tình cũng nhân hậu và rất ủng hộ Lệnh Hồ Xung.

Xung Hư đạo trưởng - Là một đạo sĩ đắc đạo, luyện Thái cực quyền, Thái cực kiếm đến độ xuất thần nhập hóa. Ông đã lặng lẽ theo dõi hành vi của chàng trai Lệnh Hồ Xung, và biết chàng thực sự là một đại trượng phu. Khi Lệnh Hồ Xung dẫn quần hùng lên Thiếu Lâm tự cứu Nhậm Doanh Doanh, ông đã đóng giả một nông phu bình thường đấu kiếm với chàng. Lệnh Hồ Xung đã suýt bị bại trận dưới tay Xung Hư, buộc phải liều mạng để đánh vào chỗ sơ hở của Thái cực kiếm và dành chiến thắng. Xung Hư rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và rất ủng hộ chàng. Trong cuộc đấu ở Thiếu Lâm tự, Xung Hư đã nhận thua Lệnh Hồ Xung và khiến Nhậm Ngã Hành từ khâm phục một nửa con người tăng thành 3/4. Xung Hư đạo trưởng kết bạn thân với Phương Chứng và được coi là một trong những cao thủ số một lúc đó.

Dư Thương Hải - Còn được gọi là Dư quán chủ (Dư Thương Hải tu đạo trên đạo quán Tùng Phong, núi Thanh Thành), có nhiều vợ, tì thiếp và có một con trai. Dư Thương Hải đã âm thầm tìm cách chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ, sai con trai đến Phúc Châu và vô tình bị Lâm Bình Chi giết. Y đã mượn cớ đó tàn sát toàn bộ Phước Oai tiêu cục, bắt vợ chồng Lâm Chấn Nam tra khảo để tìm ra Tịch tà kiếm pháp. Dư Thương Hải bản tính nhỏ nhen, thâm hiểm và đồi bại nên dù được coi là chính phái nhưng vẫn bị nhiều người khinh thường. Dư Thương Hải cuối cùng bị Lâm Bình Chi đánh bại một cách nhục nhã bằng chính Tịch Tà kiếm pháp, bị giết chết trong nỗi sợ hãi cùng với Mộc Cao Phong.

Thanh Thành Tứ tú - Là bốn đại đệ tử của Dư Thương Hải, là Hầu Nhân Anh, Hầu Nhân Hùng, Vu Nhân Hào, La Nhân Kiệt, gọi tên thành Anh Hùng Hào Kiệt Thanh Thành tứ tú, đã từng dẫn đầu nhóm người tàn sát Phước Oai tiêu cục. Lệnh Hồ Xung thường châm biếm bọn họ là Cẩu Hùng Dã Trư Thanh Thành Tứ thú. La Nhân Kiệt bị Lệnh Hồ Xung giết chết ở thành Hành Dương, còn ba người còn lại đều bị Lâm Bình Chi dùng Tịch tà kiếm pháp giết chết.

Trường Thanh Tử, sư phụ của Dư Thương Hải, mệnh danh là đệ nhất kiếm thuật đương thời nhưng lại bị bại về tay Lâm Viễn Đồ

Đào Cốc Lục Tiên - Là sáu anh em họ Đào, những nhân vật luôn gây ra sự hoạt kê và rắc rối do sự thích tranh luận. Sáu anh em gồm Đào Cán Tiên, Đào Căn Tiên, Đào Chi Tiên, Đào Diệp Tiên, Đào Hoa Tiên, Đào Thực Tiên (Rễ, Gốc, Thân, Lá, Hoa, Quả). Để cứu Lệnh Hồ Xung bị thương, sáu người đã cãi nhau, làm lung tung, truyền sáu luồng chân khí vào người, gây xung đột làm Lệnh Hồ Xung mất hết sức lực, bị thương suýt chết, và do đó sáu người bị Bình Nhất Chỉ buộc phải phục vụ Lệnh Hồ Xung.

Đào Cốc Lục tiên có một đòn sát thủ, chuyên nắm tay chân đối phương, và sáu người dùng sức xé tan nát đối phương. Thực chất, Đào Cốc lục tiên tâm địa lương thiện, trong sáng, chỉ thích tranh luận và luôn tạo ra những tiếng cười hoạt kê. Ở cuối chuyện, Phong Thanh Dương đã bắt cả sáu người, buộc họ truyền tin tới phái Thiếu Lâm, Võ Đang tin Nhậm Ngã Hành sắp tiêu diệt Hằng Sơn.

Lâm Chấn Nam - Là cha của Lâm Bình Chi, tổng tiêu đầu Phước Oai tiêu cục, là con của Lâm Viễn Đồ. Vợ chồng Lâm Chấn Nam không được luyện Tịch tà kiếm pháp, bị Dư Thương Hải bắt giữ sau khi giết hại toàn bộ Phước Oai tiêu cục và bị hành hạ cho đến chết. Lúc gần chết, cả hai được Lệnh Hồ Xung cứu giúp, và di ngôn cho con không được luyện Tịch tà kiếm pháp.

Mộc Cao Phong - Là một người gù, biệt danh là Tái Bắc Minh đà, tâm địa bất lương, có ý chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ nên đã ép Lâm Bình Chi làm đồ đệ của mình, đồng thời hành hạ ép vợ chồng Lâm Chấn Nam giao Tịch tà kiếm phổ. Ở đoạn cuối, Mộc Cao Phong bị Lâm Bình Chi dùng Tịch tà kiếm pháp giết chết, chiếc bướu trên lưng hắn có chất độc khi bị chém đứt vỡ ra làm mù mắt Lâm Bình Chi.

Ngoài ra, tại núi Hành Sơn, Khúc Phi Yến có nhắc tới một nhân vật truyền thuết nữa là Kính Nguyệt thần ni ở đảo Tử Trúc ngoài Đông Hải, với công phu Nhất Chỉ Thiền được coi là thế ngoại cao nhân thiên hạ vô địch.

----------------------------

Bài liên quan:

No comments:

Post a Comment