Thursday, October 17, 2013

Vấn đề pháp luật trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Trước khi cầm bút làm báo, Kim Dung đã từng tốt nghiệp Đông Ngô pháp học viện Thượng Hải. Văn bằng của ông là cử nhân luật khoa (pháp học) và việc gắn liên yếu tố pháp luật vào trong tác phẩm văn chương kiếm hiệp, đối với ông gần như là vấn đề tất yếu.

Một cách khái quát, Kim Dung thường đặt những tác phẩm của mình vào trong bối cảnh của các triều đại phong kiến Trung Quốc: Thiên Long bát bộ (thời Tống), Xạ điêu anh hùng truyện (Tống-Kim), Thần điêu hiệp lữ (Tống-Nguyên), Ỷ thiên Đồ long ký (Nguyên), Lộc Đỉnh ký (Thanh)… Những bối cảnh lịch sử đó có trước thời đại ông sống ít nhất 300 năm cho nên những vấn đề pháp luật được phản ánh trong tác phẩm đương nhiên là những vấn đề pháp luật của xã hội phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, thông qua cái vang bóng xa xăm đó, ta lại tìm thấy những khát vọng rất hiện đại.

Với trí tưởng tượng được hư cấu tuyệt vời, Kim Dung đã xây dựng trong những tác phẩm của mình một loại người đặc biệt: bọn hào sĩ giang hồ, đứng trên và đứng ngoài hệ thống pháp luật phong kiến. Trong Tiếu ngạo giang hồ, nhân vật Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm để nhận một chức quan nhỏ của nhà Tống, bị bọn quần hào chê cười. Đối với bọn này, không có vương pháp mà cũng chẳng có vương quyền, bởi một điều đơn giản là hộ không tin vào hệ thống luật pháp của nhà nước phong kiến. Điền Bá Quang lấy được hai hũ rượu Thiệu Hưng nữ nhi hồng trong hầm rượu Tuý tiên lâu đã phóng cước đá bể hết mấy trăm hũ rượu còn lại cho vua quan và bọn nhà giàu không còn rượu ngon mà uống; Lệnh Hồ Xung bắt viên tham tướng Ngô Thiên Đức, đoạt lấy công văn bổ dụng, cây đạo, con ngựa và mấy chục lạng vàng để đi cứu nạn phái Hằng Sơn, đều nằm trong suy nghĩ ấy.

Tham quan, ô lại vốn là kẻ thù của bọn hào sĩ giang hồ. Chính vì vậy, tiểu anh hùng Hồ Phỉ (Phi hồ ngoại truyện) đi đến nơi đâu nghe có tham quan ô lại, cường hào ác bá ức hiệp dân lành là ra tay hành hiệp, tế khổn phò nguy. Kiều Phong làm đến Nam viện đại vương nước Liêu vẫn chống lệnh hành quân của Liêu đế bỏ chức ra đị (Thiên Long bát bộ). Quần hùng Minh giáo và sáu đại môn phái (Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang, Không Động, Hoa Sơn, Côn Lôn) sẵn sàng theo lời hiệu triệu của Trương Vô Kỵ nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyên, đốt chùa Vạn Pháp (Ỷ thiên Đồ long ký)…

Thế nhưng, nếu bọn hào sĩ giang hồ coi thường luật pháp, vương quyền của nhà nước phong kiến thì họ lại tỏ ra rất tôn trọng luật pháp riêng của môn phái, bang hội mà họ là thành viên. Mỗi môn phái, bang hội như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Cái bang, Côn Lôn, Không Động, Tiêu Dao, Bồng Lai… đều lập ra một hệ thống luật pháp thực chứng riêng mà họ thường gọi là thanh quy giới luật. Kèm theo thanh quy giới luật này, mỗi môn phái, bang hội còn lập riêng ra một cơ quan chấp pháp, được gọi với các tên giới luật đường, giới luật viên, hình đường. Với phái Thiếu Lâm, nhà sư đứng đầu cơ quan này gọi là thủ toà giới luật viên; với Cái bang, nhân vật đứng đầu là chấp pháp trưởng lão… Các cơ quan chấp pháp này làm luôn chức năng của lập pháp, hành pháp, tư pháp (kể cả công việc thi hành án).

Kim Dung cho những nhân vật của mình thi hành án một cách gọn nhẹ, nhanh chóng. Trong Thiên Long bát bộ, bọn đệ tử Cái bang phạm tội khi sư diệt tổ thì phải tự vận, nếu không đủ can đảm tự vận, phải nhờ người anh em trong bang giết mình thì bảo toàn được thanh danh. Trong trường hợp họ bị chấp pháp trưởng lão kêu án xử chết hoặc đuổi ira khỏi bang thì nỗi nhục vẫn còn mãi… Cũng trong truyện này, phái Thiếu Lâm thi hành án với các nhà sư phạm giới rất quyết liệt: Hu Trúc học võ công phái khác bị phạt 100 côn, Huyền Từ phương trượng phạm dâm giới bị phạt 200 côn…

Đối với các môn phái tà đạo, còn có một hình thức thi hành án riêng, rất bá đạo: cho uống thuốc độc để kềm chế bọn đệ tử, ai phản lại sẽ không cho thuốc giải độc. Bọn Thần long giáo phaả uống Độc long dịch cân hoàn (Lộc Đỉnh ký); bọn Triêu dương thần giáo phải uống Tam thi não thần đan (Tiếu ngạo giang hồ)… Chính vì dùng độc duợc kềm chế con người nên những mệnh lệnh của bọn tà giáo ban ra đều được thi hành triệt để: một đám hào sĩ lỡ nhìn thấy thánh cô Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung ở chung với nhau một chỗ, nghe một câu nói của Doanh Doanh, đã tự đâm mù mắt và chạy ra hải đảo sinh sống, không dám trở về đất liền.

Kim Dung sinh năm 1924 tại Hải Ninh, Triết Giang. Ông nội của ông từng làm tri phủ Đơn Dương, là một người liêm chính, nổi tiếng với lời xưng tụng của người đương thời “Đơn Dương giáo án”. Lớn lên trong cảnh tao loạn của xã hội Trung Quốc, nhìn thấy những đau thương, những hàm oan của đồng bào mình; ông đã đau niềm đau của Lỗ Tần trong AQ chính truyện. Lỗ Tấn đã để cho AQ. chết một cách hồ đồ để xoá đi cái tư duy “thắng lợi tinh thần” hàng mấy ngàn năm làm mê muội tâm hồn người Trung Quốc. Kim Dung vươn tới những khát vọng xa hơn: ông muốn đạp đổ thứ vương pháp, vương quyền hình thành mấy ngàn năm trong xã hội Trung Quốc bởi các chế độ phong kiến thối nát; xây dựng một thứ pháp luật thực chứng nhanh, mạnh, chính xác, công bằng để bảo vệ phẩm giá những con người lương thiện. Bọn hào sĩ giang hồ của ông đôi khi làm việc rất vô chính phủ, vô tổ chức nhưng vẫn thể hiện được khát vọng trật tự, công bằng cho mọi người. Trên tất cả, họ tin có hai thứ thiên đạo và nhân luân; thiên đạo chế tài cái ác và nhân luân để giữ cho con người không làm ác, đi đúng cái lẽ thiện, một vốn quý của nền pháp luật lý tưởng.

No comments:

Post a Comment