VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(Vietkiemhiep) - Vi Tiểu Bảo tuy xuất thân từ động điếm Lệ Xuân viện thành Dương Châu, không được học hành nhưng lại “lỡ” bị Kim Dung đưa lên làm quan lớn dưới triều Khang Hy. Dưới triều Khang Hy, nên báo chí của Trung QUốc chưa ra đời, chưa có nhà nho nào được gọi là… nhà báo. Vi Tiều Bảo không phải là nhà nho và tất nhiên cáng không phải là nhà báo. Ấy vậy mà kỹ thuật xuyên tạc thông tin, kỹ thuật bôi đen hoặc tô hồng thượng thừa của nhân vật nàt xứng đáng liệt vào bậc nhất thiên hạ.
Có tay Nhất kiếm vô huyết Phùng Tích Phạm đánh kiếm nhanh vô địch. Phạm đâm cô hầu bé bỏng Song Nhi của Vi Tiểu Bảo nhưng cô đỡ được, vết thương rịn ra một chút máu. Thế là Vi Tiểu Bảo liền xuyên tạc ngoại hiệu Nhất kiếm vô huyết (đánh một chiêu kiếm không thấy máu đổ) của Phạm thành Bán kiếm hữu huyết (đánh gãy nửa cây kiếm mới chảy máu). Từ cái “loa phóng thanh” Vi Tiểu Bảo, người trên giang hồ từ đó đều gọi Phùng Tích Phạm là Bán kiếm hữu huyết.
Tiếng Nga vốn là một trong số ngôn ngữ khó học bậc nhất thì hỏi là sao một gã bất học vô thuật như Vi Tiểu Bảo đọc cho đúng âm? Cho nên, khi lưu lạc sang Nga hay về sau khi đi công cán đàng hoàng, Bảo vẫn cứ thoải mái xuyên tạc tên người nước ngoài mà chẳng một ai cản miệng gã nổi. Có hai tay thân binh của công chúa Tô Phi Á (Sophia, người tình La Sát của Vi Tiểu Bảo) thường lui tới đem thư tín, quà cáp cho gã; một tay tên là Denilov, đọc âm Trung Quốc là Tề Nặc Lạp Phu; tay kia tên Vabasky, đọc ra là Hoa Bá Tư Cơ. Vi Tiểu Bảo có một cách riêng để gọi tên hai người này là Vương Bát Tử Kê (con gà chết không nạn) và Trư La Nọa Phu (con heo dơ bẩn thối tha). Đời nào hắn có thể đọc cho đúng!. Tới nước Thuỵ Điển mà Bảo còn đọc là “nước Thụy cái gì đó” thì làm sao bắt gã phát âm đúng hai tên Denilov và Vabasky cho chuẩn được.
Nhưng tôi vẫn tin rằng kỹ thuật xuyên tạc thông tin cao cường nhất của Vi Tiểu Bảo vẫn là cách “Di hoa tiếp mộc” (Dời hoa nối cây). Dựa vào lời nói của người khác, Vi Tiểu Bảo đưa đầy, thêm thắt thông tin vào, tạo ra một lượng thông tin nửa thật nửa giả, gieo vào lòng người sự hoang mang, dao động. Kỹ thuật xuyên tạc này gần giống cách làm… báo lá cải, sử dụng thông tin của người khác để chống lại chính họ. Tôi đồ chừng nếu Vi Tiểu Bảo sống lại, được giao làm… tổng biên tập một tờ báo thì tờ báo ấy lá cải phải biết. Đọc Lộc Đỉnh ký, tôi nhớ có một đoạn giả thái hậu biết được chuyện Vi Tiểu Bảo sắp lên Ngũ Đài Sơn. Mụ này cho người tra tấn Vi Tiểu Bảo, buộc gã phải khai ra mật khẩu để liên lạc với Thụy Đống (thực sự là Thuỵ Đống đã bị gã giết chết). Thực sự thì Bảo có biết mật khẩu với đường khẩu gì đâu, chẳng qua là bị đánh đau quá, hắn phải buột miệng nói bậy. Bảo liền nhớ ra mật khẩu của Thiên Địa hội mà hắn đang tham gia, đại ý câu mật khẩu là thuốc cao (thuốc dán) giá bao nhiêu, dán vào có sáng mắt ra hay không… Bảo bèn dựa vào câu đó nhưng thay thuốc cao bằng… đường phèn: Đường phèn bán bao nhiêu, ăn vào có ngọt không… Cách xuyên tạc thông tin của Bảo gây ra một hậu quả cực kỳ tai hại. Giả thái hậu tưởng gã khai thật, bèn ra lệnh cấm quân bắt hết ráo bọn bán đường phèn ở thành Bắc Kinh. Từ một thông tin tào lao của Bảo, mấy ngàn sinh mạng người buôn gánh bán bưng bị tiêu diệt!
Kỹ thuật xuyên tạc thông tin của Vi Tiểu Bảo khiến các vị đại thần triều Khang Hy đều sợ hãi. Thế mạnh của Vi Tiểu Bảo là luôn kề cận nhà vua, được nhà vua đặc biệt tin dùng. Ai cũng sợ Vi Tiểu Bảo ghét mình, đến bên nhà vua ton hót đưa đầy cho mấy câu, nhẹ thì mất chức, nặng thì mất đầu. Vi Tiểu Bảo biết được thế mạnh đó nên luôn luôn lấy “con cọp” Khang Hy để doạ nạt các đại thần. Lộc Đỉnh ký có mấy chương thuật chuyện Bảo đưa công chúa Kiến Ninh qua Vân Nam gả làm dâu nhà Bình Tây vương Ngô Tam Quế nhưng thực chất là dọ thám xem Ngô Tam Quế có ý tạo phản hay không. Bảo đến Vân Nam thấy binh lính của Quế tinh nhuệ, thành Côn Minh to lớn, dinh cơ của Quế đồ sộ bèn nảy ra ý định làm tiền. Đầu tiên, Bảo nắn gân bằng cách nói huỵch toẹt rằng Bảo theo lệnh vua qua Vân Nam xem Quế có ý định tạo phản hay không. Câu nói này làm Ngô Tam Quế và bá quan ở Vân Nam sợ đến xanh mặt. Tiếp theo, Bảo khen Quế hơn cả nhà vua, dinh của Quế còn lớn hơn cả hoàng cung ở Bắc Kinh. Ngô Tam Quế nghe hắn khen tới đó đã muốn “bậy” ra quần. Cuối cùng, Bảo kết luận Quế đã quá vinh hoa, quá phú quý, sướng hơn cả vua Khang Hy vậy thì còn muốnt ạo phản chống Khang Hy làm gì nữa. Bảo hứa sẽ về tâu lại với nhà vua là Quế không bao giờ tạo phản (vì ngu sao tạo phản?). Ngô Tam Quế vừa sợ vừa tức nhưng phải luôn miệng vâng dạ cho xuôi, lại thề suốt đời trung thành với Khang Hy. Lão phải nhả ra cho Vi Tiểu Bảo 300 vạn lạng bạc, chưa kể đến các món quà biếu lặt vặt.
Nên nhớ Vi Tiểu Bảo không bao giờ nhận mình sai lầm, kể cả khi hắn biết rõ mình sai lầm 100%. Kỹ thuật xuyên tạc thông tin cứ vậy mà phát triển, đặc biệt là trong trường hợp hắn muốn vu hãm địch thủ của mình vào đất chết. Có một lần Bảo sang nhà tịnh địch cũ là Trịnh Khắc Sảng để đòi nợ. Sảng vét hết tiền bạc, tư trang của vợ con, trong đó có một cành phụng thoa, món trang sức cài trên mái tóc rất phổ biến của các phụ nữ nhà quan trung Quốc. Bảo cầm cành phụng thoa lên. bắt đầu xuyên tạc. Theo Bảo, phục là hình ảnh tượng trưng cho hoàng hậu; vợ Trịnh Khắc Sảng dung cạnh phụng thoa thì có nghĩa là muốn làm hoàng hậu, còn bản thân của Trịnh Khắc Sảng thì đã có ý muốn làm hoàng đế. Trịnh Khắc Sảnh nghe hắn vu hãm, quỳ mọp xuống lạy muốn gần chết. Nhưng thầy của Sảng là Phùng Tíhc Phạm biết rõ đạo lý ở đời, nói thẳng cho Bảo hay là tất cả các tiểu thư con nhà quan ở thành Bắc Kinh đều dùng phụng thoa, bảo đừng có hòng vu khống Trịnh Khắc Sảng. Nắm được câu nói đó, Bảo xoay lại Phùng Tích Phạm: “Hoá ra Phùng đại nhân đã nhìn thấy hết các vị tiểu thư con nhà quan ở thành Bắc Kinh rồi. Thật là lợi hại! Chẳng hay nhan sắc của tiểu thư con của thượng thư bộ binh ra thế nào?”. Thượng thư bộ binh triều Khang Hy là Minh Châu, Bảo xuyên tạc kiểu này chẳng khác nào bảo Phùng Tích Phạm là một thứ dâm tặc, chuyên đi dòm dỏ con gái nhà quan, kể cả con gái của Minh Châu. Nghĩa là cỡ nào Vi Tiểu Bảo cũng vu hãm được đối thủ.
Kỹ thuật xuyên tạc thông tin đã có từ lâu, ít nhất là dưới triều Khang Hy du thời đó nghề báo chưa xuất hiện. Kỹ thuật ấy còn rơi rớt lại ngày nay, hình thành những trang báo lá cải và những nhà báo chuyên xuyên tạc thông tin. Hễ ai cho họ xơ múi được thì họ viết bào bốc thơm hoặc viết bài giải vây cho người đó. Hễ ai không chịu cho họ xơ múi thì họ tìm cách đánh, hết số này kéo rê đến số kia, bôi nhọ không thương tiếc. Hễ ai có ý kiến phản hồi thì họ dùng thông tin phản hồi đó để tiếp tục đánh lại người phản hồi. Nhưng trang báo thuộc loại “di hoa tiếp mộc” xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo ấy, tung hỏa mù vào dư luận xã hội khiến bạn đọc đâm ra hoài nghi, không biết được ai nói đúng, ai nói sai, chuyện nào phải, chuyện nào quấy.
Vi Tiểu Bảo đã chết cách đây ít nhất 230 năm nhưng kỹ thuật xuyên tạc thông tin kiều của Bảo vẫn còn tồn tại trong hoạt động báo chí hiện đại. Có người nói Vi Tiểu Bảo đã sống lại và đi làm báo; rằng các bài báo của Bảo không ra chi nhưng giúp Bảo giàu lên rất nhanh, có cả xe hơi nhà lầu, đất đai rộng lớn. Ban đầu, tôi không tin. Nhưng từ khi đọc được nguồn tin từ các cơ quan pháp luật đã tịch thu các tài sản bất chính gần 3 tỷ đồng của một nhà báo nọ vì người này đã có công dùng báo chí yểm trợ cho một đại gia đục khoét tiền nhà nước thì tôi tin rằng Vi Tiểu Bảo đã sống lại và kỹ thuật xuyên tạc thông tin vẫn còn đó.
No comments:
Post a Comment