Monday, February 24, 2014

Thần điêu hiệp lữ - Hồi 15: Đệ Tử Đông Tà

Đạt Nhĩ Ba cùng đám võ sĩ Mông Cổ ở bên ngoài “loạn thạch trận”, Quách Phù và huynh đệ họ Võ ở trong “loạn thạch trận” cùng kinh hãi, đổ xô lại cứu. Đạt Nhĩ Ba thần lực kinh nhân, trong đám võ sĩ Mông Cổ cũng có vài hảo thủ, Quách Phù và huynh đệ họ Võ làm sao địch nổi? Đột nhiên Kim Luân pháp vương loạng choạng đứng dậy, rung cái thiết luân kêu loong coong một hồi, sắc diện nhợt nhạt, ngửa mặt cười một cách thê thảm, mọi người kinh hãi nhìn nhau, không dám tiến lại.

Kim Luân pháp vương trầm giọng nói:
- Lão nạp bình sinh động thủ với người, chưa bao giờ bị một vết thương nhỏ, hôm nay tự mình lại đả thương mình.
Rồi giơ tay túm lấy lưng Hoàng Dung. Dương Quá bị chưởng lực của lão ta làm chấn thương vùng ngực, bò dưới đất chưa dậy nổi, thấy Hoàng Dung bị nguy, bèn giơ cây gậy trúc gạt chưởng của lão ta ra, do gắng sức, chàng hộc ra một ngụm máu tươi. Hoàng Dung buồn rầu nói:
- Quá nhi, chúng ta nhận thua cho rồi, đừng liều mạng nữa, hãy tự bảo trọng.
Quách Phù chĩa kiếm bảo hộ trước mặt mẫu thân. Dương Quá nói nhỏ:
- Phù muội, mau chạy đi, báo tin cho phụ thân muội cần hơn.
Quách Phù tâm trí rối bời, biết là mình võ công thấp kém, nhưng làm sao nỡ bỏ mẫu thân mà đi? Kim Luân pháp vương dùng thiết luân đánh nhẹ vào thanh kiếm của nàng, keng một tiếng, thanh kiếm bị văng ngay về phía rừng cây.
Kim Luân pháp vương đang định gạt Quách Phù ra để bắt Hoàng Dung, thì bỗng nghe một thanh âm trong trẻo vang lên:
- Hãy khoan!
Một cái bóng áo xanh từ trong rừng cây nhảy ra, giơ tay đón thanh kiếm sắp rơi, sau ba cú nhảy đã tới bên cạnh. Kim Luân pháp vương thấy mặt mày người kia rất đáng sợ, ba phần giống người, bảy phần giống quỉ, bình sinh chưa từng gặp thứ diện mạo quái đản thế này, không khỏi giật mình, quát:
- Là ai vậy?
Thiếu nữ không trả lời, cúi xuống lăn một hòn đá vào chắn giữa lão ta với Hoàng Dung, nói:
- Các hạ có phải là Kim Luân pháp vương tiếng tăm lừng lẫy đó chăng?
Diện mạo của thiếu nữ tuy xấu xí, nhưng giọng nói trong trẻo lạ thường.
Kim Luân pháp vương đáp:
- Không sai. Tôn giá là ai?
Thiếu nữ nói:
- Tiểu nữ là kẻ vô danh, các hạ khỏi cần biết.
Nói rồi lại di chuyển một hòn đá khác đi ba thước. Lúc này mặt trời đã lặn, rừng cây một dải mông lung, Kim Luân pháp vương chợt lo ngại, quát to để ngăn thiếu nữ không được lăn đá:
- Ngươi làm trò gì vậy?
Thiếu nữ nói:
- Giốc mộc giao biến Cang kim long!
Quách Phù và huynh đệ họ Võ ngẩn người, nghĩ thầm: “Thiếu nữ này cũng biết cách biến hóa loạn thạch trận ư?” Nghe giọng nói của nàng ta uy nghiêm như mệnh lệnh, ba người vội y lời, lăn bốn, năm hòn đá, trận pháp tán loạn đã được phục hồi.
Kim Luân pháp vương vừa kinh ngạc vừa tức giận, quát:
- Nhãi ranh như ngươi cũng đòi làm loạn!
Chỉ nghe thiếu nữ lại nói:
- Tâm nguyệt hồ chuyển Phòng nhật thố, Tất nguyệt điểu di Khuê mộc lang, Nữ thổ bức tiến Thất hỏa trư.
Nàng toàn gọi tên phương vị của Nhị thập bát tú. Quách Phù và huynh đệ họ Võ nghe rõ rành rành, hệt như khi Hoàng Dung chủ trì trận pháp, thì cả mừng, ra sức di động các tảng đá, thấy rõ lại vây khốn Kim Luân pháp vương vào trong.
Kim Luân pháp vương bị hòn đá rơi trúng lưng, cố vận nội lực cầm cự, nhưng kỳ thực đã bị nội thương không nhẹ, không còn đủ sức hất hoặc lăn các hòn đá, biết rằng chỉ cần chậm trễ giây lát, sẽ bị hãm thân trong “Loạn thạch trận”, đệ tử Đạt Nhĩ Ba tuy có dũng lực, nhưng không hiểu trận pháp, khó lòng vào cứu; Hoàng Dung thì vừa gắng gượng đứng dậy được, chỉ cần tiến vài bước là đủ bắt sống nàng ta, nhưng lão nghĩ điều cốt yếu là lão phải thoát thân, bèn vung thiết luân giả bộ đánh tới ngực Võ Tu Văn.
Sau khi bị thương, cánh tay lão đã mất hết sức lực phải mười phần gắng sức mới giơ nổi cái thiết luân; Võ Tu Văn giả dụ dùng kiếm đỡ gạt, thì thừa sức đánh rớt binh khí của lão. Nhưng trông lão uy phong lẫm hệt, tuy là hư chiêu, mà trông cứ dũng mãnh phi thường, Võ Tu Văn không dám chống đỡ, vội thu mình vào trong “loạn thạch trận”.
Kim Luân pháp vương thong thả ra khỏi “loạn thạch trận”, đứng ngây một hồi, nghĩ thầm: “Hôm nay bỏ lỡ thời cơ, chỉ e mai sau khó còn gặp lại. Không lẽ ông trời quả thật phù hộ cho Đại Tống, không cho đại sự của ta được thành toàn? Võ lâm Trung Nguyên quá nhiều anh tài, chỉ vài gã thiếu niên nam nữ cũng đã văn võ kiêm toàn, đoàn hào kiệt Mông - Tạng của ta vì khinh địch mà đành bại trận”. Lão thở dài, quay đầu bỏ đi, mới được mươi bước, đột nhiên nghe “choang” một tiếng, cái thiết luân rơi xuống đất, thân hình lão lảo đảo.
Đạt Nhĩ Ba cả kinh, gọi to:
- Sư phụ!
Chạy tới đỡ, vội hỏi:
- Sư phụ có sao không?
Kim Luân pháp vương cau mày im lặng, đưa tay quàng vai y, nói nhỏ:
- Đáng tiếc, đáng tiếc! Đi thôi!
Một võ sĩ Mông Cổ dắt ngựa lại. Kim Luân pháp vương bị trọng thương, không còn đủ sức leo lên lưng ngựa, Đạt Nhĩ Ba phải dùng bàn tay trái đỡ lưng sư phụ lên yên. Đoàn người ấy bỏ đi về hướng đông.
Thanh y thiếu nữ thong thả tới bên cạnh Dương Quá, chậm rãi cúi người quan sát sắc diện của chàng, muốn biết thương thế ra sao. Lúc này trời đã tối mịt, cách hơn một thước nhìn không rõ, nàng phải cúi thật gần, thấy chàng hai mắt mở to thất thần, hơi thở hổn hển, hiển nhiên bị thương không nhẹ.
Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, Dương Quá thấy trước mặt mình một đôi mắt đen láy hiền hòa, hệt như ánh mắt Tiểu Long Nữ vẫn nhìn chàng, vừa dịu dàng, vừa ấm áp, bèn giơ hai tay ôm lấy nàng, gọi:
- Cô cô, Quá nhi bị thương rồi, cô cô đừng bỏ mặc Quá nhi mà đi nhé.
Thiếu nữ vừa ngượng vừa lo, đẩy nhẹ ra. Vết thương ở ngực Dương Quá lập tức đau nhói, chàng kêu ối một tiếng. Thiếu nữ đành để yên, nói nhỏ:
- Muội không phải là cô cô của huynh đâu, huynh hãy buông muội ra nào.
Dương Quá nhìn trân trân vào mắt nàng, khẩn cầu:
- Cô cô đừng bỏ mặc ta, ta… ta… ta là Quá nhi của cô cô đây mà.
Thiếu nữ mềm lòng, dịu dàng nói:
- Muội không phải là cô cô của huynh đâu.
Trời tối như bưng, diện mạo đáng sợ của thiếu nữ nhòa lẫn, chỉ còn đôi mắt long lanh phát sáng. Dương Quá kéo tay nàng, không ngớt khẩn cầu:
- Phải mà, phải mà! Cô cô đừng bỏ mặc ta.
Thiếu nữ đành để cho chàng ôm, ngượng ngùng run rẩy cả người, không biết nên làm thế nào. Đột nhiên Dương Quá bừng tỉnh, biết người này không phải là Tiểu Long Nữ, thì quá ư thất vọng, trong đầu thấy trời xoay đất chuyển, lập tức ngất đi.
Thiếu nữ kinh hãi, thấy Quách Phù và huynh đệ họ Võ đều vây quanh Hoàng Dung hỏi han hầu hạ, không ai để ý đến Dương Quá, nàng nghĩ chàng bị thương rất nặng, nếu không cho uống linh dược mà sư phụ bí mật chế ra, e sẽ nguy đến tính mạng, bèn cõng chàng rời khỏi bãi đá, rồi thong thả ra khỏi cánh rừng. Con ngựa gầy của Dương Quá cực kỳ tinh khôn, nhận biết chủ nhân, chạy lại gần. Thiếu nữ đặt Dương Quá nằm lên lưng ngựa, rồi nàng dắt ngựa mà đi.
Dương Quá cứ lúc mê lúc tỉnh, có lúc thấy thiếu nữ bên cạnh là Tiểu Long Nữ thì sung sướng gọi, có lúc phát hiện không phải, toàn thân tưởng như rơi xuống hố băng. Cũng không biết bao nhiêu lâu sau, tự nhiên thấy cổ họng mát rượi, lan dần tới vết thương trong ngực, cảm giác dễ chịu vô cùng, mới từ từ mở mắt ra, thì không khỏi kinh ngạc, hóa ra chàng đang nằm trên giường, đắp ngang mình một tấm chăn mỏng. Chàng định ngồi dậy, bỗng thấy xương ngực đau nhói, không dám cựa quậy nữa.
Quay đầu nhìn ra, chỉ thấy bên song cửa một thanh y thiếu nữ tay trái đè giấy, tay phải cầm bút đang viết. Nàng ngồi quay lưng về phía chàng, không nhìn thấy diện mạo, nhưng thân hình nàng thon thả, mảnh mai, kiều mỹ vô cùng. Nhìn xung quanh, thấy đây là một gian nhà lá, bàn ghế, giường đều bằng gỗ, hết sức giản dị mộc mạc, bốn bức tường sạch bong, không một vết bụi, thanh u tuyệt tục. Trên cái chõng tre cạnh giường có một chiếc đàn dao và một cây sáo trúc.
Chàng chỉ nhớ mình bị thương trong trận ác đấu với Kim Luân pháp vương tại “loạn thạch trận”, không biết tại sao được mang đến đây, chỉ nhớ mang máng mình nằm trên lưng ngựa, có người dắt ngựa đi, người đó là nữ. Bây giờ nhìn kỹ sau lưng, nhớ ra người ấy chính là thiếu nữ đang ngồi kia. Thiếu nữ đang mải viết, chỉ thấy cánh tay phải nàng ta lay động nhẹ, tư thế thanh thoát tự nhiên. Nơi đây tĩnh mịch hoàn toàn, so với cuộc ác đấu ở “loạn thạch trận” vừa rồi thật y như một thế giới khác. Chàng không dám lên tiếng làm phiền thiếu nữ, cứ nằm yên như thể vừa tỉnh sau một giấc mộng hoặc một cơn say.
Bỗng nhiên chàng nhớ ra, thanh y thiếu nữ kia chính là người ở dọc đường Tràng An đã cảnh báo cho chàng biết về Lý Mạc Sầu, sau đó liên thủ với chàng cứu Lục Vô Song, chàng nghĩ hai bên không quen biết thân thích gì, tại sao nàng lại cứu chàng thế này? Chàng buột miệng, hỏi:
- Tỷ tỷ, thì ra lại là tỷ tỷ cứu sống đệ.
Thiếu nữ dừng bút, không ngoảnh lại, dịu dàng nói:
- Cũng không thể nói là muội cứu sống huynh, muội tình cờ đi qua, thấy lão hòa thượng Tây Tạng quá càn rỡ, huynh lại bị thương…
Nàng nói rồi hơi cúi đầu xuống.
Dương Quá nói:
- Tỷ tỷ, đệ… đệ…
Chàng cảm kích, nhất thời nghẹn ngào nói không nên lời.
Thiếu nữ nói:
- Huynh có lòng nghĩa hiệp, bất chấp nguy hiểm cứu mạng người khác, chứ muội chỉ giúp được tí chút, đâu có đáng gì.
Dương Quá nói:
- Quách bá mẫu đối với đệ có ơn dưỡng dục, Quách bá mẫu gặp nguy nan, đệ ắt phải cứu, còn tỷ tỷ với đệ…
Thiếu nữ nói:
- Muội không nói đến Quách bá mẫu của huynh, mà là nói về Lục Vô Song muội tử.
Ba chữ “Lục Vô Song” Dương Quá đã lâu không nhớ tới, nghe thiếu nữ nhắc đến, vội hỏi:
- Lục cô nương có được bình an chăng? Vết thương đã lành hẳn chưa?
Thiếu nữ nói:
- Đa tạ huynh quan hoài, vết thương của Lục muội đã lành hẳn, thì ra huynh vẫn chưa quên Lục muội.
Dương Quá nghe thiếu nữ nói về Lục Vô Song với giọng nói thân thiết, bèn hỏi:
- Không biết tỷ tỷ với Lục cô nương xưng hô thế nào?
Thiếu nữ không trả lời, mỉm cười, nói:
- Huynh đừng có một tỷ tỷ, hai tỷ tỷ nữa, muội còn ít tuổi hơn huynh mà.
Dừng một lát, cười, nói tiếp:
- Cũng không hiểu tại sao lại gọi người ta là “cô cô”, đến lúc đổi cách xưng hô, chỉ e đã muộn.
Dương Quá đỏ mặt, đoán là trong lúc hôn mê chàng đã tưởng nhầm thiếu nữ là Tiểu Long Nữ, cứ luôn miệng gọi “cô cô”, không chừng còn nói những lời thân mật, vượt quá lễ giáo, càng nghĩ càng cảm thấy bất an, ấp úng:
- Cô… cô nương… không trách ta chứ?
Thiếu nữ cười, nói:
- Dĩ nhiên là muội không trách huynh, huynh cứ yên tâm ở đây dưỡng thương, khi nào khỏe sẽ lại đi tìm “cô cô” của huynh.
Lại nói thêm:
- Cũng đừng quá lo, rồi huynh sẽ tìm thấy thôi.
Mấy lời vừa nói dịu dàng, hiền hòa, ấm áp, trân trọng, khiến người nghe vừa yên tâm, vừa vui lòng, thật khác hẳn tất cả các thiếu nữ mà Dương Quá từng gặp. Nàng không hoạt bát nhanh nhẹn như Lục Vô Song, cũng không kiêu căng khó chịu như Quách Phù. Gia Luật Yến thì hào sảng, không ràng buộc. Hoàn Nhan Bình yếu ớt đáng thương. Còn Tiểu Long Nữ ban đầu lạnh nhạt băng giá, không thèm quan tâm, về sau thì đằm thắm chung tình, sống chết có nhau, tính nết có vẻ thiên về cực đoan. Chỉ riêng thanh y thiếu nữ là dịu dàng thanh nhã, chu đáo ân cần, biết chàng thương nhớ “cô cô” thì khuyên chàng yên tâm dưỡng thương, lúc nào khỏi hãy đi tìm, mà tìm khắc thấy. Ở bên nàng, cảm thấy thật yên bình.
Nàng nói xong, lại cầm bút viết. Dương Quá hỏi:
- Cô nương, quí tính là chi?
Thiếu nữ nói:
- Huynh đừng hỏi gì nữa, hãy cứ nằm yên đó, đừng nghĩ ngợi lung tung thì nội thương mới mau lành.
Dương Quá nói:
- Thôi được, thực ra ta đã biết là có hỏi cũng vô ích; cô nương có khuôn mặt còn chẳng cho nhìn, nữa là chịu nói họ tên.
Thiếu nữ thở dài:
- Tướng mạo của muội xấu xí lắm, huynh đã nhìn thấy rồi mà.
Dương Quá nói:
- Không, không phải! Đấy là cô nương đeo mặt nạ.
Thiếu nữ nói:
- Nếu muội xinh xắn như “cô cô” của huynh, thì cần gì phải đeo mặt nạ kia chứ?
Dương Quá nghe nàng khen Tiểu Long Nữ xinh đẹp thì rất sung sướng, hỏi:
- Tại sao cô nương biết “cô cô” của ta xinh xắn?
Thiếu nữ nói:
- Muội chưa hề gặp. Nhưng trong giấc ngủ mà huynh cứ luôn miệng nhớ nhớ thương thương như thế, nàng ta hẳn phải là đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ.
Dương Quá thở dài:
- Ta nhớ thương nàng, không chỉ vì nàng xinh xắn, dẫu nàng có là đệ nhất xú nhân trong thiên hạ, thì ta cũng nhớ thương nàng như vậy. Có điều… có điều là nếu cô nương nhìn thấy nàng, thì thể nào cũng phải khen nàng đẹp.
Câu này mà nói với Quách Phù và Lục Vô Song, nhất định chàng sẽ bị họ châm biếm vài câu, còn thiếu nữ này thì nói:
- Chắc chắn như vậy. Nàng không chỉ xinh xắn, mà đối với huynh hẳn là tốt lắm.
Nói xong nàng lại cúi xuống bàn mà viết.
Dương Quá nhìn lên nóc nhà một hồi, không nhịn được lại quay đầu nhìn thân hình thon thả của thanh y thiếu nữ, hỏi:
- Cô nương viết cái gì mà chăm chú vậy?
Thiếu nữ đáp:
- Muội tập viết chữ.
Dương Quá hỏi:
- Cô nương viết chữ kiểu gì?
Thiếu nữ nói:
- Chữ muội xấu lắm, đâu có kiểu cách gì.
Dương Quá nói:
- Cô nương quá khiêm tốn, ta đoán chữ cô nương phải rất đẹp.
Thiếu nữ cười, nói:
- Ồ, huynh lạ thật, tại sao huynh lại đoán như thế?
Dương Quá nói:
- Cô nương có nhân phẩm tuấn nhã dường ấy, thư pháp ắt phải tuấn nhã. Cô nương cho ta xem vài chữ được chăng?
Thiếu nữ lại mỉm cười, nói:
- Chữ của muội chẳng đáng xem đâu, chờ khi nào huynh dưỡng thương khỏe rồi, sẽ nhờ huynh dạy muội viết chữ.
Dương Quá thầm cảm kích Hoàng Dung hồi ở Đào Hoa đảo đã dạy chàng đọc sách, viết chữ; nếu hồi ấy chàng không chịu học, thì đừng nói là phân biệt thư pháp hay dở, mà ngay cả người ta viết chữ gì, mình cũng không đọc hiểu.
Mải nghĩ một hồi, chợt thảy ngực đau âm ỉ, chàng bèn vận nội công, dẫn khí đi bách huyệt, dần dần dễ chịu, ngủ thiếp đi; tỉnh dậy thì trời đã tối, thiếu nữ dọn cơm trên một cái chõng tre sát giường, bón cơm cho chàng ăn. Đũa tre bát sành, tuy là vật thô sơ, nhưng đều mới nguyên, nhìn vào thấy ngay có sự chăm chút.
Bữa cơm cũng rất bình thường, có rau xanh, đậu phụ, trứng gà, cá nhỏ, nhưng nấu nướng thật khéo léo, ăn rất ngon miệng. Dương Quá ăn một mạch hết ba tô cơm, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Thiếu nữ tuy mang mặt nạ, không thấy được vẻ hỉ nộ, nhưng nhìn ánh mắt cũng biết nàng rất hoan hỉ.
Hôm sau thương thế của Dương Quá khá hơn một chút, thiếu nữ kéo chiếc ghế lại cạnh giường, ngồi vá áo cho chàng. Cái áo ngoài rách bươm của chàng được nàng vá víu cẩn thận. Nàng giơ cái áo lên, nói:
- Một người nhân phẩm cao đẹp như huynh, sao lại cố ý ăn mặc lam lũ thế này?
Nói rồi nàng vào buồng trong, mang ra một mảnh vải xanh, dựa theo cái áo rách mà cắt khâu cho chàng chiếc áo mới.
Nghe giọng nói, nhìn cử chỉ, thiếu nữ chỉ mười bảy, mười tám tuổi là cùng; nhưng nàng đối với Dương Quá cứ y như trưởng tỷ đối với tiểu đệ, thậm chí như một từ mẫu. Dương Quá mồ côi mẹ đã lâu, hôm nay cảm thấy như trở lại cảnh hồi thơ ấu ở bên mẹ, vừa cảm kích, vừa lạ lùng, không nhịn được, hỏi:
- Tỷ tỷ, sao tỷ tỷ đối với đệ chu đáo quá vậy? Đệ thật không xứng đáng.
Thiếu nữ nói:
- May giúp một cái áo thì có gì mà bảo là chu đáo? Huynh xả thân cứu người, thế mới quí đấy.
Hôm sau buổi sáng trôi qua yên ổn, buổi chiều thiếu nữ ngồi bên bàn viết. Dương Quá rất muốn xem nàng viết gì, xin xem mấy lần nàng đều không chịu.
Nàng viết chừng một canh giờ, viết xong một tờ, nhìn một hồi, vò nhàu tờ giấy, viết tờ khác, tựa hồ vẫn chưa vừa ý, lại vò nhàu, viết tờ mới. Kiểu cách đó, xem chừng không phải là nàng sao chép bí kíp võ công nào cả. Cuối cùng nàng để đấy, không viết nữa, hỏi Dương Quá:
- Huynh muốn ăn món gì, để muội đi làm cho huynh ăn.
Dương Quá chợt nảy ra một kế, nói:
- Chỉ sợ tỷ tỷ vất vả quá thôi.
Thiếu nữ nói:
- Món gì nào? Huynh cứ nói cho muội nghe coi.
Dương Quá nói:
- Đệ thèm ăn bánh trôi.
Thiếu nữ nói:
- Làm vài cái bánh trôi thì có gì mà vất vả. Muội cũng thích ăn bánh trôi đây. Thế huynh thích ăn loại nhân mặn hay nhân ngọt?
Dương Quá nói:
- Mặn ngọt đều được. Có bánh trôi ăn là thích lắm rồi.
Tối hôm ấy, thiếu nữ quả nhiên cho chàng ăn mấy cái bánh trôi, loại ngọt thì nhân đậu xanh với chút mỡ heo, loại mặn thì nhân thịt tươi, ngon vô cùng, Dương Quá cứ vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Thiếu nữ thở dài nói:
- Huynh thông minh thật, đoán trúng ngay thân thế của muội.
Dương Quá lấy làm lạ, nghĩ thầm: “Ta đoán trúng ư? Sao lại bảo ta đoán trúng thân thế của nàng?”
Thiếu nữ nói:
- Bánh trôi ở Giang Nam quê muội nổi tiếng khắp thiên hạ, huynh nói một cái trúng luôn.
Dương Quá nhớ lại hàng loạt chuyện cách đây mấy năm ở vùng Chiết Tây chàng gặp vợ chồng Quách Tĩnh, cuộc đấu với Lý Mạc Sầu, rồi việc Âu Dương Phong nhận chàng làm nghĩa tử, vậy mà chàng vẫn chưa nhận ra thiếu nữ trước mặt mình là ai.
Chàng bảo muốn ăn bánh trôi là có dụng ý khác. Ăn xong, thừa lúc thiếu nữ không để ý, chàng giấu một cái trong lòng bàn tay; chờ lúc thiếu nữ dọn bát đũa đi, chàng lấy một sợi chỉ mà thiếu nữ khâu áo để lại buộc một đầu vào cái bánh trôi, ném cái bánh trôi tới chỗ mấy tờ giấy vò nhàu kia cho dính, kéo tờ giấy lại mở ra xem, thấy viết tám chữ “Ký kiến quân tử, vân hồ bất hỉ”° (° 既見君子,云胡不喜.Hai câu trong bài Phong vũ, thuộc phần Quốc phong - Kinh thi. Đại ý là: một khi đã gặp được người quân tử, sao mà không vui mừng cho được.Tạ Quang Phát dịch:Khi em đã gặp được chàng. Rằng sao mà chẳng rộn ràng vui tươi? )
Đây là hai câu trong Kinh Thi, năm trước Hoàng Dung từng dạy Dương Quá. Hai câu này được giảng nghĩa là: đã gặp được chàng nam tử rồi, tại sao còn chưa biết vui sống?
Dương Quá lại ném cái bánh buộc sợi chỉ, kéo một tờ giấy khác lại, mở ra xem, thấy tờ này vẫn viết tám chữ kia. Dương Quá hồi hộp, tim đập dồn, kéo hơn mười tờ giấy vò nhàu lại, mở ra xem, toàn là viết tám chữ đó, chàng suy nghĩ về thâm ý của chúng, bất giác ngẩn cả người. Nghe có tiếng chân thiếu nữ đi vào, Dương Quá vội giấu cái bánh vào trong chăn, thiếu nữ đem số giấy vò nhàu ra ngoài đốt đi.
Dương Quá nghĩ thầm: “Nàng viết “Khái kiến quân tử”, hai chữ quân tử không lẽ là nói về ta? Nàng và ta đều chưa nói gì với nhau, nàng đã thấy ta có gì để mà thích nhỉ? Ta nào có ra gì mà nàng coi ta là bậc quân tử kia chứ. Nhưng ở đây ngoài ta ra, đâu còn ai khác?”
Chàng đang ngẩn ngơ, thì thiếu nữ bước vào phòng, đứng bên cửa sổ một lát, thổi tắt ngọn nến, ánh trăng suông chiếu qua khung cửa, soi xuống nền nhà. Dương Quá gọi:
- Cô nương!
Thiếu nữ không đáp, thong thả bước ra ngoài.
Lát sau, nghe có tiếng tiêu (sáo) dìu dặt qua cửa sổ vọng vào. Dương Quá từng thấy nàng dùng cây ngọc tiêu đứng thủ với Lý Mạc Sầu, võ công không kém chút nào, bây giờ thổi ngọc tiêu, không ngờ nghe cũng hay đến thế.
Hồi sống trong tòa cổ mộ, Dương Quá có nghe Tiểu Long Nữ gảy đàn, chàng đứng bên nghe nàng giảng giải, cũng hiểu đôi chút về âm luật. Lúc này chàng nhận ra cây tiêu đang thổi điệu “Vô xạ thương” trong khúc “Kỳ úc”. Khúc nhạc này u nhã bình hòa, Dương Quá đã nghe mấy lần, cũng không thích lắm. Chàng thấy nàng cứ thổi đi thổi lại năm câu đầu:
瞻彼淇奧
Chiêm bỉ kỳ úc
綠竹猗猗
Lục trúc a a
有匪君子
Hữu phỉ quân tử
如切如磋
Như thiết như tha
如琢如磨
Như trác như ma
Trông kìa trên dải sông Kỳ,
Bờ tre mới mọc xanh rì thướt tha,
Có người quân tử tài hoa,
Như lo mài giũa đặng mà lập thân,
Dùi mài dốc chí chuyên cần…°
(° Đây là một đoạn trong bài Kỳ úc – là một bài Vệ phong (dân ca nước Vệ), thuộc phần Quốc phong trong Kinh Thi, bản dịch thơ của Tạ Quang Phát).
Tiếng tiêu lúc bổng lúc trầm, lúc nhanh lúc chậm, vẫn năm câu kia, nghe quyến luyến triền miên. Dương Quá biết đấy là mấy câu trong Kinh Thi, khen ngợi một trang nam nhi thanh nhã, tuấn tú, có chí, như một viên ngọc đẹp đã được mài giũa vậy.
Dương Quá nghe hồi lâu, bất giác ngâm nga khe khẽ hai câu đầu, Chiêm bỉ Kỳ úc, Lục trúc a a… đột nhiên tiếng tiêu ngừng bặt. Dương Quá sững lại, ân hận về sự đường đột của mình: “Nàng thổi tiêu là để biểu hiện ý nghĩ, ta lại đi ngâm nga, hóa ra biết rõ tâm tư của nàng, thật quá vô lễ”.
Sáng hôm sau thiếu nữ mang cơm vào, thấy Dương Quá đeo mặt nạ, thì ngạc nhiên, cười, hỏi:
- Huynh cũng mang mặt nạ để làm gì?
Dương Quá nói:
- Cái mặt nạ này là cô nương cho ta, cô nương không chịu để lộ bản lai diện mục, thì ta cũng đeo mặt nạ.
Thiếu nữ thản nhiên nói:
- Thế cũng hay.
Nói xong đặt mâm cơm xuống, đi ra, cả ngày hôm đó không nói câu nào.
Dương Quá thấp thỏm không yên, sợ mình đã đắc tội với nàng, định nói vài lời xin lỗi, song nàng không dừng bước trong phòng. Mãi đến tối, khi nàng vào thu dọn chén đũa, sắp bước ra, Dương Quá bèn nói:
- Cô nương thổi tiêu nghe rất hay, cô nương cho nghe một khúc nữa, được chăng?
Thiếu nữ nghĩ một lát, rồi nói:
- Cũng được.
Nàng đi lấy ống tiêu, ngồi ngay bên giường của Dương Quá mà thổi. Lần này nàng thổi khúc “Nghênh tiên khách”, là khúc nhạc chủ khách thù đáp, giai điệu cũng ôn hòa dìu dặt. Dương Quá nghĩ thầm: “Thì ra khi thổi tiêu nàng cũng đeo mặt nạ cho cả tiếng tiêu, không chịu thổ lộ tâm tư”.
Bỗng có tiếng chân, có người từ xa chạy vội đến. Thanh y thiếu nữ đặt ống ngọc tiêu xuống, bước ra cửa, gọi:
- Biểu muội!
Một người chạy tới cửa, thở hổn hển, nói:
- Biểu tỷ, nữ ma đầu ấy đã dò ra tung tích của muội, đang tìm đến đây, chúng ta mau chạy đi thôi.
Dương Quá nghe giọng, nhận ra Lục Vô Song thì rất mừng; nhưng nghe Lục Vô Song nhắc đến nữ ma đầu sắp đến, chính là Lý Mạc Sầu, thì lại thầm kinh hãi, rồi chàng nghĩ bụng: “Thì ra thiếu nữ này là biểu tỷ của Lục cô nương”.
Thiếu nữ nói:
- Có người bị thương, đang ở đây dưỡng thương.
Lục Vô Song hỏi:
- Ai thế?
Thiếu nữ nói:
- Ân nhân cứu mạng của muội đó.
Lục Vô Song kêu lên:
- A, Đồ Ngốc, chàng… ta đang ở đây ư!
Nói xong chạy ào vào.
Dưới ánh trăng, chỉ thấy nàng mừng rỡ rối rít:
- Đồ Ngốc, Đồ Ngốc! Sao huynh lại tìm tới đây được? Lần này thì đến lượt huynh bị thương nhé.
Dương Quá nói:
- Tức phụ…
Chàng đã định gọi “Tức phụ nhi” (cô vợ trẻ), nhưng nghĩ bên cạnh có thanh y thiếu nữ đoan trang thanh nhã, không thể bỡn cợt với Lục Vô Song như trước, bèn đổi cách xưng hô, hỏi:
- Lý Mạc Sầu làm sao lại lần ra tung tích cô nương?
Lục Vô Song nói:
- Sau trận đấu ở tửu lâu hôm ấy, huynh đột nhiên bỏ đi, biểu tỷ đưa muội về đây dưỡng thương. Vết thương lành rồi, muội buồn quá, mới đi chơi cho đỡ buồn, một hôm gặp hai gã khiếu hóa tử, nghe họ nói với nhau rằng ở ải Đại Thắng có đại hội quần hùng gì đó. Muội bèn đến ải Đại Thắng xem cảnh nhiệt náo, không ngờ đến nơi thì đã bế mạc. Muội sợ biểu tỷ nhớ, vội trở về, ở trước cửa một quán trà, muội bỗng nhìn thấy con lừa hoa của nữ ma đầu, lừa đã thay con khác, cái chuông vàng thì vẫn giữ nguyên…
Nói đến đây giọng hơi run:
- May mà mạng chưa tuyệt, chứ cứ đi thẳng vào quán, thì bây giờ đâu còn được nhìn thấy biểu tỷ với huynh.
Dương Quá hỏi:
- Cô nương đây là biểu tỷ của cô nương à? May được cô nương đây cứu mạng, vẫn chưa kịp hỏi họ tên.
Thanh y thiếu nữ nói:
- Muội…
Lục Vô Song đột nhiên dùng hai tay gỡ cả hai cái mặt nạ ra khỏi mặt Dương Quá và thiếu nữ, nói:
- Nữ ma đầu sắp đến rồi, hai người còn mang mặt nạ làm gì kia chứ?
Dương Quá thấy trước mặt sáng hẳn lên, thấy thiếu nữ có khuôn mặt trái soan xinh xắn, má lúm đồng tiền, da trắng như tuyết, tuy không thanh lệ tuyệt tục bằng Tiểu Long Nữ, song cũng là một cô nương rất xinh tươi.
Lục Vô Song nói:
- Biểu tỷ của muội là Trình Anh, tiểu đệ tử quan môn của Đào Hoa đảo Hoàng đảo chủ.
Dương Quá vái một cái, nói:
- Trình cô nương.
Trình Anh đáp lễ, nói:
- Dương thiếu hiệp.
Dương Quá nghĩ thầm: “Nàng còn ít tuổi, sao lại là đệ tử của Hoàng Dược Sư? Tính theo Quách bá mẫu, không lẽ mình lại ở dưới nàng một bậc?”
Nguyên Trình Anh năm nọ bị Lý Mạc Sầu bắt đi, bị nữ ma đầu hạ độc thủ, may gặp Hoàng Dược Sư tình cờ đi ngang qua, cứu sống nàng. Hoàng Dược Sư từ sau khi nữ nhi xuất giá, lão lang bạt giang hồ, bốn biển là nhà, tuổi già cô đơn, bấy giờ thấy Trình Anh tuổi nhỏ bơ vơ, không nơi nương tựa, thì động lòng trắc ẩn, sau khi trị thương cho nàng, bèn mang nàng đi theo bên mình. Trình Anh hầu hạ Hoàng lão nhân còn chu đáo bằng mấy Hoàng Dung ngang ngạnh và kiêu ngạo. Hoàng Dược Sư quý mến, nhận nàng làm đồ đệ. Trình Anh tuy thông minh cơ trí thua xa Hoàng Dung, nhưng nàng chịu khó và tỉ mỉ, cũng học được không ít bản sự của Hoàng Dược Sư.
Năm nay võ công sơ thành, Trình Anh bẩm minh sư phụ, đi lên phương bắc tìm biểu muội, tại vùng Quan Thiểm gặp Dương Quá và Lục Vô Song, người cảnh báo nguy hiểm, rồi đang đêm cứu giúp, chính là nàng. Sau trận mấy thiếu niên nam nữ hợp sức chống trả Lý Mạc Sầu, nàng đưa Lục Vô Song tới cánh rừng hoang này, làm nhà tranh trị thương. Mấy hôm trước Lục Vô Song một mình đi ra ngoài, lâu không về. Trình Anh lo lắng đi tìm, thấy Hoàng Dung bày “loạn thạch trận” chống chọi Kim Luân pháp vương. Kỳ môn trận pháp này, nàng cũng đã được Hoàng Dược Sự truyền thụ, tuy biết không nhiều, nhưng nàng học kỹ, may sao cứu được Dương Quá đưa về đây.
Lục Vô Song nói:
- Tình hình khẩn cấp thế này, hai vị còn khách sáo đa lễ làm gì kia chứ?
Dương Quá hỏi:
- Rồi Lý Mạc Sầu trông thấy cô nương à?
Lục Vô Song nói:
- Huynh hỏi mới tức cười chứ? Nếu để nữ ma đầu nhìn thấy, thì muội còn chạy thoát được về đây ư? Muội nhìn thấy cái chuông vàng đeo ở cổ con lừa hoa, bèn nấp vào sau quán trà, không dám thở mạnh nữa; nghe nữ ma đầu hỏi dò tin tức trong quán; rằng có nhìn thấy hai tiểu cô nương, một đi cà nhắc, một xấu như ma lem, hay không. Biểu tỷ, nữ ma đầu gọi biểu tỷ là cô nương xấu như ma lem, không biết rằng biểu tỷ là một mỹ nhân…
Trình Anh hơi đỏ mặt, nói:
- Biểu muội đừng nói thế, Dương thiếu hiệp cười cho đấy.
Dương Quá nói:
- Ta thì thiếu hiệp cái gì kia chứ? Cô nương cứ gọi Dương Quá là được rồi.
Lục Vô Song nguýt một cái, nói:
- Huynh vừa gặp biểu tỷ của muội thì đã khép na khép nép, cả họ lẫn tên đều khai ra hết, còn với muội thì giả vờ ngớ ngẩn để đánh lừa người ta.
Dương Quá mỉm cười, nói:
- Cô nương cứ nhiếc ta là Đồ Ngốc, thì ta liền vâng lời làm Đồ Ngốc, như thế còn chưa phải là khép nép ngoan ngoãn hay sao?
Lục Vô Song bĩu môi, nói:
- Cứ chờ đấy, rồi muội sẽ tính sổ với huynh.
Nàng quay sang nói với Trình Anh:
- Biểu tỷ thường mang mặt nạ tới thị trấn mua gạo muối, vật dụng, mọi người ở đấy đều biết biểu tỷ; chủ quán trà cũng không ngờ Lý Mạc Sầu là một đạo cô xinh đẹp thanh nhã như thế mà lại tàn ác, nên mới kể cho mụ ta biết chỗ ở của chúng ta. Nữ ma đầu cảm tạ, rồi hỏi ở thị trấn có thể nghỉ đêm tại nơi nào, sau đó cùng Hồng Lăng Ba sư tỷ đi tìm nhà trọ. Mụ ta nóng lòng hại người, chắc là sáng ra sẽ đi ngay, coi như chúng ta còn ba canh giờ nữa.
Trình Anh nói:
- Đúng thế. Năm trước nữ ma đầu đến nhà biểu muội cũng là vào cuối giờ Dần đầu giờ Mão.
Ba người kể lại việc năm đó Lý Mạc Sầu đã hạ độc thủ sát hại cha mẹ Lục Vô Song như thế nào, mới biết ba người hồi ấy từng gặp nhau ở Gia Hưng, Trình Anh và Lục Vô Song còn tới cái nhà hầm hoang phế là chỗ trú thân của Dương Quá, nhớ lại thời ấy, cả ba không khỏi cảm thấy thêm phần thân thiết.
Dương Quá nói:
- Nữ ma đầu võ công cao cường, dù ta không bị thương, cả ba chúng ta hợp lực cũng không địch nổi mụ ta. Chi bằng chúng ta cứ theo bài cũ, chuồn đi thì hơn.
Trình Anh gật đầu, nói:
- Chúng ta còn ba canh giờ nữa. Con ngựa của Dương huynh rất hay, chúng ta chạy đi, nữ ma đầu vị tất đã đuổi kịp.
Lục Vô Song nói:
- Đồ Ngốc, huynh bị thương, có cưỡi ngựa được hay không?
Dương Quá thở dài:
- Không cưỡi được thì cũng phải cố, còn hơn rơi vào tay nữ ma đầu.
Lục Vô Song nói:
- Chúng ta chỉ có một con ngựa. Biểu tỷ, biểu tỷ hãy đưa Dương huynh chạy về hướng tây, muội sẽ nghi binh, dụ nữ ma đầu đuổi về hướng đông.
Trình Anh hơi đỏ mặt, nói:
- Không, biểu muội hãy đi với Dương huynh. Tỷ với Lý Mạc Sầu không có thâm cừu đại oán, mụ ta có bắt được, cũng không hẳn sẽ sát hại tỷ. Muội mà sa vào tay mụ ta thì nguy lắm.
Lục Vô Song nói:
- Nếu nữ ma đầu đuổi kịp muội, thấy muội đi cùng Dương huynh, chẳng hóa ra làm liên lụy đến Dương huynh hay sao?
Hai thiếu nữ cứ mỗi người một câu nhường cho nhau đi cùng với Dương Quá.
Dương Quá nghe một hồi, vô cùng cảm động, nghĩ hai cô nương này đều là người có nghĩa khí, trong lúc nguy cấp cam lòng mạo hiểm cứu mạng chàng, dù chàng có bị nữ ma đầu giết hại, cũng coi như đã sống một cuộc đời không uổng phí.
Chỉ nghe Lục Vô Song nói:
- Đồ Ngốc, huynh hãy nói một lời xem nào, huynh muốn biểu tỷ của muội đi trốn cùng huynh, hay là muốn muội đi cùng?
Dương Quá chưa trả lời, Trình Anh nói:
- Sao biểu muội còn gọi Dương huynh là Đồ Ngốc mãi thế, không sợ Dương huynh giận hay sao?
Lục Vô Song lè lưỡi, cười:
- Trông biểu tỷ kìa, biểu tỷ đối với Ngốc huynh hiền dịu như thế, chắc là Ngốc huynh sẽ chọn biểu tỷ đi cùng.
Nàng đổi cách xưng hô, gọi Dương Quá là Ngốc huynh, coi như đã lùi một bước.
Trình Anh da mặt trắng trẻo, rất dễ đỏ mặt, bị biểu muội nói thế, lập tức ngượng đỏ bừng cả mặt như một đóa hồng, cười, trêu lại:
- Người ta gọi biểu muội là “tức phụ nhi”, phải không nào? Đã là tức phụ nhi, không theo chàng sao được?
Lần này đến lượt Lục Vô Song đỏ mặt, giơ hai tay túm lấy Trình Anh, Trình Anh bỏ chạy. Gian nhà tranh lập tức ồn ào vui vẻ, ba người không còn lo sợ như lúc đầu nữa.
Dương Quá nghĩ thầm: “Nếu Trình cô nương đưa ta chạy trốn, tức phụ nhi sẽ khó toàn mạng; nếu tức phụ nhi đi với ta, Trình cô nương cũng muôn phần nguy hiểm”. Bèn nói:
- Hai cô nương đối đãi như vậy, ta cảm kích vô cùng. Ta nghĩ hay là hai cô nương mau trốn đi, để ta ở lại đây đối phó với nữ ma đầu. Sư phụ ta với mụ ta là sư tỷ muội, mụ ta cũng phải nể tình hương hỏa; huống hồ mụ ta sợ sư phụ, sẽ không dám giết…
Lời chàng chưa dứt, Lục Vô Song đã cướp lời:
- Không được, không được!
Dương Quá nghĩ bụng hai người không ai chịu đi với mình, bèn cao giọng nói:
- Ba chúng ta kết bạn đồng hành, nếu nữ ma đầu đuổi kịp, cả ba sẽ liều mình tử chiến, sống chết tùy ý trời.
Lục Vô Song vỗ tay, nói:
- Đúng, cứ thế đi.
Trình Anh ngẫm nghĩ một lát, nói:
- Nữ ma đầu đến như gió lốc, ba người cùng đi, nhất định mụ ta sẽ đuổi kịp ngay. Tử chiến với mụ ta ở dọc đường, chẳng bằng ta cứ ở lại đây dĩ dật đãi lao.
Dương Quá nói:
- Đúng đấy. Trình cô nương biết thuật Kỳ môn độn giáp, ngay Kim Luân pháp vương còn bị vây khốn, thì Xích Luyện Tiên Tử chắc gì đã phá nổi.
Lời vừa nói đem lại cho ba người một tia hi vọng. Trình Anh nói:
- “Loạn thạch trận” là do Quách phu nhân bố trí, muội chỉ nhân đó biến hóa đôi chút là xong, chứ bảo muội tự bày trận, thì quả thật chưa đủ tài. Thôi thì chúng ta cứ gắng hết sức, còn sống chết tùy ở ông trời. Biểu muội, hãy ra đây giúp tỷ nào.
Dương Quá nghĩ thầm: “Quách bá mẫu dạy ta cách biến đổi trận pháp, ta nhớ được mươi cách, chỉ dùng để dẫn dụ cái lão Tạng tăng gớm ghiếc Kim Luân pháp vương vào trận, chứ chẳng thể ngăn chặn nổi cái mụ Lý Mạc Sầu oán trời giận đất này. Cái môn công phu ấy quả rắc rối vô cùng, muốn thành thạo, bỏ công sức một hai năm chẳng thể xong. Trình cô nương còn ít tuổi, sở học dĩ nhiên không theo kịp Quách bá mẫu, lời nàng vừa nói cũng không phải là khiêm nhường. Nhưng trận thế do nàng bố trí dẫu đơn giản cách mấy, cũng còn hơn là không có”.
Hai cô nương mang cuốc xẻng ra khỏi nhà, đào đất, khiêng đá, bày trận. Hơn một canh giờ sau, nghe có tiếng gà gáy xa xa, Trình Anh mồ hôi nhễ nhại, nhìn thổ trận của mình so với “loạn thạch trận” của Hoàng Dung thực không ra gì, thì trong lòng buồn bã: “Tài năng của Quách phu nhân thật gấp ta trăm lần. Cái thổ trận thô sơ thế này làm sao ngăn chặn Xích Luyện ma đầu kia chứ?” Sợ biểu muội và Dương Quá thất vọng, nàng không dám nói ra.
Dưới ánh trăng, Lục Vô Song thấy sắc mặt biểu tỷ có vẻ lạ, biết Trình Anh không nắm chắc trận pháp, bèn lấy ra một quyển sách, đi vào phòng đưa cho Dương Quá, nói:
- Dương huynh, đây là quyển “Ngũ độc bí truyền” của sư phụ muội.
Dương Quá thấy bìa cuốn sách đỏ như máu, thì hơi rờn rợn. Lục Vô Song nói:
- Muội nói dối sư phụ muội, rằng quyển sách bị Cái Bang lấy mất. Khi sư phụ bắt được muội, mụ ta sẽ lục thấy nó. Dương huynh chỉ cần xem qua một lần, nhớ rồi thì hãy hủy nó đi.
Nàng và Dương Quá lâu nay chưa lần nào nói năng nghiêm túc với nhau, bây giờ nghĩ chẳng còn sống được mấy lúc nữa, thì không còn bụng dạ nào đùa giỡn.
Dương Quá thấy nàng nghiêm túc, thì gật đầu cầm lấy.
Lục Vô Song lại lấy ra một tấm khăn, nói nhỏ:
- Nếu Dương huynh không may sa vào tay nữ ma đầu, mụ ta định giết hại huynh, thì huynh hãy đưa cái này cho mụ ta.
Dương Quá thấy một trong bốn mặt của tấm khăn tua tua, rõ ràng nó bị xé ra từ mảnh vải gì đó, bông hoa hồng thêu trên khăn cũng chỉ có một nửa, chàng chưa biết dụng ý của nàng nên chưa nhận, hỏi:
- Là cái gì vậy?
Lục Vô Song nói:
- Là cái mà muội nhờ huynh giao cho nữ ma đầu, huynh có đáp ứng hay không?
Dương Quá gật đầu, nhận lấy, để bên gối. Lục Vô Song bước tới, nhặt lên, nhét vào túi áo chàng, nói nhỏ:
- Đừng để cho biểu tỷ của muội biết đấy.
Đột nhiên ngửi thấy mùi đàn ông từ người chàng tỏa ra, nhớ tới lần cởi áo nắn xương, ngủ chung một giường hôm nào, trong lòng nao nao, ngơ ngẩn nhìn chàng, rồi quay mình bước ra.
Dương Quá thấy cái nhìn vừa rồi của nàng vô cùng đắm đuối, thì trống ngực cũng đập dồn. Chàng giở sách ra xem, nhớ kỹ cách giải “Ngũ độc thần chưởng” và độc tính của “Băng phách ngân châm”, nghĩ thầm: “Hai loại giải dược này đều rất khó chế luyện, nhưng nếu hôm nay ta thoát chết, ngày sau sẽ rất hữu dụng”.
Bỗng nghe có tiếng kẹt cửa, chàng ngẩng đầu lên, thấy Trình Anh hai má đỏ bừng, bước lại bên giường, mồ hôi lấm tấm trên trán, hơi thở dồn dập, nói:
- Dương huynh, thổ trận mà muội bố trí ở bên ngoài hết sức thô thiển, chắc không ngăn nổi Xích Luyện Tiên Tử.
Nói đoạn lấy ra một tấm khăn, đưa cho chàng, nói:
- Nếu mụ ta xông vào đây, huynh hãy đưa tấm khăn này cho mụ ta.
Dương Quá thấy tấm khăn này y hệt tấm khăn Lục Vô Song vừa đưa chàng, lấy làm lạ, ngẩng nhìn, bắt gặp ánh mắt của nàng, dưới ánh đèn thấy nàng nước mắt lưng tròng, có vẻ e thẹn, đang định hỏi, thì nàng đỏ bừng cả mặt, nói nhỏ:
- Đừng để cho biểu muội của muội biết đấy.
Nói xong bước ra ngoài.
Dương Quá lấy trong túi ra tấm khăn của Lục Vô Song, ghép lại, quả nhiên là hai nửa của một tấm khăn lụa bị xé đôi, lụa đã cũ, phai màu vàng, nhưng bông hồng thêu thì vẫn đỏ hồng tươi rói. Chàng ngắm hai nửa tấm khăn, biết bên trong nhất định có thâm ý, tại sao hai nàng lại cùng trao cho chàng? Tại sao lại bảo chàng hãy đưa cho Lý Mạc Sầu? Tại sao cả hai nàng đều không muốn người kia biết chuyện? Tại sao lúc trao khăn cho chàng, cả hai nàng cùng đỏ mặt e thẹn?
Chàng ngồi trên giường ngẩn ngơ xuất thần, lại nghe xa xa có tiếng gà gáy, rồi tiếng tiêu dìu dặt nổi lên, chắc là Trình Anh đã bày trận xong xuôi, thổi tiêu để đỡ lo buồn, nàng thổi khúc “Lưu ba”, tiếng tiêu réo rắt, không hề có ý bi thương, nghe tựa hồ người thổi tiêu đang ở trong tâm trạng vui vẻ, vô tư. Dương Quá nghe một lát, liền cất tiếng hát theo.
Lục Vô Song ngồi sau động đất, nghe biểu tỷ và Dương Quá người thổi tiêu, người hòa ca, phương đông rạng dần, nghĩ thầm: “Sư phụ sắp ập đến đây, tính mạng của mình sắp tuyệt, chỉ mong sư phụ nhìn thấy tấm khăn, sẽ tha chết cho Dương huynh và biểu tỷ, hai người ấy…”
Lục Vô Song tính nết vốn đáo để, từ nhỏ trong mọi chuyện Trình Anh đều nhường nhịn nàng vài phần. Nhưng giờ đây lâm nguy, nàng chỉ mong Dương Quá bình an vô sự, ước sao tai qua nạn khỏi, Dương Quá và biểu tỷ sẽ kết thành đôi uyên ương, thì nàng có chết cũng cam lòng.
Đang mải nghĩ, chợt ngẩng lên, thấy bên ngoài đống đất sừng sững một đạo cô áo vàng, tay phải cầm ngang cây phất trần, gió lay động tay áo, chính là sư phụ Lý Mạc Sầu.
Lục Vô Song giật mình, rút kiếm đứng dậy. Lý Mạc Sầu đứng im, dỏng tai nghe.
Nguyên Lý Mạc Sầu đang nghe tiếng tiêu hòa với tiếng hát, hồi tưởng tình cảnh nàng ta cùng với ái lữ (người bạn tình) Lục Triển Nguyên thời trước vẫn thường cùng nhau hòa tấu khúc nhạc “Lưu ba” này. Đấy là chuyện hai mươi năm trước, bây giờ âm vận thì vẫn như cũ, nhưng đã là “trăng gió vô tình người đổi dạ”, tai nghe tiếng tiêu hòa với lời ca, vô cùng vương vấn, đột nhiên đau đớn hết chịu nổi, liền khóc tướng lên.
Tiếng khóc bi thương thật là hoàn toàn bất ngờ đối với Lục Vô Song. Nàng vốn chỉ quen thấy sư phụ nghiêm khắc hung sát, chưa một lần mềm yếu khóc than. Tại sao mụ ta đến đây là để báo oán sát nhân, lại đứng ngoài cổng mà khóc một cách đau đớn như vậy? Nghe tiếng khóc cực kỳ sầu thảm, tưởng chừng đứt ruột của Lý Mạc Sầu, nàng cũng không khỏi nao lòng.
Lý Mạc Sầu đứng khóc, Dương Quá và Trình Anh cũng rất đỗi kinh ngạc, tiếng tiêu và tiếng ca lập tức tán loạn. Lý Mạc Sầu đột nhiên ngừng khóc, cất tiếng ca, âm điệu thê lương, ca rằng:
問世間
Vấn thế gian
情是何物
Tình thị hà vật
直教生死相許
Trực giáo sinh tử tương hứa
天南地北雙飛客
Thiên nam địa bắc song phi khách
老翅幾回寒暑
Lão sí kỷ hồi hàn thử
歡樂趣
Hoan lạc thú
離別苦
Ly biệt khổ
就中更有癡兒女
Tựu trung cánh hữu si nhi nữ
君應有語
Quân ứng hữu ngữ
渺萬里層云
Diểu vạn lý tằng vân
千山暮雪
Thiên San mộ tuyết
只影向誰去
Chích ảnh hướng thùy khứ
Tình là chi hỡi thế gian
Câu thề sinh tử đa mang một đời
Trời Nam đất Bắc đôi nơi
Cánh chim rũ mỏi mấy hồi hàn ôn
Vui ân ái, biệt ly buồn
Si tình nhi nữ khởi nguồn bi hoan
Tiếng xưa xa khuất mây ngàn
Về đâu bóng lẻ Thiên San tuyết chiều°
(° Dịch thơ Vi Nhất Tiếu)
Khúc nhạc “Lưu ba” vốn là khúc hoan ca, lời ca của Lý Mạc Sầu lại bi thương, ai oán, thanh điệu khác hẳn, tiếng ca càng lúc càng lên cao, Trình Anh tâm thần hơi loạn, khi Lý Mạc Sầu hát ba chữ “Hoan lạc thú” chuyển qua “Ly biệt khổ”, giọng ngâm cao vút, âm điệu gấp gáp, tiếng tiêu của Trình Anh không lên theo nổi do tiêu vận thanh hòa, mà nội lực của nàng còn non. Nàng do dự một chút, rồi chạy vào phòng, bỏ cây tiêu xuống, ngồi gảy cây dao cầm. Dương Quá cũng lên cao giọng để trợ thế. Chỉ nghe tiếng ca của Lý Mạc Sầu càng vút lên, sợi dây đàn của Trình Anh cũng căng lên theo, “phựt” một tiếng, sợi dây “Chủy” đứt luôn.
Trình Anh sợ hãi, ngón tay hơi loạn, sợi thứ hai của cây đàn là dây “Vũ” đứt phựt. Tiếng ca của Lý Mạc Sầu ngân dài cùng tiếng khóc, sợi thứ ba của cây đàn là dây “Cung” đứt luôn.
Gảy đàn và thổi sáo, Trình Anh đều học ở Hoàng Dược Sư, tuy có minh sư truyền thụ, nhưng nàng còn ít tuổi, thành tựu có hạn. Lý Mạc Sầu vốn có thể thừa cơ đối phương bị đứt dây đàn, tâm ý hoảng loạn, mà xông thẳng vào, nhưng thấy thổ trận trước căn nhà tranh trông tưởng là lổn nhổn, kỳ thực ẩn tàng sự biến hóa Ngũ hành sinh khắc. Lý Mạc Sầu không am hiểu trận pháp loại này, trong “Hoạt tử nhân mộ” từng mấy lần bị mai phục trúng thương, không tránh khỏi lo ngại. Nàng ta chợt nảy ra một kế, liền vòng sang bên hông, vừa cao giọng ca, vừa đạp vách nhảy vào.
Thổ trận của Trình Anh đây một đống đất, kia một mô đất, hoàn toàn chỉ để giữ cổng, không nghĩ đến việc vách nhà tranh không kiên cố, Lý Mạc Sầu không vào lối cổng, mà vòng ra bên hông nhà, phá vách xông vào. Lục Vô Song cả kinh, vung kiếm chạy vào nhà.
Dương Quá đang bị thương, không thể đứng lên đối địch, đành nằm bất động. Trình Anh nghĩ rằng động thủ với Lý Mạc Sầu chỉ uổng mạng, bèn quyết ý bất chấp sinh tử, điều huyền chuyển luật, gảy khúc nhạc “Đào yêu”. Khúc nhạc này hoa mỹ xán lạn, tràn ngập giai điệu hoan hỉ. Nàng nghĩ thầm: “Ta một đời cô khổ, hôm nay được chết bên cạnh Dương đại ca, kể cũng không uổng”. Nàng liếc về phía Dương Quá. Dương Quá mỉm cười với nàng, Trình Anh cảm thấy trong lòng êm dịu, sung sướng, thầm ca:
桃之夭夭
Đào chi yêu yêu
灼灼其華
Chước chước kỳ hoa
Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng bát ngát dưới trời xuân trong °
( °Hai câu thơ này xuất xứ từ khúc Đào yêu, là một bài dân ca Chu Nam, thuộc phần Quốc phong trong Kinh Thi, bản dịch thơ của Tạ Quang Phát (có sửa đổi đôi chút).
Tiếng đàn reo vui, nghe như có tiếng gió xuân, có hoa thơm đua nở.
Vẻ sầu khổ của Lý Mạc Sầu giảm dần, nàng ta hỏi Lục Vô Song:
- Quyển sách ấy đâu? Rốt cuộc là Cái Bang có lấy đi không?
Dương Quá đưa quyển “Ngũ độc bí truyền” cho Lý Mạc Sầu, nói:
- Hoàng bang chủ, Lỗ bang chủ Cái Bang đại nhân đại nghĩa, đời nào sử dụng cuốn tà thư này? Họ đã truyền ngay lệnh, bang chúng đệ tử không ai được giở xem một trang cuốn sách này.
Lý Mạc Sầu thấy cuốn sách còn nguyên vẹn, thì cả mừng, biết Cái Bang hành sự chính phái, luật lệnh nghiêm minh, chắc quả là họ chưa giở ra xem.
Dương Quá lại lấy trong túi ra hai nửa tấm khăn thêu, trải ở đầu giường, nói:
- Mời đạo cô hãy mang cả đi cho!
Lý Mạc Sầu biến sắc, dùng cây phất trần cuốn lấy hai mảnh khăn, ngẩn ngơ cầm trong tay, nhất thời bao nhiêu ý nghĩ dồn dập trong óc, tâm thần bất định. Trình Anh và Lục Vô Song đưa mắt nhìn nhau, cùng đỏ mặt, người này không ngờ người kia đưa khăn cho Dương Quá, để bây giờ chàng đưa ra.
Một phen người này nhìn người kia, ai nấy tâm sự trào dâng, thu ba dào dạt, sát khí trong căn nhà tranh tức thời hóa thành tình ý đậm đà. Khúc nhạc “Đào yêu” được Trình Anh gảy càng triền miên hoan hỉ.
Đột nhiên Lý Mạc Sầu xé hai mảnh khăn làm bốn, nói:
- Chuyện cũ đã quên, nhắc lại làm chi?
Rồi xé vụn bốn mảnh khăn, tung lên không, các mảnh vụn rơi lả tả như hoa lê rụng. Trình Anh giật mình, lại làm đứt thêm một sợi dây đàn.
Lý Mạc Sầu quát:
- Đứt nữa này!
Trong tiếng bi ca, quả nhiên dây “Giốc”, sợi thứ năm của cây đàn, đứt luôn. Lý Mạc Sầu cười khẩy, nói:
- Bây giờ ta muốn ba đứa ngươi sống không được, chết chẳng xong, phải ôm mặt mà khóc!
Lúc này cây đàn dao chỉ còn hai sợi, cầm nghệ của Trình Anh vốn chỉ vào loại tầm thường, tự nàng khó tạo nên khúc điệu. Lý Mạc Sầu nói:
- Mau gảy vài âm thê thảm! Thế gian đầy khổ não, có gì là lạc thú?
Trình Anh gảy hai tiếng, tuy không thành điệu, nhưng vẫn là âm luật của Đào chi yêu yêu. Lý Mạc Sầu quát:
- Được lắm, ta sẽ giết một đứa trước, xem bọn bay có đau buồn hay không?
Tiếng quát này làm cho tiếng hát ngừng bặt, làm đứt thêm một sợi dây đàn, Lý Mạc Sầu giơ cây phất trần định đánh xuống đầu Lục Vô Song.
Dương Quá cười, nói:
- Ba người bọn ta hôm nay được cùng chết với nhau thật là sướng bằng mấy cuộc sống cô đơn của đạo cô trên thế gian. Anh muội, Song muội, hai muội lại đây với huynh nào.
Trình Anh và Lục Vô Song đến bên giường. Dương Quá tay trái cầm tay Trình Anh, tay phải cầm tay Lục Vô Song, cười, nói:
- Ba đứa mình cùng chết với nhau, trên đường xuống suối vàng tha hồ cười đùa, chẳng thú hơn con mụ độc ác kia hàng chục lần hay sao?
Lục Vô Song cười, đáp:
- Đúng thế, Chàng Ngốc, chàng nói không sai chút nào.
Trình Anh mỉm cười hiền dịu. Hai thiếu nữ được Dương Quá nắm tay, đều ngây ngất trong lòng. Dương Quá nghĩ thầm: “Ôi, tiếc rằng không có cô cô ở bên ta”, chàng tươi cười, kéo hai thiếu nữ sát lại, ngả vào người chàng.
Lý Mạc Sầu nghĩ bụng: “Tên tiểu tử này nói không sai, ba đứa chúng nó chết thế này, hóa ra sướng hơn ta sống. Hừ, thiên hạ đâu có chuyện dễ dàng như thế? Ta phải làm cho các ngươi đau đớn khổ sở trước khi chết kia”. Mặt sa sầm, nàng ta khe khẽ hát, âm điệu lúc nối lúc đứt, khi nghẹn ngào khi nức nở, như oan hồn nỉ non trong đêm.
Tình là chi hỡi thế gian
Câu thề sinh tử đa mang một đời...
Dương Quá và hai thiếu nữ tay trong tay, nghe một hồi, bất giác lòng dạ bi ai. Dương Quá nội lực cao hơn, ngưng thần bất động, vẻ mặt nửa như đang cười. Lục Vô Song cứng cỏi, không dễ bị kích động; Trình Anh thì không nhịn được, nước mắt rơi lã chã. Tiếng ca của Lý Mạc Sầu càng lúc càng thấp, cuối cùng chỉ như một sợi dây mảnh, như có như không. Lý Mạc Sầu chỉ đợi ba người cùng rơi nước mắt, là mụ sẽ vung cây phất trần đánh chết cả ba. Tiếng ca thê thảm đang rên rỉ, bỗng nghe có tiếng cười ha hả, rồi một người vừa vỗ tay vừa hát, đi vào nhà.
Giọng hát là của nữ nhân, tuổi đã không còn nhỏ, song lại hát bài đồng dao hồn nhiên vui vẻ của nhi đồng:
Cô dâu chú rể
Đội rế lên đầu
Đi qua đầu cầu
Đánh rơi mất rế…
Tiếng ca vui nhộn át hẳn tiếng ca bi thảm của Lý Mạc Sầu. Chỉ nghe người kia mỗi lúc một tới gần, từ ngoài cổng đã tiến thẳng vào, là một phụ nữ trung niên đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, hai mắt mở to, cười như một kẻ ngớ ngẩn, tay cầm một chiếc que cời than.
Lý Mạc Sầu kinh ngạc: “Làm sao mụ kia có thể dễ dàng vượt qua thổ trận, đi thẳng qua cổng vào đây? Nếu không phải là đồng bọn của ba đứa này, thì mụ ta phải tinh thông thuật Kỳ môn độn giáp”. Lý Mạc Sầu mải nghĩ sang chuyện khác, sức tác động người khác của tiếng ca bi thảm lập tức suy giảm.
Trình Anh nhìn thấy nữ nhân kia thì cả mừng, nói:
- Sư tỷ, người này muốn hại muội, sư tỷ mau giúp muội với.
Người phụ nữ kia là Khúc cô, vai vế ở dưới Trình Anh một bậc, nhưng tuổi hơn gấp đôi, nên Trình Anh mới gọi là sư tỷ.
Chỉ nghe Khúc cô lại vỗ tay, cao giọng hát hết bài “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao” lại đến bài “Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa”, có lúc nhớ lộn chữ này sang chữ kia. Lý Mạc Sầu muốn dùng tiếng ca sầu khổ át tiếng hát vui nhộn, đâu ngờ Khúc cô vốn không hề biết phiền não khổ sở là gì, trong đầu là một khối hỗn độn, tác động tinh thần từ bên ngoài có mạnh đến mấy, cũng chẳng làm gì được Khúc cô; Lý Mạc Sầu bị Khúc cô phá rối, thì cả giận, nghĩ thầm: “Phải đập chết mụ này đi đã”, tiếng ca chưa dứt, đã vung cây phất trần đánh Khúc cô.
Năm xưa Hoàng Dược Sư hối hận vì mình hành sự thiếu sáng suốt, làm cho đệ tử Khúc Linh Phong bị địch giết hại, nên đã thu dưỡng nữ nhi của Khúc Linh Phong là Khúc cô, thề sẽ truyền thụ mọi bản sự cho Khúc cô. Nhưng Khúc cô chứng kiến cảnh phụ thân bị giết hại, quá kinh sợ mà mất trí, Hoàng Dược Sư tốn bao tâm huyết chữa trị và dạy bảo, song sức người vẫn không thắng nổi số trời, đừng nói học lấy một nửa võ công của Hoàng Dược Sư, mà ngay nhớ thêm vài chữ, biết sử vài pho võ công thô thiển, cũng là việc cực khó đối với Khúc cô. Tuy vậy, hơn mười năm trở lại đây, với sự kiên trì chỉ dẫn của minh sư, Khúc cô cũng luyện được một pho chưởng pháp, một pho xoa pháp (xoa: chiếc que cời). Gọi là pho, kỳ thực mỗi môn chỉ gồm ba chiêu. Hoàng Dược Sư biết rằng dù biến hóa kỳ chiêu thế nào chăng nữa, thì Khúc cô cũng không nhớ nổi, thế nên nghĩ hết cách, sáng tạo ra ba chiêu chưởng pháp, ba chiêu xoa pháp. Sáu chiêu cứng nhắc, hoàn toàn không có biến hóa gì hết, uy lực chỉ dựa vào công kình mà thôi. Người thường luyện võ, ít cũng vài chục chiêu, nhiều thì ngàn chiêu biến hóa, đàng này Khúc cô chỉ luyện sáu chiêu, luyện mãi tự nhiên thành thạo, tinh thuần, chiêu số tuy ít, nhưng rất lợi hại.
Còn chuyện Khúc cô vượt qua thổ trận, thì đó là vì Khúc cô sống lâu năm ở Đào Hoa đảo, trận pháp mà Trình Anh bố trí chỉ là công phu thô thiển so với ở Đào Hoa đảo, Khúc cô chỉ nhìn qua đã hiểu, nên mới đi vào dễ dàng.
Lúc này Khúc cô thấy cây phất trần của Lý Mạc Sầu đánh tới, bèn đâm ngang chiếc que cời về phía đối phương. Lý Mạc Sầu nghe tiếng que cời đâm tới nhanh và mạnh khôn tả, không khỏi cả kinh: “Không ngờ mụ kia lại có công lực thâm hậu thế này”, vội né người sang bên trái, vung cây phất trần đánh vào gáy Khúc cô. Khúc cô chẳng thèm để ý chiêu số của đối phương thế nào, chiếc que cời cứ đâm thẳng. Cây phất trần của Lý Mạc Sầu đã chuyển hướng, cuốn lấy đầu chiếc que cời. Khúc cô coi như không nhìn thấy, chiếc que cời vẫn cứ đâm thẳng. Lý Mạc Sầu vận kình giật mạnh, chiếc que cời không hề dao động, trong chớp mắt sẽ đâm tới giữa ngực Lý Mạc Sầu. Lý Mạc Sầu võ công cao cường đến mấy, cũng phải cuống quít sử chiêu “Đảo chuyển thất tinh bộ”, nhảy lùi ra phía sau, làm thủng cả vách nhà, mới tránh được cú đâm kinh hồn táng đởm, song vẫn sợ vã mồ hôi hột. Lý Mạc Sầu định thần, lại xông vào nhà, tung mình lên, vung cây phất trần đánh xuống. Khúc cô lấy bất biến ứng vạn biến, lại đâm ngang chiếc que cời, nhưng lần này đối phương đã nhảy lên cao, nên Khúc cô chĩa đầu que cời vào bụng dưới của nàng ta. Lý Mạc Sầu thấy thế đến của chiếc que cời mạnh mẽ, vội chuyển cây phất trần, dùng cán gạt ngang, mượn thế nhảy tránh đi. Tránh xong rồi, Lý Mạc Sầu sững sờ nhìn Khúc cô, nghĩ thầm: “Ba chiêu công kích vừa rồi của ta, mỗi chiêu đều ẩn chứa chín cách biến hóa, mười hai hậu chiêu, dù mụ kia có là một vị cao thủ võ lâm, cũng quyết không thể coi như không thế được. Mụ ta chỉ có mỗi một chiêu đâm que cời ngang ngực, thế mà vô hình trung đã hóa giải cả sáu mươi ba chiêu biến hóa của ta. Mụ này võ công cao thâm khôn lường, mình phải chuồn thôi!”
Ai dè xoa pháp của Khúc cô vỏn vẹn chỉ có ba chiêu, chỉ cần đấu thêm một lát, Lý Mạc Sầu ắt sẽ thấy rõ cách xuất thủ của đối phương, dễ dàng thủ thắng. Người ta bảo Trình Giảo Kim chỉ có ba cái búa, thì Khúc cô cũng chỉ có ba chiêu que cời, mới sử dụng mỗi một chiêu xoa pháp, đã đánh đuổi được kẻ địch có võ công cực kỳ lợi hại, Đào Hoa đảo chủ kể cũng đáng tự hào.
Lý Mạc Sầu quay người, định nhảy qua chỗ vách thủng ra ngoài, thì bỗng thấy cạnh chỗ đó có một vị thanh y lão nhân đang ngồi vuốt chòm râu dài, chính là Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư, người đã cứu Trình Anh khỏi tay nàng ta. Hoàng Dược Sư đặt cây đàn dao mà Trình Anh ban nãy đã gảy trên một chiếc chõng thấp. Trong lúc giao chiến, Lý Mạc Sầu mắt nhìn sáu đường, tai nghe tám phía, nhưng Hoàng Dược Sư bước vào, cầm cây đàn, ngồi xuống, mà nàng ta hoàn toàn không hay biết, nếu Hoàng Dược Sư ám toán sau lưng, thì lấy mạng nàng ta có khác gì dễ như trở bàn tay?
Khi đối chiêu với Khúc cô, Lý Mạc Sầu sợ bọn Trình Anh liên thủ tham chiến, nàng vẫn cứ dùng khúc bi ca để làm rối loạn tâm thần của ba người, lúc này thấy Hoàng Dược Sư ngồi xuống gảy đàn, thì giật mình, lập tức ngừng hát.
Hoàng Dược Sư gảy một tiếng đàn, cất tiếng ca:
Tình là chi hỡi thế gian
Câu thề sinh tử đa mang một đời...
Vẫn là ca khúc mà Lý Mạc Sầu vừa hát. Cây dao cầm chỉ còn một sợi là dây “Vũ”, nhưng trên một sợi dây đàn này, Hoàng Dược Sư vẫn gảy ra đủ năm âm luật Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ; mà cầm vận còn bi thiết hơn cả tiếng ca của Lý Mạc Sầu.
Khúc ca này Lý Mạc Sầu hát đã thuộc, Hoàng Dược Sư vừa biến điệu, cảm ứng sinh ra trong lòng nàng ta còn mạnh gấp hàng chục lần hơn bọn Dương Quá. Hoàng Dược Sư sớm biết Lý Mạc Sầu tác ác đa đoan, hôm nay rất muốn nhân cơ duyên này mà trừ khử nàng ta. Năm xưa Hoàng Dược Sư từng dùng một cây ngọc tiêu đấu với cái thiết tranh (cái diều) của Âu Dương Phong và tiếng hú của Hồng Thất Công, bất phân thắng bại. Bây giờ khí lực đã suy giảm vì tuổi tác, nội lực thì càng ngày càng thâm sâu, Lý Mạc Sầu làm sao địch nổi? Trong giây lát nàng ta đã bị nhiễm cảm, dao động không thể kiềm chế được.
Tiếng cầm ca của Hoàng Dược Sư hòa với nhau, chợt hoan lạc, chợt phẫn nộ, chợt vút lên hiên ngang, chợt hạ xuống quằn quại, khiến nàng ta cũng chợt vui chợt buồn, chợt nộ chợt sầu, ca khúc này kết thúc, Lý Mạc Sầu chắc chắn sẽ phát cuồng.
Giữa lúc đó Khúc cô ngoảnh đầu, bỗng nhìn thấy Dương Quá, dưới ánh đèn trông chàng giống hệt phụ thân chàng là Dương Khang. Khúc cô sợ nhất là hồn ma; cái cảnh tượng ngày xưa Dương Khang bị trúng độc mà chết, đã in sâu trong óc Khúc cô vĩnh viễn không quên, giờ bỗng nhìn thấy Dương Quá ngồi ngây chỗ kia, ngỡ là Dương Khang hiện hồn về, Khúc cô vội nhảy dựng lên, chỉ Dương Quá, kêu thất thanh:
- Dương… Dương huynh đệ, huynh đệ đừng… hại… không phải ta sát hại huynh đệ, huynh đệ đừng… hãm hại…người khác.
Hoàng Dược Sư không ngờ Khúc cô ở bên cạnh phá rối, “tăng” một cái, sợi dây đàn cuối cùng đứt phựt. Khúc cô nấp vào sau lưng sư tổ, kêu to:
- Ma… ma… gia gia, là hồn ma của Dương huynh đệ kìa.
Lý Mạc Sầu thừa cơ, dùng cây phất trần thổi tắt ngọn đèn, chui qua chỗ vách thủng chạy đi. Hoàng Dược Sư không chế ngự buộc nàng ta bỏ mạng được, đành để cho nàng ta chạy thoát, do thân phận của mình, cũng không thể đuổi theo. Trong bóng tối Khúc cô càng sợ hãi, cứ kêu rú lên:
- Eo ôi, ác quỉ đấy, gia gia, đánh ma đi, đánh quỉ đi.
Hoàng Dược Sư quát bảo Khúc cô đừng kêu. Trình Anh thắp đèn sáng, quì xuống vái sư phụ, rồi đứng dậy, bẩm qua lai lịch của Dương Quá và Lục Vô Song.
Hoàng Dược Sư nhìn Dương Quá, cười, nói:
- Đồ tôn kiêm đồ nhi Khúc cô của lão phu hơi ngớ ngẩn. Nó biết mặt phụ thân ngươi. Ngươi quả nhiên rất giống phụ thân ngươi.
Dương Quá ngồi trên giường cúi rạp đầu, nói:
- Thứ cho đệ tử đang bị thương, không thể khấu bái.
Hoàng Dược Sư dịu dàng nói:
- Ngươi không quản hiểm nguy, cứu mạng nữ nhi và ngoại tôn nữ của lão phu, thật là một hảo hài tử.
Nguyên Hoàng Dược Sư đã gặp Hoàng Dung, biết chuyện vài ngày trước, nghe nói Trình Anh đã cứu Dương Quá mang đi, thế là bèn dẫn Khúc cô đi tìm.
Hoàng Dược Sư lấy linh dược trị thương cho Dương Quá uống, lại vận nội lực xoa bóp cho chàng. Dương Quá chỉ cảm thấy hai bàn tay của lão nóng rực, bất giác cơ thể sinh ra kháng lực. Hoàng Dược Sư chợt cảm thấy da thịt chàng chấn động một cái, rồi kinh mạch vận chuyển, nội công thực có thành tựu dị thường, thế là lão gia tăng kình lực vào hai tay, xoa bóp bằng thời gian ăn một bữa cơm, thì Dương Quá thấy tứ chi toàn thân khoan khoái vô cùng, mơ mơ hồ hồ ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau thức giấc, Dương Quá mở mắt ra, đã thấy Hoàng Dược Sư ngồi cạnh đầu giường, vội ngồi dậy hành lễ. Hoàng Dược Sư nói:
- Ngươi có biết trên giang hồ người ta gọi lão phu bằng danh hiệu gì chứ?
Dương Quá đáp:
- Tiền bối là Đào Hoa đảo chủ.
Hoàng Dược Sư hỏi:
- Còn gì nữa?
Dương Quá cảm thấy không tiện nói ra hai chữ “Đông Tà”, nhưng lại nghĩ, ngoại hiệu của lão đã có chữ “Tà”, hẳn là tính khí phải khác hẳn người thường, bèn bạo gan nói:
- Tiền bối là “Đông Tà”.
Hoàng Dược Sư cười ha hả, nói:
- Không sai, lão phu nghe nói, ngươi võ công không kém, lòng dạ nhiệt thành, hành sự cũng có vài phần gian tà. Lại nghe đâu ngươi muốn lấy sư phụ ngươi làm thê tử, phải vậy không?
Dương Quá đáp:
- Thưa đúng vậy. Lão tiền bối, người người đều không cho phép đệ tử, nhưng đệ tử thà chết, nhất định sẽ lấy người ấy làm thê tử.
Hoàng Dược Sư nghe Dương Quá nói mấy câu này quả quyết như dao chém đá, thì chăm chú nhìn chàng một hồi, rồi ngửa mặt cười khanh khách, làm rung chuyển cả nếp nhà tranh. Dương Quá hơi bực, hỏi:
- Chuyện đó có gì tức cười kia chứ? Đệ tử tưởng lão tiền bối hiệu xưng “Đông Tà”, chắc phải có cao kiến, ai dè cũng chẳng khác gì thường nhân cả.
Hoàng Dược Sư nói:
- Hảo, hảo, hảo!
Nói xong liền đi ra. Dương Quá ngồi lại, nghĩ thầm: “Mấy câu vừa rồi của mình chắc là đắc tội với lão tiền bối, nhưng sao không thấy lão tức giận?”
Chàng đâu biết Hoàng Dược Sư một đời tung hoành thiên hạ, chúa ghét các định kiến thế tục lễ giáo đương thời, hành sự nói năng toàn là ly kinh phản đạo cho nên mới bị gắn cho chữ “Tà”. Lão suốt đời cô đơn, bình sinh thực không có tri kỷ, tuy có nữ nhi và nữ tế (con rể), nhưng họ không hợp với lão, Quách Tĩnh nghiêm trang hậu trọng, lão càng ghét hơn. Không ngờ lúc xế bóng, lão lại gặp Dương Quá. Dương Quá hành sự thế nào tại đại hội quần hùng vừa rồi, lão đã nghe kể, Hoàng Dung cũng đã thuật sơ qua lai lịch của chàng, nay trò chuyện vài câu với chàng, lão đã cảm thấy đại hợp tâm ý.
Gần tối, Hoàng Dược Sư trở vào phòng, nói:
- Dương Quá, nghe bảo ngươi phản xuất phái Toàn Chân, ẩu đả bản sư, cũng gian tà ghê gớm. Chi bằng ngươi lại phản xuất sư môn phái Cổ Mộ, bái lão phu đây làm sư phụ đi.
Dương Quá sửng sốt, hỏi:
- Để làm gì ạ?
Hoàng Dược Sư cười, nói:
- Ngươi trước hết không nhận Tiểu Long Nữ là sư phụ nữa, rồi lấy nàng ta làm thê tử, như thế có phải là danh chính ngôn thuận hay không?
Dương Quá nói:
- Cách đó cũng hay. Nhưng mà sư đồ không được kết thành phu thê, quy củ đó là do ai định ra vậy? Vãn bối muốn nàng ta vừa là sư phụ, vừa là thê tử của vãn bối kia.
Hoàng Dược Sư vỗ tay, cười:
- Hay lắm! Ngươi nghĩ thế, là còn cao hơn lão phu một bậc đấy.
Lão đưa tay xoa bóp trị thương cho Dương Quá, lại nói:
- Lão phu vốn định truyền y bát cho ngươi, để cho người đời biết rằng sau Hoàng lão tà còn có Dương tiểu tà. Ngươi không chịu làm đệ tử của ta, thế là hết cách.
Dương Quá nói:
- Cũng không nhất thiết phải là sư đồ mới có thể truyền lại chữ Tà của lão tiền bối. Lão tiền bối nếu không ngại vãn bối nhỏ tuổi, võ nghệ non kém, thì hai ta có thể kết làm bằng hữu, thậm chí làm huynh đệ kết nghĩa.
Hoàng Dược Sư nổi giận:
- Thằng nhãi ranh này có lá gan không nhỏ. Lão phu không phải là Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông, làm sao có thể bằng vai phải lứa với ngươi kia chứ?
Dương Quá hỏi:
- Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông là ai vậy?
Hoàng Dược Sư bèn kể cho chàng nghe sơ qua Chu Bá Thông là người như thế nào, đã kết nghĩa huynh đệ với Quách Tĩnh ra sao.
Hai người chuyện trò vô cùng ý hợp tâm đầu, tục ngữ có câu “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa” , Dương Quá ăn nói lưu loát, ngôn từ lanh lợi, tính nết lại gần giống Hoàng Dược Sư, mỗi câu nói ra đều hợp ý lão, hai người cứ như thể bạn cũ lâu ngày gặp lại, chỉ tiếc sao gặp nhau quá muộn. Hoàng Dược Sư ngoài miệng không chịu, nhưng trong bụng thì đã coi Dương Quá như người bạn vong niên, tối hôm ấy sai Trình Anh kê thêm một chiếc giường trong phòng Dương Quá, để hai người nằm cạnh nhau trò chuyện.
Mấy hôm sau Dương Quá đã khỏe hẳn, chàng và Hoàng Dược Sư hai người cứ như keo sơn, lưu luyến không rời. Hoàng Dược Sư vốn định dẫn Khúc cô xuống phương Nam, thế mà không thấy lão nhắc một câu ngày nào lên đường. Trình Anh và Lục Vô Song thấy hai người, một già một trẻ, ngày cùng ngồi uống trà, tối thắp đèn thâu đêm, cao đàm khoát luận, thao thao bất tuyệt, hai nàng không nhịn được cười, cảm thấy lão già thì bất chấp thân phận, chàng trai thì chẳng nể nang gì hết. Xét về học vấn, kiến thức mà nói, Dương Quá không bằng cái móng tay Hoàng Dược Sư, song Hoàng Dược Sư nói bất cứ chuyện gì, chàng cũng đều có thể chêm vào một hai chữ hoặc tán thưởng, hoặc rất đúng chỗ, khiến Hoàng Dược Sư bất giác xem chàng như đệ nhất tri kỷ của mình vậy.
Mấy ngày nay, ngoài thời gian trò chuyện với Hoàng Dược Sư, Dương Quá thường nhớ đến câu nói của Khúc cô buổi tối đầu tiên, khi nhận lầm chàng; khi đó, Khúc cô nói: “Không phải ta sát hại huynh đệ, huynh đệ đừng hãm hại…người khác!” Chàng nghĩ Khúc cô hẳn là biết ai sát hại phụ thân chàng, người khác giấu chàng không nói, chứ Khúc cô ngớ ngớ ngẩn ngẩn, không chừng có thể qua miệng Khúc cô mà tìm ra chân tướng.
Chiều hôm sau, Dương Quá nói:
- Khúc cô, hãy lại đây, ta có điều muốn nói với Khúc cô.
Khúc cô thấy chàng quá giống Dương Khang, vẫn sợ hãi, lắc đầu nói:
- Ta không chơi với ngươi đâu.
Dương Quá nói:
- Ta biết làm trò ảo thuật, Khúc cô có muốn xem không?
Khúc cô lắc đầu:
- Ngươi lừa ta, ta không xem đâu!
Nói xong nhắm mắt lại. Dương Quá đột nhiên lộn người trồng cây chuối, như Âu Dương Phong đã dạy chàng, nói:
- Xem này!
Rồi chàng cứ thế di chuyển bằng hai tay về phía trước. Khúc cô mở mắt nhìn, thấy thế vui quá, vỗ tay hoan hô, đi theo sau.
Đến một chỗ có nhiều bụi cây, cách ngôi nhà tranh khá xa, Dương Quá mới đứng thẳng người lại, rủ:
- Hai ta chơi trò bịt mắt bắt dê nhé? Ai thua thì phải bị phạt.
Khúc cô bao năm nay đi theo Hoàng Dược Sư, làm gì được chơi đùa với ai? Nghe Dương Quá rủ chơi, thì mừng hết chỗ nói, cứ vỗ tay thích thú, không còn sợ gì Dương Quá nữa, nói:
- Hay quá, hay quá! Hảo huynh đệ, huynh đệ bảo nên phạt thế nào?
Khúc cô gọi phụ thân chàng là huynh đệ, bây giờ đối với chàng, cũng lại gọi là huynh đệ.
Dương Quá lấy ra một cái khăn, bịt mắt Khúc cô lại, nói:
- Khúc cô hãy đuổi bắt ta, nếu bắt được, Khúc cô hỏi câu gì, ta đều phải trả lời thật thà, không được giấu giếm. Nếu không bắt được ta, ta có hỏi câu gì, Khúc cô cũng phải trả lời thật thà.
Khúc cô rối rít nói:
- Được lắm, được lắm!
Dương Quá lên tiếng:
- Ta ở đây này, Khúc cô đuổi bắt ta đi!
Khúc cô dang hai tay, đuổi theo tiếng gọi. Dương Quá đã luyện khinh công phái Cổ Mộ, là môn tuyệt diệu nhất thiên hạ, đừng nói Khúc cô đang bị bịt mắt, cho dù nhìn thấy, cũng chẳng thể đuổi kịp. Khúc cô đuổi loanh quanh một hồi không được, lại đụng trán vào một thân cây, trán sưng to một cục, miệng xuýt xoa kêu đau.
Dương Quá sợ Khúc cô mất hứng, bèn cố ý đi chậm lại, ho khẽ một tiếng. Khúc cô chạy tới, tóm lấy lưng chàng, kêu to:
- Tóm được rồi, tóm được rồi!
Cởi cái khăn ra, vẻ mặt đầy vui thích.
Dương Quá nói:
- Được ta thua rồi, Khúc cô muốn hỏi gì thì hỏi đi.
Không ngờ đặt câu hỏi lại là chuyện khó đối với Khúc cô. Khúc cô cứ ngẩn ra nhìn Dương Quá, không biết nên hỏi cái gì, hồi lâu mới nói:
- Hảo huynh đệ, huynh đệ đã ăn cơm chưa?
Dương Quá thấy Khúc cô nghĩ chán chê, mới hỏi một câu không đáng hỏi, suýt nữa thì chàng phì cười, nhưng làm vẻ mặt thản nhiên, nghiêm trang đáp:
- Ta ăn cơm rồi.
Khúc cô gật gật đầu, không nói gì. Dương Quá nói:
- Khúc cô muốn hỏi thêm gì không?
Khúc cô lắc đầu:
- Không hỏi nữa, chơi tiếp nào.
Dương Quá nói:
- Được, Khúc cô mau đuổi bắt ta đi.
Khúc cô sờ sờ cục sưng trên trán, nói:
- Bây giờ đến lượt huynh đệ đuổi bắt Khúc cô.
Khúc cô bỗng nhiên không ngớ ngẩn, thật là điều bất ngờ đối với Dương Quá, song rất hợp ý định của chàng, chàng liền cầm khăn bị mắt lại.
Khúc cô tuy ngớ ngẩn, nhưng khinh công rất khá, Dương Quá bị bịt mắt, làm sao đuổi bắt được? Chàng nhảy nhót vài lần, len lén đưa tay làm rách khăn, nhìn thấy Khúc cô nấp sau bên phải một thân cây lớn, chàng cố ý sờ soạng mé bên trái, miệng hỏi:
- Khúc cô ở đâu? Khúc cô ở đâu thế?
Rồi đột nhiên xoay ngươi lại túm lấy cổ tay của Khúc cô tay trái chàng giật tấm khăn ra, nhét luôn vào túi để Khúc cô không phát hiện vết thủng, cười, nói:
- Lần này thì ta hỏi Khúc cô đây.
Khúc cô nói luôn:
- Ta ăn cơm rồi.
Dương Quá cười, nói:
- Ta đâu có hỏi Khúc cô câu ấy. Ta hỏi câu này: Khúc cô quen biết cha ta phải không?
Nói tới đây, vẻ mặt chàng rất trịnh trọng. Khúc cô đáp:
- Cha của huynh đệ là ai? Ta không quen biết đâu.
Dương Quá nói:
- Có một người tướng mạo giống hệt ta, người ấy là ai vậy?
Khúc cô nói:
- À, đó là Dương huynh đệ.
Dương Quá hỏi:
- Khúc cô nhìn thấy Dương huynh đệ bị người ta giết chết phải không?
Khúc đáp:
- Phải, lúc ấy nửa đêm, ở trong tòa miếu, có rất nhiều quạ kêu, quạc, quạc, quạc!
Khúc cô bắt chước tiếng quạ kêu. Cây lá xung quanh âm u, Khúc cô kêu lên như vậy, bất giác thấy hơi rờn rợn. Dương Quá rùng mình, hỏi:
- Dương huynh đệ chết như thế nào?
Khúc cô nói:
- Cô cô muốn ta nói, Dương huynh đệ không cho ta nói, Dương huynh đệ đánh cô cô một chưởng, rồi cười ha ha, hô hô, hi hi!
Khúc cô cố bắt chước tiếng cười của Dương Khang trước khi chết, cười đến nỗi chính Khúc cô cũng tái mặt hoảng sợ. Dương Quá nghe chẳng hiểu thế nào, hỏi:
- Cô cô là ai thế?
Khúc cô đáp:
- Cô cô là cô cô chứ còn ai.
Dương Quá biết bí mật về cái chết của phụ thân sắp được vén mở, máu nóng dồn lên ngực, đang định hỏi tiếp, bỗng nghe có tiếng người nói sau lưng:
- Hai đứa ngươi chơi đùa ở đây hả?
Đó là Hoàng Dược Sư. Khúc cô nói:
- Hảo huynh đệ chơi bịt mắt bắt dê với Khúc cô. Là hảo huynh đệ rủ Khúc cô đi chơi, chứ không phải Khúc cô rủ đâu, đừng mắng Khúc cô.
Hoàng Dược Sư mỉm cười, nhìn Dương Quá một cái, thần sắc đầy ngụ ý, tựa hồ đọc được tâm sự của chàng. Dương Quá động lòng, định nói vài câu che giấu, chợt phía ngoài rừng cây có tiếng bước chân, Trình Anh và Lục Vô Song hớt hải chạy tới, nói với Hoàng Dược Sư:
- Lão nhân gia đoán không sai, nàng ta quả nhiên còn ở đấy.
Nói rồi chỉ tay về phía sau mé núi phía Tây. Dương Quá hỏi:
- Ai thế?
Trình Anh đáp:
- Lý Mạc Sầu!
Dương Quá kinh ngạc, nghĩ bụng sao nữ ma đầu lại cả gan như thế, chàng nhìn Hoàng Dược Sư, chờ lão giải thích. Hoàng Dược Sư mỉm cười, nói:
- Chúng ta đến đó xem sao.
Mấy người có lão ở bên cạnh, chẳng sợ gì, thế là cả bọn kéo nhau ra sau núi.
Trình Anh biết Dương Quá lòng đầy nghi vấn, bèn nói nhỏ:
- Sư phụ bảo Lý Mạc Sầu biết sư phụ có thân phận đại tông sư; tối hôm ấy có ý lấy mạng mụ ta nhưng không thành, đánh một lần không trúng, lần sau ngượng không xuất thủ nữa.
Dương Quá bỗng đại ngộ, nói:
- Do vậy mụ ta mới không chút sợ hãi, ở lại đây chờ cơ hội thuận tiện sẽ lấy mạng ba chúng ta. Nếu Hoàng đảo chủ không nhắc nhở, ba đứa mình cứ tưởng mụ ta đã chuồn đi xa, không đề phòng, rất dễ sa vào tay mụ.
Trình Anh mỉm cười, gật đầu.
Lục Vô Song nói xen vào:
- Dương huynh tự phụ thông minh hơn người, so với Hoàng đảo chủ xem ra còn thua xa.
Dương Quá cười, nói:
- Huynh là Đồ Ngốc, là hảo huynh đệ của Khúc cô mà lại.
Chẳng mấy chốc năm người đã ra sau núi, thấy cạnh một cây đại thụ có một gian nhà tranh cũ, nhỏ, rất tuềnh toàng, hai cánh cửa đóng chặt, trên cánh cửa viết mười sáu chữ: “Đào Hoa đảo chủ, đệ tử quá đông, lấy năm đánh một, giang hồ chê cười!”
Hoàng Dược Sư cả cười, cúi nhặt dưới đất hai viên sỏi, dùng ngón tay cái và ngón trỏ búng đi, bộp bộp hai tiếng, hai cánh cửa ở cách xa mươi bước bị hai viên sỏi mở tung ra. Dương Quá hồi ở Đào Hoa đảo nghe Quách Phù kể rằng ông ngoại của nàng có bản lĩnh “Đạn chỉ thần thông”, hôm nay chính mắt chứng kiến, không khỏi hết sức thán phục.
Cánh cửa mở tung, chỉ thấy Lý Mạc Sầu đang ngồi ngay ngắn trên tấm bồ đoàn, tay giữ cây phất trần, mắt lim dim, chính đang ngồi thiền, thần quang thu vào bên trong, trang nghiêm đúng như một đạo sĩ. Trong nhà chỉ có một mình Lý Mạc Sầu, không thấy Hồng Lăng Ba. Dương Quá hiểu ngay: “Lý Mạc Sầu châm biếm Hoàng đảo chủ đông đệ tử, cậy đông ăn hiếp một mình nàng ta, cho nên nàng ta đuổi cả Hồng Lăng Ba đi nơi khác, ra điều nàng ta chỉ có một mình, với thân phận Hoàng đảo chủ, Hoàng Dược Sư sẽ không động đến nàng ta”.
Lục Vô Song nghĩ đến mối thù của cha mẹ, bao năm nay nhẫn nhục khổ sở, bèn rút kiếm, nói:
- Biểu tỷ, Dương huynh, không cần Hoàng đảo chủ ra tay, ba chúng ta hãy liều chết với mụ ta.
Khúc cô xoa xoa tay, nói:
- Có cả Khúc cô nữa!
Lý Mạc Sầu mở mắt, nhìn năm người một lượt, lộ vẻ khinh bỉ, rồi lại nhắm mắt, làm như không thèm để ý tới cường địch đang ở trước mặt. Trình Anh nhìn sư phụ, chờ lệnh. Hoàng Dược Sư thở dài:
- Hoàng lão tà đúng là đệ tử rất đông, nếu bốn đại đệ tử Trần, Mai, Khúc, Lục có một người ở đây, đâu có để cho nó lẻo mép?
Rồi lão phẩy tay, nói:
- Về thôi!
Bốn người không hiểu tâm ý của Hoàng Dược Sư, theo lão về căn nhà tranh, chỉ thấy lão cau có không vui bỏ bữa ăn tối, lẳng lặng nằm ngủ.
Dương Quá nằm giường bên cạnh, nhớ lại lời Khúc cô nói chiều nay, rồi thần tình của Lý Mạc Sầu, nghĩ thầm: “Mụ ta chê cười bên này cậy đông, lấy năm đánh một; hiện giờ thương thế của ta đã lành, dùng sức một mình ta, có khi cũng đủ địch nổi mụ; chi bằng ta kín đáo đi đấu với mụ một trận, trước là rửa nỗi nhục của cô cô ta, sau là để Hoàng đảo chủ đỡ bực mình”. Tâm ý đã quyết, bèn nhẹ nhàng nai nịt quần áo gọn ghẽ. Chàng tuy nóng tính, nhưng hành sự rất cẩn thận, biết Lý Mạc Sầu đúng là cường địch, chỉ cần sơ suất một chút, sẽ mất mạng bởi tay mụ ta như chơi, bèn ngồi xếp bằng trên giường vận khí điều tức, dưỡng đủ tinh thần, rồi sẽ đi tử chiến một phen.
Vận khí chừng nửa canh giờ, đột nhiên trước mắt tựa hồ bừng sáng, toàn thân chỗ nào cũng tràn đầy khí, miệng tự dưng phát ra một âm thanh nghe như tiếng rồng hú ở vực lớn, hổ gầm trong rừng sâu, truyền đi rất xa. Hoàng Dược Sư phát hiện ngay từ lúc Dương Quá nai nịt quần áo, nghe chàng phát ra âm thanh kỳ lạ, không ngờ nội công của chàng tiến triển đến mức ấy, thì vừa kinh ngạc vừa vui mừng.
Nguyên một người luyện nội công đến cảnh giới nhất định, thường sẽ tự dưng phát ra âm thanh lạ. Sau này vào thời nhà Minh, bậc đại nho Vương Dương Minh nửa đêm luyện khí trong binh doanh, đột nhiên hú lên một tiếng, toàn quân kinh hãi, điều này có chép rõ ràng trong sử sách. Hiện tại Dương Quá trung khí sung mãn, khó kìm giữ, phát ra tiếng hú vang xa mấy dặm. Trình Anh, Lục Vô Song cố nhiên kinh ngạc, ngay cả Lý Mạc Sầu ở sau núi nghe tiếng hú cũng kinh hãi, song nàng ta nghĩ rằng đấy là Hoàng Dược Sư thổ nạp canh khí, mà lão thì sẽ không xuất thủ, nên mụ chẳng lo. Không ngờ là Dương Quá từng được nằm giường hàn ngọc, lại được học “Ngọc nữ tâm kinh” và bí yếu của “Cửu Âm chân kinh”, nội công tích lũy lâu dần, mấy hôm trước được Hoàng Dược Sư truyền lực trị thương, nhận sự kích thích của nguồn nội lực mạnh mẽ đó, tự dưng chàng phát ra tiếng hú.
Tiếng hú vang rền lâu gần bằng thời gian ăn một bữa cơm, mới lặng tắt dần. Hoàng Dược Sư nghĩ thầm: “Ta tự phụ là kỳ tài, cũng phải ngoài ba mươi tuổi mới đạt tới cảnh giới này. Gã thiếu niên này chín sớm hơn ta mười năm, không hiểu từng có sự kỳ ngộ gì đây?” Chờ Dương Quá hú xong, Hoàng Dược Sư hỏi:
- Ngươi bảo môn võ công lợi hại nhất của Lý Mạc Sầu là gì?
Dương Quá nghe câu hỏi, biết hành động của chàng đã bị lão phát giác, đáp:
- Là công phu “Ngũ độc thần chưởng” và cây phất trần.
Hoàng Dược Sư nói:
- Không sai. Nội công của ngươi đã có căn cơ như thế, muốn khắc chế nàng ta cũng không khó.
Dương Quá cả mừng, bất giác vái lão sát đất. Chàng vốn rất kiêu ngạo, tuy coi Hoàng Dược Sư là bậc tiền bối, có võ công cao thâm, huyền học thông thần, song vẫn chưa cúi đầu trước lão; lúc này nghe lão bảo có thể khắc chế được võ công hoành hành thiên hạ của Lý Mạc Sầu, làm sao chàng không bái phục?
Thế là Hoàng Dược Sư liền truyền thụ cho chàng công phu “Đạn chỉ thần thông” là cái có thể khắc chế “Ngũ độc thần chưởng”, rồi dạy chàng một lộ kiếm pháp diễn xuất từ “Ngọc tiêu kiếm pháp”, có thể phá hủy cây phất trần của Lý Mạc Sầu. Dương Quá nghe lão chỉ dẫn quyết khiếu, hỏi rõ những chỗ nghi nan, để bụng ghi nhớ; nhưng cảm thấy hai môn võ công này tinh thâm huyền diệu, xem ra muốn đạt tới mức tiểu thành, tối thiểu phải luyện một năm; muốn chắc thắng, cũng không thể dưới ba năm, bèn nói:
- Hoàng đảo chủ, muốn thắng mụ ta ngay, cũng không có cách gì hay sao?
Hoàng Dược Sư nói:
- Thời gian ba năm vèo một cái đã qua, lúc ấy ngươi mới hai mốt, hai hai tuổi, mà đã luyện thành hai môn võ công như thế, còn lo chưa đủ hay sao?
Dương Quá nói:
- Đệ tử… đệ tử không phải là nghĩ cho đệ tử…
Hoàng Dược Sư vỗ nhẹ bên sườn chàng, ôn tồn nói:
- Ba năm nữa ngươi giết Lý Mạc Sầu cho ta, ta cũng chịu ơn ngươi rồi. Hồi trước ta tự hủy hoại mấy đệ tử hiền tài, bây giờ bị báo ứng cũng phải thôi.
Nói xong lão thở dài.
Dương Quá quì xuống, vái tám cái, kêu lên:
- Sư phụ!
Chàng biết Hoàng Dược Sư truyền thụ võ công cho chàng là muốn chàng thay lão rửa cái nhục mười sáu chữ Lý Mạc Sầu viết kia, không thể không có danh phận sư đồ.
Hoàng Dược Sư biết Dương Quá có tình nghĩa sâu xa với phái Cổ Mộ, không chịu nhận người khác làm minh sư, bèn đưa tay đỡ chàng dậy, nói:
- Khi nào ngươi động thủ với nữ ma đầu, thì ngươi là đệ tử của ta. Ngoài khi đó ra, ngươi là bằng hữu của ta. Dương huynh đệ, đã rõ chưa nào?
Dương Quá cười, nói:
- Được làm bằng hữu của sư phụ thì còn gì sướng hơn.
Hoàng Dược Sư cười, nói:
- Ta và ngươi tương ngộ, cũng hạnh ngộ ba sinh đó.
Hai người nắm tay nhau cả cười, làm rung chuyển cả bốn vách nhà. Hoàng Dược Sư lại giải thích tỉ mỉ quyết khiếu huyền diệu của “Đạn chỉ thần thông” và “Ngọc tiêu kiếm pháp”. Dương Quá nghe tường tận, biết lão sắp đi xa, buồn bã nói:
- Quen biết chưa lâu, đã phải chia ly, không rõ ngày nào mới được tái ngộ?
Hoàng Dược Sư nói:
- Hai ta như tri kỷ, dù cách xa góc biển chân trời, cũng như đang ở bên nhau. Sau này nếu ta biết có kẻ ngăn cản hôn sự của ngươi, dù xa vạn dặm, ta cũng sẽ đến giúp ngươi.
Dương Quá thấy lão vỗ ngực hứa hẹn thì rất cảm động, cười, nói:
- Chỉ e người đầu tiên đứng ra ngăn cản, lại là lệnh ái.
Hoàng Dược Sư nói, giọng châm biếm:
- Hoàng Dung gặp được tình lang như ý, nên không hiểu nỗi khổ tương tư của người khác. Con gái rượu của ta chỉ biết xuất giá tòng phu, hì hì, tam tòng tứ đức, tốt quá đi thôi!
Nói rồi cười ha hả, rũ áo bước ra, tiếng cười đã ở ngoài xa mấy chục trượng, đúng là đi như thần long, không thể biết tung tích.
Dương Quá ngẩn ngơ một hồi, ngồi ôn lại quyết khiếu hai môn võ công vừa học. Không lâu thì trời sáng, bỗng thấy cửa mở ra, Trình Anh bước vào, cầm chiếc áo trường bào màu xanh, mỉm cười, nói:
- Dương huynh hãy mặc thử, xem có vừa hay không.
Dương Quá cảm kích, nhận tấm áo mà hai tay run run.
Chàng và Trình Anh ánh mắt nhìn nhau, thấy ánh mắt nàng dịu dàng đằm thắm vô cùng, bèn mặc thử chiếc áo mới, thấy tấm áo mới ôm khít lấy thân mình, chỗ nào cũng vừa vặn, thì nói:
- Huynh… huynh… đa tạ muội.
Trình Anh lại cười vui, nhưng chợt lộ vẻ buồn, thở dài:
- Sư phụ đi rồi, không biết bao giờ mới được gặp lại.
Nàng vừa ngồi xuống định trò chuyện, bỗng thấy có bóng áo vàng thấp thoáng ngoài cửa, biết là biểu muội ở ngoài đó, nghĩ thầm: “Biểu muội hay để ý, mình không nên ngồi lâu trong phòng chàng”. Bèn đứng dậy, thong thả đi ra.
Dương Quá xem kỹ chiếc áo mới, thấy đường kim mũi chỉ rất chu đáo, bất giác cảm động: “Nàng đối với ta chu đáo thế này, Lục cô nương cũng thân ái với ta, nhưng ta đã sớm thuộc về người khác, không thể phụ nghĩa. Nếu ta không bỏ đi sớm, chỉ e gây phiền não cho mọi người”. Nghĩ chán chê, lại sợ sau khi chàng đi, Lý Mạc Sầu mò tới tập kích, bèn một mình tìm ra sau núi, đến chỗ căn nhà tranh nọ thăm dò, thấy chỉ còn một đống tro tàn, Lý Mạc Sầu đã đốt trụi mà bỏ đi.
Đại địch đã bỏ đi, tối hôm nay chàng ngồi dưới đèn viết thư từ biệt, nghĩ đến tình ý của hai thiếu nữ, chàng không khỏi nao lòng, thấy lời văn nhạt nhẽo, chữ viết xấu xí, sợ Trình Anh chê cười, thư viết nửa chừng chàng lại vò nhàu. Đêm nay chàng cứ trằn trọc mãi vẫn chưa ngủ được.
Đang mơ mơ màng màng, bỗng nghe có tiếng gõ cửa, rồi Lục Vô Song gọi:
- Chàng Ngốc, chàng Ngốc! Mau ra mà xem này.
Giọng nghe rất sợ hãi. Dương Quá ngồi dậy, mặc áo, mở cửa bước ra, chỉ thấy gió bấc ù ù khá lạnh, trời chưa sáng rõ. Lục Vô Song vẻ mặt sợ hãi, chỉ lên cánh cửa. Dương Quá nhìn theo, bất giác giật mình, trên cánh cửa in bốn bàn tay máu, hiển nhiên đêm qua Lý Mạc Sầu đã đến đây dò xét, biết Hoàng Dược Sư đi rồi, mụ ta liền thị ý là sẽ giết bốn người.
Hai người sững sờ một hồi, tiếp đó Trình Anh nghe tiếng chạy ra, hỏi:
- Biểu muội trông thấy từ lúc nào?
Lục Vô Song đáp:
- Trời chưa sáng, muội đã thấy nó rồi.
Nàng vừa nói liền đỏ mặt, bởi vì nàng nghĩ đến Dương Quá, mới tinh mơ đã lảng vảng bên ngoài cửa sổ phòng chàng. Trình Anh làm như không biết, nói:
- May muội không gặp mụ ta, bây giờ mặt trời đã mọc, hôm nay nữ ma đầu sẽ không đến nữa đâu, chúng mình thong thả bàn cách đối phó chưa muộn.
Ba người vào phòng Dương Quá thương nghị.
Lục Vô Song nói:
- Hôm nọ nữ ma đầu lĩnh giáo công phu cây que cời của Khúc cô, mụ ta không sợ hay sao?
Trình Anh nói:
- Chiêu số cây que cời của Khúc cô quanh đi quẩn lại chỉ có ba chiêu, mụ ta về ngẫm nghĩ, hẳn đã nghĩ ra cách hóa giải.
Lục Vô Song nói:
- Nhưng chàng Ngốc thương thế đã lành hẳn, hợp lực với Khúc cô, uy lực sẽ vô cùng mạnh mẽ.
Dương Quá cả cười, nói:
- Hai kẻ ngớ ngẩn, ngốc nghếch hợp lực với nhau, thành một bè đại ngu, uy lực nỗi gì?
Ba người bàn một hồi, chưa ra diệu kế, nhưng nghĩ bốn người liên thủ, dẫu không thắng, cũng đủ tự bảo vệ, ngày mai cố chống chọi với Lý Mạc Sầu thì được. Dương Quá nói:
- Ngu huynh và Khúc cô hợp bích, đối chiến chính diện với nữ ma đầu, biểu tỷ biểu muội hai người tả hữu giáp công. Chúng mình hãy gọi Khúc cô tới diễn tập trước với nhau cho quen.
Gọi Khúc cô thì không thấy tiếng thưa, tìm một hồi không biết Khúc cô đi đâu. Ba người lo lắng, chia nhau đi mấy ngả tìm kiếm. Trình Anh tìm một hồi, bỗng thấy Khúc cô nằm cạnh một đống đá, hơi thở chỉ còn thoi thóp, cả kinh, vội cởi áo xem thương thế, thấy ở giữa lưng lờ mờ một vệt bàn tay máu, quả nhiên Khúc cô đã trúng “Ngũ độc thần chưởng” của Lý Mạc Sầu, vội gọi Dương Quá, Lục Vô Song cùng đến, đem linh dược sư môn “Cửu hoa ngọc lộ hoàn” cho Khúc cô uống. Dương Quá nhớ lại cách trị liệu “Ngũ độc thần chưởng” chép trong sách “Ngũ độc bí truyền”, vội vận nội kình xoa huyệt đạo cho Khúc cô.
Khúc cô cười nhăn nhở, nói:
- Ác nữ nhân, sau lưng, đánh Khúc cô. Khúc cô lật ngược tay, đánh nó.
Lật ngược tay ra đòn là một trong ba chiêu chưởng pháp mà Hoàng Dược Sư truyền thụ cho Khúc cô. Lý Mạc Sầu tuy đánh lén đắc thủ, nhưng cũng bị Khúc cô lật ngược tay đánh một chưởng trúng cánh tay, suýt nữa thì gãy xương, vừa sợ vừa đau liền bỏ chạy, không dám tiếp tục tiến chiêu lấy mạng Khúc cô.
Ba người cứu Khúc cô về rồi, ngồi nhìn nhau buồn bã, họ thiếu mất một hảo thủ, ngày mai càng khó cự địch hơn. Khúc cô bị trọng thương, nếu đưa Khúc cô đi trốn, ắt Lý Mạc Sầu sẽ đuổi kịp. Dương Quá nhìn Trình Anh, lại nhìn Lục Vô Song, thuận tay cầm cái kéo cắt đứt một sợi chỉ khâu thành nhiều đoạn. Khúc cô đang nằm trên giường đột nhiên kêu to:
- Mang kéo, cắt phăng cái chổi của ác nữ nhân! Cắt phăng cái chổi!
Khúc cô không biết cây phất trần, lại gọi là cái chổi. Dương Quá chợt nghĩ ra: “Cây phất trần của Lý Mạc Sầu là vật rất mềm, mụ ta lại sử dụng xuất thần nhập hóa, mình dùng bảo đao lợi kiếm cũng không đả thương nổi mụ ta; nếu có một chiếc kéo lớn cắt phăng cây phất trần, thì xong”. Nghĩ đến đây, tay trái cầm sợi chỉ đánh ra theo lối cây phất trần, tay phải cầm kéo thì đưa ra cắt, hình dung thế đánh của cây phất trần và đòn cắt của chiếc kéo, sáng tạo ra chiêu thuật.
Trình Anh và Lục Vô Song nhìn nhìn một hồi, hiểu ý, đều vui mừng ra mặt. Trình Anh nói:
- Đi về hướng bắc, cách đây bảy tám dặm, có một cái lò rèn…
Lục Vô Song nói xen vào:
- Chúng ta đến đó thuê thợ rèn rèn cho một chiếc kéo lớn.
Dương Quá nghĩ thầm: “Thời gian cấp bách, khó lòng rèn xong một thứ binh khí. Khi tiếp chiến ta phải tùy cơ ứng biến, như thế dễ hơn hẳn trăm lần việc luyện “Ngọc tiêu kiếm pháp” nhưng hiện tại chưa có cách gì khác, thì cứ thử xem sao”. Nghĩ nếu một mình chàng đi tìm lò rèn, Lý Mạc Sầu đến đây thì vô cùng nguy hiểm cho ba người ở lại, từ lúc này bốn người không được xa nhau nửa bước. Thế là Trình Anh và Lục Vô Song lót chăn lên lưng ngựa, dìu Khúc cô ra nằm vắt ngang trên đó, cùng đi tìm lò rèn.
Mông Cổ sau khi diệt nước Kim, quân thiết kỵ tiến vào biên cảnh nhà Tống, vùng này là biên thùy phía bắc của cương giới Đại Tống, nhiều thành trấn bị quân Mông Cổ chiếm đóng, cảnh tàn phá bày rõ nơi nơi. Lò rèn là một cái quán rất sơ sài, bước vào thấy chính giữa kê một cái đe lớn, than và sắt vụn vung vãi khắp quán, trên vách treo mấy cái lưỡi cày, lưỡi liềm, trong quán không thấy ai.
Dương Quá nhìn cảnh tượng này, nghĩ thầm: “Lò rèn thế này thì rèn được loại binh khí gì kia chứ? Nhưng đã cất công đến đây, cũng hỏi thử xem sao”, bèn lớn tiếng gọi:
- Ông chủ có nhà không đấy?
Một lát từ gian trong có một lão nhân bước ra, râu tóc muối tiêu, trạc năm mươi tuổi, chắc là nhiều năm cúi mình quai búa nên lưng bị còng, hai mắt bị khói hun nên vừa đỏ vừa hấp háy, khóe mắt có dử, chân trái tàn phế, một cây quải trượng treo ở hõm vai. Lão nhân bước ra, nói:
- Quí vị có gì sai bảo?
Dương Quá đang định nói, bỗng nghe có tiếng vó ngựa, hai người cười ngựa phi đến trước quán, là một gã thập trưởng quân Mông Cổ và một gã người Hán, không biết là thông dịch hay địa bảo. Gã người Hán gọi to:
- Lão thợ rèn họ Phùng, mau ra nghe hiệu lệnh.
Lão nhân bước ra hành lễ, nói:
- Thưa có tiểu nhân đây ạ.
Gã người Hán nói:
- Trưởng quân có lệnh, thợ rèn toàn trấn, hạn trong ba ngày phải tề tựu ở huyện thành, gắng sức làm việc trong quân. Ngày mai lão phải có mặt tại huyện thành, nghe rõ chưa hả?
Lão nhân nói:
- Tiểu nhân tuổi đã già yếu…
Gã thập trưởng quân Mông Cổ vung roi ngựa quất vun vút mấy cái, xì xồ gì đó. Gã người Hán nói:
- Ngày mai lão không đến, người ta sẽ lấy đầu lão đặt sang chỗ khác đó.
Nói rồi hai gã phóng ngựa đi.
Phùng lão nhân thở dài, đứng ngây người. Trình Anh thấy lão già cả đáng thương, bèn lấy ra mười lạng bạc đặt lên bàn, nói:
- Phùng sư phó, sư phó đã nhiều tuổi, huống hồ đi lại không tiện, bị sung quân thì sống sao nổi? Sư phó hãy cầm chút bạc này mà trốn đi thì hơn!
Phùng lão nhân thở dài:
- Đa tạ cô nương hảo tâm, lão phu sống đến tuổi này, có chết cũng đáng rồi; chỉ buồn vì muôn vạn sinh linh Giang Nam lại gặp đại kiếp nạn mà thôi.
Ba người đều kinh ngạc, hỏi:
- Vì sao vậy?
Phùng lão nhân nói:
- Bọn Mông Cổ trưng tập thợ rèn, tức là để rèn binh khí. Quân Mông Cổ vốn đủ binh khí rồi, nay lại huy động hết thảy thợ rèn, có phải chúng sắp tiến đánh giang sơn Đại Tống hay không?
Ba người nghe Phùng lão nhân nói rất có lý, định hỏi thêm, thì lão đã hỏi trước:
- Ba vị muốn rèn cái gì nào?
Dương Quá nói:
- Phùng sư phó đang có việc, lẽ ra không dám làm phiền, ngặt nỗi quá cần, đành phiền lão nhân.
Rồi chàng miêu tả kiểu dáng, kích thước cái kéo lớn, vật này rất lạ, nào ngờ Phùng lão nhân nghe xong, gật gật đầu, kéo chiếc bễ ra thổi lửa, đặt hai thanh sắt vào lửa nung cho nóng đỏ. Dương Quá hỏi:
- Không biết tối nay có rèn xong được chăng?
Phùng lão nhân nói:
- Lão phu ráng sức thì xong.
Nói rồi kéo mạnh cái bễ quạt gió.
Khúc cô ngồi gục bên bàn, bọn Dương Quá ba người quê đều ở Giang Nam, tuy rời quê hương từ nhỏ, nhưng nghe quê hương sắp gặp kiếp nạn, đều không khỏi lo lắng. Cả ba nhìn ngọn lửa, nghĩ thầm giữa thời buổi loạn lạc này, mạng người chỉ như con sâu cái kiến, chốn nào cũng khổ sở khốn cùng, mình ngày mai có nạn, nhưng sự lo sợ cũng giảm đi vài phần.
Một canh giờ sau, hai thanh sắt đã đỏ lừ, Phùng lão nhân tay trái dùng kìm kẹp thanh sắt đặt lên đe, tay phải quai cây búa lớn, tuy lão đã già, nhưng động tác quai búa dường như không hề tốn sức, đập cây búa một hồi, hai vòng khuyên của chiếc kéo lớn đã dần dần thành hình. Lục Vô Song vui mừng nói:
- Dương huynh, hôm nay chắc làm kịp đó.
Bỗng nghe phía sau có tiếng nói lạnh lùng:
- Rèn chiếc kéo này để cắt cây phất trần của ta chứ gì?
Ba người giật mình, ngoảnh lại, thấy Lý Mạc Sầu rung rung nhẹ cây phất trần, đứng chắn ngay giữa cửa.
Thế là binh khí chưa rèn xong, cường địch đã tới. Trình Anh và Lục Vô Song cùng rút trường kiếm, Dương Quá nhắm sẵn một thanh sắt cạnh bễ lò rèn, chỉ cần thấy đối phương xuất thủ, chàng sẽ lập tức chộp lấy làm binh khí.
Lý Mạc Sầu cười khẩy, nói:
- Mấy đứa nhãi ranh các ngươi đòi rèn chiếc kéo này để cắt cây phất trần của ta. Được, ta sẽ ngồi đây, chờ rèn xong chiếc kéo, động thủ cũng chưa muộn.
Nói đoạn Lý Mạc Sầu kéo một chiếc ghế, ngồi xuống, không coi ba người ra gì cả.
Dương Quá nói:
- Thế thì còn gì bằng. Ta đã nhìn kỹ cây phất trần của mụ rồi, nhất định sẽ bị chiếc kéo của ta cắt đứt.
Lý Mạc Sầu thấy Khúc cô gục đầu xuống bàn, lưng gồ lên, nghĩ thầm: “Mụ kia trúng một chưởng của ta, sao lại còn ngồi được, lạ nhỉ?” Bèn lạnh lùng hỏi:
- Hoàng Dược Sư đâu rồi?
Phùng lão nhân nghe ba tiếng “Hoàng Dược Sư” thì rùng mình một cái, ngẩng nhìn Lý Mạc Sầu, rồi lại cúi đầu quai búa. Trình Anh nói:
- Đạo cô thừa biết sư phụ của ta không có ở đây, còn hỏi làm gì? Đạo cô biết lão nhân gia chưa đi, gan có to bằng trời cũng chẳng dám đến.
Lý Mạc Sầu hừ một tiếng, lấy trong túi ra một tờ giấy, nói:
- Hoàng Dược Sư khinh đời mạo danh, toàn dựa vào việc thu nhận nhiều đồ đệ, cậy đông mà thắng. Hừ, trong đám đệ tử của lão, có tên nào làm nên trò trống gì đâu.
Nói xong tay trái vung tờ giấy ra, cánh tay hơi động, một cái ngân châm bay ra theo, đính tờ giấy vào cây cột nói:
- Để đây làm chứng, khi nào Hoàng lão tà trở về, sẽ biết hai đệ tử quí hóa của lão bị ai giết.
Rồi mụ ta quay sang quát giục Phùng lão nhân:
- Rèn mau lên, ta không ưa chờ lâu.
Phùng lão nhân đưa cặp mắt kèm nhèm nhìn tờ giấy đính trên cột, thấy mười sáu chữ “Đào Hoa đảo chủ, đệ tử quá đông, lấy năm đánh một, giang hồ chê cười”. Rồi ngước lên mái nhà, ngẫm nghĩ. Lý Mạc Sầu quát:
- Còn không làm nhanh tay ư?
Phùng lão nhân cúi đầu, nói:
- Vâng, làm nhanh, làm nhanh.
Tay trái giơ cây kìm gắp tờ giấy cho luôn vào ngọn lửa, tờ giấy tức thời cháy thành tro. Tất cả rất đỗi kinh ngạc, Lý Mạc Sầu cả giận, giơ cây phất trần định đánh xuống đầu Phùng lão nhân, nhưng lại nghĩ thầm: “Một lão thợ rèn ở cái tiểu trấn này mà cũng to gan như thế, có lẽ lão ta không phải là nhân vật tầm thường?” Nàng ta đã nhổm lên, song lại thong thả ngồi xuống, hỏi:
- Các hạ là ai?
Phùng lão nhân nói:
- Đạo cô không nhìn thấy ư? Lão phu là thợ rèn.
Lý Mạc Sầu hỏi:
- Căn cớ gì các hạ đốt tờ giấy của ta?
Phùng lão nhân nói:
- Tờ giấy viết sai, tốt nhất là đừng đính ở quán của lão phu.
Lý Mạc Sầu gằn giọng, hỏi:
- Sai ở chỗ nào?
Phùng lão nhân nói:
- Đào Hoa đảo chủ có tài thông thiên thấu địa, đệ tử của người chỉ cần học thạo một nghề của người cũng đủ để tung hoành thiên hạ rồi. Đại đệ tử của người là Trần Huyền Phong xương sắt da đồng, đao thương bất nhập, đạo cô từng nghe danh chứ?
Phùng lão nhân vừa nói, vừa quai búa rèn sắt, tiếng búa đập xuống đe tăng thanh thế cho lời nói. Phùng lão nhân vừa nhắc đến Trần Huyền Phong, Lý Mạc Sầu kinh ngạc đã đành, bọn Dương Quá càng không thể ngờ một lão thợ rèn ở chốn khỉ ho cò gáy mà cũng rành rẽ nhân vật giang hồ.
Lý Mạc Sầu nói:
- Hừ, Đồng Thi Trần Huyền Phong, nghe đâu đã bị một đứa bé đâm chết, có quái gì là lợi hại? Nói đao thương bất nhập là nói khoác một tấc đến trời!
Phùng lão nhân nói:
- Hừm. Đệ tử thứ hai của Hoàng đảo chủ là Mai Siêu Phong, di chuyển như gió, xuất thủ nhanh như chớp.
Lý Mạc Sầu cười giễu, nói:
- Phải rồi, nữ đệ tử ấy xuất thủ quá nhanh, nên mới bị Giang Nam thất quái đánh mù mắt và bị Tây Độc Âu Dương Phong đánh vỡ tim phổi.
Phùng lão nhân ngẩn ra một hồi, buồn bã nói:
- Có chuyện như thế ư? Sao lão phu không biết. Đệ tử thứ ba của Hoàng đảo chủ là Khúc Linh Phong, khinh công thần diệu, phách không chưởng lợi hại tuyệt luân.
Lý Mạc Sầu nói:
- Giang hồ đồn rằng kẻ lẻn vào hoàng cung ăn cắp báu vật, bị Ngự tiền thị vệ đánh chết, chính là Khúc Linh Phong, phách không chưởng lợi hại tuyệt luân. Chưởng chưởng đánh ra, chưởng chưởng lạc không, ấy chính là phách không chưởng của Hoàng đảo chủ.
Phùng lão nhân cúi đầu, xèo xèo hai tiếng, hai giọt nước mắt rơi xuống tấm phôi sắt nóng đỏ, hóa thành hơi nước. Lục Vô Song ngồi bên cạnh, nhìn rõ mồn một hai giọt nước mắt từ mắt Phùng lão nhân rơi xuống, rất đỗi kinh ngạc. Chỉ thấy Phùng lão nhân giơ búa cao hơn, giáng xuống đe mạnh hơn.
Lát sau, Phùng lão nhân lại nói:
- Trong bốn đại đệ tử Trần, Mai, Khúc, Lục của Hoàng đảo chủ, thì Lục Thừa Phong không những võ công tinh thâm, lại giỏi thuật Kỳ môn độn giáp, đạo cô mà gặp vị đó, thì sẽ biết thế nào là lợi hại.
Lý Mạc Sầu cười khẩy:
- Kỳ môn độn giáp thì có tác dụng gì kia chứ? Y dựng tòa Qui vân trang ở Thái Hồ, hảo hán giang hồ khen là vô cùng huyền diệu, nhưng vẫn bị người ta thiêu thành tro bụi, từ đó y biến mất tăm, quá nửa là đã bỏ xác trong đám cháy rồi.
Phùng lão nhân ngẩng đầu lên, gằn giọng:
- Đạo cô hồ thuyết bát đạo. Các đệ tử thứ ba của Hoàng đảo chủ người người võ nghệ tinh thông, không lẽ đã bị giết hại hết cả rồi sao? Đạo cô khinh ta là dân quê không biết thế sự chắc?
Lý Mạc Sầu cười khẩy, nói:
- Lão cứ hỏi ba đứa nhãi ranh này thì biết.
Phùng lão nhân nhìn Trình Anh, ánh mắt dò hỏi. Trình Anh đứng dậy, buồn bã nói:
- Sư môn của vãn bối bất hạnh, nhân tài điêu linh. Vãn bối nhập môn chưa lâu, công phu non kém, không thể tranh tài cho sư phụ, thật là hổ thẹn. Lão nhân gia có quen biết gia sư chăng?
Phùng lão nhân không đáp, nhìn nàng từ đầu xuống chân, vẻ nghi ngờ, hỏi:
- Về già sức khỏe của Hoàng đảo chủ thế nào?
Trình Anh nhìn cái chân trái bị tàn phế của Phùng lão nhân, thấy ái ngại, nói:
- Gia sư về già cô đơn, có sai vãn bối đi theo hầu cận. Vãn bối tuổi nhỏ, võ công non nớt, thực không dám nói là đệ tử của Hoàng đảo chủ, hơn nữa vãn bối cũng chưa có duyên được đặt chân lên Đào Hoa đảo.
Nàng nói như thế cũng tức là đã thừa nhận mình là đệ tử của Hoàng đảo chủ.
Phùng lão nhân gật gật đầu, ánh mắt nhu hòa, thân tình, lại cúi đầu rèn kéo, tựa hồ đang suy tính điều gì. Trình Anh thấy chiếc búa trong tay Phùng lão nhân giơ lên nửa vòng, đánh xuống đe, thủ pháp hệt như “Lạc Anh thần kiếm chưởng pháp” bản môn, thì ngầm rõ thêm ba phần, nói:
- Lúc nhàn rỗi gia sư trò chuyện với vãn bối, nói hồi trước gia sư đuổi đệ tử rời khỏi đảo; Trần, Mai hai người ấy tự làm điều sai trái, đuổi đi đã đành. Khúc, Lục, Võ, Phùng bốn vị thì không dưng bị giận lây, nhất là Phùng Mặc Phong sư ca, là người ít tuổi nhất, hoàn cảnh lại hết sức đáng thương, sư phụ luôn thương nhớ vị ấy, hối hận đã phạt oan.
Thực ra Hoàng Dược Sư tính tình kiêu ngạo, trong lòng tuy có nghĩ như thế, nhưng quyết không khi nào nói ra. Trình Anh tinh tế, biết rõ ý người, khi nhàn rỗi trò chuyện cùng sư phụ, nghe giọng nói của Hoàng Dược Sư, nàng đoán ra được, bây giờ nàng nói thế, kể không phải là lời của Hoàng Dược Sư, song cũng không trái với nguyên ý của người.
Lý Mạc Sầu nghe hai người đối đáp, nhìn sắc diện, đã đoán ra tám chín phần; chỉ thấy Phùng lão nhân thở dài não nuột, nước mắt nhỏ như mưa xuống tấm phôi đang rèn, bốc thành khói trắng, bất giác cũng xúc động, nhưng lại mím môi, nghĩ thầm: “Dẫu bọn chúng thêm một đứa nữa, nhưng cái lão thợ rèn tàn phế này thì làm nổi trò gì?” Bèn cười khẩy, nói:
- Phùng Mặc Phong, cung hỉ sư huynh sư muội lão tương ngộ.
Lão thợ rèn này chính là Phùng Mặc Phong, đệ tử của Hoàng Dược Sư. Năm xưa Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong lấy cắp “Cửu Âm chân kinh” trốn đi, Hoàng Dược Sư cả giận, trút giận xuống đầu các đệ tử còn lại, đánh gãy đùi họ, đuổi khỏi Đào Hoa đảo. Khúc Linh Phong, Lục Thừa Phong, Võ Thiên Phong ba người đều bị đánh què cả hai chân, riêng đánh đến Phùng Mặc Phong, thì Hoàng Dược Sư thấy còn ít tuổi võ công còn thấp, bỗng thương tình, chỉ đánh gãy chân trái. Phùng Mặc Phong đau đớn tới vùng heo hút này, mở lò rèn mưu sinh, tuyệt giao với các nhân vật giang hồ, hơn ba mươi năm lẳng lặng mà sống, không ngờ hôm nay lại được tin sư môn. Tính mệnh của lão là do Hoàng Dược Sư cứu từ tay kẻ thù, đem về nuôi dưỡng từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, thật là ân đức sâu nặng, bất luận Hoàng Dược Sư đối với lão như thế nào, Phùng Mặc Phong cũng không hề oán trách; giờ này nghe Trình Anh nói, bất giác biết bao cảm xúc dâng trào.

hết: Hồi 15, xem tiếp: Hồi 16
Mục lục Thần điêu hiệp lữ

No comments:

Post a Comment