Dương Quá ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe từ phía tây bắc vọng đến từng chập tiếng chim điêu, âm thanh không được trong trẻo, nhưng rất có khí thế. Chàng nổi tính hiếu kỳ, lần theo âm thanh tìm đến. Nghe tiếng chim điêu lúc kêu lúc dừng, vang vọng hơn hẳn tiếng kêu của cặp chim điêu trên đảo Đào Hoa. Chàng đi xuống thấp dần, rồi tiến vào một sơn cốc, lúc này tiếng chim điêu đã gần phía trước, chàng nhẹ bước, vén cành cây mà nhìn, bất giác không khỏi kinh dị.
Phía trước là một con chim điêu thân hình cực lớn, cao hơn cả con người, diện mạo hết sức xấu xí, lông thưa, tựa hồ bị người ta vặt đi già nửa; màu vàng vàng đen đen, hiển nhiên vô cùng bẩn thỉu, diện mạo thì có phần giống cặp chim điêu trên đảo Đào Hoa, nhưng xấu xí hơn rất nhiều. Con chim điêu xấu xí này mỏ khoằm, có cái mào to đỏ như máu, trên thế gian có ngàn loài chim, chưa thấy loài mãnh cầm nào dị dạng như nó. Nó sải bước đi đi lại lại, nghển cao đầu trông khí khái uy vũ.
Con chim điêu xấu xí kêu một hồi, chỉ nghe phía bên trái có tiếng phì phì, dưới ánh trăng bốn con độc xà màu ngũ sắc nhất tề lao như tên bắn tới chỗ con chim điêu. Con điêu mổ liền bốn cái, bốn con độc xà chết tươi, cú mổ nào cũng chuẩn xác, nhanh nhẹn, y như một đệ nhất cao thủ võ lâm. Thần kỹ mổ chết tươi bốn con độc xà khiến Dương Quá há mồm kinh ngạc, từ chỗ coi thường con chim điêu xấu xí, hóa thành khâm phục nó. Con chim điêu há to mồm, nuốt một con độc xà vào bụng. Dương Quá nghĩ: “Bắt con chim điêu này đem về đấu với cặp chim điêu của Quách Phù, chắc không thể thua”. Chàng đang nghĩ cách bắt con chim điêu, bỗng ngửi thấy mùi tanh nồng nặc, chắc là có một con mãng xà bò tới gần.
Con chim điêu ngẩng cao đầu, kêu khẹc khẹc liền ba tiếng, tựa hồ khiêu chiến với kẻ địch. Chỉ nghe vù một cái, một con mãng xà đầu to như cái bát lớn, hình tam giác, vắt mình từ trên cây cao đối diện lao xuống tấn công con chim điêu. Con chim điêu không hề né tránh, mà ngẩng cao đầu, cái mỏ khoằm mổ nhanh trúng mắt bên phải con mãng xà. Cổ con chim điêu vừa ngắn vừa thô, tưởng đâu không tiện chuyển động, ai dè nó co duỗi nhanh như tia chớp, Dương Quá tuy rất tinh mắt, cũng không nhìn rõ nó đã mổ trúng mắt con mãng xà như thế nào.
Con mãng xà mù mắt phải, đau đớn, há miệng táp trúng cái mào đỏ như máu của con chim điêu. Dương Quá cũng bị bất ngờ, thốt lên tiếng “Ối”. Con mãng xà đớp trúng, cái thân dài hai trượng từ trên cây đột nhiên trườn xuống, cuốn quanh thân hình con chim điêu mấy vòng, Dương Quá thấy con chim điêu khó bề toàn mạng.
Dương Quá không muốn con chim điêu bị hại bởi con mãng xà, bèn nhảy ra, vung kiếm chém con mãng xà; đột nhiên con chim điêu bật cánh bên phải ra vỗ vào tay Dương Quá một cái thật mạnh, khiến thanh kiếm Quân tử của chàng văng khỏi tay, bay ra xa mấy trượng. Chàng đang kinh ngạc, thì thấy con chim điêu mổ lia lịa vào thân con mãng xà, mỗi cú mổ lại làm cho máu con mãng xà bắn phọt ra. Dương Quá nghĩ: “Chẳng lẽ ngươi nắm chắc phần thắng hay sao mà không muốn ta giúp một tay?”
Con mãng xà siết chặt vòng quấn, con chim điêu ráng sức chống chọi, lông dựng đứng cả lên. Thấy con chim điêu không chịu nổi, Dương Quá nhặt một cục đá to nện liên tiếp vào thân con mãng xà, vòng siết của con mãng xà hơi lỏng ra, con chim điêu lại nghển cổ mổ nhanh một cái vào mắt trái con mãng xà. Con mãng xà cắn lung tung, lúc này nó đã mù cả hai mắt, đâu còn có thể cắn trúng cái gì. Hai cái vuốt của con chim điêu quặp chỗ bảy tấc đầu mãng xà, đè gí xuống đất, trong khi cái mỏ vẫn mổ lia lịa. Con chim điêu như có thần lực, con mãng xà toàn thân quằn quại, nhưng đầu bị đè gí dưới đất, một hồi lâu thì chết thẳng cẳng.
Con chim điêu ngẩng lên, kêu to ba tiếng, rồi quay sang phía Dương Quá, kêu mấy tiếng dịu dàng.
Dương Quá nghe tiếng kêu của con chim điêu có vẻ thiện ý, bèn thong thả tới gần, cười nói:
- Điêu huynh, huynh thần lực kinh nhân, tại hạ thán phục, thán phục.
Con chim điêu kêu khẽ vài tiếng, bước tới bên chàng, giơ cánh đụng nhẹ vào vai chàng. Dương Quá thấy con chim điêu thông linh như thế, thì rất mừng, đưa tay vuốt ve lưng nó.
Con chim điêu dùng mỏ ngậm vạt áo của Dương Quá mà kéo kéo, rồi nhả ra, bước đi trước. Dương Quá biết nó có dụng ý, bèn theo sau. Con chim điêu xấu xí đi nhanh dị thường, trên lớp cỏ cao trong sơn cốc, nó đi như ngựa phi, Dương Quá phải thi triển khinh công mới theo kịp. Con chim điêu đi xuống thấp dần, vào một thâm cốc. Lại đi hồi lâu, tới trước một cái hang lớn, con chim điêu cúi đầu ba cái, kêu ba tiếng, rồi ngoảnh lại nhìn Dương Quá.
Dương Quá thấy nó tựa hồ hành lễ với cái hang, nghĩ: “Có lẽ đây là nơi trú ngụ của một vị cao nhân tiền bối, con chim điêu này hẳn là được vị đó thuần dưỡng, vậy mình cũng phải giữ lễ mới được”. Chàng bèn quì xuống, vái mấy cái, nói to:
- Đệ tử Dương Quá khấu kiến tiền bối, xin lượng thứ cho cái tội tự tiện tới đây.
Chàng đợi một lát, không có ai trả lời.
Con chim điêu lại kéo gấu áo chàng, bước vào hang. Trong hang tối om, không biết có kỳ sĩ võ lâm, hay là quái vật gì của rừng rú, chàng rất hồi hộp, nhưng đã không màng chuyện sống chết, nên cứ bước vào.
Cái hang này rất nông, đi chưa đầy ba trượng, đã hết. Trong hang ngoài một cái bàn và một chiếc ghế đá, không có vật gì khác. Con chim điêu chĩa mỏ vào một góc hang kêu vài tiếng, Dương Quá thấy ở đó có một đống đá cao cao lổn nhổn, trông như mộ phần, chàng nghĩ: “Chắc là nơi vị kỳ nhân nằm xuống, tiếc rằng con chim điêu không biết nói, ta không thể biết thân thế của vị đó”. Chàng ngẩng đầu, thấy trên vách hang hình như có khắc chữ, nhưng bị rêu phủ, không thể nhìn rõ trong bóng tối. Dương Quá đốt một cành củi khô, xoa xoa lớp rêu, quả nhiên hiện ra ba hàng chữ khắc sâu vào đá bằng vũ khí nhọn. Ba dòng chữ viết:
“Tung hoành giang hồ hơn ba chục năm, giết sạch cừu khấu, đánh bại mọi anh hùng, thiên hạ không có đối thủ, chẳng còn cách nào khác, đành ẩn cư thâm cốc làm bạn với chim điêu. Ô hô, bình sinh chỉ mong có một địch thủ mà không được, thật đáng buồn”.
Bên dưới đề “Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại”.
Dương Quá đọc đi đọc lại ba dòng chữ mấy lần, vừa ngạc nhiên vừa thán phục, cũng cảm nhận được nỗi buồn cô đơn của vị kỳ nhân tiền bối không tìm được đối thủ kia, người đành vào thâm cốc ẩn cư, không hiểu võ công cao siêu bậc nào mà được người đời gọi là “Kiếm Ma”. Ngoại hiệu “Cầu Bại” ắt là đi khắp thiên hạ tìm người có thể đánh thắng mình mà không tìm được, cuối cùng về nhắm mắt xuôi tay chốn này, kết thúc một đời oanh liệt.
Chàng cúi đầu hồi lâu, rồi giơ que củi cháy quan sát trong hang một lát, không tìm thấy di tích nào khác, trên nấm mộ cũng không có vật gì biểu thị, chàng đoán rằng sau khi vị kỳ nhân qua đời, con chim điêu đã lấy đá đắp lên trên thế này.
Chàng cảm thấy kính ngưỡng vị dị nhân tiền bối, bèn sụp xuống trước mộ vái bốn cái. Con chim điêu thấy chàng có lễ giáo với mộ phần, dường như rất vui, nó giơ cánh đụng nhẹ vài lần vào vai chàng.
Dương Quá nghĩ: “Vị Độc Cô tiền bối trong di ngôn gọi chim điêu là bạn, chú thần điêu này tuy là giống vật, song là tiền bối của mình, mình gọi chim điêu là “huynh” quả là phải phép”. Bèn nói:
- Điêu huynh, hai ta giải cấu tương phùng, cũng là có duyên. Tại hạ xin từ biệt, điêu huynh ở lại làm bạn với mộ phần của Độc Cô tiền bối, hay là đi theo tại hạ nào?
Thần điêu kêu mấy tiếng, coi như trả lời. Dương Quá không hiểu ý, chỉ thấy nó đậu bên cạnh ngôi mộ đá không đi theo. Chàng nghĩ: “Các vị tiền bối võ lâm chưa hề nhắc đến Độc Cô Cầu Bại, vậy thì người ấy phải là nhân vật sống bảy, tám chục năm về trước. Thần điêu sống ở đây lâu như thế, lưu luyến đất này, tất sẽ không đi theo ta”. Chàng đưa tay ôm cổ chim điêu, vỗ về thân thiết một hồi, rồi mới ra khỏi hang.
Bình sinh ngoài tình lưu luyến với Tiểu Long Nữ, chàng chưa từng có một ai tri kỷ, hữu hảo, đêm nay gặp chim điêu, tuy một người một chim, nhưng sau khi ở trong hang với nhau lại lưu luyến không nỡ rời, đi vài bước lại quay đầu nhìn. Mỗi lần chàng quay đầu lại, chim điêu kêu lên một tiếng, đôi bên đã cách nhau mấy chục trượng, trong bóng tối chim điêu vẫn nhìn rõ như thường, mỗi lần Dương Quá quay đầu lại, chim điêu lại kêu lên một tiếng. Dương Quá bỗng thấy nhiệt huyết trào dâng, liền nói to:
- Điêu huynh hỡi điêu huynh, tại hạ còn sống chẳng được mấy ngày nữa, chờ xong việc đứa bé của Quách bá bá, sau khi vĩnh biệt cô cô, tại hạ sẽ trở lại đây, nằm xuống bên cạnh mộ Độc Cô đại hiệp, coi như không uổng tấm thân.
Đoạn chàng chắp tay vái dài, rồi rảo bước.
Nghĩ đến ấu nữ của Quách Tĩnh, chàng nhặt thanh kiếm Quân tử, vội trở về hang; vừa tới cửa hang, đã nghe Lý Mạc Sầu nói:
- Ngươi đi đâu về thế? Vừa nãy có một cô hồn dã quỷ, cứ đi qua đi lại than khóc sụt sùi, khó chịu quá chừng!
Dương Quá nói:
- Làm gì có ma quỉ nào?
Lời chưa dứt, bỗng nghe có tiếng khóc to từ xa vọng tới.
Dương Quá kinh ngạc, nói nhỏ:
- Lý sư bá, sư bá hãy trông nom đứa bé, cứ để đệ tử đối phó với hắn.
Chỉ nghe tiếng khóc tới càng lúc càng gần, một người vừa khóc vừa than:
- Khốn khổ thân ta, khốn khổ thân ta? Vợ đã bị người giết hại, hai đứa con lại đi tàn sát lẫn nhau.
Dương Quá nhìn kỹ, dưới ánh trăng thấy một đại hán đầu bù tóc rối, ôm mặt khóc to, đi lòng vòng rất nhanh, quần áo rách nát, không nhìn rõ mặt.
Lý Mạc Sầu nói:
- Hừ, thì ra là một gã điên, ngươi mau đuổi hắn đi, kẻo hắn làm đứa bé thức giấc bây giờ.
Gã đại hán kia vẫn vừa khóc vừa than:
- Trên thế gian ta chỉ còn hai đứa con, chúng lại đi đánh giết nhau, thử hỏi lão già này còn sống để làm gì kia chứ?
Tiếng khóc thật ai oán não nề. Dương Quá chợt nghĩ: “Không lẽ là người ấy?” chàng bèn thong thả ra khỏi hang, gọi to:
- Có phải Võ lão tiền bối đó chăng?
Người kia khóc lóc giữa chốn hoang sơn lúc nửa đêm vì quá đau khổ, không ngờ chốn này lại có người, bèn nín khóc, quát hỏi:
- Ngươi là ai? Lén lút làm trò quỉ gì ở đây?
Dương Quá nói:
- Tiểu nhân là Dương Quá, tiền bối có phải là Võ Tam Thông Võ lão tiền bối hay chăng?
Người kia chính là Võ Tam Thông, phụ thân của huynh đệ họ Võ. Tại phủ Gia Hưng năm nào, lão bị thương bởi ngân châm của Lý Mạc Sầu, ngất lịm đi, lúc tỉnh lại thấy vợ là Võ tam nương phủ phục dưới đất, đang hút máu độc từ miệng vết thương trên đùi trái của lão. Võ Tam Thông giật mình kinh hãi, nói:
- Tam nương, chất độc ngân châm lợi hại vô cùng, sao nàng lại hút như thế?
Đoạn vội đẩy vợ ra. Võ tam nương nhổ ra một ngụm máu độc, mỉm cười, nói:
- Máu đen đã chuyển sang màu hồng, không việc gì nữa.
Võ Tam Thông thấy hai gò má của vợ đã đen sạm lại, bất giác cả kinh, run run nói:
- Tam nương, nàng… nàng…
Võ tam nương xả thân trị độc cho chồng, biết mình sắp chết, đưa tay xoa đầu hai đứa con, nói nhỏ:
- Sau khi tướng công thành thân với thiếp, tướng công cứ luôn rầu rĩ không vui. Bước đi lầm lẫn đã hết bề cứu vãn. Thiếp chỉ mong tướng công nuôi dưỡng hai con nên người, làm cho chúng suốt đời hữu ái và hòa thuận với nhau…
Lời chưa dứt, đã tắt thở.
Võ Tam Thông quá xúc động, bệnh điên lại tái phát, nhìn hai đứa con trai gục đầu xuống xác mẹ mà khóc, lão cũng không hiểu gì, lẳng lặng bỏ đi.
Lang bạt giang hồ điên điên khùng khùng như thế mấy năm, bệnh điên của lão cũng đỡ dần. Tứ Thủy Ngư Ổn sau khi tham dự anh hùng đại yến ở ải Đại Thắng trở về, dọc đường đồng hành với bằng hữu võ lâm, lúc nhàn đàm nghe họ nhắc đến một nhân vật rất giống sư đệ Võ Tam Thông của mình, cất công tìm kiếm, cuối cùng gặp được.
Võ Tam Thông biết tin hai đứa con trai đã trưởng thành thì cả mừng, bèn tìm đến thành Tương Dương, đúng lúc Kim Luân pháp vương đột nhập vào thành, Quách Tĩnh bị thương nặng, Hoàng Dung lâm bồn. Võ Tam Thông sau khi gặp Chu Tử Liễu và Quách Phù, nghe tin hai con mình ra ngoài thành đánh nhau, nhớ lại lời vợ nói lúc lâm chung, thì vô cùng đau khổ, vội đi tìm, phát hiện có tiếng binh khí va chạm trong một ngôi miếu đổ nát, bèn chạy vào, đúng là thấy Võ Đôn Nhu và Võ Tu Văn đang đấu kiếm với nhau trong đó. Lão xa con đã lâu, nay hai con đã trưởng thành, khó lòng nhận ra, nhưng nhìn chúng tay phải sử kiếm, tay trái sử dụng “Nhất dương chỉ”, bèn quát dừng.
Huynh đệ họ Võ gặp lại cha, sung sướng ứa nước mắt, nhưng vừa nhắc đến Quách Phù, hai huynh đệ lại chẳng ai chịu nhường ai. Võ Tam Thông tức giận mắng chửi, hoặc ôn tồn khuyên nhủ hai con đừng tâm ái Quách Phù, cũng đều vô ích. Huynh đệ họ Võ trước mặt cha không dám tỏ ý thù hằn nhau, nhưng chỉ cần người cha đi đâu đó một lát, huynh đệ hai người lại tranh cãi nhau. Họ hẹn nửa đêm hôm nay sẽ tới chốn hoang sơn quyết một phen thắng bại. Võ Tam Thông nghe lén chuyện đó, bi phẫn vô cùng, đến trước chỗ họ hẹn nhau để ngăn chặn cuộc quyết đấu. Lão càng nghĩ càng đau lòng, nên vừa rồi khóc hu hu như vậy.
Võ Tam Thông đang trong tâm trạng như thế, bỗng thấy có một gã thiếu niên từ trong hang bước ra, liền quát to:
- Ngươi là ai? Tại sao biết tên ta?
Dương Quá nghe lão thừa nhận, bèn nói:
- Võ lão bá, tiểu điệt là Dương Quá, hồi nhỏ cùng sống với nhị huynh Đôn Nhu và Tu Văn tại phủ Quách đại hiệp trên đảo Đào Hoa, rất ngưỡng mộ uy danh của Võ lão bá.
Võ Tam Thông gật đầu, nói:
- Ngươi tới đây làm gì? Phải rồi, Đôn Nhu và Tu Văn hẹn quyết đấu ở đây, ngươi là kẻ làm chứng. Ngươi đã quen biết với hai đứa ấy, tại sao không tìm cách ngăn chúng? Lại còn xúi bẩy cho chúng đánh nhau, còn gọi là bằng hữu được sao?
Giọng càng về cuối càng xẵng, lão đem trút cơn giận dữ xuống đầu Dương Quá, miệng nói, chân bước, vung bàn tay hộ pháp để giáo huấn cho tên tiểu tử một trận.
Dương Quá thấy lão râu tóc dựng đứng, thần uy lẫm lẫm, thiết nghĩ tự dưng chẳng nên động thủ với lão ta làm gì, bèn lùi hai bước, cười nói:
- Tiểu điệt không hề biết nhị vị Võ huynh đến đây tỷ võ, xin lão bá đừng trách lầm người.
Võ Tam Thông quát:
- Còn hoa ngôn xảo ngữ ư? Nếu ngươi không biết trước, tại sao còn chờ sẵn ở đây? Thế gian rộng lớn, cớ gì nhà ngươi mò đến chốn hoang sơn cùng cốc này?
Dương Quá chưa biết nên giải thích thế nào với lão ta. Võ Tam Thông thấy chàng lúng túng, cho rằng chàng không phải là người tử tế, hồi trẻ lão bị thất tình, mỗi khi gặp một thanh niên tuấn tú, lão lại có ác cảm, lão nghĩ bụng: “Tên tiểu tử này chắc gì quen biết hai đứa con ta, hắn lén lút ở đây, chắc là có gian kế”. Bèn vung hữu chưởng vỗ xuống vai Dương Quá. Chàng vội né tránh, chưởng của Võ Tam Thông đánh trượt, lão liền chuyển sang thúc cùi chỏ. Dương Quá thấy đối phương xuất chiêu kình lực trầm hậu, chàng không dám coi thường, lại né tránh. Võ Tam Thông nói:
- Hảo tiểu tử, khinh công khá lắm, mau rút kiếm ra động thủ nào!
Lúc ấy đứa bé ở trong hang chợt thức giấc, khóc oa oa mấy tiếng. Dương Quá nghĩ: “Lão này có mối thù sát thê với Lý Mạc Sầu, để họ giáp mặt nhau, khó tránh cảnh tử đấu, mình khó bảo hộ được đứa bé”. Bèn cười, nói:
- Võ lão bá, tiểu điệt là vãn bối, đâu dám động thủ với lão bá? Nhưng nếu lão bá cứ coi tiểu điệt là kẻ xấu, thì đành vậy, tiểu điệt xin nhường lão bá ba chiêu, nếu lão bá không đánh chết được tiểu điệt, thì lão bá phải lập tức rời khỏi chốn này, thế nào?
Võ Tam Thông cả giận, quát:
- Tên tiểu tử cuồng vọng, vừa rồi ta ra đòn lưu tình, chưa hạ độc thủ, ngươi dám coi thường ta ư?
Ngón trỏ tay phải của lão sử công phu “Nhất dương chỉ”. Lão khổ luyện mấy chục năm, công lực thâm hậu. Dương Quá thấy ngón tay trỏ của lão rung động, thế đến tuy chậm, nhưng các đại huyệt của chàng ở nửa thân trên đã nằm trong tầm khống chế của ngón tay đó; chàng chưa biết đối phương sẽ điểm huyệt nào, bèn dùng ngón giữa búng ngón trỏ của lão ta, chính là chàng sử dụng công phu “Đạn chỉ thần thông” của Hoàng Dược Sư.
“Đạn chỉ thần thông” và “Nhất dương chỉ” nổi danh ngang nhau mấy chục năm, nhưng Dương Quá công lực còn nông, sở học ngắn ngủi, học rồi lại chưa chuyên tâm khổ luyện, làm sao sánh nổi Võ Tam Thông chuyên tâm mấy chục năm? Hai ngón tay đụng nhau, Dương Quá chỉ cảm thấy cánh tay mình chấn động, toàn thân phát nhiệt, chàng phải loạng choạng lùi năm, sáu bước, mới không bị ngã.
Võ Tam Thông nghĩ: “Hừ, tên tiểu tử này quả nhiên từng sống ở đảo Đào Hoa”. Một là nể mặt Hoàng Dược Sư, hai là thấy chàng còn nhỏ tuổi mà đã chống đỡ nổi tuyệt kỹ “Nhất dương chỉ” của lão, lão đâm ra mến mộ, nói:
- Chỉ thứ hai tới, nếu không đỡ được thì đừng đỡ, để khỏi chấn thương nội tạng, ta không muốn lấy mạng ngươi đâu.
Rồi lão sấn tới mấy bước, lại xuất chiêu, lần này nhắm vào bụng dưới của Dương Quá.
Các yếu huyệt phía dưới mà chiêu này khống chế còn rộng hơn chiêu trước, cả mười hai đại huyệt vùng bụng, từ U Môn, Thông Cốc, xuống đến Trung Chú, Tứ Mãn, đến tận Hoành Cốt, Hội Âm, đều bị đe dọa. Dương Quá thấy thế đến cực nhanh, nếu dùng “Đạn chỉ thần thông” ngăn lại, e không chỉ gãy ngón tay, mà nội tạng cũng bị chấn thương, bèn sử gấp một chiêu “Cầm tâm vận thông”, xoẹt một cái, kiếm Quân tử được rút khỏi bao, chắn trước bụng hai tấc. Ngón tay của Võ Tam Thông sắp chạm lưỡi kiếm, vội thu về, chiêu thứ ba lập tức tiếp nối, nhắm tới mi tâm Dương Quá, thiết tưởng chàng không sao đưa kiếm lên che đỡ nổi. Dương Quá thấy thế đến quá lẹ, không thể hóa giải, trong cơn nguy cấp liền sử dụng công phu “Cửu Âm chân kinh”, rùn người xuống chui qua háng Võ Tam Thông. Chiêu này tuy mau lẹ, nhưng tư thế bần tiện, mất hết thể diện; có điều chàng là vãn bối, chui qua háng tiền bối cũng không đáng ngại.
Võ Tam Thông không kịp thốt lên một tiếng “ái chà” thì đối phương đã vỗ nhẹ một chưởng xuống vai trái của lão, tiếp đó nghe Dương Quá vừa cười vừa nói:
- Võ lão bá, chiêu thứ ba của lão bá quá lợi hại.
Võ Tam Thông ngẩn người, xuôi tay lùi ra, buồn bã nói:
- Hừm, đúng là thiếu niên anh hùng, lão nạp vô dụng.
Dương Quá vội tra kiếm vào bao, cúi mình nói:
- Tiểu điệt tránh chiêu của lão bá trông thật khó coi, nếu là tỷ võ thật sự, coi như tiểu điệt đã thua rồi.
Võ Tam Thông cảm thấy được an ủi phần nào, thở dài, nói:
- Cũng không hẳn thế. Vừa rồi nếu ngươi đâm ta một kiếm sau lưng, thì ta đã mất mạng. Lão nạp thô lậu, đánh không lại một gã oắt con thông minh lanh lợi…
Lời chưa dứt, bỗng nghe từ xa có tiếng bước chân, có hai người sánh vai đi tới. Dương Quá kéo tay áo Võ Tam Thông, hai người nấp vào sau một bụi cây. Hai người kia đến gần, chính là Võ Đôn Nhu và Võ Tu Văn.
Võ Tu Văn dừng bước, nhìn tứ phía, nói:
- Đại ca, chỗ này địa thế rộng rãi, ở đây được rồi.
Võ Đôn Nhu nói:
- Được!
Hắn vốn ít nói. Xoẹt một cái, trường kiếm đã rút hỏi bao. Võ Tu Văn không rút kiếm, nói:
- Đại ca, hai ta từ nhỏ mồ côi mẹ, phụ thân bỏ đi xa, hai ta sống bên nhau chưa từng hơn thua nửa câu, hôm nay đến nước này, đại ca không trách huynh đệ chứ?
Võ Đôn Nhu nói:
- Huynh đệ, chuyện này là định mệnh, hai ta đều không tự quyết được.
Võ Tu Văn nói:
- Bất kể ai sống ai chết, suốt đời cũng không được để lộ chuyện này, kẻo gia gia và Phù muội đau lòng.
Võ Đôn Nhu gật đầu, nắm cánh tay Võ Tu Văn. Huynh đệ hai người lặng lẽ nhìn nhau hồi lâu.
Võ Tam Thông thấy hai con nói năng với nhau ôn tồn, rõ ràng có thâm tình, thì cũng được an ủi, định bước ra, mắng chúng không nên hành động ngu xuẩn hồ đồ, bỗng nghe cả hai đứa con cùng nói to:
- Thế thôi!
Và cùng nhảy lùi lại. Võ Tu Văn đâm liền ba kiếm, dưới ánh trăng chỉ thấy ánh kiếm loang loáng, xuất thủ mau lẹ dị thường. Võ Đôn Nhu đỡ gạt cả, chiêu thứ ba mới đánh trả hai kiếm, nhát nào cũng nhắm chỗ yếu hại của Võ Tu Văn. Võ Tam Thông nhìn thấy giật mình, song Võ Tu Văn đã né mình tránh được.
Giữa chốn hoang sơn chỉ nghe tiếng song kiếm đụng nhau liên miên bất tuyệt, huynh đệ hai người cứ lăn xả vào nhau mà đâm chém, xuất thủ không một chút dung tình, khiến Võ Tam Thông vừa lo lắng vừa đau lòng. Cả hai đều là con ruột, từ nhỏ lão vốn yêu thương chúng như nhau, giờ thấy hai đứa đánh nhau như hai kẻ thù, cứ đà này ắt có một trong hai đứa tử thương, nếu lão quát dừng, tất chúng sẽ ngừng đấu. Nhưng hôm nay không đấu, ngày mai chúng ta sẽ lại quyết một phen sống mái, lão đâu có thể kè kè ở bên chúng để ngăn chặn? Lão càng nhìn càng đau lòng, nghĩ mà cám cảnh cho mình, nước mắt cứ chảy ròng ròng.
Dương Quá từ bé có hiềm khích với huynh đệ họ Võ, sau này trùng phùng, đôi bên cũng chẳng ưa gì nhau. Chàng vốn đã sẵn thành kiến, cũng chẳng độ lượng, thấy hai kẻ đó đánh nhau, lúc đầu cũng thích thú; nhưng nhìn Võ Tam Thông đau khổ thế kia, nghĩ mình còn sống được vài ngày, chợt nghĩ: “Ta một đời chưa làm việc gì có ích cho người khác, sau khi ta chết, cô cô dĩ nhiên sẽ đau lòng, ngoài ra, nhớ đến ta chỉ có vài hồng nhan tri kỷ như Trình Anh, Lục Vô Song, Công Tôn Lục Ngạc mà thôi. Hôm nay, ta phải làm một việc tốt để Võ lão bá suốt đời nhớ đến ta mới được”. Ý đã quyết, chàng ghé tai nói nhỏ với Võ Tam Thông:
- Võ lão bá, tiểu điệt có một kế có thể làm cho hai vị lệnh lang bãi đấu.
Võ Tam Thông ngảnh đầu, quệt nước mắt nhìn chàng, vẻ cảm kích, nhưng bán tín bán nghi, không biết chàng có diệu kế gì cởi bỏ mối xung đột kia.
Dương Quá nói nhỏ:
- Có điều phải đắc tội với hai vị lệnh lang, mong lão bá đừng trách.
Võ Tam Thông nắm chặt hai tay chàng, xúc động nói không nên lời. Thời trẻ lão không được nếm mùi tình ái, lấy vợ chỉ là theo lệnh cha mẹ, sau đó bị tình nghiệt trói buộc, nhưng từ ngày vợ chết, nhớ ân tình người vợ xả thân cứu mình, mối tình si của lão đối với Hà Nguyên Quân nhạt dần, bao nhiêu tình thương lão dồn cho con, chỉ mong hai đứa con bình yên hòa thuận, thì dù lão chết cũng cam lòng. Trong cảnh tuyệt vọng lúc này, đột nhiên nghe Dương Quá nói vậy, thật y như gặp Bồ tát cứu khổ cứu nạn.
Dương Quá nhìn thần sắc của lão, bất giác chạnh lòng: “Nếu cha ta còn sống, chắc cũng yêu ta như vậy”. Chàng dặn:
- Dù thế nào lão bá cũng không được để cho họ phát giác, nếu không kế sách sẽ mất linh.
Lúc ấy huynh đệ họ càng đấu càng ác liệt, họ cùng sử dụng Việt nữ kiếm pháp. Đây là công phu vốn do Hàn Tiểu Oanh trong Giang Nam thất quái truyền thụ, hai người từ nhỏ đã cùng luyện với nhau không biết bao nhiêu lần, nhưng đêm nay là trận sống mái, nên đôi bên chiết chiêu khác hẳn ngày thường. Võ Tu Văn nhanh nhẹn khinh linh, sấn tới lui về, nhắm chỗ sơ hở tấn công. Võ Đôn Nhu nghiêm thủ môn hộ, thi thoảng đâm một kiếm, chiêu thức hiểm ác, kình lực trầm hùng.
Dương Quá nhìn một hồi, nghĩ: “Quách bá bá võ công cao cường, quán tuyệt đương thời, nhưng đệ tử tựa hồ chưa nắm được thủ pháp, huynh đệ họ Võ tư chất bình thường, xem ra chưa học được hai thành võ công của Quách bá bá”. Đột nhiên chàng cười to, thong thả bước ra.
Huynh đệ họ Võ kinh ngạc, nhảy lùi lại, nhận ra Dương Quá, thì cùng quát to:
- Các hạ tới đây làm gì?
Dương Quá cười, đáp:
- Thế hai vị tới đây làm gì?
Võ Tu Văn cười nhạt, nói:
- Huynh đệ ta nửa đêm vô sự, ra đây luyện kiếm.
Dương Quá nghĩ: “Tiểu Võ cơ trí, nhanh miệng nói dối”, chàng cười khẩy, nói:
- Luyện kiếm đến mức bất chấp tính mạng, hì hì, dụng công như thế là sao?
Võ Đôn Nhu giận nói:
- Các hạ đi chỗ khác thì hơn, chuyện riêng của huynh đệ ta, không cần các hạ quản.
Dương Quá cười khẩy, nói:
- Nếu quả thật hai vị luyện công, tại hạ dĩ nhiên không quản làm gì. Nhưng trong lúc xuất chiêu, hai vị toàn nghĩ đến Phù muội của tại hạ, tại hạ không quản sao được?
Huynh đệ họ Võ nghe năm chữ “Phù muội của tại hạ” thì chấn động, bất giác tay cầm kiếm đều run run.Võ Tu Văn gằn giọng:
- Các hạ hồ thuyết bát đạo gì vậy?
Dương Quá nói:
- Phù muội là thân sinh nhi nữ của Quách bá bá và Quách bá mẫu phải không nào? Đại sự hôn nhân trước hết phải theo ý muốn của cha mẹ, đúng thế chứ? Quách bá bá từ sớm đã hứa gả Phù muội cho tại hạ, hai vị lại vờ làm như không biết, ở đây quyết đấu tranh giành vị hôn thê của tại hạ, hai vị có còn coi Dương Quá này là người nữa hay chăng?
Lời lẽ của chàng thật nghiêm trang, huynh đệ họ Võ lập tức cứng lưỡi. Họ biết Quách Tĩnh đúng là luôn có ý chọn Dương Quá làm con rể, chỉ riêng Hoàng Dung và Quách Phù chưa ưng, bây giờ đột nhiên bị Dương Quá nói trúng tâm sự, huynh đệ nhìn nhau, không biết đối đáp thế nào. Võ Tu Văn nhanh trí, cười khẩy, nói:
- Hừ, vị hôn thê, nói nghe dễ thế! Hôn sự đã có môi giới hay chưa? Các hạ đã có lễ dạm hỏi hay chưa? Có lễ đính hôn hay chưa?
Dương Quá cũng cười khẩy, nói:
- Được, thế hai vị đã có cha mẹ đến thưa chuyện, có môi giới gì hay chưa?
Thời nhà Tống trọng nhất lễ giáo, đại sự hôn nhân không thể thiếu việc cha mẹ và có môi giới đến thưa chuyện. Huynh đệ họ Võ vốn quyết thắng bại một phen, kẻ bại sẽ tự sát, người thắng sẽ cầu hôn với Quách Phù, khi ấy Quách Phù không còn sự lựa chọn nào khác, tất bằng lòng, bấy giờ sẽ cầu xin vợ chồng Quách Tĩnh; không ngờ Dương Quá lại nhảy ngang vào. Võ Tu Văn ngẫm nghĩ một lát, nói:
- Sư phụ có ý gả Phù muội cho các hạ, có thể có việc đó. Nhưng sư mẫu có ý gả nàng cho một trong hai huynh đệ ta. Hiện thời cả ba chúng ta đều chưa có danh phận, rồi đây Phù muội thuộc về ai, điều đó chưa thể nói trước.
Dương Quá ngửa mặt cười ha hả.
Võ Tu Văn thấy chàng cười mãi không thôi, giận nói:
- Cười cái gì kia chứ? Tại hạ nói sai hay sao?
Dương Quá nói:
- Phải, sai quá, sai quá rồi. Quách bá bá cố nhiên thích tại hạ, Quách bá mẫu lại càng thích hơn, hai vị huynh đệ làm sao sánh nổi tại hạ kia chứ?
Võ Tu Văn nói:
- Hừ, các hạ chỉ bẻm mép, có ai tin được?
Dương Quá cười, nói:
- Tại hạ cần gì phải bẻm mép? Quách bá mẫu cũng đã hứa gả Phù muội cho tại hạ từ lâu, nếu không tội gì tại hạ chịu tận lực cứu nhạc phụ nhạc mẫu kia chứ? Tất cả chỉ là vì Phù muội đó. Các hạ nói đi, sư mẫu của các hạ có tự bảo sẽ gả Phù muội cho huynh đệ các hạ hay không nào?.
Huynh đệ họ Võ nhìn nhau, quả nhiên sư mẫu chưa lần nào nói đến việc đó, cũng không hề ngụ ý gì việc đó, hay là sư mẫu đã hứa gả cho tên tiểu tử họ Dương thật rồi? Huynh đệ vốn định sống mái với nhau, bây giờ xuất hiện cường địch, hai người bất giác xích lại gần nhau.
Dương Quá bữa nọ nghe lén được cuộc trò chuyện giữa Quách Phù với huynh đệ họ Võ, chàng cố ý để cho họ đố kỵ với mình, bèn cười, nói:
- Phù muội từng kể với tại hạ, hai vị ca ca họ Võ cứ bám riết lấy nàng, nàng đành phải khéo nói để cả hai người cùng vui. Hô hô, trên thế gian làm gì có một thiếu nữ cùng lúc tâm ái hai nam nhân kia chứ? Phù muội của tại hạ đoan trang trinh thục, càng không có lý nào như thế. Tại hạ nói thực với hai vị đây, hai vị cùng thích Phù muội, nhưng Phù muội không thích cả hai vị đâu.
Rồi chàng nhại giọng Quách Phù bữa nọ, nói:
- Tiểu Võ ca ca, ca ca quí muội, tâm ái muội, nhưng không biết lòng muội có bao nhiêu điều khó nói hay sao? Đại Võ ca ca, ca ca sao lạ thế, có muốn nói gì với muội thì nói đi?
Huynh đệ họ Võ tái mặt. Mấy câu ấy là của Quách Phù nói riêng với họ, bấy giờ hoàn toàn không có kẻ thứ ba, nếu nàng ta không tự kể lại, làm sao Dương Quá hay biết kia chứ? Hai người lòng đau như cắt, nghĩ Quách Phù trước sau không chịu hứa hôn, thì ra là vì thế.
Dương Quá nhìn thần sắc hai người, biết kế của mình đã thành, nghiêm nghị nói:
- Tóm lại, Phù muội là vị hôn thê của tại hạ, mai này tại hạ và nàng bách niên hảo hợp, bạch đầu giai lão, tương kính như tân, tử tôn…
Chàng nói đến đây, bỗng nghe phía sau có tiếng thở dài, nghe như của Tiểu Long Nữ, bèn buột miệng thốt lên hai tiếng “Cô cô!” không thấy tiếng trả lời, chợt hiểu đấy là âm thanh do Lý Mạc Sầu ở trong hang phát ra, nữ nhân đó quyết không thể chạm trán với huynh đệ họ Võ, chàng bèn nói to:
- Huynh đệ hai vị tự tác đa tình, chỉ làm trò cười cho người khác. Tại hạ nể mặt nhạc phụ nhạc mẫu, chuyện này bỏ qua cho hai vị. Hai vị hãy mau trở về thành Tương Dương, giúp nhạc phụ nhạc mẫu của tại hạ thủ thành, đó mới là việc nên làm.
Chàng cứ luôn miệng nhắc gọi vợ chồng Quách Tĩnh là nhạc phụ nhạc mẫu. Huynh đệ họ Võ thất vọng nắm lấy tay nhau. Võ Tu Văn buồn rầu nói:
- Được, Dương đại ca, chúc đại ca và Quách sư muội phúc… phúc thọ vô cương. Huynh đệ tại hạ sẽ đi thật xa, trên thế gian coi như không có huynh đệ tại hạ nữa.
Nói xong cả hai cùng quay người đi.
Dương Quá mừng thầm, nghĩ hai người đã căm hận chàng, ắt căm hận cả Quách Phù, từ đây trở đi sẽ hữu ái hòa mục với nhau, như mong muốn của người cha già.
Võ Tam Thông nấp sau bụi cây, nghe Dương Quá nói một phen khiến cho hai ái nhi của lão không đánh nhau nữa, thì cả mừng, thấy hai đứa dắt nhau bỏ đi, không nén nổi, bèn gọi to:
- Nhu nhi, Văn nhi, ta sẽ cùng đi với các ngươi.
Nhị Võ nghe tiếng cha gọi, sững lại, cùng thốt lên “Gia gia!”. Võ Tam Thông vái Dương Quá một cái thật dài, nói:
- Dương huynh đệ, ân tình hậu ý của huynh đệ, lão phu xin ghi nhớ suốt đời.
Dương Quá bất giác cau mày, sao lão lại đi nói câu ấy trước mặt nhị Võ. Võ Tu Văn đã sinh nghi, nói:
- Đại ca, lời tiểu tử vừa nói chưa chắc đã là thật.
Võ Đôn Nhu không nhanh trí, nhanh miệng bằng tiểu đệ, nhìn cha, rồi nhìn Võ Tu Văn, gật đầu.
Võ Tam Thông thấy sự tình như vậy, vội nói:
- Đừng hiểu lầm, ta không nhờ Dương huynh đệ đến khuyên hai ngươi đâu.
Huynh đệ họ Võ vốn chỉ hơi nghi, nghe phụ thân nói hớ như vậy, lập tức nghĩ đến việc Dương Quá và Quách Phù lâu nay bất hòa với nhau, Dương Quá có tình ý với Tiểu Long Nữ, những lời vừa rồi quá nửa là bịa đặt. Võ Tu Văn nói:
- Đại ca, chúng ta hãy trở vào thành Tương Dương hỏi Phù muội cho rõ ràng.
Võ Đôn Nhu nói:
- Phải, kẻ khác hoa ngôn xảo ngữ, chúng ta không thể mắc lừa.
Võ Tu Văn nói:
- Gia gia, hãy cùng tới thành Tương Dương. Sư phụ, sư mẫu là người quen cũ của gia gia, gia gia đến thăm họ luôn thể.
Võ Tam Thông ấp úng:
- Ta… ta…
Lão đỏ mặt, không biết nói sao, định nghiêm nghị trách mắng hai đứa con về tội ác đấu, nhưng lại sợ chúng vâng lời trước mặt, sau lưng lại quyết sống mái với nhau.
Dương Quá lạnh lùng nói:
- Võ nhị ca, hai chữ “Phù muội”, hai vị không được gọi nữa. Từ rày trở đi, tại hạ không cho phép hai vị chẳng những nhắc đến, mà ngay cả nghĩ thôi cũng không được.
Võ Tu Văn tức giận nói:
- Hừ, thiên hạ lại có kẻ ngang ngược vô lý thế ư? Hai chữ “Phù muội” ta đã gọi bảy, tám năm nay, không chỉ gọi hôm nay, mà mai sau còn gọi như thế. Phù muội, Phù muội, Phù muội của ta…
Bỗng “bốp” một tiếng, Võ Tu Văn đã bị Dương Quá cho một cái tát.
Võ Tu Văn nhảy lui hai bước, gằn giọng nói:
- Được, họ Dương kia, đã nhiều năm chúng ta chưa đánh nhau.
Võ Tam Thông quát:
- Văn nhi, sao tự dưng lại đi đánh nhau?
Dương Quá quay sang, nghiêm trang nói:
- Võ lão bá, rốt cuộc lão bá sẽ đứng về bên nào?
Nói về lý, Võ Tam Thông tất nhiên sẽ giúp con mình, nhưng Dương Quá vừa rồi làm như thế hiển nhiên cốt để ngăn chặn hai đứa con của lão tàn sát lẫn nhau, thành thử lão cứng lưỡi, không trả lời được. Dương Quá nói:
- Đã thế, xin lão bá cứ ngồi yên một chỗ, tiểu điệt sẽ không đả thương đến tính mạng họ, mà họ cũng không thể đả thương nổi tiểu điệt, lão bá hãy xem cảnh náo nhiệt một lúc.
Dương Quá ít tuổi hơn nhiều, nhưng Võ Tam Thông bất giác nghe lời chàng, ngồi xuống một tảng đá.
Dương Quá rút kiếm Quân tử, hàn quang nhoáng lên, “phập” một cái, chặt đứt ngang thân một cây tùng lớn. Phần ngọn cây tùng đổ rạp sang một bên, chỗ thân cây bị chém ngang phẳng lì. Huynh đệ họ Võ thấy kiếm của chàng sắc bén như thế thì nhìn nhau tái mặt. Dương Quá tra kiếm vào bao, cười, nói:
- Đối phó với hai vị, đâu cần dùng kiếm?
Chàng thuận tay bẻ một cành cây tuốt lá, thành một cây bổng dài ba thước, nói:
- Tại hạ bảo nhạc mẫu rất quí tại hạ, hai vị chưa chịu tin, vậy tại hạ chỉ sử dụng cây bổng này, hai vị cứ việc sử kiếm cùng đánh. Hai vị vừa có thể sử dụng võ công do nhạc phụ nhạc mẫu tại hạ truyền thụ, vừa có thể sử dụng Nhất dương chỉ do Chu sư thúc của hai vị truyền thụ, tại hạ sẽ chỉ sử dụng võ công do nhạc mẫu truyền thụ; nếu tại hạ sử nhầm công phu của môn phái khác, coi như tại hạ bị thua.
Nhị Võ vốn sợ Dương Quá võ công cao cường, lần trước thấy chàng hai phen ác đấu với Kim Luân pháp vương, chiêu số quái dị, họ không hiểu nổi; lúc này nghe chàng luôn miệng nhạc phụ nhạc mẫu, tựa hồ Quách Phù đã thật sự là vợ chàng, bảo họ không căm tức sao được? Huống hồ chàng ngạo mạn, lấy một địch hai, dùng cành cây đấu với kiếm sắc, còn bảo chỉ giới hạn trong việc sử dụng công phu mà Hoàng Dung truyền thụ riêng cho chàng, huynh đệ họ Võ nghĩ bụng họ đã chiếm ba phần lợi thế, nếu không thắng chàng, thì cũng chẳng còn mặt mũi nào sống trên đời.
Võ Đôn Nhu cảm thấy thắng như vậy không vẻ vang gì, lắc đầu, định lên tiếng, thì Võ Tu Văn đã cướp lời:
- Được, đấy là các hạ tự cao tự đại, chứ không phải huynh đệ tại hạ nài ép các hạ. Nếu các hạ sử dụng nhầm võ công của phái Toàn Chân hoặc phái Cổ Mộ thì sao?
Hắn nghĩ chàng võ công tuy cao, chẳng qua là dựa vào học được công phu thượng thừa của phái Toàn Chân và phái cổ Mộ, chứ hồi ở đảo Đào Hoa, đánh nhau với huynh đệ họ, chàng đã bị no đòn, đâu có bản lĩnh gì?
Dương Quá nói:
- Chúng ta tỷ võ lần này, không phải vì oán hận hồi nhỏ, cũng không vì oán hận hôm nay, mà chỉ vì Phù muội. Nếu tại hạ thua, mà còn nhìn Phù muội một lần, nói với Phù muội một câu, thì sẽ là hạng vô liêm sỉ, không bằng con heo con chó. Nhưng nếu hai vị thua thì sao?
Câu vừa rồi cốt để buộc huynh đệ họ Võ cũng phải nói y như vậy. Võ Tu Văn đành nói:
- Huynh đệ tại hạ mà thua, cũng sẽ vĩnh viễn không gặp Phù muội nữa.
Dương Quá hỏi Võ Đôn Nhu:
- Còn các hạ thì sao?
Võ Đôn Nhu tức giận, nói:
- Huynh đệ ta đồng tâm nhất ý, há có dị ngôn?
Dương Quá cười, nói:
- Hay lắm, nếu hôm nay hai vị bị thua mà không giữ lời, thì sẽ là hạng vô liêm sỉ, không bằng con heo con chó, phải vậy chăng?
Võ Tu Văn nói:
- Phải. Các hạ cũng vậy. Tiếp chiêu!
Đoạn trường kiếm đâm nhanh tới đùi Dương Quá. Võ Đôn Nhu cũng đâm vào sườn trái của chàng, thành thế tả hữu giáp công.
Dương Quá nhảy lên, nói:
- Huynh đệ đồng tâm, chém đứt kim loại, huynh đệ hai vị liên thủ, quả nhiên lợi hại.
Võ Đôn Nhu chém tới, Dương Quá vẫn né tránh, chưa đánh trả, nói:
- Thê tử như quần áo, huynh đệ như chân tay, quần áo rách, có thể vá, chân tay đứt, không liền lại! Câu thơ ấy, hai vị từng nghe rồi chứ?
Võ Tu Văn nói:
- Các hạ chớ nhiều lời. Sư mẫu truyền thụ riêng cho các hạ công phu gì, sao không đem ra thi triển?
Võ Đôn Nhu không nói một lời, chỉ lẳng lặng vung kiếm.
Dương Quá nói:
- Được, cẩn thận này, công phu tinh diệu mà nhạc mẫu tại hạ truyền thụ là đây!
Nói đoạn giơ cây bổng sử tự quyết chữ “Bạn” (móc giật) trong Đả cẩu bổng pháp, đồng thời ngón trỏ tay trái điểm nhứ vào huyệt đạo của Võ Đôn Nhu. Võ Đôn Nhu vội lùi ra sau né tránh, Võ Tu Văn kêu “ái”, đã bị cây bổng giật ngã một cái.
Võ Đôn Nhu thấy huynh đệ bất lợi, đâm nhanh một nhát kiếm tới Dương Quá. Dương Quá nói:
- Đúng, huynh đệ ruột thịt, có nạn cùng chịu.
Cây bổng di động, nhoáng một cái đã đập “bộp” một cái vào mông Võ Đôn Nhu. Cây bổng di chuyển không nhanh, nhưng toàn đánh vào bộ vị đối phương không ngờ tới, Đả cẩu bổng pháp biến ảo vô phương, quỉ thần khó lường. Võ Đôn Nhu trúng đòn tuy không đau, nhưng rõ ràng đã thua một chiêu, thầm lo sợ.
Võ Tu Văn bật dậy, nói:
- Đấy là Đả cẩu bổng pháp, đâu phải công phu sư mẫu truyền thụ riêng? Chẳng qua khi sư mẫu truyền thụ cho Lỗ Hữu Cước, các hạ học lỏm được vài chiêu, không được tính.
Dương Quá giơ cây bổng ra, Võ Tu Văn lại ngã “oạch” một cái, bổ nhào về phía trước, Võ Đôn Nhu vội phạt ngang trường kiếm bảo hộ cho huynh đệ.
Dương Quá chờ Võ Tu Văn bò dậy, cười, nói:
- Ba chúng ta cùng nhìn thấy, tại sao tại hạ học được, hai vị thì không? Nhạc mẫu tại hạ chỉ nói cho Lỗ trưởng lão biết khẩu quyết, còn chiêu số sau đó nhạc mẫu truyền thụ riêng cho tại hạ. Ngay cả Phù muội của tại hạ cũng không được biết, hai vị hiểu sao nổi?
Võ Tu Văn không biết Dương Quá từng có những cuộc kỳ ngộ, khi Hồng Thất Công và Âu Dương Phong tỷ võ bằng cách đấu khẩu, đã nói chiêu số cho chàng nghe; hắn nghĩ lời Dương Quá quá nửa là thật, nếu không làm sao chàng chỉ nghe khẩu quyết mà có thể sử cây bổng, trong khi hắn chẳng hiểu gì. Hắn cố cãi lý:
- Cái đó là do phẩm cách của từng người, Đả cẩu bổng pháp vốn chỉ do bang chủ Cái Bang sử dụng, chúng ta vô tình nghe thấy, chưa được lệnh sư mẫu, ai dám học lỏm? Chỉ có hạng tiểu nhân ti tiện mới để bụng ghi nhớ. Các hạ không biết xấu hổ, không sợ người ta chê cười hay sao?
Dương Quá cười ha hả, nhứ nhứ cây bổng, bộp bộp hai tiếng, đánh trúng lưng hai người. Huynh đệ họ Võ vội nhảy lùi, đỏ bừng cả mặt. Dương Quá cười, nói:
- Hiện tại không có người đối chứng, tại hạ dù có đánh thắng hai vị bằng Đả cẩu bổng pháp, hai vị cũng chỉ tâm phục, khẩu chẳng phục. Thôi được, tại hạ sẽ sử dụng môn công phu mà nhạc mẫu bí mật truyền thụ cho tại hạ để hai vị thấy.
Chàng nhìn Võ Đôn Nhu, lại nhìn Võ Tu Vãn, hỏi:
- Võ công của nhạc mẫu tại hạ là do ai truyền thụ?
Võ Tu Văn tức giận đáp:
- Các hạ không biết ngượng mồm, cứ một điều nhạc mẫu, hai điều nhạc mẫu, bọn ta không nói chuyện nữa.
Dương Quá cười, nói:
- Sao lại để ý chuyện vặt đó? Được, tại hạ hỏi huynh, trước khi sư mẫu của huynh bái Hồng lão bang chủ làm sư phụ, võ công là do ai truyền thụ?
Võ Tu Văn nói:
- Sư mẫu bọn ta là con gái của Đào Hoa Hoàng đảo chủ, võ công là do Hoàng đảo chủ đích truyền, thiên hạ ai mà chẳng biết?
Dương Quá nói:
- Đúng, hai vị sống ở đảo Đào Hoa lâu năm, có biết tuyệt kỹ của Hoàng đảo chủ là công phu gì hay không?
Võ Tu Văn nói:
- Hoàng đảo chủ bác đại tinh thâm, văn tài võ lược, môn nào cũng thông, đâu phải chỉ có một tuyệt kỹ.
Dương Quá nói:
- Nói thế cũng đúng, luận về kiếm, Hoàng đảo chủ sử dụng kiếm pháp gì?
Võ Tu Văn nói:
- Các hạ biết rồi sao còn hỏi? Ngọc tiêu kiếm pháp của Hoàng đảo chủ độc bộ võ lâm, lừng danh thiên hạ, người trên giang hồ ai chẳng biết.
Dương Quá nói:
- Hai vị đã gặp Hoàng đảo chủ hay chưa?
Võ Tu Văn nói:
- Hoàng đảo chủ vân du thiên hạ, xuất quỉ nhập thần, ngay sư phụ, sư mẫu cũng khó tìm gặp Hoàng đảo chủ, bọn tiểu bối chúng ta làm sao có duyên kiến diện?
Dương Quá nói:
- Thế Ngọc tiêu kiếm pháp của Hoàng đảo chủ, hai vị đã được thấy hay chưa?
Võ Tu Văn cười khẩy, nói:
- Có một năm vào dịp sinh nhật Hoàng đảo chủ, sư mẫu mở tiệc mừng, tiệc xong sư mẫu có sử một lần, huynh đệ tại hạ và Phù muội được ngắm một phen. Bấy giờ Dương huynh đã đến phái Toàn Chân tìm minh sư rồi.
Dương Quá cười, nói:
- Đúng, sau đó nhạc mẫu tại hạ… thôi được, sau đó sư mẫu của huynh có bí mật truyền thụ Ngọc tiêu kiếm pháp cho tại hạ.
Huynh đệ họ Võ đưa mắt nhìn nhau, đều chưa tin, nghĩ dạo trước Dương Quá tuy bái Hoàng Dung làm sư phụ, nhưng họ biết sư mẫu chỉ dạy chàng học chữ, đọc sách, chứ không hề dạy võ công; cho nên khi đánh nhau với hai người ở đảo Đào Hoa, chàng không phải là đối thủ của họ, cuối cùng đả thương Võ Tu Văn, theo Kha công công nói, là môn Cáp mô công của Tây độc Âu Dương Phong. Thiết tưởng Ngọc tiêu kiếm pháp là công phu tinh diệu, ngay Quách Phù là ái nữ duy nhất còn chưa được sư mẫu truyền thụ. Dương Quá từ khi ở núi Chung Nam trở về, mỗi lần gặp sư mẫu đều ngắn ngủi, sư mẫu dù có ý truyền thụ Ngọc tiêu kiếm pháp cho Dương Quá, cũng chưa có thời gian rảnh rỗi.
Dương Quá giơ cây bổng lên múa nhẹ, nói:
- Nhìn coi, đây là “Tiêu sử thừa long"!
Chàng lấy cành cây thay kiếm, chĩa nhanh, “bộp” khẽ một tiếng, đã trúng ngực Võ Đôn Nhu. Nếu đổi cây bổng là thanh kiếm sắc nhọn, thì Võ Đôn Nhu đã bị đâm xuyên qua ngực, còn gì mạng sống.
Võ Tu Văn hành động cực nhanh, trường kiếm đâm tới sườn phải của Dương Quá, song vẫn bị chậm một bước, Dương Quá đã thu cây bổng về, thúc trúng đùi bên phải của Võ Tu Văn, chiêu này đánh sau mà đến trước, mũi kiếm chưa chạm thân thể đối phương, thì cổ tay đã bị cây bổng chọc trúng, thanh kiếm sẽ tuột khỏi tay. Hắn vội thu kiếm biến chiêu, chân trái đá ra, cây bổng của Dương Quá lại chọc tới vai Võ Đôn Nhu, thân người sấn tới theo cây bổng, không tránh mà hóa ra tránh cước của Võ Tu Văn. Võ Tu Văn đá hụt, Võ Đôn Nhu thì vội đưa kiếm che đỡ môn hộ mới không bị trúng đòn thêm.
Sau vài chiêu, nhị Võ đã rối loạn chân tay, cố thủ còn chưa xong, nói gì thi triển kiếm pháp đối phó với cây bổng của đối phương? Dương Quá miệng gọi tên chiêu số:
- Sơn ngoại thanh âm, Kim thanh ngọc thần, Phụng khúc trường minh, Hướng cách lâu đài, Trác ca trung lưu…
Cây bổng đâm chọc liên tiếp, tiêu sái tự nhiên, chiêu nào cũng tấn công, chưa đợi nhị Võ hóa giải chiêu này đã xuất chiêu tiếp theo dồn dập, buộc nhị Võ kề vai nhau chống đỡ, không dám rời nhau nửa bước. Huynh đệ họ Võ từng xem Hoàng Dung sử kiếm pháp này, chỉ biết là nó tuấn nhã hoa tiêu, đâu ngờ lại diệu dụng đến thế. Nghe Dương Quá gọi tên các chiêu số, tựa hồ ngày trước Hoàng Dung từng nói qua, hai người bị chế ngự, tình thế quẫn bách, đau lòng nghĩ rằng Ngọc tiêu kiếm pháp chắc quả thật do Hoàng Dung truyền thụ riêng cho Dương Quá. Họ đâu biết Dương Quá từng nhiều ngày ở bên Hoàng Dược Sư, được Hoàng Dược Sư đích thân truyền thụ hai tuyệt kỹ Ngọc tiêu kiếm pháp và Đạn chỉ thần công?
Dương Quá thấy hai người thần sắc thê thảm, cũng không nỡ; nhưng nghĩ phải làm đến cùng, đã giúp Võ Tam Thông thì giúp đến nơi đến chốn; hôm nay nếu không làm cho hai gã này tâm phục khẩu phục, vĩnh viễn không dám nhìn mặt Quách Phù, thì hai gã sẽ còn vì nàng ta mà tàn sát nhau một mất một còn mới thôi. Trị bệnh phải trị tận gốc, thế là chàng tiếp tục thi triển Ngọc tiêu kiếm pháp dồn ép huynh đệ họ Võ, khiến họ càng đấu càng kinh hãi, phải nghiến răng chống trả một cách tuyệt vọng.
Việt nữ kiếm pháp mà huynh đệ họ Võ học được vốn cũng là môn kiếm pháp cực kỳ lợi hại, nhưng họ chưa luyện đến hỏa hầu, Quách Tĩnh lại vụng về, không biết giải thích tường tận cái huyền diệu tinh vi của môn kiếm pháp ấy cho hai gã đệ tử. Cho nên nhị Võ nếu tỷ thí với hảo thủ giang hồ thì chắc thắng, còn đấu với Dương Quá tất nhiên không nổi, mà tự họ cũng không hiểu vì sao. Ngọc tiêu kiếm pháp Dương Quá cũng chưa luyện kỹ, có điều võ công của chàng cao hơn hai gã kia mấy bậc, huống hồ hai gã vừa đau lòng vừa tức giận, khó tránh xuất thủ bấn loạn.
Dương Quá không hạ độc thủ, song từ từ truyền nội lực ra cây bổng. Nhị Võ đấu một hồi, cảm thấy cây bổng trong tay đối phương dường như có sức hút rất mạnh, cứ dẫn kiếm của họ chệch đi, khi thì sang bên phải, khi thì sang bên trái, không trúng đích. Lực hút của cây bổng mạnh đến mức cuối cùng dẫn kiếm của hai gã đâm lẫn nhau. Võ Đôn Nhu đâm Dương Quá một chiêu, lại suýt trúng người Võ Tu Văn; còn Võ Tu Văn đâm Dương Quá một kiếm, song Võ Đôn Nhu phải dốc sức chống đỡ mới không bị trúng đòn.
Dương Quá cười một tràng dài, nói:
- Cái tinh diệu của Ngọc tiêu kiếm pháp không dừng ở đó, hãy cẩn thận này!
Cây bổng của chàng đụng vào lưỡi kiếm của Võ Đôn Nhu, cây bổng chẳng hề hấn gì, trong khi Võ Đôn Nhu cảm thấy tay mình bị kéo mạnh ra ngoài, thanh kiếm mấy lần bị tuột khỏi tay, y phải cố ghìm lại, cây bổng của Dương Quá thuận thế đẩy chếch đi, luôn cả thanh kiếm của Võ Tu Văn cũng bị hút lấy, bị kéo xuống, cả hai mũi kiếm cùng chĩa xuống sát đất. Nhị Võ ráng sức rút về, thì chân trái của Dương Quá đã đạp lên hai cán kiếm, còn cây bổng thì chọc nhẹ lần lượt vào yết hầu từng gã, kèm theo tiếng cười, hỏi:
- Đã phục chưa?
Nếu đổi cây bổng thành vật nhọn sắc, thì hai gã đã đứt họng, dù chỉ là cây bổng, song dùng lực mạnh, thì hai gã cũng sẽ bị trọng thương. Nhị Võ mặt xám ngoét, không nói một lời. Dương Quá nhấc chân trái về lùi lại ba bước, thấy thần sắc nhị Võ thì nhớ lại hồi nhỏ từng bị hai gã ẩu đả làm nhục, hôm nay mới cho hai gã bẽ mặt, chàng không khỏi đắc ý.
Lúc này huynh đệ họ Võ không còn nghi ngờ gì nữa, tin chắc Dương Quá quả nhiên được Hoàng Dung truyền thụ tuyệt kỹ, nhưng từ nhỏ cả hai đã si mê Quách Phù, nếu bại trận này, sẽ vĩnh viễn không thể gặp nàng ta, thật không cam lòng; lại nghĩ cuộc đấu vừa khởi đầu đã bị đối phương chiếm tiên cơ, sau đó toàn phải luống cuống chống đỡ, chưa thi triển được võ nghệ sở học, ngay môn Nhất dương chỉ mới luyện cũng chưa kịp thi thố. Võ Tu Văn đột nhiên nói to:
- Đại ca, nếu chúng ta dừng tay, thì sống trên đời còn có ý vị gì nữa? Chi bằng hãy liều chết cùng hắn!
Võ Đôn Nhu nói:
- Đúng thế!
Hai gã lại xông tới, cũng không buồn nghiêm thủ các vị trí yếu hại, mà chỉ dốc sức tấn công.
Biến chiêu kiểu này, quả nhiên uy lực tăng mạnh, hai gã chỉ công không thủ, liều chết một phen với Dương Quá. Cây bổng của Dương Quá nhắm vào chỗ yếu hại của họ, họ cũng bất chấp, tay phải sử kiếm, tay trái thì thi triển môn Nhất dương chỉ, quyết lấy mạng đối phương. Dương Quá cười, nói:
- Được, đấu thế này mới thú vị một chút!
Chàng quẳng cây bổng đi, luồn lách như tia chớp giữa hai thanh kiếm. Nhị Võ càng hung hăng hơn, song vẫn không sao đâm trúng đối thủ.
Võ Tam Thông nhìn ba người động thủ, nhất thời mong Dương Quá đắc thắng, để hai đứa con của lão ta tuyệt tình với Quách Phù, song khi thấy hai đứa con liên tiếp gặp hiểm chiêu, có lúc lại mong chúng đánh bại Dương Quá, tâm trạng cứ thay đổi không ngừng.
Bỗng nghe Dương Quá hú một tiếng dài, búng ngón tay vào hai thanh kiếm của nhị Võ, tinh tinh hai tiếng, hai thanh kiếm bay lên trời. Dương Quá tung mình nhảy lên, mỗi tay chộp một thanh kiếm, cười, nói:
- Công phu Đạn chỉ thần công này cũng là do nhạc mẫu tại hạ truyền thụ đó.
Đến bước này, huynh đệ họ Võ tự biết đấu thêm với chàng sẽ càng thêm nhục. Dương Quá đảo chuôi kiếm, tung nhẹ trả lại, nói:
- Xin lỗi đã đắc tội.
Võ Tu Văn nhận kiếm, rầu rĩ nói:
- Thôi, tại hạ vĩnh viễn không còn gặp Phù muội nữa.
Đoạn đưa kiếm lên cứa ngang cổ tự vẫn. Võ Đôn Nhu cùng một ý như huynh đệ, cũng đưa kiếm lên cứa ngang cổ tự vẫn. Dương Quá kinh ngạc, bay người tới búng hai thanh kiếm ra ngoài, hai lưỡi kiếm đụng nhau cùng gãy đôi.
Lúc ấy Võ Tam Thông cũng nhảy vào, mỗi tay tóm cổ một đứa con, xẵng giọng nói:
- Hai ngươi vì một đứa con gái mà tự kết liễu tính mạng mình, thật uổng là một trang hảo hán.
Võ Tu Văn ngẩng lên, buồn bã nói:
- Gia gia, gia gia… cũng vì một nữ nhân… mà đau khổ suốt cả đời đó thôi? Hài nhi…
Lời chưa dứt, hắn thấy trên mặt phụ thân nước mắt ròng ròng, chợt nghĩ hai gã tàn sát lẫn nhau, quả thật làm cho người cha già đau lòng, thế là hắn khóc nấc lên. Võ Tam Thông buông tay, ôm hắn vào lòng, tay trái cũng ôm Võ Đôn Nhu, cha con ba người dính thành một chùm. Võ Đôn Nhu nghĩ mình luôn chân tình tâm ái Quách Phù, thế mà nàng ta ngấm ngầm thân mật với Dương Quá, ngay cả sư mẫu cũng đánh lừa huynh đệ y, đem tuyệt nghệ bình sinh truyền riêng cho đứa con rể tương lai, xem ra người ngoài toàn là hạng giả dối, chỉ có tình phụ tử huynh đệ mới là chân tình, bèn gục đầu vào ngực cha mà khóc nấc lên.
Dương Quá sau khi hành hạ huynh đệ họ Võ một chập, thấy ba cha con họ bây giờ đã thương yêu nhau, thì vô cùng đắc ý, nghĩ thầm tuy mình chỉ còn sống được mấy ngày, song trước khi chết cũng đã làm một việc tốt.
Chỉ nghe Võ Tam Thông nói:
- Hài tử ngu ngốc, đại trượng phu lo gì không có vợ? Nữ hài tử họ Quách đã không có chân tình với các ngươi, hà tất còn nhớ đến nó? Đại sự trước mắt ba cha con ta là gì hả?
Võ Tu Văn ngẩng đầu, nói:
- Phải báo đại cừu cho mẹ.
Võ Tam Thông đanh giọng, nói:
- Đúng thế! Cha con ta dẫu phải đi khắp chân trời góc bể, cũng phải tìm bằng được nữ ma đầu Lý Mạc Sầu!
Dương Quá kinh hãi, nghĩ: “Phải mau đưa ba người này ra chỗ khác, Lý sư bá mà nghe thấy câu vừa rồi thì phiền lắm”. Chàng chưa kịp làm gì, thì nghe tiếng cười lạnh lùng của Lý Mạc Sầu từ trong hang vọng ra:
- Hà tất phải đi khắp chân trời góc bể? Lý Mạc Sầu ta chờ ở đây đã lâu.
Đoạn từ trong hang bước ra, tay trái ẵm đứa bé, tay phải cầm cây phất trần, gió thổi bay bay tà áo, thần thái tự nhiên.
Cha con họ Võ không thể nào ngờ nữ ma đầu lại xuất hiện vào lúc này tại đây, Võ Tam Thông gầm lên một tiếng, lao tới, Võ Đôn Nhu và Võ Tu Văn đã bị gãy kiếm, mỗi người nhặt thanh kiếm gãy, sấn tới tả hữu giáp công. Dương Quá nói to:
- Bốn vị hãy khoan động thủ, nghe tại hạ nói một lời đã.
Võ Tam Thông mắt đỏ ngầu, nói:
- Dương huynh đệ, để giết con ma đầu này rồi nói sau.
Vừa nói, tả chưởng và hữu chỉ đã thi triển liên tiếp ba sát chiêu. Huynh đệ họ Võ thì tuy sử dụng hai thanh kiếm gãy, nhưng đánh gần như dùng chủy thủ, cũng có uy lực không nhỏ. Dương Quá biết họ có mối huyết cừu, quyết không chịu nghe lời khuyên giải của chàng, chỉ sợ đứa bé bị thương, chàng nói:
- Lý sư bá, hãy đưa đứa bé cho đệ tử ẵm.
Võ Tam Thông sững sờ, lùi hai bước, hỏi:
- Tại sao Dương huynh đệ lại gọi mụ ta là sư bá?
Lý Mạc Sầu cười, nói:
- Sư điệt thân ái, hãy đánh chặn phía sau lão điên, đứa bé cứ để ta ẵm cũng được.
Mụ vừa tiếp ba chiêu của Võ Tam Thông, thấy công lực đại tiến, hơn hẳn năm nào đôi bên động thủ ở phủ Gia Hưng, huynh đệ họ Võ cũng không phải hạng tầm thường, ba người ấy liều chết tấn công thì mụ cũng không dễ gì đối phó, mụ bèn cố ý gọi Dương Quá là “sư điệt thân ái” để cho ba người phân tâm. Võ Tam Thông quả nhiên trúng kế, nói:
- Nhu nhi, Văn nhi, hai ngươi đề phòng gã họ Dương, để mình ta trừng trị nữ ma đầu.
Dương Quá xuôi tay lùi ra, nói:
- Tại hạ không giúp bên nào, nhưng các vị nhất thiết không được đả thương đứa bé.
Võ Tam Thông thấy Dương Quá lùi ra, phần nào yên tâm hơn, dồn lực vào chưởng mà sấn tới. Lý Mạc Sầu vung cây phất trần chống đỡ, nói:
- Hai vị tiểu Võ công tử, vừa nãy ta thấy hai công tử hành sự cũng là kẻ đa tình, không như hạng nam nhân bạc hạnh vô tình vô nghĩa đáng ghét. Nghĩ riêng việc đó hôm nay ta tha chết cho hai công tử, vậy cả hai hãy mau chạy đi!
Võ Tu Văn tức giận nói:
- Tặc tiện nhân, mụ ác bà nương chó má kia, cái gì mà đa tình với chả vô tình?
Rồi xông tới, liên tiếp tung sát chiêu. Lý Mạc Sầu nổi giận nói:
- Xú tiểu tử không biết tốt xấu!
Cây phất trần chuyển động từ trong ra ngoài, xoay một vòng, đụng hai thanh kiếm gãy của nhị Võ, cả hai cảm thấy ngực bị chấn động mạnh, kiếm gãy suýt nữa thì tuột khỏi tay. Võ Tam Thông phóng một chưởng tới, Lý Mạc Sầu đưa cây phất trần về cản, mới giải nguy cho nhị Võ.
Dương Quá chậm rãi tới phía sau Lý Mạc Sầu, chỉ chờ chiêu số của mụ ta hơi ngưng lại, chàng sẽ lập tức cướp lấy đứa bé. Nhưng ba cha con họ Võ đánh rát, buộc Lý Mạc Sầu phải vung cây phất trần bảo hộ toàn thân, không có kẽ hở nào để chàng lợi dụng. Chàng thấy cha con họ Võ xuất thủ không nể nang, úy kỵ gì đối với đứa bé, lỡ nó bị thương, thật chàng sẽ không biết nói sao với vợ chồng Quách Tĩnh? Chàng kêu to:
- Lý sư bá, mau đưa đứa bé cho đệ tử!
Rồi chàng sấn lên, vung chưởng gạt cây phất trần, định đoạt lấy đứa bé. Lúc này Lý Mạc Sầu đứng giữa bốn người, trước sau tả hữu đều là địch thủ, cũng định trao đứa bé cho Dương Quá, song mụ lại tiếc, nên quát to:
- Ngươi mà tiến bước nữa, ta sẽ bóp chết nó tức thì.
Dương Quá cả sợ, đành dừng lại.
Lý Mạc Sầu chỉ hơi phân tâm, tả chưởng của Võ Tam Thông đã vỗ tới, ngón trỏ tay phải thì điểm trúng huyệt đạo bên sườn mụ ta. Lý Mạc Sầu lập tức cảm thấy nửa người tê dại, loạng choạng chực ngã. Mụ tiện thể tung chân đá văng cây kiếm gãy khỏi tay Võ Đôn Nhu, vụt ngọn cây phất trần xuống đầu Võ Tu Văn. Võ Tam Thông túm lưng Võ Tu Văn kéo gấp về phía sau mới giúp hắn tránh thoát đòn truy hồn đoạt mệnh của mụ ta. Lý Mạc Sầu bị thương không nhẹ, vung cây phất trần mở đường chạy vào hang.
Võ Tam Thông cả mừng, nói:
- Tặc tiện nhân đã trúng một chỉ của ta, hôm nay khó lòng chạy thoát.
Huynh đệ họ Võ định xông vào hang, Võ Tam Thông nói:
- Hãy khoan, đề phòng độc kế của tặc tiện nhân, chúng ta hãy canh chừng ngoài này, nghĩ cách thật hay đã…
Lời chưa dứt, bỗng nghe một tiếng gầm lớn, rồi từ trong hang một con báo gấm lớn lao ra.
Con mãnh thú đột nhiên xuất hiện, ba cha con Võ Tam Thông đều cả kinh, trong giây lát ngân quang loáng lên, từ dưới bụng con báo phóng ra mấy mũi ngân châm. Điều này lại càng hoàn toàn bất ngờ; Võ Tam Thông võ công tinh thâm, ứng biến thần tốc, kịp bay người lên, ngân châm bay qua bên dưới, nhưng nhị Võ huynh đệ thì cùng kêu “ối!” Lý Mạc Sầu đã từ phía dưới bụng con báo lật người, cưỡi trên lưng mãnh thú, cây phất trần giắt sau lưng, tay trái ẵm đứa bé, tay phải túm gáy con báo, phát ra một tràng cười. Con báo gấm lao vào hẻm núi.
Sự việc cũng hết sức bất ngờ đối với Dương Quá, chàng thấy con báo chạy đi, vội chạy theo, gọi to:
- Lý sư bá…
Võ Tam Thông thấy hai đứa con gục ngã không bò dậy nổi, bèn dang tay ôm lấy Dương Quá, nói:
- Hôm nay ta liều chết với ngươi.
Dương Quá không phòng bị, bị lão ôm cứng, vội nói:
- Lão bá mau buông ra, để tiểu điệt cướp lại đứa bé!
Võ Tam Thông nói:
- Thôi thì cả bọn cùng chết với nhau một thể!
Dương Quá thi triển tiểu cầm nã thủ để gỡ tay lão ta, nhưng Võ Tam Thông nổi cơn điên, cứ ôm chặt ngang bụng chàng.
Dương Quá thấy Lý Mạc Sầu đã cưỡi con báo phóng đi mất hút, không thể đuổi kịp được nữa, thở dài nói:
- Lão bá ôm tiểu điệt làm gì kia chứ? Mau cứu nhị vị lệnh lang thì hơn!
Võ Tam Thông mừng rỡ:
- Phải, phải rồi! Huynh đệ biết cách cứu chữa phải không?
Nói xong lão buông Dương Quá ra.
Dương Quá cúi xuống nhìn huynh đệ họ Võ, thấy Võ Đôn Nhu bị trúng ngân châm vào vai, Võ Tu Văn bị trúng ở đùi, chất độc lan nhanh, trong giây lát hai người đã thở hổn hển, ngất đi không biết gì. Chàng xé vạt áo Võ Đôn Nhu, bọc ngón tay mình để rút hai mũi ngân châm ra khỏi người nhị Võ. Võ Tam Thông vội hỏi:
- Huynh đệ có giải dược hay không?
Dương Quá thấy nhị Võ trúng độc khó cứu, lặng lẽ lắc đầu.
Võ Tam Thông phụ tử tình thâm, lòng như dao cắt, nhớ lại vợ lão từng hút độc cho lão mà chết, đột nhiên lão chồm tới chỗ Võ Tu Văn, định hút máu từ vết thương ở đùi cho hắn. Dương Quá kinh hãi, kêu to:
- Đừng làm thế!
Chàng tiện tay điểm huyệt Đại Chùy ở lưng lão ta. Võ Tam Thông không đề phòng, bị ngã xuống, không cử động được, giương mắt nhìn hai đứa con, lệ chảy ròng ròng.
Dương Quá chợt nghĩ: “Dăm hôm nữa, chất độc hoa Tình trong người mình sẽ phát tác, sống thêm hay bớt đi dăm ngày thật chẳng có gì khác nhau, huynh đệ họ Võ là kẻ tầm thường, nhưng Võ lão bá là người chí tình, rất hợp với tâm ý của mình, Võ lão bá cả đời bất hạnh, mình hiến cho lão bá năm ngày để cha con Võ lão bá đoàn tụ mà nhớ mãi đến mình”. Thế là chàng ghé miệng vào hút máu độc ra khỏi vết thương ở đùi Võ Tu Văn, nhổ đi mấy ngụm; xong lại cứu Võ Đôn Nhu.
Võ Tam Thông nhìn cảnh ấy, lòng cảm kích bội phần, ngặt vì đã bị điểm huyệt, không làm gì được. Dương Quá hút máu độc cho nhị Võ một hồi, miệng có cảm giác từ vị đắng chuyển sang vị mặn, đầu óc càng lúc càng choáng váng, biết mình trúng độc đã sâu, cố hút thêm vài ngụm, nhổ ra, rồi ngã ra ngất lịm.
Không biết ngất đi bao lâu, dần dần thấy có nhiều bóng người lờ mờ diễu qua trước mặt, muốn nhìn cho rõ, càng lờ mờ thêm; cuối cùng chàng cũng mở mắt ra được, chỉ thấy Võ Tam Thông mừng rỡ nhìn chàng, reo lên:
- Hay quá, hay quá!
Đột nhiên lão quì xuống, rập đầu mười mấy cái liền, nói:
- Dương huynh đệ, huynh đệ đã… cứu sống… cứu sống hai đứa con ta, cũng cứu sống cái mạng già này.
Lão lồm cồm bò dậy, rồi lại khấu đầu với một người khác, nói:
- Đa tạ sư thúc, đa tạ sư thúc!
Dương Quá nhìn về phía người kia, thấy người ấy mặt đen, mũi cao mắt sâu, diện mạo hơi giống Ni Ma Tinh, tóc ngắn râu quăn, râu tóc bạc phơ, tuổi đã cao. Dương Quá chỉ biết Võ Tam Thông là đệ tử của Nhất Đăng đại sư, không biết lão còn có một vị sư thúc là người nước Thiên Trúc, chàng muốn ngồi dậy, nhưng cảm thấy không có chút sức lực nào; nhìn quanh, thấy mình đang nằm trên giường, chính là căn phòng chàng đã ở trong thành Tương Dương; chàng mới biết là mình chưa chết, còn có thể gặp lại Tiểu Long Nữ, bất giác thốt lên hai tiếng:
- Cô cô, cô cô!
Một người tới bên giường, đặt nhẹ tay lên trán chàng, nói:
- Quá nhi, hãy nghỉ đi, cô cô của ngươi có việc ra bên ngoài thành.
Đó là Quách Tĩnh. Dương Quá thấy Quách Tĩnh đã khỏe, thì rất mừng, nhưng chợt nghĩ: “Quách bá bá bị thương hồi phục, tất đã qua bảy ngày bảy đêm, chẳng lẽ mình bị hôn mê nhiều ngày như thế hay sao? Mà chất độc hoa Tình trong người mình tại sao chưa phát tác?” Chàng ngạc nhiên, đầu óc lại mơ hồ, ngất đi.
Chàng tỉnh lại lần thứ hai, thì là đêm khuya, bên đầu giường có một ngọn nến hồng cháy sáng, Võ Tam Thông ngồi cạnh giường đăm đăm nhìn chàng. Dương Quá mỉm cười, nói:
- Võ lão bá, tiểu điệt không sao đâu, lão bá đừng bận tâm, hai vị Võ huynh đều khỏe cả chứ?
Võ Tam Thông nước mắt lưng tròng, chỉ gật đầu, không nói nên lời.
Dương Quá bình sinh chưa từng được ai cảm kích đến như vậy, cảm thấy áy náy, bèn lái sang chuyện khác, hỏi:
- Chúng ta làm cách nào về được thành Tương Dương?
Võ Tam Thông đưa tay áo quệt nước mắt, nói:
- Chu sư đệ của lão phu được Long cô nương ủy thác, đem con ngựa quí hãn huyết tới cho Dương huynh đệ, thấy bốn người chúng ta đều nằm lăn dưới đất, mới vội cấp cứu mang về.
Dương Quá ngạc nhiên, nói:
- Sao sư phụ của tiểu điệt lại biết tiểu điệt ở đó? Sư phụ của tiểu điệt có việc khẩn cấp gì, đến nỗi phải nhờ Chu lão bá mang ngựa cho tiểu điệt kia chứ?
Võ Tam Thông lắc đầu, nói:
- Lão phu về đến thành Tương Dương thì không gặp được Long cô nương. Chu sư đệ bảo rằng nàng ta còn trẻ, võ công xuất thần nhập hóa, tiếc thay lần này lão phu không có duyên bái kiến. Ôi, anh hùng thiếu niên tài ba như thế, lão phu bảo với Chu sư đệ rằng cánh già như lão phu sống cũng bằng thừa.
Dương Quá nghe Võ Tam Thông ca tụng Tiểu Long Nữ, giọng nói chân thành, thì trong lòng rất mừng, xét về lứa tuổi, Võ Tam Thông đáng bậc cha chú của Tiểu Long Nữ, song lão lại dùng hai chữ “bái kiến”, tức là nhìn đệ tử mà kính nể sư phụ. Dương Quá mỉm cười, nói:
- Thương thế của tiểu điệt…
Võ Tam Thông cướp lời:
- Dương huynh đệ, trong võ lâm có người gặp nạn, ra tay cứu giúp cũng là chuyện thường, nhưng xả thân cứu người như huynh đệ, hơn nữa, lại cứu hai đứa con vừa đắc tội lớn với Dương huynh đệ, thì trừ sư phụ của lão phu ra, không ai có thể làm nổi…
Dương Quá không ngừng lắc đầu, bảo lão ta đừng nói thêm. Võ Tam Thông cứ nói tiếp:
- Lão phu nếu gọi huynh đệ là ân công, chắc huynh đệ không chịu, nhưng nếu huynh đệ còn gọi lão phu là lão bá, thì rõ ràng là huynh đệ coi Võ Tam Thông này chẳng ra gì.
Dương Quá tính sảng khoái, lâu nay không câu nệ tiểu tiết, chàng đã quyết ý lấy Tiểu Long Nữ làm vợ, phàm những gì trái với lễ tục, phép xưng hô thông thường, chàng đều ưa thích, thế là liền nói:
- Được, vậy thì tiểu đệ sẽ gọi lão bá là Võ đại ca. Có điều trước mặt hai vị lệnh lang mà xưng hô như vậy không được tiện lắm.
Võ Tam Thông nói:
- Cái gì mà không tiện? Mạng sống của chúng nó là do huynh đệ cứu vớt, chúng có làm trâu ngựa cho huynh đệ cũng đáng.
Dương Quá nói:
- Võ đại ca, đại ca khỏi cần đa tạ tiểu đệ. Tiểu đệ bị trúng độc hoa Tình, vốn không sống được lâu nữa, việc hút chất độc giúp hai vị lệnh lang thật không đáng gì.
Võ Tam Thông lắc đầu, nói:
- Dương huynh đệ, không nên nói thế. Đừng nói là chất độc trong người huynh đệ chưa chắc đã khó trị, dù là vô dược khả cứu, phàm người ta sống thêm giờ nào hay giờ ấy, dẫu một khắc cũng quí. Trên thế gian không có người trường sinh, dẫu võ công thông thiên, cuối cùng rồi cũng chết, cho nên người người đều thích sống ghét chết.
Dương Quá cười, hỏi:
- Chúng ta về thành Tương Dương được mấy hôm rồi?
Võ Tam Thông nói:
- Hôm nay đã là ngày thứ bảy.
Dương Quá ngơ ngác, nói:
- Đáng lý tiểu đệ đã bị chất độc phát tác mà chết, sao vẫn còn sống, lạ thật!
Võ Tam Thông mừng rỡ, nói:
- Sư thúc của lão phu là vị thần tăng nước Thiên Trúc, trị thương liệu độc, phải nói là đệ nhất trong thiên hạ. Hồi trước sư phụ của lão phu uống nhầm độc dược do Quách phu nhân gửi đến, chính vị sư thúc ấy chữa khỏi. Lão phu phải đi mời sư thúc tới mới được.
Đoạn xăng xái ra khỏi phòng.
Dương Quá mừng thầm: “Có lẽ khi mình hôn mê, vị thần tăng nước Thiên Trúc đã cho mình uống thứ linh đan diệu dược gì chàng, ngay cả chất độc của hoa Tình cũng hóa giải được. Ôi, không biết cô cô đi đâu nhỉ? Nếu cô cô biết mình không phải chết, hẳn sẽ sung sướng lắm!” Vừa nghĩ thế thì tim đau nhói, ngực đột nhiên như bị búa đập, đau đớn không thể chịu nổi, phải kêu to một tiếng. Từ sau hôm uống nửa viên “Tuyệt Tình đơn” của Cầu Thiên Xích, chàng chưa bị đau đến mức này lần nào, chắc là dược tính của nửa viên thuốc ấy đã hết, mà chất độc trong cơ thể chưa bị giải trừ, đành túm ngực, nghiến răng chịu đựng, mồ hôi túa ra đầy đầu.
Đang đau đớn chết đi sống lại, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng niệm Phật hiệu “Nam mô a di đà Phật", vị thần tăng nước Thiên Trúc chắp tay bước vào. Võ Tam Thông theo sau, thấy thần sắc nhăn nhó của Dương Quá thì cả kinh, hỏi:
- Dương huynh đệ, huynh đệ làm sao vậy?
Rồi lão quay sang phía vị thần tăng, nói:
- Sư thúc, chất độc phát tác, sư thúc mau cho uống thuốc giải độc!
Vị thần tăng không hiểu lời Võ Tam Thông, bước tới bắt mạch cho Dương Quá. Võ Tam Thông nói:
- Quên mất!
Đoạn lão chạy đi gọi sư đệ Chu Tử Liễu tới. Chu Tử Liễu biết tiếng Phạn, sẽ làm thông dịch.
Dương Quá bớt đau, kể lại cho vị thần tăng Thiên Trúc nghe tỉ mỉ nguyên do chàng bị trúng độc hoa Tình. Vị thần tăng hỏi kỹ về hình dạng loài hoa đó, kinh ngạc nói:
- Loài hoa ấy có từ thời thượng cổ, đã tuyệt chủng từ lâu, trong Phật điển có câu: “Ngày ấy hoa Tình hại vô số người, Văn Thù Sư Lợi bồ tát dùng đại trí tuệ lực hóa giải, thế gian từ đó không còn lưu truyền”. Nào ngờ ở Trung Thổ vẫn còn. Lão nạp chưa từng nghe loài hoa này, thật không biết làm thế nào hóa giải độc tính của nó.
Sắc mặt của vị thần tăng lộ vẻ thông cảm. Nghe Chu Tử Liễu dịch xong, Võ Tam Thông nói:
- Sư thúc từ bi, sư thúc từ bi!
Vị thần tăng chắp tay, miệng niệm “A di đà Phật!” nhắm mắt, cúi đầu trầm tư. Trong phòng tĩnh lặng, không ai dám lên tiếng. Một hồi lâu, vị thần tăng mở mắt ra, nói:
- Dương cư sĩ đã hút chất độc cho hai sư điệt tôn của lão nạp, cứ như chất độc của Băng phách ngân châm, thì chỉ hút vài ngụm vào miệng, sẽ chết ngay tại chỗ; song Dương cư sĩ đến lúc này vẫn khỏe, mà chất độc hoa Tình đến kỳ phát tác rồi cũng chưa nặng lắm, tức là đã lấy độc trị độc, hai chất cực độc khắc chế lẫn nhau, Dương cư sĩ được hưởng thiện quả chăng?
Chu Tử Liễu gật gật đầu thông dịch, Dương Quá cũng cảm thấy lời nói đó có lý.
Vị thần tăng lại nói:
- Tục ngữ có câu “Thiện hữu thiện báo”, Dương cư sĩ xả thân cứu người, không có gì từ bi hơn thế, chất độc này tất sẽ được giải.
Võ Tam Thông nghe Chu Tử Liễu dịch xong, vui mừng reo lên:
- Vậy xin sư thúc mau mau thi cứu.
Vị thần tăng nói:
- Lão nạp phải đi Tuyệt Tình cốc một chuyến.
Dương Quá, Võ Tam Thông, Chu Tử Liễu cùng ngẩn người, nghĩ lộ trình đến Tuyệt Tình cốc không gần, vừa đi vừa về tốn không ít ngày. Vị thần tăng nói:
- Lão nạp phải tận mắt nhìn thấy hoa Tình, thử nghiệm độc tính của nó, mới có thể điều chế giải dược. Trước khi lão nạp trở về, Dương cư sĩ chớ nghĩ ngợi đến các kỷ niệm tình tứ, nếu không sẽ bị đau đớn lần sau dữ dội hơn lần trước. Nếu để tổn thương đến chân nguyên khí, sẽ hết phương cứu chữa.
Dương Quá chưa đáp ứng, Võ Tam Thông đã nói to:
- Sư đệ, chúng ta cùng đi Tuyệt Tình cốc, buộc lão khất bà kia phải trao giải dược.
Chu Tử Liễu lần nọ bị Hoắc Đô hạ độc, Dương Quá đã dùng kế lấy được thuốc giải, vốn có ý báo đáp, bèn nói:
- Đúng thế, hai ta cùng hộ tống sư thúc, hai ta cưỡng chế mụ ta, sư thúc thì điều chế giải dược, cả hai cách đều tốt.
Sư huynh sư đệ hết sức hăng hái, vị thần tăng Thiên trúc thì chăm chú nhìn Dương Quá, cau cau mày có vẻ lo lắng.
hết: Hồi 23, xem tiếp: Hồi 24
Mục lục Thần điêu hiệp lữ
No comments:
Post a Comment