Dương Quá lăn xuống khe, rơi vào đám cỏ dày trong rừng, rồi ngất lịm đi. Không biết bao lâu sau, bỗng cảm thấy thân thể đau buốt, mở mắt ra, thấy vô số những con ong trắng bay quanh nó, trong tai chỉ toàn nghe tiếng vo vo vù vù, toàn thân phát ngứa lạ lùng, trước mắt mờ mờ ảo ảo, rồi lại ngất đi.
Khi tỉnh lại, chỉ thấy có một thứ nước ngọt, thơm và mát lạnh, từ từ chảy vào cổ họng; nó mơ mơ màng màng nuốt xuống bụng, thấy dễ chịu vô cùng, bèn he hé mắt, thì thấy cách hai thước có một bộ mặt xấu xí, mọc đầy mụn cơm, đang chăm chú nhìn nó. Dương Quá sợ quá, suýt nữa lại ngất đi. Người kia dùng tay trái cậy hàm dưới của nó, tay phải cầm một cái chén, rót nước ngọt vào miệng nó.
Dương Quá cảm thấy cái ngứa dị thường trong người đã bớt, lại phát hiện mình đang nằm trên giường, biết là người kia cứu chữa cho nó, bèn mỉm cười, tỏ ý cảm tạ. Người kia cũng cười, rót nước ngọt vào miệng nó xong, đặt cái chén xuống bàn. Dương Quá thấy nụ cười của người phụ nữ ấy vô cùng xấu xí, nhưng lại hàm chứa một sự hiền từ ôn nhu, thì nó cảm thấy ấm lòng, nói:
- Bà bà ơi, đừng để sư phụ đến bắt điệt nhi.
Xú kiểm lão phụ (Bà già mặt mũi xấu xí) dịu dàng hỏi:
- Hài tử ngoan, sư phụ của con là ai thế?
Dương Quá đã lâu lắm không được nghe giọng nói dịu dàng quan thiết như thế, ngực nó bỗng bồi hồi ấm áp, bất giác nó khóc òa lên. Lão phụ tay trái cầm tay nó, không khuyên nhủ gì, chỉ hơi mỉm cười, nghiêng đầu nhìn nó, ánh mắt đầy vẻ âu yếm, tay phải vỗ vỗ nhẹ lưng nó; chờ nó khóc một hồi, mới nói:
- Con đã dễ chịu hơn chưa?
Dương Quá nghe giọng nói hiền hòa, bất giác lại khóc òa lên. Lão phụ lấy khăn lau nước mắt cho nó , an ủi:
- Hài tử ngoan, đừng khóc, đừng khóc; chỉ lát nữa sẽ hết đau thôi.
Lão phụ càng dỗ, Dương Quá càng khóc nức nở.
Bỗng bên ngoài tấm màn cửa có một giọng trong trẻo vang lên:
- Tôn bà bà, hài tử đó cứ khóc mãi không nín, thì làm thế nào?
Dương Quá ngẩng đầu nhìn, chỉ thấv một bàn tay trắng như ngọc vén tấm màn che, rồi một thiếu nữ bước vào. Thiếu nữ ấy mặc bộ đồ lụa trắng, tưởng như thân hình ở trong lớp sương mù, trạc mười bảy, mười tám tuổi, trừ mái tóc đen, toàn thân trắng như tuyết, khuôn mặt tú mỹ tuyệt vời, có điều là da dẻ trắng xanh, thiếu màu hồng. Dương Quá đỏ mặt, vội nín bặt, cúi đầu xấu hổ, nhưng vẫn đưa mắt nhìn trộm thiếu nữ một cái, thấy nàng đang nhìn mình, nó vội cúi mặt xuống.
Tôn bà bà cười, nói:
- Ta hết cách rồi, nàng lại dỗ nó vậy.
Thiếu nữ tới bên giường, xem vết ong đốt trên đầu Dương Quá, đưa tay sờ sờ góc trán, xem nó có bị sốt hay không. Bàn tay nàng vừa chạm vào trán, Dương Quá lập tức cảm thấy lạnh giá lạ thường, bất giác nó run cầm cập. Thiếu nữ nói:
- Không sao, ngươi đã uống mật ong, nửa ngày thì khỏi. Ngươi chạy vào rừng làm gì vậy?
Dương Quá ngẩng mặt lên, gặp ánh mắt của nàng, cảm thấy thiếu nữ thanh lệ tú nhã, càng nhìn càng ưa, song thần sắc lạnh lùng, đúng là thanh khiết như băng tuyết, cũng giá lạnh như băng tuyết, thật chẳng biết nàng mừng hay giận, buồn hay vui, tự dưng nó cảm thấy sờ sợ, nghĩ thầm: “Cô nương này là pha lê, hay là người tuyết? Rốt cuộc là người hay ma? Hay là thần đạo tiên nữ?” Nghe lời nói kiều nhu uyển chuyển, nhưng giọng nói tựa hồ không một chút ấm áp, thì nó ngẩn ngơ, không trả lời.
Tôn bà bà cười, nói:
- Vị Long tỷ tỷ là chủ nhân ở đây, Long tỷ tỷ vừa hỏi gì, sao ngươi không đáp?
Bạch y thiếu nữ tú mỹ này hóa ra là Tiểu Long Nữ, chủ nhân của “Hoạt tử nhân mộ”. Nàng đã mười tám tuổi, có điều sống lâu trong nhà mộ, không có ánh nắng, nội công tu luyện lại theo con đường khắc chế tâm ý, nên trông trẻ hơn các thiếu nữ cùng trang lứa tới mấy tuổi. Tôn bà bà là a hoàn của sư phụ nàng, từ ngày sư phụ qua đời, hai người cùng ở trong nhà mộ với nhau. Hôm nay nghe tiếng ong, biết có kẻ xông vào cánh rừng bên ngoài nhà mộ, Tôn bà bà đi ra xem sao, thấy Dương Quá đã trúng độc ngất lịm, bèn cứu nó. Lẽ ra, theo qui củ ở đây bất cứ người ngoài là ai, cũng không được vào trong nhà mộ nửa bước, nam giới bước vào càng phạm đại kỵ; nhưng Dương Quá còn nhỏ, hơn nữa người đầy thương tích, Tôn bà bà không nỡ, nên phá lệ cứu nó.
Dương Quá ngồi dậy, từ trên giường đá nhảy xuống đất khấu đầu với Tôn bà bà và Tiểu Long Nữ, nói:
- Đệ tử Dương Quá, bái kiến bà bà, bái kiến Long cô cô.
Tôn bà bà tươi cười vội đỡ nó dậy, nói:
- À, vậy là Dương Quá, khỏi cần đa lễ.
Tôn bà bà sống trong nhà mồ đã mấy chục năm, không giao thiệp với người ngoài, lúc này thấy Dương Quá diện mạo tuấn tú, cứ chỉ lễ độ, thì trong bụng rất vui thích. Còn Tiểu Long Nữ chỉ hơi gật đầu, ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh giường. Tôn bà bà nói:
- Sao ngươi lại tới đây? Tại sao lại bị thương? Kẻ nào đánh ngươi đến mức tệ hại thế này?
Tôn bà bà hỏi dồn dập, không đợi Dương Quá trả lời, bước ra, mang vào mấy cái bánh, luôn miệng giục nó ăn.
Dương Quá ăn hết mấy cái bánh, rồi đem thân thế của mình ra kể một mạch từ đầu chí cuối. Nó vốn khéo mồm khéo miệng, kể về cảnh ngộ của mình khiến người nghe phải mủi lòng. Tôn bà bà không ngớt thở dài, chốc chốc xen vào vài lời, toàn là bênh Dương Quá, nào bảo Hoàng Dung thiên vị con gái, hành sự bất công; nào chê Triệu Chí Kính lòng dạ hẹp hòi, hiếp đáp con trẻ. Tiểu Long Nữ không biểu lộ thanh sắc, chỉ thản nhiên ngồi nghe, khi Dương Quá nhắc đến Lý Mạc Sầu, nàng đưa mắt nhìn Tôn bà bà.
Tôn bà bà nghe Dương Quá kể xong, kéo nó vào lòng, nói:
- Tội nghiệp cho con!
Tiểu Long Nữ thong thả đứng dậy, nói:
- Thương thế của ngươi không sao cả, Tôn bà bà hãy đưa nó sang bên đó!
Tôn bà bà và Dương Quá cùng sững sờ. Dương Quá kêu to:
- Đệ tử không về, chết cũng không trở về bên đó.
Tôn bà bà nói:
- Cô nương, đứa bé này nếu trở về cung Trùng Dương, sư phụ của nó sẽ gây khó dễ với nó.
Tiểu Long Nữ nói:
- Bà bà đưa nó sang, bảo sư phụ của nó đừng gây khó dễ cho nó.
Tôn bà bà nói:
- Ôi, chuyện của môn phái bên đó, chúng ta chẳng quản được đâu.
Tiểu Long Nữ nói:
- Bà bà mang theo một bình mật ong sang, rồi nói thế, lão đạo sĩ sẽ không thể trái lời.
Giọng nói của nàng rất uy nghiêm, khiến người ta khó bề phản kháng. Tôn bà bà thở dài, đã biết tính nàng, có nói thêm cũng vô ích, chỉ nhìn Dương Quá, ánh mắt đầy vẻ thương hại.
Dương Quá đứng phắt dậy, vái hai người một vái nói:
- Đa tạ bà bà và cô cô trị thương, đệ tử đi đây!
Tôn bà bà nói:
- Ngươi đi đâu thế?
Dương Quá ngẩn người giây lát, rồi nói:
- Thiên hạ rộng lớn, đi đâu mà chẳng được.
Trong bụng quả thật nó chưa biết nên đi đâu, nên sắc mặt bất giác lộ vẻ bối rối. Tôn bà bà nói:
- Hài tử, không phải cô nương của chúng ta không cho ngươi ở lại, mà là nơi này có nghiêm qui, không cho người ngoài bước vào, ngươi đừng buồn.
Dương Quá hiên ngang nói:
- Bà bà nói gì vậy? Chúng ta sau này sẽ còn gặp nhau mà.
Thằng bé bắt chước lối nói năng của người lớn, nhưng giọng nói thì còn của trẻ con, Tôn bà bà nghe vừa tức cười vừa thương hại. Thấy nó nước mắt lưng tròng, đang cố không khóc, thì Tôn bà bà quay sang nói với Tiểu Long Nữ:
- Cô nương, giữa đêm hôm thế này, hay là để sáng mai nó đi?
Tiểu Long Nữ khẽ lắc đầu, nói:
- Bà bà không lẽ đã quên qui củ của sư phụ rồi sao?
Tôn bà bà thở dài, đứng dậy, nói nhỏ với Dương Quá:
- Lại đây, hài tử, ta cho con một thứ đồ chơi.
Dương Quá đưa mu bàn tay chùi mắt, cúi đầu đi ra cửa, nói:
- Đệ tửkhông cần, đệ tử có chết cũng không về chỗ bọn đạo sĩ thối tha.
Tôn bà bà lắc đầu, nói:
- Ngươi không biết đường, để ta dẫn đi cho.
Tôn bà bà đi ra, cầm tay nó. Vừa ra tới cửa buồng, Dương Quá thấy trước mắt tối mò mò, nó phải để Tôn bà bà dắt đi, chỉ biết là vòng hai chỗ quành, không hiểu Tôn bà bà trong bóng tối làm cách nào nhận biết các chỗ rẽ.
Nguyên “Hoạt tử nhân mộ” tuy gọi là mộ phần, nhưng thực ra là một cái nhà kho rất lớn ngầm dưới lòng đất. Trước khi nổi dậy chống Kim, Vương Trùng Dương đã điều động mấy ngàn nhân lực xây dựng mấy năm mới xong, cất giấu ở đây khí giới, lương thực, làm căn bản cho một dải Sơn - Thiểm, bên ngoài có hình dạng một ngôi mộ, để che tai mắt của quân Kim. Lại sợ quân Kim tấn công vào, nên bên trong bố trí vô số cơ quan xảo diệu để chống ngoại địch. Sau khi nghĩa binh thất bại, Vương Trùng Dương lui về đây ẩn cư. Vì bên trong mộ có rất nhiều phòng, lối đi lắt léo, người ngoài vào trong, dẫu bốn phía đèn đuốc sáng rực, cũng dễ bị lạc lối, nói chi trong bóng tối bưng lấy mắt như thế này.
Hai người ra khỏi tòa cổ mộ, đang đi trong cánh rừng, bỗng nghe bên ngoài có tiếng nói to:
- Môn hạ đệ tử phái Toàn Chân Doãn Chí Bình phụng mệnh sư phụ bái kiến Long cô nương.
Âm thanh ở xa, rõ ràng là từ bên ngoài cấm địa truyền vào. Tôn bà bà nói:
- Ngoài kia có người tìm ngươi đó, hượm hãy ra.
Dương Quá vừa sợ vừa tức, người run lên, nói:
- Bà bà khỏi cần lo cho đệ tử, dám làm thì dám chịu, đệ tử đã lỡ tay đánh chết người thì cứ để người ta giết đệ tử đền mạng.
Nói đoạn nó sải bước mà đi. Tôn bà bà nói:
- Ta cùng đi với ngươi.
Tôn bà bà cầm tay Dương Quá dắt đi qua cánh rừng, tới chỗ bìa rừng trống trải. Dưới ánh trăng đã thấy sáu, bảy đạo sĩ đứng thành một hàng, lại có bốn đạo sĩ hỏa công khiêng hai người bị thương là Triệu Chí Kính và Lộc Thanh Đốc. Các đạo sĩ thấy Dương Quá thì không hẹn mà cùng tiến lên mấy bước.
Dương Quá gỡ tay Tôn bà bà ra, bước lên, nói to:
- Ta đây, các người muốn băm muốn vằm thế nào thì cứ việc.
Các đạo sĩ không ngờ một đứa bé lại cương ngạnh như thế. Một đạo sĩ tiến lại túm cổ Dương Quá lôi đi.
Dương Quá cười khẩy, nói:
- Ta có chạy đâu mà ngươi phải cuống lên thế?
Đạo sĩ đó là đại đệ tử của Triệu Chí Kính, sư phụ của y vì Dương Quá mà bị ong đốt, đau đớn chết đi sống lại, chưa biết có giữ được tính mạng hay không. Y vốn thập phần ngưỡng mộ sư phụ, nghĩ rằng là đồ đệ mà ngỗ nghịch với sư phụ như Dương Quá, thật là cực kỳ vô pháp vô thiên, nghe Dương Quá nói cứng, y đấm luôn một quyền vào đầu nó.
Tôn bà bà vốn định nói chuyện tử tế với các đạo sĩ, thấy Dương Quá bị người ta lôi đi xềnh xệch, đã rất khó chịu, đột nhiên lại thấy nó bị đánh, thì cả giận, nén sao nổi? Tôn bà bà bèn sấn tới, phất tay áo một cái, gã đạo sĩ kia chỉ thấy cổ tay đau nhói, đành buông Dương Quá ra, định hỏi vì sao, thì Tôn bà bà đã ôm Dương Quá quay lưng bước đi.
Cứ tưởng Tôn bà bà là một lão phụ yếu ớt, nào ngờ xuất thủ đoạt người quá mau lẹ, các đạo sĩ còn đang ngẩn ra, thì Tôn bà bà đã mang Dương Quá đi ra xa hơn một trượng. Ba đạo sĩ chạy theo, quát:
- Để người lại!
Tôn bà bà dừng chân, ngoảnh đầu, cười khẩy:
- Các ngươi muốn gì?
Doãn Chí Bình biết các nhân vật của “Hoạt tử nhân mộ” có mối quan hệ sâu xa với sư môn, không dám đắc tội, vội quát các đạo sĩ:
- Các ngươi lui lại, không được vô lễ trước mặt tiền bối.
Rồi y bước tới, cúi đầu hành lễ, nói:
- Đệ tử Doãn Chí Bình bái kiến tiền bối.
Tôn bà bà nói:
- Để làm gì?
Doãn Chí Bình nói:
- Hài tử này là đệ tử của phái Toàn Chân, thỉnh tiền bối giao lại cho.
Tôn bà bà cau mày, gằn giọng:
- Trước mặt ta, các ngươi còn đánh đập nó như thế, thử hỏi về đến đạo quán, các ngươi sẽ còn hành hạ nó như thế nào? Muốn ta giao lại, đừng hòng!
Doãn Chí Bình nén giận, nói:
- Đứa bé này ngang bướng hết sức, khi sư diệt tổ, đại hoại môn qui, người trong võ lâm lấy việc kính trọng sư trưởng làm đầu, tệ giáo có trách phạt nó cũng là việc cần làm.
Tôn bà bà tức giận, nói:
- Cái gì mà khi sư diệt tổ, chỉ mới nghe một phía.
Rồi chỉ Lộc Thanh Đốc đang nằm trên cáng, nói:
- Thằng nhỏ tỷ thí với tên đạo sĩ mập kia, là qui củ của riêng phái Toàn Chân các người. Nó vốn không muốn tỷ thí, các người bắt nó phải tỷ thí. Đã tỷ thí, tất nhiên có người thắng kẻ thua, tên đạo sĩ mập vô dụng như thế, còn trách ai kia chứ?
Tôn bà bà tướng mạo vốn xấu xí, lúc giận dữ mặt mày trông càng đáng sợ hơn.
Trong lúc đang nói, lại có thêm hơn mười đạo sĩ nữa tới, đều đứng sau Doãn Chí Bình, họ to nhỏ với nhau, không biết bà bà lớn tiếng kia là ai.
Doãn Chí Bình nghĩ thầm việc đả thương Lộc Thanh Đốc vốn không thể trách Dương Quá, nhưng trước mặt người ngoài không thể để mất uy phong, bèn nói:
- Chuyện này đúng sai thế nào, chúng đệ tử tất sẽ bẩm cáo rõ với sư phụ chưởng giáo, tùy lão nhân gia công bằng xử trí. Thỉnh tiền bối hãy giao lại hài tử kia cho đệ tử.
Tôn bà bà cười khẩy:
- Chưởng giáo của các người mà lại xử công bằng ư? Phái Toàn Chân từ Vương Trùng Dương trở đi, chẳng có lấy một người tử tế. Nếu không, tại sao đôi bên ở sát bên nhau, mà không hề lai vãng?
Doãn Chí Bình nghĩ thầm: “Đấy là các người không chịu lai vãng với bọn ta, sao lại trách cứ phái Toàn Chân? Lời mụ vừa nói dám nhục mạ cả Chân Nhân sáng lập phái Toàn Chân, thật quá ư vô lễ”. Nhưng không muốn vì chuyện này mà tranh cãi làm tổn thương hòa khí đôi bên, chỉ nói:
- Thỉnh tiền bối thành toàn, tệ giáo nếu có chỗ nào đắc tội, chưởng giáo bên chúng đệ tử sẽ sang tạ tội với tiền bối.
Dương Quá ghé tai nói nhỏ với Tôn bà bà:
- Gã đạo sĩ ấy có rất nhiều quỉ kế, bà bà đừng để gã đánh lừa.
Tôn bà bà mười tám năm qua nuôi dưỡng Tiểu Long Nữ trưởng thành, trong thâm tâm chỉ mong được nuôi dưỡng một nam hài nhi, lúc này thấy Dương Quá thân thiết với mình, thì hết sức cao hứng, thế là tâm ý đã quyết: “Gì thì gì cũng không để bọn chúng đem tháng bé đi”, bèn cao giọng nói:
- Ngươi định mang đứa bé về là để hành hạ nó chứ gì?
Doãn Chí Bình ngẩn người, nói:
- Đệ tử có tình đồng môn với vong phụ của đứa bé này, không khi nào gây khó dễ với cô nhi của vong hữu, mong lão tiền bối cứ yên tâm.
Tôn bà bà lắc đầu, nói:
- Lão bà tử không quen nghe những lời hứa suông của người ngoài. Ta đi thôi.
Nói đoạn đi vào rừng.
Triệu Chí Kính đang nằm trên cáng, vết ong đốt ngứa ngáy hết sức khó chịu, nghe Doãn Chí Bình đấu khẩu với Tôn bà bà hồi lâu không xong, càng nghe càng tức, đột nhiên từ trong cáng nhỏm dậy, lao đến trước mặt Tôn bà bà, quát:
- Đứa bé này là đệ tử của ta, muốn đánh chửi gì là quyền của ta. Không để sư phụ quản đệ tử, võ lâm lại có thứ qui củ như thế sao?
Tôn bà bà thấy một bên má Triệu Chí Kính sưng như đầu heo, nghe y nói, biết y là sư phụ của Dương Quá, nhất thời chưa biết đối đáp ra sao, đành cưỡng từ đoạt lý, nói:
- Ta không cho phép ngươi quản nó đấy, thì đã sao?
Triệu Chí Kính quát:
- Đứa bé này là thế nào với mụ? Mụ dựa vào cái gì mà thọc tay can thiệp?
Tôn bà bà sững người, quát to:
- Nó đã không còn là môn hạ của phái Toàn Chân các người. Đứa bé này đã cải bái Tiểu Long Nữ cô nương của nhà ta làm sư phụ, nó tốt hay xấu, trong thiên hạ chỉ có một mình Tiểu Long Nữ cô nương được quản nó mà thôi. Các người chớ có làm cái chuyện bao đồng.
Lời này vừa dứt, các đạo sĩ nhao nhao cả lên. Nên biết, theo qui củ võ lâm, nếu chưa được sư phụ cho phép, quyết không được bái người khác làm sư phụ, dù có gặp minh sư có bản lĩnh cao hơn sư phụ mình hàng chục lần, cũng không được thay lòng đổi dạ, đi theo người kia; nếu không sẽ là tên đại nghịch đồ, bị đồng đạo võ lâm khinh bỉ. Năm xưa, sau khi Quách Tĩnh bái Giang Nam Thất Quái làm sư phụ, lại học võ nghệ của Hồng Thất Công, song trước sau vẫn không gọi Hồng Thất Công là sư phụ, mãi sau này được các vị như Kha Trấn Ác chính thức cho phép, mới định danh phận sư đồ với Hồng Thất Công. Vừa rồi, Tôn bà bà bị Triệu Chí Kính dồn cho cứng lưỡi không thể đối đáp, Tôn bà bà lại không giao thiệp với các nhân sĩ võ lâm nên không biết qui củ, bạ đâu nói đó, không ngờ phạm điều đại kỵ. Các đạo sĩ phái Toàn Chân phần đông vốn thương hại Dương Quá, cảm thấy Triệu Chí Kính xử sự không hay, nhưng nghe Dương Quá dám công nhiên phản xuất sư môn, là điều chưa từng có từ ngày sáng lập tới giờ, nên ai nấy đều phẫn nộ.
Triệu Chí Kính thấy chỗ vết ong đốt lại đau buốt nhức nhối, vốn đã rất khó chịu, chỉ cảm thấy nếu liều chết một phen có khi lại sảng khoái, bèn nghiến răng hỏi Dương Quá:
- Dương Quá, việc đó có thật hay không?
Dương Quá vốn không biết trời cao đất dày gì hết, thấy Tôn bà bà bênh vực nó mà tranh cãi với Triệu Chí Kính, từ giờ dẫu Tôn bà bà có bảo nó làm ngàn vạn việc đại ác, nó cũng nhất nhất vâng lời, huống hồ chỉ là việc cải đổi sư môn, chính là ý nguyện của nó; đừng nói là bái Tiểu Long Nữ làm sư phụ, dù có bái con heo con chó làm sư phụ, nó cũng nhận luôn không chút do dự, thế là nó liền cao giọng đáp:
- Này tên xú đạo sĩ, lão dê già râu dài tặc đầu cẩu não kia, lão đánh ta, ta còn nhận lão làm sư phụ nữa sao? Phải đấy, ta đã bái Tôn bà bà làm sư phụ, lại còn bái Long cô cô làm sư phụ đấy.
Triệu Chí Kính tức giận, ngực như muốn nổ tung; bèn phi thân tới, hai tay chộp vai Dương Quá. Tôn bà bà chửi:
- Xú tạp mao, ngươi muốn chết hả?
Tay phải đánh vào cổ tay Triệu Chí Kính. Triệu Chí Kính là đệ nhất cao thủ trong đám đệ tử đời thứ ba của phái Toàn Chân, nói về võ công, còn cao hơn Doãn Chí Bình, tuy thân thụ trọng thương, nhưng xuất thủ còn cực kỳ dũng mãnh. Hai người đụng tay vào nhau, cả hai cùng bật lùi hai bước, Tôn bà bà hừ một tiếng nói:
- Hảo tạp mao, cũng không phải hạng bất tài.
Triệu Chí Kính một trảo chưa trúng, trảo thứ hai liền chộp tới. Lần này Tôn bà bà không còn dám coi thường y, vội né tránh, một cước từ trong váy vô ảnh vô tông phóng ra. Triệu Chí Kính nghe tiếng gió, đang định tránh, thì đột nhiên vết ong đốt ngứa ngáy kinh khủng, bất giác rú lên, ôm đầu thụp xuống, đòn cước của Tôn bà bà liền phóng tới sườn y, thân hình của y tung lên, miệng y vẫn la oai oái.
Doãn Chí Bình lướt tới hai bước, giơ tay đỡ Triệu Chí Kính, giao cho đệ tử phía sau. Y thấy xú bà bà có chiêu số võ công kỳ dị, biết là khó địch nổi, bèn huýt một tiếng sáo, sáu đạo sĩ từ hai bên ập lại, dàn thành “Thiên Cang Bắc Đẩu trận”, vây Tôn bà bà và Dương Quá vào giữa.
Doãn Chí Bình quát:
- Đắc tội!
Hai đạo sĩ ở vị trí sao Thiên Khu, Dao Quang đã tấn công tới. Tôn bà bà không hiểu trận pháp, giao đấu vài chiêu đã biết lợi hại, lại chỉ có một mình đối phó với bảy người, sau hai ba chục chiêu đã hung hiểm bội phần; mọi đòn công kích của Tôn bà bà đều bị Doãn Chí Bình điều động Bắc Đẩu trận hóa giải dễ dàng, trong khi thế công của Bắc Đẩu trận thì cứ liên miên bất tận. Đấu thêm mươi chiêu nữa, hữu chưởng của Tôn bà bà bị hai đạo sĩ giữ chặt lấy. Mé bên trái lại có hai đạo sĩ đánh tới, Tôn bà bà đành buông Dương Quá, dùng tay trái chống đỡ; chỉ nghe Bắc Đẩu trận phát ra một tiếng sáo, hai đạo sĩ tiến lại chộp lấy Dương Quá.
Tôn bà bà thầm kinh hãi: “Tên đạo sĩ này quả có chút bản lĩnh, lão bà tử đối phó không lại rồi”. Vừa xuất cước đẩy lùi hai đạo sĩ, Tôn bà bà vừa khẽ phát từ miệng ra tiếng u u. Tiếng u u đó thoạt tiên rất nhỏ, các đạo sĩ không để ý, nhưng nó cứ liên tiếp phát ra, dồn lên nhau, mỗi lúc một lớn dần.
Doãn Chí Bình từ lúc giao đấu với Tôn bà bà, đã toàn thần phòng bị. Y biết rằng vị nữ tiền bối hồi trước sống ở “Hoạt tử nhân mộ” có võ công hoàn toàn ngang ngửa với tổ sư khai sáng bổn giáo; hậu nhân của vị đó dĩ nhiên cũng không phải hạng tầm thường; nghe tiếng u u , y ngỡ là thuật truyền âm nhiếp tâm, vội trấn tĩnh tinh thần, đề phòng bị địch chế ngự; nhưng nghe một hồi, âm thanh đó không hề gia tăng, tâm thần của mình không hề có biểu hiện dao động, đang lấy làm lạ, thì bỗng nhiên đại kinh thất sắc, vì nghe từ xa có tiếng vo vo hưởng ứng tiếng u u của Tôn bà bà. Doãn Chí Bình vội nói to:
- Mọi người mau rút lui!
Các đạo sĩ ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Bên ta đang chiếm thượng phong, chẳng mấy chốc sẽ bắt sống một già một trẻ, lão bà bà kêu vớ vẩn thế kia thì có gì đáng sợ?” Đột nhiên từ trong rừng một đàn ong trắng ào ạt bay ra, đâm bổ xuống đầu mọi người. Các đạo sĩ đã thấy Triệu Chí Kính khổ sở vì bị ong đốt như thế nào, lập tức hồn xiêu phách lạc, cắm đầu bỏ chạy. Đàn ong bay riết đuổi theo.
Tôn bà bà thấy các đạo sĩ khó tránh mối nguy bị ong đối thì phá lên cười ha hả; bỗng một lão đạo sĩ từ trong rừng tiến ra, tay giơ cao hai cây đuốc, đầu cây đuốc khói đen đặc bốc lên ngùn ngụt, khua khua chắn đường đàn ong. Đàn ong tức thời đại loạn, nháo nhác bay đi xa. Tôn bà bà cả kinh, nhìn kỹ lão đạo sĩ, thấy người kia râu tóc bạc phơ, mặt rất dài, trông bộ dạng chắc là một cao thủ của phái Toàn Chân, bèn hỏi:
- Này, lão đạo kia là ai? Tại sao lại xua tan bầy ong của ta?
Lão đạo sĩ cười, nói:
- Bần đạo Hách Đại Thông, bái kiến bà bà.
Tôn bà bà tuy không giao thiệp với người trong võ lâm, nhưng vì ở ngay bên cạnh cung Trùng Dương, nên cũng biết Quảng Ninh Tử Hách Đại Thông là một trong bảy đại đệ tử của Vương Trùng Dương, nghĩ hai tiểu đạo sĩ Triệu Chí Kính, Doãn Chí Bình còn gây khó dễ được với mình, thì Hách Đại Thông tất nhiên lợi hại hơn nhiều. Ngửi mùi khói đặc bốc ra từ hai cây đuốc, Tôn bà bà lợm giọng, thiết tưởng đuốc kia làm bằng một loại thảo dược dùng để hun chống độc trùng, bầy ong không chịu nổi đã bỏ đi, đành gằn giọng, nói:
- Lão hun mất đàn ong của cô nương nhà ta, liệu mà bồi thường, sau này ta sẽ tính sổ với lão.
Rồi ôm Dương Quá mà chạy vào rừng.
Doãn Chí Bình hỏi:
- Hách sư thúc, có đuổi theo hay không ạ?
Hách Đại Thông lắc đầu, nói:
- Sáng giáo Chân Nhân đã định nghiêm qui, không được vào đó, hãy về bàn kỹ, tính sau.
Tôn bà bà dắt Dương Quá đi vào nhà mộ. Hai người trải qua hoạn nạn vừa rồi, càng trở nên thân thiết hơn. Dương Quá lo Tiểu Long Nữ vẫn không chịu thu nạp nó, Tôn bà bà nói:
- Ngươi yên tâm, ta sẽ nói đến lúc Long cô nương thu nạp ngươi mới thôi.
Đoạn bảo nó ngồi nghỉ trong một gian thạch thất, còn tự mình đi nói với Tiểu Long Nữ.
Dương Quá đợi hồi lâu, không thấy Tôn bà bà quay lại, càng chờ càng nóng ruột, nghĩ thầm: “Long cô nương chắc không chịu thu lưu, dẫu Tôn bà bà có nài nỉ cô nương đáp ứng, ta ở đây cũng vô vị”. Nghĩ thế, lòng đã quyết, nó đứng lên bước ra.
Vừa ra tới cửa, thì Tôn bà bà hối hả trở lại, hỏi:
- Ngươi đi đâu vậy?
Dương Quá nói:
- Bà bà, đệ tử đi đây, khi nào lớn một chút, đệ tử sẽ tới thăm bà bà.
Tôn bà bà nói:
- Không, ta sẽ đưa ngươi tới một nơi không ai bắt nạt ngươi.
Dương Quá nghe vậy, biết Tiểu Long Nữ quả nhiên không chịu thu lưu nó, thì không khỏi buồn lòng, cúi đầu nói:
- Không cần thế đâu. Đệ tử là một kẻ ngang bướng, dù đến đâu, người ta cũng không ưa đệ tử. Bà bà đừng lo cho đệ tử mà phí sức.
Tôn bà bà thuyết phục Tiểu Long Nữ mãi mà nàng ta vẫn không chịu, trong lòng đã có phần tự ái, lại thấy Dương Quá đáng thương, nhiệt huyết liền dâng lên, nói:
- Hài tử, người khác không cần ngươi, song ta thích ngươi. Ngươi hãy đi theo ta, dù ở đâu, bà bà cũng sẽ ở bên ngươi.
Dương Quá cả mừng, nắm lấy tay Tôn bà bà. Hai người đi ra cửa nhà mộ. Tôn bà bà tự ái, cũng chẳng buồn quay lại lấy quần áo, đưa tay sờ túi, thấy cái lọ mật ong, nhớ rằng mình cần giao cho Triệu Chí Kính chữa độc, gã đạo sĩ thối tha ấy tuy tàn ác, nhưng chưa đáng tội chết, hắn mà không uống thứ mật này, thì khó tránh hậu hoạn vô cùng, bèn dắt Dương Quá đi về phía cung Trùng Dương.
Dương Quá thấy Tôn bà bà đi gần tới cung Trùng Dương, thì giật mình, hỏi nhỏ:
- Bà bà, mình còn đến đây làm gì?
Tôn bà bà nói:
- Đưa giải dược cho gã sư phụ thối tha của ngươi.
Chẳng mấy chốc đã tới trước đạo quán. Tôn bà bà nhảy lên bờ tường, đang định nhảy xuống sân, thì giữa đêm khuya tĩnh mịch đột nhiên các hồi chuông gióng giả cất lên dồn dập gấp gáp. Tôn bà bà biết là mình đã lọt vào trùng vây, không khỏi thầm kinh hãi.
Phái Toàn Chân là một đại tông phái trong võ lâm, bình thời việc bố trí canh phòng đã nghiêm mật dị thường, hôm nay liên tiếp xảy ra nhiều chuyện, bốn phương tám hướng đều có người canh giữ. Thấy có kẻ xâm nhập, tức thời có sự cảnh báo truyền tin, chúng đệ tử trong cung chia nhau nghênh địch. Có lớp bao vây kẻ địch đã xâm nhập, có lớp ra chặn hậu viện của kẻ địch từ ngoài xa.
Tôn bà bà chửi thầm: “Lão bà tử đến đây có phải để đánh nhau đâu mà lắm trò thế?” bèn cao giọng gọi to:
- Triệu Chí Kính, mau ra đây, ta có lời muốn nói với ngươi.
Từ trong đại điện, một trung niên đạo sĩ bước ra, nói:
- Đêm hôm khuya khoắt xông vào tệ giáo, có gì chỉ giáo?
Tôn bà bà nói:
- Đây là thuốc trị khi bị ong độc cắn, hãy nhận lấy!
Nói rồi ném cái lọ đựng mật ong vào. Đạo sĩ kia giơ tay đón bắt, bán tín bán nghi, nghĩ thầm: “Mụ ta sao lại có hảo tâm mang cho giải dược?” hỏi to:
- Là thuốc gì vậy?
Tôn bà bà nói:
- Khỏi cần hỏi nhiều, hãy cứ đưa cho Triệu Chí Kính uống hết cả đi, khắc thấy công hiệu.
Đạo sĩ kia nói:
- Bần đạo làm sao biết bà bà có hảo tâm hay là tịch ý, đây là giải dược hay là độc dược? Bà bà đã làm cho Triệu sư huynh khổ sở như thế, sao tự dưng lại nảy sinh cái tâm Bồ tát như vậy?
Tôn bà bà nghe đạo sĩ kia nói thế, chẳng hóa ra hảo tâm của mình lại biến thành ý xấu hạ độc hại người, thì không nén nổi giận dữ, đặt Dương Quá xuống đất, vọt tới cướp lại lọ mật ong, mở nút lọ, bảo Dương Quá:
- Há miệng ra!
Dương Quá không rõ dụng ý nhưng cũng vâng lời há miệng. Tôn bà bà dốc hết chỗ mật trong lọ vào miệng Dương Quá, nói:
- Được thế này thì chúng hết nghi là độc dược. Quá nhi, ta đi thôi!
Đoạn dắt Dương Quá đi lại bên tường.
Đạo sĩ kia tên Trương Chí Quang, là đệ tử thứ hai của Hách Đại Thông, lúc này mới hối hận rằng lẽ ra không nên nghi ngờ như vậy; xem chừng Tôn bà bà mang tới đúng là giải dược, Triệu Chí Kính nếu không có thuốc giải, e khó sống được, vội chạy chắn trước mặt, dang hai tay, cười nói:
- Lão tiền bối hà tất nóng nảy như thế? Bần đạo nói đùa một câu, lão tiền bối đã tưởng thật ư? Đôi bên là láng giềng nhiều năm, dẫu gì cũng có chút tình, hì hì, đã là giải dược, thì xin lão tiền bối ban cho.
Tôn bà bà ghét lời lẽ giảo hoạt, cử chỉ khiếm nhã của gã đạo sĩ, cười khẩy, nói:
- Giải dược chỉ có một lọ, muốn thêm cũng chẳng có. Thương thế của Triệu Chí Kính, ngươi hãy tự nghĩ cách chữa trị cho hắn!
Đoạn phẩy ngược bàn tay lại một cái, nói:
- Ngươi bất kính với tiền bối, cái này là để giáo huấn ngươi.
Một chưởng xuất thủ cực nhanh, Trương Chí Quang không kịp né tránh, “bốp” một tiếng, má y bị trúng đòn, chỉ thấy rát bỏng.
Hai đạo sĩ đứng bên cổng thấy vậy, mặt biến sắc, cùng nói:
- Dẫu là tiền bối, cũng đâu được phép gây sự trước cung Trùng Dương?
Một dùng tả chưởng, một dùng hữu chưởng, từ hai phía hợp kích đánh vào. Tôn bà bà đã lĩnh giáo qua công phu Bắc Đẩu trận lợi hại của phái Toàn Chân, lúc này thân nhập trọng địa, đâu dám ham chiến? Tôn bà bà vội luồn qua khe hở giữa hai chưởng, ôm Dương Quá vọt lên bờ tường.
Mắt thấy trên bờ tường không có ai, Tôn bà bà sắp đặt chân trên bờ tường, đột nhiên từ bên ngoài bờ tường có một người vọt lên, quát:
- Xuống này!
Rồi song chưởng đẩy thẳng vào mặt Tôn bà bà. Tôn bà bà còn đang lơ lửng trên không, không có chỗ mượn lực, đành giơ tay phải hoàn chiêu, đơn chưởng đụng phải song chưởng, hai người cùng bật lại sau, mỗi người đáp xuống một bên bờ tường. Sáu bảy đạo sĩ liền gọi nhau, dồn Tôn bà bà vào một góc tường.
Sáu, bảy người này đều là hảo thủ trong số đệ tử đời thứ ba của phái Toàn Chân, được lựa chọn chuyên để bảo vệ đại điện đạo cung. Trong giây lát, họ đã thay nhau lần lượt tấn công mấy lần. Tôn bà bà bị dồn vào một góc tường, muốn cắp Dương Quá thoát ra, nhưng bị sáu, bảy người ấy tạo nên bức tường người mấy phen đẩy trở lại.
Lại đấu hơn mười chiêu nữa, Trương Chí Quang chỉ huy việc phòng thủ đại điện thấy kẻ địch đã không còn khả năng làm gì được nữa, bèn ra lệnh đốt nến. Hơn chục cây nến lớn chiếu sáng tứ phía đại điện, thấy rõ Tôn bà bà mặt mày thảm đạm, bộ mặt xấu xí đáng sợ. Trương Chí Quang nói:
- Thủ trận dừng chiêu.
Bảy đạo sĩ giao đấu với Tôn bà bà cùng nhảy lùi lại, hai tay để trước ngực, ai giữ phương vị người nấy.
Tôn bà bà hít một hơi dài, cười khẩy, nói:
- Phái Toàn Chân uy chấn thiên hạ, quả nhiên danh bất hư truyền. Mười mấy tên trai tráng khốn kiếp lại hợp lực ăn hiếp một lão thái bà và một tiểu hài tử, hì hì, quả là lợi hại, lợi hại!
Trương Chí Quang đỏ mặt, nói:
- Chúng tại hạ chỉ tróc nã thích khách dám xông vào cung Trùng Dương, dù là lão thái bà hay nam tử hán thì cũng như nhau, thẳng lưng xông vào, thì phải cúi lưng đi ra.
Tôn bà bà cười nhạt, nói:
- Thế nào gọi là cúi lưng đi ra? Có phải bắt lão thái bà phải bò qua cổng chăng?
Trương Chí Quang ban nãy bị một chưởng rát bỏng, đau lạ thường, dễ gì bỏ qua, nói:
- Bà bà muốn ra khỏi đây, cũng không khó, chỉ cần làm theo ba điều kiện. Thứ nhất, bà bà đã thả ong đốt Triệu sư huynh, thì hãy để lại giải dược. Thứ hai, đứa bé này là đệ tử của phái Toàn Chân, chưa được Chân Nhân chưởng giáo cho phép, làm sao dám tùy ý phản xuất sư môn? Bà bà phải giao nó lại. Thứ ba, bà bà tự tiện xông vào cung Trùng Dương, thì phải khấu đầu tạ tội trước Trùng Dương tổ sư.
Tôn bà bà cười ha hả, nói:
- Ta đã sớm nói với cô nương nhà ta, rằng bọn đạo sĩ phái Toàn Chân toàn hạng người không ra gì, lời của lão thái bà nào có sai? Lại đây, lại đây đi, để ta khấu đầu tạ tội với ngươi nào!
Nói đoạn cúi đầu, quỳ xuống.
Điều này hoàn toàn bất ngờ đối với Trương Chí Quang. Y đang ngẩn người, thì thấy Tôn bà bà cúi mình, một tia hàn quang nhoáng lên, một thứ ám khí đã bắn tới. Trương Chí Quang kêu “Ối!” vội tránh, nhưng ám khí bay quá nhanh, “bộp” một cái, đã trúng góc mắt bên trái của y, thứ ám khí ấy vỡ nát, khiến trán của Trương Chí Quang be bét máu. Nguyên Tôn bà bà thò tay vào túi rút cái lọ đựng mật ong ban nãy đã cho Dương Quá uống hết mật, dùng thủ pháp ám khí độc môn ném đi. Võ công của Tôn bà bà là do nữ lưu sáng tạo, chiêu số thủ pháp toàn một loại âm nhu, biến ảo đa đoan; chiêu “Tiến cứ hậu cung” này càng khó lường, tuy chỉ là một cái lọ rỗng, nhưng ở gần ném tới bất ngờ, Trương Chí Quang không tránh kịp.
Các đạo sĩ thấy Trương Chí Quang mặt mũi be bét máu, cùng thét lên tức giận, rút binh khí soàn soạt. Các đạo sĩ phái Toàn Chân đều sử trường kiếm. Trong giây lát ở sân loang loáng kiếm quang. Tôn bà bà đứng đó cười khẩy, thầm biết hôm nay khó thoát; nhưng tính nết ngang ngạnh, gừng càng già càng cay, không chịu khuất phục, ngoảnh sang hỏi Dương Quá:
- Hài tử, ngươi có sợ không?
Dương Quá thấy các thanh kiếm, đã nghĩ thầm: “Nếu Quách bá bá ở đây, thì đám đạo sĩ đông mấy ta cũng chẳng sợ. Nhưng dựa vào tài nghệ của Tôn bà bà, thì không thoát khỏi đây được”. Nghe Tôn bà bà hỏi, nó cao giọng nói:
- Bà bà, cứ để bọn họ giết đệ tử cho xong. Việc này không liên quan gì tới bà bà. Bà bà mau đi đi!
Tôn bà bà nghe cậu bé nói cứng cỏi như thế, lại thấy nó chỉ nghĩ đến lão bà, thì càng thương yêu nó, bèn cao giọng, nói:
- Bà bà sẽ cùng chết với ngươi ở đây, để cho bọn đạo sĩ thối tha kia được toại ý.
Đột nhiên Tôn bà bà quát một tiếng trợ oai, lao nhanh tới, hai tay chặt vào cổ tay của hai đạo sĩ, vừa chặt vừa đoạt kiếm của họ. Công phu tay không đoạt vũ khí của Tôn bà bà quá kỳ dị, xảo diệu phi phàm. Hai đạo sĩ không đề phòng, trong chớp mắt đã bị đoạt mất kiếm.
Tôn bà bà trao một thanh kiếm cho Dương Quá, nói:
- Hài tử, ngươi có dám động thủ với bọn đạo sĩ thối tha hay không?
Dương Quá nói:
- Đệ tử dĩ nhiên không sợ. Chỉ tiếc là không có người ngoài ở đây.
Tôn bà bà hỏi:
- Người ngoài ở đây làm gì?
Dương Quá nói:
- Phái Toàn Chân uy danh cái thế, cái hành động anh hùng bắt nạt cô nhi lão phụ này không có người ngoài đem kể rộng ra, chẳng phải đáng tiếc hay sao?
Dương Quá vừa nghe Tôn bà bà nói với Trương Chí Quang, đã hiểu ngụ ý bên trong. Lời nói của nó nghe trong trẻo, đúng là giọng trẻ con.
Các đạo sĩ nghe câu đó, quá nửa tự cảm thấy xấu hổ, nghĩ thầm, cậy đông giao đấu với một bà già và một đứa bé, dẫu có thắng cũng chẳng vẻ vang gì. Có người nói nhỏ:
- Ta đi bẩm cáo sư bá chưởng giáo, để người xử lý.
Lúc này Mã Ngọc tĩnh tu một mình ở một tịnh thất nhỏ sau núi, cách đây hơn mười dặm, mọi sự vụ trong giáo phái giao cho Hách Đại Thông xử lý. Người vừa nói là đệ tử của Đàm Xứ Đoan. Người ấy cảm thấy sự việc nghiêm trọng, liên quan tới danh dự của phái Toàn Chân, phải do chưởng giáo đích thân chủ trì mới được.
Trương Chí Quang bị chiếc lọ vỡ làm bị thương nhiều chỗ trên mặt, máu tươi che mắt trái, trong cơn thịnh nộ không kịp suy xét, nghĩ có thể con mắt trái đã bị ám khí làm hỏng, sư bá chưởng giáo thì tính nết hiền lành, ắt sẽ hạ lệnh thả người, thế thì mình mất không con mắt hay sao, bèn quát to:
- Trước hết hãy bắt mụ ác bà nương cho ta, rồi hãy đi thỉnh sư bá chưởng giáo phát lạc. Các vị sư đệ, bắt lấy mụ kia!
Thiên Canh Bắc Đẩu trận thu hẹp dần. Thấy Tôn bà bà chỉ còn cách bó tay chịu trói, nào ngờ bảy đạo sĩ tấn công chỉ còn cách Tôn bà bà ba bước, mà Tôn bà bà vẫn múa kiếm phòng thủ chặt chẽ dị thường, không ai có thể tiến lại gần. Trận pháp do Trương Chí Quang chủ trì, vốn có thể thay đổi cách tiến công, nhưng y chỉ sợ ám khí của đối phương có độc, nếu y xuất thủ giao đấu, máu lưu thông mạnh, chỉ e độc tính mau phát tác hơn, nên y chỉ đứng ngoài, bịt mắt trái, quan sát và ra lệnh, trận pháp thiếu y bị kém hẳn uy lực.
Các đạo sĩ đánh lâu không hạ được, càng nóng ruột thêm, Tôn bà bà bỗng quát một tiếng, quẳng kiếm trong tay đi, sấn lên ba bước, thộp ngực một đạo sĩ trẻ, giơ hắn ngang trên đầu, nói gằn giọng:
- Xú tạp mao, rốt cuộc các ngươi có nhường đường hay không thì bảo?
Các đạo sĩ còn đang sững sờ, thì từ phía sau họ bỗng có một người vọt ra, giơ tay chộp lấy cổ tay Tôn bà bà. Tôn bà bà còn chưa nhìn rõ mặt người ấy, đã cảm thấy cổ tay tê dại, gã đạo sĩ trẻ đã bị người kia đoạt mất, tiếp đó kình phong quạt tới mặt, người ấy đã lại tấn công. Tôn bà bà nghĩ thầm: “Người này xuất chưởng quá nhanh”, vội hồi chưởng chống đỡ. Hai chưởng vỗ vào nhau nghe “bốp”, Tôn bà bà lùi lại một bước.
Người kia cũng lùi lại, nhưng chỉ nửa bước, chưởng thứ hai lại đánh tới, không chút nể nang. Tôn bà bà đánh trả một chiêu, song chưởng giao nhau, Tôn bà bà lại lùi một bước. Người kia tiến lên nửa bước, chưởng thứ ba lại đánh tới. Chưởng này ra chiêu quá lẹ, buộc Tôn bà bà liên tiếp lùi lại ba bước. Tôn bà bà vẫn chưa kịp nhìn rõ mặt địch thủ, chưởng thứ tư đã đánh tới. Sau lưng Tôn bà bà đã chạm tường, không còn chỗ để lùi lại. Tôn bà bà giơ chưởng chống đỡ, người kia quát:
- Bà bà hãy để giải dược và đứa bé lại.
Tôn bà bà ngẩng nhìn, thấy người kia râu tóc bạc phơ, khí tím đầy mặt, chính là Hách Đại Thông, người đã dùng đuốc xua đuổi đàn ong trong rừng; sau khi trao đổi ba chưởng, Tôn bà bà đã biết Hách Đại Thông nội lực thâm hậu hơn hẳn bà ta, nếu đối phương dồn thêm công lực, bà ta không thể chịu nổi; nhưng tính cương ngạnh, Tôn bà bà thà chết không khuất phục, nói:
- Muốn bắt thằng bé, phải giết được lão thái bà trước đã.
Hách Đại Thông biết Tôn bà bà có quan hệ sâu xa với tiên sư, không muốn đả thương, ra đòn rất nể nang, nói:
- Hai bên lân cư mấy chục năm, hà tất vì một đứa bé mà tổn thương hòa khí?
Tôn bà bà cười nhạt, nói:
- Ta sang đây vốn có hảo ý tặng thuốc, lão cứ hỏi đệ tử của mình ắt biết ta nói thật hay không.
Hách Đại Thông ngoảnh đầu lại, đang định lên tiếng hỏi đệ tử, thì Tôn bà bà đột nhiên tung một cước đá vào hạ bàn của Hách Đại Thông.
Cú đá này vô ảnh vô tông, thân bất động, quần bất động, lúc Hách Đại Thông phát giác ra, thì mũi chân đối phương đã đá tới bụng dưới, muốn lùi lại cũng không kịp, trong lúc nguy cấp bèn dồn lực vào chưởng, hất mạnh Tôn bà bà văng đi.
Cú đẩy này hàm chứa nội lực huyền công thượng thừa của phái Toàn Chân mà Hách Đại Thông tu luyện mấy chục năm, chỉ nghe sầm một tiếng, một mảng tường gạch bị thủng, Tôn bà bà hộc ra một ngụm máu to, từ từ gục xuống.
Dương Quá cả kinh, phục xuống người Tôn bà bà, kêu to:
- Các ngươi muốn giết người, thì cứ giết ta là được, sao lại giết Tôn bà bà.
Tôn bà bà mở mắt ra, mỉm cười, nói:
- Hài tử, ta cùng chết với con là được rồi.
Dương Quá dang hai tay che cho Tôn bà bà, lưng hướng về phía các đạo sĩ, không lo gì cho sự an nguy của nó cả.
Hách Đại Thông hạ thủ nặng tay, thấy đối phương bị thương thì rất hối hận, đâu còn có ý định tấn công. Lão đạo sĩ muốn cúi xuống xem Tôn bà bà bị thương thế nào, để đưa thuốc trị thương cho lão bà, nhưng bị Dương Quá che lấp, không nhìn được, chỉ ôn tồn nói:
- Dương Quá, ngươi hãy dịch ra, để ta xem thương thế của bà bà.
Dương Quá không tin, cứ ôm chặt lấy Tôn bà bà. Hách Đại Thông giục mấy lần, nó vẫn không nghe, lão đạo sĩ sốt ruột gỡ tay nó ra. Dương Quá gào tướng lên:
- Xú đạo sĩ, tặc đạo sĩ. Các ngươi giết ta được rồi, ta không cho các ngươi giết bà bà của ta.
Đang ầm ĩ thế, bỗng nghe sau lưng có tiếng nói lạnh lùng:
- Hiếp đáp ấu nhi, lão phụ như vậy, gọi là anh hùng hay sao?
Hách Đại Thông nghe giọng nói trong trẻo, lạnh giá, thì giật mình, chỉ thấy một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp đứng ở cửa đại điện, y phục trắng như tuyết, ánh mắt lạnh lẽo đáng sợ. Một hồi chuông cất lên ở cung Trùng Dương, trong vòng mươi dặm các đạo sĩ đã được bố trí nhiều lớp, phòng thủ nghiêm mật dị thường, thế mà thiếu nữ kia lọt vào tận đây, không hề có ai cấp báo, chẳng hiểu nàng ta lọt vào bằng cách nào.
Hách Đại Thông hỏi:
- Cô nương là ai? Có gì kiến giáo?
Thiếu nữ quắc mắt nhìn lão đạo sĩ, không đáp, tới bên cạnh Tôn bà bà. Dương Quá ngẩng lên, buồn bã nói:
- Long cô cô, lão đạo sĩ tàn ác kia đánh ... đánh chết bà bà rồi!
Bạch y thiếu nữ chính là Tiểu Long Nữ. Tôn bà bà mang Dương Quá rời khỏi nhà mộ, sang đạo quán, xuất thủ, nàng bám theo phía sau đều nhìn thấy rõ cả, tưởng Hách Đại Thông không hạ sát thủ, nên thủy chung không lộ diện. Nào ngờ tình thế xoay chuyển bất ngờ, Tôn bà bà rốt cuộc bị trọng thương, nàng phải ra cứu, thì đã không kịp. Hình ảnh Dương Quá quên mình bảo vệ Tôn bà bà, nàng cũng thấy cả. Nhìn nó nước mắt lưng tròng, nàng gật đầu, nói:
- Ai rồi cũng chết cả, chuyện đó thường tình.
Tôn bà bà nuôi dưỡng nàng từ nhỏ, hai người không khác gì mẫu tử. Nhưng Tiểu Long Nữ mười tám năm nay chỉ sống những ngày bình lặng, cộng với từ nhỏ nàng tu luyện nội công, tu đến mức không còn chút tình hỉ nộ ai lạc, nhìn Tôn bà bà trọng thương hết cứu, không tránh khỏi đau lòng, nhưng cảm xúc đó chỉ thoáng qua giây lát, sắc mặt nàng vẫn không có gì thay đổi.
Hách Đại Thông nghe Dương Quá gọi “Long cô cô”, biết thiếu nữ mỹ mạo kia là Tiểu Long Nữ, người đã đánh đuổi vương tử Hoắc Đô, thì càng kinh hãi. Nên biết việc vương tử Hoắc Đô thảm bại bỏ chạy, mấy tháng nay đã truyền khắp giang hồ; Tiểu Long Nữ chưa hề xuống núi Chung Nam một bước, song danh tiếng của nàng đã lừng lẫy võ lâm.
Tiểu Long Nữ thong thả ngoảnh lại nhìn các đạo sĩ một lượt. Trừ Hách Đại Thông nội công thâm hậu, tâm thần bình tĩnh ra, tất cả các đạo sĩ còn lại bất giác đều run rẩy trước nhãn quang lạnh như băng giá của nàng.
Tiểu Long Nữ cúi xuống, hỏi Tôn bà bà:
- Bà bà cảm thấy thế nào?
Tôn bà bà thở dài, nói:
- Cô nương, cả đời ta chưa cầu xin cô nương điều gì. Bây giờ ta chỉ cầu xin cô nương một điều, cô nương không bằng lòng thì thôi.
Tiểu Long Nữ hơi cau đôi mày thanh tú, hỏi:
- Bây giờ bà bà muốn gì?
Tôn bà bà chỉ Dương Quá, nhất thời chưa nói nên lời. Tiểu Long Nữ nói:
- Bà bà muốn ta chiếu liệu cho nó chứ gì?
Tôn bà bà cố hít một hơi, nói:
- Ta cầu xin cô nương chiếu liệu cho nó suốt cả đời, không để cho nó bị thiệt thòi với người khác, cô nương có đáp ứng hay không?
Tiểu Long Nữ lưỡng lự:
- Chiếu liệu cho nó suốt đời ư?
Tôn bà bà gằn giọng:
- Cô nương, nếu lão bà tử này không chết, cũng sẽ chiếu liệu cho cô nương suốt đời. Hồi cô nương còn nhỏ, mọi việc ăn uống, tắm rửa, cứt đái... chẳng phải đều do một tay lão bà tử này lo liệu đó sao? Cô nương... cô nương đã báo ... đáp gì chưa ?
Tiểu Long Nữ cắn môi, nói:
- Được, ta đáp ứng bà bà.
Trên bộ mặt xấu xí của Tôn bà bà thoáng hiện nụ cười, lão bà nhìn Dương Quá, môi mấp máy, tựa hồ muốn nói.
Dương Quá biết ý, ghé tai lại gần, nói nhỏ:
- Bà bà có gì muốn dặn đệ tử phải không?
Tôn bà bà nói:
- Ngươi... ngươi cúi thấp chút nữa.
Dương Quá y lời, ghé tai sát miệng Tôn bà bà. Tôn bà bà nói:
- Long cô cô của ngươi cũng không ai thân thích, ngươi… ngươi... cũng...
Nói tới đó, Tôn bà bà đột nhiên hộc máu ra, làm ướt cả một bên má và ngực áo của Dương Quá, rồi nhắm mắt mà chết. Dương Quá gọi to:
- Bà bà! Bà bà!
Nó quá đau lòng, không nhịn được, khóc òa lên.
Các đạo sĩ đều mủi lòng, Hách Đại Thông càng ân hận, tới trước thi thể Tôn bà bà cúi đầu hành lễ, nói:
- Bà bà, ta lỡ tay đả thương Tôn bà bà, thực không cố ý. Tội đó ta chịu, cũng là số Tôn bà bà không may. Bà bà cứ yên nghỉ!
Tiểu Long Nữ đứng bên không nói gì. Chờ Hách Đại Thông nói xong, hai bên gườm gườm nhìn nhau.
Tiểu Long Nữ cau mày, nói:
- Sao, lão không chịu tự sát để tạ lỗi, chờ ta động thủ hay sao?
Hách Đại Thông sững sờ, nói:
- Cái gì?
Tiểu Long Nữ nói:
- Giết người đền mạng, lão tự sát là xong, bổn cô nương sẽ tha mạng cho các đạo sĩ khác.
Hách Đại Thông chưa kịp trả lời, các đạo sĩ đứng gần đã nhao nhao la ó. Lúc này ở đại điện tập trung ba bốn chục đạo sĩ, họ tranh nhau chỉ trích:
- Tiểu cô nương, mau đi đi! Bọn ta sẽ không gây khó dễ với cô nương!
- Nói nhăng nói cuội! Cái gì mà tự sát thì xong, tha cho các đạo sĩ khác?
- Một thiếu nữ trẻ người non dạ, không biết trời cao đất dày là gì!
Hách Đại Thông nghe các đạo sĩ nhao nhao nói, thì xua tay ngăn lại.
Tiểu Long Nữ làm như không nghe thấy lời nói của các đạo sĩ, thong thả thò tay vào túi rút ra một vật màu trắng, là hai cái bao tay bằng lụa, nàng đi bao tay vào, rồi nhẹ nhàng nói:
- Lão đạo sĩ, đã tham sống sợ chết, không chịu tự sát thì hãy rút binh khí ra cùng ta động thủ!
Hách Đại Thông cười buồn bã, nói:
- Bần đạo đã lỡ tay đả thương Tôn bà bà, không muốn động thủ làm gì nữa. Cô nương mang Dương Quá rời khỏi đây cho yên chuyện.
Hách Đại Thông nghĩ rằng Tiểu Long Nữ đuổi được vương tử Hoắc Đô chẳng qua là nhờ sức của đàn ong, một thiếu nữ ít tuổi như nàng ta, dẫu võ công có chỗ bí hiểm, thì cũng chỉ như Tôn bà bà là cùng, thôi thì để cho nàng ta mang Dương Quá đi, một là nể tình sư môn đôi bên thời trước, hai là sau khi ngộ sát Tôn bà bà, Hách Đại Thông cảm thấy bất an, chỉ muốn nhường nhịn mà thôi.
Không ngờ Tiểu Long Nữ chẳng thèm lắng nghe lời nói của Hách Đại Thông, tay trái hất nhẹ, một dải lụa trắng bỗng bật ra, bổ thẳng tới mặt Hách Đại Thông. Sự việc vô thanh vô tức, trước đó không hề có dấu hiệu gì báo trước, dưới ánh nến chỉ thấy cuối dải lụa trắng buộc một hòn bi màu vàng. Hách Đại Thông thấy nàng xuất chiêu thần tốc, binh khí lại là thứ cực kỳ kinh dị, nhất thời chưa biết nên chống đỡ cách nào. Hách Đại Thông đã nhiều tuổi, hành sự ổn trọng, tuy tự cho rằng võ công mình cao hơn hẳn đối phương, song lão đạo sĩ cũng không dám tiếp chiêu, phải né thân tránh sang bên trái.
Nào ngờ dải lụa trắng của Tiểu Long Nữ lại có thể vẫy vùng trong không khí, Hách Đại Thông nhảy tránh sang bên trái, dải lụa trắng cũng bay sang bên trái, chỉ nghe “coong coong coong” ba tiếng liền, trái bi vàng phát ra ba tiếng chuông, mỗi tiếng kèm theo đòn điểm huyệt, nhắm tới ba huyệt Nghênh Hương, Thừa Khấp, Nhân Trung trên mặt. Phép điểm huyệt này quá lẹ, nhận huyệt quá chuẩn, thực là công phu hạng nhất trong võ lâm. Lại kèm theo tiếng chuông do trái bi vàng phát ra, tuy không to, nhưng nghe thập phần kinh dị, gõ vào tai muốn đứng tim hết hồn. Hách Đại Thông cả kinh, vội sử “Thiết bản kiều” thân ngả ra sau, dải lụa trắng vút qua cách mặt chỉ vài tấc. Lão đạo sĩ sợ dải lụa trắng lại đánh tới, và đây cũng là độ tinh thuần võ công của lão, trong lúc ngả người ra sau như thế, toàn thân bỗng xê dịch sang bên cạnh ba thước. Tài nghệ đó cũng rất bất ngờ đối với Tiểu Long Nữ, “coong” một tiếng, trái bi vàng đánh xuống chạm đất. Vừa rồi nàng dùng trái bi vàng điểm huyệt liên tiếp, Hách Đại Thông trong lúc nguy cấp đã sử dụng xảo chiêu tránh được.
Hách Đại Thông đứng thẳng dậy, mặt biến sắc. Các đạo sĩ không phải là đệ tử, thì cũng là sư điệt, bao lâu nay vốn thán phục võ công của lão, thấy lão tuy chưa bị thương, chiêu vừa rồi thoát hiểm thật là khéo léo, ai cũng kinh hãi. Bốn đạo sĩ nhất tề chĩa kiếm tấn công Tiểu Long Nữ. Tiểu Long Nữ nói:
- Được lắm! Lẽ ra phải sử dụng binh khí sớm hơn!
Hai tay cùng phất, hai dải lụa trắng như hai con rắn ngoằn ngoèo phóng ra, coong coong hai tiếng, rồi lại coong coong hai tiếng nữa, huyệt Linh Đạo ở cổ tay bốn đạo sĩ đều đã bị trái bi vàng điểm trúng, keng keng bốn tiếng, kiếm của họ đã rơi xuống đất. Các đạo sĩ thảy đều biến sắc, không còn ai dám tiến lên tấn công.
Hách Đại Thông thoạt đầu cứ tưởng Tiểu Long Nữ võ công tầm thường, nào ngờ vừa động thủ đã suýt thua nàng ta, không khỏi không lo sợ, liền cầm lấy một thanh kiếm của đệ tử, nói:
- Long cô nương công phu cao cường, bần đạo thất kính, hãy xuất cao chiêu để bần đạo lĩnh giáo.
Tiểu Long Nữ gật đầu, coong coong hai tiếng, dải lụa trắng quét ngang từ trái sang phải.
Xét về vai vế, Hách Đại Thông cao hơn một bậc, Tiểu Long Nữ trước khi động thủ lẽ ra phải kính trọng bậc trên, nhường trước ba chiêu; đằng này nàng vừa tiến tới đã hạ sát thủ, chẳng còn theo qui củ võ lâm gì hết. Hách Đại Thông nghĩ thầm: “Nữ hài nhi này võ công tuy cao, nhưng tựa hồ nó chẳng hiểu gì cả. Rõ ràng là chưa bao giờ lâm địch tiếp chiến, có mạnh mấy cũng không đáng sợ”. Bèn tay trái để theo kiếm quyết, tay phải vung trường kiếm chiết giải dải lụa trắng của nàng ta.
Các đạo sĩ đứng quanh nhiều lớp, ngưng thần quan chiến. Dưới ánh nến lung linh, chỉ thấy một bạch y thiếu nữ, một lão đạo áo xám, dải lụa bay như cầu vồng, trường kiếm động như chớp, một bên má hồng, một bên tóc bạc, càng đấu càng kịch liệt.
Hách Đại Thông múa lấy chục đường kiếm nóng lạnh, chỉ luận riêng về kiếm pháp, thì trong phái Toàn Chân lão đứng thứ ba thứ tư; vậy mà đấu đã mấy chục chiêu với một cô nương, rốt cuộc vẫn chưa chiếm được chút nào lợi thế. Hai dải lụa của Tiểu Long Nữ cứ uốn lượn như linh xà, điều chuyển như ý, hai trái bi vàng không ngừng phát tiếng coong coong, càng khiến người ta kinh tâm động phách. Hách Đại Thông đánh lâu không thắng, tuy chưa sa vào thế hạ phong, nhưng thiết tưởng với thân phận thịnh danh đã lâu trong giang hồ, giả dụ sau trăm chiêu có đánh thắng được một thiếu nữ, thì cũng chẳng vẻ vang gì, thế là trở nên nôn nóng, kiếm pháp biến đổi từ nhanh sang chậm, chiêu thức tuy chậm hẳn lại so với lúc trước, song kình lực dồn cho thanh kiếm thì lớn gấp vài lần. Ban đầu lưỡi kiếm còn né tránh sự chuyển dẫn của dải lụa, bây giờ uy lực đã tăng, liền chuyển sang thế đuổi chém dải lụa trắng.
Đấu thêm vài chiêu, nghe coong một tiếng, trái bi vàng và lưỡi kiếm đụng nhau; Hách Đại Thông nội lực thâm hậu, hất trái bi vàng bắn ngược vào mặt Tiểu Long Nữ, rồi thừa thế truy kích, trong tiếng hoan hô của các đạo sĩ, mũi kiếm lướt theo dải lụa trắng, đâm thẳng tới cổ tay Tiểu Long Nữ, buộc nàng nếu không buông dải lụa trắng ra, ắt cổ tay sẽ bị trúng kiếm. Ai ngờ Tiểu Long Nữ tay phải lật nhanh một cái, đã chộp lấy lưỡi kiếm, rắc một cái, thanh kiếm bị gãy làm hai đoạn.
Các đạo sĩ cùng kêu lên kinh hãi, Hách Đại Thông nhảy vội ra phía sau, tay cầm đoạn kiếm gãy, ngẩn người sững sờ. Hách Đại Thông làm sao có thể ngờ nổi, một cái bao tay mỏng mảnh dệt bằng tơ lụa, lại là một thứ binh khí sắc bén do sư tổ nàng ta truyền lại, tuy nó mềm và mỏng, song đao kiếm chẳng những không làm gì nổi, mà còn bị nó bẻ gãy như chơi.
Hách Đại Thông sắc mặt trắng bệch, bị đại bại, nhất thời chưa biết cái bao tay của Tiểu Long Nữ có cơ quan xảo diệu gì, chỉ biết quả thật nàng ta đã luyện được công phu thượng thừa đao thương bất nhập, thì run run nói:
- Được được được, bần đạo chịu thua. Long cô nương, cô nương cứ việc mang thằng bé kia đi.
Tiểu Long Nữ nói:
- Lão đánh chết Tôn bà bà, nói mỗi câu chịu thua là xong ư?
Hách Đại Thông ngửa mặt lên trời cười ha hả, buồn bã nói:
- Ta quả thật quá hồ đồ!
Rồi đưa thanh kiếm gãy miết ngang qua cổ họng. Bỗng keng một tiếng, tay bị chấn động, một đồng tiền từ ngoài tường bắn vào, đánh rơi đoạn kiếm gãy xuống đất. Hách Đại Thông nội lực thâm hậu, muốn đánh rơi thanh kiếm khỏi tay lão, hoàn toàn không phải chuyện dễ. Hách Đại Thông kinh ngạc, nhưng qua công phu dùng đồng tiền búng rơi kiếm, biết rằng sư huynh Khưu Xứ Cơ đã về tới, ngẩng đầu lên, nói:
- Khưu sư ca, tiểu đệ vô năng, làm nhục lây bản giáo, tùy sư ca xử lý.
Chỉ nghe từ bên ngoài tường vang lên tiếng cười hồn nhiên, rồi tiếng nói:
- Thắng bại là chuyện thường, nếu mỗi lần thua lại cắt cổ, thì sư ca của đệ có đến mười tám cái đầu cũng không đủ.
Lời chưa dứt, Khưu Xứ Cơ tay cầm trường kiếm đã từ bên ngoài tường nhảy vào.
Khưu Xứ Cơ tính tình hào sảng, khi phiền não hay đùa bỡn, chĩa kiếm đâm tới cánh tay Tiểu Long Nữ, nói:
- Môn hạ phái Toàn Chân Khưu Xứ Cơ xin thỉnh giáo láng giềng cao quý.
Tiểu Long Nữ nói:
- Lão đạo sĩ này cũng vui tính đấy.
Tả chưởng giơ ra, lại đã nắm lấy trường kiếm của Khưu Xứ Cơ. Hách Đại Thông vội kêu to:
- Sư ca, cẩn thận!
Nhưng không kịp nữa, Tiểu Long Nữ dồn sức ra tay, Khưu Xứ Cơ dồn sức ra lưỡi kiếm, lực tay của người này đấu với lực tay của người kia, rắc một cái, trường kiếm lại gãy đôi. Nhưng Tiểu Long Nữ cánh tay bị tê dại, ngực đau tức. Chỉ một chiêu nàng đã biết Khưu Xứ Cơ võ công cao hơn hẳn Hách Đại Thông, “Ngọc nữ tâm kinh” của mình thì nàng chưa luyện thành, thực không thể thắng nổi lão đạo sĩ, bèn ném đoạn kiếm gãy xuống đất, tay trái kẹp thi thể Tôn bà bà, tay phải cắp Dương Quá, nhún hai chân, thân hình nhẹ nhàng bay lên, qua bờ tường mà ra ngoài.
Khưu Xứ Cơ, Hách Đại Thông và cái đạo sĩ thấy Tiểu Long Nữ tự nhiên biểu lộ tuyệt kỹ khinh công, thì nhìn nhau kinh ngạc. Khưu, Hách hai người đã giao đấu với nàng, biết nàng võ công tuy tinh, song rốt cuộc vẫn chưa bằng mình, riêng công phu khinh thân như thế kia thì quả là chưa từng thấy. Hách Đại Thông thở dài, nói:
- Thôi rồi, thôi rồi!
Khưu Xứ Cơ nói:
- Hách sư đệ, sư đệ tu tập đạo pháp bao nhiêu năm mà vẫn không chịu đựng nổi một thất bại cỏn con hay sao? Mấy sư huynh sư đệ bọn ta đi Sơn Tây chuyến vừa rồi cũng chả kết quả gì, nhưng có sao đâu?
Hách Đại Thông hỏi:
- Thế nào, không ai bị tổn thương chứ?
Khưu Xứ Cơ nói:
- Chuyện hơi dài, chúng ta đi gặp Mã sư ca đi.
Nguyên Lý Mạc Sầu sau khi giết mấy người trong gia đình Lục Lập Đỉnh ở Gia Hưng, liền lên mãi vùng Sơn Tây, tại Phổ Bắc giết thêm mấy vị hào kiệt, cuối cùng kích động sự công phẫn; thủ lĩnh võ lâm đương địa bèn gửi thiếp mời anh hùng hảo hán khắp nơi tới vây công. Phái Toàn Chân cũng nhận được thiếp mời. Bấy giờ Mã Ngọc và Khưu Xứ Cơ bàn với nhau, cùng cho rằng Lý Mạc Sầu tuy tác ác đa đoan, nhưng sư tổ của nàng ta có mối quan hệ sâu xa với Trùng Dương tiên sư, tốt nhất là nên đứng ra hòa giải, dành cho nàng ta một con đường sống mới; thế là Lưu Xứ Huyền và Tôn Bất Nhị hai người lập tức đi Phổ Bắc. Nhưng Lý Mạc Sầu hành tung ngụy bí, chợt ẩn chợt hiện, Lưu, Tôn hai người không làm gì được nàng ta, nàng ta lại còn giết thêm mấy hảo hán ở Phổ Nam, Phổ Bắc.
Sau đó Khưu Xứ Cơ và Vương Xứ Nhất dẫn mười đệ tử đi cứu viện. Lý Mạc Sầu tự biết một mình không thể địch nổi số đông hảo thủ, bèn thách đấu với người của Khưu, Vương. Ngày tỷ thí thứ nhất, Tôn Bất Nhị giao đấu, bị Lý Mạc Sầu ngầm hạ độc thủ, bị nàng ta dùng “Băng phách ngân châm” đả thương. Tiếp đó nàng ta thân chinh mang tặng giải dược, khiến huynh đệ Khưu Xứ Cơ không thể không nhận. Như thế, coi như các đạo sĩ phái Toàn Chân đã chịu ân tình của Lý Mạc Sầu, theo qui củ sẽ không được coi nàng ta là địch nữa. Mọi người đành nhìn nhau cười khổ, thu xếp ra về. May mà Khưu Xứ Cơ nóng lòng về trước, không cùng Vương Xứ Nhất du lãm Thái Hàng sơn, mới kịp cứu mạng Hách Đại Thông.
Tiểu Long Nữ ra khỏi cung Trùng Dương, đặt Dương Quá xuống đất, ôm thi thể Tôn bà bà cùng Dương Quá trở về “Hoạt tử nhân mộ”. Nàng đặt thi thể Tôn bà bà xuống chiếc giường Tôn bà bà vẫn nằm, rồi nàng ngồi xuống chiếc ghế bên giường, chống tay lên cằm, ngẩn ngơ im lặng. Dương Quá phục xuống thi thể Tôn bà bà mà khóc tấm tức hồi lâu. Tiểu Long Nữ nói:
- Người chết rồi, còn khóc làm gì? Ngươi có khóc nữa, Tôn bà bà cũng chẳng nghe được đâu.
Dương Quá sững người, cảm thấy lời lẽ của nàng ta quá tàn nhẫn vô tình, nhưng nghĩ cho kỹ, thì cũng đúng thế thật, lại càng đau lòng hơn, bất giác lại khóc òa lên.
Tiểu Long Nữ lạnh lùng nhìn nó, sắc mặt hoàn toàn thản nhiên, một hồi lâu sau, nàng mới nói:
- Ta mai táng bà bà thôi; hãy đi theo ta.
Nàng ôm thi thể Tôn bà bà đi ra khỏi phòng. Dương Quá chùi nước mắt, đi theo sau. Lối đi trong nhà mộ không có đèn đuốc gì, nó phải căng mắt ra cũng nhìn không rõ cái bóng trắng của Tiểu Long Nữ, nên bám sát theo, không dám chậm nửa bước. Tiểu Long Nữ quẹo qua quẹo lại mấy lần, đi một hồi, đẩy một cánh cửa đá rất nặng, lấy trong túi ra bùi nhùi đánh lửa, châm vào hai đĩa đèn dầu trên một cái bàn đá. Dương Quá nhìn tứ phía, không khỏi lạnh người run rẩy, thấy trong một tòa đại sảnh bày một dãy năm cỗ quan tài bằng đá; nhìn kỹ, thấy hai cỗ quan tài đậy nắp rất khít, ba cỗ quan tài kia để hở nắp một nửa, cũng không biết bên trong có thi thể hay không.
Tiểu Long Nữ chỉ cỗ quan tài thứ nhất bên phải, nói:
- Bà bà tổ sư ngủ ở đây.
Chỉ cỗ quan tài thứ hai ở bên phải, nói:
- Sư phụ ngủ ở đây.
Dương Quá thấy nàng chỉ cỗ quan tài thứ ba ở bên phải, tim đập dồn, hồi hộp không biết nàng sẽ nói ai ngủ ở đó. Nắp cỗ quan tài này không đậy kín, lỡ có xác người trong đó thì mục nát mất hay sao? Chỉ nghe Tiểu Long Nữ nói:
- Tôn bà bà ngủ ở đây.
Dương Quá mới biết cỗ quan tài này còn để trống, thì thở dài nhẹ nhõm; nó nhìn hai cỗ quan tài còn lại, lòng hiếu kỳ nổi dậy, nó hỏi:
- Còn hai cỗ quan tài kia?
Tiểu Long Nữ nói:
- Sư tỷ Lý Mạc Sầu của ta ngủ ở một cỗ, ta ngủ một cỗ.
Dương Quá ngẩn người, nói:
- Lý Mạc Sầu... Lý cô nương cũng sẽ về đây ư?
Tiểu Long Nữ nói:
- Sư phụ của ta đã an bài như vậy, sư tỷ sẽ phải trở về. Nơi đây còn thiếu một cỗ quan tài, bởi vì sư phụ ta không dự liệu có ngươi tới đây.
Dương Quá giật mình, vội nói:
- Đệ tử không, đệ tử không đâu!
Tiểu Long Nữ nói:
- Ta đã đáp ứng Tôn bà bà sẽ chiếu liệu cho ngươi suốt đời. Ta không rời khỏi chốn này, thì tất nhiên ngươi cũng sẽ ở đây.
Dương Quá nghe nàng nhơn nhơn nói đến đại sự sống chết, thì cũng chẳng kiêng dè, nói:
- Cứ coi như cô cô không cho đệ tử ra khỏi đây, khi nào cô cô chết, đệ tử sẽ rời chốn này.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ta đã nói sẽ chiếu liệu cho ngươi suốt đời, thì ta sẽ không chết trước ngươi.
Dương Quá nói:
- Vì sao? Cô cô lớn tuổi hơn đệ tử kia mà!
Tiểu Long Nữ nói:
- Trước khi chết, dĩ nhiên ta sẽ giết ngươi trước.
Dương Quá lại giật thót, nghĩ thầm: “Chưa chắc đâu. Ta có chân, ta không biết trốn đi hay sao?”
Tiểu Long Nữ đến bên cỗ quan tài thứ ba, đẩy nắp ra, ôm thi thể Tôn bà bà định đặt vào, Dương Quá cảm thấy không nỡ, nói:
- Hãy cho đệ tử nhìn bà bà một lúc nữa.
Tiểu Long Nữ thấy nó mới quen Tôn bà bà chưa được một ngày, mà đã nặng tình như thế, bất giác cảm thấy khó chịu, cau cau mày, cứ ôm thi thể đứng bất động. Dưới ánh đèn dầu leo lét, Dương Quá thấy Tôn bà bà mặt mũi sống động như còn sống, lại muốn khóc òa lên. Tiểu Long Nữ nhìn nó một cái, đặt thi thể Tôn bà bà vào trong quan tài, đẩy nắp lại, cạch một tiếng, cái nắp đậy rất khít với cỗ quan tài.
Tiểu Long Nữ sợ Dương Quá lại khóc, không nhìn nó nữa, nói:
- Ra thôi!
Phất tay áo trái một cái, hai đĩa đèn dầu cùng tắt, lập tức tối đen như mực. Dương Quá sợ nàng nhốt nó trong mộ thất, vội theo ra ngay.
Ở trong hầm mộ không phân biệt ngày đêm. Hai người đã gặp đủ chuyện suốt nửa ngày, bây giờ đều đã mệt. Tiểu Long Nữ bảo Dương Quá nằm ngủ ở buồng của Tôn bà bà. Dương Quá từ nhỏ một mình lưu lạc giang hồ, thường tá túc qua đêm ở các ngôi miếu hoang, lá gan vốn to, nhưng bây giờ bảo nó ngủ một mình trong mộ thất, nghĩ đến mấy người chết nằm trong quan tài đá, nó sợ hãi vô cùng. Tiểu Long Nữ nói mấy câu, vẫn không thấy nó thưa, bèn hỏi:
- Ngươi có nghe thấy không đó?
Dương Quá nói:
- Đệ tử sợ.
Tiểu Long Nữ hỏi:
- Sợ cái gì?
Dương Quá nói:
- Đệ tử không biết. Đệ tử không dám ngủ một mình.
Tiểu Long Nữ cau mày, nói:
- Thế thì ngủ cùng buồng với ta vậy.
Bèn dẫn nó sang buồng của mình.
Nàng đã quen với bóng tối. Bây giờ vì Dương Quá nàng mới thắp một cây nến. Dương Quá thấy nàng tú mỹ tuyệt luân, y phục trên người lại trắng bong như tuyết không lấm bụi trần, thì cứ ngỡ rằng khuê phòng của nàng hẳn phải được trần thiết cực kỳ trang nhã, ai ngờ bước vào buồng thì hết sức thất vọng, thấy bên trong trống trải, chẳng khác gì nơi để mấy cỗ quan tài. Một tấm đá xanh dài làm giường, trên giường có trải tấm đệm cỏ, một tấm vải màu trắng làm chăn, ngoài ra không còn vật gì khác.
Dương Quá nghĩ thầm: “Không biết mình nằm ở đâu? Chỉ sợ nàng bắt ta nằm dưới đất”. Vừa nghĩ thế, thì Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi lên giường của ta mà nằm!
Dương Quá nói:
- Như thế không nên, đệ tử nằm dưới đất được rồi.
Tiểu Long Nữ cau mặt, nói:
- Ngươi muốn ở lại đây, ta bảo gì, ngươi đều phải vâng lời. Ngươi đã quen ẩu đả với bọn đạo sĩ, chuyện ấy quên đi. Nếu ngươi dám chống lệnh ta, ta sẽ lập tức giết ngươi.
Dương Quá nói:
- Cô cô khỏi cần dữ dằn như vậy, đệ tử vâng lời thì được chứ gì.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi còn dám cãi hả?
Dương Quá thấy nàng trẻ trung xinh đẹp mà làm bộ dữ tợn như thế, thì lè lưỡi không nói nữa. Tiểu Long Nữ nhìn thấy, nói:
- Ngươi thè lưỡi làm gì vậy? Không phục ta phải không?
Dương Quá không đáp, tụt giày, leo lên giường nằm.
Vừa nằm xuống giường, đã thấy lạnh thấu xương; nó sợ quá, nhảy luôn xuống đất. Tiểu Long Nữ thấy nó sợ cuống, tuy không hài lòng, nhưng suýt nữa phì cười hỏi:
- Làm sao vậy?
Dương Quá thấy ánh mắt nàng cười cười, thì cười nói:
- Cái giường này kỳ quái lắm, hóa ra cô cô trêu chọc đệ tử.
Tiểu Long Nữ nghiêm mặt nói:
- Ai trêu chọc ngươi làm gì, cái giường nó vốn như thế, mau lên giường nằm đi.
Nói đoạn lấy từ góc buồng một cây chổi, nói:
- Mồi lần ngươi tụt xuống đất, ta sẽ đánh ngươi mười cái cán chổi.
Dương Quá thấy nàng nghiêm mặt, đành leo lên giường nằm. Lần này có đề phòng, không sợ nữa, chỉ cảm thấy dường như dưới tấm đệm cỏ là các lớp băng dày, càng nằm lâu càng thấy lạnh, bất giác toàn thân run bần bật, hai hàm răng gõ vào nhau cầm cập. Nằm một lát nữa, khí lạnh thấu xương, thật không tài nào chịu nổi.
Nó nhìn về phía Tiểu Long Nữ, thấy mặt nàng nửa cười nửa không, có vẻ khoái trá trước sự đau khổ của kẻ khác, thì nó thầm bực tức, nghiến răng chống chọi với cái lạnh. Chỉ thấy Tiểu Long Nữ lấy một sợi dây chão, móc một đầu dây vào một chiếc đinh trên tường, dòng sợi dây ngang buồng, móc đầu dây bên kia vào một chiếc đinh trên bức tường đối diện, sợi dây cách mặt đất một khoảng cao bằng người, rồi nàng nhẹ nhàng nằm vắt ngang sợi dây, lấy sợi dây làm giường, tiếp đó tay trái phẩy một cái, chưởng phong quạt tắt luôn ngọn nến.
Dương Quá vô cùng thán phục, nói:
- Cô cô, ngày mai cô cô dạy cho đệ tử bản sự đó được chăng?
Tiểu Long Nữ nói:
- Bản sự này có đáng gì? Ngươi mà chịu khó học, ta có rất nhiều bản sự lợi hại dạy cho ngươi.
Dương Quá nghe Tiểu Long Nữ chịu thực tâm dạy võ cho nó, thì nó quên hết mọi sự oán trách ban đầu, cảm động quá, nước mắt tự nhiên ứa ra, nó nghẹn ngào nói:
- Cô cô, cô cô đối tốt với đệ tử, vậy mà lúc đầu đệ tử lại oán trách cô cô.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ta đuổi ngươi đi, ngươi có oán trách ta, cũng chả có gì là lạ.
Dương Quá nói:
- Đệ tử chỉ mong cô cô đừng giống như sư phụ hồi trước của đệ tử, dạy đệ tử toàn những thứ vô dụng.
Tiểu Long Nữ nghe giọng nó run run, thì hỏi:
- Ngươi rét lắm à?
Dương Quá nói:
- Vâng, cái giường này bên dưới kỳ quái thế nào ấy, nằm cứ lạnh thấu xương.
Tiểu Long Nữ hỏi:
- Ngươi không muốn nằm cái giường này hả?
Dương Quá nói:
- Đệ tử... đệ tử không muốn.
Tiểu Long Nữ cười khẩy:
- Hừ, ngươi không muốn, trong khi biết bao nhiêu cao thủ võ lâm thiên hạ muốn nằm cái giường này mà không được đó.
Dương Quá lấy làm lạ, hỏi:
- Họ muốn chịu tội sống hay sao?
Tiểu Long Nữ nói:
- Hừ, ta nuông chiều ngươi, ngươi lại cho là phải chịu tội sống, thật không biết gì tốt xấu cả.
Dương Quá nghe vậy, xem chừng nàng bảo nó nằm cái giường này không phải do ác ý, thì dịu giọng cầu khẩn:
- Cô cô, cái giường lạnh này tốt ở điểm nào, cô cô có thể nói cho đệ tử biết được chăng?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi nằm cái giường này suốt đời, tự khắc sẽ biết nó tốt ở chỗ nào. Bây giờ thì nhắm mắt lại, không được nói nữa.
Trong bóng tối nghe tiếng quần áo của nàng khẽ sột soạt tựa hồ nàng trở mình. Đã nằm ngủ trên một sợi dây mà còn trở mình tùy ý, thật là ngoài sức tưởng tượng.
Hai câu cuối của nàng nghe nghiêm lạnh, Dương Quá không dám hỏi thêm, bèn nhắm mắt cố ngủ. Nhưng từng luồng hơi lạnh từ bên dưới thấm lên, nghĩ đến Tôn bà bà nó lại đau lòng, làm sao ngủ được?
Một hồi lâu, nó gọi khẽ:
- Cô cô, đệ tử chịu không nổi nữa.
Chỉ nghe tiếng thở đều đều của Tiểu Long Nữ, chắc nàng đã ngủ. Nó gọi nhỏ hai lần nữa, vẫn không có tiếng trả lời, thì nghĩ thầm: “Mình xuống đất nằm, chắc nàng ta chẳng biết đâu.” Bèn rón rén tụt khỏi giường, đứng dưới đất, không dám thở mạnh.
Nào ngờ vừa định cất bước, thì Tiểu Long Nữ đã nhỏm dậy, chộp lấy tay trái của nó bẻ quặt ra sau lưng, ấn nó ngồi xuống đất. Dương Quá kêu lên, thì Tiểu Long Nữ đã cầm cây chổi quất vào mông nó.
Dương Quá biết rằng có xin tha cũng vô ích, nên cắn răng nhịn đau. Năm cái quất đầu tiên rất đau, từ cái thứ sáu, Tiểu Long Nữ đã nhẹ tay dần, đến hai cái quất cuối cùng thì chỉ còn đụng vào da mà thôi. Đánh xong mười cái, nàng nhấc nó ném lên giường, quát:
- Còn thế nữa, còn bị đánh.
Dương Quá nằm trên giường, không dám hó hé, chỉ nghe nàng ném cây chổi vào góc buồng, rồi lại nằm vắt ngang dây thừng mà ngủ. Tiểu Long Nữ ngỡ thằng bé sẽ khóc lóc ầm ĩ, không ngờ nó nằm im thin thít, bèn hỏi:
- Sao ngươi không kêu khóc?
Dương Quá nói:
- Kêu khóc mà làm gì? Cô cô muốn đánh thì sẽ đánh, có xin tha cũng vô ích.
Tiểu Long Nữ nói:
- Hừ, ngươi trong bụng chửi thầm ta chứ gì?
Dương Quá nói:
- Đệ tử không chửi thầm cô cô đâu. Cô cô tốt hơn lão sư phụ trước của đệ tử rất nhiều.
Tiểu Long Nữ lấy làm lạ, hỏi:
- Vì sao?
Dương Quá nói:
- Cô cô tuy đánh đệ tử, nhưng trong bụng lại thương, càng đánh càng nhẹ tay, sợ đệ tử bị đau.
Tiểu Long Nữ thấy nó nói đúng tâm sự của mình, thì hơi đỏ mặt, may mà trong bóng tối Dương Quá không nhìn được, nàng làu bàu:
- Hừ, ai thương ngươi kia chứ, lần sau ngươi không vâng lời, ta sẽ nặng tay hơn đấy.
- Cô cô đánh đau hơn nữa, đệ tử cũng vẫn thích.
Tiểu Long Nữ nguýt nó:
- Tặc cốt đầu (đồ quỷ), ngươi một ngày không bị đòn, khéo ngủ không ngon.
Dương Quá nói:
- Nếu đánh đệ tử là người thương đệ tử, thì đệ tử chả buồn chút nào, còn vui là đằng khác, vì ngươi ấy mong cho đệ tử thành người tốt. Còn nếu là người ghét đệ tử, thì dù chỉ mắng đệ tử một câu, trừng mắt nhìn đệ tử một cái, sau này đệ tử lớn lên sẽ tìm kẻ đó tính sổ.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi thử kể xem, những ai thương ngươi, những ai ghét ngươi.
Dương Quá nói:
- Việc đó thì đệ tử nhớ rất kỹ. Những kẻ ghét đệ tử thì khỏi cần nhắc tới, vì nhiều lắm. Còn thương đệ tử thì có người mẹ quá cố của đệ tử này, nghĩa phụ này, Quách Tĩnh bá bá, Tôn bà bà và cô cô.
Tiểu Long Nữ cười khảy:
- Ta đâu có thương ngươi. Tôn bà bà nhờ ta chiếu liệu cho ngươi, thì ta chiếu liệu cho ngươi. Kiếp này ngươi đừng hi vọng ta có hảo tâm với ngươi.
Dương Quá vốn đã rét run cầm cập, nghe nàng nói thế thì vã mồ hôi lạnh, nén giận, hỏi:
- Đệ tử có gì không tốt, mà cô cô ghét đệ tử đến thế?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi tốt hay xấu thì can hệ gì đến ta? Ta cũng không ghét ngươi. Cả đời ta ở trong phần mộ này, ai ta cũng không thương, ai ta cũng chẳng ghét.
Dương Quá nói:
- Thế thì chán lắm. Cô cô đã đi ra ngoài bao giờ chưa?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ta chưa hề rời khỏi núi Chung Nam, bên ngoài bất quá cũng chỉ có núi có cây, có mặt trăng mặt trời, chứ có gì hay?
Dương Quá vỗ tay, nói:
- Ôi, đúng là cô cô sống uổng cả một đời. Dưới thành ấp có bao nhiêu thứ hay vô cùng.
Rồi nó kể lại đủ thứ lạ mà nó nhìn thấy trong quãng đời lưu lạc từ nhỏ của mình tới giờ. Nó vốn khéo mồm khéo miệng, lúc này lại thêm giấm thêm ớt, càng kể càng bịa thêm lắm điều ly kỳ cổ quái, biến ảo đa đoan. May mà Tiểu Long Nữ mười tám năm nay chưa hề rời khỏi núi Chung Nam, nó khoa trương bịa đặt gì, nàng cũng đều tin cả, cuối cùng bất giác thở dài.
Dương Quá nói:
- Cô cô , đệ tử dẫn cô cô đi chơi một chuyến nhé?
Tiểu Long Nữ nói:
- Đừng nói bậy! Tổ sư bà bà đã có di huấn, người nào đã sống ở “Hoạt tử nhân mộ” sẽ không được rời khỏi núi Chung Nam một bước.
Dương Quá chột dạ, nói:
- Chả lẽ cả đệ tử cũng không được rời khỏi núi Chung Nam?
Tiểu Long Nữ nói:
- Tất nhiên không được.
Dương Quá nghe vậy cũng không lo lắm, nghĩ thầm: “Đào Hoa đảo là hòn đảo chơ vơ giữa biển, ta đến đó cũng có thể rời khỏi đó, ngôi nhà mồ này làm sao nhốt nổi ta?” lại hỏi:
- Cô cô bảo Lý Mạc Sầu Lý cô nương là sư tỷ của cô cô, hẳn cũng đã sống ở “Hoạt tử nhân mộ”, sao vẫn được rời khỏi núi Chung Nam đi các nơi?
Tiểu Long Nữ nói:
- Lý sư tỷ không vâng lời sư phụ ta, bị sư phụ ta đuổi đi đấy.
Dương Quá cả mừng, nghĩ thầm: “Có qui củ hay thế thì cứ vậy mà làm theo, bao giờ mình muốn bỏ đi, mình chỉ cần không vâng lệnh, để nàng ta đuổi đi là được”. Nhưng nó nghĩ dự định đó phải giấu kín, không được lộ ra, kẻo mất linh.
Hai người trò chuyện, Dương Quá nhất thời quên cái lạnh; nhưng chỉ cần ngừng nói một lát, toàn thân lại run rẩy, nó liền mở miệng cầu khẩn:
- Cô cô tha cho đệ tử đi, đệ tử không muốn nằm cái giường này chút nào.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi đánh nhau với cả sư phụ của phái Toàn Chân, không chịu mở miệng xin tha, sao bây giờ lại thoái chí thế à?
Dương Quá cười, nói:
- Ai đối xử xấu với đệ tử, đánh đập đệ tử, đệ tử một câu cũng không chịu thua. Ai đối xử tốt với đệ tử, đệ tử có thể tình nguyện chết vì người đó, huống hồ mở miệng xin tha.
Tiểu Long Nữ nói:
- Hừ, đừng tưởng là ta đối tốt với ngươi.
Tiểu Long Nữ từ nhỏ được sư phụ và Tôn bà bà dạy dỗ, nuôi dưỡng, mười tám năm chỉ bầu bạn với hai lão bà bà. Hai người ấy tuy đối với nàng cực tốt, chỉ do sư phụ muốn nàng luyện “Ngọc nữ tâm kinh”, nên từ nhỏ đã bảo phải nàng gạt bỏ mọi cái tình hỉ nộ ai lạc, hễ thấy nàng khóc nàng cười, lập tức trách phạt rất nặng. Tôn bà bà dẫu là người nhiệt thành, cũng không dám cản trở sự tu luyện của nàng, sao cho nàng có được cái tính khí lạnh lùng, tàn nhẫn, đơn độc. Nay Dương Quá vừa tới, người này tâm nhiệt như hỏa, tuổi lại còn nhỏ, lời lẽ cử chỉ đương nhiên khác hẳn hai vị lão bà bà. Tiểu Long Nữ nghe Dương Quá nói, thừa biết là không nên, nhưng vẫn cứ trò chuyện với nó không biết mệt. Lúc đầu nàng thu nhận Dương Quá chỉ vì nể lời thỉnh cầu của Tôn bà bà, nhưng sau nghe Dương Quá bảo nàng là người đối tốt với nó, nàng tự dưng cũng cảm thấy đúng thế thật.
Dương Quá nghe giọng nàng không có vẻ gì là tức giận, bèn rên thật to:
- Trời ơi lạnh quá, rét quá, đệ tử chịu hết nổi mất thôi.
Kỳ thực, dù rất lạnh, song cũng chưa đến nỗi phải rên rỉ quá như thế.
Tiểu Long Nữ nói:
- Im đi, để ta kể cho ngươi biết lai lịch của cái thạch sàng (giường đá) này.
Dương Quá cả mừng, nói:
- Hãy quá, đệ tử không rên nữa, cô cô kể mau đi.
Tiểu Long Nữ kể:
- Ta nói anh hùng khắp thiên hạ đều muốn nằm cái giường này chẳng phải là để đánh lừa ngươi đâu, cái giường này được chế từ một loại hàn ngọc cổ, giúp ích rất nhiều cho việc tu luyện nội công thượng thừa.
Dương Quá lấy làm lạ, hỏi:
- Không phải làm bằng đá ư?
Tiểu Long Nữ cười khẩy, nói:
- Ngươi bảo ngươi đã thấy không ít vật cổ quái, nhưng đã thấy có thứ đá nào lạnh như thế này chưa? Thứ này tổ sư bà bà phải tốn bảy năm tâm huyết, đến miền đất băng giá cực bắc, đào sâu qua lớp băng dày mấy trăm trượng, mới lấy lên được thứ hàn ngọc này. Nằm ngủ trên cái giường ngọc này mà luyện nội công, thì một năm bằng mười năm tu luyện bình thường đó.
Dương Quá vui mừng nói:
- Thì ra nó có cái hay như thế.
Tiểu Long Nữ nói:
- Thoạt tiên ngươi nằm ngủ trên cái giường này, sẽ cảm thấy giá lạnh không chịu nổi, phải vận công lực toàn thân chống lạnh, lâu dần thành tự nhiên, lúc nằm ngủ cũng là lúc luyện công. Người ta luyện công, dù là người cần mẫn nhất, mỗi ngày cũng phải ngủ ba, bốn canh giờ. Nên biết, đạo luyện công là hành động nghịch thiên, khí huyết vận hành không giống lúc bình thường. Nhưng mỗi khi nằm ngủ, khí huyết tự nó lại vận hành theo kiểu cũ, thế là công phu luyện tập ban ngày mười phần bị hao mất chín. Nhưng nếu nằm ngủ trên cái giường này, thì trong lúc ngủ chẳng những không bị hao tốn công lực đã luyện ban ngày, mà còn gia tăng công lực.
Dương Quá tức thời lĩnh ngộ, nói:
- Thế thì ban đêm nằm ngủ trên tuyết cũng có cái tốt.
Tiểu Long Nữ nói:
- Không đâu. Một là băng tuyết hút cái nóng của cơ thể, tan thành nước; hai là thứ hàn ngọc này lạnh gấp mấy lần băng tuyết. Cái giường bằng hàn ngọc này còn có cái hay khác nữa, phàm tu luyện nội công, tối kỵ là tẩu hỏa nhập ma, bình thường luyện nội công, phải dùng một nửa tinh thần đề kháng tâm hỏa. Thứ hàn ngọc này là vật chí âm chí hàn trong thiên hạ, người tu đạo nằm ngồi trên nó, tâm hỏa tự thanh, do vậy, lúc luyện nội công có thể tha hồ dũng mãnh tinh tiến, như thế chẳng phải sẽ luyện nhanh hơn hẳn người khác đó sao?
Dương Quá cả mừng, nói:
- Cô cô, cô cô đối với đệ tử tốt quá, cô cô cho đệ tử nằm ngủ trên cái giường này, đệ tử sẽ không sợ huynh đệ họ Võ và Quách Phù. Lão Triệu Chí Kính của phái Toàn Chân tuy luyện nội công lâu hơn đệ tử, nhưng đệ tử cũng sẽ đuổi kịp.
Tiểu Long Nữ lạnh lùng nói:
- Tổ sư bà bà đã có di huấn, đã sống ở nhà mồ này, thì phải tu tâm dưỡng tính, nhất thiết không được có ý cạnh tranh với người khác.
Dương Quá vội nói:
- Chẳng lẽ bọn chúng hiếp đáp đệ tử, lại còn hại chết Tôn bà bà, mình cũng tha cho ư?
Tiểu Long Nữ nói:
- Người ta ai cũng phải chết, Tôn bà bà không chết bởi tay Hách Đại Thông, thì vài năm nữa tự mình cũng sẽ chết. Sống thêm vài năm, chết sớm vài năm thì cũng thế mà thôi. Chuyện báo cừu rửa hận, từ rày không được nhắc với ta nữa.
Dương Quá cảm thấy lời nói trên tuy có lý, nhưng vẫn có chỗ chưa đúng, song nhất thời nó chưa nghĩ ra được cách bác bỏ. Vừa lúc ấy, khí lạnh lại thấm vào người từng đợt một, nó lại run rẩy toàn thân. Tiểu Long Nữ nói:
- Để ta dạy ngươi cách chống cái lạnh khi nằm trên chiếc giường này.
Thế rồi nàng truyền cho nó mấy câu khẩu quyết cùng pháp môn tu tập nội công, chính là công phu căn cơ nhập môn của phái nàng. Dương Quá y lời luyện theo, trong giây lát đã cảm thấy khí lạnh giảm hẳn, đến khi nội tức chuyển sang vòng thứ ba, thì nó cảm thấy toàn thân phát nhiệt, không còn sợ băng giá nữa, ngược lại còn cảm thấy thoải mái dễ chịu khi nằm trên cái giường đá kia, hai mắt vừa nhắm lại, đã lơ mơ thiếp đi. Ngủ chừng nửa canh giờ, hơi ấm tan hết, hơi lạnh của cái giường làm cho nó tỉnh giấc, nó lại theo cách đã học mà dụng công. Cứ thế ngủ rồi tỉnh, tỉnh rồi ngủ nhiều lần trong đêm, sáng hôm sau thức dậy không hề cảm thấy mệt mỏi, thì ra chỉ trong một đêm tu luyện, mà nội lực đã có tiến bộ.
Hai người ăn sáng xong, Dương Quá mang bát đĩa vào bếp rửa sạch, rồi trở ra đại sảnh. Tiểu Long Nữ nói:
- Có một việc ngươi cần biết rõ. Nếu ngươi thật sự bái ta làm sư phụ, thì suốt đời sẽ phải nghe lời ta. Nếu ngươi không bái ta làm sư phụ, ta cũng vẫn truyền võ nghệ cho ngươi, sau này khi nào ngươi thắng nổi ta, ngươi có thể dựa vào võ công mà ra khỏi “Hoạt tử nhân mộ”.
Dương Quá không hề đắn đo, nói:
- Đệ tử tất nhiên bái cô cô làm sư phụ, dù cô cô không truyền võ nghệ cho đệ tử, thì đệ tử cũng vẫn vâng lời cô cô.
Tiểu Long Nữ lấy làm lạ, hỏi:
- Tại sao?
Dương Quá nói:
- Cô cô, cô cô trong lòng đối tốt với đệ tử, đệ tử không biết hay sao?
Tiểu Long Nữ nghiêm mặt, nói:
- Ta đối với ngươi tốt hay không, từ nay ngươi không được nhắc đến. Ngươi đã bái ta làm sư phụ, thì ra hậu sảnh làm lễ.
Dương Quá theo nàng ra hậu sảnh, thấy ở đó chẳng bày biện đồ đạc gì, chỉ có mấy bức vẽ chân dung treo trên hai bức tường đông tây. Trên bức tường bên tây treo bức vẽ chân dung hai cô nương. Cô nương thứ nhất hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, đang soi gương chải đầu. Cô nương thứ hai là a hoàn mười bốn mười lăm tuổi, tay bưng chậu rửa mặt, đứng hầu bên cạnh. Hiện lên trong gương là cô nương lớn tuổi hơn, với dung mạo cực đẹp, ánh mắt ẩn chứa sát khí. Dương Quá nhìn một chút, trong lòng bất giác nảy sinh sự kính phục.
Tiểu Long Nữ chỉ cô nương lớn tuổi, nói:
- Vị này là tổ sư bà bà, ngươi hãy khấu đầu.
Dương Quá lấy làm lạ, hỏi:
- Tổ sư bà bà sao lại trẻ như vậy?
Tiểu Long Nữ nói:
- Khi vẽ thì còn trẻ, về sau sẽ không trẻ nữa.
Dương Quá cứ vấn vương mãi với câu “Khi vẽ thì còn trẻ, về sau sẽ không trẻ nữa”, tự dưng thấy buồn, ngẩn ngơ nhìn bức chân dung, nước mắt bỗng ứa ra.
Tiểu Long Nữ không biết nó đang nghĩ gì, chỉ thiếu nữ trong vai a hoàn, nói:
- Đây là sư phụ của ta, ngươi hãy khấu đầu.
Dương Quá nghiêng đầu nhìn bức chân dung, thấy phong thái thiếu nữ ấy sinh động, vẻ mặt hết sức ngây thơ non nớt, thế mà về sau lại trở thành sư phụ của Tiểu Long Nữ, thì nó không dám đa tưởng nữa, vội quì xuống khấu đầu.
Tiểu Long Nữ đợi nó đứng dậy, mới chỉ bức chân dung treo trên bức tường bên đông, nói:
- Ngươi hãy nhổ nước bọt vào gã đạo sĩ đó.
Dương Quá nhìn, thấy bức chân dung vẽ một đạo sĩ thân hình cao lớn, lưng đeo trường kiếm, ngón trỏ tay phải chỉ về góc đông bắc, có điều là đạo sĩ quay lưng lại nên không thấy mặt. Dương Quá rất lạ, hỏi:
- Người này là ai? Sao lại phỉ nhổ y?
Tiểu Long Nữ nói:
- Đây là giáo chủ giáo phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, môn phái chúng ta có một qui củ, sau khi vái tổ sư bà bà, thì phải phỉ nhổ hắn.
Dương Quá cả mừng, nó vốn hết sức căm ghét phái Toàn Chân, nay bổn môn lại có qui củ như thế, bèn nhổ một bãi nước bọt thật to vào lưng Vương Trùng Dương trên bức vẽ, nhổ xong cho là chưa đủ, lại nhổ nữa, đang định nhổ lần thứ ba, thì Tiểu Long Nữ nói:
- Đủ rồi.
Dương Quá hỏi:
- Tổ sư bà bà của chúng ta hận Vương Trùng Dương lắm phải không?
Tiểu Long Nữ nói:
- Đúng vậy.
Dương Quá nói:
- Đệ tử cũng thế. Tại sao không hủy bức chân dung hắn đi, còn treo ở đây?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ta cũng không biết, chỉ nghe sư phụ và Tôn bà bà bảo rằng nam tử trong thiên hạ không có lấy một người tốt.
Đột nhiên nàng nghiêm giọng, nói:
- Sau này ngươi lớn lên, liệu hồn đừng có làm việc xấu, ta sẽ không tha cho đâu.
Dương Quá nói:
- Dĩ nhiên là cô cô sẽ tha cho đệ tử.
Tiểu Long Nữ định dọa nó để ngăn chặn, nào ngờ nó lại trả lời như vậy, cũng chưa biết bắt bẻ nó thế nào, bèn quát:
- Mau vái sư phụ.
Dương Quá nói:
- Sư phụ dĩ nhiên phải vái, song cô cô trước tiên phải đáp ứng đệ tử một việc đã, nếu không thì đệ tử sẽ không vái.
Tiểu Long Nữ nghĩ thầm: “Nghe Tôn bà bà bảo, xưa nay trước khi thu nhận đồ đệ , chỉ có sư phụ yêu cầu đệ tử đáp ứng điều này điều nọ, há có chuyện đệ tử đòi sư phụ đáp ứng?” Có điều là tính nàng trầm tĩnh, hoàn toàn không tức giận, nói:
- Điều gì, ngươi nói ta nghe coi.
Dương Quá nói:
- Đệ tử trong lòng coi cô cô như sư phụ, kính trọng cô cô, cô cô bảo gì đệ tử cũng vâng lời, nhưng ngoài miệng đệ tử sẽ không gọi sư phụ, chỉ gọi cô cô.
Tiểu Long Nữ hơi lạ, hỏi:
- Vì lẽ gì?
Dương Quá nói:
- Đệ tử đã trót bái lão xú đạo sĩ phái Toàn Chân làm sư phụ, lão ta đối với đệ tử không tốt, đệ tử nằm mơ cũng chửi sư phụ. Cho nên gọi là cô cô thì hơn, để khi đệ tử chửi sư phụ, không liên lụy gì tới cô cô.
Tiểu Long Nữ không cười nổi, cảm thấy cách nghĩ của thằng bé này kể cũng thú vị, bèn nói:
- Được, ta đáp ứng.
Dương Quá liền cung kính quì xuống, khấu đầu trước Tiểu Long Nữ đủ tám cái nói:
- Đệ tử Dương Quá hôm nay bái Tiểu Long Nữ cô cô làm sư phụ. Từ nay trở đi, Dương Quá vĩnh viễn vâng lời cô cô. Cô cô có gặp nguy hiểm, Dương Quá sẵn sàng xả mệnh bảo vệ cô cô; nếu có kẻ xấu bắt nạt cô cô, Dương Quá nhất định sẽ giết hắn.
Kỳ thực hiện tại Tiểu Long Nữ võ công cao hơn Dương Quá không biết bao nhiêu lần mà kể, nhưng Dương Quá thấy nàng yếu đuối tú nhã, bất giác nảy sinh khí khái nam tử hán che chở nữ nhi yếu đuối, càng nói càng hăng hái. Tiểu Long Nữ nghe giọng thành khẩn của nó, tuy còn đầy tính khí trẻ con, song nàng cũng không khỏi cảm động.
- Ngươi có gì mà cao hứng thế? Bản sự của ta không thắng nổi lão Khưu Xứ Cơ phái Toàn Chân, càng không thể sánh với Quách bá bá nhà ngươi.
Dương Quá nói:
- Họ có giỏi mấy, cũng chẳng can hệ gì tới đệ tử. Chỉ có cô cô chịu thật lòng dạy võ công cho đệ tử mà thôi.
Tiểu Long Nữ nói:
- Thực ra học võ cũng vô dụng. Chẳng qua ở đây không biết làm việc gì, thì ta dạy võ cho ngươi.
Dương Quá nói:
- Cô cô, môn phái của chúng ta tên là gì?
Tiểu Long Nữ nói:
- Từ khi Tổ sư bà bà nhập cư “Hoạt tử nhân mộ” đến nay, không hề giao thiệp với các nhân vật võ lâm, môn phái của chúng ta cũng chẳng mang tên gọi nào. Sau Lý sư tỷ ra ngoài hành tẩu giang hồ, người ta gọi nàng là đệ tử “phái Cổ Mộ”, vậy ta cứ gọi là “phái Cổ Mộ” thì được.
Dương Quá lắc đầu, nói:
- Ba chữ “phái Cổ Mộ” nghe không hay!
Nó vừa bái sư nhập môn, đã chỉ trích tên gọi của bổn môn, Tiểu Long Nữ cũng chẳng bực, nói:
- Tên gọi nghe hay hay dở thì đã sao? Ngươi chờ ta ở đây, ta đi đằng này một chút.
Dương Quá nghĩ một mình nó ở trong nhà mộ thì cả sợ vội nói:
- Đệ tử cùng đi với cô cô.
Tiểu Long Nữ trừng mắt nhìn nó, nói:
- Ngươi bảo sẽ vĩnh viễn vâng lời ta, vậy mà câu thứ nhất của ta, ngươi đã không nghe rồi.
Dương Quá nói:
- Đệ tử sợ.
Tiểu Long Nữ nói:
- Nam tử hán đại trượng phu, sợ cái gì? Thế mà còn đòi bênh ta đánh kẻ xấu cơ đấy?
Dương Quá nghĩ một chút, nói:
- Thôi được, cô cô đi mau về nhé.
Tiểu Long Nữ lạnh lùng nói:
- Chưa thể nói trước, còn xem có chóng bắt được nó không đã.
Dương Quá ngạc nhiên hỏi:
- Bắt cái gì vậy?
Tiểu Long Nữ không trả lời, bước ra.
Tiểu Long Nữ đi rồi, trong nhà mồ hoàn toàn vắng lặng. Dương Quá không biết nàng đi đâu, bắt kẻ nào, nghĩ nàng sẽ không rời núi Chung Nam, chắc là bắt đạo sĩ phái Toàn Chân, chỉ chưa rõ nàng bắt ai, bắt về tất nhiên để hành hạ kẻ đó một phen, thật là lý thú, nhưng nàng trơ trọi một mình, mong rằng sẽ không việc gì. Nó nghĩ lung tung một hồi, bước ra đại sảnh, theo hành lang đi về phía tây, đi chưa đến mười bước, trước mắt tối đen. Nó sợ lạc đường, bèn men theo tường đi ngược trở lại, không ngờ đi hai chục bước vẫn không thấy ánh đèn trong đại sảnh. Nó hốt hoảng bước nhanh hơn về phía trước. Đã lạc lối, còn hoảng loạn, sẽ càng lạc đi xa hơn. Nó đi vội, cứ vấp hết chỗ này chỗ kia, trong bóng tối chỉ thấy toàn là các ngã ba, không tài gì trở lại đại sảnh. Nó cất tiếng gọi to:
- Cô cô, cô cô, mau cứu đệ tử!
Chỉ có tiếng vọng lại âm vang trong nhà mồ.
Nó chạy loạn một hồi, chỉ thấy đất dưới chân lầy lội, hóa ra nó đã ra khơi khu vực nhà mồ, vào một đoạn địa đạo nào đó. Nó càng hoảng thêm, nghĩ thầm: “Ta lạc lối trong khu vực nhà mồ, cô cô còn dễ tìm được. Bây giờ ta lạc ra đây, cô cô tìm chán không thấy, ngỡ ta bỏ trốn, chắc sẽ buồn lắm”. Nó không dám đi tiếp, sờ soạng gặp một hòn đá, nó bèn ngồi xuống, định khóc to lên mà không khóc nổi.
Nó cứ ngồi thế hơn một canh giờ, bỗng nghe văng vẳng có tiếng gọi: “Quá nhi, Quá nhi!” Nó cả mừng, đứng bật dậy, kêu to:
- Cô cô, đệ tử ở đây!
Nhưng tiếng gọi “Quá nhi” nghe cứ xa dần. Dương Quá cuống quít, gào thật to:
- Đệ tử ở đây.
Dương Quá giật mình, nhưng lập tức mừng rơn, nói:
- Cô cô, cô cô đến mà sao đệ tử chả nghe thấy gì cả?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi mò tới đây làm gì?
Dương Quá nói:
- Đệ tử bị lạc lối.
Tiểu Long Nữ hừ một tiếng, cầm tay nó dắt đi, tuy trong bóng tối, song nàng đi như ngoài chỗ sáng, quẹo chỗ này rẽ chỗ kia, nhanh nhẹn lạ thường. Dương Quá hỏi:
- Cô cô, làm cách nào cô cô nhìn thấy vậy?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ta cả đời sống trong bóng tối, tự nhiên khỏi cần ánh sáng.
Chẳng mấy chốc Tiểu Long Nữ đã dắt nó về tới đại sảnh. Dương Quá thở dài nhẹ nhõm, nói:
- Cô cô, ban nãy đệ tử lo quá.
Tiểu Long Nữ hỏi:
- Lo cái gì? Đằng nào ta chẳng tìm thấy ngươi?
- Không phải Dương Quá lo chuyện ấy, mà là lo rằng cô cô tưởng đệ tử bỏ đi, sẽ buồn bã trong lòng.
Tiểu Long Nữ nói:
- Nếu ngươi bỏ đi, ta khỏi cần giữ đúng cam kết với Tôn bà bà, làm gì phải buồn bã trong lòng?
Dương Quá nghe, cảm thấy vô vị, hỏi:
- Cô cô, cô cô bắt được chưa?
Tiểu Long Nữ nói:
- Bắt được rồi.
Dương Quá nói:
- Cô cô bắt về làm gì?
Tiểu Long Nữ nói:
- Bắt về cho ngươi luyện tập võ công. Nào, đi theo ta!
Dương Quá nghĩ thầm: “Thì ra cô cô bắt gã đạo sĩ thối tha để cho ta đấm đá tùy thích, tốt nhất là bắt được sư phụ Triệu Chí Kính, sau khi bị cô cô chế phục, hắn chỉ việc để cho ta đấm đá thỏa thích, không được chống đỡ”, vừa khoái trá nghĩ thầm như thế, nó vừa đi theo sau.
Tiểu Long Nữ quẹo vài lần, đẩy một cánh cửa, bước vào một gian thạch thất có ánh đèn. Gian thạch thất này rất nhỏ, hai người đứng xoay chuyển hơi khó; trần lại thấp, Tiểu Long Nữ giơ tay lên gần chạm tới. Dương Quá không thấy đạo sĩ nào, ngạc nhiên hỏi:
- Gã đạo sĩ cô cô bắt về đâu rồi?
Tiểu Long Nữ hỏi:
- Đạo sĩ nào?
Dương Quá nói:
- Cô cô chẳng bảo cô cô đi bắt người về cho đệ tử luyện công đó sao?
Tiểu Long Nữ nói:
- Ai bảo là ta đi bắt người? Xem đây này.
Nàng cúi xuống một góc thạch thất, nhấc lên một cái túi vải, cởi nút buộc miệng túi, dốc nghiêng, từ trong túi bay ra ba con chim sẻ. Dương Quá kinh ngạc, nghĩ thầm: “Thì ra cô cô đi bắt chim sẻ”.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi hãy bắt cả ba con chim sẻ lại cho ta, không được làm rụng lông hoặc đau chân chúng.
Dương Quá vui vẻ nói:
- Được ngay!
Nó chộp bắt con chim, nhưng chim sẻ nhanh nhẹn dị thường, bay chỗ này chỗ nọ, Dương Quá thở hổn hển, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đừng nói là bắt, ngay chỉ chạm vào thân con chim cũng chưa chạm nổi.
Tiểu Long Nữ nói:
- Ngươi bắt thế sao được, để ta dạy cách cho.
Rồi nàng dạy nó cách với cao luồn thấp, cách chộp tóm. Dương Quá biết rằng nàng muốn thông qua việc bắt chim sẻ mà truyền thụ võ công, nên cố ghi nhớ quyết khiếu; có điều là hiểu và ghi nhớ thì dễ, nhưng nhất thời vận dụng thì chẳng dễ chút nào.
Tiểu Long Nữ để mặc nó một mình luyện tập trong gian thạch thất ấy.
Hôm ấy Dương Quá không bắt được một con chim sẻ nào; ăn tối xong, nó luyện công trên chiếc giường hàn ngọc. Ngày thứ hai bắt chim, lúc nhảy đã cao hơn vài tấc, xuất thủ cũng nhanh hơn một chút. Đến ngày thứ năm, cuối cùng nó bắt được một con chim sẻ. Nó mừng khôn xiết, vội chạy đi khoe với Tiểu Long Nữ. Không ngờ nàng lạnh lùng nói:
- Bắt được một con thì ra gì, phải tóm được cả ba con.
Dương Quá nghĩ thầm: “Đã bắt được một con, thì sẽ bắt được ba con thôi”. Đâu ngờ việc đó không dễ, hai hôm liền, nó vẫn không bắt được con nào.
Tiểu Long Nữ thấy ba con chim sẻ đã quá mệt và gầy, nàng cho chúng ăn tấm, rồi thả ra ngoài trời.
Nàng lại bắt ba con chim sẻ khác về cho Dương Quá luyện tập. Đến ngày thứ tám, Dương Quá mới bắt liền một mạch được ba con chim sẻ. Tiểu Long Nữ nói:
- Hôm nay cần sang cung Trùng Dương.
Dương Quá kinh ngạc, hỏi:
- Sang làm gì?
Tiểu Long Nữ không đáp, dẫn nó ra khỏi nhà mồ. Bảy ngày qua Dương Quá không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, vừa ra ngoài nó liền bị chói mắt cơ hồ không mở ra nổi.
Hai người tới trước cung Trùng Dương, Dương Quá hồi hộp, chốc chốc lại liếc trộm Tiểu Long Nữ, thấy nàng thần sắc thản nhiên, không thể đoán tâm ý của nàng thế nào, chỉ nghe nàng cao giọng gọi:
- Triệu Chí Kính, mau ra đây!
Hai người đến trước cửa cung, đã có người phi báo vào bên trong, tiếng gọi của Tiểu Long Nữ chưa dứt, hai tiểu đạo sĩ đã dìu Triệu Chí Kính đi ra, chỉ thấy Triệu Chí Kính hình dung tiều tụy, hai mắt lõm sâu, đã không thể tự đi đứng được nữa. Các đạo sĩ thấy hai người tới, đều đặt tay ở cán kiếm, hầm hầm nhìn họ.
hết: Hồi 5, xem tiếp: Hồi 6
Mục lục Thần điêu hiệp lữ
No comments:
Post a Comment