Hư Trúc không biết mình ở trong tình trạng này đã bao lâu, rồi đột nhiên toàn thân run bắn lên.
Hai luồng nhiệt khí hoà với chân khí trong bản thân, không có gì dẫn đạo chạy tứ tung khắp các huyệt đạo trong người rất mau.
Nguyên người Hư Trúc đã bị băng kết đóng lại thì chân khí trong người Ðồng Mỗ cùng Lý Thu Thủy đã trút vào rồi điều hoà với chân lực của Vô Nhai Tử truyền cho từ trước. Cả ba lực lượng hợp làm một. Những luồng lực đạo đầy rẫy không có gì chế ngự được, chạy đến đâu huyệt đạo nơi đó lập tức bị đả thông.
Hư Trúc cảm thấy tựa hồ mình được cởi trói mà chân khí chạy trong người như ngựa bất kham. Y khẽ rung hai tay một cái thì sức mạnh vô biên tiềm tàng trong người đẩy cho khối băng bọc lấy người vỡ tan rồi rớt xuống đất loảng xoảng.
Hư Trúc liền đứng lên và cảm thấy không khí trong hầm rất bức bối, thở hít khó khăn, thì tự hỏi:
- Không hiểu tính mạng sư bá và sư thúc ra sao? Âu là ta hãy cứu cả hai người ra ngoài rồi sẽ liệu.
Hư Trúc đưa tay ra sờ bỗng chạm vào hai khối băng rắn chắc, thì ra hai người đều bị khối băng đóng chặt.
Hư Trúc trong lòng kinh hãi vô cùng, không kịp suy nghĩ gì nữa liền mỗi tay ôm một khối, trong đó có người, nhấc bổng rồi đi lên tầng hầm thứ nhất.
Hư Trúc vừa mở được hai tầng cửa gỗ ra thì cảm thấy luồng không khí mới mẻ tràn vào mặt. Y hít một hơi dài cảm thấy sung sướng và thoải mái vô cùng.
Bên ngoài cửa, vừng trăng vằng vặc giữa trời, bóng hoa rợp đất.
Lúc đó đêm đã khuya rồi.
Hư Trúc mừng thầm nghĩ bụng:
- Nhân lúc đêm hôm, mình ra khỏi hoàng cung tương đối dễ dàng hơn.
Nghĩ vậy Hư Trúc liền ôm hai khối băng chạy thẳng ra phía chân tường. Y vừa đề khí nhảy vọt lên thì đột nhiên người từ từ lên cao hơn mặt tường chừng một trượng rồi cứ lơ lửng băng đi.
Hư Trúc không hiểu chân khí trong mình sao lại diệu dụng như vậy? Thân thể lên mỗi lúc một cao khiến y sợ quá, buột miệng la hoảng. Lúc y mở miệng, chân khí thoát ra nên mới hạ xuống được.
Bốn tên ngự tiền thị vệ nước Tây Hạ đang đi tuần tra trong vòng thành, chợt nghe có tiếng người la liền chạy lại xem thì thấy hai khối thủy tinh lớn ép vào một bóng sắc tro vượt tường mà ra. Chúng không hiểu là quái vật gì, sợ hãi quá miệng há hốc ra không ngậm lại được nữa. Chúng thấy ba quái vật thoáng cái đã bay vào trong rừng cây ngoài bức tường thành, liền la ó kêu người rượt theo, nhưng chẳng thấy tông tích đâu nữa.
Bốn gã kẻ nghi ngờ là thần thánh, kẻ lại cho là ma quỷ hiện hình rồi cãi cọ nhau hoài. Có gã lại tưởng là Sơn Tinh, một gã lại bảo đó là hoa trong vườn thượng uyển thành yêu.
Hư Trúc ra khỏi vòng thành, hạ mình xuống được rồi đi bộ. Dưới chân y toàn là đá xanh, hai bên đường nhà ở chi chít.
Hư Trúc thấy vậy không dám dừng bước cứ cắm đầu chạy về phía Tây.
Hư Trúc đi được một lúc lại đến chân tường thành, liền đề khí nhảy lên mặt thành. Y vượt qua tường thành rồi, bọn lính canh võ nghệ tầm thường, vừa thấy mắt đã hoa lên không nhìn rõ là vật gì, cứ để mặc cho y đi.
Hư Trúc lại chạy hơn mười dặm nữa thì đến một nơi hoang dã không có nhà cửa chi hết mới dám dừng chân lại đặt hai khối băng xuống, lẩm bẩm:
- Bây giờ điều cần nhất là mình phải lấy hai người ra khỏi khối băng này đã.
Hư Trúc tìm đến một khe suối, đem hai khối băng ngâm xuống nước...
Bỗng thấy miệng và mũi Ðồng Mỗ đã hở ra ngoài khối băng, song hai mắt còn nhắm nghiền lại.
Hư Trúc không hiểu bà ta còn sống hay chết.
Hai khối băng vỡ dần ra từng miếng rớt xuống nước trôi đi.
Hư Trúc lại đập bể hết những miếng băng cứng bò xung quanh Ðồng Mỗ và Lý Thu Thủy rồi cắp hai người lên.
Hư Trúc sờ trán hai người vẫn còn thấy hơi nóng, liền đem để mỗi người ra một nơi xa nhau, vì sợ khi hồi tỉnh, hai bà lại động thủ nữa.
Hư Trúc gỡ được hai người ra khỏi khối băng thì trời vừa sáng.
Phương Ðông mặt trời đã mọc, trên cây chim tước véo von.
Bỗng nghe dưới gốc cây mé Bắc, Ðồng Mỗ ồ lên một tiếng, gốc cây phía Nam Lý Thu Thủy cũng la lên. Cả hai người đều đã hồi tỉnh.
Hư Trúc cả mừng nhảy đến đứng ngăn vào khoảng giữa hai người chắp tay thi lễ nói:
- Sư bá! Sư thúc! Cả ba chúng ta may ra thoát chết. Cuộc tranh đấu vừa rồi xin ngưng đi thôi, đừng tái diễn nữa.
Ðồng Mỗ nói:
- Không được! Con tiện nhân kia chưa chết, khi nào ta lại chịu thôi?
Lý Thu Thủy cũng nói:
- Thù sâu tựa bể, chưa chết quyết chẳng chịu thôi.
Hư Trúc nghe giọng nói hai người đầy vẻ oán hờn, bất giác cả kinh thất sắc, hai tay xua loạn lên nói:
- Nếu hai vị đánh nhau đến chết thì vãn bối...
Bỗng thấy Lý Thu Thủy chống tay xuống đất muốn nhảy xổ lại Ðồng Mỗ.
Ðồng Mỗ cũng vung tay lên chuẩn bị nghinh địch.
Ngờ đâu Lý Thu Thủy vừa đứng ngay người, bỗng la lên một tiếng:
- Úi chao!
Rồi người lại nhũn ra té nhào xuống đất.
Ðồng Mỗ vung hai tay lên muốn khoanh tròn một cái cũng không được, lại tựa gốc cây thở hồng hộc, gương mặt già nua nhăn nheo ra chiều khổ sở.
Nên biết hai người tuy có thần công tuyệt thế, nhưng vừa qua một trường ác đấu, bao nhiêu chân khí đã trút vào người Hư Trúc gần hết. Phần dư lại chỉ còn đủ để kéo dài chút hơi tàn mà thôi.
Lúc này hai người tuy hầm hè muốn đánh nhau, nhưng đã kiệt lực mất rồi.
Ðồng Mỗ năm nay chín mươi sáu tuổi, Lý Thu Thủy cũng ngoài tám chục. Cả hai người cùng bị trọng thương mà kiệt lực thì chẳng khác gì ngọn đèn đã đến lúc khô dầu sắp tắt tới nơi.
Hư Trúc thấy hai người không còn sức để đánh nhau thì trong bụng mừng thầm nói:
- Như thế càng hay. Hai vị hãy ngồi nghỉ một lúc để vãn bối đi kiếm thực vật đem về cho hai vị ăn.
Bỗng thấy Ðồng Mỗ cùng Lý Thu Thủy đều ngồi xếp bằng, lòng bàn chân và lòng bàn tay hướng lên trời cùng theo một kiểu, Hư Trúc biết hai vị sư tỷ sư muội đồng môn đang đem toàn lực vận công. Người nào ngưng tụ được ít khí lực phát chiêu ra đánh trước là đối thủ không sao chống nổi.
Hư Trúc thấy thế lại không dám bỏ đi, vì sợ lúc mình trở về thì trong hai người e rằng chỉ còn có một, một ắt đã thành xác chết nằm lăn ra đó. Y đưa mắt nhìn Ðồng Mỗ rồi lại nhìn Lý Thu Thủy thì thấy cả hai người nét mặt nhăn nheo, hình dung tiều tuỵ.
Y nghĩ bụng:
- Cả hai người đã già đến thế rồi mà sao họ còn nóng nẩy như vậy?
Lúc này mặt trời đã chiếu ra những tia sáng ấm áp.
Hư Trúc rũ quần áo một cái thì một vật rớt xuống đất đánh bạch một tiếng. Ðó là bức đồ hình mà Vô Nhai Tử đã trao cho y. Bức hoạ này bằng lụa, ngâm nước lâu như vậy nhưng vẫn chưa bị rách nát, song nét vẽ đã nhoè cả trông không rõ mấy, Hư Trúc liền đem trải ra phơi trên một hòn đá.
Lý Thu Thủy nghe tiếng hoạ đồ rớt, mở hé mắt ra, thấy là một bức hoạ thì thét lên:
- Ðem lại cho ta coi! Ta không tin rằng sư huynh lại vẽ chân dung con tiện tỳ kia.
Ðồng Mỗ cũng la lớn:
- Ðừng cho hắn coi! Ðể ta làm thịt hắn. Nếu hắn xem rồi bực tức uất khí lên mà chết, chẳng hoá ra làm phước cho hắn ư?
Lý Thu Thủy cười ha hả nói:
- Ta không xem nữa đâu! Mi tưởng ta xem bức hoạ lại lòi ra người ở trong tranh không phải là mi. Nét bút tuyệt diệu của sư ca không thể nào lại dùng để vẽ một con lùn, người chẳng ra người, quỷ chẳng ra quỷ? Sư huynh đã không vẽ bùa trừ quỷ thì vẽ chân tướng mi làm chi?
Việc thương tâm nhất trong đời Ðồng Mỗ là bà luyện công không cẩn thận để thành người lùn tịt, vĩnh viễn không cao lớn lên được. Việc này cũng do bàn tay Lý Thu Thủy gây ra. Khi xưa Ðồng Mỗ đang lúc luyện công sắp thành, Lý Thu Thủy la lên một tiếng khiến bà bị phân tâm mà thành bại liệt vì chân khí chạy ngược đường, không thể nào phục nguyên được nữa. Lúc này Lý Thu Thủy lại nhắc tới vết thương lòng của bà để mỉa mai chế giễu. Bất giác khí tức đầy ruột, bà la lên:
- Con tiện nhân kia! Ta... ta...
Lý Thu Thủy lạnh lùng hỏi:
- Mi làm sao?
Ðồng Mỗ đáp:
- Vận mi còn đỏ nên tìm đến nơi trước khi ta luyện xong môn thần công Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn, giả tỷ mà mi tới chậm một ngày, chỉ một ngày thôi... thì mi... đã... ở trong tay ta rồi.
Lý Thu Thủy hỏi:
- Mi luyện thần công của mi, dễ thường mấy chục năm nay ta ngồi không chăng? Ta nói cho mi hay: Ba trăm sáu mươi tấm gương đồng khắc cả pho Thiên giám thần công ta đã luyện được hết rồi. Dù mi có luyện được công phu ma quỷ gì thì môn Thiên giám thần công của ta chẳng lẽ không địch nổi hay sao?
Ðồng Mỗ sửng sốt hỏi:
- Thiên giám thần công ư? Mi muốn nói chăng nói cuội thế nào thì nói, chứ ta cũng không tin.
Lý Thu Thủy hắng giọng nói:
- Mi tin hay không ta cũng chả cần chi! Có điều đáng tiếc... là ta trúng phải gian kế của mi, nếu không thì cho mi coi môn Thiên giám thần công của ta lợi hại thế nào để mi được mở rộng thêm tầm kiến thức.
Ðồng Mỗ nói:
- Dù cho mi có nghiên cứu được những yếu quyết về Thiên giám thần công cũng chẳng chịu nổi một đòn Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn đâu. Ta hẵng nói một chiêu Niêm hoa vi tiếu là mi cũng không tài nào hoá giải được rồi.
Lý Thu Thủy hỏi:
- Ai thèm biết cái chiêu Niêm hoa vi tiếu quỷ quái gì đó! Những kẻ mặt mũi xấu xa hay có những hành động quái gở.
Ðồng Mỗ cả giận, cố gượng đứng lên ra chiêu Niêm hoa vi tiếu, nhưng không tài nào đứng dậy được.
Bà không biết làm thế nào đành quay lại bảo Hư Trúc:
- Ngươi lại đây!
Hư Trúc lại gần hỏi:
- Sư bá có điều chi dạy bảo?
Ðồng Mỗ đáp:
- Ta đem chiêu thức này dạy cho ngươi để đánh con tiện nhân kia thử xem nó có chống nổi không?
Hư Trúc lắc đầu đáp:
- Ðiệt nhi không thể đứng về phe nào được và cũng không dám đánh sư thúc.
Ðồng Mỗ tức giận nói:
- Ðược rồi! Không phải ngươi đánh hắn thật đâu mà chỉ phô diễn chiêu thức cho hắn coi thôi.
Hư Trúc thấy hai người lâm vào cục diện vung kiếm giương cung, chỉ còn chờ có chút khí lực là lại nhảy xổ vào giao đấu. Lần này mà hai vị còn đánh nhau thì tất phải đến kẻ sống người chết. Nhưng y nhớ là nói chỉ phô diễn chiêu thức cho Lý Thu Thủy xem thì xét ra cũng chẳng tổn hại gì, liền nói:
- Thế thì được, xin sư bá chỉ giáo cho.
Ðồng Mỗ nói:
- Ngươi ghé tai lại đây, đừng để con tiện nhân nghe rõ yếu quyết.
Lý Thu Thủy bĩu môi nói:
- Cái nghề mọn của mi phỏng có chi đáng kể mà bảo ta thèm khát.
Hư Trúc đưa mắt nhìn Lý Thu Thủy ra chiều áy náy rồi ghé tai vào bên miệng Ðồng Mỗ.
Ðồng Mỗ giải thích cho Hư Trúc nghe về chiêu Niêm hoa vi tiếu, dạy y cách vận khí thế nào, phát chiêu ra sao?
Ba tháng vừa qua, Hư Trúc đã được Ðồng Mỗ chỉ giáo rất nhiều. Nào bay nhảy trên cây, nào ném trái tùng, nào điểm huyệt. Cả đến những công phu về Thiên Sơn chiết mai thủ, Thiên Sơn lục dương chưởng cũng đều học qua.
Hư Trúc vốn đã có một căn bản vững chắc về võ học, nên chiêu Niêm hoa vi tiếu bà ta vừa nói ra là y đã hiểu ngay, chỉ cần hỏi lại những chỗ nghi ngờ.
Hư Trúc thuộc lòng rồi chạy lại trước mặt Lý Thu Thủy nói:
- Sư thúc! Sư bá sai tiểu điệt biểu diễn một chiêu thức xin sư thúc chỉ điểm cho.
Lý Thu Thủy hơi biến sắc mặt. Mụ nghĩ thầm:
- Gã tiểu hoà thượng này ở chung với con lùn, dĩ nhiên gã là tâm phúc của hắn. Huống chi hắn lại có nhẫn chưởng môn để ra hiệu lệnh thì dĩ nhiên gã phải tuân theo. Bữa nay đại nạn mình đã đến nơi nên gặp phải thằng lỏi này sắp hạ độc thủ đánh mình.
Lý Thu Thủy còn đang ngẫm nghĩ thì Hư Trúc đã giơ tay trái lên. Ngón tay cái và ngón trỏ chĩa ra như thể nhón cành hoa. Mặt lộ vẻ ôn hoà vui tươi. Tay phải từ từ giơ lên, hai ngón tay búng nhẹ một cái như búng hạt sương trên đoá hoa. Bỗng nghe đánh véo một tiếng, cây tùng cách đó chừng hơn trượng hiện ra một lỗ nhỏ.
Lý Thu Thủy kinh hãi lẩm bẩm:
- Thực là một luồng chỉ lực ghê gớm!
Ðồng Mỗ cất tiếng mắng:
- Ðồ ngu! Sao chiêu thức của ngươi lại phát ra tiếng động? Thế là vận nội lực chưa được thuần thục, ngươi có biết không?
Hư Trúc đáp:
- Vâng!
Rồi nhà sư lại thử một lần nữa. Lần này thủ pháp vi diệu hơn. Cây tùng cũng hiện ra một lỗ thủng nhưng thanh âm phát ra nhỏ hơn nhiều, cơ hồ nghe không rõ.
Ðồng Mỗ hắng giọng nói:
- Cũng còn phát ra âm thanh, nhưng cách vận công như thế là tạm được. Con tiện nhân kia! Nếu ta ra chiêu thức này thì tuyệt không một tiếng động, liệu mi có chống nổi không?
Lý Thu Thủy thấy hai lần Hư Trúc đều búng về phía cây tùng mới biết gã không có ý gia hại mình, thì đã hơi yên lòng. Mụ cùng Ðồng Mỗ đã từng tranh đấu, khi nào lại chịu thua kém đối phương dễ dàng như vậy.
Mụ liền cất tiếng hỏi:
- Hiền điệt! Tôn tính đại danh là gì? Ta chưa thỉnh giáo?
Hư Trúc thấy Lý Thu Thủy nói năng ôn hoà khiêm nhượng và giữ lễ nên vội đáp:
- Tiểu điệt không dám. Tiểu điệt nguyên là người đã xuất gia tại chùa Thiếu Lâm, pháp danh Hư Trúc. Tiểu điệt hận mình bất tiếu, phạm vào giới luật tu hành, không làm hoà thượng được nữa. Tiểu điệt từ thủa nhỏ đã không cha không mẹ, nên không biết tục danh là gì.
Hư Trúc nói xong lộ vẻ buồn rầu.
Lý Thu Thủy gật đầu nói:
- Hiền điệt! Cái đó ngươi bất tất phải lấy làm buồn phiền. Thiền gia đã nói: "Tâm tức là Phật". Làm hoà thượng hay không cũng chẳng có gì đáng phân biệt cho lắm, chỉ cần làm nhiều điều lành. Những người cư sĩ phàm tục vẫn có thể tu thành chính quả. Ngươi đã gia nhập bản môn, đạo hiệu sư phụ ngươi là Vô Nhai Tử, vậy thì ngươi là Hư Trúc Tử rồi.
Hư Trúc không làm được hoà thượng, tăng chẳng ra tăng, tục chẳng ra tục nên lúc nào cũng băn khoăn. Bây giờ nghe Lý Thu Thủy mở đường cho như vậy, y trở nên người có lối thoát, bất giác cả mừng, chắp tay nói:
- Ða tạ sư thúc! Ða tạ sư thúc! Tiểu điệt cảm kích vô cùng!
Lý Thu Thủy là hoàng thái phi nước Tây Hạ, võ công đã cao thâm, địa vị lại tôn quý, vẫn coi người bằng nửa con mắt. Hơn nữa, trước nay mụ là người lạnh lẽo lại hay nghi kỵ, chẳng thân mật với ai. Bây giờ mụ sở dĩ ra chiều lịch sự với Hư Trúc chỉ vì võ công đã mất hết, lòng vẫn nơm nớp lo sợ Hư Trúc nhân lúc mình gặp cảnh hiểm nghèo mà hạ độc thủ nên dùng lời ngon ngọt để lung lạc y. Mụ thấy Hư Trúc lộ vẻ vui mừng một cách thành thực liền nói:
- Hiền điệt! Ngươi là người rất tốt. Ta vừa thấy đã ưng ngay, chắc là ngươi sẽ được việc cho ta.
Ðồng Mỗ tức giận nói:
- Thúi lắm! Tiểu hoà thượng kia! Ngươi đừng nghe con tiện nhân nói ngon ngọt. Trước nay hắn chỉ ưa những chàng trai xinh đẹp, còn bộ mặt ngươi hắn vừa nhìn thấy đã buồn nôn. Câu hắn nói: "Ta vừa nhìn thấy đã ưng ngay" chỉ là câu lừa dối. Con tiện nhân kia! Nếu mi không chống nổi mỗi một chiêu Niêm hoa vi tiếu này thì chịu thua đi, sao còn phỉnh phờ gã tiểu hoà thượng làm chi?
Tính Ðồng Mỗ vốn nóng như lửa. Tuy bà bị trọng thương, nhưng vẫn không giảm bớt tính cáu kỉnh.
Lý Thu Thủy cười nhạt nói:
- Chiêu Niêm hoa vi tiếu mang cái tên quả đã không lầm. Ta vừa nghe cái tên hay hay tưởng có gì đặc biệt, ngờ đâu lại tầm thường đến thế? Há chẳng khiến cho người ta cười vỡ ruột. Ta chỉ cần thi triển môn Lăng Ba Vi Bộ trong Thiên giám thần công là tránh được chiêu thức của mi dễ như trở bàn tay.
Ðồng Mỗ sửng sốt hỏi:
- Mi biết phép Lăng Ba Vi Bộ ư? Ha ha! Mi chỉ chuyên nói khoác, ai mà tin được?
Lý Thu Thủy nhìn Hư Trúc nói:
- Hiền điệt! Phép Lăng Ba Vi Bộ của ta thật là một bộ pháp trên đời có một. Nếu ngươi học được bộ pháp này rồi thì bất luận gặp phải hạng cường địch nào cũng dễ dàng.
Hư Trúc cả mừng nói:
- Thế thì hay quá! Tiểu điệt bình sinh rất sợ phải giết người mà chỉ mong trốn lánh đối phương không muốn động thủ với ai. Nếu học được một bộ pháp tránh địch còn gì hay hơn nữa?
Lý Thu Thủy tủm tỉm cười nói:
- Hiền điệt tâm địa rất tốt. Sau này nhất định sẽ trở nên một vị đại anh hùng trong thiên hạ.
Hư Trúc nghe mụ tán dương mình thì không khỏi thẹn đỏ mặt lên.
Ðồng Mỗ mắng liền:
- Con đĩ ngựa kia! Thật là mặt dầy! Mi còn bản lãnh gì khác nữa không?
Lý Thu Thủy không thèm trả lời Ðồng Mỗ, lại bảo Hư Trúc:
- Môn Lăng Ba Vi Bộ là do sáu mươi tư quẻ trong kinh Dịch biến hoá ra. Ngươi đã học kinh Dịch chưa?
Kinh Dịch không những là sách vở căn bản của Nho gia, mà Ðạo gia học cũng nhiều, chỉ có Phật gia là không học.
Hư Trúc lắc đầu nói:
- Không có!
Lý Thu Thủy nói:
- Cái đó không cần. Ngày sau ta sẽ từ từ dạy ngươi. Ta hãy dạy ngươi một bước tức là bộ pháp từ cung Ðồng Nhân đến cung Quy Muội.
Nói rồi mụ rút cành châu thoa trên đầu từ từ vạch xuống đất một bản đồ, dạy Hư Trúc bước theo bản đồ. Tuy nói là một bước nhưng thân hình uốn éo, cước bộ tựa hồ lùi lại phía sau mà lại bước rướn về phía trước rất là phiền phức.
Ðồng Mỗ ngồi đằng xa trông thấy không khỏi nao núng trong lòng, nghĩ thầm:
- Quả nhiên bộ pháp Lăng Ba Vi Bộ đã bị con tiện nhân nghiên cứu ra rồi!
Bà là người rất nóng tính vội la lên:
- Ðúng rồi! Dù cho bộ pháp của mi có đúng phép mà tránh được chiêu Niêm hoa vi tiếu của ta nhưng sang tới chiêu thứ hai là chiêu Tam long tứ tượng uy mãnh vô cùng, trong chưởng lực lại có cả chỉ lực Kim Cương thần chỉ thì tránh thế nào được. Tiểu hoà thượng! Ngươi mau qua bên này để ta dạy ngươi chiêu Tam long tứ tượng.
Lý Thu Thủy mỉm cười nói:
- Hiền điệt! Sư bá kêu ngươi đó, ngươi sang mà học đi. Ngươi học được nhiều võ công là hay cho ngươi đấy.
Hư Trúc lại chạy tới trước mặt Ðồng Mỗ học chiêu Tam long tứ tượng.
Chiêu thức này quả nhiên cương mãnh phi thường. Mười ngón tay phóng ra cùng một lúc. Cây tùng bị mười chỉ lực đâm thủng mười lỗ. Tiếp theo song chưởng đánh tới. Một tiếng chát vang lên khiến cho cây tùng gẫy ngay khúc giữa.
Hư Trúc không ngờ chiêu thức này lại lợi hại đến thế nên không khỏi kinh hãi.
Lý Thu Thủy nói:
- Chiêu thức đó gồm cả chưởng lực lẫn chỉ lực thật là bá đạo và một khi đã phóng ra không còn đất thu về và phải đánh chết địch nhân, muốn tha cũng không được.
Hư Trúc gật đầu nói:
- Phải rồi! Tiểu điệt cũng cảm thấy chiêu này tàn nhẫn quá.
Ðồng Mỗ cả giận quát lên:
- Gã thầy chùa thối tha kia! Ngươi lớn mật dám phụ hoạ với con tiện nhân dèm pha chiêu thức của ta không ra gì.
Hư Trúc cãi:
- Tiểu điệt chỉ nói chiêu đó hơi ác quá mà thôi.
Ðồng Mỗ nói:
- Ðối với hạng người tàn ác thì thi triển chiêu thức hung hiểm chừng nào hay chừng ấy để giết cho kỳ hết mới phải, còn nhân nhượng làm gì?
Lý Thu Thủy nói:
- Hiền điệt! Nếu sư tỷ ta ra chiêu ác hại ấy thì chưởng phong và chỉ lực bao trùm trong một phạm vi mười trượng vuông. Tuy phép Lăng Ba Vi Bộ có thể tránh được nhưng mình bị kém thế. Nếu y ra liền mười mấy chiêu thì không có cách nào trở tay kịp.
Ðồng Mỗ ra chiều đắc ý nói:
- Mi biết vậy là khá đấy!
Lý Thu Thủy nói:
- Cách chống cự tốt nhất là theo chiều chưởng lực chỉ lực của đối phương tung mình lùi lại để chờ cho lực đạo đối phương vào lúc sắp hết thì đột nhiên phản kích bất ngờ.
Mụ nói thế rồi truyền chiêu thức cho Hư Trúc.
Ðồng Mỗ chờ cho Hư Trúc trình diễn xong, bà không nhịn được phải cất tiếng khen:
- Mi nghĩ ra được chiêu này có thể nói là một kiệt tác trong võ học từ xưa đến nay.
Lý Thu Thủy nói:
- Không dám! Ða tạ tỷ tỷ quá khen! Gặp tỷ tỷ ra tay chỉ giáo, tiểu muội tất nhiên phải dùng toàn lực để đối phó.
Ðồng Mỗ quát hỏi:
- Mi đắc sách cái gì? Sau chiêu đó ta còn có chiêu khác liệu mi có hoá giải được không? Tiểu hoà thượng! Mau lại đây ta dạy cho rồi biểu diễn để hắn coi.
Thế rồi sư tỷ sư Muội hai người tiếp tục đem những chiêu tuyệt học của mình để dạy cho Hư Trúc với mục đích để khuất phục đối phương.
Hai người tuy là bạn đồng môn học nghề một cửa, nhưng về sau đều có những phen kỳ ngộ và đều trở nên những tay bản lĩnh phi thường.
Thiên Sơn Ðồng Mỗ tuy luyện môn Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn còn thiếu một ngày, nhưng mọi thứ công phu đều đã thuộc lòng. Còn Lý Thu Thủy đã thành tựu môn Thiên giám thần công, một võ học tối thượng của phái Tiêu Dao. Tóm lại cả hai người đều đã có những môn tuyệt nghệ, xứng đáng là tôn sư một đời nên chẳng ai chịu thua ai. Bất luận về võ công hay về cơ trí, về kinh nghiệm hay về nội lực đều khó lòng phân cao thấp được.
Lúc này chỉ thi đua chiêu số cũng không có cách nào phân thắng phụ.
Hư Trúc được hai người truyền thụ các chiêu thức càng về sau càng khó. May mà y đã được nội lực của ba tay đại cao thủ phái Tiêu Dao trút vào mình. Khí lực đã dồi dào, cơ trí càng mau lẹ, nên dù chiêu thức kỳ diệu cổ quái đến đâu, Hư Trúc cũng học được rồi phô diễn lại đúng ngay không có chỗ nào sai trật hoặc thiếu sót.
Ðồng Mỗ và Lý Thu Thủy vô cùng hiếu thắng, Hư Trúc thì mải chú ý học các chiêu thức không còn để tâm gì đến việc ngoài, quên cả đói khát. Y học các chiêu thế cho đến lúc trời tối thì thành thuộc lắm rồi, có thể phô diễn một cách tuyệt diệu, khiến người bên cạnh cũng không nghe rõ.
Hư Trúc cầm đá liệng lên trời đánh mười mấy con chim sẻ rớt xuống, nhổ lông đem ra khe suối rửa sạch rồi nướng cho ba người cùng ăn một bữa. Ðoạn y lại lấy hai tay vốc nước suối về cho Ðồng Mỗ cùng Lý Thu Thủy uống.
Từ lúc Hư Trúc hoà thượng biến thành Hư Trúc Tử thì y không kiêng ăn mặn nữa và dĩ nhiên không giữ sát giới.
Sáng sớm hôm sau Hư Trúc còn đang ngủ, Ðồng Mỗ đã gọi dậy và bảo rằng còn một chiêu tuyệt kỹ bà dạy nốt cho y để sang so sánh với Lý Thu Thủy.
Ðến khi Hư Trúc học được rồi đem ra phô diễn, Lý Thu Thủy ứng đối bằng ba chiêu gồm cả công thủ thật là kỳ diệu.
Tình trạng này kéo dài hết ngày này qua ngày khác, chẳng bao lâu đã hơn hai chục ngày. Thương thế Ðồng Mỗ và Lý Thu Thủy khó mà chữa khỏi được. Huống chi hằng ngày hai người lại mang hết tàn lực ra tranh đấu. Dù hai người không đích thân ra tay, nhưng hao tổn tinh thần không phải ít. Thần sắc hai người mỗi ngày một thêm tiều tuỵ. Hai người cũng biết rằng thương thế của mình đã quá trầm trọng khó nỗi vãn hồi nên ai cũng muốn được mắt thấy kẻ thù chết trước cho hả giận.
Chỗ hai người tranh đấu cách thành Linh Châu nước Tây Hạ không xa mấy, nhưng ở trong hẻm núi hẹp hòi, vắng vẻ, nên những tay cao thủ trong Nhất phẩm đường nước Tây Hạ chưa phát giác ra.
Ðồng Mỗ cùng Lý Thu Thủy lại đấu thêm mấy ngày. Những chiêu thức về sau lại càng phức tạp, mới mẻ và vi diệu hơn, nên hai người phải lao tâm khổ trí mới nghĩ cách ra chiêu được.
Hư Trúc tự hỏi:
- Cuộc tỷ đấu cứ liên miên mãi thế này bao giờ cho xong? Âu ta đành đắc tội với sư bá sư thúc, cưỡng bách hai vị rời nhau. Ta hãy cõng Lý sư thúc chạy đi xa để mỗi người một nơi không còn ai thấy mặt nhau và không nghe tiếng nhau để mà tranh hơn nữa. Rồi ta quay về cõng sư bá đi nơi khác thế là xong. Dù hai vị có thoá mạ ta cũng đành chịu.
Nhưng lúc này Hư Trúc đang học đến những chiêu số cực kỳ vi diệu. Y cũng cảm thấy cực kỳ hứng thú trong việc được thấm nhuần những môn võ học cao thâm nên bị lôi cuốn không tự chủ làm theo ý riêng được nữa. Tỷ dụ Ðồng Mỗ vừa ra một chiêu thì Hư Trúc muốn coi Lý Thu Thủy sẽ dùng chiêu thức nào để đối phó và ngược lại, với cao chiêu của Lý Thu Thủy tấn công, Hư Trúc lại mong muốn được xem cách phản kích của Ðồng Mỗ.
Thế rồi Hư Trúc cứ lần lựa đình hoãn việc chia cách hai người, kéo dài tình trạng hết ngày này qua ngày khác.
Một hôm sau giờ, Ðồng Mỗ ra một chiêu, mới giải thích chưa được phân nửa thì vận khí không lên được nữa cơ hồ ngất đi.
Lý Thu Thủy cười lạt mỉa mai nói:
- Mi đã nhận thua chưa? Nếu lúc ra tay tỷ đấu thực sự... đâu có... đâu có...
Mụ nói liền ba tiếng đâu có rồi ho lên sù sụ không nói tiếp được.
Giữa lúc ấy về góc Tây Nam đột nhiên có tiếng leng keng vọng lại tựa hồ như tiếng nhạc ngựa.
Ðồng Mỗ vừa nghe thấy đột nhiên tinh thần phấn khởi móc trong bọc ra một ống ngắn sắc đen nói:
- Ngươi cầm cái ống này tung lên trên không.
Lý Thu Thủy mỗi lúc một ho kịch liệt hơn. Mụ biết rằng Ðồng Mỗ đã có viện binh đến thì tánh mạng mụ khó mà thoát được, nên lại dùng nguỵ kế của Ðồng Mỗ là giả chết.
Hư Trúc chẳng hiểu ra sao, cầm lấy cái ống nhỏ sắt đen đặt vào ngón tay giữa rồi hất lên trên không.
Bỗng nghe thấy một hồi còi lanh lảnh từ trong ống phát ra. Lúc này chỉ lực của Hư Trúc đã đến mực phi thường. Cái ống nhỏ bay vút thẳng lên trời lẫn vào đám mây rồi nổi lên những tiếng vi vu không ngớt.
Hư Trúc trong lòng kinh hãi nói:
- Nguy rồi! Cái ống sáo nhỏ này là tín hiệu của sư bá, chắc bà kêu người đến để đối phó với Lý sư thúc đây.
Nói rồi y chạy lại trước mặt Lý Thu Thủy phục xuống khẽ nói:
- Sư thúc! Sư bá đã có những người tiếp viện đến nơi. Tiểu điệt cõng sư thúc trốn chạy thôi.
Nhưng Lý Thu Thủy nhắm mắt cúi đầu không ho nữa mà cũng không nhúc nhích.
Hư Trúc cả kinh, đưa tay ra sờ mũi không thấy thở nữa thì kinh hãi la gọi:
- Sư thúc! Sư thúc!
Nhà sư vừa gọi vừa lay vai Lý Thu Thủy tưởng đánh thức cho mụ tỉnh dậy.
No comments:
Post a Comment