Saturday, September 20, 2014

Bạch Tự Tại: Căn bệnh vĩ cuồng

Huỳnh Ngọc Chiến

Hữu dư, bất cảm tận
(Còn những điều khác, ta không dám nói cho hết được)


(Khổng Tử)

Tôi nhớ mang mang có một nhà văn viết rằng giá trị của con người giống như một phân số, trong đó tử số mới là giá trị thực của mình, còn mẫu số chỉ là giá trị do mình tưởng tượng ra. Sự so sánh đó quả cực kỳ tinh tế và minh triết. Kiến thức sơ đẳng về phân số cho ta biết khi mẫu số càng lớn thì giá trị phân số càng bé lại, và nếu mẫu số tiến đến vô cực thì giá trị phân số tiến về không. 

Cho nên những “thiên tài trong hoang tưởng” vẫn luôn tiệm cận với những thằng Bờm! Mẫu số chỉ là một giá trị ảo, như bọt bong bóng phù hoa, nhưng phần đông con người, nhất là những kẻ gặp may mắn thành công quá dễ dàng trong đời, như kiểu Xuân tóc đỏ, luôn bám chặt vào giá trị của mẫu số để sống. Chính vì thế mà những con người đó thường đâm ra hoang tưởng về bản thân, nghĩ rằng mình là “thiên tài vĩ đại”. Căn bệnh vĩ cuồng quái ác đó vẫn mãi mãi tàn phá tâm thức con người chừng nào họ chưa gặp cơ duyên ứng hợp để nhận chân ra đâu là cái thực của mình. Chỉ khi hiểu được rằng giá trị thực của mẫu số vốn rất nhỏ, thì chỉ lúc đó họ mới bắt đầu lớn!

Trong đoạn mở đầu chương Thu thủy trong Nam hoa kinh, Trang Tử đã nêu một ẩn dụ đầy ấn tượng:
“Nước thu khi mùa đến, trăm lạch đổ ra sông, dòng lớn mênh mông, hai bên bờ nước hông phân biệt được trâu với ngựa. Lúc bấy giờ, Hà Bà (thần sông) hớn hở mừng thầm, cho rằng cái đẹp trong thiên hạ ở cả nơi mình. Thuận theo dòng chảy về đông, đến biển bắc, quay mặt về đông mà nhìn, không thấy đâu là đầu nước. Lúc bấy giờ, Hà Bá mới quay mặt mày (diện mục) về thần biển bắc là Nhược mà than rằng:

Lời quê có nói : “Nghe đạo mới được một trăm đã cho rằng không ai bằng mình”, tôi là loại người ấy. Vả lại tôi thường nghe có người chê sự hiểu biết của Trọng Ni là nhỏ, mà xem khinh cái nghĩa của Bá Di, thoạt đầu tôi không tin. Nay tôi thấy được vẻ không cùng của nhà thầy, tôi mà không đến được cửa nhà thầy, ắt nguy mất. Tôi sẽ bị các nhà đại phương cười dài cho (Dã ngữ hữu chi viết : “ Văn đạo bách, dĩ vi mạc nhược kỷ dã”,ngã chi vị dã. Thả phù, ngã thường văn tiểu Trọng Ni chi văn, nhi khinh Bá Di chi nghĩa giả, thủy ngô phất tín. Kim ngã đổ tử chi nan cùng dã, ngô phi chí ư tử chi môn, tắc đãi hỹ! Ngô trường kiến tiếu ư đại phương chi gia).

Thần Nhược nói: Ếch giếng, không thể cùng nói về biển, vì câu nệ về chỗ ở. Sâu hè, không thể cùng nói về băng, vì khư khư về mùa. Khúc sĩ (kẻ hiểu biết hạn hẹp) không thể cùng bàn về đạo, vì bó buộc về lối dạy (Tỉnh oa bất khả dĩ ngứ ư hải giả, câu ư khư dã. Hạ trùng bất khả dĩ ngứ ư băng giả, đốc ư thời dã. Khúc sĩ bất khả dĩ ngứ ư đạo giả, thúc ư giáo dã). Trang Tử, Nam hoa kinh, Thu thủy

Tục ngữ Việt Nam có câu “Ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung” để chê những kẻ hiểu biết nông cạn mà đã vội huênh hoang, xem dưới trời không có người. Nào phải chỉ những con “ếch ngồi đáy giếng” (tỉnh oa) mới bị chê bai, mà đôi khi những con kình ngư vẫy vùng nơi biển rộng vẫn là loại “ếch ngồi đáy giếng” như thường. Cái chính là biết nhìn. Và biết mình đang nhìn từ góc độ nào. Khi ta biết thu nhỏ mình lại thì góc nhìn sẽ càng lớn. Cái lớn của Hà Bá nằm ở chỗ tự biết mình là nhỏ, khi đối diện với cái không cùng!

Bạch Tự Tại trong Hiệp khách hành là loại “tỉnh oa” điển hình cho căn bệnh vĩ cuồng kiểu đó, dù thực chất ông ta cũng là một loại kình ngư đáng kể. Phái Tuyết sơn ở Tây Vực chỉ là môn phái “loại hai” về mọi mặt. Trải qua bao đời, những thành tựu về võ học cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Nhưng đến đời Bạch Tự Tại làm chưởng môn, ông nhờ may mắn uống được máu quái xà mà nội lực đột nhiên tăng tiến phi thường, vượt xa những bậc tổ sư tiền bối của bản môn; lại thêm suốt đời ru rú ở miền Tây Vực, không hề gặp đối thủ ngang tài, Bạch Tự Tại từ đó bắt đầu mắc cơn bệnh vĩ cuồng của một “thiên tài tỉnh lẻ”.

Do thành công quá dễ dàng ở một miền không có cao thủ, như người chột xứ mù, kẻ “múa gậy vườn hoang” đó tự cho võ công phái Tuyết Sơn là đệ nhất thiên hạ, còn bản thân mình là “đệ nhất nội công, đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất khinh công, đại anh hùng, đại hiệp sĩ” cổ kim không ai sánh kịp, kể cả hai nhân vật huyền thoại trong làng võ là Đạt Ma tổ sư và Trương Tam Phong. Nhiều môn đệ bị ông giết một cách oan uổng vì không chịu nhận hoặc nhận một cách ngập ngừng rằng ông là thiên tài võ thuật đệ nhất cổ kim. Khi căn bệnh hoang tưởng đã trở nên trầm trọng thì các sư đệ phải tìm cách đánh thuốc mê và nhốt ông vào ngục đá. Bị xích xiềng trong ngục, Bạch Tự Tại vẫn cho rằng mình muốn ngồi yên để tỉnh tọa chứ những xích sắt kia đối với ông chỉ là gỗ mục, muốn phá bỏ lúc nào cũng được. Về điểm này, căn bệnh “Thắng lợi tinh thần” của Bạch Tự Tại có lẽ còn bỏ xa cả nhân vật A.Q của Lỗ Tấn! Kẻ cùng cực tự tôn là Bạch Tự Tại và kẻ cùng cực tự ty là A.Q đều đi đến một điểm “Thắng lợi” như nhau. Sự hoang tưởng tinh thần có lẽ là điều đáng buồn cười, nhưng lại rất đáng thương của con người. Đó là cái tâm bệnh chung của những “thiên tài” không chịu đi xa và không biết đi xa để hiểu rằng “Thiên ngoại hữu thiên” (ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác).

Dù là kẻ mang bệnh vĩ cuồng, nhưng điểm đáng quý của Bạch Tự Tại là khi đối mặt với thực tế, ông từng bước biết xấu hổ để sực tỉnh mà xóa dần những ngoại hiệu hoang tưởng phù phiếm kia đi. Khổng Tử bảo “Tri sỉ cận hồ dũng” (Biết xấu hổ là đã gần với sự dũng cảm) quả rất sâu sắc. Chỉ có kẻ nào dũng cảm mới biết hổ thẹn về khuyết điểm của mình, còn loại “vô sỉ” mới luôn tìm cách bào chữa và che dấu để tiếp tục huyênh hoang. Muốn “tri sỉ ”thì cần phải có bản lĩnh chân thực, như kẻ cuồng ngạo là Nhậm Ngã Hành vẫn ngang nhiên tự nhận mình là bại tướng dưới tay Đông Phương Bất Bại.

Khi đụng phải nội lực kinh người của Thạch Phá Thiên, sau một hồi phân vân cân nhắc, Bạch Tự Tại tự hạ ngoại hiệu đệ nhất nội công của mình xuống hàng … đệ nhị, nhưng vẫn giữ “nguyên giá” cho các ngoại hiệu khác. Vẫn đệ nhất kiếm pháp, vẫn đệ nhất khinh công, vẫn đại hiệp sĩ, vẫn đại anh hùng. Để rồi từng bước, khi đặt chân đến Hiệp Khách đảo, các ngoại hiệu đệ nhất khác cũng lần lượt “xuống giá”. Khi chứng kiến thân thủ của kẻ nô bộc trên đảo, vị chưởng môn phái Tuyết Sơn âm thầm tự xóa ngoại hiệu “đệ nhất khinh công”. Rồi khi thấy Trương Tam, Lý Tứ cùng với Thạch Phá Thiên chia nhau bát cháo Lạp bát - mà ông ngỡ là thuốc độc, Bạch Tự Tại lại âm thầm xấu hổ mà xóa đi ngoại hiệu “đại anh hùng”. Cứ thế dần dần Bạch Tự Tại mới thấy mình chẳng là gì so với thiên hạ. Lúc đó ông mới hiểu rằng thế giới vốn rất bao la chứ không phải chỉ là miền Tây Vực, và những ngoại hiệu mà ông tự gán cho mình trong ngày trước chỉ là trò xuẫn ngốc, đáng để “các nhà đại phương cười dài cho”.

Tục ngữ Việt Nam có câu : ”Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Cần phải đi thật nhiều mới biết rằng đất trời rất rộng. Nhưng “đi” là một chuyện, còn “biết đi” mới thực sự là tiền đề của sự minh triết. Bạch Tự Tại lên thuyền đến Hiệp khách đảo chỉ mới là ‘đi”, mà ông biết xấu hổ về thói ngông cuồng tự đại đầy ngu xuẩn của mình mới là “biết đi”. Ngồi yên bao năm dưới gốc Bồ Đề để rồi nhìn sao mai mà hoát nhiên đại ngộ, như đức Phật, cũng là một cách đi. Thành tâm hành cước, tùng lâm nào cũng ghé để tìm hiểu điểm tinh yếu của cái học tâm tông, như các thiền sư, cũng là một cách đi. Phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ đề, mở ra một cuộc hành cước kỳ tuyệt bằng cách đi tham vấn mọi bậc thiện tri thức về Bồ tát hạnh, như Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa nghiêm, cũng là một cách đi. Ngao du sơn thủy khắp cả Trung Quốc rồi về ngồi viết bộ Sử ký lưu truyền đến muôn đời, như Tư Mã Tử Trường, cũng là một cách đi. Lận đận chu du khắp các nước chư hầu để giảng dạy về đạo lý hình nhi hạ, như Khổng Tử, cũng là một cách đi. Không bước ra khỏi nhà mà biết hết việc trong thiên hạ, không nhòm qua cửa sổ mà biết được đạo trời (bất xuất hộ tri thiên hạ, bất khuy dũ tri thiên đạo), như Lão Tử, cũng là một cách đi. Nhưng nếu đi không đúng thể điệu thì dù có ngao du suốt đời ta cũng vẫn cứ ngồi yên một chỗ, theo kiểu “tỉnh oa” hay “khúc sĩ”. Chỉ khi nào ta thành tâm muốn học hỏi với một cái tâm Không, nghĩa là thực sự muốn xóa bỏ mọi giá trị hư ảo của phân số thì ta mới thực sự “biết đi”, và cuộc ra đi đó mới giúp ta nhìn ra những chân trời huyền diệu.

Kim Dung đặt tên cho nhân vật này là Tự Tại quả là điều mĩa mai, vì giá trị nội hàm của hai chữ “Tự Tại” trong thuật ngữ Phật giáo rất lớn. Tâm luôn an nhiên thanh thản, không bị lay động bởi trần cảnh; mọi khen chê thành bại trong đời chỉ là cơn gió thoảng trước cái tâm bất động tịch nhiên : đó mới là Tự Tại. Bát Nhã Tâm kinh của Phật giáo mở đầu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. (Khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa Bát nhã Ba la mật, ngài quán chiếu thấy rằng ngũ uẩn đều là Không, và vượt qua được mọi sự khổ đau, khốn khó). Danh hiệu Tự Tại tôn quý chỉ dành cho bậc Bồ Tát đã quán chiếu được “ngũ uẩn giai không”. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Không. Rồi đến cái Không này cũng là Không nốt. Chỉ khi dùng trí Bát nhã quán chiếu vạn hữu đến độ thâm diệu như vậy thì tâm mới được Tự Tại. Làm sao một kẻ mắc bệnh vĩ cuồng như Bạch Tự Tại có thể đạt đến nội hàm của hai chữ này, khi mà cái tâm còn luôn vọng động? May sao phân số Bạch Tự Tại càng lớn dần khi từng bước ông biết giảm dần những giá trị hoang đường của mẫu số. Có lẽ chỉ khi giảm dần giá trị mẫu số đến không, có nghĩa là đạt đến mức “chiếu kiến nhất thiết đệ nhất giai không”, thấy được mọi danh hiệu “Đệ nhất” đều là trò hề nhảm nhí thì Bạch Tự Tại mới thực sự an nhiên tự tại.
Đâu phải chỉ trong làng võ mới có Bạch Tự Tại, mà trong làng văn vẫn luôn nhan nhãn những “thiên tài đệ nhất cổ kim” như Bạch Tự Tại với những phái Tuyết Sơn của miền Tây Vực! Chữ nghĩa, không được tiêu hóa một cách thông minh và ứng hợp cơ duyên, dễ lừa phỉnh con người mắc phải cơn bệnh vĩ cuồng trong cái thế giới phù phiếm của văn chương.

Bạch nhật y sơn tận
Hoàng hà nhập hải lưu
Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tằng lâu

(Mặt trời lặn chìm sau núi
Hoàng hà cuồn cuộn về khơi
Mắt muốn nhìn ra ngàn dặm
Lầu cao lên một tầng chơi)

Đăng Quán Tước lâu -Vương Chi Hoán.

Chỉ có càng lên cao thì tầm mắt mới càng được mở rộng để thấy cái mênh mông của những chân trời, mới thấy được cảnh huyền ảo của mặt trời lặn tắt sau núi, cảnh hùng vĩ của sông lớn cuồn cuộn trôi ra biển. Mà càng lên cao cũng có nghĩa là càng biết đi xa. Lên một tầng thì mắt nhìn xa ngàn dặm, lên hai tầng thì mắt nhìn xa vạn dặm. Và phải ghi nhớ một điều: khi càng lên cao để phóng tầm mắt nhìn ra vạn dặm thì, trong tầm mắt của mọi người, hình ảnh ta lại càng nhỏ dần đi. Chỉ lúc đó, ta mới âm thầm cảm nhận được rằng cõi đời, trong ý nghĩa phổ quát của nó, vốn diệu vợi mênh mông như vườn thơ của Hàn Mặc Tử : ”Càng đi xa là càng ớn lạnh”!

-----------------------------

Bài liên quan:





No comments:

Post a Comment