Trang

Thursday, October 17, 2013

Bang giao Tống-Liêu nhìn qua Thiên Long bát bộ

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Ở thời điểm năm 1063, Liêu tức Khất Đan đã trở thành một đế quốc hùng mạnh vùng Đông Bắc Trung Hoa. Người Khất Đan sống du mục, kinh tế chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, có ngôn ngữ riêng, văn tự riêng. Khi sát nhập Yên Vân vào đế quốc, người Khất Đan có thêm tiếng Hoa làm chuyển ngữ. Biên giới Tống-Liêu kéo dài mấy ngàn dặm, trong đó con đường xung yếu nhất là Nhạn môn quan, một sơn đạo hiểm trở thuộc phủ Đại Đồng, Sơn Tây. Nhạn môn quan là con đường chinh chiến, đã từng là bãi chiến trường núi xương sông máu giữa hai dân tộc Tống-Liêu từ năm 960 đến năm 1126, đã để lại trong lịch sử văn học Trung Hoa hàng ngàn bài thơ mang màu sắc biên tái đau thương...

Thiên Long bát bộ hư cấu một nhân vật anh hùng Khất Đan là Tiêu Phong. Tiêu Phong bị bắt về nước Tống từ thủa nhỏ, đến năm 30 tuổi, trở thành Bang chúa Cái bang, thống lãnh quần hùng Cái bang Tống triều chống lại người Khất Đan. Ông bị bọn thuộc hạ tố cáo lý lịch Khất Đan, phải bỏ nước Tống trở về nước Liêu. Tại đây, ông kết bạn với Hoàng Nhan A Cốt Đả, người bộ tộc Nữ Chân (sau này là vua của Kim Quốc - tức Mãn Châu), rồi kết bạn cùng Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế nước Đại Liêu. Ông được Hồng Cơ phong làm Nam viện đại vương trấn thủ Nam Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), cai trị 16 châu Yên Vân, chờ ngày đánh qua Nhạn môn quan, tiêu diệt triều Tống...

Gia Luật Hồng Cơ là một ông vua đầy hùng tâm tráng chí của đế quốc Khất Đan, một nhân vật có thực được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử. Ông nội của Gia Luật Hồng Cơ lên ngôi làm Đại Liêu hoàng đế, xưng là Thánh Tôn. Thánh Tôn tên thật là Gia Luật Long Tự, có hai con trai: Gia Luật Tôn Chân hiền hoà trung hậu và Gia Luật Trọng Nguyên kiêu dũng, giỏi binh cơ. Thánh tôn qua đời, truyền ngôi cho Tôn Chân nhưng hoàng hậu Đại Liêu lại yêu con thứ Trọng Nguyên nên sửa chữa chiếu chỉ, định lập Trọng Nguyên làm hoàng đế. Trọng Nguyên thương anh ruột, nói rõ âm mưu đó cho anh hay. Tôn Chân lên ngôi, cảm kích tấm lòng của người em, lập Trọng Nguyên lên làm Hoàng thái đệ, định sẽ truyền ngôi cho em. Tôn Chân lên ngôi, hiệu là Hưng Tôn. Hưng Tôn chết, ngôi vua không truyền cho Hoàng thái đệ mà truyền cho con ruột là Gia Luật Hồng Cơ. Gia Luật Hồng Cơ phong cho chú Trọng Nguyên làm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, phong cho con Trọng Nguyên là Gia Luật Niết Lỗ Cỗ làm Sở vương, tước hiệu Nam viện đại vương. Hai cha con Trọng Nguyên và Niết Lỗ Cỗ thừa dịp Hồng Cơ đi xuống phương nam làm cuộc binh biến chiếm ngôi vua Đại Liêu.

Đó là chính sử của Đại Liêu. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung để cho nhân vật Tiêu Phong giúp Gia Luật Hồng Cơ dẹp cuộc binh biến, bắt được Trọng Nguyên, giết chết Niết Lỗ Cỗ, được Gia Luật Hồng Cơ phong làm Nam Viện đại vương, cai quản phần đất Yên Vân...

Cũng ở thời điểm này, Triệu Hú, một gã thiếu niên mới 18 tuổi, lên ngôi vua ở Nam triều tức Tống Triết Tôn (1085-1099). Trước đời Triệu Hú, các vua Tống đã áp dụng Biến pháp của tể tướng Vương An Thạch (thường được gọi là phe Tân đảng) và những phép Thanh miêu, Bảo mã, Bảo giáp tạo nên một nền cai trị hà khắc. Khi Triệu Hú lên ngôi, bà Cao thị là Hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính 9 năm, áp dụng đường lối chính trị khoan hoà của Tư Mã Quang (thường được gọi là phe Cựu đảng) không gây chiến tranh, phòng thủ nghiêm ngặt, chờ cho Liêu quốc đại biến. Tư Mã Quang là tác giả của bộ Tư trị thông giám, cuốn sách đúc kết kinh nghiệm thịnh suy của ngàn năm xây dựng các đế chế Trung Hoa trước đó. Chính là đường lối khoan hoà của Cao thị đã làm cho đế quốc Khất Đan phải nể sợ. Tể tướng nước Liêu khen Hoàng thái hậu: "Từ khi Thái hậu Đại Tống buông rèm nghe chính sự, chiêu nạp danh thần, bài trừ chính trị hà khắc, trong suốt chín năm triều đình hưng thịnh, trăm họ yên vui". Thế nhưng, gã Triệu Hú là một ông vua hiếu chiến. Khát vọng của Triệu Hú là được một ông vua thực sự, đánh nhau với Liêu quốc. Cho nên khi Cao thị vừa băng hà, Triệu Hú đã áp dụng ngay các Biến pháp của phe Tân đảng, tin dụng bọn nội giám Nhạc Sĩ Tuyến, Lưu Duy Giản, Lương Tòng Chánh, triệt hạ phe Cựu đảng. Năm 1093, Triệu Hú giáng chức Đại học sĩ Tô Thức (Tô Đông Pha), đưa Tô đi làm tri phủ Định Châu. Khi ra đi, Tô Thức dâng biểu có đoạn: "Hạ thần e rằng hành động cấp tiến chỉ là tấm lòng nông nổi của những người vụ lợi, nên xin dâng bản tấu này, kính mong bệ hạ thận trọng canh caỉ tân pháp thời phúc cho xã tắc và may cho thiên hạ vậy". Triệu Hú giận, giáng luôn Tô Triệt, Đoan Minh Đại học sĩ đi làm Tri phủ Nhữ Châu. Đại thần Phạm Tô Vũ đưa lời can gián: "Hán, Đường mất nước cũng do nhà cầm quyền bắt dân phải lao vào cuộc xây dựng to tát, không được nghỉ ngơi. Những kẻ vì lợi nhỏ mà gây oán hờn cho quốc dân thì dù có đa hình khu trục cũng chưa đủ để tạ tội với trăm họ".
Trong tiểu thuyết Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật lại đoạn Cao thái hậu qua đời và những lời nói huyênh hoang của Tống Triết Tôn Triệu Hú. Quân tình báo Khất Đan đã nắm được tất cả diễn biến xấu đó trong nội bộ Tống Triều và báo cáo về Thượng Kinh cho Đại Liêu hoàng đế Gia Luật Hông Cơ. Hồng Cơ đánh giá đây là cơ hội ngàn năm một thuở để xâm lăng Tống triều. Nhà vua xuống ngay Nam Kinh, ra lệnh cho Nam Viện đại vương Tiêu Phong lập tức cử binh mã tràn qua Nhạn môn quan phạt Tống. Thế nhưng, Tiêu Phong tha thiết yêu hoà bình, không muốn cho muôn dân hai nước lầm than vì chinh chiến. Ông chống lệnh hành quân, bị bắt nhốt rồi được cứu thoát. Cuối cùng, ông đã xin Đại Liêu hoàng đế được một khẩu ước: "Vĩnh viến không đưa quân tràn qua Nhạn môn quan đánh xuống phương Nam". Khẩu ước đó bảo đảm cho Tống-Liêu gần 30 năm thanh bình. Và Tiêu Phong tự tử!

Trong chiến tranh cổ điển, Tống-Liêu đều triệt để áp dụng chủ trương binh bất yếm trá. Thấy bọn quan binh triều Tống tham lam, Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh cho Gia Luật Mạc Ca, Nam Viện khu mật sứ cai quản Nam Kinh, tung vàng bạc châu báu ra mua chuộc, chia rẽ, khuynh loát đội ngũ quan quân Tống triều. Phủ Khai Phong, kinh đô nhà Tống, trở thành miền đất béo bở cho đội quân tình báo Liêu Quốc thâm nhập và hoạt động. Chính vì thế, nội tình của Tống triều bị người Khất Đan nắm rõ như trong lòng bàn tay, ngược lại với nội tình Khất Đan, vua quan nhà Tống như người mơ ngủ.

Người Tống thuộc Hán tộc, tự cho mình là chủng loại cao quý, gọi lân bang là Tứ Di, gọi người Khất Đan là bọn chó Liêu. Ngược lại, bốn rợ cũng chẳng coi người Hán ra gì, người Khất Đan gọi quân triều Tống là bọn heo Tống. Quân sĩ đôi bên đánh vào biên giới của nhau, đốt nhà, hãm hiếp bắt bớ phụ nữ, tước đoạt tài vật. Cả đôi bên đều gọi đó là cách kiếm lương thảo. Thiên Long bát bộ của Kim Dung phản ánh sinh động hiện thực lịch sử đau thương đó giữa hai dân tộc Tống-Liêu. Tác giả không đối chiếu, so sánh nhưng dường như qua Thiên Long bát bộ, ta thấy được bọn Liêu cẩu anh hùng, đàng hoàng ngay thẳng hơn bọn Tống trư.

No comments:

Post a Comment