Trang

Thursday, October 17, 2013

Khi Vi Tiểu Bảo hình sự hóa quan hệ dân sự

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Xưa nay, quan hệ tiền bạc nợ nần nằm trong dân gian là quan hệ dân sự. Thời vua Khang Hy nhà Thanh, việc vay mượn tiền bạc được xếp vào việc hộ. Để phân biệt việc hộ và việc hình, người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: "Giết người thì đền mạng, vay nợ phải trả tiền". Thế nhưng, một vị quan lớn của triều Khang Hy - Vi Tiểu Bảo, Đệ nhất Lộc Đỉnh công, Phủ Viễn Đại tướng quân - một nhân vật bất học vô thuật tự nhận mình là lưu manh hạng nhất, đã ngồi trên vương pháp, sẵn sàng hình sự hoá những quan hệ dân sự. Qua ngòi bút của Kim Dung trong bộ tiểu thuyết Lộc Đỉnh ký, ta thấy cách cho vay nợ và đòi nợ của Vi Tiểu Bảo khá lạ lùng. Kim Dung hình tượng hoá vấn đề là "tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả" (trước, không có người xưa nào; sau, cũng chẳng có được người giống như vậy).

Nguyên Vi Tiểu Bảo say mê nhan sắc của A Kha, muốn lấy A Kha làm vợ. Thế nhưng A Kha lại say mê Trịnh Khắc Sảng, con trai thứ của Diên Bình quận vương Trịnh Kinh, một lãnh tụ chống nhà Thanh tại Đài Loan. Vi Tiểu Bảo gặp Trịnh Khắc Sảng lần đầu tiên tại phủ Hà Giang và y rất ghen tức với Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng phong lưu anh tuấn, lại là con của một quận vương cai trị đất Đài Loan trong khi Vi Tiểu Bảo mặt dơi tai chuột, lại chỉ là con của một kĩ nữ thành Dương Châu. Thấy sư tỷ A Kha cứ bám lấy Trịnh Khắc Sảng, Vi Tiểu Bảo ra lệnh cho anh em Thiên Địa hội của mình đón đánh Trịnh Khắc Sảng một trận thừa sống thiếu chết. Trịnh Khắc Sảng vẫn đeo đuổi A Kha. Vi Tiểu Bảo ra lệnh cho bọn Ngự tiền thị vệ thuộc đạo Kiêu Kỵ doanh chận đáng Trịnh Khắc Sảng một lần thứ hai, buộc Trịnh Khắc Sảng làm văn tự thiếu nợ một vạn lạng bạc, bọn chúng mới chịu thả ra. A Kha và Trịnh Khắc Sảng vẫn quyến luyến với nhau. Vi Tiểu Bảo nhờ đến bọn Mộc vương phủ ở Vân Nam đánh Trịnh Khắc Sảng một lần nữa, buộc phải làm lễ cưới với một cô gái xấu hoắc (nguyên là trai giả gái) và vu cáo Trịnh Khắc Sảng đã cưỡng dâm cô gái ấy! Trịnh Khắc Sảng phải nhờ đến sư phụ của y là Phùng Tích Phạm mới cứu nổi y về tới Đài Loan an toàn.

Vi Tiểu Bảo bị vua Khang Hy giam lỏng trên Điếu ngư đài đảo giữa biển Liêu Đông với một cái tước hàm hồ là Thông Cật bá. Lúc sau này, y đã có sáu người vợ là Tô Thuyên, Song Nhi, Mộc Kiếm Bình, Phương Di, Tăng Nhu và Kiến Ninh công chúa. Thế rồi sư phụ y là Trần Cận Nam, Phùng Tích Phạm, Trịnh Khắc Sảng và cả A Kha đều trốn tránh việc truy bắt của triều đình Khang Hy, trôi dạt tới Điếu Ngư đài đảo. Nơi đây Trịnh Khắc Sảng vũ nhục Trần Cận Nam và đâm chết ông. Vi Tiểu Bảo bắt được Trịnh Khắc Sảng nhưng nghe lời thầy dạy, y không giết Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng đem A Kha gán nợ cho Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo chặt đứt một ngón tay của Trịnh Khắc Sảng, buộc hắn phải viết văn khế thiếu nợ ba trăm vạn lạng bạc. Trịnh Khắc Sảng cứ viết đại văn khế, một là để kiếm đường sống, hai là hắn hi vọng không bao giờ Vi Tiểu Bảo có thể đòi nợ hắn được. Không ngờ văn khế mượn đó lại trở thành tai vạ với hắn về sau.

Khang Hy bình định đảo Đài Loan; Trịnh Khắc Sảng dẫn toàn quân ra đầu hàng nhà Thanh. Hắn được phong Hải Trừng công; Phùng Tích Phạm được phong Trung Thành bá. Thực sự đây một đòn phép chính trị của Khang Hy đã được Lang Viên ghi rõ trong Thanh sử cảo: bình định Tam phiên (Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung), thu phục Mông Cổ và Tây Tạng, thu hồi Đài Loan, ổn định bên trong để rảnh tay đối phó với nạn xâm lăng của người Nga La Tư tại biên giới ba tỉnh Đông Bắc. Tuy được phong tước công nhưng Hải Trừng công Trịnh Khắc Sảng chỉ là hàng thần lơ láo, của cải hắn đục khoét từ Đài Loan đem về Bắc Kinh đã vơi quá nửa vào túi bọn quan lại trong triều đình. Trong khi đó, Vi Tiểu Bảo được phong Đệ nhất Lộc Đỉnh công, Phủ Viễn Đại tướng quân, có công bình định giặc Nga và kí kết hiệp ước bất tương xâm với người Nga tại Hắc Long Giang, thu về cho Trung Hoa thêm tám chục dặm vuông ở bờ nam sông Ngạch Nhĩ Cổ Lạp và Hắc Long Giang. Nghe tin, Khang Hy phong cho hàng thần Trịnh Khắc Sảng tước công, Vi Tiểu Bảo vừa ghen tức vừa nhớ lại mối thù ngày xưa. Hắn đem các thứ văn khế mượn nợ của Trịnh Khắc Sảng ra giao cho bọn thị vệ Kiêu Kỵ doanh, Tiền Phong doanh nhờ bọn này đi... đòi nợ. Ngự tiền thị vệ Đô tổng quản Đa Long nhận lệnh của Vi Tiểu Bảo, buộc Trịnh Khắc Sảng đem món nợ ba trăm vạn lạng bạc viết ra thành những giấy nhỏ một ngàn lạng, hai ngàn lạng rồi chia cho thị vệ đi đòi.

Từ đó, Hải Trừng công phủ của Trịnh Khắc Sảng ngày nào cũng có khách đến... đòi nợ. Bọn quan binh dưới trướng của Khang Hy vốn rất hống hách, lại dựa vào Phủ Viễn Đại tướng quân Vi Tiểu Bảo, sáng chiều thay nhau đòi nợ Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng ngậm bồ hòn làm ngọt đành phải đem hết mọi thứ ngân phiếu, đồ trang sức, bảo vật trong nhà ra trả nợ. Lần sau cùng, Vi Tiểu Bảo dẫn Đa Long đến phủ Trịnh Khắc Sảng. Hắn thấy Trịnh Khắc Sảng mặt mày ủ dột, tóc đã bạc thì mừng hơn cả đòi được nợ. Hắn chụp mũ Trịnh Khắc Sảng là muốn lên làm Đài Loan vương, sẽ đem quân vào nội địa để giết hết những gì gọi là Mãn Thanh, Thát Đát khiến Trịnh Khắc Sảng sợ đến tháo mồ hôi. Hắn còn ra lệnh bắt giữ Trịnh Khắc Sảng, may là Đa Long biết luật, phải đưa lời can gián.

Thấy chủ mình bị vũ nhục, Phùng Tích Phạm hăm dâng cáo trạng lên Khang Hy. Vi Tiểu Bảo nghe hắn hăm, lòng cũng có ý sợ. Lần này, Vi Tiểu Bảo thu được năm vạn bốn ngàn ba trăm lạng (tiền ngân phiếu), lại lấy được một mớ nữ trang. Tổng số mà Trịnh Khắc Sảng trả được cho Vi Tiểu Bảo trên hai trăm vạn lạng bạc. Hắn chia cho bọn thị vệ đúng một trăm vạn lạng để xài chơi, gọi là chi phí cho công đi đòi nợ (thảo trái phí). Nhưng hắn vẫn nơm nớp lo sợ chuyện Phùng Tích Phạm hăm dâng cáo trạng. Trong đêm ấy, hắn ra lệnh cho Đa Long cho hai thủ lĩnh thị vệ Trương Khang Niên, Triệu Tề Hiền mạo xưng là người của Thái Đô thống ở Tiền Phong doanh đi bắt Phùng Tích Phạm về đánh đập gần chết. Hắn lại cho người ngầm đi báo với vợ lớn của Thái Đô thống là họ Thái có vợ nhỏ thứ tám tại hẻm Điềm Thủy Tĩnh ở Bắc Kinh. Đêm ấy, vợ của họ Thái dẫn một toán đàn bà đi đánh ghen. Lão Thái phải dẫn người đi cứu cô vợ nhỏ. Vi Tiểu Bảo lại sai Đa Long đi giúp cứu vợ nhỏ lão Thái...

Sáng hôm sau, Vi Tiểu Bảo nhận lệnh của vua Khang Hy phải đi làm giám trảm, thi hành án tử hình đối với Mao Thập Bát. Mao Thập Bát là một dũng sĩ phản Thanh phục Minh, có công đưa Vi Tiểu Bảo lên Bắc Kinh. Hắn nghĩ cách cứu Mao Thập Bát khỏi cái chết bằng cách lấy Phùng Tích Phạm thay vào. Hắn cho thân binh làm một cái nhà rạp hai ngăn ở pháp trường cửa Thái Thị. Rồi hắn sai thân binh dẫn Mao Thập Bát ra cho Đa Long nhận diện đúng là khâm phạm của triều đình. Đa Long xác nhận xong, hắn đưa ra cho Đa Long xem một tập khăn tay thêu những bức Xuân cung đồ. Xuân cung đồ là những bức thêu hình ảnh nam nữ giao phối nhau nhằm thoả mãn thói thị dâm của bọn quan lại, bọn nhà giàu thời Minh-Thanh. Khi Đa Long dán mắt vào tập Xuân cung đồ, Vi Tiểu Bảo cho thân binh đánh tráo Mao Thập Bát vào nhà rạp, đưa Phùng Tích Phạm vào pháp trường. Hắn ra lệnh chém tử tội rồi liệm xác khâm phạm vào áo quan...

Không ai biết được những âm mưu của Vi Tiểu Bảo ngoài vua Khang Hy. Nhà vua giao cho hắn điều tra vụ mất tích của Phùng Tích Phạm. Hắn dàn một màn kịch: cho gã chăn ngựa của Phùng TÍch Phạm dẫn một cô hầu gái của họ Phùng là Lan Hương ra đi. Rồi hắn đem xác Phùng Tích Phạm vào phủ nhà họ Phùng, kiếm một cái đao phạt cỏ làm hung khí gây án. Bọn quan viên điều tra vụ án biết rằng họ Phùng bị giết nhưng vết chém là vết do cương đao gây ra chứ không thể là dao cắt cỏ.

Có thể coi vụ Vi Tiểu Bảo giết người bịt miệng, đòi nợ Trịnh Khắc Sảng là một điển hình của chuyện hình sự hoá các quan hệ dân sự. Kim Dung viết những tình tiết này với một bút pháp thật lôi cuốn, hấp dẫn. Rõ ràng là vương pháp của triều nhà Thanh đã bị một gã tiểu lưu mang bẻ cong queo. Hắn làm được việc đó là nhờ có một đám thủ hạ thân tín mà đồng tiền đã trở thành quyền lực sai khiến. Bản tâm của Khang Hy cũng chẳng muốn những gã như Phùng Tích Phạm còn sống trên đời. Hai "chí lớn" gặp nhau, một cao một thấp. Cái chết của Phùng Tích Phạm khiến người ta ngậm ngùi khi nghĩ đên số phận đen tối của hàng triệu người Trung Hoa dưới các chế độ quân chủ kéo dài trên ba ngàn năm.

No comments:

Post a Comment