Trang

Tuesday, October 15, 2013

Thư pháp và Võ công


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Hiểu một cách đơn giản, thư pháp là cách viết chữ của người Trung Quốc. Hiểu một cách sâu hơn, thư pháp là những phép viết chữ để đạt đến 1 trình độ mỹ thuật riêng của người Trung Quốc. Không sử dụng tự dạng Latin, Hán tự của người TrungQuốc có một lối cấu tạo chữ viết đặc thù mà bản thân mỗi chữ có thể xem là một bức đồ họa riêng biệt bởi các đường nét, độ đậm nhạt và phương pháp phóng bút của nó. Chính vì thế về tự dạng đã là động lực cơ bản đưa những danh gia đến tham vọng hình thành một thư pháp cho mình.
Theo sự phát triển của chữ viết Trung Quốc, thư pháp có 5 loại: Triện thư, Lệ thư, Khải thư, Hành thư và Thảo thư. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung thường nhắc đến thư pháp của bốn nhà Tô, Huỳnh, Mễ, Xái. Nhưng điểm đặc biệt trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là tác giả luôn luôn kết hợp với thư pháp với võ công và chính sự kết hợp đó đã tạo ra một chiều sâu trí tuệ cho những tác phẩm, đem lại sự thích thú cho người đọc. Một trong những vũ khí chuyên sử dụng để điểm huyệt được nhắc đến thường xuyên trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là cây Phán quan bút (cây bút của viên quan chấp pháp, xử kiện). Phán quan bút cũng có hình dạng như cây bút lông nhưng đầu của nó bắng kim loại, nhọn, nhắm đánh vào các huyệt đạo trên người địch thủ. Lãng mạn hơn, Kim Dung cho những nhân vật của mìnhsử dụng phán quang bút đánh theo từng nét trong từng chữ của những bài thơ, bài từ trong khi lâm địch như một đường kiếm pháp hay đao pháp. Thư pháp gắn liền với võ côngđến ỗi chúng tạo cho ta cái cảm giác không thể phân biệt đâu là thư pháp, đâu là võ công.

Trong Ỷ thiên Đồ long ký, chưởng môn phái Võ Đang Trương Tam Phong có kỹ thuật sử dụng ngón tay (chỉ) viết chữ vào khoảng không. Trương Tam Phong mô phỏng thư pháp của Vương Hy Chi đời Đông Tấn để viết Tán Loạn thiếp để giải toả toàn bộ mối lo lắng của mình khi một người học trò cưng bị kẻ địch đánh gãy hết các khớp xương. Trương Tam Phong viết vào khoảng không 24 chữ của bài ca Ỷ Thiên Đồ Long:

Võ lâm chí tôn
Bảo Đao Đồ Long
Hiệu lệnh thiên hạ
Mạc cảm bất tòng
Ỷ thiên bất xuất
Thuỳ dữ tranh phong

Người đệ tử thứ năm là Trương Thuý Sơn cố gắng học và ghi nhớ thư pháp Tán loạn của thầy. Anh biết trong ngón tay biến hoá kỳ ảo đó ẩn tàng một môn võ công vi diệu. Và anh gọi tên nó là Đồ Long công. Về sau khi xuống núi Trương Thuý Sơn sử dụng Đồ Long công chuyển thành quyền pháp đánh nhau với các vị sư chùa Thiếu Lâm tại phủ Lâm An, Giang Nam và đã chiến thắng.

Trương Thuý Sơn là một hào kiệt nho nhã, say mê thư pháp. Bên sông trong cơn mưa, Trương Thuý Sơn đã gặp được Hân Tố Tố, con gái của giáo chủ Bạch Mi giáo, được Tố Tố cho mượn chiếc dù che mưa. Trên chiếc dù ấy, Tố Tố đã viết 7 chữ “Tà phong tế vũ bất tu quy” (gió nghiêng mưa nhẹ chẳng nên về) và Tố Tố đề nghị Thuý Sơn nhận xét cho chữ “bất” vì theo cô chỉ có chữ này là cô viết tệ nhất. Thuý Sơn khen chữ “Bất” ấy là dư vận bất tận, càng xem càng quên cả mỏi mệt. Chính nhận xét ấy lại rất hợp ý Hân Tố Tố. Và họ thương yêu nhau, đơn giản qua nét bút của thư pháp viết trên chiếc dù.

Trên Vương Bàn Sơn sông Tiền Đường. Trương Thuý Sơn phải đối đầu với một địch thủ hùng mạnh là Tạ Tốn. Để tự cứu mình, Trương Thuý Sơn đề nghị Tạ Tốn thi... viết chữ. Dùng phán quan bút, Thúy Sơn đã viết lên đá 24 chữ của Đồ Long công theo bút pháp Tán loạn đã học được của thầy. Hai mươi bốn chữ ấy là một môn võ công bao gồm âm dương, cương nhu, tinh thần, khí thế; hùng biện, sắc bén như dao như kiếm. Thấy chàng thư sinh biểu diễn thư pháp Tán loạn, Tạ Tốn phải gật đầu công nhận mình thua.

Tiếu ngạo giang hồ ký thuật lại câu chuyện thú vị của Hướng Vân Thiên, Quang Minh tả sứ của Triêu Dương thần giáo, dẫn Lệnh Hồ Xung đến Cô Mai sơn trang khiêu khích bọn Giang Nam tứ hữu. Hướng Vân Thiên đã khoe bức tranh “Bắc Tống Phạm Trung Lập khê sơn hành lữ đồ" trong đó vẽ toà núi cao ngất trời, thanh thế mười phần hiểm tuân; một bức thảo thư mà mỗi chữ nột nét như rồng bay phượng múa. Ở đây Phạm Trung Lập đã mô phỏngbút pháp của Trương Húc đời Đường. Bức thảo thư có khí tượng của một môn khinh công của một võ lâm cao thủ.

Trong Giang Nam tứ hữu có nhân vật Ngốc Bút Ông là một danh gia sử phán quan bút. Khác với những người sử phán quan bút bình thường, Ngốc Bút Ông dùng đầu bút là loại lông dê mềm, tự hoà một loại mực rất lạ, hễ thấm vào da thịt ai là ăn luôn, không tẩy rửa được. Công lực của lão thượng thừa nên khi lão phóng bút viết vào khoảng không, kình lực tuôn ra đầu ngòi bút veo véo. Đấu với Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung, Ngốc Bút Ông viết bài " Bùi tướng quân thi " theo thư pháp Nhan Châu Khanh:

Đại quân chế lực hợp
Mãnh tướng thanh cửu cai
Chiến mã như long hổ
Đằng lăng hà tráng tai

Lệnh Hồ Xung sử Độc Cô cửu kiếm, kiếm ý đi trước bút pháp của Ngốc Bút Ông, phong toả toàn bộ bút pháp đắc ý của lão khiến lão đâm ra bực bội. Mà đại phàm, khi cầm bút viết chữ mà lòng bực bội thì chữ nghĩa chẳng ra làm sao cả. Ngốc Bút Ông chuyển sang thư pháp Đại Thảo, một dạng thư pháp đặc biệt của Trương Phi (Trương Dực Đức) đại tướng của Tây Thục. Lão viết liền 4 chữ Bát mông sơn minh, khí thế Đại thảo liên hoàn như tuốt kiếm giương cung. Rồi lão lại chuyển sang Đại thảo theo phong cách của Hoài Tố viết tự sự thiếp, bút pháp cực kỳ phức tạp. Mặc cho lão biến đổi bút pháp, Lệnh Hồ Xung cứ lựa chỗ sơ hở của lão mà phát chiêu, kiếm thế nhẹ nhàng nhưng cực kỳ thần tốc. Ngốc Bút Ông bị phá sản bút pháp, sinh ra uất hận. Lão đổ 1 hũ rượu Bồ đào xuống đất, chấm rượu viết lên tấm vách 23 chữ của bài Bùi Tướng Quân thi (trong đó có 3 chữ tên tác giả). Kim Dung mô tả 23 chữ ấy đẹpvà dũng mãnh như muốn xé tấm vách mà bay đi.

Nét chữ thể hiện tính cách riêng của từng con người, trở thành vốn liếng riêng, đặc điểm riêng giúp ta xác định được chính người này chứ không phải người kia viết. Từ sự xác định ấy, người ta khám phá ra những bí mật đằng sau cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống tâm linh. Đã có 2 trường hợp như vậyđược Kim Dung xây dựng trong tác phẩm của mình.

Trong Tiếu ngạo giang hồ ký, khi Nhạc Linh San đã chết, Lệnh Hồ Xung trở lại Hoa Sơn, tìm vào thăm căn phòng xưa của Nhạc Linh San. Anh chợt nhìn bức thiếp thư do chính Nhạc Linh San viết, nội dung là bài thơ của Lý Thương Ẩn:

...Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
Xương trắng thành tro hận chửa tan

Và Lệnh Hồ Xung chợt hiểu ra rằng sau đám cưới với Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San vẫn yêu mình. “Hàn công tử” đây chính là Lệnh Hồ Xung! Và từ đó, Lệnh Hồ Xung càng cảm thấy thương yêu người sư muội bạc phận hơn. Thư pháp đã thể hiện tâm tình, trở thành một thứ giác thư của tình yêu đôi lứa mà người nào không có tâm tình thì vĩnh viễn không nhận ra được.

Trường hợp thứ 2 được thuật lại trong Thiên Long bát bộ, khi Tiêu Phong về ngồi trong căn phòng riêng của Nguyễn Tinh Trúc (mẹ của người tình A Châu) ở Tiểu Kính hồ, Giang Nam. Ông đọc bức thiếp thư trên vách và khám phá ra thủ bút mềm mại, uyển chuyển của Đoàn Chính Thuần, khác hẳn nét chữ của “thủ lĩnh đại ca" viết thư gửi cho Uông Kiếm Thông bàn chuyện về cái chết của cha mẹ Tiêu Phong và số phận Tiêu Phong. Lập tức Tiêu Phong hiểu ra mình bị Ôn Khang lừa, Đoàn Chính Thuần không phải là “thủ lĩnh đại ca”; Tiêu Phong đã giết oan người tình Đoàn A Châu rồi. Chính từ sự tỉnh ngộ này mà Tiêu Phong bỏ ý định tự vẫn, quyết sống để tìm ra gã “thủ lĩnh đại ca” giấu mặt ấy, trả hờn cho cha mẹ và cho cả A Châu. Bức thiếp thư trở thành một bằng chứng giúp Tiêu Phong phá án. Và ông đã tìm ra kẻ đại cừu của mình

Cũng trên cơ sở thư pháp, Kim Dung đã xây dựng 2 nhân vật dốt nát chơi thư pháp. Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký đã đọc văn bia viết bằng Giáp cốt văn, thứ văn tự tối cổ của Trung Quốc để đánh lừa Lục Cao Hiên và Ủy tôn giả, và qua 2 nhân vật này lừa luôn giáo chủ Thần long giáo Hồng An Thông. Thật ra đến Khải thư, tức chữ chân phương, Vi Tiểu Bảo còn đọc không ra, huống chi nói đến Giáp cốt văn, Khoa đẩu văn tối cổ. Chẳng qua là khi bị bắt, Vi Tiểu Bảo phải dùng đến thói lưu manh để đánh lừa Thần long giáo và những trò bịp bợm đó đã được những kẻ nịnh bợ giáo chủ biết nhưng lỡ nịnh bợ rồi cứ phải gọi đó là chuyện có thật. Đó là một thứ “thắng lợi tinh thần” hiện đại; phải lừa nhau như thế mới giữ được ngôi vị, giữ được cái đầu trên cổ. Thạch Phá Thiên trong Hiệp khách hành là 1 chàng trai thất học, không biết 1 chữ nào. Ấy thế mà trên đảo Long Mộc, chàng trai phải đối diện với Khoa đẩu văn. Không cần biết hàng chữ Khoa đẩu văn ấy viết nội dung gì, chàng trai chỉ quan tâm đến tự dạng. Khoa đẩu văn tức chữ con nòng nọc, rất gần gũi với tuổi thơ của Thạch Phá Thiên ở vùng hoang sơn dã lĩnh. Cứ xem tới nét nào thì huyệt đạo của Thạch Phá Thiên tự vận động tới đó và chỉ cần làm như thế, chàng trai dốt nát đã khám phá ra được toàn bộ bí quyết của võ công Hiệp khách hành. Nếu Lý Bạch sống lại được, chắc hẳn ông phải khen hậu bối Kim Dung lỗi lạc hơn ông rất nhiều: chẳng cần biết Hiệp khách hành viết cái gì, chỉ cần biết Hiệp khách hành viết như thế nào, nghĩa là chỉ dừng lại ở ngoại quan thư pháp mà không cần đi vào nội hàm tư tưởng, là đủ.

Nhân loại đã khổ quá nhiều vì những cái lưỡi dối trá, những suy diễn dài dòng văn tự. Thế mạnh của văn tự Trung Quốc là đã hình thànhđược những trường phái thư pháp đặc dị, mở ra 1 khuynh hướng mỹ thuật lạ lùng. Kim Dung đã lợi dụng thế mạnh ấy và lãng mạn hơn, đem thế mạnh ấy kết hợp với võ công. Hai phạm trù, một võ, một văn, tưởng như mâu thuẩn nhau tột cùng, lại được kết hợp một cách hài hoà, tài hoa. Văn chương của các bậc tiền bối Trung Quốc chưa làm được điều ấy; chỉ đến Kim Dung mới có thể làm được. Đó chính là sự sáng tạo độc đáo trong văn chương tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

No comments:

Post a Comment