Trang

Friday, October 11, 2013

Tình yêu trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(Vietkiemhiep) - Tuy tên gọi là tiểu thuyết võ hiệp nhưng bản chất những tác phẩm của Kim Dung là tình yêu đôi lứa nồng thắm. Chính tình yêu đã làm nên tính cách nhân bản và khiến cho hàng tỉ người say mê tác phẩm của Kim Dung.


Một cách khái quát, Kim Dung đã xây dựng những cặp nhân vật hoặc những cụm nhân vật rồi tạo điều kiện cho họ gặp gỡ hiểu biết và yêu nhau. Ông đã rất tinh tế để cho các nhân vật chính phái yêu tà phái, bạch đạo yêu hắc đạo để tạo nên những mâu thuẫn chiều dọc xuyên suốt chiều dài của tác phẩm và những mâu thuẫn chiều sâu trong tâm hồn của từng nhân vật. Điều đặc biệt là những nhân vật nữ của ông thường rất đẹp, rất thông minh, xuất thân từ Ma giáo hoặc ít nhất cũng mang “một chút tà khí trong người”. Đó là những cặp và những cụm nhân vật Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ), Trương Thuý Sơn – Hân Tố Tố, Trương Vô Kỵ - Triệu Minh – Chu Chỉ Nhược – Hân Ly - Tiểu Siêu (Ỷ thiên Đồ long ký); Kiều Phong – A Châu, Đoàn Dự - Vương Ngọc Yến - Mộc Uyển Thanh – Chung Linh, Du Thản Chi – A Tử, Hư Trúc – Văn Nghi công chúa (Thiên Long bát bộ), Thạch Phá Thiên – A Tú (Hiệp khách hành), Quách Tĩnh – Hoàng Dung – Hoa Tranh công chúa (Xạ điêu anh hùng truyện), Dương Qua - Tiểu Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ)...

Những mối tình được được Kim Dung dựng lên là những mối tình thật trong sáng và do vậy, thật đẹp. Tác phẩm Kim Dung lấy bối cảnh lịch sử từ đầu đời Thanh trở về trước (trước thế kỷ XVII), khi mà tư duy phong kiến và nguyên tắc lễ giáo của đạo Nho đang giữ vai trò độc tôn chi phối toàn bộ những sinh hoạt xã hội. Cho nên, những nhân vật của Kim Dung yêu trong sự cho phép của những tư duy và nguyên tắc ấy. Thế nhưng, tính chất lãng mạn - một thuộc tính không thể thiếu trong yêu đương – thì rất phong phú.

Những nhân vật của Kim Dung đã yêu theo phong cách của võ lâm. trước hết, họ đánh nhau, sau đó hiểu nhau rồi mới yêu nhau. Hân Tố Tố, một nữ ma đầu, con gái Bạch mi ưng vương, đã dùng Văn tu châm (kim râu muỗi) không chế Trương Thuý Sơn phái Võ Đang, rồi sau đó mới yêu Trương. Triệu Minh, con gái Như Nam vương triều Nguyên lưa TRương Vô Kỵ lọt xuống hầm sâu rồi sau đó mới yêu Vô Kỵ (Ỷ thiên Đồ long ký). Mộc Uyển Thanh đã đánh cho Đoàn Dự thừa chết thiếu sống, sau đó mới nhận Đoàn Dự làm lang quân (Thiên Long bát bộ). Ở một chừng mực nào đó, các nâhn vật này vượt qua hàng rào của nghi thức phong kiến và ràng buộc giáo điều của lê giáo: họ tự quyết định tình yêu của mình và cảm thấy hạnh phúc khi được lựa chọn như vậy.

Tình yêu được mô tả trong tác phẩm võ hiê5p Kim Dung mang tính phấn đấu rất cao. Các nhân vật vượt lên hoàn cảnh, vượt qua những sự chống đối để bảo vệ tình yêu của mình. Trương Thúy Sơn cưới Hân Tố Tố, Trương Vô Kỵ bỏ hết sự nghiệp đi theo Triệu Minh, Nhậm Doanh Doanh lang thang qua ngàn trùng để bảo vệ Lệnh Hồ Xung, A Châu vượt ngàn dặm ra Nhạn Môn Quan để chờ đợi Kiều Phong... là những chuyện tình đẹp.

Tình yêu được mô tả trong tác phẩm Kim Dung luôn luôn kinh qua một quá trình hy sinh vô tận. Trương Thúy Sơn vì vợ mà tự tử khiến cho Tố Tố cũng tự vẫn để giữ gìn danh tiết, xứng đáng với chồng. Triệu Minh từ bỏ cha và anh ruột để ra đi cùng Trương Vô Kỵ. Tiểu Siêu về Ba Tư, lên ngôi Thánh nữ Minh giáo mà lòng đau như cắt, cảm thấy cuộc đời hoàn toàn vô vị vì cô chỉ muốn suốt đời hầu hạ cho Vô Kỵ thay áo, chảy đầu. Doanh Doanh cõng tình lang Lệnh Hồ Xung lên núi Thiếu Thất, chịu để phái Thiếu Lâm cầm tù mình đổi lấy lời hứa của Phương Chứng đại sư nhận chữa thương cho Lệnh Hồ Xung. Kim Dung đã thực sự biến tác phẩm võ hiệp của mình trở thành những bản tình ca tươi đẹp. Những bản tình ca ấy hoá giải được biên giới của chánh – tà, hắc - bạch, hận – thù. Chúng bành trướng cảm xúc cho người đọc khi đọc tác phẩm.

Kim Dung đã tạo ra được những nhân vật si tình kinh điển, những “giáo chủ” của đạo tình, hoặc là yêu, hoặc là chết. Vương tử Đoàn Dự suốt đời lẽo đẽo đi theo Vương Ngọc Yến chỉ để cho lúc nàng nguy nan là ghé vai cõng nàng chạy trốn. Du Thản Chi chịu bịt chiếc lồng sắt vào đầu, làm một tên Thiết Sửu giúp vui cho A Tử chỉ để được ngắm khuôn mặt thiên kiều bá mị nhưng tràn đầy ác độc của cô. Mỹ đao vương Hồ Dật Chi say mê Trân Viên Viên, hầu thiếp của Bình Tây vương Ngô Tam Quế đến nỗi chịu hóa thân thành một kẻ làm vườn, tưới rau trong mấy chục năm để được lén nhìn Trần. Truyện võ hiệp của Kim Dung đã xây dựng thành công những chàng si tình bậc nhất thiên hạ, xứng đáng đoạt huy chương vàng trong lịch sử tiểu thuyết cổ kim.

Người ta còn tìm thấy trong tác phẩm tiểu thuyết của ông những tình yêu ngang trái, rất người, thoát ra khỏi khuôn mẫu cho phép của lễ giáo phong kiến Trung Quốc. Đó là Tiểu Long Nữ sư phụ, một cô gái trong sáng bị kẻ tà dâm cưỡng bức, yêu say mê đồ đệ Dương Qua. Đó là Kỷ Hiểu Phù, vợ chưa cưới của Hân Lợi hanh phái Võ Đang, đã thất thân và đã yêu một ma đâu của Minh giáo là Dương Tiêu. Sinh ra một đứa con gái, Hiểu Phù đã can đảm đặt tên cho con là Dương Bất Hối (không hôi hận). Đó là Hồng phu nhân, vợ của giáo chủ Thần long giáo và A Kha, một thiếu nữ mất hết trinh tiết, đã trở thành vợ của Vi Tiểu Bảo.

Tiểu Thuyết của Kim Dung cũng đặt ra những trường hợp sa đoạ tình dục hết sức quái dị. Đó là Kiến Ninh công chúa, em gái vua Khang Hy, đã sa ngã với Vi Tiểu Bảo, một gã thái giám giả mạo, từ năm 14 tuổi. Kiến Ninh chỉ muốn được Vi Tiểu Bảo trói cột, đánh đập cho vỡ da toá máu mới được thấy lạc thú của trao thân. Cá biệt, có trường hợp của Đông Phương Bất Bại, giáo chủ Ma giáo, luyện Quỳ hoa bảo điển phải “dẫn đao tự cung”, trở thành kẻ ái nam ái nữ, quan hệ “yêu đương” với gã bộ hạ là Dương Liên Đình. Khi xây dựng những nhân vật, những loại “tình yêu” này, ông đã nghiên cứu rất kỹ những biểu hiện của tính cuồng dâm và đồng tính luyến ái.




Tác phẩm của Kim Dung có những đoạn nói đến tình yêu thật đẹp. Những nhân vật của ông không bao giờ thốt ra miệng chữ yêu nhưng tình yêu của họ nồng nàn trong ánh mắt, trong hành động và trong trái tim. Đó là A Châu trở về Nhạn Môn Quan chờ Kiều Phong để suốt đời “theo đại gia cùng đi săn chồn đuổi thỏ”. Đó là Tiểu Siêu chia tay với Trương Vô Kỵ trên biển “về Ba Tư, đừng nói lên ngôi thánh nữ, dẫu có làm đến nữ hoàng đi nữa mà xa công tử thì cuộc đời cũng rất vô vị”. Đó là Nhậm Doanh Doanh bắn tin cho giới ma đầu trên giang hồ phải giết ngay Lệnh Hồ Xung vì “ta muốn ngươi ở mãi bên ta để ta chở che, bảo vệ”. Đó là Triệu Mẫn với Trương Vô Kỵ: “Lông mày thiếp đã nhạt màu rồi. Công tử kẻ lại giùm cho thiếp đi”. Những lời tỏ tình mang đầy tính ẩn dụ và biểu tượng như thế khiến tác phẩm vừa sâu, vừa không dung tục.

Một điểm khác cũng đáng bàn đến là trong tác phẩm của Kim Dung vẫn có những tình yêu trá nguỵ. Nhạc Linh San bỏ Lệnh Hồ Xung để làm vợ gã ái nam ái nữ Lâm Bình Chi bởi mưu đồ chiếm pho Tịch tà kiếm phổ của Nhạc Bất Quần. Chu Chỉ Nhược đánh lừa hứa hôn với Trương Vô Kỵ để đánh cắp bộ Cửu âm chân kinh theo di huấn của sư phụ là Duyệt Tuyệt sư thái. Nhưng tuổi trẻ của Nhạc Linh San, Chu Chỉ Nhược không nghĩ ra được sự trá nguỵ ấy. Phần trá nguỵ, âm mưu thuộc về sự sắp đặt của những người lớn, người thầy, người cha.

Đọc tác phẩm của Kim Dung, người ta khám phá ra cái đẹp của tình yêu. So với những tác giả cùng thời, tình yêu trong tiều thuyết võ hiệp của ông trong sáng, lành mạnh. Thông qua tình yêu, ông giáo dục cho con người cái mỹ cảm về đạo đức. Nói rằng tác phẩm võ hiệp, thật ra chỉ là một cách nói. Chính tình yêu đã làm nên cái hồn, sự sống cho tiểu thuyết võ hiệp. Mỗi tác phẩm của ông ra đời trở thành một bức thông điệp ngọt ngào cho tình yêu lứa đôi.

No comments:

Post a Comment