Trang
▼
▼
Thursday, October 10, 2013
Y học trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
(Vietkiemhiep) - Khát vọng sống lâu, mạnh khỏe không chỉ là khát vọng riêng của người Trung Quốc mà còn là của toàn thể nhân loại. Trung Quốc là đất nước có một nền y học cổ truyền rất thâm hậu và những hoạt động y học cổ truyền của đất nước này đã hình thành khái niệm Đông y.
Hơn 1.800 năm trước, danh y Hoa Đà đã có những công trình nghiên cứu y học thời danh, trong đó có nguyên tắc luyện khí công gọi là Ngũ thú khí công (hay Ngũ cầm hí), mô phỏng chiêu thức hoạt động của loài cọp, gấu, nai, khỉ và hạc (Hổ hí, Hùng hí, Lộc hí, Hầu hí, Hạc hí). Quan điểm cơ bản của Hoa Đà có thể tóm tắt là mô phỏng hoạt động của năm động vật trên, hít làm không khí thanh lương vào phổi và nạp xuống Đan điền, vận dụng vào từng bộ phận trên cơ thể, giúp con người khỏe mạnh. Võ học thấy rằng sức mạnh đó có thể dùng để chế ngự được kẻ khác. Có thể nói, truyện võ hiệp Kim Dung cũng tràn đầy kiến thức y học.
Đọc truyện võ hiệp Kim Dung, người ta thường bắt gặp hai khái niệm nội công và ngoại công. Nội công là tiềm lực, sức mạnh bên trong của hào khác giang hồ. Ngoại công là chiêu thức, quyền cước bên ngoài. Kẻ có nội công cao, theo Kim Dung mô tả, là kẻ hái một chiếc lá, bẻ một bông hoa cũng có thể sát thương địch thủ. Kẻ có ngoại công cao thì thái dương huyệt gồ cao, khi vũ lộng tay chân, gân cốt nổi lên, các khớp xương kêu răng rắc. Nội công là cái gốc, ngoại công là cái ngọn. Luôn luôn kẻ có nội công cao là kẻ hơn người.
Trong 12 bộ tiểu thuyết, có trường hợp cá biệt Kim Dung để cho ngoại công thắng nội công. Nhạc bất quần, sư phụ Lệnh Hồ Xung, chưởng môn phái Hoa Sơn theo phe Khí tông (lấy khí làm chủ). Y dạy Lệnh Hồ Xung rằng phải vận khí trước rồi mới phóng chiêu thức ra sau, mỗi chiêu thức đều có thuớc tấc, bộ vị nhất định. Khi Lệnh Hồ Xung tình cờ gặp thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương theo phe Kiếm tông (lếy kiếm thức làm chủ), đang ẩn cư trong hang núi Hoa Sơn thì Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung rằng chỉ cần kiếm chiêu liên miên bất tuyệt, đánh ra theo ý muốn của mình như nước chảy mây trôi là đã khắc chế được địch thủ. Lệnh Hồ Xung đã lĩnh hội được phép sử kiếm ý (ý nghĩ đến đâu, kiếm phóng ra đến đó) chứ không sử kiếm chiêu và gọi đó là biện pháp “liệu địch tiên cơ” (ra tay, chiếm thời cơ trước kẻ địch). Và rõ ràng, phương pháp Kiếm tông đã thắng Khí tông: Lệnh Hồ Xung mất hết công lực vẫn đánh ra một chiêu, đâm mù mắt 15 kẻ địch hùng mạnh (Tiếu ngạo giang hồ).
Các khái niệm nội công, ngoại công, chiêu thức - đầu tiên là khái niệm y học chứ không phải của võ học. Trong mỗi bộ sách của mình, Kim Dung thường xây dựng một hoặc vài ba nhân vật thầy thuốc. Những thầy thuốc này được gọi rất trang trọng: danh y, thần y. Bên cạnh thứ thuốc cứu người, Kim Dung còn xây dựng những nhân vật chuyên đánh thuốc độc, đầu độc kẻ khác. Quan điểm của ông rất mới lạ: thuốc độc cũng là một dạng thuốc cần thiết phải dùng đến. Trong Tiếu ngạo giang hồ, người ta gặp Sát nhân danh y Bình Nhứt Chỉ. Cả ngoại hiệu và tên của người này cũng rất lạ lùng: thầy thuốc nổi tiếng (danh y) nhưng cứu một người thì phải giết một người (sát nhân) và khi cứu người hay giết người, đều chỉ dùng đến một ngón tay (bình nhứt chỉ). Bên cạnh Bình Nhứt Chỉ, Tiếu ngạo giang hồ cũng có một độc vương. Đó là Lam Phượng Hoàng, cô gái người Miêu Cương, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam. Tài năng của Bình Nhứt Chỉ hay đến nỗi mới bắt mạch Lệnh Hồ Xung đã biết Lệnh Hồ Xung được uống rượu và truyền máu của bọn Ngũ độc giáo! Trong Thiên Long bát bộ, người ta gặp Thần y Tiết Mộ Hoa. Đối lập với Tiết Mộ Hoa chuyên cứu người là một tay độc vương dễ sợ chuyên đầu độc người. Đó là Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu, giáo chủ Tinh Tú phái.
Trong Ỷ thiên Đồ long ký, có hai danh y là Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu và vợ là Vương Nạn Cô. Hai vợ chồng kình chống nhau bằng cách Hồ Thanh Ngưu chữa thương cho thân chủ ban ngày thì ban đêm, Vương Nạn Cô lén đến đầu độc cho thân chủ bệnh trở lại.
Tác phẩm võ hiệp Kim Dung đã đề cập đến những phương pháp y học, biện pháp chữa bệnh lâm sáng mà ngày nay, nhân loại vẫn đang thực hiện. Trong cách truyền máu, Kim Dung đã mô tả phương pháp dùng đỉa hút máu để tiếp máu ấy qua cho người bệnh. Đó là đoạn Lam Phượng Hoàng cùng các nữ đệ tử Ngũ độc giáo tiếp máu cho Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ). Chỉ có một điều đáng tiếc là y lý của Lam Phượng Hoàng còn non nớt nên đã đem máu thuần âm của phái nữ truyền vào cho một nguời bệnh dư khí âm hàn như Lệnh Hồ Xung.
Truyện võ hiệp Kim Dung còn đề cập đến việc dùng thuốc. Thuốc cổ truyền Trung Hoa gồm cao (thuốc dán), đơn (hay thang, thuốc thang), huờn (hay hoàn, thuốc viên), tán (thuốc bột). Những nhân vật của Kim Dung đã dùng thuốc cứu chữa cho bệnh nhân của mình: Trương Vô Kỵ ra toa, cắt thuốc thang cho Thường Ngộ Xuân (Ỷ thiên Đồ long ký); bọn bàng môn tả đạo ăn cắp thuốc cho Lệnh Hồ Xung lại bắt 7 vị thầy thuốc đến coi bệnh cho chàng (Tiếu ngạo giang hồ).
Truyện võ hiệp Kim Dung cũng nói nhiều đến chuyện dùng nội công chữa thương cho những người bị chấn thương vì nội công. Trong trường hợp này, nội công của người thầy thuốc phải cao hơn hoặc tương đương với nội công của người bị thương thì động tác chữa thương mới thực hiện được. Như Trương Vô Kỵ dùng Tiên thiên Cửu dương công chữa trị cho trương Tam Phong, Hân Thiên Chính và bọn quần hào trên Quang Minh Đỉnh; Bình Nhứt Chỉ vỗ Bách hội huệt truyền nội công chữa cho Đào Thực Tiên, Bất Giới hoà thượng trút công lực chữa trị cho Lệnh Hồ Xung.
Triết học Trung Hoa cổ phân biệt rất rõ khái niệm Lưỡng nghi (hai mặt Âm – Dương). Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Thái dương, Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm), Tứ tượng sinh Bát quái (Càn, Khảm, Chấn, Tốn, Cấn, Ly, Khôn, Đoài). Võ công cũng như y học trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đều triệt để dựa trên nền tảng triết học ấy. Nội công dương cương và tính năng dương cương hoàn toàn mâu thuẫn với nội công âm nhu và tính năng âm nhu. Cho nên, trong Tiếu ngạo giang hồ, Tổ Thiên Thu ăn cắp Tục mệnh bát hoàn của Lão Đấu Tử dùng cho con gái là Bất Tử, bọn Lam Phượng Hoàng truyền máu của các cô gái Miêu cương để cứu chữa cho Lệnh Hồ Xung là sai nguyên tắc y học (và cả triết học nữa). Chính Bình Nhứt Chỉ khi cầm tay Lệnh Hồ Xung chẩn mạch đã khám phá ra lập tức tình trạng pha trộn âm dương trong con người Lệnh Hồ Xung. Lão lại khám phá ra thêm rằng thân chủ của mình bạc nhược tinh thần, bị tình yêu hành hạ, bị rượu làm cho con người hô héo. Lão chửi toáng lên: “Mẹ cha nó! Thật là nát bét đến năm bảy tầng. Người thật là con người chẳng ra gì”. Nếu Lệnh Hồ Xung không phải là người yêu của Thánh cô Doanh Doanh, nếu không phải đích thân Doanh Doanh mời lão đến chữa thương cho Lệnh Hồ Xung thì lão đã tát cho Lệnh Hồ Xung mấy cái ra trò vì đã uống thuốc tào lao, nhận máu của bọn Lam Phượng Hoàng, mất hết nội công mà còn nát rượu và bạc nhược tinh thần vì gái!
Thế nhưng, thỉnh thoảng âm dương cũng có thể hoà hợp nau trong một con người. Đó là trường hợp của Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành), uống hai thứ rược âm dương của Trương Tam và Lý Tứ. truyện của Kim Dung cũng mô tả tình trạng dùng lý trí chống lại cơn khao khát tình dục. Người Trung Hoa gọi động tính giao giữa nam nữ là âm dương hoà hợp. Chính vì vậy, để phá thanh danh của hoàng gia Đại Lý, Thanh bào khách Đoàn Diên Khánh đã buộc thế tử Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh (nghi là em cùng cha khác mẹ với Đoàn Dự), uống một loại thuốc kích dục cực mạnh là Âm dương hòa hợp tán. Mộc Uyển thanh không đủ công lực, cơn khát khao tình dục nổi lên nhưng Đoàn Dự vốn là người học đạo Nho, vẫn giữ được lý trí sáng suốt, không thể loạn luân với cô em gái.
Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung đã đề cập đến các động tác chấn thương chỉnh hình. Dư Đại Nham phái Võ Đang bị Kim Cương chỉ đánh gãy hết các khớp xương phải nằm thoi thóp 20 năm (Ỷ thiên Đồ long ký). Trương Vô Kỵ học được y thuật của Hồ Thanh Ngưu, xin phép Dư Đại Nham gõ vỡ hết các khớp xương để dán thuốc cao chỉnh hình trở lại. Trong truyện này cũng nói đến một ca chấn thương sọ não kỳ lạ. Tống Thanh Thư mưu phản môn phái, bị tứ sư thúc là Dư Liên Châu dùng Thái cực quyền phái Võ Đang đánh vỡ xương sọ. Trương Vô Kỵ nhận chữa bệnh cho bệnh nhân này. Anh diểm huyệt để gây mê, cạo hết tóc, ráp lại xương sọ rồi băng bó. Sau này, Thanh Thư chết vì bị Trương Tam Phong trừng trị nhưng sách võ hịêp vẫn còn để lại một ca chữa chấn thương sọ não khá thú vị.
Thế nhưng, dù y học có tài giỏi đến đâu, y thuật có thâm hậu đến đâu, người ta vẫn đầu hàng những trường hợp bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh vì trúng chất Kỵch độc. Trong trường hợp đó, Kim Dung sử dụng biện pháp cuối cùng: chặt bỏ. Lộc Đỉnh ký có đoạn thuật chuyện bọn Lạt ma Tang Kết từ Tây Tạng xuống Trrung Quốc, truy đuổi Cửu Nạn sư thái và Vi Tiểu Bảo để lấy cho được bộ Tứ thập nhị chương kinh. Vi Tiểu Bảo chống không lại, đã nghĩ cách đầu độc Tang Kết bằng một chất Kỵch độc trong Hoàng cung Thanh triều mà y vẫn thường mang theo bên người: Hoá thi phấn. Y nhúng nước cho Tứ thập nhị chương kinh ướt đi rồi rắc hóa thi phấn vào đó. Quyển kinh đã bị nhiễm độc: những ngón tay dùng để giở các tờ kinh bị ướt nhanh chóng bị nhiễm độc, cụt đi và chảy thành nước vàng. Tang Kết nhanh trí chặt bỏ cánh tay của mình mới toàn mạng sống. Trong Thiên Long bát bộ có đoạn Thần Nông bang chúa Tư Không Huyền bị rắn độc cắn, phải chặt bỏ cánh tay.
Muốn ngăn nọc độc vào tim phổi
Tráng sĩ già gan chặt cánh tay
(Kim Dung)
Truyện võ hiệp Kim Dung đề cập đến khá nhiều động tác phong tỏa huyệt đạo. Muốn phong tỏa huyệt đạo, người học võ phài hiểu toàn bộ hệ thống huyệt đạo con người, phải nhả vào huyệt đạo bao nhiêu kình lực mới đủ sức phong tỏa. Phong tỏa huyệt đạo nhằm khắc chế một địch thủ, nhằm chữa thương cho một người, giúp người đó tránh được cảm giác đau đớn hoặc giảm cảm giác đau đớ. Phong tỏa huyệt đạo còn nhằm ngăn chặn quá trình nhiễm độc, an tĩnh và trấn định thần kinh. Những nhân vật của Kim Dung đã sử dụng thủ pháp châm cứu để phong tỏa huyệt đạo như vậy. Hồ Thanh Ngưu, Trương Vô Kỵ đã dùng gai, dùng tăm tre thay cho kim sắt, châm cứu cho bệnh bệnh nhân. Từ vị trí các huyệt đạo của y học, Kim Dung đã mô tả những đòn thế đánh vào các huyệt đạo để giải khai tình trạng bị phong tỏa, để gây những chấn thương trầm trọng cho địch thủ. Thí dụ các huyệt Đan điền, Thái Dương, Bách hội là những trọng huyệt. Đánh vào đúng những huyệt này có thể làm đối thủ chết hoặc bị thương nặng.
Tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung cũng đề cập đến động tác đả thông huyệt đạo, giúp người luyện võ thăng tiến công lực, đốt giai đoạn trong quá trình rèn luyện để đạt nhanh tới mức thượng thừa. Ông thường nói đến những nhân vật đã được đả thông hai trọng đểm Sinh Tử huyền quan, hoặc Kỳ kinh bát mạch nhưng trong trường hợp của nhà sư trẻ Hư Trúc được Vô Nhai Tử đả thông kinh mạch và truyền cho nội lực thượng thừa.
Tác phẩm võ hiệp Kim Dung cũng phác thảo những ca phẫu thuật hy hữu. Đào Thực Tiên bị kiếm đâm lòi ruột được Bình Nhứt Chỉ khâu vết thương. trương Vô Kỵ trên Tuyết Sơn mổ vết thương cho con vượn già, tìm được bộ Cửu dương chân kinh. Các nhân vật của Kim Dung thường thông thạo cách băng bó, sát trừng, giữ vệ sinh cho những người bị ngoại thương.
Vượt xa những tác phẩm đương đại, Kim Dung cũng thường hay đề cập đến cách luyện độc và dùng độc bởi vì thuốc độc cũng là thuốc. Có kẻ tự nguyện luyện độc như Hân Lý (Ỷ thiên Đồ long ký) luyện môn Thiên châu tuyệt hộ thủ bằng cách cho loài nhện chúa (châu) cực độc hút máu bàn tay của mình và truyền vào đôi tay mình chất Kỵch độc của loài nhện. Với cách luyện này, nếu thành công, hơi thở của Hân Ly sẽ thơm như mùi hoa lan (?) và khi cô chộp vào địch thủ nào thì dẫu địch thủ ấy có sống được thì cũng không thể sinh con đẻ cái được nữa (tuyệt hộ).
Du Thản Chi (Thiên Long bát bộ) đã bị băng tàm trùng độc do nhà sư Tam Tỉnh mang từ Tây Vực về truyền hết chất âm hàn vào người. May mà hắn không chết vì trước đó hắn đã học... trật bộ Dịch Cân Kinh Thiếu Lâm khiến toàn bộ kinh mạch trong người bị đảo lộn. Với nội công âm hàn, hắn chỉ khẽ vỗ vào địch thủ một chiêu cũng khiến cho địch thủ lên cơn rét và biến thành nước đá (!).
Có luyện độc tất có dùng độc. Một cách dùng độc khá hy hữu nhưng cũng rất mới lạ của cung Linh Thứu là cấy Sinh tử phù vào người đối thủ. Hư trúc, dưới chân núi chùa Thiếu Lâm, đã dùng Bắc minh chân khí hoá những giọt rượu của đệ tử tạt lên không gian thành những miếng băng nhỏ, cấy vào những trọng huyệt của Đinh Xuân Thu, khắc chế lão ma đầu này phải quy thuận. Nói theo y học hiện đại, đó là phương pháp cấy một chất kháng nguyên vào người bệnh nhân và khi kháng nguyên phát tác thì bệnh nhân chỉ còn biết đến năn nỉ thầy thuốc chữa trị. Trong Lộc Đỉnh ký, những nhân vật dùng độc khá nhiều. Hải lão công dùng Hủ cốt tán (thuốc làm nát xương dần dần) bỏ vào trà cho Vi Tiểu Bảo uống. Giáo chủ Thần long giáo Hồng An Thông dùng Độc long dịch cân hoàn cho thuộc hạ uống. Giáo chủ Ma giáo Đông Phương Bất bại (Tiếu ngạo giang hồ) lại cho bọn thuộc ha uống Tam thi não thần đan. Tên thuốc thì rất hay nhưng là thuốc độc, uống vào phải trung thành (hoặc giả bộ trung thành) với người cho uống. Nếu có hành vi chống đối, tất không có thuốc giải, phải chịu nhận cái chết thảm thương.
Kim Dung cũng mô tả những thủ pháp đánh độc dược rất tinh tế, đẵc biệt ở dạng thuốc bột. Thuốc bột được bôi lên quan tài (Liên thành quyết), được phủ trong khăn mặt, được hoà vào rượu, trộn vào thức ăn, được rải bay trong gió.
Côn glực là tiềm lực võ thuật của từng cá nhân, không thể đem cho người khác được. Nhưng tiểu thuyết gia Kim Dung cực kỳ lãng mạn: ông cứ cho các nhân vật của mình đem công lực cho kẻ khác. Chính vì vậy, Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Ma giáo, đã hút công lực kẻ khác bằng thủ pháp Hấp tinh đại pháp. Đào cốc lục tiên và Bất Giới hoà thượng đem công lực truyền cho Lệnh Hồ Xung. Đoàn Dự hút công lực của các đệ tử Huỳnh Mi Tăng, biến tất cả thành những người võ công tàn phế.
Cáng lãng mạn hơn nữa, Kim Dung cho phép thủ pháp xoá hẳn công lực của một người khác, tu theo một môn phái khác để truyền công lực mới vào. Đó là Vô Nhai Tử xoá hết công lực Thiếu Lâm của Hư Trúc và truyền công lực của phái Tiêu Dao vào, biến nhà sư trở thành đại biểu của phái Tiêu Dao!
Huyệt đạo trong cơ thể con người thường ở vào những vị trí cố định, ai cũng như ai. nhưng với trí tưởng tượng phong phú của Kim Dung, theo tình huống đưa đẩy câu chuyện, ông đã để cho những nhân vật cá biệt của mình luyện tập sai phương pháp; huyệt đạo không còn ở đúng chỗ cũ nữa. Đó là trường hợp của Du Thản Chi (Thiên Long bát bộ) luyện sai Dịch cân kinh Thiếu Lâm, của Âu Dương Phong (Xạ điêu anh hùng truyện) luyện sai Cửu âm chân kinh đến nỗi xuống đời phải đi bằng tay, chúc đầu xuống đất.
Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng đề cập đến những vị thuốc mà thường là thuốc quý dùng trong y học. Đọc Thiên Long bát bộ, ta thật sự xúc động khi Tiêu Phong đánh quá tay A Tử, hối hận vì hành động thiếu anh hùng của mình, đã bồng cô ra cùng Đông Bắc Trung Quốc kiếm nhân sâm, tay gấu chữa bệnh cho cô. Tác phẩm của ông cũng từng đề cập đến Linh chi thảo (cỏ linh chi) hoặc Thiên niên Tuyết liên tử (hạt sen ngàn năm trên đất tuyết) có giá trị hồi dương. Cũng trong Thiên Long bát bộ, Đoàn Dự nuôt lộn con nhái đỏ Mãng cổ chu cáp mà trở thành người có nội công đệ nhất.
Vị thuốc nằm trong toa thuốc. Tuy nhiên, có những toa thuốc mang ý nghĩa ẩn dụ một cách tuyệt vời mà các thầy lang bình thường chưa chắc khám phá được, Như toa thuốc mà Hồ Thanh Ngưu ra cho Trương Vô Kỵ: Phòng phong, Độc hoạt, Đương quy, Xuyên sơn giáp, uống vào canh ba. Cậu bé Trương Vô Kỵ 15 tuổi đọc toa thuốc này, hoàn toàn hoài nghi về cách ra toa bừa bãi với các vị thuốc phổ thông của Hồ Thanh Ngưu. Nhưng trí thông minh đã giúp cậu hiểu ra nghĩa ẩn dụ nằm trong những vị thuốc bình thường: coi chừng (Phòng phong), đi một mình (độc hoạt), quay về (Đương quy), bằng cách đi ngang qua núi (Xuyên sơn giáp). Hồ Thanh Ngưu đang lúc lâm nguy, muốn cứu Trương Vô Kỵ nên ra toa thuốc bảo chàng trốn đi vào lúc canh ba ra khỏi Hồ điệp cốc ngay!
Tôi xin nhắc sơ lược đến hai chữ “tình yêu” khá lạ lùng của Kiến Ninh công chúa (Lộc Đỉnh ký) và cặp Đông Phương Bất Bại – Dương Liên Đình (Tiếu ngạo giang hồ). Nếu nhìn dưới nhãn quan y học thì các nhân vật vừa nói ít nhiều đã bị chứng bệnh tâm thần và Kim Dung đã mô tả cho chúng ta (chứ không bình luận) về trạng thái bệnh lý của họ. Kiến Ninh công chúa, cô bé mới 14 tuổi, là một nhân vật bị chứng khổ dâm (Masochisme). Chứng khổ dâm được định nghĩa là “trạng thái mà trong đó chủ thể chỉ tìm thấy được khoái lạc tình dục qua sự đau đớn về thân xác” (Perversion dans laquelle le sujet recherche le plaisir sexuel dans la douleur physique – Petit Larousse). Kiến Ninh công chúa chỉ thực sự tìm thấy khoái lạc khi thái giám giả hiệu Vi Tiểu Bảo bóp cổ, đánh đập, lấy dao rạch, lấy dây quất vào người cô trước khi chăn gối. Còn Đông Phương Bất Bại đã tự thiến để luyện QUỳ hoa bảo điển (một tên gọi khác của Tịch tà kiếm phổ) nên thành ái nam ái nữ. Y chỉ tìm thấy được khoái lạc tình dục khi có Dương Liên Đình, một nhân vật tốt tướng đẹp trai, ăn mặc xa hoa như một nhà hao phú. Khi bị bốn cường địch là Nhận Ngã Hành, Hướng Vân Thiên, Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung bao vây, y chỉ cần chống đỡ bằng một cây kim thêu mà đã đâm Ngã Hành mù một mắt. Phải đến lúc Doanh Doanh hành hạ Dường Liên Đình, Đông Phương Bất Bại nhìn thấy và đau đớn, mới chịu thua và chết dưới tay sát thủ của Nhậm Ngã Hành.
Võ học luôn kết hợp chặt chẽ với y học. Môn phái nào trong võ hiệp Kim Dung cũng biết dùng thuốc, chữa thương, nuôi nấng và chăm sóc người bị thương. Tất cả đều dựa trên y thuật cổ truyền của người Trung Hoa và do vậy, những điều mà Kim Dung điễn đạt đều có cơ sở khoa học. Thỉnh thoảng, trong vài bộ tiểu thuyết của ông cũng có những điều phi khoa học hoặc không được khoa học hiện đại kiểm chứng như chuện thay đổi công lực, đả thông hai huyệt Nhâm D(ốc. Người ta có thể hoài nghi các giả thuyết đó. Nhưng ai cấm được sự hư cấu, vốn là tình thần và nguyên tắc của sáng tạo tiểu thuyết? Ai cấm được nhà văn diễn đạt một cách lãng mạn, vượt ra ngoài quy luật thông thường của cuộc sống.
Một điều rõ ràng là Kim Dung chỉ viết tiểu thuyết chứ không hề viết sách nghiên cứu về y học Trung Hoa. Nhưng dù là nhà tiểu thuyết, rõ ràng ông đã nghiên cứu kỹ lĩnh vực y học của dân tộc ông để dung nạp một cách hài hoà với lĩnh vực võ học. tạo ra nhưng kiến thức y học phong phú cho tác phẩm và đem lại hứng thú cho người đọc. Kiến thức y học cũng như võ học ấy được xây dựng trên nền tảng kiến thức triết học Trung Hoa. Tất cả khời đi với âm dương và cùng trở về trong cái lẽ huyền diệu của âm dương.
No comments:
Post a Comment