Trang

Monday, June 23, 2014

Nhà văn Kim Dung trả lời phỏng vấn của sinh viên Ðại Học Bắc Kinh năm 1994

Sinh viên Ðại Học Bắc Kinh đã có buổi phỏng vấn nhà văn Kim Dung, nhân dịp tiểu thuyết gia nhận chức Giáo Sư Danh Dự vào ngày 25/10/1994. Dưới đây là những câu trả lời rất thú vị và đầy thông tin của ông.

- Những nhân vật trong tác phẩm của ông đều trọng "Nghĩa khí". Theo ông, phải chăng "Nghĩa khí" là cái gì trọng yếu trong cuộc sống chúng ta ? 


- Quan niệm đạo đức bao gồm nhiều phương diện trong phép xử sự trong cuộc sống con người. "Nghĩa" là một bộ phận không thể thiếu trong ấy. Cái gì gọi là "Nghĩa" ? Mạnh Tử cho rằng đó là hành vi chánh đáng, hợp lý và thích nghi. Tiểu thuyết nghĩa hiệp được đặc biệt cường điệu ở hành vi "Nghĩa", vì thời xưa, những tay lưu lạc giang hồ, rày đây mai đó, không có sự chi viện của gia đình, cũng không có cố định sinh hoạt kinh tế, nên câu : "Ở nhà thì nhờ có cha mẹ, ra đuờng thì nhờ có bạn bè", được chú trọng, nên sinh hoạt của họ chủ yếu là nhờ bạn bè. Ðể đối phó với bọn cường hào ác bá, ỷ chúng hiếp cô, cũng như phải đương đầu với bọn quan liêu, tham ô lộng quyền, áp bức dân lành, một số người "Nghĩa khí" đoàn kết lại để phản kháng. Muốn đoàn kết lại thành một sức mạnh, ý chí họ phải nhất trí, trước hết họ phải chú trọng đến "Nghĩa khí". Họ phù trì với nhau, hướng hành động vào một mục tiêu chung, thậm chí có hy sinh tánh mạng cũng chẳng màng. Cho nên, tinh thần trọng nghĩa được đặc biệt đề cao trong mọi tiểu thuyết nghĩa hiệp.

Trong truyền thống của người Trung Hoa, tinh thần "Nghĩa khí" lúc nào cũng được đặt ở địa vị trọng yếu trong phép xử thế làm người và đấy cũng là một sức mạnh quan trọng mà dân tộc Trung Hoa sở dĩ được lớn mạnh và phát triển không ngừng.

- Những nhân vật chính trong các tác phẩm của ông thường là những thanh niên luôn được nữ giới ái mộ. Xin hỏi quan niệm của ông đối với vấn đề tình yêu chung thủy như thế nào ?

- Tôi tin rằng đây là một vấn đề được nhiều thanh niên nam nữ quan tâm. Tiểu thuyết của tôi mô tả tình trạng xã hội cổ xưa. Thời xưa, không có chế độ quy định gia đình chỉ có một chồng một vợ, nên nhân vật Vi Tiểu Bảo trong truyện có tới 7 người vợ. Vì vậy, Lộc Ðỉnh Ký không được nhiều độc giả nữ ưa thích, ngay cả bà xã tôi cũng thế. Thực sự, hồi xưa thời vua Khang Hi, người làm quan có tới 5--7 người vợ là chuyện không lấy gì làm lạ. Giá như người làm quan mà nói rằng chỉ có một vợ thì đó là điều không thực. Hiện có nhiều tiểu thuyết nghĩa hiệp được thêm vào trong những tư tưởng hiện đại, nên trong số các tác phẩm tiểu thuyết của tôi, ngoài Vi Tiểu Bảo có nhiều vợ ra, còn các vị anh hùng khác chỉ giữ một "bà" mà thôi. Ví như Dương Qua trong Thần Ðiêu Hiệp Lữ, người đã được nhiều phái nữ yêu mến tỏ tình, nhưng chàng vẫn chuyên tâm bất nhị. Ðó là lý tưởng tình yêu của chàng hiệp sĩ, còn sự thực giữ được lòng hay không thì không ai biết được. Tôi viết tiểu thuyết thì phải viết như vậy ! Một thí dụ khác, như Lệnh Hồ Xung, nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ rất yêu thương sư muội của chàng, nhưng chàng phải thất vọng vì không được hồi đáp lại. Chàng không có cách nào khác hơn, chỉ âm thầm lặng lẽ trong mối tình bơ vơ. Mãi tới khi sư muội của chàng sánh duyên với người khác và sau đó qua đời, chàng mới chịu kết hôn với một cô gái khác. Tôi viết cây truyện này như mong muốn, như khuyến khích người đời có tính chuyên nhất bất nhị với người yêu đến chết mới thôi.

- Tư Mã Thiên đã ca tụng hiệp sĩ rất nhiều, nhưng tại sao những nhân vật anh hùng trong Thất Hiệp Ngũ Nghĩa lại trở thành tay sai của chánh phủ vương triều ? 

- Tôi cũng đồng ý. Mỗi triều đại đều có sự thay đổi, giá như "hiệp khách" mà trở thành tay sai của chánh quyền thì không phải là "hiệp" rồi. Hiệp sĩ nên là người chủ trì chánh nghĩa, giúp đỡ những người bất hạnh, người bị áp bức, đối xử bất công trong xã hội. Ðấy có lẽ người viết muốn vuông tròn mọi mặt, nên phải xây dựng cốt truyện với những hiệp khách giúp tay chính phủ để chủ trì chính nghĩa, như nội dung trong tác phẩm Thất hiệp ngũ nghĩa, Thi công án, Bành công án v..v.., đều có những anh hùng phục vụ chánh quyền, tảo trừ bọn thổ hào ác bá, bọn tham quan ô lại. Hành động họ biểu hiện đều là chủ trì chánh nghĩa, nhưng còn nhiều mặt khác thì chưa hẳn.

- Xin hỏi, có phải ông có ý định an bài số mạng của nhân vật chánh trong Thần Ðiêu Hiệp Lữ thành một bi kịch khi kết cuộc hay không ? 

- Tôi viết tiểu thuyết truyện dài đăng trên báo hàng ngày, nên mỗi ngày tôi đều viết một đoạn văn, chừng 1 000 chữ gửi đi, ngày hôm sau có bài trên trang báo. Tôi viết liên tục như vậy, nhiều khi tôi xuất ngoại, tôi cũng nhín thì giờ viết bài, gởi bài về tòa soạn để báo kịp lên khuôn.

Khi tôi bắt đầu viết, tôi chỉ xây dựng mẫu chuyện với mấy nhân vật, rồi câu chuyện diễn tiến dần và cá tính tự nhiên của mỗi nhân vật được biểu hiện qua những tình tiết phát triển của sự việc, của hoàn cảnh.

Kết thúc câu chuyện, có khi là bi kịch, có khi là hỉ kịch, nhưng đa số tác phẩm tiểu thuyết của tôi đều có đoạn kết bằng sự xum họp vui vầy.

Ở đoạn chung kết trong tiểu thuyết, tôi không có ý sắp xếp thành tấn bi kịch mà tôi khai triển câu chuyện theo cá tính tự nhiên của nhân vật trong truyện.




- Ông đã cấu trúc tư tưởng như thế nào mà tạo ra người như giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo ? Phải chăng đó là "nguyên hình" của thứ sinh hoạt gì chớ ? 

- Thành thật mà nói, khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này chính là lúc cuộc "Cách mạng đại văn hóa" tại Trung Quốc đang bùng ra. Cá nhân tôi vốn phản đối việc sùng bái cá nhân, phản đối sử dụng bạo lực bức hại những người thuộc chính pháì. Lúc bấy giờ, tôi có viết nhiều bài bình luận về tư tưởng thống trị của bọn "Tứ nhân bang" và chống việc sùng bái cá nhân mà tôi cho là vô nghĩa. Ngay trong thời đó, hàng ngày tôi phải viết bài xã luận và một đoạn tiểu thuyết, còn phải phối kiểm tin tức từ các nơi gởi về, lọc tin cho lên mặt báo v..v.., thành ra có lẽ tôi bị ảnh hưởng khi tôi viết truyện.

- Bằng ngòi bút sắc bén với lối văn điêu luyện, phải chăng ông đã gửi trọn tiếng lòng của ông qua các hành động của những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết của ông ? 

- Có nhiều loại người khác nhau được xuất hiện trong các sách tiểu thuyết của tôi. Tôi không thể hóa thân trong nhiều loại người ấy được, chỉ hy vọng tôi viết không trùng phúc về cá tính của các nhân vật trong truyện. Nhưng khi tôi đặt bút viết thì khó buông thoát hoàn toàn cá tính và cách suy nghĩ của mình; do đó có thể trong văn có phản ảnh phần nào về tâm tư của chính mình. Tôi không nói là tôi được tốt như những nhân vật anh hùng trong truyện, nhưng đó chỉ là niềm hy vọng được ký thác. Ví như phong cách của Kiều Phong, của Quách Tỉnh rất được nhiều người kính mến; thướt tha như Lệnh Hồ Xung, hòa hài như Ðoàn Dự, thì tôi làm gì có được. Tôi chỉ mong làm sao được như họ, nên phản ảnh lý tưởng của tôi vào trong truyện.

- Tâm lý dân tộc với văn hóa trình bày trong sách, hai vấn đề này có liên quan tới nhau không ? 

- Hôm trước tôi có phát biểu một chút về cái nhìn của tôi đối với lịch sử Trung Quốc. Tôi cho rằng ta nên thay đổi cái nhìn đối với sự thống trị của dị tộc trong lịch sử Trung Quốc. Hán tộc và các dân tộc thiểu số khác đều cùng là một phần của dân tộc Trung Hoa. Hán tộc thuộc phái đa số, đã trải thời gian lâu dài chủ trì chánh phủ trung ương, thống trị phái thiểu số. Có khi phái đa số hủ bại, phái thiểu số đứng lên tranh đấu và rồi điều khiển chính quyền, như thế không phải nước Trung Quốc bị diệt vong, mà phải nói rằng dân tộc trong nhiều dân tộc Trung Hoa đã thay nhau làm cái (đánh bài). Cách bao nhiêu năm sau, lại có cuộc thay đổi một dân tộc khác chủ trì đại cuộc. Sau cùng những dân tộc ấy hòa giải rồi dung hợp nhau thành một khối. Tôi vốn sớm có sự suy nghĩ như thế, cho nên nhân vật Trần Gia Lạc trong Thư Kiếm Ân Cừu Lục có tới 2 người yêu thuộc dân tộc Hồi. Trong Lộc Ðỉnh Ký, tôi cũng không biết được Vi Tiểu Bảo thuộc dân tộc gì. Thân mẫu của Vi Tiểu Bảo có chung chạ với nhiều nam tính : Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng. Giống như Kiều Phong, nhân vật chánh trong truyện Thiên Long Bát Bộ vốn là người Khất Ðan, yêu thương thiếu nữ người Hán tộc. Tôi cảm thấy quan hệ các dân tộc nên đoàn kết, dung hợp lại, dù trong lịch sử hay trong tiểu thuyết.

- Tại sao ông không viết tiểu thuyết thêm nữa ? 

- Mỗi chuyện đời đều có khởi điểm và chung điểm của nó. Tôi không thể viết nữa. Tiểu thuyết võ hiệp tôi đã viết khá nhiều, những gì tôi muốn biểu đạt, kể như đã khá đủ. Còn về sau này, tôi có viết tiểu thuyết lịch sử hay không, thì tôi không xác định được. Miễn là tôi còn đủ sức khoẻ, tôi sẽ tiếp tục viết thêm một vài bộ sách nữa cũng tốt.

- Viễn ảnh của môn tiểu thuyết võ hiệp sẽ ra sao ? 

- Hiện giờ thì hơi khó đoán được. Hồi trước, Hồng Kông và Ðài Loan cũng có khá nhiều người viết tiểu thuyết võ hiệp. Tới nay, gần như không còn người nào viết tiểu thuyết loại này nữa. Tôi mong rằng những nhà văn đại lục Trung Quốc sẽ chịu bỏ thì giờ ra trước tác những tiểu thuyết võ hiệp, thì chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm hay. Nhưng tiểu thuyết võ hiệp phải có bối cảnh lịch sử. Nếu lứa tuổi thanh niên không am hiểu tình trạng sinh hoạt của xã hội Trung Quốc thời xưa, thì khó mà viết được hay.

- Xin ông cho biết trong những bộ sách ông đã viết, tác phẩm của ông, ông thích bộ sách nào nhất ? 

- Vấn đề này thật khó trả lời, không biết tôi thích bộ sách nào nhất. Lúc viết, tôi rất hứng khởi và thích thú, viết rất rào rạt và khi viết xong thì tôi cảm thấy tác phẩm ấy dường như là đứa con của tôi. Con thì có đứa có tiêu chuẩn tốt chút, có đứa thì dở chút; tuy nhiên, chúng vẫn là con của mình, nên không thể phân biệt thương đứa con này nhiều hay thương đứa con kia ít.

- Ý Nghĩa hàm súc của bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ là gì ? 

- Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi ý muốn biểu đạt cách suy nghĩ và nỗi chán ghét chiến tranh quyền lực, nhân sinh quan coi nhẹ vấn đề tranh quyền đoạt lợi. Theo truyền thống dân tộc, có rất nhiều thành phần trí thức, sĩ đại phu hầu hết đều có quan niệm lạnh nhạt về vấn đề đấu tranh danh lợi, nhưng kết quả vị tất họ giữ được khí tiết. Ai cũng muốn làm quan, làm quan rồi thì muốn thăng quan tấn tước phát tài, nhưng khi phải viết văn chương thì luôn biểu đạt ý muốn làm ẩn sĩ vì chán chê cuộc đời. Ðấy cũng là một trong những cái truyền thống văn hóa Trung Quốc. Muốn vứt bỏ quyền lực không màng đến danh lợi, khó ơi là khó, nên Tiếu Ngạo Giang Hồ mang một nội dung biểu đạt tư tưởng truyền thống ấy.

- Trong tác phẩm Hiệp Khách Hành ông đã mô tả nhân vật chánh là người hoàn toàn không có tri thức, nhưng có thể lĩnh ngộ được các ngón võ công tuyệt đỉnh. Chàng ta không biết chữ, thiên tính lại ngu đần, vô dục vô cầu. Chúng tôi đang theo học ở đây, dù có cố gắng lên rồi sẽ ra sao ? 

- Mấy em không có gì phải thắc mắc hay lo lắng. Mấy em cũng không phải người học võ, mà là học văn, thì nên cố gắng học hành. Tôi viết truyện Hiệp Khách Hành theo quan niệm tư tưởng của Phật giáo : học vấn của người thế tục có thể gây trở ngại đối với sự lĩnh ngộ một cảnh giới tối cao của Phật pháp. Mục đích trong các công phu tham thiền của Thiền tông Phật giáo là cố xả bỏ những quan niệm chấp trước hiện hữu, nhất là quan niệm chấp trước về các danh từ và logic. Lý luận nhà Phật cố xua bỏ những quan niệm thế tục, làm được vậy mới khả dĩ lĩnh ngộ lên cao một từng thứ quan niệm tuyệt đối. Dĩ nhiên, đời sống chúng ta có khác với sinh hoạt của các nhân vật trong Hiệp Khách Hành. Chúng ta đang tầm cầu thứ học vấn tri thức xã hội hiện thực. Giả sử mấy em không biết chữ thì làm gì được theo học ở trường này.

- Ông còn tiếp tục viết thêm bộ sách mới nào về loại tiểu thuyết võ hiệp nữa không ? 

- Tôi không muốn có trước tác mới về loại tiểu thuyết võ hiệp, có lẽ tôi sẽ viết về loại tiểu thuyết lịch sử. Tôi vừa hưu nghề làm báo. Có hai con đường tôi sẽ lựa chọn, một là tôi vào sinh hoạt với sinh viên trong đại học. Tôi rất thích làm bạn với lớp thanh niên trẻ. Ðàm luận văn học đông tây, tình huống họp mặt như hôm nay thì vui biết mấy. Tuổi tôi cũng khá lớn, thể lực cũng kém đi, nhưng vẫn cảm thấy vui sướng khi ở trong hoàn cảnh thuận tiện tăng thêm phần tri thức. Nếu tôi được sinh hoạt trong trường sở giáo dục cao cấp như viện đại học này, thì tôi sẽ ở lại đây với mấy em. Con đường thứ hai là tôi viết thêm hai bộ tiểu thuyết. Viết tiểu thuyết cũng cực lắm, nhưng tôi đã có nhìn về lịch sử và cũng muốn điểu đạt ý tưởng của tôi. Nếu được yên tĩnh, tôi có thể viết thêm hai bộ tiểu thuyết lịch sử.

- Tại sao ông viết thành tấn bi kịch cho nhân vật Kiều Phong trong truyện Thiên Long Bát Bộ ? 

- Không có cách nào khác, đó là lẽ đương nhiên. Kiều Phong vốn là người của nước Khất Ðan, một nước lớn ở phía bắc Trung Quốc lúc bấy giờ. Người ngoại quốc chỉ biết nước Khất Ðan, chớ không biết nước Trung Quốc. Thời đó, Khất Ðan và Trung Quốc có sự đấu tranh rất là quyết liệt. Tống và Liêu chiến đấu một mất một còn, sự xung đột giữa hai dân tộc không thể hòa giải được. Kiều Phong không chết thì tiểu thuyết sẽ khó kết thúc câu chuyện.

Bi kịch trong các tiểu thuyết hiện đại phát xuất từ sự phát triển tự nhiên của nhân tính. Bi kịch trong các tiểu thuyết Tây Phương (mà Hy lạp là tiêu biểu) diễn tả quan hệ giữa người và thiên thần, bi kịch phát sinh vì thiên thần đã an bài như thế. Hoàn toàn khác biệt với quan niệm hiện tại.

- Nghe nói nhà tiểu thuyết Nghệ Khuông có viết giùm ông một phần trong truyện Thiên Long Bát Bộ. Có phải vậy không ? 

- Có. Lúc tôi phải xuất ngoại hơn một tháng, tôi có nhờ anh bạn thân của tôi, anh Nghệ Khuông, viết giùm một mẩu truyện xen vào. Nhưng tôi có giao ước trước rằng khi tôi ra sách thì tôi sẽ bỏ đoạn ấy đi. Anh ấy đồng ý. Cho nên trên mặt báo có một đoạn văn của anh ấy, nhưng trong sách thì đoạn văn ấy lại được cắt đi.

- Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông, có phải được ông lấy từ những nhân vật lý tưởng không ? 

- Có một số nhân vật chánh trong truyện được tạo hình là nhân vật lý tưởng, còn một số thì không, nhưng rất hiện thực. Thí dụ như Vi Tiểu Bảo không được cho là nhân vật lý tưởng, biểu hiện nhân sinh hoặc lý tưởng của người Trung Quốc. Mà được mô tả như là có một nhân vật điển hình như vậy trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nhất là đời nhà Thanh, thời đó chế độ xã hội rất không hợp lý. Một người muốn tung hoành ngang dọc thì phải có tác phong như Vi Tiểu Bảo.

Có rất nhiều người Trung Quốc di dân ra hải ngoại. Ða số mỗi người đều có nỗi khó khăn, nhất định phải phấn đấu rồi mới được an thân lạc nghiệp và rồi mới phát triển lần sự nghiệp lên. Có nhiều người Trung Quốc hải ngoại, trường hợp giống như Vi Tiểu Bảo không hẳn phải có đạo đức cao thượng, nhưng có tình thương yêu bè bạn, có nghĩa khí trong tình anh em, thì sức thích ứng hoàn cảnh sẽ mạnh ra.




- Tinh cách nhân vật Lâm Bình Chi trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ như thế nào ? 

- Lòng hận thù của Lâm Bình Chi rất ngoan cường, từ lúc bé thì cả gia đình chàng bị giết. Theo qui phạm của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, thì chàng phải báo thù là lẽ đương nhiên. Nhưng Lâm đã tập trung hết nghị lực, sức phấn đấu để báo thù trong cả cuộc đời của mình, thì tôi cho đó là không đúng. Ðấy không phải là tính cách chung của người Trung Quốc. Người Trung Quốc có thể hóa giải cừu hận trong một cơ hội thích đáng nào đó để sống chung hòa bình.

- Ông nhận xét về những tiểu thuyết võ hiệp của ông Cổ Long và Liễu Tân Dương như thế nào ? 

- Tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long không có bối cảnh lịch sử rõ rệt. Ông ấy lấy cái nhìn của người hiện đại và áp dụng một phương thức có hơi Âu hóa để biểu đạt ra một thế giới võ hiệp. Ông có một hướng đi riêng của ông. Cổ Long có mấy bộ tiểu thuyết viết rất hay.

Còn tiểu thuyết của ông Liễu Tân Dương thì thấy khá giản dị. Nội dung đánh đá rất quyết liệt. Câu chuyện thu hút, buộc người xem phải theo dõi một cách say mê, nhưng rất đơn điệu (monotonous). Tiểu thuyết Cổ Long khá có chiều sâu, phạm vi cũng khá rộng, cách suy nghĩ và trình bày cũng khá mới mẻ. Ông ấy là bạn quen thuộc của tôi. Ông ấy đã qua đời. Cá tính của ông có một khuyết điểm lớn là thiếu kiên trì, hầu hết tiểu thuyết của ông chỉ viết được một nửa rồi ngưng lại, một nửa còn lại phải nhờ người khác viết giùm. Cho nên tiêu chuẩn tiểu thuyết của ông ấy không ở một mức về nhiều phương diện. Giá như ông ấy kiên trì hoàn tất tác phẩm của mình thì có giá trị với tiêu chuẩn cao biết mấy.

- Có phải những tác phẩm của ông được dàn dựng với những sự tích chân thực hay không ? 

- Ngoài những sự thực của lịch sử chính thức ra, câu chuyện tiểu thuyết hoàn toàn là hư cấu. Tiểu thuyết Liên Thành Quyết, nội dung có một ít chân thực, nhưng chỉ một bộ phận nhỏ trong đó mà thôi.

- Ông nghĩ sao về những tiểu thuyết võ hiệp của ông được cải biên thành kịch bản cho điện ảnh và phim tập truyền hình ? 

- Giả sử quý vị biên kịch và đạo diễn phim tập cảm thấy câu chuyện tiểu thuyết quá dài thì có thể cắt bớt, nhưng tôi rất mong đừng thêm vào đó nhiều ý gì trái với ý nguyên bản trong tác phẩm của tôi thì tôi thỏa mãn lắm rồi.

- Chủ đề tư tưởng của truyện Thiên Long Bát Bộ là gì ? 

- Một phần trong truyện Thiên Long Bát Bộ biểu đạt tư tưởng triết học của nhà Phật, tức cuộc sống của con người phần lớn đều được kể như bất hạnh. Nhà Phật có vẻ bi quan đối với nhân sinh, cho rằng nhân sinh đều phải chịu khổ, dù có cuộc sống như thế nào đi nữa, rốt cuộc rồi cũng sẽ phải "tử", không có cách nào thoát được cái "quan ải" này. Tư tưởng nhà Phật nói về "chân đế nhân sinh" có hàm súc lý lẽ biện giải rất sâu xa về cái khổ của con người.

Thiên Long Bát Bộ biểu đạt một phần về tư tưởng nhà Phật : Nhân sinh có quá nhiều đau khổ, điều kể là người thì khó tránh được khổ, nhưng còn có một góc cạnh khác để cứu vớt là khi con người gặp phải cảnh đau thương thì nên "bình tâm tịnh khí" để hóa giải theo luật nhân quả của nó. Con người không nên quá "chấp trước" quyền lực và danh lợi trên đời, mà nên có tình thương đối với mọi người đang lâm cảnh khổ đau trên dương thế; đồng tình, từ bi trong thái độ "làm lành" với tất cả mọi người. Tinh nghĩa của triết học nhà Phật không là thứ bi quan tiêu cực mà còn khuyến khích con người "làm lành" để làm người tốt, và giảm thiểu mọi dục vọng đưa tới hại nhân, nhân hại.

- Những tiểu thuyết võ hiệp của ông khi được đưa lên màn bạc, thì nội dung lẫn hình thức biểu hiện có khác với nguyên bản tác phẩm của ông không ? 

- Tôi cảm thấy không hài lòng về việc này, nhưng việc đóng phim điện ảnh và truyền hình cũng thật khó. Có lẽ những người cải biên tiểu thuyết đều gặp phải những khó khăn như vậy vì phải chiều hoàn cảnh làm sao cho câu chuyện có thể dễ dàng, thuận lợi thực hiện trên màn bạc điện ảnh hay truyền hình. Tôi mong sao nếu họ có phải sửa đổi câu chuyện tiểu thuyết, thì họ nên sửa ít chút là được rồi.

- Bối cảnh thời đại của truyện tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ có phải đang giữa thời vua Chánh Ðức và Sùng Chính đời nhà Minh hay không ? 

- Ðại khái ở đời nhà Minh. Tôi không có xác định bối cảnh thời đại, vì tôi nghĩ các việc đấu tranh quyền lực, điêu ngoa gian trá, tranh quyền đoạt vị, bất cứ ở triều đại nào đều có xảy ra. Nếu tôi đặc biệt xác định bối cảnh thời đại, thì nó sẽ mất tính cách phổ thông. Em sinh viên đoán cây chuyện tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ như xảy ra ở đời nhà Minh, thì tôi cho rằng đúng.

- Loại nữ tính nào ông cảm thấy thích nhất trong tiểu thuyết của ông ? 

- Tôi cố gắng viết nhiều thứ nhân vật khác nhau trong tiểu thuyết. Có nhiều nữ tính rất ác được tôi mô tả như Mã phu nhân trong Thiên Long Bát Bộ. Có nhiều nữ tính giỏi tài đầu độc nhưng tâm địa rất tốt như Trình Linh Tố trong Phi Hồ Ngoại Truyện. Còn hỏi thích mẫu người như thế nào, thì thực sự tôi khó trả lời, mỗi người dều có sự thích khác nhau. Tôi hy vọng những nhân vật nữ tôi mô tả, người đọc cảm thấy dễ thương và nhận biết được hồi xưa có người như vậy.

- Viết truyện tiểu thuyết võ hiệp mà không lấy bối cảnh xã hội phong kiến thời xưa, có được không ? 

- Tôi nghĩ có thể được chớ ! Ta có thể lấy bối cảnh xã hội hiện đại. Chủ yếu hành động "Hiệp" là dám hy sinh tính mạng của mình ra giúp đỡ người khác. Ðấy là hành vi của người hành hiệp. "Hiệp" không nhất thiết phải là võ hiệp mới được. Văn nhân, thi sĩ cũng có "hiệp khí" chớ ! Hiệp Khách Hành của thi sĩ Lý Bạch, người không biết chút võ công, nhưng thi văn của người tràn đầy "hiệp khí". Ðó là một thí dụ. Cho nên với bối cảnh xã hội bất cứ ở một thời đại nào, người viết đều có thể viết về "hiệp". Tự mình sáng tạo một đường lối cho văn phẩm của mình. Người cầm viết có phẩm cách như thế, không hẳn người phải biết võ công. Hơn nữa, trong thời đại này võ công đâu còn đất dụng võ như thời xưa được ! Súng tiện hơn nhiều !

- Xin hỏi tính cách của ba nhân vật Ðoàn Dự, Kiều Phong và Hư Trúc trong truyện Thiên Long Bát Bộ như thế nào ? 

- Ðó là ba nhân vật đại diện cho ba cá tính khác nhau. Ðoàn Dự tuy là người của xứ Ðại Lý, không được kể như người Hán, nhưng tính rất ôn hòa, nho nhã, có phong cách của nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, tính tình rất tốt, rất được lòng bằng hữu. Kiều Phong có tính kiên cường, đó chính là phẩm cách tốt của truyền thống văn hóa Trung Quốc. Mặc dù chàng là người thuộc dân tộc thiểu số Khất Ðan. Hư Trúc, người xuất gia, cá tính có khoảng cách với văn hóa Hán tộc, cố chấp, lại có tư tưởng tôn giáo rất sâu đậm.

- Xin hỏi về chế độ một vợ một chồng và chế độ đa thê trong tiểu thuyết ? 

- Chế độ một vợ một chồng là chế độ lịch sử tính. Hầu hết các dân tộc , gia đình đêu phải từ nhất phu nhất thê chế mà diễn hóa thành đa thê chế. Nguyên kỳ thủy trong gia đình xã hội mẫu hệ là nhất thê đa phu, rồi theo đà xã hội tiến hóa dần. Tôi viết tiểu thuyết mô tả tình trạng xã hội cổ xưa; tuy nhiên tôi cố gắng viết lên tinh thần "ái tình chuyên nhất" của con người. Tôi tin rằng độc giả cũng mong được thấy những câu chuyện có "ái tình chuyên nhất" trong tiểu thuyết. Trong văn học cổ xưa Trung Quốc cũng có những tác phẩm ái tình chuyên nhất đọc rất cảm động, như thi ca Hoa Sơn Hi và Khổng Tước Ðông Nam Phi v..v..

- Ông đã chứng tỏ có rất nhiều kiến thức về lịch sử Trung Quốc. Ông làm sao có được như vậy ? 

- Tôi rất tiếc là tôi không có theo học môn lịch sử trong trường đại học Bắc Kinh này. Nhưng bản tính tôi vốn thích đọc sách lịch sử hay những tài liệu liên quan đến lịch sử, xã hội. Lần lần tôi tích lũy được một số vốn hiểu biết về lịch sử.

- Ông nghĩ sao về một đời viết tiểu thuyết võ hiệp của ông ? 

- Ban đầu, tôi không xem việc viết tiểu thuyết võ hiệp là quan trọng. Tôi làm báo, nhưng hiện nay tôi cảm thấy nó càng nặng, càng lớn lên. Ðộc giả thưởng thức tiểu thuyết tôi rất nhiều, từ đại lục Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Kông cũng như các cộng đồng Hoa kiều các nước Ðông Nam Á và cả Âu Mỹ nữa. Tôi không khoa trương lời nói của tôi. Lúc đầu tôi viết tiểu thuyết võ hiệp nhằm phục vụ cho tờ báo của tôi, tôi mong tờ báo tôi được thành công. Hiện giờ sự nghiệp làm báo của tôi như đã qua, nhưng ảnh hưởng của những tác phẩm tiểu thuyết của tôi lại được danh tiếng lâu dài. Tôi rất vui mừng vì có được thành quả như vậy.

----------------------

Bài liên quan:

  • Kim Dung - cây bút kiếm hiệp xứng danh "vĩ đại"
  • Kim Dung và nỗi đau đáu về người con trai tự tử
  • Vì sao Tiểu Long Nữ đẹp như tiên?
  • No comments:

    Post a Comment