Friday, October 18, 2013

Nếu theo tên gọi thì Độc Cô Cầu Bại sẽ chiến thắng


(Vietkiemhiep) - Cuối năm 2012, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, người được xem là "nhà Kim Dung học" tại Việt Nam đã có cuộc giao lưu thú vị với bạn đọc. Dưới đây là những chia sẻ của nhạc sỹ.

- Tại sao trong rất nhiều các thể loại tiểu thuyết như :trinh thám ,tình yêu...bác lại chọn đi sâu vào nghiên cứu tiểu thuyết võ hiệp. Và trong rất nhiều các tác giả rất thành công ở chủ đề này như: Cổ Long, Hoàng Dị, Kim Dung ... bác lại chọn nhà văn Kim Dung? (Vịnh Nguyễn)

- Trong nhiều thể loại tiểu thuyết, tôi chỉ chọn tiểu thuyết võ hiệp vì tôi may mắn có học được một chút Hán Văn. Tôi thấy loại tiểu thuyết này gần gũi với điều mình học được. Trong các tác giả tiểu thuyết võ hiệp, tôi chỉ chọn tác giả Kim Dung bởi ông là người khai sáng ra hệ tiểu thuyết này. Ông cũng là người đầu tiên đem lại cho văn học Trung Quốc ở hậu bán thế kỷ 20 một loại tiểu thuyết mới, hấp dẫn, lôi cuốn có giá trị giải trí cao, có giá trị văn hóa đích thực.

- Em có theo dõi Thiên Long Bát Bộ, thấy nhân vật Đoàn Dự cũng khá giỏi nhưng dường như lúc nào cũng bị lép vế so với các nhân vật khác như Hư Trúc hay Kiều Phong... Phải chăng Kim Dung muốn xây dựng hình ảnh 1 Đoàn Dự đào hoa chứ không phải 1 Đoàn Dự giỏi võ công? (Nguyên)

- Ba nhân vật Đoàn Dự, Kiều Phong, Hư Trúc mỗi người đều có một sở trường võ công. Võ công Đoàn Dự rất phong phú. Lăng Ba Vi Bộ, hễ chạy thì không ai nắm được chéo áo. Hóa Công Đại Pháp hễ chụp tới ai thì người đó mất hết công lực. Lục Mạch Thần Kiếm hễ đánh tới đâu thì tan bia vỡ đá tới đó. Tuy nhiên nhân vật này là nhà văn chứ không phải là anh võ sĩ. Công lực có khi phát huy được có khi chẳng phát huy được gì cả.

Kim Dung muốn xây dựng cho chúng ta một con người ngộ nghĩnh, dễ thương, đứng giữa cái tài và cái bất tài như Trang Tử đã từng ví von.

- Đặc điểm nào khiến ông có ấn tượng về nhân vật Vô Nhai Tử mà Thiên Sơn Đồng Mỗ và sư muội Thu Thuỷ đều yêu? (truongmanh2012) 

- Vô Nhai Tử là một con người tài hoa, đúng với tiêu chí chọn lựa để làm chưởng môn phái Tiêu Dao, võ công ông cao cường, bốn môn Cầm - Kỳ - Thư - Họa đều giỏi. Vô Nhai Tử còn là người đẹp trai vì vậy nên sư tỷ là Thiên Sơn Đồng Mỗ và sư muội là Lý Thu Thủy đều yêu. Vô Nhai Tử sống với Lý Thu Thủy đã có một đứa con, nhưng suốt ngày chỉ lo tạc tượng một mỹ nhân rất trẻ rất đẹp. Mỹ nhân đó chính là em ruột của Lý Thu Thủy mới 15 tuổi. Tóm lại đây là con người lãng mạn, xứng đáng làm chưởng môn phái Tiêu Dao.

- Chú có thể bình luận, phân tích một chút về Đào Hoa Đảo và những chiêu thức võ công của Hoàng Dược Sư và các đệ tử của ông? (Tần Sương)

- Đào Hoa Đảo như tên gọi của nó có loài hoa chủ đạo là hoa đào. Nói như vậy nhưng đảo cũng có các loại hoa khác bởi trong tiểu thuyết có nói là quanh năm cây cối hoa lá trên đảo vẫn xanh tốt. Hoàng Dược Sư đã căn cứ vào bóng hoa đào để gọi tên các môn võ công. Thí dụ Lạc Anh Chưởng Pháp, Bích Hải Triều Thanh...

Võ công của Hoàng Dược Sư và các đệ tử của ông đa phần là âm nhu, kể cả những loại võ công mà tác giả gọi là ác độc cỡ như Cửu Âm Chân Kinh. Tuy nhiên loại võ công này không do Đào Hoa Đảo sáng tạo.

- Các tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung đều mang các giá trị: hành hiệp trượng nghĩa, đạo nghĩa giang hồ, tôn sư trọng đạo... Với tác phẩm Thần Điêu Đại Hiệp với 2 nhân vật: Dương Quá - Tiểu Long Nữ trên danh nghĩa là sư phụ và đồ đệ, họ đã có một mối tình rất đẹp. Ban đầu đã có nhiều người phản đối (trái với luân thường đạo lý, đi ngược lại với đạo nghĩa giang hồ, tôn sư trọng đạo) sau khi trải qua bao nhiêu thử thách bằng ngòi bút của mình Kim Dung đã cho họ được mọi người chấp nhận và trở thành một đôi uyên ương đẹp nhất trong tiểu thuyết Kim Dung (theo cháu nghĩ). Như vậy cháu thấy có một sư mâu thuẫn ở đây, với 2 nhân vật này nhà văn Kim Dung đã phủ nhận đi cái đạo lý làm người: đạo nghĩa giang hồ, tôn sư trọng đạo ở trên. Theo bác, suy nghĩ này của cháu có đúng không? Và nếu xã hội hiện tại có trường hợp này, bác sẽ nghĩ sao? (Nongdanit1)

Khi xây dựng mối tình Dương Quá - Tiểu Long Nữ, Kim Dung đã thực sự thách thức những quan điểm luân lý, đạo đức của Nho giáo. Ông đã đủ can đảm để cho một đứa học trò thương yêu và lấy cô giáo của mình làm vợ. Đúng như bạn nói. Ban đầu, mối tình ấy bị nhiều người phản đối, lên án, miệt thị. Thế nhưng cuối cùng tình yêu chân thật của Dương Quá và Tiểu Long Nữ đã chiến thắng được luân lý đạo đức của đạo Nho.

Bạn có nhắc tới đạo lý làm người. Thực sự tôi nghĩ rằng, giữa thời đại chúng ta, câu chuyện một người học trò say mê một cô giáo của mình chỉ cách mình vài tuổi cũng là việc bình thường có thể xảy ra. Vấn đề là làm sao những kết thúc của các mối tình đó phải đẹp để dư luận xã hội bớt sốc.



"Nhà Kim Dung học" Vũ Đức Sao Biển. Ảnh: baochi.edu. 

- Chào ông. Những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Kim Dung đều trọng "Nghĩa khí". Theo ông, phải chăng "Nghĩa khí" là cái gì trọng yếu trong cuộc sống chúng ta ? (Tú Gucci)

- Kim Dung xây dựng những nhân vật sống rất chân thật, rất "Người". Bởi họ sống rất "Người" nên họ thể hiện được những phẩm chất tuyệt vời của con người, điều mà bạn gọi là "Nghĩa khí". Họ sống trung thực, yêu đương ngay ngắn, không chuộng công danh, không ham tiền bạc, chỉ mong được cứu khổ phò nguy, giúp người yếu đuối. Một nhân vật chân thật nhất mà tôi rất thích là Hồ Phỉ trong Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ Ngoại Truyện. Anh thể hiện trọn vẹn những "Nghĩa khí" của đời người.

- Là một người sáng tác hoạt động cả lĩnh vực âm nhạc và văn học, hẳn bác cũng hiểu mỗi người phải giữ cho tâm hồn mình "hồn nhiên" ở một mức độ nào đó để cảm nhận, đồng cảm... Bác có bí quyết nào để giữ cho tâm hồn mình không bị những toan tính đậm chất con người làm mất đi tính hồn nhiên và cảm hứng sáng tác hay không? (shock)

Tôi đã lớn tuổi rất mong được sống hồn nhiên, giữ cho tâm hồn tĩnh tại. Cảm hứng sáng tác chỉ thực sự có được khi tâm hồn của người ta bằng an. Ở tuổi này mỗi ngày tôi vẫn đọc 100 trang sách, nghe vài bản nhạc, xem một tập phim, đi vộ vài chục phút, ăn uống điều độ. Tôi nghĩ đó là một cách sống lành mạnh phù hợp với lứa tuổi. Tôi không có toan tính gì để làm cho có nhiều tiền. Tôi luôn luôn cảm thấy đủ và chưa bao giờ đợi đủ.

- Xin bác cho cháu hỏi là tại sao tác giả Tra Lương Dung lại lấy bút danh là Kim Dung? (thuyloan88)

- Chữ Dung trong tên của ông Tra Lương Dung có nghĩa là "Quả chuông lớn". Tác giả lấy chữ này tách ra bộ Kim (có nghĩa là thanh Sắt) và âm Dung (có nghĩa là bình thường). Vậy bút danh Kim Dung có nghĩa là "thanh Sắt bình thường". Thế nhưng "thanh Sắt bình thường" đó đã làm được một kỳ tích mà có lẽ ít người làm được: Viết cả chục triệu chữ.

- Một người anh hùng như Kiều Phong chết quả thật rất đáng tiếc. Nhà văn có thể nói rõ mạch cảm xúc và tình tiết của Kim Dung để dẫn đến cái chết của Kiều Phong? (taysobavuong11)

Kiều Phong là người nước Khiết Đan nhưng lớn lên ở Trung Quốc, được người Trung Quốc nuôi dưỡng. Ông làm đến Nam Viện Đại Vương của nước Khiết Đan, đóng tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh cho ông đem binh đánh qua ải Nhạn Môn Quan để xâm lược nước Tống. Kiều Phong không muốn cho muôn dân 2 nước Tống - Khiết Đan phải chịu họa binh đao nên ông cởi ấn, bỏ chức vụ để trốn đi.

Ông về đâu? Về với nước Liêu thì ông là kẻ bất tuân lệnh vua. Về với nước Tống thì ông là kẻ bị gọi là "Liêu cẩu" (chó Liêu). Không còn đất để sống nữa, người anh hùng ấy phải chọn cái chết để tự xử lấy mình sau khi đã buộc được hoàng đế Gia Luật Hồng Cơ tuyên bố rõ trước chiến trường rằng sẽ không bao giờ đưa binh sang xâm lăng nước Tống.

- Chú được gọi là nhà Kim Dung học. Vậy theo chú trong các tiểu thuyết Kim Dung, chú xem loại võ công nào là đệ nhất thiên hạ? (Quốc Việt)

- Võ công là sự hư cấu của tác giả. Mỗi nhân vật chính phái đắc thủ một loại võ công cao cường khác nhau. Trương Vô Kỵ có Càn khôn đại nã di tâm pháp, Kiều Phong có Hàng long thập bát chưởng, Đoàn Dự có Lục mạch thần kiếm, Hư Trúc có Thiên sơn lục dương chưởng...

Mỗi nhân vật như vậy đều có cái sở trường độc đáo của mình. Thực sự rất khó so sánh võ công của ai hơn ai, ngoài những trận đấu cụ thể mang theo suy nghĩ chính phải thắng tà. Ví dụ: Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung thắng Tịch tà kiếm phổ của Sư phụ Nhạc Bất Quần.

- Cháu đã đọc qua rất nhiều tác phẩm của Kim Dung. Nhân vật chính trong các tác phẩm của nhà văn Kim Dung được nhiều nhân vật nữ "thầm yêu trộm nhớ" và nhân vật chính cũng có động lòng. Bản thân cháu cũng có tìm hiểu về cuộc sống tình cảm của nhà văn Kim Dung. Điều cháu muốn hỏi là có phải nhà văn Kim Dung đã đưa cuộc sống tình cảm của mình hòa vào nhân vật chính trong các tác phẩm của mình? (Kent)

- Thời thanh xuân Kim Dung thương yêu Hạ Mộng, một nữ tài tử điện ảnh danh tiếng. Hạ Mộng rất đẹp, rất hồn nhiên, trong sáng. Chính Hạ Mộng đã được ông dùng làm một biểu tượng khi xây dựng những nhân vật nữ trong tác phẩm của mình như Doanh Doanh, Tiểu Long Nữ, A Châu, Hoàng Dung... Tiểu thuyết bao giờ cũng là sự gởi gắm tâm trạng, tình cảm, suy nghĩ của chính tác giả.

- Theo bác, ai sẽ là người có võ công cao nhất và chiến thắng Hoa Sơn Luận Kiếm nếu cho 5 người sau đây tham gia luận kiếm: Vương Trùng Dương, Độc Cô Cầu Bại, Đông Phương Bất Bại, Hoàng Thường (tác giả bộ Cửu Âm Chân Kinh), Vô Danh Tăng? (Việt Huỳnh) 

- Nếu căn cứ vào tên gọi thì có lẽ Độc Cô Cầu Bại là người sẽ chiến thắng. Tất nhiên khi nói như thế tôi hơi võ đoán với bạn. Tuy nhiên một cuộc luận kiếm như vậy sẽ không bao giờ diễn ra được. Do vậy không có ai chiến thắng cả

HOÀNG QUÂN
----------------------------------

Bài liên quan:

No comments:

Post a Comment