Monday, October 7, 2013

Tóm tắt Lộc Đỉnh Ký

(Vietkiemhiep) - Lộc Đỉnh ký (hay Lộc Đỉnh Công) là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung. Nhân vật Vi Tiểu Bảo thường được so sánh với AQ của Lỗ Tấn vì nói lên được tính cách chung của người Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp này bắt đầu xuất bản ngày 24-11-1969 trên Minh Báo và kéo dài trong gần 3 năm đến ngày 23-9-1972.



Tóm tắt

Câu chuyện xoay quanh một nhân vật chính có hình ảnh pha trộn giữa tốt xấu, thiện ác, đồng thời trọng tình nghĩa bạn bè, có chí hiến thân vì nước nhưng cũng tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn, sẵn sàng hại bạn khi cần bảo vệ lợi ích của mình tên gọi Vi Tiểu Bảo. Bảo là con của Vi Xuân Phương kỹ nữ tại Lệ Xuân Viện, một quán lầu xanh tại Dương Châu. Ngay cả Vi Xuân Phương cũng không biết cha của cậu là ai, chỉ đặt tên cậu là Tiểu Bảo, sau này có người hỏi tới thì cậu lấy họ mẹ.

Thông qua hàng loạt cuộc phiêu lưu mạo hiểm, rủi ro, cậu thiếu niên họ Vi làm cuộc hành trình từ thành Dương Châu ở miền Nam đến tận Bắc Kinh, thủ đô của triều đình phong kiến Mãn Châu. Tại đó, cậu bị bắt cóc và đưa vào Tử Cấm Thành rồi đội lốt làm một thái giám sau khi giết chết tên thái giám Tiểu Quế Tử. Ngày nọ, Tiểu Bảo tình cờ gặp gỡ hoàng đế trẻ tuổi Khang Hy và cả hai trở thành một đôi bạn thân thiết. Bằng những cơ duyên may mắn tuyệt vời, sử dụng trí thông minh cùng những chiến lược tài giỏi, nhạy bén và tính thực dụng, đầu óc tiểu nhân, miệng lưỡi trơn tuột cậu đạt được rất nhiều thành tựu tiến chức thăng quan quá sức tưởng tượng của mình.

Ban đầu tại Tử Cấm Thành, cậu gặp gỡ Trần Cận Nam, tổng đà chủ của tổ chức "phản Thanh phục Minh" là Thiên Địa Hội, một trong các tổ chức ngầm phản Thanh khôi phục nhà Minh, và trở thành một trong mười hương chủ của Thiên Địa Hội. Cậu đã trở thành người do thám của Hội trong hoàng cung. Sau đó cậu bị bắt cóc đến đảo Rắn (hay Thần Long đảo), trung tâm của Thần Long giáo, nhưng rồi lại trở thành Bạch Long sứ của Thần Long giáo.

Tiểu Bảo đóng vai trò quyết định trong việc bắt và giết chết gian thần Ngao Bái; giải cứu cha của Hoàng đế Khang Hy, tức Hoàng đế Thuận Trị, giúp hai cha con đoàn tụ; phá hủy Thần Long giáo (theo lệnh nhà vua); làm suy yếu sự phản kháng của viên tướng phản bội Ngô Tam Quế; đạt được hiệp ước biên giới với Nhiếp Chính công chúa Sophia Alekseyevna và quan đại thần Fedor Golovin của nước Nga.

Qua vô số chiến công đó, cậu được ban những của cải khổng lồ của những quan gian thần, những người đã hối lộ và cướp bóc của dân, bởi hoàng đế Khang Hy. Ngoài ra cậu còn đạt được sự tín nhiệm của Thiên Địa Hội qua việc chống lại Ngô Tam Quế, các kẻ thù ngoại quốc khác như Nga, Mông Cổ, Tây Tạng, và việc giải cứu các thành viên quan trọng của Hội bị bắt.

Tuy nhiên, giống như tất cả các nhân vật hai mang, những vai trò mâu thuẫn của Vi Tiểu Bảo cuối cùng đi đến kết cục xung đột. Khang Hi cảnh báo Tiểu Bảo rằng Hoàng đế đã biết về quan hệ của cậu với Thiên Địa Hội và bắt Tiểu Bảo phải chọn lựa giữa triều đình và Thiên Địa Hội. Mặc dù Khang Hi vẫn xem Bảo là một người bạn trung thành, Bảo cuối cùng phải chọn giải pháp đào thoát vì y không muốn làm kẻ phản bội bán đứng Thiên Địa Hội. Nhưng vài năm sau đó, cậu lại được Khang Hy trọng dụng trở lại nhờ giải quyết xung đột biên giới với nước Nga.

Trong hồi cuối của tiểu thuyết, Tiểu Bảo nhận ra rằng cậu không bao giờ có thể điều hòa giữa hai bên đối lập là triều đình và Thiên Địa Hội, vì cả hai cùng giằng xé nhau trong khi cậu bị kẹt ở giữa. Vì thế cậu quyết định bỏ đi theo con đường riêng của mình - đưa cả bảy cô vợ xinh đẹp và ba đứa con bí mật đi về Giang Nam sống một cuộc đời du sơn ngoạn thủy giã từ chốn cung đình Khang Hy và cái lý tưởng đấu tranh của Thiên Địa Hội... Tiểu Bảo có tổng cộng 7 vợ: Mộc Kiếm Bình, Kiến Ninh công chúa, A Kha, Song Nhi, Tô Thuyên, Phương Di, Tăng Nhu

Nhận xét chủ đề và truyện

Cuốn tiểu thuyết võ hiệp này đặc trưng ở chỗ nhân vật chính xuất thân hèn kém và hoàn toàn không phải người chính trực. Vi Tiểu Bảo là một nhân vật có khắc họa khá đặc biệt, tuy không biết chữ, chẳng biết võ công, nhưng nhờ có miệng lưỡi trơn như mỡ, óc thực dụng, tính ích kỷ, tiểu nhân điển hình cộng với đầu óc linh hoạt ứng biến nhanh nhạy mà hắn đạt được nhiều thành công, danh lợi. Vi Tiểu Bảo có những nét hao hao giống những nhân vật chính mà Kim Dung đã dàn dựng: trọng tình nghĩa bạn bè, bị đưa đẩy vào những tình thế tiến thoái lưỡng nan, yêu một cuộc sống bình dị... nhưng cũng bao gồm những những tính khác như tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn... Qua đó Kim Dung cũng xây dựng một nhân vật điển hình cho một bộ phận dân tộc Trung Quốc tương phản với AQ của Lỗ Tấn.

Việc thiếu vắng giá trị tốt tuyệt đối cũng như xấu tuyệt đối trong cuộc sống thực tế được phản ánh trong Lộc Đỉnh ký. Không còn nữa chiều hướng dân tộc chủ nghĩa như là một phần chính yếu trong các tiểu thuyết trước của Kim Dung. Trong bộ ba tiểu thuyết Xạ Điêu tam bộ khúc (đặt vào bối cảnh sự đi xuống của nhà Tống) và thậm chí trong Thư Kiếm Ân Cừu lục (đặt trong bối cảnh giữa thời Thanh, thời trị vì của Hoàng đế Càn Long), những kẻ xâm lược từ miền Bắc luôn bị coi là kẻ xấu, những bộ lạc chuyên gây chiến tranh nhòm ngó mảnh đất Trung Nguyên màu mỡ khi người Hán suy yếu.

Thay vào đó, trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã làm mờ ranh giới giữa cái trắng và cái đen truyền thống, giữa người Hán và các bộ lạc ngoài biên ải, khắc họa hình ảnh Hoàng đế Mãn Châu Khang Hy như một người trị vì thông minh, biết quan tâm đến dân chúng dù họ không luôn luôn ủng hộ mình. Đôi khi ông tàn nhẫn nhưng xét đến cùng những hành động của ông nâng cao đời sống của người dân, ông vẫn là một đấng minh quân (Khang Hy được sử sách ghi nhớ như là một trong những vị vua Trung Quốc vĩ đại nhất).

Mặt khác, phong trào yêu nước phản Thanh phục Minh lại đặt sự hy vọng và ngu trung vào vương gia bất tài Trịnh Khắc Sảng ở đảo Đài Loan, chiến đấu cho nguyện vọng không hòa hợp với mong muốn của người dân. Phong cách này hầu như đối lập hoàn toàn với những lập trường mà Kim Dung đã từng thể hiện trước đó.

Về cuối truyện, Tiểu Bảo tuyên bố một một câu về tính thực dụng tựa như "Mèo trắng mèo đen không thành vấn đề, miễn bắt được chuột là mèo tốt" (câu trích từ lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình). Nguồn gốc, sắc tộc của người lãnh đạo có thành vấn đề không nếu họ đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết?

Nói một cách trung thực, người Mãn Châu thực tế đã giết hàng vạn người Hán và tàn phá Trung Quốc thời gian đầu, một nguyên nhân dẫn đến những nổi loạn của Thiên Địa Hội nhằm dựng lại quyền lực của những vị vua người Hán. Nhưng trong khi đó, họ (những thành viên của Thiên Địa Hội) lại quên mất mong muốn của người dân thường là sống hòa bình và thịnh vượng. Sự cuồng tín của Thiên Địa Hội phản ánh thế giới trong đó con người bị chia rẽ một cách bạo lực bởi ranh giới tín ngưỡng, tôn giáo và sắc tộc.

Chủ nghĩa thực dụng, những ý tưởng thực tế và rất nhiều chủ đề đã đóng góp vào thành công của Lộc Đỉnh ký mà nhiều người đã đánh giá là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Kim Dung.

Chuyển thể

Có một số chuyển thể sang phim điện ảnh và truyền hình dựa trên Lộc Đỉnh ký; tất cả trong số đó đều thay đổi cốt truyện một phần.

Phim truyền hình

Lộc Đỉnh ký (1978) - Diễn viên Văn Tuyết Nhi và Trịnh Tử Tôn
Lộc Đỉnh ký (1984) - Diễn viên Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa
Lộc Đỉnh ký (1984) - Diễn viên Lý Tiêu Phi và Chu Thiếu Tùng
Lộc Đỉnh ký (1998) - Diễn viên Trần Tiểu Xuân và Mã Tuấn Vỹ
Lộc Đỉnh ký (2000) - Diễn viên Trương Vệ Kiện và Đàm Diệu Văn
Lộc Đỉnh ký (2008) - Diễn viên Huỳnh Hiểu Minh và Chung Hán Lương

Phim điện ảnh

Câu chuyện thái giám (1983) - Diễn viên Uông Vũ và Lưu Gia Huy
Lộc Đỉnh ký (1992) - Diễn viên Châu Tinh Trì.và Ôn Triệu Luân
Lộc Đỉnh ký 2: Thần Long giáo (1992) - Diễn viên Châu Tinh Trì và Ôn Triệu Luân
Anh hùng vượt thời gian (1993) - Diễn viên Lương Triều Vỹ và Thang Trấn Nghiệp
Mộng hồi Lộc Đỉnh ký 3D (2011) - Diễn viên Hồ Ca và Ngô Kỳ Long

( Theo Wikipedia)


-----------------------------------

Bài liên quan:

No comments:

Post a Comment