Tuesday, October 22, 2013

Tứ giác tình yêu trong Thiên Long Bát Bộ


(Vietkiemhiep) - Cách đây 6 năm, tức là khi tôi bắt đầu vào lớp 8, tôi đã sắp xếp cho mình một cuộc hội ngộ thường niên với Kim Dung. Cứ mỗi khi trời vào độ rét buốt nhất, khoảng tháng 1, tôi lại đọc lại 1 lượt 14 tiểu thuyết, liên tục trong 2 tháng. Trong thời gian đó tôi hoàn toàn cắt đứt việc đọc những tác phẩm khác để dành toàn tâm toàn ý cho Kim Dung.

Khi tôi bắt đầu bén duyên với Kim Dung, tôi đã tự hứa rằng sẽ ko bao giờ đọc bất kì một tác giả kiếm hiệp nào khác, kể cả Cổ Long, Ngọa Long Sinh hay Lương Vũ Sinh. Nhiều người cảm thấy kì lạ khi một đứa con gái lại say mê truyện chưởng đến thế, thuộc nằm lòng tất cả những j gắn với Kim Dung, quả thật tôi chưa từng gặp ai thuộc Kim Dung hơn tôi, kể cả bố tôi, người đã khóa tất cả những ngăn sách chứa truyện chưởng khi tôi còn bé. Khi tôi đã cầm lên quyển sách, tôi ko cần ăn, ko cần ngủ, chuyện học hành thì đương nhiên là chả quan trọng, dù thi thố j cũng bất cần, trc mỗi kì thi hsg hay diễn ra vào thời gian đó tôi cũng bỏ mặc chuyện học hành, đằng nào cũng ko đc giải nhất thì nhì hay ba có gì khác nhau? Nếu hỏi vì sao tôi lại say mê truyện Kim Dung thì tôi không lý giải đc, có lẽ đó là vì tôi say mê thực sự, cũng như khi đã yêu ai thực sự thì ko thể nói rõ lý do. Nhưng tôi biết cái tôi yêu nhất trong truyện của Kim Dung, đó là tình yêu. Và bộ truyện mà tôi yêu nhất, là Thiên long bát bộ.

Những ai chưa từng đọc truyện chưởng có lẽ sẽ thấy kì quặc, truyện chưởng thì chỉ có đánh đấm, có máu đổ, thêm tí gia vị anh hùng cứu mỹ nhân, phải ko? Nhưng đối với tôi, và có lẽ với những người hết lòng với Kim Dung, tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung có một khí chất đặc biệt ko thể tìm thấy nơi nào khác. Tình cảm của con người trong Kinh Thi mấy nghìn năm trước đem so sánh với bây giờ ko có gì khác nhau. Trong tiểu thuyết Kim Dung, võ công là ảo, cái thật nhất là hỉ nộ ái ố của con người. Một người bạn của bố mẹ tôi, người đã viết lời đề cho bộ Thiên Long Bát Bộ tái bản năm 2003 đã viết thế giới trong Thiên Long Bát Bộ là thế giới mà con người ta đau đớn không tả xiết, một thế giới của "oan", của "nghiệt", của những nhân-phi-nhân (demi-gods and semi-devils) nhưng ta lại tìm đc Con người.

Con người là động vật có tình yêu.

Tôi không khóc khi đọc 4 tác phẩm được coi là 4 truyện tình hay nhất của phương Tây: Tristan và Isolde, Paul và Virginie, Romeo và Juliet, Nỗi đau của chàng Werther

Tôi không khóc khi đọc Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Bà Bovary

Tôi không khóc khi đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai dù tôi có phần nào...xúc động

Tình yêu trong văn học hiện đại Mỹ chỉ làm tôi xúc động khi 1 người chết đi. Tôi vẫn chưa được đọc 1 tác phẩm văn học Mỹ nào mà tình yêu đóng vai trò chủ đạo và thực sự làm tôi cảm thấy đó mới là yêu. Những tác phẩm best seller tập trung quá nhiều vào thriller, mystery, money, 3x...tình yêu chỉ như 1 thứ gia vị, 1 cái cớ, 1 background nhạt nhẽo.

Tôi không thể khóc khi đọc bất cứ tác phẩm nào trong dòng văn học linglei - những nữ nhà văn Trung Quốc viết "trần trụi về tình yêu": Vệ Tuệ, Miên Miên, Sơn Táp, Xuân Thụ...Có lẽ tôi sợ những j quá "trần trụi". Nhiều thứ tốt hơn hết là nên được che đi.

Tôi không khóc khi đọc văn học Nhật Bản. Kawabata và Kenzaburo Oe làm tôi say mê, nhất là Kawabata, đã 4 lần tôi đọc lại Tiếng rền của núi nhưng tình yêu trong đó quá...trừu tượng. Murakami được ca tụng quá mức thì phải?

Marc Levy, Quỳnh Dao...ôi tiểu thuyết diễm tình, cây sầu riêng trổ bông...Những ai hâm mộ xin đừng chấp, tôi đọc tiểu thuyết Marc Levy và Quỳnh Dao thấy giống ăn kẹo bông...mà tôi lại ko thích đồ ngọt.

Tôi chưa bao giờ khóc khi đọc một tác phẩm văn học Việt Nam nào.

Nhưng tôi không bao giờ kìm được nước mắt khi đọc Thiên Long bát bộ. Đẹp và buồn. Mỗi khi đọc về tứ giác tình yêu - Kiều Phong, A Châu, Du Thản Chi, A Tử, tôi để nc mắt ứa ra trên mi và chảy dài trên má, cảm thấy mình vẫn dễ xúc động biết bao, thấy trong lồng ngực là một cái nút xoắn lại càng lúc càng chặt, đến mức phải gấp sách lại một chốc để sắp xếp lại những ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Tôi uống một chút nước, tắt đèn và nhắm mắt, quay sang rù rì với em mèo thân yêu...và rồi lại mở sách ra.

Kiều Phong là con người của bi kịch tột cùng. Đang là bang chủ Cái Bang, quyền thế danh vọng nghiêng trời, rồi chỉ qua một ngày, bị khinh bỉ như loài súc vật vì thân là Khất Đan. Bị đổ tội giết cha mẹ nuôi, giết thầy, giết bạn mà kẻ gây ra lại là cha đẻ. "Một ngày ba nỗi đại oan. Anh hùng Khất Đan rơi lệ." Gia đình tan nát, bằng hữu thì sớm bạn trưa thù, thân mình bị khinh rẻ, Nỗi thống.khổ của Kiều Phong được đẩy lên cao bao nhiêu thì phẩm chất con người lại rực rỡ bấy nhiêu, Kiều Phong chính là nhân vật nam đại biểu cho tính "cương" trong các phẩm chất của người đàn ông Trung Hoa, trong khi Đoàn Dự là phần "nhu". Trong cả hai người đều lưu chuyển dòng máu của ác nhân -"Ác quán mãn doanh" Đoàn Diên Khánh và "Đại ác nhân"Tiêu Viễn Sơn. Trong mười hai tình thánh của tiểu thuyết Kim Dung, Đoàn Dự là Đa tình thánh, Kiều Phong là Khổ tình thánh. Vì sao lại khổ? Có phải khổ chỉ vì yêu ko? Hay vì cái nghiệp chướng bủa vây mà ko có sức mạnh nào tiên đoán, hiểu thấu và thay đổi được.

Kiều Phong yêu A Châu. Tình yêu này có lẽ là thật nhất trong tất cả các tình yêu của tiểu thuyết Kim Dung, ko trẻ con như Hoàng Dung - Quách Tĩnh, ko cay đắng như Trương Vô Kỵ - Chu Chỉ Nhược, ko phù phiếm mộng mơ như Đoàn Dự - Vương Ngữ Yên. Yêu nhau ko vì nhan sắc, ko vì danh vọng, ko vì một cái j cả. Để một người một thân một mình chống lại quần hùng ở Tụ Hiền Trang.

Trợn mắt xem khinh nghìn hảo hán.
Nhất tâm cứu mạng tiểu cô nương.

Để một người chờ đợi bên vách đá Nhạn Môn quan năm ngày năm đêm dưới trời mưa tuyết, sẵn lòng theo nhau ra biên ải, để "đại gia săn cầy bắt cáo, tiểu nữ thả bò chăn cừu." Tình yêu đó quý giá hơn địa vị Bang chủ, quý giá hơn cả mạng sống. Kiều Phong lỡ tay đánh chết A Châu, một chưởng tan bia vỡ đá, có khác gì tự chọc mù ánh sáng của đôi mắt mình? Đoạn Tiêu Phong gào đứt ruột, hỏi A Châu "nàng làm tất cả vì ta, chỉ vì ta phải không?" luôn làm tôi bàng hoàng. A Châu dùng cái chết của mình để khai sáng cho y, nhưng tước đi lẽ sống của y. Trc y là Kiều Phong, "phong" là ngọn núi cao, A Châu như cây nhỏ đầy núi, dùng tình yêu che mát cho y. Sau khi đánh chết A Châu, Kiều Phong trở thành Tiêu Phong, núi vẫn cao nhưng đã lấp trong sương mây, người đời ko còn biết đến bản tướng thật của y nữa. Cả cuộc đời về sau Kiều Phong ko cởi bỏ "tấm áo nàng may", không gần nữ sắc. Tôi thấy cách Kim Dung để Kiều Phong giết A Châu cũng giống như cách ông để Tiểu Long Nữ trắng trong như ngọc mất cái ngàn vàng vào tay Doãn Chí Bình - làm người đọc đau buồn cùng nhân vật, thậm chí oán trách tác giả độc ác. Nhưng thực sự cái độc ác nhất, và mạnh nhất, chính là "số phận."

A Tử yêu Kiều Phong. Theo phân tâm học, tôi nghĩ tình yêu của A Tử dành cho Kiều Phong thể hiện một dạng mặc cảm tâm lý đặc biệt. A Tử và A Châu là hai chị em, bị chia cắt từ nhỏ, A Châu về làm nữ tỳ nhưng thực chất là con gái nuôi cho nhà Mộ Dung Phục ở Yến Tử Ổ ở Giang Nam ôn hòa tươi đẹp, tính cách tuy tinh nghịch mà ngây thơ đầy thiện ý. A Tử lại gia nhập với phái Tinh Tú, chịu sự chỉ dạy của Đinh Xuân Thu tà ác, sinh hoạt cùng các huynh đệ lang sói, chuyên luyện độc, tính cách phát triển theo hướng độc địa quái gở. A Tử từ bé ko biết mặt cha, có lẽ trong lòng vẫn muốn coi sư phụ Đinh Xuân Thu như người cha, nhưng ko khỏi chán ghét và ghê tởm. Vì không có cha nên tự tô vẽ cho mình hình ảnh một người cha hoàn hảo. Ngay cả khi gặp cha đẻ là Đoàn Chính Thuần, cảm thấy người cha này vẫn chưa đạt "chuẩn" , thừa tình cảm mà thiếu phong độ uy vũ nghiêm khắc. Chỉ khi gặp Tiêu Phong và A Châu mới VÔ THỨC coi Tiêu Phong như người cha tinh thần, vừa gặp đã giáng cho nàng ta cái tát đau điếng, A Châu là người mẹ tinh thần, vừa gặp đã làm nàng ta muốn gần gũi thương yêu. Đây là sự chuyển vị của mặc cảm Oedipe - con gái yêu cha, ghét mẹ. Sự chuyển vị này không hiếm gặp trong văn học, trong văn học VN có thơ Hoàng Cầm là tiêu biểu hiện tượng chuyển vị Oedipe - con trai yêu mẹ, ghét cha. Sự méo mó tâm lý này được tạo điều kiện phát triển mạnh hơn sau khi chứng kiến Tiêu Phong lỡ tay giết A Châu, lúc đó trong lòng nữ ác nhân này mới xuất hiện tình yêu. Phụ nữ dễ nảy sinh tình cảm với đàn ông khi chứng kiến tình yêu của y với người nữ khác. Điều kiện càng đặc biệt khi Tiêu Phong buộc phải hứa với A Châu sẽ chăm sóc A Tử, rồi vì một tai nạn mà phải chăm sóc A Tử, chăm sóc A Tử như đứa trẻ, từ ăn uống đến thay áo thay quần. Tiêu Phong làm việc này đơn thuần vì tình yêu với người yêu đã chết, như cha với con gái, như anh với em gái, hoàn toàn vô tà ý, nhưng với cô bé đang tuổi xuân rực rỡ, gần gũi với người đàn ông mình vừa yêu thương, vừa kính trọng, vừa e sợ thì sao ko nảy sinh tình cảm được? Nhất là mặc cảm cô độc và tính ác có sẵn càng khiến nàng muốn chiếm đoạt lấy con người này. Và có trớ trêu không, khi lần duy nhất trong đời A Tử ko có ý định đầu độc người khác, thì nàng lại trao cho Tiêu Phong chén thuốc độc mà nàng lầm tưởng là "bùa yêu" để trói cuộc đời của Tiêu Phong vào cuộc đời nàng...Ấy thế mới biết khi yêu thì ai cũng hồ đồ, dù là nữ ác nhân..."Niệm uổng cầu mỹ quyến..." - Foolishly seeking a lovely marriage.



Kiều Phong & A Châu

Du Thản Chi yêu A Tử. Bi kịch của A Tử bộc lộ rõ rệt nhất sau khi gặp Du Thản Chi, lúc này nàng đã là quận chúa nước Đại Liêu, còn Du Thản Chi là một tên tù binh. Tôi nói bi kịch của A Tử vì trong mối quan hệ với Du Thản Chi nàng đã đi đến tận cùng cái ác của mình, và một khi đã đi đến cùng thì ko thể quay trở lại. A Tử đã tự hủy hoại tâm hồn mình. Trong mối quan hệ bệnh hoạn này, A Tử là cực độ của sadism, còn Du Thản Chi là cực độ của masochism. Sadism của A Tử đã bộc lộ từ trc đó lâu, cách nàng đốt lưỡi tên bồi bàn, cách nàng hành hạ Trích Tinh Tử, cách nàng đối xử với Chử Vạn Lý - tay chân của cha nàng, kể cả với Tiêu Phong, nàng ko ngại gì ko tặng chàng một mũi kim thuốc độc. Nhưng chưa có ai nàng đối xử tàn ác như Du Thản Chi. Nàng đánh đập gã điên cuồng, nàng biến gã thành diều người, nàng đúc cho gã mặt nạ sắt, biến gã thành quái vật, ra lệnh cho gã đút đầu vào miệng sư tử, đem gã làm vật thí mạng cho những trò luyện độc của nàng...nhưng ko thể làm gã chết. Nàng làm tất cả những điều đó với điệu bộ ngây thơ nũng nịu như trẻ con, nụ cười trên môi xinh tươi như hoa buổi sớm, càng sáng tạo nhiều trò độc địa càng thích thú. Còn về phần Du Thản Chi, y xứng đáng làm Thố tình thánh - vị thánh ngu si, ngu xuẩn như heo, càng đau đớn càng thèm khát được đau đớn. Y làm tôi liên tưởng đến nhân vật quái vật trong các fim serial killer, khi kẻ giết người giống 1 thế lực siêu nhiên, dù có bị đánh, đâm, đốt... cũng ko chết. Ai có thể lý giải sao một công tử cao sang lại sẵn sàng làm trâu ngựa, càng được hành hạ thì càng sung sướng? Bình thường ở địa vị đó người khác đã tự tử chết đi, nhưng Du Thản Chi phải sống, sống để đc nàng hành hạ, lấy đó làm hạnh phúc tột bậc, và cảm ơn nàng bằng cách hôn hít, liếm láp từng đầu ngón chân A Tử để tỏ lòng sùng kính. Sau mỗi lần đc nàng đánh đập, y lại mơ tưởng đến gương mặt trắng xanh độc ác của nàng, muốn cào xé bản thân để chứng tỏ tình yêu với nàng. Du Thản Chi sẵn sàng vất bỏ danh dự của mình lẫn cha và chú, quỳ mọp lạy cả thiên hạ để xin tha cho A Tử, không tiếc thân tự biến mình thành thây độc, thậm chí sẵn sàng móc cặp mắt của mình tặng cho A Tử, nhưng cho đến tận cuối cùng, A Tử vẫn chỉ coi gã là súc vật. Ba người Tiêu Phong - A Tử - Du Thản Chi chạy theo nhau trong một thứ tình yêu ám ảnh và đau khổ, còn Tiêu Phong thì đã nguội lạnh ngọn lửa tình từ lâu. Ở đoạn kết truyện, Tiêu Phong tự sát sau khi bảo đảm sự sống cho những người Hán đã vùi dập chàng, sự tự sát này có giống như giải thoát không? Khi cuộc đời của Tiêu Phong đã ko còn A Châu, mối thù thì ko thể trả nữa, sống có bằng chết không? A Tử vứt bỏ cặp mắt trả cho Du Thản Chi, máu đỏ chảy tràn trên gương mặt trắng như tuyết làm mọi người ghê sợ, chỉ lúc đó nàng mới có đc Tiêu Phong. A Tử ôm xác Tiêu Phong nhảy xuống vực sâu của Nhạn Môn Quan, nơi vùi xác của mẹ chàng. Còn Du Thản Chi mù lòa, trc Kim Dung cho gã nhảy xuống vực sâu cùng A Tử, nhưng sau ông đã làm gã thống khổ hơn khi để gã lang thang trong hoang mạc, vĩnh viễn đi tìm A Tử mà ko biết rằng nàng ko còn nữa.

Mỗi lần nghĩ tới tình yêu, trong đầu tôi luôn liên tưởng tới tứ giác tình yêu này. Nhiều người có thể cho rằng nó ko thật, quá lý tưởng, quá rùng rợn, quá ... ko thật. Nhưng đối với tôi đó là tình yêu thật nhất mà tôi có thể tìm trong thế giới văn chương, và còn thật hơn nhiều những cái gọi là "tình yêu" ngoài đời. Yêu nhau vì tán tỉnh - có ai tán tỉnh nhau suốt cuộc đời được ko? Yêu nhau vì nhan sắc, vì danh vọng, có gì bảo đảm mãi mãi đẹp đẽ đc ko? Yêu mà ko dũng cảm, ko điên rồ, ko yêu đến kiệt quệ...có xứng đáng là yêu ko?

Tình yêu là gì mà có thể khiến cho người ta đau khổ, rồ dại, quằn quại và thăng hoa? Duyên số, định mệnh, nghiệp chướng...Có lẽ khi tình yêu lớn hơn cả bản thân con người, thì những ranh giới không còn ý nghĩa, sống và chết chỉ cách nhau một bước chân. Và khi gấp sách lại, quay trở lại với cuộc sống bình thường, bao h tôi cũng trải qua cảm giác giống như bay qua nhiều múi giờ...một chút chống chếnh, một chút nhẹ nhõm, một chút ảo giác của quá khứ và hiện tại xen lẫn nhau. Và tôi viết bài này, chỉ dành riêng cho tôi, cho tình yêu của tôi, trong một buổi chiều mưa lạnh lẽo, khi những cuốn sách thân quen cách xa nửa vòng trái đất...

Dù một chút thất vọng khi đã cố, rất cố mà ko thể diễn tả đc quá bề nổi của những điều mình cảm thấy trong lòng... phải chấp nhận giới hạn của bản thân thôi.

(??? - Một du học sinh Úc)

----------------------------------

Bài liên quan:

Tóm tắt Thiên long bát bộ

No comments:

Post a Comment