Monday, June 2, 2014

Quách Phù không hiểu gì về tâm lý

Trần Mặc

Nói đến Quách Phù, tôi đoán rất nhiều người không có ấn tượng tốt về nàng ta, hoặc không có ấn tượng gì cả. Cho nên bàn về Quách Phù, chỉ e bạn đọc sẽ không mấy hứng thú. Trong bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, Quách Phù là trưởng nữ của đại hiệp Quách Tĩnh và nữ kiệt Hoàng Dung, song hình tượng nhân vật này lại không mấy sáng sủa, cô em gái Quách Tương của nàng ta còn để lại ấn tượng tết đẹp hơn nhiều. Nhưng nếu xét từ một góc độ khác, kết luận rút ra có lẽ sẽ khác hẳn. Xét về ý nghĩa thuần túy văn chương, nhất là "nhân học" hoặc tâm lý học, hình tượng Quách Phù e rằng có giá trị hơn hẳn các danh nhân võ hiệp như phụ thân Quách Tĩnh, mẫu thân Hoàng Dung, muội muội Quách Tương, ông ngoại Hoàng Dược Sư và sư gia Phi thiên biển bức Kha Trấn Ác của nàng ta. Cũng tức là nói, nếu không chỉ bàn về võ hiệp, mà còn bàn về nhân văn, thì hình tượng Quách Phù đáng được nghiên cứu hơn thân nhân của nàng rất nhiều.


I

Trước hết, tác giả xây dựng hình tượng nhân vật Quách Phù không theo tư duy lôgich truyền thống Trung Quốc rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh con biết đào hang (Cha nào con nấy), mà là căn cứ lôgich cuộc sống và tính khả thể. Kết quả là một mặt, ngoại hình của Quách Phù thì kế thừa ưu điểm của cha mẹ, từ bé đã xinh xắn, khiến các gã thiếu niên chuộng sắc mê mệt; mặt khác, phẩm chất bên trong thì lại kế thừa khuyết điểm của cha mẹ , tức là cái ngu của Quách Tĩnh và sự tùy hứng làm bừa của Hoàng Dung. Tôi thường nghĩ rằng đứa con gái Quách Phù đúng là một sự châm biếm đối với vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung, hoặc nói theo kiểu các cụ, đúng là một sự báo ứng khó hiểu. Tại sao Quách Phù không kết hợp ưu điểm chất phác đôn hậu của Quách Tĩnh và sự thông minh linh lợi của Hoàng Dung, mà lại kế thừa khuyết điểm của họ? Cái này để cho di truyền học nghiên cứu. Tôi chỉ nghĩ rằng, ngoài yếu tố di truyền, còn có vấn đề giáo dục của gia đình. Về mặt này, trong sách viết rất rõ , Hoàng Dung đối với cô con gái này từ bé đã nuông chiều quá độ, cho nó muốn gì được nấy; còn Quách Tĩnh dù muốn dạy nó, liền bị Hoàng Dung ngăn cản, cho nên mỗi lần dạy con, Quách Tĩnh chỉ đầu voi đuôi chuột, dọa suông; Quách Phù càng được thể, không sợ ai hết.

Các thứ côn trùng, chim muông trên đảo Đào Hoa đều bị Quách Phù tàn sát, chó gà cũng không ngày nào được yên. Hoàng Dung nhìn mà như không thấy, Quách Tĩnh buồn bực khó nói. Kết quả là Quách Phù cô nương, hòn ngọc của Quách đại hiệp và Hoàng nữ kiệt tuy xinh tươi đáng yêu như một đóa phù dung, song cũng như đóa phù dung chỉ nổi trên mặt nước, chỉ có bề ngoài, chữ "Phù' bao hàm cái nghĩa nông nổi, nhẹ dạ. Hình tượng nhân vật Quách Phù dễ gợi người ta nghĩ đến "con ông cháu cha", nó như một sự nhắc nhở, cảnh tỉnh về văn hóa : trung hậu như Quách Tĩnh, thông minh như Hoàng Dung, đều chưa thể nuôi dưỡng nên đứa con ưu tú; chưa chắc đã bằng một gia đình địa vị thấp kém. Dĩ nhiên tiểu thuyết của Kim Dung hoàn toàn không phải là một bài học "dạy đời" kiểu cũ, ở đây tôi cũng không đàm luận về triết lý giáo dục, rút ra câu cách ngôn nào cả.

Tôi chỉ muốn tìm hiểu chỗ dựa và nguồn gốc tính cách của Quách Phù. Tôi muốn nói rằng cách viết của Kim Dung rõ ràng phá vỡ thường qui của tiểu thuyết võ hiệp, đưa vào đó kinh nghiệm sống của mình. Như đã nói, đặc điểm nổi bật trong tính cách của Quách Phù là chữ "phù' : nông nổi. Nghĩ cho kỹ, thấy Quách Phù hoàn toàn không chậm hiểu như phụ thân Quách Tĩnh, trí óc không phải loại kém phát triển. Quách Phù sở dĩ không thể thành tài, võ công trước sau chỉ thuộc hạng hai, hạng ba, nguyên nhân chủ yếu nhất chỉ là ở chữ "phù' kia. Quách Phù nông nổi, nôn nóng, không thể khắc khổ dụng công như phụ thân Quách Tĩnh của nàng; đồng thời lại không thể nghe một biết mười như mẫu thân Hoàng Dung; đã không thông minh lại lười biếng, dĩ nhiên không thể trở thành cao thủ võ công hạng nhất. Kiêu ngạo và nôn nóng là hai trở ngại lớn nhất cản trở sự phát triển tâm trí của Quách Phù. Về điểm này, nói không đủ trí lực cũng đúng, song đúng hơn là sự hạn chế về tính cách.



Hình ảnh Quách Phù trong điện ảnh

II

Ý nghĩa của hình tượng nhân vật Quách Phù khôngchỉ ở chỗ nàng không thành tài, mà con đường nên người của nàng cũng không suôn sẻ. Chữ "phù' không chỉ thể hiện ở võ công, mà càng rõ hơn ở lĩnh vực tình yêu. Tình yêu của Quách Phù có thể chia thành ba giai đoạn, hoặc nói là ba lớp khác nhau. Giai đoạn thứ nhất, Quách Phù với huynh đệ họ Võ thanh mai trúc mã, chơi với nhau từ bé, giữa hai anh em nàng không biết chọn ai. Chuyện này có thể chia làm mấy lớp, lớp thứ nhất, Võ Đôn Nhu tuy không nho nhã, song được cái đôn hậu, vững vàng; Võ Tu Văn tuy không văn vẻ, song cũng lanh lợi hoạt bát. Hai anh em, mỗi người có ưu điểm riêng, khiến Quách Phù trước sau không biết đàng nào mà chọn. Trong quá trình trưởng thành của thiếu niên nam nữ, có những tình huống rất khó nói, được tác giả miêu tả cực kỳ khéo léo. Hay hơn nữa là khi anh em họ Võ muốn giành Quách Phù lại đi tàn sát lẫn nhau, thì Dương Quá lại khéo léo dùng kế "rút củi dưới nồi", khiến huynh đệ họ Võ tuyệt vọng bỏ đi. Không lâu sau họ yêu người khác, còn Quách Phù thì cũng dành tình yêu cho người mới quen là Gia Luật Tề. Yêu Gia Luật Tề là giai đoạn thứ hai trong đời sống tình cảm của Quách Phù, cũng là lớp thứ hai trong cảnh giới tinh thần của nàng. Bất kể về võ công hay nhân phẩm, Gia Luật Tề đều cao hơn anh em họ Võ, song đó chưa phải là lý do quan trọng nhất khiến Quách Phù yêu Gia Luật Tề.

Dĩ nhiên Quách Phù vị tất đã biết vì sao nàng yêu Gia Luật Tề; chúng ta phải tìm giúp nàng vậy. Thứ nhất, tính cách và nhân phẩm của Gia Luật Tề rất giống Quách Tĩnh. Đối với một thiếu nữ tâm trí không sâu sắc như Quách Phù, hình ảnh người cha đáng kính đáng yêu thực ra đã sớm trở thành mẫu mực vô hình, nàng yêu Gia Luật Tề chính là tiếp nhận mẫu mực kia mà không cần suy nghĩ gì cả. Thứ hai, anh em họ Võ tính cách tuy khác nhau, song đối với Quách Phù thì họ có một điểm rất quan trọng giống nhau, ấy là cả hai nem nép vâng lời Quách Phù vô điều kiện. Quách Phù đã quen và thích thú sắm vai nàng công chúa kiêu ngạo trước mặt hai anh em nhà họ Võ, muốn sao được vậy, còn Gia Luật Tề thì xuất thân cao quí, nàng không thể tùy tiện sai phái như nô lệ. Đây là mâu thuẫn có tính bản năng trong lòng Quách Phù : nàng thích anh em họ Võ, song lại kính trọng Gia Luật Tề. Giữa cá và bàn tay gấu, chỉ được chọn một món, dĩ nhiên nàng bỏ hai con cá nhỏ để lấy bàn tay gấu. Điều bất ngờ là ở chỗ khi chúng ta cũng như QuáchPhù tưởng rằng Gia Luật Tề là chỗ nương nhờ tình cảm cuối cùng của nàng, thì ở phần cuối bộ tiểu thuyết, tác giả lại bộc lộ bí mật lớn nhất của tâm sự Quách Phù.

Ấy là Quách Phù khi đã ngoài ba mươi tuổi và lấy chồng nhiều năm, mới "đột nhiên" phát hiện bí mật lớn nhất của tâm sự mình: thì ra người mà nàng yêu sâu sắc, tha thiết nhất lại là Dương Quá, oan gia đối đầu từ nhỏ, suốt hai chục năm nay ân oán triền miên, bỏ thì thương, vương thì tội! Miêu tả giai đoạn thứ ba trong đời sống tình cảm của Quách Phù, phải nói là ngòi bút Kim Dung rất tài tình, hoàn toàn bất ngờ đối với người đọc. Mở đầu tác phẩm, căn cứ uyên nguyên lâu dài mấy đời giữa hai họ Quách, Dương, mọi người đều đoán cậu bé Dương Quá với cô bé Quách Phù thể nào cũng sẽ thành đôi vợ chồng, tác giả lại làm cho hai người cứ ngày một xa nhau. Đến cuối sách, khi mọi người sớm đã chấp nhận Quách Phù, Dương Quá mỗi người ai đã yên phận tình cảm người nấy, thì tác giả lại quay ngược trở lại, vén ra bí mật kinh người trong tâm lý Quách Phù. Cái hay thứ hai là rất hợp tình hợp lý. Mở đầu, Dương Quá và QuáchPhù, giống như câu nói trong bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng "Cái tâm muốn gần, cái ý lại hóa xa"; về sau tình trạng xa nhau không giấu nổi cái tâm muốn gần.

Cái hay thứ ba là miêu tả các lớp tình cảm của Quách Phù rất rõ ràng, nói nôm na thì tình cảm của Quách Phù đối với huynh đệ họ Võ là thích, đối với Gia Luật Tề là kính trọng, còn đối với Dương Quá mới đích thực là yêu! Nóicách khác, tình cảm của Quách Phù đối với huynh đệ họ Võ là xuất phát từ bản năng, đối với Gia Luật Tề là lý trí, còn đối với Dương Quá mới đích thực là cao hơn cả bản năng và lý trí, không thể nói sao cho rõ, vừa là yêu vừa là hận. Cái hay nhất của tình tiết này dĩ nhiên là việc khai thác tính cách và tâm lý của Quách Phù. Quách Phù hầu như quá nửa đời người, mới ngẫu nhiên, trên chiến trường quyết đấu sống còn, phát hiện bí mật tâm sự của mình, hiểu ra chân tướng tình cảm của mình, điều này chứng tỏ hành vi, tâm lý và toàn bộ cuộc đời của Quách Phù từ đầu đến giờ chỉ là phần nổi (phù) lơ lơ lửng lửng. Thực ra, trên thế gian đâu chỉ một mình Quách Phù có tâm sự lẫn lộn, nông nổi như thế? Nếu không, người cổ Hi La thông minh đã chẳng nói "Nhận thức được chính mình, đấy là trí tuệ cao nhất của loài người"?

----------------------

Bài liên quan:

Quách Phù
Tóm tắt Thần điêu hiệp lữ
Tiểu Long Nữ hẹn gặp Dương Quá sau 16 năm là để chờ Quách Tương lớn lên?
Thú vị nghe Quách Tương luận về đại anh hùng võ lâm

No comments:

Post a Comment