Saturday, September 27, 2014

Tình yêu: Mệnh đề phụ trong tác phẩm Kim Dung

Huỳnh Ngọc Chiến

(Vietkiemhiep) - Mỗi khi nói đến truyện võ hiệp, người ta thường nghĩ cảnh binh đao sát phạt, mọi việc đều có thể được giải quyết bằng võ công. Thế nhưng trong tác phẩm Kim Dung thì tình yêu lắm khi lại đóng vai trò chủ đạo. Nó điều hoà, dung hợp và đôi lúc cứu vãn được nhiều tình thế bế tắc. Nói theo ngôn ngữ Heidegger, một triết gia hiện sinh Ðức, ta có thể nói tình yêu trong tác phẩm Kim Dung là một loại “mệnh đề phụ“. Nhưng loại mệnh đề phụ đó thường làm thay đổi gả toàn văn, hoặc giúp người đọc nhìn lại các mệnh đề chính trong một làn ánh sáng khác.

Trong các tác giả phương Ðông, hiếm thấy có ai miêu tả tình yêu nhiều sắc thái đến kì lạ như Kim Dung. Có tình yêu lãng đãng thần tiên của Dương Qua với Tiểu Long Nữ, có tình yêu quay quắt đến đớn đau của Lệnh Hồ Xung với Nhạc Linh San, có tình yêu si dại cuồng điên của Du Thản Chi với A Tử, có tình yêu tuyệt vọng của Mục Niệm Từ với Dương Khang, có tình yêu cục mịch chân chất của Quách Tĩnh với Hoàng Dung, có tình yêu say đắm thiết tha, sẵn sàng khước từ tất cả danh lợi của trần gian để đổi lấy một nụ cười của Ðoàn Dự với Vương Ngọc Yến, có tình yêu lãng mạn kiểu “hồn bướm mơ tiên “ của tiểu ni Nghi Lâm với anh chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung, có tình yêu ngang trái đau thương của Trương Thuý Sơn với Hân Tố Tố, có tình yêu tha thiết ngậm ngùi và thuỷ chung của Tiêu Phong với A Châu, có tình yêu oan nghiệt cuả phương trựơng Huyền Từ với nữ ma đầu Diệp Nhị Nương, có tình yêu thơ dại hồn nhiên của Hân Ly với Trương Vô Kị, có tình yêu mang đầy cừu hận của Mai Phương Cô với Thạch Thanh v.v...

Tinh yêu đôi lứa vẫn luôn là vấn đề muôn thuở để con người ca ngợi, phẩm bình. Nó đã làm khô héo biết bao trái tim và đã làm hồi sinh biết bao tâm hồn. Nói theo Phật giáo, nếu như nước mắt chúng sinh nhiều hơn cả đại dương, thì ắt hẳn trong cái đại dương mênh mông ấy có bíết bao nhiêu là nước mắt đã đổ xuống vì tình yêu! Hàng triệu bài thơ tình đã được viết khắp năm châu bốn bể suốt vòm trời kim cổ, cũng chỉ để nói lên sự đa dạng đến kì lạ của tình yêu. Nó di dời bình diện khắp nơi khắp chốn, hiện diện trên khắp mặt biển dâu và không ai có thể xác định đâu là tố chất tạo nên tình yêu.
Ai dám nói rằng tội lỗi lại không là yếu tố hấp dẫn để đưa đến tình yêu? Có ai ung thối và băng hoại cho bằng Dương Khang, kẻ không thiết tha gì ngoài quyền lực và giàu sang phú quí, thậm chí chối bỏ cả cha ruột của mình, để chạy theo cái bã hư vinh? Ấy thế mà người con gái đoan trang, hiền thục như Mục Niệm Từ lại suốt đời lại thương yêu, chung thuỷ trong tuyệt vọng với con người đó. Cho dẫu khi Dương Khang nằm phơi xác bên ngoài ngôi cổ miếu hoang tàn, được xem như là một báo ứng cho những tội lỗi của y, thì Mục Niệm Từ vẫn mang hình ảnh đau thương đó về một ngôi chùa xa xăm hoang tịch. Cửa Phật vô biên có thể sẽ giúp cho linh hồn Dương Khang siêu thoát, nhưng liệu có đem lại bình yên cho hồn thục nữ đang nát tan bởi mối tình đầu?

Một Kỉ Hiểu Phù dịu hiền sẵn sàng không tuân sư mệnh, và chấp nhận cái chết để khỏi phải sát hại Quang Minh tả sứ Dương Tiêu, kẻ mà theo sư phụ nàng là đã làm tan nát đời nàng. Cảnh tượng chưởng môn phái Nga Mi Diệt Tuyệt sư thái vận kình lực vào lòng bàn tay và đặt lên đầu người môn đồ đang quì gối, để buộc nàng phải chấp thuận yêu cầu của mình - qua ánh mắt trẻ thơ của Trương Vô Kị - thật là lâm li. Và cái lắc đầu của Kỉ Hiểu Phù có thể được xem như là một bước ngoặc làm dao động cả trang sử đạo lí truyền thống của võ lâm: tiếng nói thiết tha đằm thắm của tình yêu chân chính đã thắng tiếng nói đạo lí cứng nhắc của sư môn. Cái tên Bất Hối (không hối hận) mà nàng đặt cho con gái đã đội mũ triều thiên cho hai chữ Tình yêu15. Và những cành hoa dại trên nấm mộ của nàng nơi rừng vắng, sẽ mãi lộng lẫy như một vòng hoa diễm lệ, điểm trang thêm cho thiên tình sử đầy nước mắt của võ lâm Trung nguyên.

Một Ðoàn Dự khước từ vương vị, chối bỏ quyền lực vinh hoa, suốt đời cứ rong ruỗi khắp giang hồ để mê mãi chạy theo tà áo phất phơ của Vương Ngọc Yến.

Yêu say đắm, yêu hơn cả yêu bản thân mình mà không cần chiếm hữu, không cần được đáp lại, chỉ cần thỉnh thoảng được thấy nàng cười hoặc liếc nhìn là đủ hạnh phúc rồi! Ta thấy có một chút gì tương đồng trong tình yêu của giữa Ðoàn Dự với Người làm vườn (The Gardener) của Tagore. Có thể nói đến cả tình yêu của Du Thản Chi với A Tử nữa, nhưng trong tình yêu cuồng điên si dại của Du Thản Chi có chút gì bất nhẫn, đó là sự tận tuỵ của một con vật trung thành! Còn Vương Ngọc Yến dường như sinh ra chỉ để yêu và phụng sự cho tình yêu. Người con gái diễm kiều thông tuệ ấy thấu hiểu tất cả võ công trên đời, nhưng chỉ tha thiết với tình yêu. Và cuối cùng nàng đáp lại tình yêu của Ðoàn Dự như một cái gì tất yếu: tìm lại tinh thể tinh yếu (essence) của chính mình. Hai người sinh ra chỉ để yêu nhau, và cuối cùng họ đã tìm thấy “một nửa còn lại” của nhau, đúng lúc cận kề với cái chết giữa đáy giếng khơi!

Một Hoàng Dung thông minh, giảo quyệt là thế lại đi yêu anh chàng cục mịch Quách Tĩnh được mệnh danh là “con trâu”. Biết đâu trong cái chất phác khù khờ lại hàm chứa nhiều điều lôi cuốn một tâm hồn thông minh nhạy cảm? Còn có gì đáng buồn cười hơn khi ta hình dung lại cảnh tượng gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung cung kính quì lạy cô bé Nhậm Doanh Doanh thấp thoáng sau tấm sáo trúc, luôn miệng gọi là “bà bà” và kể lể tất cả nỗi niềm tâm sự, trong lúc tuyệt vọng thương đau trong mối tình đầu với cô tiểu sư muội Nhạc Linh San? Vậy mà giây phút đó lại gây một tiếng sét ái tình, một “coup de foudre“ cho vị Nhậm đại tiểu thư vốn cực kì cao ngạo. Và cô bất chấp thân phận “Thánh cô”, bất chấp tai tiếng thị phi trên giang hồ, chiến thắng cả lòng kiêu ngạo, đã liều lĩnh cõng tên lãng tử Lệnh Hồ Xung bệnh hoạn kia lên Thiếu Lâm tự cầu xin Phương Chứng đại sư dùng Dịch cân kinh chữa bệnh cho y, và sẵn lòng chấp nhận cái giá phải đổi là chung thân ngục tù trong thạch thất! Tình yêu đầu đời quả có sức lôi cuốn đến là kì lạ và thậm chí nhiệm mầu. Ðúng như Pascal bảo “Le coeur a des raisons que la raison ne connait point“. Con tim có những lí lẽ mà lí trí không làm sao hiểu nỗi. Không ai có thể lí giải được. Mà nếu lí giải được thì có lẽ đó không còn là tình yêu nữa, ta phải gọi bằng một cái tên khác!

Khi Hân Ly gặp gỡ lần đầu và yêu Trương Vô Kị rồi, thì suốt đời cô chỉ biết có cái hình ảnh đó mà thôi. “Cái giây phút ban đầu” thiêng liêng và kì lạ đó đã để lại trong tâm hồn cô một ấn tượng sâu sắc đến diệu kì. Sau một thời gian dài ngoài Linh Xà đảo, khi quay về Trung thổ gặp lại chính Trương Vô Kị, dưới tên giả là Tăng A Ngưu, trong đống tuyết thì cô vẫn chỉ nhớ đến hình ảnh Trương Vô Kị ngày xưa! Có một chút thơ dại hồn nhiên trong mối tình đầu của cô gái chuyên luyện độc công “Thiên thù tuyệt hộ thủ “ đó. Tình yêu đầu đời đã thắp sáng trong tâm hồn cô ngọn lửa tinh khiết thiêng liêng mà thời gian trôi qua, bão giông đời vẫn không làm cho tắt được.

Trên đời này làm gì có ai quái ác và tàn nhẫn cho bằng A Tử đối với Du Thản Chi? Nhưng cô bé đó lại yêu thiết tha người anh rể Tiêu Phong, và rất sẵn lòng chấp nhận hi sinh vì cái tình yêu trái ngang vô vọng ấy. Trong trái tim lạnh lùng, tàn ác của cô bé vô cùng tinh quái kia, tinh quái đến mức cực kì độc ác gần như mất cả tính người, vẫn còn chỗ cho một tình yêu trong trắng chân thành! Một cô bé mới mười mấy tuổi đầu lại có thể sống đến tận cùng hai thái cực : tàn nhẫn và đắm say. Trong văn học cổ kim có lẽ khó có cảnh tựơng nào thảm khốc và làm tan nát lòng người bằng cảnh A Tử móc mắt ném trả lại cho Du Thản Chi và ôm xác Tiêu Phong chạy rơi vào hố thẳm. Ông Bùi Giáng nhận xét cực hay: đó là triệt để mù loà chạy vào sa mạc của tình yêu.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung còn đi xa hơn các tác giả võ hiệp khác khi tạo nên mối tình câm lặng của cô tiểu ni xinh đẹp Nghi Lâm với gã lãng tử Lệnh Hồ Xung. Thân phụ Nghi Lâm là gã đồ tể, chỉ vì yêu một ni cô mà phải xuất gia, lấy pháp danh Bất Giới hoà thượng (hoà thượng mà không theo một giới luật nào!). Bất Giới cục mịch là thế nhưng vẫn có cái can đảm nói lên và thực hiện được tiếng nói thực của lòng mình. Có một chút thô tục lẫn hài hước, song vẫn đáng mến trong cái gọi là tình yêu của ông ta. Còn tình yêu của Nghi Lâm đối với Lệnh Hồ Xung có thể được goi là tình yêu chăng? Nó mơ hồ man mác kiểu “Hồn bướm mơ tiên“ của Khái Hưng. Không quay quắt đớn đau, không ầm ỉ, không lộ liễu. Trái tim thiếu nữ ngây thơ của cô tiểu ni kiều diễm kia biến thành bãi chiến trường cho sự tranh chấp giữa hai tiếng gọi đời và đạo. Cô thương nhớ gã đến héo hắt, đến tiều tuỵ cả dung nhan, nhưng đáng yêu biết bao khi ngày ngày cô vẫn thành tâm cầu nguyện Bồ tát phù hộ cho cho gã Lệnh Hồ đại ca, mà cô ngày đêm tưởng nhớ đó, được suốt đời hạnh phúc với Doanh Doanh! Một tình yêu thuần nhiên thanh khiết như dòng suối trong suốt, không bợn một chút dục vọng nào. Có thể mai sau hình ảnh của gã “Lệnh Hồ đại ca” sẽ thỉnh thoảng vương vấn trong từng trang kinh của vị tân chưởng môn phái Hằng Sơn đó, nhưng chắc chắn nó sẽ không làm khuấy động nhiều cõi thanh tu!

Hầu hết những mối tình của các nhân vật chính của Kim Dung đều kết thúc trong đau thương hoặc dang dở, bởi định kiến, bởi ngộ nhận, bởi cái công thức chính tà cứng nhắc của con người. Liệu cái chết của Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố, một cặp Romeo và Juliette phương Ðông, có nối kết được những gì còn để dở dang trong cuộc sống? Cái chết đau thương của A Châu trở nên vô cùng bi tráng khi nó soi sáng được biết bao nhiêu điều ngộ nhận. Có phải Kim Dung muốn đi theo con đường sáo mòn của loại khuôn khổ: Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở (thơ Hồ Dzếnh)? Không, Kim Dung còn đi xa hơn khi cho thấy những mối tình, nếu không kết thúc trong bi thương, đoạn trường thì đều tựu thành trong cái bất toàn của nó. Luôn luôn có một điều mất mát trong những mối tình trọn vẹn. Kim Dung vẫn tỏ ra trung thành với cái qui luật cực kì sâu sắc của phương Ðông : Tạo hoá đố toàn. Tạo hoá luôn luôn ghen tị vơi cái gì toàn mỹ. Mối tình thần tiên của Dương Qua với Tiểu Long Nữ chỉ tựu thành khi Tiểu Long Nữ không còn là thiếu nữ, mà đau đớn thay, lại do bởi một tên đồi bại phái Toàn Chân! Trương Vô Kị phải mất ngôi Giáo chủ Minh giáo mới có thể ngày ngày ngồi vẽ lông mày cho Triệu Minh! Ðoàn Dự lấy Vương Ngọc Yến và Hư Trúc lấy công chúa Mộng Cô cũng chỉ để thành toàn cái tình yêu cay đắng và đau thương, mà người anh kết nghĩa của họ là Tiêu Phong còn để dở dang trong bi hận. Lệnh Hồ Xung chỉ có thể rong chơi giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh để cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ khi cô tiểu sư muội của mối tình đầu đã nằm yên dưới mộ!
Tiếng nói mạnh mẽ và có năng tính cao nhất trong tác phẩm Kim Dung vẫn là tiếng nói của tình yêu. Nó biến hoá thiên hình vạn trạng, băng qua máu lửa, đắm chìm trong nước mắt, lôi cuốn con người vào tận cùng của đam mê say đắm, của hi sinh, của khổ đau, của hạnh phúc, và thậm chí của tội lỗi nữa. Trong các nhân vật chính của Kim Dung có lẽ Mộ Dung Phục là một ngoại lệ : y không hề biết đến tình yêu. Y có khát khao điều gì ngoài việc khôi phục lại một nước Ðại Yên hão huyền? Và vì cái giấc mộng đế vương rồ dại đó, y đã khước từ tình yêu của Vương Ngọc Yến. Có ai ngờ nỗi con người đã từng được mệnh danh là con rồng trong võ lâm đó lại có thể nhẫn tâm nhanh chóng trở mặt giết cả người thân thuộc để lấy lòng Ðoàn Diên Khánh, nhằm thực hiện cho được ý đồ. Và kết cục tất yếu là y phải trở thành người điên sống trong cơn mộng đế vương hư ảo với y phục của phường tuồng và quần thần là đám trẻ con chạy theo xin kẹo bánh!

Phải chăng Kim Dung muốn cho ta thấy dẫu tình yêu có đem lại vô vàn khổ luỵ đi nữa thì nó vẫn là tiếng nói nhân bản nhất của con người, và kẻ nào không biết đến tình yêu, kẻ nào quay lưng lại với tiếng nói đằm thắm của con tim đều tự mình đánh mất đi những gì đẹp đẽ nhất trong đời và luôn luôn đi đến một kết cục cuồng điên?

--------------------------

Huỳnh Ngọc Chiến

    No comments:

    Post a Comment