(Vietkiemhiep) - Hà Túc đạo - với biệt danh là Côn luân tam thánh là một nhân vật phụ, nhưng khá đặc biệt, xuất hiện ngắn ngủi trong phần đầu tiểu thuyết kiếm hiệp Ỷ Thiên đồ long ký của Kim Dung. (cuốn cuối cùng trong bộ Xạ điêu tam bộ khúc)
Trong truyện, cô gái nhỏ xinh đẹp thông minh nhưng đa tình Quách Tương, con gái út của cặp đại hiệp nữ hiệp Quách Tĩnh - Hoàng Dung, bỏ nhà, cỡi con lừa xanh lang thang khắp chốn giang hồ tìm Dương Quá, người trong mộng của mình, sau ba năm trời biệt tin cùng thê tử là Tiểu Long Nữ.
Trên đường lang thang, đến núi Thiếu Thất nơi đặt bản doanh của phái Thiếu Lâm, trong một rừng bách, Quách Tương tình cờ gặp một trung niên văn sĩ trạc chừng bốn mươi tuổi, mặc đạo bào trắng. Anh ta than thở: “Ôm trường kiếm, trợn ngược lông mày; than ôi sao nước xanh và đá trắng lại rời rạc nhau đến vậy. Thế gian không tri kỷ, ta sống ngàn năm có ích chi?”. Nghe lời than thở, Quách Tương xúc động, biết người kia cũng đang trong tâm trạng cô đơn như mình. Nước xanh là người phụ nữ; đá trắng là người đàn ông. Anh ta đang mơ ước có một hồng nhan tri kỷ trên đời. Người đó chính là Hà Túc Đạo.
Hà Túc Đạo là người ở xứ Côn Luân giáp Tây Vực (cùng nơi với Âu Dương Phong, cách rất xa Trung Nguyên. Chàng được người đời tán tụng đặt cho danh hiệu Côn Luân tam thánh - ý để chỉ ba tài năng bậc "thánh" là CẦM - KỲ - KIẾM (chơi đàn, đánh cờ và xử kiếm).
Vốn là người khiêm tốn nho nhã, nên anh chàng tự đặt têm vào danh hiệu chữ Hà Túc Đạo, có nghĩa là "không đáng nói như vậy". Tức là "không đáng để được gọi là Côn Luân tam thánh"!.
Hà Túc Đạo gặp Quách Tương lúc trên đường từ Tây Vực xuống Trung Nguyên, tìm lên chùa Thiếu Lâm mong gặp nhà sư Giác Viễn. Nguyên sư Giác Viễn là người coi ở tàng kinh các, để bị mất một cuốn sách kinh Lăng Già đặc biệt quý giá. Hai tên trộm trước khi chết đã ăn năn hối hận, muốn nhờ Hà Túc Đạo chuyển tới Giác Viễn chỉ một câu nói thế này: “Kinh ở trong Hầu”.
Sẵn dịp, Hà Túc Đạo cũng muốn thử tranh tài võ công cao thấp với phái Thiếu Lâm - vốn lừng danh thiên hạ. Nên chàng ta đã bí mật đột nhập vào Đại Hùng bảo điện chùa Thiếu Lâm, dán lên tay bức tượng phật Giáng Long một bức thư khiêu chiến: “Võ công Thiếu Lâm xưng hùng Trung Nguyên và Tây Vực đã lâu. Trong 10 hôm nữa, Côn Luân tam thánh sẽ liều mình đến xin thỉnh giáo”.
Chính chữ "tam thánh" trong ngoại hiệu của Hà Túc Đạo, mà từ Quách Tương và cả Vô Sắc thiền sư - chủ tọa La Hán đường - chuyên việc đánh nhau với ngoại địch, cứ tưởng là ... ba (tam) người!
Khi gặp Quách Tương, nghe nàng gảy một khúc nhạc, Hà Túc Đạo đâm mê mẩn tâm hồn, tưởng như đã tìm ra người tri kỷ. Chàng ta đã sáng tác ra một bản nhạc dành riêng cho Quách Tương. Đối đáp "tình ý" mà nàng gửi trong khúc nhạc (ấy là Hà Túc Đạo nghĩ như vậy). Khi nghe khúc nhạc ấy, Quách Tương cảm nhận được trong đó bao nỗi niềm ý nhị, thiết tha, đến mức nàng bỗng đỏ mặt, cảm thấy thẹn thùng và cảm thấy đó là khúc nhạc hay nhất mà mình từng nghe!
Có thể nói, thoạt nhìn bề ngoài, Hà Túc Đạo và Quách Tương đúng là một đôi trai tài gái sắc, cân sức cân tài và cứ như là rất hợp để dành cho nhau. Vì mặc dù Quách Tương là một cô gái rất thông minh, xinh đẹp và rất nhiều người khi gặp nàng đều say mê, yêu mến. Dù đó là ai. Tỷ như ngay Trương Quân Bảo (sau này là Trương Tam Phong - tổ sư phái Võ Đang), dù nhỏ hơn nàng mấy tuổi, khi đó mới khoảng 15 tuổi, khi gặp Quách Tương đã quyến luyến không thể rời xa. Nhưng xét về tuổi tác và tài năng, và thậm chí cả tình cảm và nỗi niềm ưu ái, trìu mến, nặng phần say mê, lãng mạn của Hà Túc Đạo dành cho cho nàng, có thể khẳng định nếu Quách Tương yêu Hà Túc Đạo thì hẳn đây sẽ là một cặp đôi rất đẹp trên chốn giang hồ. Và Quách Tương có thể sẽ có được hạnh phúc chăng?
Nhưng khổ nỗi trái tim luôn có lý lẽ riêng. cho nên dù biết rõ Dương Quá đã có thê tử là Tiểu Long Nữ, nhưng Quách Tương vẫn không thể nào quên sầu nhớ chàng. Trong tình cảnh như vậy, thì nàng làm sao có tâm trạng nào để mà yêu, thậm chí để ý đến kẻ khác, trong đó có Hà Túc Đạo vậy.
Quách Tương, người trong mộng của Côn luân tam thánh Hà Túc Đạo
Lại nói về Hà Túc Đạo, sau khi vào chùa Thiếu Lâm tỷ đấu với sư Giác Viễn và đệ tử của ông là Trương Quân Bảo (sau này trở thành Trương Tam Phong, sáng lập ra phái Võ Đang) và ... thất bại, chàng ta đã xấu hổ quay bước trở về cố hương. Cũng từ đó bặt tin trên chốn giang hồ.
Bất luận thế nào, hẳn trong trái tim y vẫn luôn in mãi bóng hình người thiếu nữ xứ Trung Nguyên xinh đẹp và không kém phần hào hoa kỳ tài Quách Tương. Kế cũng đáng thương cho y.
-------------------
Bài liên quan:
No comments:
Post a Comment