Saturday, April 26, 2014
Chu Chỉ Nhược đáng thương hơn đáng giận
Chắc tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung thì không thể nào quên được nhân vật Chu Chỉ Nhược. Cũng có thể nói đây là một trong những nhân vật gây cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Mặc dù có nhiều người khi đọc tác phẩm không thấy mấy thiện cảm với nhân vật này, thậm chí là chán ghét và coi đây là một nhân vật phản diện. Tôi đã từng thấy nhiều ý kiến của độc giả về nhân vật này như:
Đây là một con người ngụy quân tử, trước mặt Trương Vô Kỵ thì tỏ ra là một cô gái ngây thơ, lương thiện, trong trắng nhưng thực ra là kẻ giết người không ghê tay.
Lại có người bảo rằng vì nàng họ Chu nên cùng họ với Chu Nguyên Chương, vậy nên cũng gian hùng như vị hoàng đế đầu tiên của triều Minh này.
Thậm chí còn có người bảo rằng nàng là con người tham lam ích kỷ, vừa muốn có quyền lực lại vừa muốn có tình yêu, bất chấp mọi thủ đoạn để giành lấy cho bằng được.
Nhưng với tôi, tôi hoàn toàn không đồng ý với các ý kiến trên, tôi nghĩ thực sự đây là một nhân vật đáng thương hơn đáng trách nhiều. Chúng ta hoàn toàn nên có một cái nhìn cảm thông với nhân vật này.
Thực vậy nếu Chu Chỉ Nhược là người xấu xa thực sự tại sao tác giả lại không để cho nàng có một kết thúc bi thảm như Nhạc Bất Quần hay Tả Lãnh Thiền hoặc phát điên như Âu Dương Phong, Mộ Dung Phục. Hay chẳng nhẽ đến đây nhà văn lại khiếm khuyết trong tác phẩm của mình. Nếu vậy sao các lần sửa sau Kim Dung không sửa lại Chu Chỉ Nhược có một cái kết thúc bi thảm hơn mà dường như lại sửa các kết thúc đối với nhân vật này có kết quả đẹp hơn.Có thể có người cho rằng nàng có số phận giống như Chu Nguyên Chương, tuy làm nhiều việc xấu xa nhưng lại không bị báo ứng, vậy xin đính chính: Chu Nguyên Chương là nhân vật lịch sử, dù Kim Dung có ghét nhân vật này đến đâu thì ông cũng không thể thay đổi được lịch sử nhưng với Chu Chỉ Nhược thì khác, nhân vật này do chính Tra tiên sinh dựng nên, vậy việc thay đổi số phận của nhân vật này là hoàn toàn có thể chứ. Và ông đã làm như vậy 3 lần viết truyện Ỷ Thiên là 3 kết thúc khác nhau với nàng Chu Chỉ Nhược. Lần đầu đó là cái chết của Chu Chỉ Nhược khi nàng chịu thay cho Vô Kỵ phát tên của quân Mông Cổ ở bản Cô Gái Đồ Long những năm 1970), ở đây ta chỉ thẩy một nàng Chu Chỉ Nhược bất hạnh chịu nhiều đau khổ và cuối cùng là cái chết vì người mình yêu của nàng, nhưng thực sự cuối cùng dù nàng có làm thế nào đi nữa thì Vô Kỹ vẫn cưới Triệu Mẫn.
Lần thứ 2, Tra tiên sinh đã cho nàng một kết thúc là cắt tóc đi tu, nhưng cửa phật đâu phải là phải nơi là để trốn tránh mọi sự đau khổ chứ, nàng đã hối hận về những việc mình làm thì hoàn toàn có thể làm lại để sửa chữa những lỗi lầm đó chứ đâu nhất thiết cứ phải quy y, thực ra lòng trần còn chưa dứt, nàng vẫn còn yêu Vô Kỵ tha thiết thì làm sao có thể quy y cửa phật được. Kết thúc này dường như khá gượng gạo, để rồi một lần nữa tác giả phải thay đổi kết thúc, có thể nói kết thúc lần thứ 3 này cũng là kết thúc hay nhất mà tôi cảm thấy được, Tra tiên sinh đã để cho bộ ba Vô Kỵ, Triệu Mẫn và Chỉ Nhược cùng xuất hiện và nói chuyện tại một nơi nào đó, từ nay mai danh ẩn tích không còn tham gia vào giang hồ sóng gió nữa. Với những người yêu thích nhân vật Chu Chỉ Nhược thì có lẽ kết thuc này đối với họ chính là việc cả 3 con người cùng chung sống với nhau như một gia đình nhỏ nhưng ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.
Tới đây ta đặt một câu hỏi tại sao tác giả lại đặt nhiều ưu ái cho nàng Chỉ Nhược đến vậy. Theo ý kiến của mình thì tôi nghĩ nhân vật này bản chất vốn không phải xấu xa, vì hoàn cảnh mà nàng ta mới phải làm những việc trái với lương tâm của chính mình.
Thử nghĩ mà xem, Chỉ Nhược từ nhỏ đã mồ côi, không nơi nương tựa. Trương Tam Phong đem nàng về gửi cho Duyệt Tuyệt Sư Thái nuôi nấng vậy nên với nàng sư phụ cũng chính là cha mẹ của nàng, vậy những lời của sư phụ nàng không nghe sao được. Thậm chí cả việc hi sinh tình yêu với Vô Kỵ, có người bảo rằng Chu Chỉ Nhược không xứng đáng với tình yêu của Vô Kỵ vì nàng không dám như Triệu Minh, bỏ cả cha anh để đi theo Vô Kỵ, sẵn sàng đối lập với triều đinh.
Nhưng thử hỏi nếu bạn rơi vào hoàn cảnh của Chỉ Nhược liệu bạn có thể làm thế không, nhất là với người á đông chúng ta thì chữ hiếu luôn được đặt lên trên chữ tình.
Còn về tình yêu của nàng đối với Vô Kỵ thì theo tôi đó là một tình yêu hoàn toàn trong sáng, không một chút vụ lợi. Trước đây lần đầu tiên gặp Vô Kỵ, nàng đã tự tay đút cơm cho chàng, chỉ một lần gặp gỡ thoáng qua đó những tưởng nàng có thể quên một cậu bé Vô Kỵ ốm yếu ngày nào, nhưng không: Chỉ Nhược vẫn mang theo mối tình đó, mối tình ấp ủ trong lòng mong một ngày gặp lại, dù sau này phải ngậm ngùi đau xót khi chấp nhận Triệu Mẫn là kẻ chiến thắng hay lúc đành lòng mà phải trao duyên cho Tống Thanh Thư, nhưng tình cảm của nàng với chàng giáo chủ đó vẫn không thay đổi.Những tâm tư của riêng nàng nếu ai không từng trải qua thì cũng không thể thấu hiểu được, và có hiểu được mới nhận thấy nàng đáng cảm thương và tha thứ đến mức nào. Những hành động mù quáng khiến người đời phải xúc mục kinh tâm mà Chu Chỉ Nhược gây ra không chỉ vì một chữ “tình”, chính hoàn cảnh mới là điều khiến ta nuối tiếc nhất ! Nếu không có sự ngăn cản của Diệt Tuyệt Sư Thái cùng với cái sự nghiệp “Ỷ Thiên - Đồ Long” của bà ta, duyên tình giữa Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kỵ có lẽ đã được hợp thành. Thật có quá nhiều đáng tiếc…
Nếu bảo bản chất của Chỉ Nhược là ác thì hoàn toàn không công bằng với nàng một chút nào. Tuy nàng đã làm những việc xấu nhưng suy cho cùng vì nàng vừa phải giữ lời hứa với sư phụ mà còn là vì nàng quá yêu Vô Kỵ, luôn muốn có được trái tim chàng và trong nàng còn có cả chút ghen tuông mù quáng của người phụ nữ. Tất cả những điều đó đã tạo nên những hành động sai lầm của nàng. Có thể nói trong cả bộ truyện nhân vật Chu Chỉ Nhược là nhân vật có cuộc đấu tranh nội tâm nhiều nhất:
+ Yêu Vô Kỵ nhưng lại phải luôn giữ những lời hứa với sư phụ.
+ Bản chất nàng không phải xấu song lại phải làm những việc trái với lương tâm, vậy nên lúc nào nàng cũng day dứt. Có lúc nàng chỉ mong được ở lại hòn đảo hoang kia với Vô Kỵ, không về Trung Nguyên nữa để tránh xa mọi sóng gió giang hồ, có một gia đình nhỏ hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng rồi mong ước đó cũng không thành.
+ Và đến lúc hận Vô Kỵ vì đã bỏ rơi mình, định trả thù chàng mà nàng cũng không thể làm vậy vì trong trái tim đó đã in sâu hình bóng của Vô Kỵ rồi.
Hơn nữa nếu bản chất của nàng xấu thật thì tại sao khi làm chưởng môn Nga Mi phái nàng lại không giết Đinh Mẫn Quân. Đinh Mẫn Quân là người ám hại nàng biết bao lần nhưng nàng vẫn tha thứ. Chỉ một chi tiết Chỉ Nhược đứng ra chịu thay cho vị sư tỷ ác nghiệt của mình một chưởng của Kim Hoa bà bà có thể thấy rõ bản tính lương thiện bên trong nàng rồi. Người có thể tha thứ cho chính kẻ thù của mình liệu có phải là ác không? Câu hỏi đặt ra mà dường như đã biết câu trả lời rồi.
Thật đáng tiếc lắm thay, nếu như năm xưa Trương Tam Phong đừng đưa nàng cho Duyệt Tuyệt sư thái nuôi dưỡng mà giữ lại trên núi Võ Đang thì có lẽ mối duyên tình giữa nàng và Vô Kỵ giờ đã thành. Thực sự trong thâm tâm tôi nghĩ rằng nếu như thực sự Chỉ Nhược không phải làm đệ tử cho Duyệt Tuyệt Sư Thái thì thực sự nàng chính là một người vợ hiền thục, một người biết chăm lo cho gia đình và Vô Kỵ hoàn toàn có thể có một gia đình hạnh phúc với nàng. Kết thúc cuối cùng mà Tra tiên sinh viết lại có lẽ cũng chính là kết thúc hay nhất đối với tôi về truyện Ỷ thiên, âu cũng là mà chút gì đó đền bù cho cuộc đời đầy đau khổ và bất hạnh của nàng Chu Chỉ Nhược.
---------------------------
Bài liên quan:
Chu Chỉ Nhược
Tóm tắt Ỷ thiên đồ long ký
Triệu Minh và Chỉ Nhược: Bản lĩnh đàn bà
Triệu Mẫn có xứng đáng hơn Chu Chỉ Nhược trong tình yêu?
Khổ nhục kế trong Ỷ Thiên Đồ Long ký
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment