Monday, June 2, 2014

Hạ Thanh Thanh - một mảnh đời bé nhỏ

Hai hồng nhan tri kỷ của Viên Thừa Chí (trong tác phẩm Bích Huyết Kiếm của Kim Dung) có những nét đẹp riêng, mỗi người một vẻ. Mở đầu phim Thanh Thanh là phường ăn cướp, sau đó thế nào cũng không trả vàng lại cho người ta, tính tình của cô tà nhiều hơn chính. Ra đường thì bị chửi là con hoang, bị mọi người trong nhà khinh rẻ. Tiếng tiêu của Thanh Thanh cũng vậy, rất cô đơn, vì không có ai hiểu cô cả.

Có lẽ đã không biết bao lần cô khóc nức nở vì tủi phận mình không có cha, bị không những người đời mà còn các ông của mình chà đạp. Thanh Thanh và mẹ cô có một vườn hoa riêng, tưởng như họ rất được nuông chiều. Nhưng thực chất các ông của Thanh Thanh chỉ làm vậy để Thanh Thanh đi cướp đồ giúp họ, để họ khỏi phải làm mà cũng được ăn. Cô lúc nào cũng là một công cụ kiếm tiền cho các ông ngoại; nhiều khi họ biết những chuyến đi của cô rất nguy hiểm nhưng họ bỏ mặc, nếu cô có chết thì cũng chỉ có mẹ cô là đau lòng. Trong nhà toàn là những người đầu trộm đuôi cướp, giết người như giết sâu bọ, cô chứng kiến những cảnh này hằng ngày mà vẫn giữ được trái tim lương thiện. Thanh Thanh chỉ có một cái an ủi duy nhất là có được Viên Thừa Chí (mà cũng không có hoàn toàn nữa)

Còn A Cửu đã sống những ngày rất vô tư lự với sư phụ của mình, không phải là cô không được thương yêu mà là cuộc sống trong cung rất bó buộc, không hợp với cô nên Sùng Trinh cho cô ra ngoài sống cho thoải mái thôi. Nghe cách Sùng Trinh nói chuyện với cô thì xem ra A Cửu cũng là một trong những người con mà Sùng Trinh thương nhất. Chỉ khi cô bị nước mất, nhà tan thì lúc đó mới là đau khổ thật sự. Nhưng đa số người xem không cảm nhận được nỗi đau dằn vặt mỗi ngày dăm ba bận, suốt mười tám năm của Thanh Thanh mà chỉ cảm thương cho A Cửu nước mất nhà tan. Không có cái gì nhục bằng bị kêu là "đồ con hoang", bị chính người nhà của mình khinh bỉ, biết mình và mẹ mình bị ghét và có thể bị giết nếu các ông ngoại không dùng được nữa nhưng vẫn phải nương nhờ họ.

Số phận của A Cửu là một câu chuyện lãng mạn nhưng có kết cuộc bi thương, một chuyện tình thường hay gặp trong tiểu thuyết. Còn cuộc sống của Thanh Thanh chứa những nỗi đau rất "thật", rất đời thường: ghen tuông nhỏ mọn, chịu khổ vì những thành viên ác độc trong gia đình, sinh ra không có cha, vv. Hình ảnh Thanh Thanh thổi tiêu không đẹp như A Cửu thổi lá tre. Nó chứa đựng một sự cay đắng, mỉa mai và cô đơn. Nếu A Cửu đẹp vì nàng là công chúa ở trong nhân gian, dịu dàng, thanh khiết, thì Thanh Thanh tựa như hình ảnh của một cô bé bán vé số đầu đường, phải giành giựt miếng cơm manh áo từng ngày, phải đối diện với những giông bão của cuộc sống, rất bình thường, rất "người".

Có thể bạn sẽ nói "Làm sao có thể so sánh một sự mất mát to lớn, là gia đình, và cả nước Đại Minh, của A Cửu, với những nỗi buồn nhỏ nhặt của Thanh Thanh được?" Ở trên đời nếu như khó phân biệt được tình yêu nào là hơn, là kém thì cũng khó có thể phán xét nỗi buồn nào to lớn hơn. Nỗi buồn của A Cửu đột ngột và cháy bỏng như bão táp, nỗi buồn của Thanh Thanh kéo dài âm ỉ và giằng xé như cơn mưa ngâu, rả rích không bao giờ ngừng.

Không có ai làm thơ về cô bé bán vé số, chỉ có thơ về những nàng công chúa tài hoa bạc mệnh. Bởi vì cuộc đời của cô bé tầm thường quá, hèn hạ quá, đâu có nên thơ. Nhưng đối với tôi, hình ảnh của Thanh Thanh rất thật, rất người đó, có thói hư tật xấu, có trái tim lương thiện, cũng đẹp không kém gì nàng công chúa A Cửu..."

-----------------------

Bài liên quan:

Tóm tắt Bích huyết kiếm
Hạ Thanh Thanh - người đẹp nhưng lòng không đẹp?



No comments:

Post a Comment