Wednesday, April 22, 2015

Luận về tuyệt thế võ công Lục Mạch Thần Kiếm

Lâm Dũng

(Vietkiemhiep) - Lục Mạch Thần Kiếm được xưng tụng là một trong những môn võ công tuyệt thế, sánh ngang với Dịch Cân Kinh huyền thoại của thánh địa võ học Thiếu Lâm. Nếu như Dịch Cân Kinh được coi là tuyệt học trấn phái của ngôi chùa Thiếu Lâm có cả ngàn năm đứng vững tại vị trí Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm, thì Lục Mạch Thần Kiếm lại là bảo vật truyền đời của Đoàn Thị Đại Lý. Đặc biệt hơn, môn võ học này thậm chí còn không được truyền lại cho chính con em của họ Đoàn, kể cả kẻ đó có là vương hầu hay thiên tử.

Nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng Lục Mạch Thần Kiếm là tuyệt học gia truyền của Đoàn Thị Đại Lý, nhưng thật ra môn võ công truyền đời của dòng họ hoàng gia này chỉ là Nhất Dương Chỉ. Lục Mạch Thần Kiếm đúng là của họ Đoàn, nhưng lại được giao cho các lão tăng của Thiên Long Tự (ngôi chùa tại Đại Lý có danh vọng, địa vị như Thiếu Lâm Tự tại Trung Nguyên). Tại ngôi chùa này, các đời vua của họ Đoàn sau khi từ giã ngai vàng sẽ xuất gia và trở thành một thiền sư. Chỉ khi đó, họ mới có thể được chạm vào Lục Mạch Thần Kiếm - môn võ công huyền thoại của giang hồ.

Không phải ngẫu nhiên mà Kim Dung lại để môn võ công tuyệt thế ấy được giữ gìn bởi các vị cao tăng đắc đạo, giống như Dịch Cân Kinh. Thứ võ công có uy lực bá đạo, khó chống đỡ vào bậc nhất ấy sẽ trở thành đại họa của võ lâm, nếu như chúng lọt vào tay những kẻ tâm địa bất thiện. Chính vì vậy, các cao tăng đã buộc phải dùng trăm phương ngàn kế để giữ gìn, thậm chí không tiếc nuối hủy đi để tránh rơi vào tay kẻ xấu (Pháp sư Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn).

Lục Mạch Thần Kiếm cũng là một trong những môn võ công khó luyện thành vào bậc nhất. Dù được giao để gìn giữ bí kíp này, các vị cao tăng chùa Thiên Long cũng không thể nào tập luyện, chỉ có thể chia nhỏ thành nhiều phần, giao cho các đại cao thủ về chỉ pháp tham ngộ. Yêu cầu để nhập môn của Lục Mạch Thần Kiếm cao tới nỗi suốt nhiều năm trời, các cao tăng của Thiên Long không tìm ra nổi một người cuối cùng để hoàn thiện nó, chỉ tới khi Bảo Định Đế - đệ nhất cao thủ của hoàng tộc Đại Lý, đồng thời là quốc vương - quyết tâm xuất gia, họ mới đủ người để miễn cưỡng tạo thành thứ kiếm trận hao hao như Lục Mạch Thần Kiếm.

Không giống như tên gọi, Lục Mạch Thần Kiếm không phải là kiếm pháp. Nó là môn khí công thượng thừa, dùng chỉ lực hóa thành vô hình kiếm khí, đả thương người từ xa. Trong truyện Kim Dung, hầu như có rất ít môn võ công có thể đả thương người mà không cần chạm vào đối thủ. Điều này khác xa với phim ảnh, khi những môn võ công được xây dựng biến hóa và lợi hại hơn thế rất nhiều. Trong Thiên Long Bát Bộ, Tiêu Phong chỉ cần thể hiện Cầm Long Công, cách không hút lấy thanh đao cũng đủ khiến cho Nhất Trận Phong Phong Ba Ác tái mặt vì sợ hãi. Còn với thứ kiếm khí vô hình có khả năng giết người hệt như súng đạn, cảm giác của các cao thủ khi phải đối diện với nó sẽ khủng khiếp ra sao?

Sự lợi hại nhất của Lục Mạch Thần Kiếm ngoài việc đả thương đối thủ từ xa còn phải nói tới sự linh hoạt phi thường. Được xây dựng từ nền tảng chỉ pháp, kiếm khí được bắn ra từ đầu ngón tay nên cực kì đa dạng và khó lòng đoán biết. Cộng với việc không thể bằng mắt nhìn thấy luồng kiếm khí vô hình ấy, đối thủ gần như chỉ có thể phán đoán đường đi của Lục Mạch Thần Kiếm bằng cảm giác để chống đỡ mà thôi.

Uy lực của Lục Mạch Thần Kiếm chỉ được đại hiển rõ ràng một lần duy nhất, khi chàng thư sinh Đoàn Dự dùng nó đấu với Cô Tô Mộ Dung Phục - kẻ có một thân võ công tuyệt đỉnh, từng đả bại không biết bao nhiêu võ lâm hào kiệt. Trái ngược với đối thủ, Đoàn Dự chỉ là anh thư sinh trói gà không chặt, chưa từng luyện qua võ công, sở hữu tuyệt chiêu giữ mạng duy nhất là... chạy trốn. Tuy nhiên, Đoàn Dự lại là người duy nhất thấu hiểu được Lục Mạch Thần Kiếm và trong một đôi lúc, anh có thể ngẫu nhiên sử dụng loại kiếm khí lợi hại này.

Có điều, dù chỉ mới chạm được vào vỏ ngoài của Lục Mạch Thần Kiếm, Đoàn Dự cũng có thể lấy mạng một cao thủ như Mộ Dung Phục trong nháy mắt. Lục Mạch Thần Kiếm nguyên bản có tới 6 chiêu thức khác nhau, mỗi chiêu uy lực khác xa nhau, nhưng Đoàn Dự mới chỉ dùng một chiêu duy nhất cũng đã khiến Mộ Dung Phục phải giở hết thủ đoạn, thậm chí phải nhờ Vương Ngữ Yên xin tha mạng mới tránh khỏi bị kích sát ngay tại trận.

Tuy nhiên, đó không phải là uy lực chân chính của Lục Mạch Thần Kiếm, bởi Cô Tô Mộ Dung Phục chưa thể so sánh với Kiều Phong - bang chúa Cái Bang - người từng một chiêu túm gáy hắn nhấc lên như một con gà. Đứng phía ngoài quan sát trận kịch chiến giữa Đoàn Dự và Mộ Dung Phục, Kiều Phong cũng không khỏi sợ hãi trước uy lực của môn võ công bá đạo này, đồng thời thầm nghĩ: Nếu ta ở vị trí Mộ Dung Phục lúc này, e rằng cũng chẳng thể làm gì khác được.

Tận mắt chứng kiến Lục Mạch Thần Kiếm đại hiển thần uy, bấy giờ Kiều Phong mới miên man tình ý nghĩ về A Châu - người tình đã chết thảm dưới tay mình để cứu mạng cha. Tới tận lúc đó, Kiều Phong mới hiểu được ngoài lý do cứu cha, còn một lý do khác khiến A Châu nhất định không cho mình giết Đoàn Chính Thuần: Lục Mạch Thần Kiếm. Cô sợ rằng khi Kiều Phong giết chết người thuộc hoàng tộc họ Đoàn, Đoàn Thị Đại Lý nhất định sẽ truy sát ông tới cùng trời cuối đất. Dù Kiều Phong một thân bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, nhưng trước Lục Mạch Thần Kiếm uy lực khủng khiếp kia, e rằng cũng sẽ phải lấy mạng trả mạng cho vương gia của họ.

Đoạn mô tả diễn biến tâm lý của Kiều Phong khi chứng kiến tận mắt Lục Mạch Thần Kiếm chính là đoạn văn hay nhất, gây xúc động nhất về vị anh hùng tình sâu nghĩa trọng này. Mọi kẻ luyện võ đều thiết tha mơ tới ngày được nhìn thấy, chạm vào môn võ công tuyệt thế kia, nhưng trong mắt Kiều Phong, Lục Mạch Thần Kiếm có mạnh mẽ, lợi hại gấp mấy đi chăng nữa cũng không thể sánh bằng một góc tấm chân tình của A Châu.

Dường như Kim Dung không hề vô tình khi luôn đặt Lục Mạch Thần Kiếm vào những trường đoạn éo le, kịch tích và giàu cảm xúc nhất trong cuốn truyện. Lần hiếm hoi tiếp theo Lục Mạch Thần Kiếm được xuất hiện trên tay Đoàn Dự khi đối mặt với Thiên hạ đệ nhất ác nhân - Thái tử Diên Khánh. Lão chính là đại cừu nhân của chàng, nhưng éo le thay, cũng lại chính là người cha ruột. Lục Mạch Thần Kiếm vô địch thiên hạ trong tay Đoàn Dự, nhưng rốt cuộc lại không thể nào chiến thắng tình cảm con người, dù nó chất chứa đầy éo le, oan nghiệt...

Người đọc sẽ nhớ mãi cảnh Thiên hạ đệ nhất ác nhân buông xuôi hai tay, nhắm mắt tại nói với chính con trai: "Hãy dùng Lục Mạch Thần Kiếm hạ sát ta đi, nếu không tin ta chính là cha ruột của ngươi!" Đối mặt với môn võ công uy mãnh nhất thế gian, thái tử Diên Khánh không mảy may sợ hãi. Lão dám đem tính mạng ra đặt cược chỉ để khao khát một điều: Con lão sẽ nhận cha! Nỗi sợ hãi của lão lúc này không phải là môn tuyệt học giết người trong nháy mắt kia, mà sợ hãi sự lạnh giá trong trái tim Đoàn Dự, nếu chàng không nhận người cha như lão!

Xuất hiện trong những bước ngoặt đầy kịch tính, Kim Dung xây dựng Lục Mạch Thần Kiếm như một môn võ công mạnh mẽ và uy lực nhất thế gian, có khả năng thay đổi cục diện của mọi trận thư hùng. Nhưng thứ võ công lợi hại ấy rốt cuộc cũng chỉ để làm nền, để nổi bật lên tấm chân tình, sự nhân văn trong mỗi nhân vật trong tiểu thuyết! Nó chỉ càng làm rõ rệt thêm tình nghĩa sâu nặng trong trái tim của Kiều Phong hay tấm lòng nhân từ của Đoàn Dự, theo đúng triết lý võ đạo vị nhân sinh mà Kim Dung khao khát!

--------------------

Bài liên quan:

No comments:

Post a Comment