Tuesday, September 15, 2015

Giăng bẫy bắt tình nhân cũ

Vũ Đức Sao Biển

(Vietkiemhiep) - Một phụ nữ quyết giăng bẫy bắt tình nhân cũ của mình. Kế hoạch định ra rất kín kẽ nhưng bà ta chỉ bắt được con trai của người tình. Bà ta gọi chàng trai là “con chó nhỏ”. Vụ án được Kim Dung thuật trong tác phẩm Thiên Long bát bộ.

Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên



Tiểu vương tử học rộng, tài cao

Đoàn Dự là vương tửá, con của Đoàn Chính Thuần - tước vị Trấn Nam vương, em ruột nhà vua nước Đại Lý. Vua Đại Lý Đoàn Chính Minh không có con trai, sẽ nhường ngôi cho em ruột. Vì vậy, Đoàn Dự sẽ là người kế thừa ngôi vua Đại Lý do Đoàn Chính Thuần nhường lại trong tương lai. Vâng lệnh cha, Đoàn Dự dẫn bọn trọng thần Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần và các cô gái Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Vương Ngữ Yên sang Tây Hạ tham dự cuộc tuyển phu của công chúa nước này.

Ý của Đoàn Chính Thuần là nếu Đoàn Dự trở thành phò mã của nước Tây Hạ thì việc liên kết hai nước Đại Lý-Tây Hạ sẽ là nền tảng vững chắc cho nền hòa bình của Đại Lý. Việc cầu thân không thành, lại nhận được tin kẻ phản loạn Đoàn Diên Khánh đang lập kế bắt cha mình, Đoàn Dự nóng lòng cứu cha, vội vàng quay trở về Đại Lý.


Hình tượng Đoàn Dự trong điện ảnh

Họ đi vào cuối thu qua những vùng núi non của đất Xuyên Tây (tỉnh Tứ Xuyên) bằng đường tắt để nhanh về Đại Lý. Một hôm tới Thành Đô thì đã về chiều, họ tìm không ra khách điếm, bèn xin tá túc lại trong một ngôi nhà ven đường. Chủ nhà xưng là họ Giả. Giả có nghĩa là không thật. Lão Giả mời họ vào nhà.

Đoàn Dự mới hai mươi tuổi nhưng là một nhà nho trẻ học cao hiểu rộng. Anh nhìn lên trên vách thấy bản thư pháp viết: “Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhất, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hỏa... vân cẩm”.

Bản thư pháp viết sai một chữ, lại thiếu một chữ. Sẵn có giấy bút trên bàn, tiện tay Đoàn Dự chữa lại: “Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhị, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hỏa tề vân cẩm” (Hoa trà Đại Lý đứng đầu các loại hoa, lớn hơn cả mẫu đơn. Đứng xa trông đỏ một góc trời). Chữ viết trong bức thư pháp là theo phong cách của Chữ Toại Lương. Đoàn Dự cũng mô phỏng đúng thư pháp Chữ Toại Lương nên sau khi điền khuyết xong, bức thư pháp rất hoàn chỉnh.

Lão họ Giả thấy vậy thì rất vui mừng. Lão giải thích đây là bức thư pháp do một người bạn già tặng nhưng khi viết, ngườâi ấy lại quên mấy chữ. May nhờ Đoàn Dự học cao hiểu rộng điền khuyết cho mấy chỗ sai sót hoặc còn thiếu nên bản thư pháp mới hoàn chỉnh. Lão xin mời mọi người cùng dùng cơm rượu.

Hôm sau, mọi người ra đi bình yên. Qua hai nơi khác, lại cũng có những bản thư pháp sai sót, Đoàn Dự lại chỉnh sửa và cũng được mời ăn cơm. Cô gái nhỏ nhất là Chung Linh thấy vậy thì mừng rỡ, cứ mong cho Đoàn Dự gặp những nhà có thư pháp sai sót để chỉnh sửa, được ăn cơm uống rượu miễn phí!

Lọt vào cạm bẫy

Ngày thứ tư, họ đi qua một khoảng rừng vắng không có nhà cửa, chỉ thấy có một trại chứa củi làm toàn bằng gỗ của tiều phu. Họ vào xin tá túc. Trại chỉ có một bà già vừa câm, vừa điếc đang lui cui đánh lửa để nấu nước, nói gì cũng không nghe, hỏi gì cũng không biết.

Thấy bà già không đánh lửa được, cả đoàn người hăng hái cho mượn hỏa đao hỏa thạch. Ngày xưa, bọn giang hồ hào sĩ đi đâu vẫn mang theo bên mình một cục đá nhỏ đánh lửa, một con đao để liếc vào cục đá ấy tạo ra lửa. Bọn Đoàn Dự mang đủ hỏa đao hỏa thạch nhưng tối đó, bà già câm điếc lại tiếp tục hỏi mượn của họ để thắp đèn. Mụ tìm cách “mượn” hết của mọi người khiến không ai còn hỏa đao hỏa thạch.

Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần là hai tay lão luyện giang hồ, biết đã mắc hỡm bà già. Họ quyết làm ra lửa. Họ cắt nhỏ những miếng gỗ ra thành mùn, đặt miếng giấy giữa dăm gỗ và dùng hai cây đao đập mạnh vào nhau. Lửa xẹt ra tia, bén vào giấy, giấy làm cho dăm gỗ cháy theo. Có lửa rồi, họ thắp tất cả các ngọn đèn lên. Nhà chứa củi sáng rực.

Lúc đó, mọi người mới thấy toàn bộ cột trong nhà chứa củi đều được bó bằng chiếu. Họ tò mò gỡ hết chiếu ra thì thấy ai đó đã khắc sẵn trên cột những câu thơ ca ngợi hoa trà. Những câu thơ ấy bị dang dở vì thiếu một vài chữ:

Xuân câu thủy động trà hoa...
Hạ cốc... sinh lệ tử hồng.

Đoàn Dự vốn công lực mạnh mẽ, từng dùng ngón tay phóng ra Lục mạch thần kiếm sắc như đao kiếm đánh bại Mộ Dung Phục nên chỉ pháp của anh rất cao cường. Anh vận công vào ngón trỏ, mô phỏng nét chữ của người đã khắc trên cột gỗ, thêm mấy chữ vào hai câu thơ:

Xuân câu thủy động trà hoa bạch,
Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng.

(Dòng xuân nước gơn, hoa trà trắng,
Non hạ mây vươn, trái vải hồng).

Lại đến hai câu:

Thanh quần ngọc... như tương thức,
Cửu ... trà hoa mãn lộ khai.

Được anh chữa lại:

Thanh quần ngọc diện như tương thức,
Cửu nguyệt trà hoa mãn lộ khai.

(Quần xanh vẻ ngọc dường quen biết,
Tháng chín, hoa trà rợp lối đi).

Chỉ công Đoàn Dự hùng hậu, viết tới đâu nghe tiếng gỗ sào sạo nát vụn ra tới đó, không sâu mà không cạn đúng như nét chữ đã từng được ai đó khắc trên gỗ. Bột vụn của gỗ rơi phát ra một mùi thơm thật dễ chịu. Mùi thơm khuếch tán bay trong gió. Thế rồi vù vù, không biết từ đâu một bầy ong bay đến.

Ong chích bầy ngựa khiến ngựa hí vang. Nóng lòng cứu ngựa, Chu Đan Thần mở cửa vọt ra ngoài thì bầy ong bay ùa vào phòng. Bọn hào sĩ võ công kinh người cũng không chống nổi bầy ong dữ. Họ bị ong đốt đến bất tỉnh, bị bắt và trói lại bằng dây gân bò. Toàn quân của Đoàn Dự thua trắng.


Mộc Uyển Thanh - người em cùng cha khác mẹ với Đoàn Dự 

Bắt chó già, hóa ra chó nhỏ

Đoàn Dự có công lực mạnh nhất nên tỉnh lại sớm nhất. Anh chàng nằm nghe cuộc đối đáp giữa một người phụ nữ và một chàng trai. Chàng trai ấy là Mộ Dung Phục; người phụ nữ là Vương phu nhân ở Giang Nam.

Vương phu nhân mắng người nữ tỳ của mình (hóa trang vai bà già câm điếc) rằng: “Sao ta bảo ngươi giăng bẫy bắt con chó già, ngươi lại bắt lộn con chó nhỏ?”. Đoàn Dự hiểu ra con chó già chính là phụ thân anh - Đoàn Chính Thuần. Con chó nhỏ là anh. Hóa ra, họ giăng bẫy để bắt Đoàn Chính Thuần nhưng rồi bắt lộn anh.

Nguyên Đoàn Chính Thuần là người Đại Lý, say mê hoa trà, thuộc nhiều thi ca về trà hoa. Vương phu nhân nghĩ chỉ có Đoàn Chính Thuần mới sửa chữa được những sai sót trong các câu thơ nên viết ra những câu thơ thiếu chữ để làm bẫy. Nào ngờ Đoàn Dự cũng giỏi như cha, sửa được hết các sai sót!

Vương phu nhân gốc người họ Mộ Dung, thuộc hoàng tộc Tiên Ty của nước Đại Yên thời Chiến Quốc. Nước Đại Yên bị tận diệt, họ Mộ Dung về ẩn cư tại Giang Nam. Người anh là Mộ Dung Bác cùng con trai là Mộ Dung Phục quyết phục hưng nước Đại Yên. Vương phu nhân là em ruột Mộ Dung Bác, cô ruột Mộ Dung Phục, lấy chồng người nước Tống họ Vương. Chồng chết sớm, Vương phu nhân lại gặp gỡ và thương yêu Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý. Mà Đoàn Chính Thuần nổi tiếng là một tay vương gia phong lưu, có nhiều tình nhân.

Mối tình giữa Vương phu nhân và Đoàn Chính Thuần là mối tình trắc trở. Đoàn Chính Thuần đã có vương phi; lão yêu thương Vương phu nhân theo kiểu hoa rơi nước chảy. Nào ngờ quan hệ thân xác của họ lại sinh ra một cô gái xinh đẹp là Vương Ngữ Yên. Vương phu nhân ở Giang Nam, ngày đêm thương nhớ Đoàn Chính Thuần nhưng lão đi mười tám năm không ghé lại thăm bà.

Bà nhớ thương lão đến nỗi lập ra ở Thái Hồ (Giang Nam) một trang viên trồng toàn hoa trà Đại Lý, đặt tên là Mạn Đà sơn trang. Mạn đà la là tên gọi bằng tiếng Phạn để chỉ hoa trà. Mười tám năm xa cách, bà nghe tin lão tái xuất giang hồ, quyết lập kế hoạch bắt cóc lão đưa về Giang Nam làm... của riêng.

Mộ Dung Phục căm hận Đoàn Dự không xiết kể. Trên chùa Thiếu Lâm, hắn đã bị thua tơi tả dưới Lục mạch thần kiếm của Đoàn Dự trước mặt quần hùng. Sang Tây Hạ cầu thân, hắn lại phụ rẫy tình cảm của Vương Ngữ Yên khiến Vương Ngữ Yên ngã vào vòng tay của Đoàn Dự. Võ công thua, tình yêu cũng thua khiến hắn coi Đoàn Dự là kẻ thù số một của đời mình.


Mộ Dung Phục và Vương Ngữ Yên

Thấy cô ruột bắt được Đoàn Dự, trói chân tay y lại bằng dây gân bò, Mộ Dung Phục mừng lắm. Hắn biết cô ruột mình thương yêu Đoàn Chính Thuần, muốn bắt Đoàn Chính Thuần đưa về Giang Nam sống riêng với bà, cắt hết mọi quan hệ tình ái của Đoàn Chính Thuần với những người phụ nữ khác như Cam Bảo Bảo, Tần Hồng Miên, Nguyễn Tinh Trúc và cả Thư Bạch Phụng (mẹ của Đoàn Dự).

Hắn ăn nói rất khinh bạc, nhận xét con người của Đoàn Dự nửa thơm nửa thối. Nửa nào thuộc Đoàn Chính Thuần thì thơm, nửa nào thuộc Thư Bạch Phụng thì thối. Lời nhận xét đó lại làm cho Vương phu nhân cảm thấy nức lòng hởi dạ bởi bà rất ghen với vợ chính thức của Đoàn Chính Thuần.

Số phận con chó nhỏ

Mộ Dung Phục cảm thấy có thể lợi dụng lòng ghen tức của cô ruột để thực hiện ý đồ phục hưng Đại Yên và trả thù Đoàn Dự. Hắn bàn với cô nên đem con chó nhỏ đổi lấy con chó già. Theo tin tức hắn nắm được thì Đoàn Diên Khánh - kẻ đứng đầu phe Tứ ác chống đối vương triều nước Đại Lý, đã bắt được Đoàn Chính Thuần. Hắn sẽ tìm gặp Đoàn Diên Khánh, đem Đoàn Dự đổi lấy Đoàn Chính Thuần về cho cô ruột.

Hắn biết Đoàn Diên Khánh gặp Đoàn Dự thì có thể giết ngay bởi Đoàn Dự là cao thủ bậc nhất Đại Lý, thế tử sẽ lên ngôi vua Đại Lý. Nạp Đoàn Dự cho Đoàn Diên Khánh, Mộ Dung Phục vừa trả được mối thù trên chùa Thiếu Lâm, vừa trả được mối hận tình về chuyện Vương Ngữ Yên bỏ hắn theo Đoàn Dự.

Theo hắn thì con chó nhỏ có giá trị lợi dụng cao hơn con chó già. Còn cô của hắn chỉ cần có Đoàn Chính Thuần chứ không cần gì Đoàn Dự. Đổi người xong, cô hắn đưa Đoàn Chính Thuần về Giang Nam làm gì đó thì làm, hắn không cần biết. Hắn làm xong công việc đem chó nhỏ đổi chó già, sẽ bái Đoàn Diên Khánh làm cha nuôi để dựa vào thế lực này phục hưng Đại Yên.

Kim Dung giải quyết việc này rất ngộ nghĩnh. Mộ Dung Phục không ngờ được con chó nhỏ Đoàn Dự bị đem trao đổi chính là con trai của Đoàn Diên Khánh. Đoàn Chính Thuần chỉ là cha hờ, huyết thống của lão hoàn toàn không  sinh được con trai!

Lão quan hệ thân xác với ai thì người ấy chỉ sinh ra con gái: Vương phu nhân sinh Vương Ngữ Yên, Cam Bảo Bảo sinh Chung Linh, Tần Hồng Miên sinh Mộc Uyển Thanh, Nguyễn Tinh Trúc sinh A Châu và A Tử. Đoàn Dự cưới một loạt ba cô Vương Ngữ Yên, Mộc Uyển Thanh, Chung Linh mà không sợ vi phạm hôn nhân loạn luân bởi họ chỉ là những người đồng tông (cùng họ Đoàn). Mà pháp luật Trung Quốc và Đại Lý thì không cấm cản anh em đồng tông lấy nhau.



-----------

Bài liên quan:




No comments:

Post a Comment