Trang

Monday, October 14, 2013

Các mỹ nhân trong tiểu thuyết của đại hiệp Kim Dung


(Vietkiemhiep) - Một fan kiếm hiệp đã công phu chọn ra và có lời giới thiệu về những mỹ nhân trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Trong lòng quý vị là mỹ nhân nào?


1. Triệu Minh (Triệu Mẫn)

 
Đây nguyên là Hán danh của một cô gái Mông Cổ. Tên thật của cô là Minh Minh Đặc Mục Nhĩ, con gái của Nhữ Nam vương, người chỉ đứng sau vua nhà Nguyên, nắm hết quyền bính chính trị và quân sự cai trị toàn Trung Quốc. Cô là nhân vật nữ chính trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, một cô gái đẹp như hoa nở, không một cô gái Trung Hoa nào có thể sánh kịp. Tham vọng của Triệu Minh rất lớn : muốn tụ họp bọn giang hồ, đắc biệt là phiên tăng Tây Vực, triệt hạ sáu đại môn phái của Trung Hoa đang nuôi mộng chống đối nhà Nguyên là Thiếu Lâm, Võ Đang, Cái Bang, Hoa Sơn, Không Động và Côn Luân.

Lần đầu tiên cô đã bao vây được các thủ lĩnh của Minh giáo và đã nhốt được Trương Vô Kỵ dưới hầm sâu. Nhưng Vô Kỵ vốn là thầy thuốc, võ công lại cao cường, đã khống chế cô và "tra tấn" cô bằng cách dồn Cửu Dương công vào gan bàn chân khiến cô ngứa ngáy, khó chịu phải đầu hàng, thả chàng ra. Chính việc đó đã làm nảy sinh trong lòng cô mối tình ôn nhu với chàng Trương Vô Kỵ. Cô đã đem Hắc ngọc đoạn tục cao tặng cho chàng để chàng chữa trị vết thương cho tam sư bá, chuộc lại lỗi lầm cho cha mẹ mình ngày xưa. Thông minh, lém lỉnh, chân tình, Triệu Minh trước sau vẫn giữ cốt cách của một phụ nữ giàu tình cảm hơn là một quận chúa Mông Cổ. Cô đánh nhau với Trương Vô Kỵ để rồi đêm đêm, lại ra quán rượu ngồi đợi chàng trai, mong cùng đối ẩm với nhau mấy chung và quên hết những chuyện đốt chùa, giết người Mông Cổ, cứu quần hùng Trung Hoa của tập thể Minh giáo.

Cuộc đời của cô là một chuỗi tháng ngày rong ruổi theo tình yêu. Vô Kỵ đi đâu, cô mong được đi theo anh đến nơi đó, dù chân trời hay góc bể. Cách tỏ tình của cô cũng rất rõ ràng, giản dị không e dè khép nép như những cô gái Trung Hoa. Cô đã cầm Ỷ thiên kiếm, lăn xả vào đám sứ giả Ba Tư và đánh những chiêu cận chiến có thể khiến mình và kẻ thù cùng chết để cứu chàng Trương Vô Kỵ. Khi Vô Kỵ hỏi tại sao cô liều mạng như vậy, cô đã trả lời thẳng thắn : vì Trương Vô Kỵ ôm lấy Hân Ly trước mặt cô. Thời thơ ấu, Vô Kỵ đã cắn vào bàn tay Hân Ly một cái đến chảy cả máu, khiến Hân Ly nhớ hoài hình bóng Trương Vô Kỵ. Triệu Minh cũng làm như thế : cô cắn vào tay Trương Vô Kỵ một nhát để Trương Vô Kỵ nhớ cô trọn đời. Thực ra cô không làm như vậy thì cũng đủ để chàng Vô Kỵ chọn cô làm người bạn gái tâm đầu ý hợp. Thậm chí khi Vô Kỵ đã bị vây, sắp bị quân Nguyên bắt, cô đã nói dối cha và anh rằng nếu họ giết Vô Kỵ thì cô cũng tự tử theo chàng cho trọn mối tình. Đoạn tiểu thuyết thuật lại chuyện Triệu Minh xin cha và anh tha cho Trương Vô Kỵ thật đầy kịch tính. Tôi kính phục người phụ nữ có một tình yêu tha thiết và trái tim dũng cảm như Triệu Minh. Tình yêu bao la đó đã được chàng Trương Vô Kỵ đền đáp một cách xứng đáng: anh đã nhường ngôi giáo chủ Minh giáo lại cho Dương Tiêu, cùng Triệu Minh dắt tay rong chơi bốn biển năm hồ. Và mỗi khi lông mày Triệu Minh đã nhạt thì theo ba điều ước hẹn với cô, anh lại làm công việc hợp với lương tâm, không đi ngược lại với quyền lợi võ lâm Trung Hoa và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc chống quân Nguyên giành lại đất Trung Quốc cho người Hán tộc: cầm cây bút và vẽ lại lông mày cho Triệu Minh.


2. Tiểu Siêu (Tiểu Chiêu)



Người thứ hai tôi chọn làm đệ nhị mỹ nhân là cô gái chỉ có một nửa huyết thống Hán tộc; nửa còn lại thuộc huyết thống Ba Tư, nghĩa là cũng thuộc loại Di Địch dưới mắt nhìn của Hán tộc. Cha cô là Hàn Thiên Diệp, người Hán; mẹ cô là Đại Ỷ Ty, thánh sứ nữ của Bái hỏa giáo Ba Tư. Tiểu Siêu thâm nhập Trung Hoa qua con đường tơ lụa lúc cô mới 15 tuổi. Mẹ cô nguyên là thánh sứ nữ, đáng lẽ phải giữ mình trong trắng để về Ba Tư lên ngôi giáo chủ. Nhưng bà đã yêu chàng trai Hàn Thiên Diệp, phản lại giáo quy của Bái hỏa giáo, đáng lẽ phải lên giàn hỏa thiêu. Bà hóa trang thành một người đàn bà xấu xí tên là Kim Hoa bà bà. Tiểu Siêu phải làm một việc khó khăn để chuộc lỗi cho mẹ : tìm mọi cách thâm nhập Quang Minh Đỉnh của Bái hỏa giáo Trung Hoa và lấy cho được bộ Đại nã di tâm pháp của Bái hỏa giáo - nhiệm vụ mà mẹ cô không hoàn thành.

Giống lai bao giờ cũng được thừa hưởng những nét ưu tú rực rỡ của cả cha và mẹ, nên Tiểu Siêu đẹp cái đẹp rực rõ ngay từ khi 15 tuổi. Nhưng Dương Tiêu, tả sứ của Minh giáo Trung Hoa, là một tay cơ trí, khó mà qua mắt đươc y. Cho nên, để đóng trọn vai trò con hầu của Dương Bất Hối, con gái Dương Tiêu, Tiểu Siêu đã phải làm một việc rất khó khăn : giả vờ méo miệng trong suốt thời gian ở cạnh Bất Hối. Cô học thuộc hết lý thuyết về âm dương, bát quái trận đồ, biết nhiều võ công nhưng chẳng bao giờ hé lộ. Cha con Duơng Tiêu nghi ngờ cô, đã đem dây xiềng quấn chân cô; cô đi đâu tiếng dây xiềng leng keng đến đó. Điệp vụ của Tiểu Siêu là một điệp vụ cực kì gian nan và cô đã tìm ra được đường hầm trên Quang Minh Đỉnh.

Khi Vô Kỵ lên làm giáo chủ Minh giáo, việc đầu tiên của anh là hứa sẽ tháo xiềng khóa cho Tiểu Siêu. Nhờ Tiểu Siêu chỉ dẫn, Trương Vô Kỵ tìm ra đường hầm, tìm được Càn khôn đại nã di tâm pháp và đại triển thần lực đẩy được hai cánh cửa đá để bảo toàn lực lượng Minh giáo của Trung Hoa. Tiểu Siêu trở thành con hầu của Trương Vô Kỵ, lặng lẽ thương yêu Trương Vô Kỵ. Cũng như Triệu Minh, Vô Kỵ đi đến đâu, Tiểu Siêu đi đến đó, và cô đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình : cầm cờ Minh giáo để chỉ huy năm đội ngũ hành kì chống đỡ không cho quân Nguyên xông vào bắt giết những thủ lĩnh của Minh giáo. Tiểu Siêu sẽ không bao giờ nói rõ thân phận của mình cho Vô Kỵ biết nếu không có ngày tình cờ gặp lại mẹ mình đang bị đưa lên giàn hỏa thiêu của Bái hỏa giáo Ba Tư. Để cứu mẹ, cô phải nói rõ với các Bảo thụ vương Ba Tư rằng cô là trinh nữ, sẵn sàng thay mẹ về Ba Tư lên ngôi giáo chủ Bái hỏa giáo. Cô nói tiếng Ba Tư lưu loát cho đến khi những người Ba Tư quỳ xuống tung hô thì Vô Kỵ mới biết rằng con hầu của mình chính là thánh sứ nữ của Bái hỏa giáo Ba Tư.

Lần cuối cùng được phục vụ thay áo, dóc tóc cho Trương Vô Kỵ, Tiểu Siêu mới nói thật tình yêu của mình dành cho Vô Kỵ và điệp vụ của mình trên Quang Minh Đỉnh. Họ ôm nhau, hôn nhau, nước mắt chảy dài ướt đẫm vạt áo chàng Trương. Năm đó, có lẽ Tiểu Siêu mười tám và Vô Kỵ mới hai mươi hai. Tôi chưa bao giờ đọc một đoạn văn nào tràn đầy xúc động như đoạn văn Tiểu Siêu chia tay với Trương Vô Kỵ trên biển. Tình yêu của hai người sao mà đẹp đến thế; đẹp đến nỗi Vô Kỵ không cần lau nước mắt trước mặt Triệu Minh, người tình của mình đang đứng đấy.Tiểu Siêu về Ba Tư, đi theo con đường tơ lụa. Trương Vô Kỵ chỉ còn biết trông theo, tưởng như tiếng khóc của cô còn vọng đâu đây trong tiếng gió, tiếng sóng.

Trong văn chương Trung Hoa, tiếng tướng công được hiểu theo hai nghĩa : (1) Tiếng của người hầu gọi ông chủ và (2) Tiếng của người vợ gọi chồng. Tôi nghĩ Kim Dung dùng chữ tướng công cho Tiểu Siêu gọi Vô Kỵ với cả hai nghĩa trên. Cái đẹp của mối tình Tiểu Siêu - Vô Kỵ là họ gần nhau suốt mấy năm vẫn giữ được sự trong trắng. Tiểu Siêu nhờ vẫn còn là trinh nữ nên mới cứu được mẹ khỏi tội hỏa thiêu. Chữ tình, chữ hiếu ở cô gái lai này rất rõ ràng, khiến tôi càng kính phục cô hơn và bình bầu cô làm đệ nhị đại mỹ nhân.

3. Hân Tố Tố



Hân Tố Tố là con gái của Hân Thiên Chính, giáo chủ Bạch mi giáo (hay Thiên Ưng Giáo), một tà giáo hoạt động trên sông Trường Giang. Bản thân cô cũng là một đường chủ - Tử Vi đường chủ. Hân Tố Tố là một cô gái giết người không gớm tay : chính cô đã giết chết 72 người trong Long Môn tiêu cục, bởi tiêu cục này không hoàn thành hợp đồng đưa Dư Đại Nham (đang bị thương) về trao trả cho phái Võ Đang. Nữ ma đầu này có nụ cười rất lãng mạn, say đắm lòng người. Kim Dung không trực tiếp mô tả nhan sắc của cô, mà chỉ thuật rằng khi mới gặp cô, hai kiếm khách của phái Côn Luân là Tương Đào và Cao Tắc Thành đã gần như đứng tim, líu lưỡi. Rồi họ sinh ra đánh nhau, đâm chém thật tình như hai kẻ thù không đội trời chung.

Hân Tố Tố và Trương Thúy Sơn, đệ tử thứ năm của phái Võ Đang, gặp nhau trong tình huống khá lạ lùng : Trương Thúy Sơn vâng lệnh thầy xuống bảo vệ cho gia đình của Đỗ Đại Cẩm, tổng tiêu đầu của Long Môn tiêu cục trong khi Hân Tố Tố lại hóa trang như Trương Thúy Sơn để giết chết 72 mạng của tiêu cục này và một số đệ tử khác phái Thiếu Lâm. Cho nên món nợ của vụ huyết án đó đều trút lên đầu của Trương Thúy Sơn. Trương Thúy Sơn gặp cô lần đầu tiên dưới tháp Lục Hoà, bên sông Tiền Đường. Lối bày tỏ tình yêu của Hân Tố Tố rất lạ : cô đập mạnh cho ba mũi Mai hoa châm đâm sâu vào cánh tay trắng như tuyết của mình để được Trương Thúy Sơn dùng nội công tâm pháp của phái Võ Đang chữa trị. Trương Thúy Sơn là đệ tử danh môn chính phái, rất căm thù Bạch mi giáo nên không muốn gần gũi Hân Tố Tố. Nhưng hoàn cảnh đã nối kết họ lại với nhau: hai người đi Vương Bàn Sơn để dự lễ dương đao Đồ Long lập oai của Bạch mi giáo; Tạ Tốn đã đến cướp đao và thấy họ là một đôi nam thanh nữ tú không nỡ giết đi nên đã bắt cóc họ, buộc họ đến Băng Hỏa đảo với lão để giữ bí mật về Đồ Long đao. Chính Hân Tố Tố vì cứu Trương Thúy Sơn nên đã dùng kim châm bắn mù đôi mắt của Tạ Tốn. Họ trốn lên Băng Hỏa đảo, ăn ở với nhau và sinh ra chàng Trương Vô Kỵ.

Hân Tố Tố là một nữ ma đầu cực kì thông minh, thuộc hết sách của Trang Tử. Trang Tử là một triết gia mà tất cả các đạo gia Trung Hoa như phái Võ Đang đều tu dưỡng và học tập theo. Cô đọc cho Trương Thúy Sơn bài Thu Thủy của Trang Tử : Nước của thiên hạ không đâu lớn bằng biển, muôn vạn sông ngòi đều đổ về biển, không biết bao giờ nước những sông ngòi đó mới ngừng chảy và biển mới không đầy như thế này. Khi nghe Thúy Sơn trả lời : Dù ngàn dặm xa xôi cũng không thể sánh với sự rộng lớn của biển cả, dù nghìn trượng sâu cũng không đo được độ sâu của lòng biển, Hân Tố Tố biết ngay Trương Thúy Sơn đang nhớ tới sư phụ của mình là Trương Tam Phong. Cô dẫn đoạn thầy Nhan Hồi ca ngợi Khổng Tử trong cuốn Trang Tử ra : Tiên sinh bước ta cũng bước, tiên sinh đi ta cũng đi, tiên sinh chạy ta cũng chạy. Nhưng tiên sinh giở hết lực ra chạy như bay, ta mới hay còn kém tiên sinh rất nhiều. Chính câu nói đó đã hình tượng hóa được tài đức và võ công của Trương Tam Phong trong lòng Trương Thúy Sơn nên Trương Thúy Sơn càng yêu thương, mến mộ Hân Tố Tố hơn.

Khi họ sống thành lứa đôi, Hân Tố Tố đã tỏ ra là một hiền phụ biết vâng lời dạy bảo của chồng, bỏ hết những ác nghiệp ngày trước. Lòng hy sinh của cô thật vô hạn, chưa có một nhân vật nào của Kim Dung sánh kịp. Cho nên, khi sáu đại môn phái lên núi Võ Đang ép buộc vợ chồng cô phải nói ra chỗ ẩn nấp của Tạ Tốn để bọn họ đi tìm đao Đồ Long; Trương Thúy Sơn đã tự tử và Hân Tố Tố cũng chết theo chồng. Đoạn văn mô tả cái chết của vợ chồng Trương Thúy Sơn - Hân Tố Tố là một khúc ca bi tráng, thể hiện một cách tuyệt vời tài năng hư cấu của tiểu thuyết Kim Dung. Năm ấy, Hân Tố Tố mới ngoài ba mươi; con trai của cô -Trương Vô Kỵ - mới lên mười.

Hân Tố Tố xứng đáng được chọn làm đệ tam đại mỹ nhân. Cái chết của cô mở ra một thế giới mới : thế giới của tình yêu Trương Vô Kỵ - Triệu Minh.

4. Nhậm Doanh Doanh




Ngôi vị đệ tứ đại mỹ nhân tôi xin dành cho Nhậm Doanh Doanh, cô gái 17 tuổi đẹp như ngọc, con gái của giáo chủ Triêu Dương thần giáo Nhậm Ngã Hành, một thứ tà ma ngoại đạo trong Tiếu ngạo giang hồ.

Có lẽ Kim Dung đã đem hết tâm lực của mình ra để xây dựng nhân vật Nhậm Doanh Doanh : một nhân vật nữ tươi đẹp trong sáng, giỏi âm nhạc, võ công cao cường, mưu trí sâu sắc, cai trị bọn bàng môn tả đạo bằng trái tim thép nhưng rất mẫn cảm với tình yêu và sống với tình yêu bằng trái tim dịu dàng vô kể. Cô gặp Lệnh Hồ Xung trong khi chàng trai lãng mạn này mất hết công lực, bị sư phụ và các đông môn đạp xuống hố sâu của sự nghi ngờ khinh bỉ. Trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương, cô tiếp Lệnh Hồ Xung qua tấm rèm không cho chàng thấy mặt; nhận tặng vật của chàng trai là bộ nhạc phổ Tiếu ngạo giang hồ và lắng nghe chàng trai kể lại nỗi đau tình khi bị Nhạc Linh San phụ bạc đi theo "gã mặt trắng" Lâm Bình Chi. Vì không thấy mặt cô nên Lệnh Hồ Xung cứ gọi cô là "bà bà".

Doanh Doanh có một nhận định khá lạ lùng về tình yêu : hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai. Cho nên, cô gái 17 tuổi này đã rời bỏ ngõ Lục Trúc, ra đi để bảo vệ Lệnh Hồ Xung, đàn khúc Thanh tâm phổ thiện trú để xoa dịu những vết thương về thể xác và tâm hồn của chàng trai mà cô mới gặp đã cảm thấy yêu mến. Giữa vùng hoang sơn dã lĩnh, cô bắt ếch nướng cho Lệnh Hồ Xung ăn. Cho đến khi Lệnh Hồ Xung kiệt sức, cô đành cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm nhờ Phương Chứng đại sư chữa trị và tự đem thân mình cho phái Thiếu Lâm cầm tù để đổi lấy sinh mạng của Lệnh Hồ Xung. Khi lành bệnh, hiếu ra được lòng thương yêu và đức hy sinh vô hạn ấy của Doanh Doanh, Lệnh Hồ Xung đã thống lĩnh hết bọn hào sĩ bàng môn tả đạo, trống rong cờ mở, lên chùa Thiếu Lâm đòi thả Doang Doanh ra. Chính hành động vô pháp vô thiên ấy của Lệnh Hồ Xung khiến Doanh Doanh cảm thấy được an ủi rất nhiều và thấy được sự hy sinh của mình là không uổng phí. Họ yêu nhau nhưng trong lòng Nhậm Doanh Doanh biết chàng trai chưa phai mờ hình ảnh của Nhạc Linh San. Cô không hề ghen tức, ngược lại đối sử với Nhạc Linh San như người bạn tốt. Chính cô đã cứu Nhạc Linh San, chính cô đã động viên Lệnh Hồ Xung nghe tâm trạng sư muội trước khi chết. Trong con người Doanh Doanh nhỏ bé có trái tim nhân hậu vĩ đại của một phụ nữ công bằng.

Nhậm Doanh Doanh thật thông minh, bén nhạy. Nghe Lệnh Hồ Xung kể chuyện, cô biết ngay là chàng không phải là thủ phảm giết bạn đồng môn của mình, biết ngay là chàng bị sư phụ lừa dối. Chính cô đã khám phá ra chiêu số võ công của Nhạc Bất Quần giống như chiêu số võ công của gã lại cái Đông Phương Bất Bại; từ đó phán đoán ra Tịch Tà kiếm phổ còn có nghĩa là Quỳ hoa bảo điển, và biết Nhạc Bất Quần đã "Dẫn đao tự cung" (tự thiến bộ phận sinh dục). Cũng chính cô chứ không ai khác đã nhắc bảo cho Lệnh Hồ Xung biết rằng Nhác Bật Quần là một gã ngụy quân tử. Và cũng chỉ có cô mới kiềm chế nổi Nhạc Bất Quần, bảo vệ mạng sống cho mình và tình lang : bóp mũi Nhạc Bất Quần cho lão uống Tam Thi não thần đan, một loại độc dược mà ngoài cô ra, không ai ở trên đời có thuốc giải được.

Kết thúc Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung để cho Doanh Doanh nhường ngôi giáo chủ lại cho Hướng Vân Thiên, làm đám cưới với Lệnh Hồ Xung và hai vợ chồng song tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ. Họ đã hoàn thành tâm nguyện mà Lưu Chính Phong và Khúc Dương ngày xưa chưa làm được : Hắc đạo và Bạch đạo vẫn có thể sống với nhau trong một không khí hòa bình hạnh phúc thật sự, xoá đi biên giới của hận thù và nghi Kỵ. Tiếu ngạo giang hồ chính là khát vọng của tác giả Kim Dung đối với đất nước và đồng bào Trung Hoa của ông. Và Doanh Doanh chính là biểu tượng của cái đẹp Trung Hoa, một cái đẹp đi vào phạm trù tinh thần chứ không còn ở phạm trù vật chất nữa.

Doanh Doanh hoàn mỹ quá khiến tôi đâm ra nghi ngờ, không hiểu khi xây dựng nhân vật này, Kim Dung có đặt tư tưởng đại Hán của ông vào chăng? Tôi định chọn Nhậm Doanh Doanh ở ngôi vị số một, trên cả Triệu Minh, nhưng vì sự nghi ngờ đó đã khiến tôi xếp cô vào vị trí số bốn. Đã bảo tôi là một người đầy cảm tính, không thể có sự khách quan, trung thực và khoa học của các vị giám khảo chấm thi hoa hậu nghiêm khắc và đầy kinh nghiệm ngày nay cơ mà. Cho nên tôi cứ liều mạng dưa cô gái Mông Cổ lên ngôi vị số một và đặt cô Doanh Doanh Hán tộc xuống vị trí số bốn. Mà số bốn thì cũng cực kì quan trọng rồi.

5. A Châu




Có lẽ số phận đau thương nhật, bi kịch nhất trong hàng trăm nhân vật nữ của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung chỉ dành cho một nhân vật A Châu. Tên thật của cô là Đoàn A Châu, con của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý và bà Nguyễn Tinh Trúc, người nước Tống. Mối tình ngoại hôn giữa hai người đã sinh ra hai cô gái xinh đẹp: Đoàn A Châu và Đoàn A Tử.

Cũng có lẽ trong thế giới tiểu thuyết võ hiệp, ta chưa bắt gặp nhân vật đàn ông, một người cha nào vô trách nhiệm như Đoàn Chính Thuần. Ngay đến hai đứa con gái của mình, ông cũng chẳng biết chúng được đặt tên gì. Nguyễn Tinh Trúc thấy đứa lớn thích mặc áo dỏ, đặt tên là A Châu; thấy con gái nhỏ thích mặc áo tía, đặt tên là A Tử. Cùng sinh ra một gốc nhưng A Châu và A Tử là hai tính cách khác biệt: A Châu dịu dàng, nhân hậu, chung tình bao nhiêu thì A Tử lại tàn bạo, ngang ngược, thủ đoạn bấy nhiêu. Do phải tránh né kẻ thù truy bức, Nguyễn Tinh Trúc phải đưa hai đứa con gái ra Nhạn Môn Quan tị nạn. Cho nên ba chữ "Nhạn Môn Quan" trở thành nỗi đau, sự lỗi lầm lớn trong tâm hồn Đoàn Chính Thuần, khiến Đoàn Chính Thuần phải chịu sự oan khuất lớn sau này dẫn đến cái chết của A Châu.

A Châu gặp Kiều Phong tức Tiêu Phong, người nước Khất Đan, nguyên bang chúa Cái Bang Trung Hoa, trong một hoàn cảnh khá dặc biệt trên chùa Thiếu Lâm. Kiều Phong lên chùa Thiếu Lâm thăm lại người thầy yêu của mình là Huyền Khổ đại sư, để xác nhận lại quá khứ của mình; A Châu lên chùa Thiếu Lâm là để đánh cắp bộ Dịch Cân kinh về tặng cho chủ nhân của cô là Cô Tô Mộ Dung Phục. A Châu có thuật cải trang thần tình, đã cải trang thành nhà sư Trí Thanh, lấy được bộ Dịch Cân kinh nhưng lại bị trúng một chưởng của các nhà sư Thiếu Lâm. Một chưởng đó có thể làm tan bia vỡ đá huống chi một thân thể mảnh khảnh của một cô gái mới mười tám tuổi cỡ A Châu. Kiều Phong đã nhanh trí ném ra một tấm gương đồng làm tấm nệm cản bớt kình lực của phát chưởng nhưng A Chấu vẫn bị thương nặng. Ông cứu A Châu, rời khỏi chùa Thiếu Lâm. Năm ấy ông ba mươi và A Châu chỉ mới mười tám tuổi.

Không gặp nhau thì thôi, gặp nhau là đã có duyên phận; Kiều Phong nhất quyết phải cứu A Châu. Nhưng sức ông có hạn, lại không hiểu y lý, ông đành đưa A Châu về Tụ Hiền trang, nơi mà quần hùng Trung Nguyên đang hội họp bàn kế hoạch giết ông, một tên Khất Đan mọi rợ, để cầu cứu thần y Tiết Mộ Hoa chữa thương cho A Châu. Khi hiểu được tấm lòng Kiều Phong không ngại sinh tử, đưa mình vào đầm rồng hang hổ để cầu mong cái sống cho cô, A Châu mới nhận ra được rẳng trên đời này chưa có người đàn ông nào nặng tình nặng nghĩa như vậy. Sau khi gửi gắm A Châu, Kiều Phong cùng quần hùng Trung Nguyên ác đấu một trận. Ông bị thương và may mắn được một người bịt mặt cứu ra khỏi Tụ Hiền Trang, đưa về một sơn cốc...

A Châu được Tiết thần y chữa lành vết thương. Cô bé mảnh khảnh vượt mấy ngàn dặm tìm về Nhạn Môn Quan giữa mùa tuyết phủ, chờ gặp Kiều Phong. Cô biết thế nào Kiều Phong cũng trở lại, đến bên phiến đá xưa nơi cha ông Tiêu Viễn Sơn trước khi chết đã dùng chỉ công ghi lại văn tự trên đó. Quả nhiên, Kiều Phong trở lại Nhạn Môn Quan đúng như trong một kịch bản đầy khát vọng mà mọi độc giả của Thiên Long Bát Bộ tức Lục Mạch Thần Kiếm truyện đều mong ước được nhìn thấy. A Châu nhào vào lòng Kiều Phong và khóc rưng rức vì hạnh phúc, vì hổ thẹn, vì tủi thân. Nhưng cho đến lúc ấy, Kiều Phong vẫn chưa biết được đó là sự biểu lộ tình yêu đầu đời thầm kín. Trọn cuộc đời ông ngoài chuyện chiến đấu, ông chỉ biết có bát rượu, không hề nghĩ đến nữ sắc. Ông lại mang mặc cảm mình là người Khất Đan - dân tộc hạ đẳng, trong khi Đoàn A Châu lại là người Trung Hoa - dân tộc thượng đẳng, nên ông không hề để ý đến tấm chân tình của A Châu. Tuy nhiên, giữa trời đất Nhạn Môn Quan đầy tuyết phủ, được làm bạn với một cô gái xinh đẹp dịu dàng và nhất là được nghe cô thỏ thẻ: "Sẽ cùng đại gia qua bên kia Nhạn Môn Quan săn chồn đuổi thỏ" thì ông mới hiểu rằng A Châu thương mình. Họ yêu nhau nhưng miệng chưa bao giờ nói ra chữ "yêu", vượt qua mấy ngàn dặm trở lại thành Biện Lương, trai vẫn giữ được lễ, gái vẫn giữ được băng thanh ngọc khiết.

Do một lời vu cáo để trả thù riêng của Ôn Khang, Kiều Phong và Đoàn A Châu nhận lầm rằng Đoàn Chính Thuần chính là người chủ huy đánh giết Tiêu Viễn Sơn - cha của Kiều Phong ngày trước tại Nhạn Môn Quan. Họ trở lại rừng Phương Trúc giữa lòng Thái Hồ, Giang Nam để Kiều Phong ước hẹn cuộc chiến đấu rửa thù với Đoàn Chính Thuần. Cả Kiều Phong và A Châu đều nguyện rằng sau cuộc trả thù này, họ sẽ sang bên kia Nhạn Môn Quan sống với nhau cuộc đời bình yên trên thảo nguyên Khất Đan, không chen chân vào cõi giang hồ nữa. Cho đến khi nhìn thấy A Tử có một miếng ngọc bội giống như miếng ngọc bội của chính cô, cô mới đau sót nhận ra rằng Đoàn Chính Thuần là cha; Nguyễn Tinh Trúc là mẹ và A Tử là em ruột cô.

Nhưng khát vọng trả thù của người tình Kiều Phong thì nặng như núi Thái Sơn, cô biết xử lí làm sao giữa hiếu và tình. Kim Dung đẩy nhân vật đáng thương của ông vào bi kịch : cho A Châu hóa trang thành Đoàn Chính Thuần, đến bên cầu giữa đêm mưa gió, chấp nhận cuộc chiến đấu rửa hờn của Kiều Phong. Kiều Phong chỉ đánh một chưởng và ông khám phá ngay ra điều khác lạ. Ông ôm địch thủ lên, gỡ bỏ hết những vật hóa trang và dưới ánh chớp của sét, ông nhận ra đó là A Châu, tình yêu của ông, cứu cánh hạnh phúc của ông. Cô thỏ thẻ tóm tắt lại cho ông hiểu mọi sự. Lần đầu tiên trong suốt mười sáu cuốn Lục Mạch Thần Kiếm truyện, tác giả Kim Dung mới để cho Kiều Phong khóc. Nuớc mắt ông hòa lẫn nước mưa, đẫm ướt người A Châu. Ông như điên như khùng, bồng cô gái thân yêu chạy suốt rừng Phương Trúc, gọi tên từng người, gọi Đoàn Chính Thuần ra giết mình để trả thù cho con gái. Nhưng chẳng ai đáp lời ông.

Chương Kim Dung viết về chuyện đánh lầm vào A Châu giữa đêm mưa tầm tã và sấm chớp liên hồi có cái mức độ đau thương của lớp cuối cùng khi nhân vật Phượng và Xung vướng phải dây điện, cùng chết bên nhau trong hồi cuối vở kịch Lôi Vũ của Tào Ngu. Tác giả Kim Dung đẩy Kiều Phong đến độ chót của bi kịch, tước mất của ông nguồn sống, tình yêu và khát vọng về một đời du mục tầm thường trên thảo nguyên Khất Đan.

A Châu không đẹp rực rỡ, võ công cao cường, mưu trí chẳng bằng ai, lại chỉ là một con hầu trong nhà Mộ Dung Phục. Nhưng cái đạo hiếu của cô, mối tình trong sáng của cô dành cho Kiều Phong, tâm hồn ôn nhu phưong Đông của cô thì không người phụ nữ nào sánh kịp. Để làm nổi bật A Châu, Kim Dung xây dựng nhân vật A Tử điêu ngoa, xảo quyệt, tàn bạo; chẳng khác nào trong kỹ thuất chụp ảnh ta chú trọng đến chất contrast. Chính vì thế mà A Châu rực rỡ; Kiều Phong một đời chỉ có A Châu, chỉ yêu A Châu và không thể yêu bất kỳ cô gái thứ hai nào trên thế gian, không muốn ôm bất cứ một người phụ nữ nào trên thế giới.

Xưa nay, bi kịch tình - hiếu vẫn là một chủ đề thường gặp trong tiểu thuyết Việt Nam và Trung Hoa. Thúy Kiều yêu Kim Trọng nhưng phải bán mình 300 lạng để chuộc tội cho cha, để rồi phải sống 15 năm trong lầu xanh. Nhưng Thúy Kiều còn có Thúy Vân để thay thế đền đáp cho Kim Trọng, còn A Châu thì chẳng có ai. A Tử không có cái nhu mì của Thúy Vân và Kiều Phong cũng chẳng có cái tình cảm văn nhân ấm ớ của Kim Trọng. Bi kịch tình hiếu A Châu - Kiều Phong trong Lục Mạch Thần Kiếm truyện là vô điều kiện và tuyệt đối. A Châu trở thành nhân vật mẫu mực, tượng trưng cho lòng hy sinh cao cả của người phụ nữ phương Đông. Chính vì cái vẻ đẹp nhân bản đó trong tâm hồn cô gái mười tám tuổi này mà tôi mạnh dạn bầu cô làm đệ ngũ đại mỹ nhân.

6. Tiểu Long Nữ





Không một ai, kể cả tác giả Kim Dung, hiểu rõ được họ tên cô gái này. Tác giả chỉ cho ta được biết rằng, ngay từ thủa nhỏ, Tiểu Long Nữ đã được nuôi nấng, học võ công và trưởng thành trong ngôi cổ mộ của phái Cổ Mộ sau núi Chung Nam, kế tục sự nghiệp của Lâm Triều Anh để trở thành một trong những nhân vật nữ chính của Thần Điêu đại hiệp.

Những người sống trong ngôi cổ mộ thường vẫn mang theo một huyền thoại, một vẻ thần bí ly kỳ: họ sống cũng như chết, rất xa cách với thế giới bên ngoài. Kim Dung tự giới thiệu Tiểu Long Nữ hay Long cô nương của mình cũng tương tự như thế:

Chung Nam sơn hậu ---------------------- Sau Núi Chung Nam
Hữu hoạt tử nhân -------------------------- Có người sống chết

Tiểu Long Nữ là một cô gái trong sáng từ thân xác đến tâm hồn; đối với cô hoàn toàn không có biên giới giữa sự việc nên làm và không nên làm, nên tránh và không nên tránh. Đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ được ghi lại trong Ngọc Nữ tâm kinh, Tiểu Long Nữ trưởng thành hồn nhiên như một viên ngọc không tỳ vết. Cô trở thành người hàng xóm vừa dịu dàng vừa khó chịu của phái Toàn Chân (cũng ở núi Chung Nam). Cô thương yêu một người đồ đệ kém mình bốn tuổi và trọn đời chỉ có mối tình ấy, không có một mối tình, một hình bóng nào khác.

Đối với xã hội phong kiến Trung Hoa, mối tình ấy là cả một sự thách thức, thậm chí là sự phỉ báng các nguyên tắc của đạo đức luân lý. Mọi người đều cho phép mình khinh bỉ, lên án cặp thầy trò Tiểu Long Nữ - Dương Qua, kể cả Quách Tĩnh và Hoàng Dung là hai người chịu ơn cặp thầy trò này. Người ta lấy cái đạo đức luân lý cứng nhắc ngàn năm để đo một mối tính trong sáng của đôi trai gái trong sáng, cho rằng mối tình đó đã xâm phạm nền đạo đức Trung Hoa, tư duy đạo đức Trung Hoa. Người ta đã làm mọi chuyện, kể cả vu cáo và bôi nhọ, cho lứa đôi phải xa nhau, phải rời bỏ nhau.

Kim Dung, trong Thần điêu hiệp lữ, đã nhấn thêm một bước nữa: ông cho cô gái trong trắng như ngọc của mình thất trinh. Tiểu Long Nữ bị Âu Dương Phong điểm huyệt và gã đồ đệ phái Toàn Chân tình cờ đi ngang qua đó, đã bế cô đưa vào bụi rậm... Chỉ tội nghiệp cho Tiểu Long Nữ: cô cứ nghĩ người đó là Dương Qua, trong sự bẽ bàng đau đớn còn có niềm hạnh phúc được dâng hiến. Cũng tội nghiệp cho Dương Qua: anh phải chịu một cái án oan, một vụ án tình dục mà anh không phải là thủ phạm. Cho đến khi Tiểu Long Nữ biết được rằng kẻ phá hoại đời mình là Doãn Chí Bình, rằng Dương Qua đồ đệ của mình vẫn trước sau là một người trong sáng, thì cô thật sự tuyệt vọng. Cô lẳng lặng từ bỏ mối tính lớn trong đời, ra đi ... Dương Qua cũng từ bỏ tất cả ra đi để tìm sư phụ. Cuộc rượt đuổi đi tìm hạnh phúc, tình yêu đó thật não nùng. Luân lý, đạo đức Trung Hoa đã không cấm cản được trái tim họ, tình yêu của họ. Chỉ có niềm đau khổ của tuổi đầu đời đã chia sẻ họ.

Tiểu Long Nữ chuyên mặc một màu áo trắng, ăn nói đơn giản, cốt cách như thần tiên. Cô gái ấy say mê học trò, vi phạm đạo đức, lại bị cưỡng hiếp, không còn là người trinh bạch nữa. Thế nhưng dưới mắt bạn đọc Thần Điêu Hiệp Lữ, Tiểu Long Nữ vẫn là một con rồng nhỏ, trong sáng như gương, dịu dàng như ngọc. Tôi bầu cô làm đại mỹ nhân thứ sáu và vẫn mạnh dạn coi cô là con người trinh bạch. Đúng ra cô trinh bạch rất nhiều so với hàng triệu con người trinh bạch (hoặc tự coi mình là trinh bạch) hiện nay.

7. Song Nhi



 Song Nhi do Hà Trác Ngôn đóng (2008)

Song Nhi chỉ là con hầu của người vợ thứ ba của Trang Kiến Long, một nhà nho Trung Hoa đã có công tụ họp người trí thức triều Khang Hy soạn bộ Minh thư tập lược, bị Ngao Bái nhà Thanh giết. Song Nhi người gốc Hàng Châu, ngay từ thơ ấu, đã chịu chung cái số phận đau thương của bà chủ mình: bị đày lên khu vực ngoại thành Bắc Kinh. Trong Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung để cho Vi Tiểu Bảo 16 tuổi, gặp Song Nhi và nhận cô làm người hầu lúc cô 14 tuổi. quan hệ giữa hai người vừa là chủ tớ, vừa là bạn bè. Song Nhi mở miệng ra gọi luôn Vi Tiểu Bảo là "tướng công"; Vi Tiểu Bảo mở miệng ra gọi Song Nhi luôn luôn là "Hảo Song Nhi".

Cô gái nhỏ này võ công cao cường, nhân phẩm đoan chính, có học vấn và có tấm lòng trung thành vô hạn đối với chủ, nên xin đề nghị xếp cô vào hàng đại mỹ nhân thứ bảy dù nhan sắc hãy còn thua xa Phương Di, người mà Vi Tiểu Bảo nhận làm vợ lớn.

Gần như Song Nhi là cái bóng của Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo đi đến đâu, cô đi theo anh chàng này đến đó, phục vụ cơm nước, áo quần, bàn chuyện tính mưu định kế. Cô đã đánh cho bọn Lạt Ma Tây Tạng chổng càng chổng gọng để cứu Vi Tiểu Bảo, cùng Vi Tiểu Bảo tham gia cứu mạng Thuận Trị hoàng đế, ra trận đánh bọn Hỏa thương thủ và các tay hảo thủ khác của quân Sa Hoàng nước Nga, cô hóa trang khi làm sư, khi làm ngự lâm quân Thanh triều để bảo vệ Vi Tiểu Bảo. Gần như Song Nhi không biết sợ một ai, kể cả danh thủ kiếm pháp Phùng Tích Phạm của đảo Đài Loan. Hắn có ngoại hiệu Nhất kiếm vô huyết, ấy vậy mà khi hắn muốn giết Vi Tiểu Bảo; Song Nhi đứng ra liều mình cứu chủ; mũi kiếm của hắn không giết nổi Song Nhi, chỉ làm cô bị thương, chảy máu chút đỉnh. Từ chiến công của Song Nhi, bọn giang hồ gọi giễu Phùng Tích Phạm là Bán kiếm hữu huyết (nửa chiêu kiếm đã có máu đỏ ra rồi).

Song Nhi đi theo Vi Tiểu Bảo ăn tuyết nằm sương nhưng không bán mình cho họ Vi. Cô bỏ công ra cả tháng, thức đêm để khâu lại những mảnh nhỏ lấy được trong tám bộ Tứ Thập nhị chương kinh thành một bản đồ lớn mô tả kho báu ở Lộc Đỉnh Sơn mà không hé miệng than thở một lời. Vi Tiểu Bảo hay cợt nhã, luôn miệng nói với cô câu: "Đại công cáo thành, phải hôn một cái" nhưng thực sự hắn chưa bao giờ ôm hôn được cô, vì cô cũng chẳng bao giờ dễ dãi để hắn ôm hôn. Ngay đến khi cô ngủ gục vì mệt mỏi, Vi Tiểu Bảo bồng cô vào giường cũng chẳng giám hé môi hôn cô một cái, vì hắn biết làm như vậy là tiết mạn phẩm giá con hầu của mình. Trong khi đó, với Kiến Ninh công chúa, em vua Khang Hy; với A Kha, con gái của Trần Viên Viên; với Phương Di, tiểu thư của một dòng tộc danh gía ở Vân Nam; với công chúa Sophia của nước Nga, Vi Tiểu Bảo muốn hôn là hôn, muốn làm gì là làm đó.

Điều gì đã khiến nhà văn Kim Dung tôn trọng nhân phẩm của một con hầu, nâng cô lên trên cả hai vị công chúa, hai vị tiểu thư thiên kim? Đó chính là cái nhìn của ông về bản chất của cái gọi là tầng lớp quý tộc trong chế độ quân chủ Trung Hoa. Những huyền thoại cao quí về tầng lớp đó đã băng hoại, còn lại những sự thật phũ phàng: Kiến Ninh công chúa chỉ mong được ngủ với Vi Tiểu Bảo; Phương Di danh giá lại có những hành động lừa dối; A Kha cao quí ngu muội đi theo hào quang của gã bạch vệ Trịnh Khắc Sảng, trở thành cô gái bất trinh; thậm chí hiền lành ngây thơ như Mộc Kiếm Bình, tiểu thư của Mộc vương phủ Vân Nam, cũng bị tác giả cho vẽ lên má một con rùa. Qua nhân vật Song Nhi, tôi thấy tác giả Kim Dung có một tình cảm sâu nặng đối với những người bình dân Trung Quốc, đặc biệt là đối với những phụ nữ suốt đời chỉ biết làm con hầu, kẻ ở. Vi Tiểu Bảo có thể mở miệng chửi tất cả những phụ nữ cao quí là con điếm, con đượi non, mụ điếm già nhưng không bao giờ trong lòng hắn dám gợi lên một tư tưởng bất kính với con hầu Song Nhi.

Song Nhi trở thành một trong bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo nhưng cô vẫn giữ được phẩm giá chân chính của một người phụ nữ: không hề cạnh tranh, so bì, tỵ nạnh. Các đứa con khác của Tiểu Bảo do Tô Thuyên, A Kha, Kiến Ninh công chúa sinh ra đều được cô nuôi nấng, chăm sóc dịu dàng như con của chính mình. Thậm chí, cô cảm thấy hạnh phúc khi có một đức trẻ được đặt tên là Song Song bởi vì trong cái tên này, có chữ Song trong tên của cô. Chính từ cái đẹp nội tâm trong cô gái bé nhỏ này, tôi mạnh dạn bầu cô làm đệ thất đại mỹ nhân mà tôi mạo muội bình chọn.

8.Vương Ngọc Yến (Vương Ngữ Yên)

   


Là một cô gái đẹp tuyệt trần, nhân vật mà Kim Dung thường gọi là "thần tiên tỷ tỷ", hình ảnh hóa thân của pho tượng ngọc dưới đáy Cung Kiếm hồ ở Vô Lượng Sơn mà Đoàn Dự đã từng gặp. Vương Ngọc Yến là con gái ngoại hôn của Đoàn Chính Thuần, người nước Đại Lý, với Vương phu nhân, thuộc họ Mộ Dung, người Tiên Ty.

Vương Ngọc Yến là cô gái thông minh, đọc thuộc làu những quyển kinh võ học trong thiên hạ, đến nỗi ai đánh một chiêu một thức cô đều gọi đúng tên chiêu thức đó, đồng thời biết luôn cả cách phá giải. Cô trở thành quyển từ điển sống võ học, và do cô không hề biết võ công, nên nhiều thế lực thèm khát bắt cóc được cô để làm lực với họ Mộ Dung, và để cô dạy cho mình những đòn thế võ công thất truyền.

Một đời Vương Ngọc Yến chỉ biết say mê Mộ Dung Phục, người anh em cô cậu của mình (người Trung Hoa cho phép anh chị em con cô con cậu, anh chị em bạn dì lấy nhau). Thế nhưng Mộ Dung Phục là một gã huênh hoang, khoác lác, hắn chỉ say sưa giấc mộng phục hồi nước Đại Yên, sẵn sàng đạp đổ tất cả tình yêu, tình bạn bè, tôn kẻ thù làm cha, miễn là có thể lợi dụng được những hoàn cảnh để phục hưng Đại Yên. Ngược lại với Mộ Dung Phục, Đoàn Dự nước Đại Lý sẵn sàng đánh đổi tất cả các thứ trên đời, kể cả ngôi vị hoàng đế Đại Lý, để được kề cận bên Vương Ngọc Yến. Tình yêu xảy ra giữa ba nhân vật này là một quá trình rượt đuổi buồn cười.

Khi Mộ Dung Phục sang nước Tây Hạ để dự lễ tuyển phu của Văn Nghi công chúa nước này, Vương Ngọc Yến chỉ sợ võ công của biểu ca mình cao cường, có thể làm rể Tây Hạ và phụ rẫy mối tình của mình. Cô đã nhờ Đoàn Dự ra tay viện trợ: dùng Lục Mạch Thần Kiếm danh tiếng của họ Đoàn đánh thắng Mộ Dung Phục, phá vỡ âm mưu làm rể Tây Hạ của Mộ Dung Phục. Nhưng rồi Mộ Dung Phục đánh cho Đoàn Dự lọt xuống đáy giếng và nói rõ tham vọng của mình cho Vương Ngọc Yến nghe rằng hắn chưa bao giờ thương yêu Vương Ngọc Yến cả. Cô gái tuyệt vọng, gieo mình xuống đáy giếng sâu. Và lạ thay, ở trên mặt đất thơm tho, dưới ánh sáng chói chang của mặt trời bao nhiêu năm mà Vương Ngọc Yến không nhìn ra tấm chân tình của chàng Đoàn Dự, thì chỉ trong chốc lát dưới đáy giếng sâu hôi hám tối tăm, Vương Ngọc Yến đã chấp nhận mối tình ấy. Và họ nguyện sống đời lứa đôi bên nhau.

Nhưng ta đã biết, Đoàn Chính Thuần là cha của Đoàn Dự. Lẽ nào ông anh Đoàn Dự có thể cưới hỏi cô em cùng cha khác mẹ là Vương Ngọc Yến ? Cái mâu thuẫn ấy đã được đẩy lên đỉnh điểm của Thiên Long Bát Bộ khi độc giả kinh hoàng nhận ra mối quan hệ huyết thống giữa hai nhân vật trai gái trung tâm này. Ta có thể tưởng tượng ra cái thảm kịch để giúp họ hóa giải mối tình loạn luân, cũng như Romeo và Juliette trong bi kịch của Shakespeare tìm cái chểt để họ chuộc lỗi với đời và để cho đôi lứa có thể chia lìa nhau vĩnh viễn. Nhưng Kim Dung đã có một lối giải quyết khá thần kỳ, xứng đáng là bậc thầy trong nghệ thuật hư cấu tiểu thuyết: ông lật ngược lại dĩ vãng của Đoàn Chính Thuần và Đao Bạch Phượng, người nước Bãi Di, giận Đoàn Chính Thuần say mê nhan sắc của người phụ nữ khác. Bà đã làm hành động cực kỳ thương luân bại lý: đem tấm thân cao quý của mình hiến dâng cho một gã ăn mày hôi hám, trôi sông dạt chợ. Gã ăn mày đó chính là Đoàn Diên Khánh, người trong hoàng tộc nước Đại Lý, kẻ xứng đáng lên ngôi vua Đại Lý nhất nhưng không được lên ngôi. Đoàn Dự chính là con của Đao Bạch Phượng và Đoàn Diên Khánh; Đoàn Chính Thuần chỉ là ông cha hờ. Mà trong qui định hôn nhân của nước Đại Lý, anh em cùng tông tộc có thể cưới hỏi lẫn nhau (chính nhà Trần ở Việt Nam cũng áp dụng qui định này để ngai vàng khó lọt vào tay kẻ khác)

Cho nên Đoàn Dự vẫn có quyền cưới hỏi và ăn ở với Vương Ngọc Yến, và chẳng riêng gì Vương Ngọc Yến, cả đến Mộc Uyển Thanh (con gái Tần Hồng Miên), Chung Linh (con gái Cam Bảo Bảo) đều là con ngoại hôn của Đoàn Chính Thuần; Đoàn Dự say mê ai có quyền cưới người ấy. Câu chuyện của Đoàn Dự có đến năm người biết : mẹ Đoàn Dự, Đoàn Dự, Đoàn Diên Khánh, Đoàn Chính Minh (vua nước Đại Lý) và ... chúng ta, những người đọc Kim Dung. Đoàn Dự lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý; Vương Ngọc Yến trở thành chánh cung hoàng hậu.

9. Viên Tử Y



Viên Tử Y là cô bạn nhỏ mới 16 tuổi của tiểu anh hùng Hồ Phỉ trong Tuyết Sơn Phi Hồ (Lãnh nguyệt bảo đao). Cô gái này có lý lịch rất hồ đồ, luôn luôn hiện diện cạnh Hồ Phỉ trong suốt con đường hai người hành hiệp cứu đời, thông minh và giàu tri thức. Ngay cái tên của cô cũng rất mơ hồ: cô xưng họ Viên, chuyên mặc áo tía nên tác giả gọi luôn tên cô là Viên Tử Y. Thực sự, Viên Tử Y là cô gái bất hạnh. Mẹ cô là người phụ nữ trong trắng, đã bị một gã đạo đức giả trong giới giang hồ cưỡng hiếp rồi bỏ trốn. Gã giang hồ đó đã khéo léo che dấu lý lịch, trở thành con người khả kính, một biểu tượng của đạo đức võ lâm Trung Hoa. Hồ Phỉ và Viên Tử Y cùng chung mục đích: muốn lột mặt nạ con người đạo đức giả ấy. Hồ Phỉ muốn giết hắn nhưng Viên Tử Y lại cứu hắn. Chẳng lẽ cô lại dễ dàng chấp nhận cho bạn mình giết cha mình mặc dầu người ấy chẳng ra gì ?

Bi kịch trong đời Viên Tử Y vẫn là bi kịch tình- hiếu nhưng xét ra một góc độ cấu trúc tiểu thuyết, bi kịch này được xây dựng khác hẳn với những tình huống của Triệu Minh và Tiểu Siêu với chàng Trương Vô Kỵ. Cuối tác phẩm Lãnh nguyệt bảo đao, Viên Tử Y chia tay Hồ Phỉ ra đi. Tôi bầu cô làm đại mỹ nhân thứ chín nhưng chẳng biết cô đi về đâu giữa mênh mông bảy tỷ con người.

10. Bạch A Tú


Bạch A Tú là con gái của Bạch Vạn Kiếm, cháu nội của Bạch Tự Tại, chưởng môn phái Tuyết Sơn. Năm 12 tuổi, cô bị một tên mặt trắng là Thạch Trung Ngọc cởi hết áo quần, cột tay chân toan dở trò đồi bại nhưng rồi được tác giả Kim Dung cứu vớt, cho người đuổi đánh kẻ đồi bại chạy trốn. Ấy thế mà A Tú giàu lòng tự trọng đã gieo mình xuống vực sâu của núi Tuyết Sơn để rửa nhục cho mình. Nội một hành động đó cũng đủ chứng tỏ cô cương liệt và vượt xa những người phụ nữ khác. Khi mọi người bắt được Thạch Phá Thiên mà cứ yên chí đấy là tên phản đồ, tên dâm tặc Thạch Trung Ngọc. Thì chỉ có đôi mắt thơ ngây của Bạch A Tú mới nhìn ra được: "Vị đại ca này không phải là tên phản tặc ấy". A Tú đã có cái nhìn thơ ngây, đạt đến tận cùng bản chất của sự vật, cái trực giác tuyệt đối đúng mà những người lớn, đến cả Mẫn Nhu - mẹ đẻ Thạch Phá Thiên - cũng không có được.

Tuy chỉ 15, 16 tuổi nhưng cô đã tự khẳng định mình là một nhân vật trí tuệ tuyệt vời, biết nhìn xa trông rộng.Thấy bà nội mình dạy cho Sử Ức Đao (tên mới đặt của Thạch Phá Thiên) học Kim Ô đao pháp, Bạch A Tú đã trầm ngâm suy nghĩ. Thử hỏi cha cô là Bạch Vạn Kiếm (đánh ra chục ngàn thế kiếm) làm sao chống chọi nổi với anh bạn Sử Ức Đao (sử dụng một trăm nghìn thế đao). Phái của nhà cô là phái Tuyết Sơn (núi tuyết) mà đánh nhau với phái Kim Ô (mặt trời) thì chỉ có tan tành vì mặt trời lên tỏa sức nóng thì núi tuyết phải chảy tan thành nước. Hơn nữa, đao pháp của anh bạn nhỏ Thạch Phá Thiên toàn là những chiêu thức khắc tinh của kiếm pháp phái Tuyết Sơn của cha và ông cô. Chính vì nhìn ra những điều ấy mà Bạch A Tú đã xin anh bạn nhỏ ngày sau dung tha cho ông nội và cha của mình và dạy cho anh bạn nhỏ chiêu Bàng xao trắc kích : chém bên trái một đao, bên phải một đao, trên một đao, dưới một đao rồi ghìm đao dứng lại khen ngợi địch thủ một câu rồi đề nghị địch thủ bãi chiến để bảo toàn danh dự cho địch thủ. Thạch Phá Thiên làm đúng như "giáo khoa" của cô bạn gái; anh thắng tất cả mọi người nhưng những địch thủ của anh vẫn mang ơn anh về thái độ rộng lượng, tâm hồn nhân ái.

Mười sáu tuổi, A Tú tiễn Thạch Phá Thiên và ông mình ra biển để nghiên cứu pho võ công Hiệp Khách Hành. Cô ước hẹn với chàng trai: nếu anh không trở lại, cô sẽ gieo mình xuống biển sâu. Và như trong một kịch bản hoàn chỉnh nhất của tiểu thuyết phương Đông, Thạch Phá Thiên đã trở lại, kịp thời cứu cô bạn của mình từ trên cao rơi xuống lòng biển cả. Tình yêu của họ đi về đâu tác giả không nói đến nữa. Ông để cho chúng ta tưởng tượng...Tôi tưởng tượng ra chuyện họ cưới nhau; Kim Ô cùng Tuyết Sơn vẫn tồn tại, chẳng ai phải sử ức đao và cũng chẳng ai phải sử bạch vạn kiếm. Chính A Tú là biểu tượng của khát vọng hóa giải hận thù, nghi kỵ, phân biệt. Cô xứng đáng được ngồi vào hàng ghế danh dự của thập đại mỹ nhân.

11.Hoàng Dung



Hoàng Dung là nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Hoàng Dung cũng xuất hiện trong tác phẩm Thần Điêu Hiệp Lữ (phần thứ hai của Xạ Điêu Tam Bộ Khúc bao gồm: Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ và Ỷ Thiên Đồ Long Ký).

Hoàng Dung là con gái của đảo chủ đảo Đào Hoa, Đông Tà Hoàng Dược Sư và Phùng Thị Mai Hương. Nàng mồ côi mẹ từ nhỏ và được cha nuôi nấng, truyền thụ võ nghệ. Tính cách Hoàng Dung khá giống với cha mình, nàng thông minh, nhanh trí, nhiều mưu kế nhưng cũng rất điêu ngoa, cổ quái, thường làm việc theo ý mình. Hoàng Dung vô cùng xinh đẹp nhưng võ công rất cao, trên người lại mặc Nhuyễn Vị Giáp khiến cho những kẻ háo sắc không thể đến gần. Môn võ công nổi tiếng của nàng là Đả Cẩu Bổng Pháp.

Một lần Hoàng Dược Sư mắng nàng, Hoàng Dung liền bỏ đi. Trên đường đi nàng cải trang thành thằng bé ăn mày và gặp gỡ Quách Tĩnh. Hoàng Dung nhanh chóng bị thu hút bởi sự tốt bụng, thật thà, chất phác, lương thiện của Quách Tĩnh. Nàng đã sắp xếp cho Quách Tĩnh học võ công của Bắc Cái Hồng Thất Công. Bản thân nàng cũng học quyền pháp Tiêu Dao Du từ vị tiền bối này.

Trên quá trình hành tẩu giang hồ, Hoàng Dung và Quách Tĩnh đã trải qua rất nhiều sóng gió, có lúc bị thương nặng, có lúc lạc nhau hàng tháng trời. Sau cùng hai người cũng vượt qua kết làm phu thê. Hoàng Dung sinh được ba người con: Quách Phù, Quách Tương và Quách Phá Lỗ.

Sang phần Thần Điêu Hiệp Lữ, tính cách nàng có phần thay đổi, chín chắn hơn nhưng cũng lo nghĩ nhiều hơn (đặc biệt trong ý kiến của nàng với Dương Quá) khiến cho nhiều người đọc cảm thấy nàng không còn đáng yêu như ở phần trước.

Thành tích lớn nhất của Hoàng Dung là bảo vệ thành Tương Dương trước sự xâm lăng của người Mông Cổ. Khi thành Tương Dương thất thủ, nàng và gia đình đã tự vẫn.

Kim Dung không nói rõ Hoàng Dung sinh năm bao nhiêu chỉ ước đoán nàng kém Quách Tĩnh khoảng 2 hoặc 3 tuổi. Nàng mất ngày 31 tháng 1 năm 1273, đúng vào ngày thành Tương Dương bị hạ.

12.Chu Chỉ Nhược 



Chu Chỉ Nhược là chưởng môn nhân đời thứ tư của phái Nga Mi, tiền nhiệm của cô là Diệt Tuyệt sư thái. Trong Ỷ thiên đồ long ký bản in lần thứ nhất thì người kế nhiệm cô là Trương Vô Kỵ nhưng các bản in sau không nói đến.

Chu Chỉ Nhược hoa dung nguyệt mạo, yêu Trương Vô Kỵ nhưng vì bị sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái bắt thề độc đồng thời kết hợp với lòng ghen tuông khi Trương Vô Kỵ yêu Triệu Mẫn nên liên tục tìm cách hãm hại anh này. Cô là nhân vật kiệt xuất của phái Nga Mi và luyện thành Cửu âm chân kinh được giấu trong Ỷ thiên kiếm.

13.Nhạc Linh San




Nhạc Linh San là con gái duy nhất của vợ chồng Nhạc Bất Quần, Ninh Trung Tắc, nàng lớn lên ở cùng với phái Hoa Sơn và thường được mọi người gọi là Tiểu sư muội. Từ nhỏ, nàng thân thiết với Lệnh Hồ Xung, người hết mực thương yêu và chiều chuộng nàng. Từ khi lớn lên, mọi người đều nhận ra được tình yêu giữa Nhạc Linh San và Lệnh Hồ Xung, một tình yêu bắt nguồn từ đôi bạn thanh mai trúc mã. Cả hai dù chưa ngỏ lời và ước hẹn nhưng đã như ngầm hiểu tình cảm trong lòng nhau, thậm chí còn cùng nhau luyện riêng một thứ kiếm pháp tên là Xung Linh kiếm pháp. Tình yêu của hai người từng khiến tiểu ni cô Nghi Lâm bất chợt nổi cơn ghen khi nghe Lệnh Hồ Xung thao thao bất tuyệt kể về "Tiểu sư muội" của mình. Nhạc Linh San là hình mẫu của một thiên kim tiểu thư con nhà võ, được chiều chuộng và rất hiếu thắng.

Khi Lệnh Hồ Xung bị thương nặng gần chết bởi Đào cốc lục tiên, Nhạc Linh San đã lấy trộm bí kíp Tử hà bí lục của Nhạc Bất Quần đem cho Lệnh Hồ Xung luyện (và dẫn đến việc Lục Đại Hữu bị giết chết một cách mờ ám). Tuy nhiên, tình cảm của Nhạc Linh San với Lệnh Hồ Xung đã chính thức thay đổi khi Lâm Bình Chi gia nhập Hoa Sơn. Theo Trần Mặc, sở dĩ Nhạc Linh San dù ban đầu yêu Lệnh Hồ Xung nhưng sau đó nhanh tróng yêu Lâm Bình Chi là do ấy là Lâm Bình Chi sau khi trải qua thảm kịch gia đình tan nát, tính cách thay đổi hẳn, trở nên hướng nội, thâm trầm, già trước tuổi, khác hẳn với một Lệnh Hồ Xung lãng mạn, "thiếu đứng đắn",... Chính tính cách đó thúc đẩy sự thay đổi cách nhìn của Nhạc Linh San, từ vai trò người chinh phục, người che chở, biến thành toàn tâm toàn ý ngưỡng mộ. Sở dĩ như thế, nguyên nhân bên ngoài là Lâm Bình Chi muốn sớm báo thù rửa hận, chỉ chăm chăm học võ luyện công, luôn luôn học hỏi nàng, chứ không nghĩ ngợi gì khác. Nhưng càng như vậy càng kích thích ý muốn chinh phục của Nhạc Linh San, đồng thời cũng càng khiến nàng kinh ngạc phát hiện cái mới ở Lâm Bình Chi. Nguyên nhân sâu xa hơn, tính cách đó của Lâm Bình Chi vừa hay phù hợp tiêu chuẩn thẩm mỹ của Nhạc Linh San. Nói đơn giản, tính cách đó rất giống tính cách của Nhạc Bất Quần.

14.Nghi Lâm



Nghi Lâm là một ni cô đi tu trong chùa, là đệ tử của phái Hằng Sơn (trên dãy Bắc nhạc Hằng Sơn ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Nghi Lâm có cha là một hòa thượng (pháp danh là Bất Giới), mẹ là một ni cô (không rõ tên). Theo lời kể của Bất Giới - cha của Nghi Lâm, trước đây ông ta là một đồ tể. Ông gặp mẹ của Nghi Lâm, lúc đó bà là một ni cô, và đã ngay lập tức đem lòng yêu ni cô này. Sau nhiều lần theo đuổi, ni cô này vẫn từ chối tình yêu của ông vì cho rằng Bồ Tát sẽ trừng phạt, đày bà xuống 18 tầng địa ngục nếu phá giới. Và thế là Bất Giới đã tình nguyện xuất gia làm hòa thượng để được cưới ni cô, với quan điểm: nếu thế thì ông sẽ cùng với bà gánh chịu hình phạt của Bồ Tát (vì ông cũng là đệ tử nhà Phật). Kết quả của tình yêu này là Nghi Lâm.

Hai vợ chồng Bất Giới vừa tu hành, vừa sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng chớ trêu thay, bà vợ ni cô của Bất Giới lại là một người có máu ghen đặc biệt. Khi nhìn thấy chồng mình đang ôm con gái nói chuyện với một người phụ nữ khác (suy luận theo lời kể của Bất Giới thì chính là Ninh Trung Tắc, vợ của Nhạc Bất Quần, sư mẫu của Lệnh Hồ Xung), bà đã ngay lập tức bỏ chồng và con gái nhỏ đi biệt tích, chỉ để lại một dòng chữ Đây là kẻ tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc nghĩa nhất thiên hạ. Bất Giới đã gửi con gái ở Hằng Sơn, lang thang khắp nơi tìm vợ nhưng vô vọng. Sau này, nhờ Lệnh Hồ Xung giúp đỡ, hai vợ chồng ông đã được đoàn tụ. Chính vì được gửi ở Hằng Sơn nên Nghi Lâm đã vô tình theo con đường của cha mẹ - trở thành một đệ tử Phật gia.

( Theo Duytan.edu.vn)
-------------------------------------

Ghi chú: Sau khi kiểm tra lại, chúng tôi nhận thấy có nhiều phần nội dung giới thiệu mỹ nhân trong bài viết này được copy lại từ bài "Thập đại mỹ nhân trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung" của nhà văn Vũ Đức Sao Biển. Tuy nhiên thứ tự thì có sự xáo trộn và tăng thêm 4 mỹ nhân. Có lẽ đây là quan điểm của người chọn.

----------------------

Bài liên quan:

  • Đi tìm thiên hạ đệ nhất mỹ nhân
  • Hoàng Dung đã bị Quách Tĩnh hạ gục, lấy mất trái tim như thế nào?
  • Thú vị chuyện Hoàng Dung ngây thơ về kiến thức tình dục
  • Chuyện Hoàng Dung, Nghi Lâm đi ăn trộm vì … dại trai!
  • 5 đôi tình nhân đẹp nhất trong thế giới võ hiệp Kim Dung
  • 10 chuyện tình buồn của các mỹ nhân trong tiểu thuyết kiếm hiệp KIm Dung
  • 50 cái nhất trong truyện Kim Dung
  • 5 đứa con gái đáng ghét nhất trong kiếm hiệp Kim Dung
  • Một số Top 10 trong tiểu thuyết Kim Dung của bạn Pham Thai Quy

  • No comments:

    Post a Comment