Trang

Friday, October 18, 2013

Những giọt nước mắt của A Châu


HUỲNH NGỌC CHIẾN

(Vietkiemhiep) - Mọi người bảo tôi: nói về Tiêu Phong mà chỉ nói dăm ba trang thì chẳng nói được gì. Vấn đề thân phận con người, vấn đề thị phi thiện ác, vấn đề nghiệt oan của định mệnh, vấn đề quốc gia… chung quanh nhân vật kiêu dũng đó, dẫu có viết đến vài trăm trang cũng chưa đủ. Tôi bảo “Phải”. Nhưng có những điều, lắm khi viết một ngàn trang vẫn thiếu, mà một chữ lại thừa ! Muốn tả trăng thì phải tả mây. Đó là cách mượn mây để mà nói trăng của Kim Thánh Thán. Nên muốn nói đến Tiêu Phong thì phải gợi lại hình ảnh A Châu.

Những nhân vật nữ là người yêu của các nhân vật chính trong tác phẩm Kim Dung, dẫu chính hay tà, luôn có thân phận cao sang. Đó là Nhậm Doanh Doanh – Thánh cô của ma giáo, là Triệu Mẫn - quận chúa Mông Cổ, là Hoàng Dung – con gái của Đào Hoa đảo chủ, là Nhạc Linh San - ái nữ của chưởng môn Hoa Sơn, là Mộng Cô – công chúa Tây Hạ, là Vương Ngữ Yên - kiều nữ Mạn Đà sơn trang. Chỉ riêng A Châu - người con gái dìu dắt sinh mệnh và cuộc đời của một nhân vật kiêu dũng và anh hùng là Tiêu Phong - lại là một tỳ nữ mang thân phận thấp hèn: là đứa con rơi của một hoàng thân Đại Lý, nên trở thành một cô gái mồ côi lênh đênh lưu lạc, cha mẹ phiêu tán, phải nương náu nơi nhà Mộ Dung với tư cách người hầu. Mà trong số các nhân vật chính của Kim Dung, Tiêu Phong lại trội vượt hơn hẳn về phong độ kiêu hùng, cho nên khi Kim Dung để A Châu dìu dắt sinh mệnh của Tiêu Phong, thì ta càng hiểu rằng cái phẩm chất ẩn tàng nơi A Châu là cực kỳ cao quý.

Khách anh hùng xông pha giữa điệp trùng gươm giáo, sẵn sàng coi cái chết như một cõi đi về, nhưng một khi đối diện với những “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe" lại thường nhận chân ra nỗi hoang lương thê thiết, và cái vô nghĩa của cuộc đời. Và họ cần đến những nữ lang để tìm chút hơi ấm của đời thường, một khi phải đối diện với cõi trống rỗng hư vô. Ngay cả với Tiêu Phong – là một nhân vật gần như sống trong tự do tuyệt đối (xin hiểu chữ tuyệt đối theo nghĩa tương đối của trần gian !). Rượu và võ công đã chắp cho ông đôi cánh chim bằng để bay bổng tuyệt vời trong khoảng trời bao la tự tại, lướt trên những lợi danh tủn mủn giữa võ lâm. Thử hỏi chức vị Bang chủ Cái bang nào có nghĩa gì ? Nếu ông có quyến luyến đi nữa, thì cũng chỉ vì sự an nguy của đệ huynh trong bang hội mà thôi. Ta có cảm tưởng người anh hùng ấy thong dong đến giữa cõi đời, rồi sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng không vướng bận.

Không như Lệnh Hồ Xung luôn khoái hoạt bỡn cợt, Tiêu Phong lại lẫm lẫm một khí độ kiêu hùng. Con người ấy đến với đời như ngọn lửa bùng cháy, để rồi sẽ ra đi như một tia chớp, lưu lại giữa trần gian một hình bóng uy nghi. Nhưng rồi chính A Châu, hay đúng hơn, chính cái chết của A Châu là sợi dây nối Tiêu Phong vào cõi trần gian đầy hệ luỵ. Cái giây phút cực cùng bi đát của TLBB là lúc A Châu, như một con thiên nga trúng đạn, gục ngã dưới phát chưởng oan nghiệt của Tiêu Phong. Đường bay tới một khoảng trời xanh không còn tranh chấp hận thù, không còn ân oán thị phi, khoảng trời chỉ có đàn cừu chạy trên thảo nguyên trong tiếng sáo mục đồng dìu dặt, đường bay tưởng chừng như vô cùng bình dị đó đã vĩnh viễn khép lại với con chim thiên nga thông minh và hiền dịu A Châu. Nàng đã ngã xuống giữa những giọt nước mắt oan cừu, phủ thêm bi thương lên cõi thế.

Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo
Em ra đi đời ôm mặt khóc oà
(Chiêm bao – Bùi Giáng)


Em đã ra đi vĩnh viễn. A Châu của Kim Dung đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Tiêu Phong. Như Desdemona của Shakespeare đã ra đi vĩnh viễn dưới bàn tay Othello. Một kẻ vô tình, một người cố ý. Tất cả thảm hoạ đó đều phát sinh từ ngộ nhận. Othello ngộ nhận bởi gã Iago cực kỳ nham hiểm, Tiêu Phong ngộ nhận bởi người đàn bà ghen tuông Mã phu nhân

Kiếp người đã quá đỗi nặng nề rồi, thế sao đời cứ đem bi kịch chất chồng lên thêm nữa ? Phải chăng để nhắc nhở con người nhìn lại chân tướng của trần gian ? Ta bước vào đời với trái tim nặng trĩu ước mơ, để rồi ra đi với một tâm hồn hoang phế. Tất cả đều bấp bênh phù động, cõi vô thường tìm đâu được chốn bình yên. Thoạt nhìn trần gian đầy những cảnh “Long lanh đáy nước in trời, Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng", để rồi ngày trùng phùng chỉ đối diện với "Bước vào chốn cũ lầu thơ, Tro than một đống nắng mưa bốn tường". Cả cõi đời đều ôm mặt khóc oà. Tiêu Phong đã khóc, chúng ta đã khóc. Và còn bao nhiêu người sẽ khóc nữa, trước những bi kịch trớ trêu của ngộ nhận giữa dâu bể cuộc đời ? Mộng hồn nàng có về vương vấn nơi Nhạn môn quan ?.

Còn không một bận quay về,
Nhạn môn quan khóc thăng thề vàng gieo?

Còn đâu nữa những đàn cừu tung tăng trên thảo nguyên mênh mông nơi quan ngoại ? Còn đâu nữa lời hẹn thề quay lại Nhạn môn quan ?

Ta muốn ngậm ngùi thốt lên những lời thiết tha cùng nhà thơ Bùi Giáng : "Và nước dưới cầu chảy mãi ? Để huê trôi, rêu nhạt, đá mòn. Thế là người có thể gục đầu xuống khóc, và tự hỏi : ở phương trời nào xa vắng, có bến bờ nào vĩnh viễn hay không ?". Đó là những lời Bùi Giáng viết về cõi đời dâu bể, mà sao nghe như những lời nức nở của A Châu. Trong cái đêm oan nghiệt đó, dưới lốt hoá trang Đoàn Chính Thuần, nàng đến gặp gỡ Tiêu Phong, có nghĩa là chịu im lặng để tìm cái chết. Vì chữ hiếu, nàng chấp nhận tìm cái chết dưới tay người yêu dấu, giữa lúc mộng đời đang xanh thắm, và cuộc tình đang chất ngất nồng say. Tôi hình dung đêm hôm ấy, có lẽ nàng khóc nhiều ghê lắm. Vì hân hoan lẫn vì cay đắng. Nơi phương trời xa vắng, liệu có bến bờ nào vĩnh viễn hay không ? Ta không biết. Không thể nào biết được. Người bước vào đời hân hoan dệt mộng, muốn tìm cho mình một chút bình yên, còn cuộc đời luôn tìm cách phá tan những ước mơ nhỏ nhoi nhất của con người. Nên xin người cứ nhủ lòng rằng chữ tương phùng đành hẹn lại kiếp sau, và trong cõi chết xin được nối kết những mộng đầu dang dở. Điều đó tưởng chừng như hão huyền, không hiện thực, nhưng chỉ có thế con người mới tìm được chút an ủi cho hồn mình, giữa tan nát thương đau. A Châu đã ngã xuống, nhưng ta tin rằng tâm hồn nàng hân hoan lắm. Ngộ nhận giữa Tiêu Phong và Đoàn Chính Thuần chỉ được cởi mở cùng cái xác lạnh giá của A Châu !

Linh hồn thục nữ bao dung
Nhạn môn quan hẹn mộng trùng lai xưa
Lệ thương biết mấy cho vừa

Lý Hạ khóc Tô tiểu tiểu, Tố Như cùng Chu Mạnh Trinh cùng khóc Thuý Kiều, Shakespeare khóc Desdemona, chúng ta cùng khóc A Châu. Thời đạI khác nhau, nhưng giọt lệ đau thương dường như chỉ là một. Nước mắt bọn tài tử kim cổ đông tây có an ủi được chút nào không những nữ lang bạc mệnh ? Như chàng sinh viên Raskolnikov, trong kiệt tác "Tội ác và trừng phạt" của Dostoievski trân trọng quỳ trước Sonia - một cô gái giang hồ mang trái tim Bồ Tát, chúng ta cũng xin nghiêng mình trước họ, như nghiêng mình trước những khổ luỵ thiên thu, những lênh đênh vạn đại của con người. Bao oan nghiệt đoạn trường của nhân loại như chung đúc vào những nữ lang bạc mệnh, để ngàn năm đau mãi tiếng tân thanh.



A Châu đã chết, nhưng nàng còn sống mãi trong tâm hồn Tiêu Phong, trong những chén rượu nồng "Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ” (Quang Dũng). Chính điều đó đã đẩy Tiêu Phong đối diện với nỗi cô liêu cùng cực, khiến người đọc thấy ngậm ngùi khôn xiết. Những lời trăn trốI trong nước mắt của A Châu như sợi dây trói ông vào cõi thế, mà ông luôn muốn tìm cách cắt bỏ đi. Nếu như 600 quyền kinh Đại Phẩm Bát Nhã chỉ là những lời chú giải cho một chữ Không trong tư tưởng Phật giáo đại thừa, thì mũi tên tự đâm vào ngực Tiêu Phong nơi quan ải cũng chỉ là một lời "chú giải" cho những giọt nước mắt của A Châu.

-----------------------

(Nguồn: Lai rai chén rượu giang hồ)

Bài liên quan: 

No comments:

Post a Comment