Saturday, May 3, 2014

Tiêu Phong: Bi kịch người anh hùng

H Châu

Tiêu Phong - một đời kiêu hùng

Thiên long bát bộ được đánh giá là bộ tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất của Kim Dung. Để làm tròn chữ “võ”, nhà văn Trung Quốc đã đưa vào những miêu tả rất sinh động về bộ chưởng pháp Hàng long thập bát chưởng (Mười tám thế chưởng pháp hàng phục được rồng) – một trong hai tuyệt kỷ của cái Bang (bên cạnh "Đả cẩu bổng pháp). Trong đó, hai chiêu thức Kháng long hữu hối và Thần long bãi vĩ vô cùng hấp dẫn.


Để làm nổi bật chữ “hiệp”, Kim Dung đã đầu tư toàn bộ tài hoa và tâm tình vào nhân vật nam chính Tiêu Phong (Kiều Phong). Từ dung mạo, võ công, phẩm đức cho tới hành vi động thái của vị anh hùng này đều hoàn mỹ đến không ngờ.

Tiêu Phong gốc người Khiết Đan, mặt vuông tai lớn, tướng mạo đường đường. Thoạt nhìn có vẻ thô hào mộc mạc nhưng trí óc cực kỳ thông minh và trái tim vô cùng mẫn cảm. Với tấm lòng nhân ái, ngay cả trong thế trận căng thẳng thì Tiêu Phong cũng tính kỹ làm sao để đánh một đòn mà kiềm chế ngay địch thủ và không gây thương tích cho đối phương.

Bên cạnh đó, Tiêu Phong còn là mẫu người anh hùng trái ngược các quy tắc kiểu mẫu truyền thống của Trung Hoa cổ đại. Chàng không muốn làm quan, không ham lạc thú tình dục. Trong tình yêu, Tiêu Phong là người rất trung thực và chung thủy. Ngoài A Châu, chàng chẳng hề để mắt tới bất kỳ người con gái nào. Cũng chính vì thờ ơ nhan sắc, không nhìn cô vợ xinh đẹp của bạn mà đến nỗi Tiêu Phong bị người phụ nữ này căm thù, tìm mọi cách để công bố lý lịch Khất Đan của chàng.


A Châu và Tiêu Phong trong Tân Thiên long bát bộ


Bi kịch chuyện tình Tiêu Phong, A Châu

Là Bang chủ Cái bang được vạn người kính nể nhưng suốt cuộc đời Tiêu Phong luôn rơi vào trạng thái cô độc , hàm oan mang thân và giằng xé giữa hiếu và tình. Từ đầu đến cuối truyện Thiên long bát bộ dường như chẳng có ai thực sự hiểu được nỗi lòng của Tiêu Phong. Người duy nhất có sự đồng cảm là A Châu thì cuối cùng lại bị chính chàng ra tay đánh chết.

Nỗi thống khổ của Tiêu Phong bắt nguồn từ sự hiểu lầm – cứ ngỡ cha của A Châu là người chỉ huy đánh giết cha mình (Tiêu Viễn Sơn) nên đã hẹn Đoàn Chính Thuần ra quyết đấu.

Giữa hiếu và tình, Kim Dung đẩy nhân vật đáng thương của ông vào bi kịch; để A Châu hóa trang thành cha mình, chấp nhận cuộc chiến đấu rửa hận thù của Tiêu Phong. Mặc dù chỉ đánh một chưởng thì Kiều Phong đã nhận ra ngay điều khác lạ nhưng khi chàng ôm A Châu lên thì tất cả đã muộn. Nàng ngục ngã dưới phát chưởng oan nghiệt của Tiêu Phong, giữa những giọt nước mắt oan cừu, phủ thêm bi thương lên cõi thế. Tiêu Phong kêu khóc giữa tiếng sét và tiếng mưa xối xả. Chàng chạy suốt rừng trúc để gọi Đoàn Chính Thuần ra giết mình để trả thù cho con gái nhưng chằng một tiếng đáp lại...

Có người cho rằng giữa Tiêu Phong và A Châu không nên quy thành tình yêu. Tình cảm mà A Châu dành cho Tiêu Phong chiếm phần nhiều là cảm kích và kính trọng. A Châu xuất thân thấp hèn, xét về tài nghệ hay nhan sắc đều không có gì nổi bật. Từ sau khi được Tiêu Phong cứu giúp, trong lòng nàng luôn coi đây là vị anh hùng thần tượng. Đặt vào bối cảnh cổ đại – phụ nữ ít có quan điểm và lý tưởng cụ thể về tình yêu thì giả thuyết này có vẻ rất thuyết phục. Tuy nhiên, nếu quả đoán đây là ý tưởng mà nhà văn đưa vào tác phẩm thì có lẽ quá phiến diện.

Có thể nói, chính sự chênh lệch về thân thế, điều kiện giữa hai nhân vật càng khẳng định tình cảm mà họ dành cho nhau là trong sáng và xuất phát từ trái tim. Dù không thể so sánh với các cặp đôi có kết thúc hậu như Hoàng Dung, Quách Tĩnh hay Nhậm Doanh Doanh, Lệnh Hồ Xung nhưng tình yêu của Tiêu Phong và A Châu càng đáng quý muôn phần bởi sự thuần khiết không vẩn đục tạp niệm.

----------------------

Bài liên quan:

No comments:

Post a Comment