Wednesday, November 13, 2013

Vương Ngữ Yên không dở hơi khi yêu Đoàn Dự


(Vietkiemhiep) - Trong phim Thiên long bát bộ, mình thấy các bạn hay chê bai Vương Ngữ Yên, vì ngoài nhan sắc ra, tính cách của nàng nhạt toẹt. Khi cả đời say đắm biểu ca Mộ Dung Phục, đến phút cuối lại dễ dàng quay ngoắt 180 độ để song hành cùng công tử họ Đoàn.

Tuy theo phiên bản mới nhất (phim Thiên Long bát bộ), thì Kim Dung không để nàng theo Đoàn Dự về Đại Lý nữa, và đây cũng là cái kết hợp lý hơn trong mắt nhiều người.

Nhưng theo mình, việc Vương Ngữ Yên yêu Đoàn Dự trong phiên bản đầu tiên cũng hoàn toàn hợp lý, nhân đây cũng có vài lời bình luận cùng các bạn.

Cả tuổi thơ của nàng chỉ quanh quẩn Mạn Đà Sơn Trang, và tất cả thời gian đó nàng chỉ tập trung làm hai chuyện: thương nhớ biểu ca Mộ Dung Phục, và đọc sách võ công. Quãng thời gian đó diễn ra cực kỳ êm đềm, không có biến cố gì lo lớn. Chính vì điều đó làm nàng nhạt nhòa hơn so với các Mộc Uyển Thanh, A Tử hay Chung Linh.

Những cô gái đó đều ít nhiều từng hành tẩu giang hồ, từng nhiều lần vào sanh ra tử, họ có rất nhiều đất để thê hiện tính cách của bản thân mình. Nhưng Ngữ Yên thì không, tuổi thơ êm đềm và nhàm chán, lại không có kinh nghiệm giang hồ, hay kinh nghiệm tình ái. Nàng yêu biểu ca mình, vì với thân phận của nàng thời đó, chỉ có công Tử Mộ Dung bên Yến Tử Ổ mới có thể xứng đôi với nàng. Tuổi cập kê của nàng chỉ có hình cảnh một người con trai duy nhất, ngoài ra toàn là kẻ tôi người tớ. Nàng chưa từng gặp qua người đàn ông nào khác, nên, ngoài cảm mến một công tử diễn mạo tuấn tú, võ công trác tuyệt, thư họa tinh kỳ, nàng nào có thể thương ai khác?

Cuộc đời nàng chỉ thực sự có những cột mốc khi nàng gặp Đoàn Dự, và cô ấy không hề nhạt toẹt khi dám cả gan bỏ nhà, hành tẩu giang hồ, khi mới chỉ gặp một người không quen biết.

Nhiều người nói nàng ngây thơ, và nông cạn khi chỉ cần bất cứ ai, không nhất thiết là Đoàn Dự nói đi tìm biểu ca, thì nàng sẽ đi theo ngay. Nhưng mấu chốt quan trọng trong tính cách mạnh mẽ của nàng mà đến những sau 16 năm mới có dịp bộc phát là - nói dối mẹ - một người nghiêm khắc mà nàng cung kính, và dù ngây thơ, vẫn biết ngoài kia ắt hẳn sẽ có chém giết, sẽ đầy hiểm nguy, nhưng nàng vẫn không màng. Nàng nào có thể làm gì khác ngoài bỏ trốn theo Đoàn Dự khi lúc đó kinh nghiệm đối đãi người với người, kinh nghiệm với đời của nàng là một con số không tròn trĩnh?

Kim Dung cho nàng thời gian quá lâu để chứng minh cho mọi người thấy mình không hề yếu đuối và nhàm chán. 16 năm dài đằng đằng, nhàn nhạt trôi qua, để rồi quyết định chỉ trong một giây và không hề do dự. Nàng mạnh mẽ nhưng lại ngây thơ.

Và nàng cũng không hề dở hơi khi đột nhiên chuyển sang yêu Đoàn Dự. Trước miệng giếng khô khi bị Mộ Dung Phục cự tuyệt bằng những lời đau lòng nhất có thể, nàng đã tìm đến cái chết.

Lão Kim không hề “non tay” trong phiên bản truyện đầu tiên. Vì trước lúc lâm chung, thì trong đầu moi người sẽ hiện lên một cuốn phim tua nhanh, tua nhanh lại tất cả các biến cố quan trọng trong cuộc đời. Rõ ràng rằng, các biến cố lớn ấy chỉ xảy ra sau khi nàng gặp Đoàn Dự .

Và trong cuốn phim ấy, đa số hình ảnh nàng thấy được là những lần xông pha cùng Đoàn công tử, là lần nàng đề lộ tấm lưng trần ở trong ngôi nhà rơm chỉ điểm võ công cho Đoàn Dự, là lần suýt bị chém phanh thây trong khi giao đấu cùng 36 đảo 72 động được Đoàn Dự trong tít tắc cõng chạy thoát … Trước đó, nàng đã cảm mến tấm lòng của Đoàn Dự lắm rồi, nên trước khi nhắm mắt, gặp lại những hình ảnh đó thì nổi niềm đó càng sâu sắc hơn.

Nàng rơi xuống, nhưng không chết. Lúc tỉnh dậy, cũng như đã qua một kiếp khác, một số phận mới không có Mộ Dung- người làm cho nàng phải tự tận, làm cho nàng tim gan nát tán. Khi chết đi sống lại, trải qua bao nhiêu chuyện đau lòng, nàng thay đổi cũng là điều hợp lý. Kim Dung không hề “non tay” khi cho nàng chuyển sang yêu Đoàn Dự chỉ để có một cái kết đẹp trong lòng độc giả. Nàng thay đổi với một hình ảnh của một người từ cõi chết trở về, nàng là con người khác, là một Ngữ Yên với một trái tim và trí óc hoàn toàn khác. Nó thực sự không quá nhanh như mọi người tưởng. Đến ngay cả một cao tăng đắc đạo như Khưu Ma Trí bỗng nhiên lãnh ngộ được chân lý khi nội lực tu tập một đời mất sạch để quay về hướng sáng. Một người chỉ cần mất hết thứ mình đang có như Cưu Ma Trí đã có thể giác ngộ nhanh như thế, thì đối vơí một người vừa từ cõi chết trở về như Ngữ Yên chuyện đổi thay đột ngột thế không có gì là khúc mắc. Nàng không hề “tưng tửng” sau khi té giếng như các bạn hay đùa đâu. Các diễn biến đó diễn ra hợp lý nhưng trên phim ảnh hay tiểu thuyết nó lướt qua quá nhanh làm ta chả lưu ý đến.



Vương Ngữ Yên - vai diễn đầu tay của Lưu Diệc Phi khi 16 tuổi

Nhưng cũng phải nói rằng mình thích cái kết mới của Kim Dung hơn, khi cho Đoàn Dự ngộ được rằng mình chỉ yêu thạch nữ trong núi Vô Lượng và để cho Ngữ Yên đi tìm đại phu chữa bệnh sau khi bị hút hết nội công trở nên già cỗi. Sau đó quay về chăm sóc Mộ Dung Phục với sứ tỳ A Bích khi dù gì cũng là thanh mai trúc mã, máu huyết cận kề. Nếu như vậy thì việc phân tích tính cách nàng phải viết lại cho khác hơn.
Hy vọng phiên bản phim mới 2013 sẽ diễn biến như vậy.

No comments:

Post a Comment