Wednesday, November 12, 2014

Viên Thừa Chí – Vị anh hùng gây nhiều tranh cãi

Vô Danh

(Vietkiemhiep) - Vì muốn xây dựng một nhân vật hiệp nghĩa theo đúng quy phạm giang hồ: dũng cảm, trượng nghĩa, ngăn mạnh giúp yếu, Kim Dung đã để cho Viên Thừa Chí xuất hiện với hình tượng tiêu chuẩn đến độ thiếu cá tính, hành động việc làm trở nên bị động trước thời cục.


Ngay từ tên gọi – Thừa Chí (chữ thừa trong thừa hưởng) đã phần nào phản ánh sự phụ thuộc của nhân vật này với gia tộc. Cụ thể hơn, việc báo thù cho cha (đại tướng Viên Sùng Hoán bị cáo buộc tư thông với ngoại phiên và sau đó bị hoàng đế Sùng Trinh xử tử) đã trực tiếp ảnh hưởng tới mọi quyết định cuộc đời của Viên Thừa Chí.

Đầu tiên, chàng lên núi Hoa Sơn để học võ nghệ từ Mục Nhân Thanh. Sau khi phát hiện ra Kim xà kiếm, Kim xà bí kíp và học được kiếm thuật vô địch của Hạ Tuyết Nghi, chàng gia nhập lực lượng khởi nghĩa nhằm lật đổ triều đình nhà Minh. Chi tiết nổi cộm trong tác phẩm và gây tranh cãi là mặc dù vô cùng căm thù Sùng Trinh đã sát hại cha mình nhưng Viên Thừa Chí vẫn cứu thoát vị hoàng đế này khỏi mưu đồ phế lập của Huệ Vương.

Nhiều khán giả cho rằng Kim Dung miêu tả về Viên Thừa Chí khá sơ sài, vội vàng, áp đặt quá nhiều đặc điểm mang tính khái niệm. Điều này khiến nhân vật trở nên khô khan và thiếu thuyết phục. Tuy nhiên, một bộ phận người xem khác lại có suy nghĩ đối lập. Họ cho rằng đây mới chính là hình tượng anh hùng kiểu mẫu, phù hợp với tưởng tượng của công chúng mọi thời đại.

Theo dõi truyện phim Bích Huyết Kiếm, người ta có quyền thả lỏng tâm trí và đặt cảm xúc vào nhân vật, không bị bó buộc vào những rào cản định kiến như ở nhân vật Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung….

Theo tiểu thuyết giới thiệu, Viên Thừa Chí gặp Hạ Thanh Thanh khi vừa xuống núi. Ban đầu, Thanh Thanh cải trang nam giới và đề nghị được kết bái huynh đệ. Dù trong lòng không mấy thuận ý nhưng với tính khí hòa nhã, Viên Thừa Chí cuối cùng đã đồng ý. Sau này khi phát hiện Thanh Thanh là nữ tử và được mẹ của nàng (Ôn Nghị) gửi gắm chăm sóc, Viên Thừa Chí đã bị đẩy vào thế không thể quay đầu (Hạ Thanh Thanh đi theo Viên Thừa Chí sau bị đuổi khỏi nhà và sau đó hai người yêu nhau).

Chính vì chi tiết này, nhiều khán giả cho rằng Viên Thừa Chí đối với Thanh Thanh chỉ là trách nhiệm, ân nghĩa mà không có tình yêu. Vậy cần xem định nghĩa của Kim Dung về tình yêu ra sao? Nếu chỉ có “cảm xúc sét đánh”, hưng phấn cuồng nhiệt mới gọi là tình yêu thì quan hệ giữa họ chắc chắn không phải. Tuy nhiên, nếu trên trần gian có một thứ tình cảm yên bình nhưng bền chặt thì giữa Viên Thừa Chí và Thanh Thanh thực sự tồn tại trạng thái này.

Trái ngược hoàn toàn với mối quan hệ trên, ngay từ lần đầu gặp gỡ thì Viên Thừa Chí và A Cửu (tức Trường Bình công chúa, con gái vua Sùng Trinh) đã rất phù hợp với mô tuýp tình yêu kinh điển. Trong thời gian lẻn sang kinh đô Mãn Châu nhằm mưu sát Hoàng Thái Cực, Viên Thừa Chí đã gặp gỡ cô gái xinh đẹp A Cửu. Màn “anh hùng cứu mỹ nhân” được tái hiện một cách hoàn hảo, khiến người xem không khỏi ngây ngất ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, cũng chính vì mối quan hệ này mà công chúng cho rằng Viên Thừa Chí đã giải cứu vị hoàng đế (Sùng Trinh) từng xử tử cha mình. Bên cạnh đó, việc phân vân không dứt khoát giữa A Cửu và Thanh Thanh khiến người xem càng thêm nghi ngờ tình cảm thực sự mà chàng dành cho 2 cô gái này. Chỉ có ai tinh ý mới phát hiện được một chút dấu vết tình cảm qua cách xưng hô khác nhau của Viên Thừa Chí đối với Thanh Thanh và A Cửu.

Viên Thừa Chí luôn gọi Thanh Thanh là Thanh đệ - điểm này xuất phát từ lúc chưa phát hiện giới tính nhưng sau này khi biết rõ thân phận nàng ta là con gái thfi chàng vẫn giữ nguyên cách xưng hô đó. Trong khi đó, ở cuối phim khi Viên Thừa Chí phát hiện A Cửu cắt tóc đi tu thì chàng đã thốt lên rằng: “A Cửu muội tử, muội hãy bảo trọng…”. Dù đã biết con của kẻ thù xuất gia làm ni cô nhưng Viên Thừa Chí vẫn dùng cách xưng hô của thế tục, thể hiện rằng chàng rất nuối tiếc…

Ngoài chi tiết rất nhỏ này, trong truyện Kim Dung không hề giới thiệu rõ thêm về tâm tư suy nghĩ của Viên Thừa Chí. Điều này có lẽ xuất phát từ mục đích cố tình hạn chế thế giới tình cảm của nhân vật này, để chàng trở thành hình tượng phù hợp với quy phạm đạo đức của một anh hùng võ hiệp.

------------------

Bài liên quan: