Monday, February 6, 2017

Thiên tài và nhân cách trong con người của Đông Tà Hoàng Dược Sư

Vô Danh Khách

Đọc võ hiệp Kim Dung, tôi cứ trăn trở mãi về một nhân vật khó hiểu: Đó là Hoàng Dược Sư. Không biết tự bao giờ, hình ảnh về một con người tài hoa, cô độc đã ngấm sâu vào góc sâu nhất trong tâm hồn của tôi. Hoàng Dược Sư, hiệu Đông Tà, biệt hiệu Hoàng Lão Tà là nhân vật trong tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Ông cũng xuất hiện trong bộ truyện tiếp theo Thần Điêu Hiệp Lữ.Sau lần Hoa Sơn luận kiếm thứ nhất, Hoàng Dược Sư được xếp vào Thiên hạ ngũ tuyệt (bên cạnh Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Tây Độc Âu Dương Phong và Bắc Cái Hồng Thất Công), danh xưng là Đông Tà.

Hoàng Dược Sư nhận 6 đệ tử là Khúc Linh Phong, Lục Thừa Phong, Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong, Vũ Thiên Phong và Phùng Mạc Phong. Ông lại lấy nữ sĩ Phùng Hằng làm vợ, sinh ra Hoàng Dung. Phùng Hằng không biết võ công nhưng lại có một trí nhớ siêu việt. Ngay sau đó, Phùng Thị vì tổn hao tâm lực viết lại Cửu Âm chân kinh (bà đã dùng mưu kế để mượn từ tay Châu Bá Thông và học thuộc lòng toàn bộ ngay tại chỗ), lại thêm sinh nở khó khăn nên qua đời. Tiếp đó lại xảy ra chuyện Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong lấy cắp quyển hạ Cửu Âm chân kinh trốn đi. Hai sự việc này khiến Hoàng Dược Sư bị chấn động mạnh về tâm lý. Ông đánh gãy chân những đệ tử còn lại, đuổi ra khỏi đảo, lại nhốt Châu Bá Thông trên đảo Đào Hoa. Từ đó, Hoàng Dược Sư một mình nuôi con.

Là “Đông Tà” độc nhất trong “Thiên Hạ Ngũ Tuyệt”, là Đàn Chỉ Thần Thông vừa nhanh, chuẩn, lại đẹp mắt, để cho người đời nghe đến là sợ, hậu nhân bao đời vẫn bái phục mà đặt cho tên gọi “tuyệt thế công phu”; là Lạc Anh Kiếm Thần Chưởng ảo diệu khôn lường, cũng không kém phần sâu sắc, thâm hậu, làm điên đảo bao cao thủ với bóng hình thấp thoáng của cánh đào phiêu lãng; là Bích Hải Triều Sinh khúc, đoạn nhạc độc nhất do một chiếc ngọc tiêu độc nhất và một con người độc nhất tấu lên: sầu khổ, cô độc, ai oán, bi thương, da diết, mông lung, hoan hoải,…; là Ngọc Tiêu kiếm pháp, những đường kiếm rồng múa phượng bay, ẩn chứa uy lực kinh hồn; cũng có thể nhỏ nhoi như Tảo Diệp thoái pháp, thoáng ẩn thoáng hiện như phi thiên thần long; …

Võ công đó, chỉ với 3 chữ “nhanh, đẹp, chuẩn”, hiệu quả mà độc đáo.Ngoại hiệu của Hoàng Dược Sư là Đông Tà. Chữ Tà trong biệt danh của ông nghiêng về nghĩa tà ma ngoại đạo, như chính ông tự nhận. Hành sự không theo bất cứ khuôn phép, lề lối gì, chủ yếu chỉ tập trung vào 4 chữ: Ta thích thì làm, Hoàng Dược Sư chính là biểu tượng cao nhất của sự tự do, phóng khoáng và khát vọng đập tan mọi giới hạn, ranh giới lễ nghĩa, giáo điều.

Võ học của Hoàng Dược Sư chưa hẳn đã là đệ nhất thiên hạ, nhưng sở học của ông lại rộng lớn và mênh mông như biển. Đồ đệ Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong của ông dù chỉ học được lõm bõm đôi chút sở học của thầy, nhưng cũng đủ để hoành hành thiên hạ với biệt danh Hắc Phong Song Sát. Đại đệ tử Khúc Linh Phong dù một thân tàn phế, nhưng vẫn có thể ra vào đại nội trộm báu vật như chỗ không người, khi bị phát hiện vẫn có thể đồng vu quy tận cùng cao thủ trong cung. Hậu duệ của Khúc Linh Phong dù ngớ ngẩn, tâm trí như đứa trẻ lên ba, nhưng dưới sự dạy dỗ của Hoàng Dược Sư vẫn có thể miễn cưỡng đánh ngang tay cùng võ lâm cao thủ.Sự thông tuệ của Hoàng Đảo Chủ không chỉ nằm trong mỗi võ học. Cầm kỳ thi họa, kỳ môn độn giáp, không môn nào ông không phải đại tông sư. Thậm chí ngay trong võ học, ông cũng tự mình sáng tạo ra hầu hết những lộ võ công lợi hại. Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp hay Bích Hải Triều Sinh Khúc đều là những thứ tuyệt học do chính Hoàng Dược Sư nghĩ ra, chứ không phải học từ một vị danh sư nào hết. Trong truyện Kim Dung, chỉ có những bậc đại tông sư khai môn lập phái mới có thể tự nghĩ ra một môn võ công của riêng mình và phải mất cả đời mới có thể hoàn thành một môn tuyệt học, nhưng đối với Hoàng Dược Sư, việc sáng tạo ra một môn võ công khác đối với lão cũng chỉ ngang bằng với việc… ăn cơm.

Còn nhớ, khi sinh lòng hối hận về việc đánh gãy chân các đệ tử rồi đuổi khỏi Đào Hoa Đảo, Hoàng Dược Sư đã bỏ vài năm trời nghĩ ra một lộ thân pháp đặc biệt có tên Toàn Phong Tảo Diệp Thoái. Khi tập luyện lộ thân pháp này, đôi chân tàn tật của các đệ tử sẽ hồi phục dần dần và có thể đi lại được. Dù không thể tập luyện võ công như người bình thường, nhưng đó cũng đã là một điều phi thường tốt đẹp đối với những người tàn phế nhiều nămThuật kỳ môn ngũ hành ảo diệu cũng là tuyệt học của Hoàng Dược Sư. Chỉ dựa vào một môn tuyệt học này, những truyền nhân của đảo Đào Hoa từng không ít lần chuyển bại thành thắng, hoặc thoát chết dưới tay những đại cao thủ có võ công lợi hại gấp nhiều lần. Ngay trên Đào Hoa Đảo của Hoàng Dược Sư, các cao thủ võ lâm cũng đều bị trói buộc bởi trận pháp biến hóa kì diệu của lão như cá nằm trong rọ.

Trong tên gọi của Hoàng Dược Sư còn có cả chữ “dược”. Ngoài việc là cao thủ võ lâm, lão còn tinh thông cả y học hệt như một vị danh y. Cửu Hoa Ngọc Lộ Hoàn do ông sáng chế được liệt vào dạng thánh dược trong thiên hạ. Còn nhớ khi Nam Đế bị tổn thương nội lực trầm trọng khi chữa trị cho Hoàng Dung, khi nhìn thấy Cửu Hoa Ngọc Lộ Hoàn đã mừng rỡ mà rằng: Có thứ thánh dược này thì thương thế của ta sẽ rất nhanh hồi phục!Trong truyện, Kim Dung ít nhắc tới sở học văn chương của Hoàng Lão Tà. Nhưng chỉ thông qua hình tượng Hoàng Dung, người ta có thể hình dung phần nào về tài năng và trí tuệ của Đào Hoa Đảo chủ. Chỉ được “nghe lỏm” cha bình sách, nói chuyện văn chương, Hoàng Dung thậm chí còn có thể khiến trạng nguyên Đại Lý phải nghiêng mình thán phục. Những câu đối tưởng chừng làm khó được tất cả kẻ sĩ trong thiên hạ thì khi vào tay Hoàng Dược Sư, nó cũng chỉ giống như một thú vui giải trí lúc nhàn đàm…Tài năng xuất chúng của Hoàng Dược Sư trong đủ mọi lĩnh vực đủ để ông ngạo thị thế gian. Trong võ học, ông là bậc đại tông sư. Hoàng Dược Sư ngông cuồng và cao ngạo bậc nhất trong Kim Dung truyện. Nhưng ông có đủ bản lĩnh để làm điều đó. Xét về văn chương, ông có thể sánh ngang với những bậc đại khoa. Tài văn chương của Hoàng Dược Sư có thể dùng để chỉ trích thánh nhân, phản biện lại sai lầm trong những lời vàng, thước ngọc của cổ nhân.Còn luận bàn về ngạo khí, chẳng ai dám xếp trước ông ở ngôi đầu thiên hạ! Chẳng những đập bàn cười nhạo “Thánh nhân thối lắm”, cái “tà” của Hoàng Dược Sư còn nằm ở chỗ vượt ra khỏi mọi khuôn phép, giáo điều phong kiến.

Ông chửi thẳng vào mặt những bậc chính nhân quân tử, luôn mồm tự khen mình là đấng “hào hiệp, trượng nghĩa, cứu nhân cứu thế” mà đằng sau là sự hèn mọn, thấy khó là tránh, trông nguy là bỏ, chỉ được “tuyệt kỹ” chuồn là công phu thứ thiệt. Lời nói của ông, chính xác hơn là sự vạch trần của bộ máy thối nát của xã hội phong kiến bấy giờ, là một khối thị phi hỗn loạn. Những thứ lễ nghĩa Nho giáo vốn được tôn sùng như vàng ngọc trong thời đại ấy, nhưng dưới mắt ông chỉ là thứ “ăn thịt người không chịu nhả xương”. Sự cấp tiến trong đầu óc và nhận thức của Hoàng Dược Sư khiến ông trở thành một “lão tà” trong mắt mọi người, nhưng thật sự, tri thức của ông lại đi trước thời đại của mình rất nhiều.Hoàng Dược Sư nhìn thấy rõ những điều vô lý, bất cập giấu sau những “tam tòng” cổ hủ, nhìn thấy rõ mưu đồ ích kỷ ẩn sau những câu chuyện trung quân “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Ông cũng đọc được hết những mù quáng, dốt nát của những vị được coi là trung thần, thánh nhân thời đó. Những thứ quy tắc, tư tưởng mà phần lớn trí thức, người thời đại đó mù quáng tin tưởng như một chân lý thần thánh thực chất chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị hoặc mang lại những điều thiếu công bằng.Từ chuyện lòng trung thành đối với vua phải được đặt lên đầu tiên, bất chấp đúng sai hay chuyện thân phận người phụ nữ bé mọn và hèn kém như con sâu cái kiến trong thời phong kiến, tất cả những điều đó, Hoàng Dược Sư đều có thể nhìn ra.

Cái nụ cười ngạo nghễ của Đông Tà không phải là nụ cười của một kẻ cuồng nhân ngạo ngược, mà là thái độ của một bậc đại trí giả trước những điều nực cười trong cuộc sống mà ông nhìn thấy được.Nhưng, dù vượt ra khỏi mọi vòng khuôn phép hay lễ nghĩa, con người của Hoàng Dược Sư vẫn bị ràng buộc bởi một điều: Nhân cách và khí khái. Đó là lúc ông quỳ lạy trước thủ cấp của một nhà nho trung nghĩa bị Âu Dương Phong cắt đầu, bởi “Bình sinh ta rất khâm phục những bậc trung thần nghĩa sĩ”. Hay lúc bị Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu khích bác chuyện không có nổi một người đệ tử ra hồn, vị bá chủ một phương kia cũng cam chịu nín lặng, nuốt giận vào lòng, chứ không thể bất quản thân phận ra tay đối phó với kẻ hậu bối kia. Riêng về điều này, Hoàng Đảo chủ hơn xa Tây Độc – kẻ vì lợi mà bất chấp tất cả mọi thứ, kể cả thân phận của một đại tông sư.Cách Hoàng Dược Sư khư khư giữ hình bóng của người vợ trong tâm khảm cũng là một điều đặc biệt trong con người của lão. Gần 20 năm kể từ sau khi vợ mất, một nửa con người tài hoa của Hoàng Dược Sư cũng đã mất theo bóng hình ấy. Thậm chí, vị đảo chủ thiên tài kia còn chuẩn bị sẵn chiếc hoa thuyền lộng lẫy để cùng vợ chìm xuống đáy biển sâu, trong tiếng ngọc tiêu thanh thản và dìu dặt.Một thân bản lĩnh kinh thiên động địa như Hoàng Dược Sư rốt cuộc cũng chỉ là vô nghĩa trước sự mất mát, đau thương của ái tình. Chính sự trọng tình nghĩa quên sống chết ấy mới là sự khác thường lớn nhất trong con người của Hoàng Dược Sư, chứ không phải những câu chuyện kì lạ xây dựng quanh cuộc đời của lão…


Hoàng Dung, ái nữ xinh đẹp và thông minh của Lão đông tà

Những điều bảo thủ nhất trong con người của Hoàng Dược Sư xuất phát từ chính cái tâm cao ngạo của một thiên tài. Khi bị hiểu lầm là kẻ hạ thủ giết chết các sư phụ của Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư vẫn không chịu giải thích nửa lời, bởi: “Bao nhiêu chuyện xấu trên thiên hạ, người ta đều đổ hết lên đầu Hoàng Lão Tà ta, thêm một chuyện nữa nào có sá gì?”.Hay như chuyện những gia nhân câm điếc trên Đào Hoa Đảo thực chất chỉ là những người khuyết tật được lão đưa về nuôi nấng, lão cũng mặc kệ trước lời đồn đại chính mình hạ thủ để giữ bí mật chốn nương thân. Và còn bao nhiêu lời đồn đại khác biến Hoàng Dược Sư trở thành đại ma đầu khát máu không nhân tính, lão cũng bỏ hết ngoài tai như một chuyện tầm phào…Con người Hoàng Dược Sư hỉ nộ bất thường, nhưng âu đó cũng là chuyện quen thuộc của những thiên tài. Trong cơn giận dữ, lão có thể làm những điều thiếu suy nghĩ, nhưng ngay sau đó lập tức hiểu ra được sai lầm của mình và âm thầm sửa chữa bằng mọi cách. Không phải ngẫu nhiên mà những người đệ tử bị biến thành tàn tật dưới tay lão vẫn một lòng hướng về Đảo Đào Hoa, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để bảo vệ cho sư phụ. Ngay cả những địch thủ không đội trời chung với lão cũng phải gật đầu khen thầm: Hoàng lão tà quả không hổ danh là đại tông sư một đời. Đám đồ đệ, đồ tôn dù chịu trăm cay ngàn đắng bởi lão nhưng vẫn coi lão như thần thánh, chứ không mảy may oán hận!



Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công cũng dành cho Hoàng Dược Sư sự tôn trọng hiếm hoi. “Anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và lão khiếu hóa thôi”. Dù cả cuộc đời, Hoàng Dược Sư chưa khi nào tự nhận mình là bậc anh hùng, thậm chí còn ưa thích với cái danh hiệu tà ma ngoại đạo, nhưng cả cuộc đời ông đều bộc lộ bản sắc của một đấng anh hùng khí phách. Những cái “tà” nếu có, cũng chỉ là cái nhìn vượt thời đại tới từ đầu óc của một nhất đẳng thiên tài như Hoàng đảo chủ.

............

Bài liên quan:

Anh hùng xạ điêu
  1. Bang chủ Hoàng Dung: Yêu và ghét
  2. Hoàng Dung - dạo chơi giữa nhân gian
  3. Hoàng Dung có ghen không?
  4. Hoàng Dung là người tinh ranh và độc ác
  5. Tản mạn về Đông Tà Hoàng Dược Sư
  6. Hoàng Dược Sư - tài năng cô độc
  7. Đông Tà không bao giờ làm việc khuất tất sau lưng người khác
  8. Hoàng Dược Sư: Nỗi hận lòng và sự tiếc nuối khôn nguôi
  9. Hồng Thất Công: Lão ăn mày khiến cả võ lâm kính phục
  10. Anh Hùng Xạ Điêu - Thị phi thành bại theo dòng nước
  11. Quách Tĩnh – Dương Khang, một anh hùng một ác nhân, vì đâu nên nỗi?

No comments:

Post a Comment