Saturday, June 14, 2014

Tản mạn về Đông Tà Hoàng Dược Sư

Nguyễn Ngọc Dũng

Không biết tự bao giờ, hình ảnh về một con người tài hoa, cô độc đã ngấm sâu vào góc sâu nhất trong tâm hồn của một con người thô kệch như tôi. Với người khác, tôi có thể ngạo mạn nhìn thằng vào mắt họ, nhìn thấu vào sự khờ dại của những con người tầm thường ấy; nhưng với Đông Tà Hoàng Dược Sư, tôi “muốn” mình là kẻ thô kệch, vô dụng.

Trên thế gian này, con người cũng chỉ nhỏ bé như hạt cát vô hình trong hoang mạc bất tận, như giọt nước mặn chát trong đại dương mênh mông. Nhưng con người ấy, khí chất ấy, có thể là ngạo mạn, cũng có thể là cô độc, nói là tài hoa cũng không có gì là phóng đại, mà tới mức độ “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” thì cũng hợp tình hợp lý thôi. Ôi, nhưng đó vẫn chỉ là một con người, một giọt nước để trở về nguồn cội, để trở về … cát bụi.

Nhưng con người ấy vẫn vượt lên trên tất cả. Là “Đông Tà” độc nhất trong “Thiên Hạ Ngũ Tuyệt”, là Đàn Chỉ Thần Thông vừa nhanh, chuẩn, lại đẹp mắt, để cho người đời nghe đến là sợ, hậu nhân bao đời vẫn bái phục mà đặt cho tên gọi “tuyệt thế công phu”; là Lạc Anh Kiếm Thần Chưởng ảo diệu khôn lường, cũng không kém phần sâu sắc, thâm hậu, làm điên đảo bao cao thủ với bóng hình thấp thoáng của cánh đào phiêu lãng; là Bích Hải Triều Sinh khúc, đoạn nhạc độc nhất do một chiếc ngọc tiêu độc nhất và một con người độc nhất tấu lên: sầu khổ, cô độc, ai oán, bi thương, da diết, mông lung, hoan hoải,…; là Ngọc Tiêu kiếm pháp, những đường kiếm rồng múa phượng bay, ẩn chứa uy lực kinh hồn; cũng có thể nhỏ nhoi như Tảo Diệp thoái pháp, thoáng ẩn thoáng hiện như phi thiên thần long; …

Võ công đó, chỉ với 3 chữ “nhanh, đẹp, chuẩn”, hiệu quả mà độc đáo. Vương Trùng Dương cả đời chìm trong vòng luẩn quẩn của chính bản thân: vô vị, nhạt nhẽo; Bắc Cái Hồng Thất Công nhân nghĩa, hào hiệp, sảng khoái nhưng vẫn có đôi chút thô tục của kẻ thất phu; Nam Đế Đoàn Trí Hưng cũng là bậc tao nhân hiếm có, nhưng không thể có được phong cách ngạo mạn, đứng trên tất cả được; Tây Độc Âu Dương Phong cũng sánh với chữ “ác độc”, nhưng có ai biết rằng “tà ác” khác hẳn với “ác độc” chăng? Nếu nói tôi phủ nhận những tài năng của những nhân vật còn lại trong “Ngũ Tuyệt”, tôi cũng không phàn nàn gì, nhưng nếu nói tôi vịn vào đó để ca ngợi Đông Tà Hoàng Dược Sư, tôi xin phản bác ngay. Tài năng của ông, không phải là dìm người khác xuống, để mình đứng ở vị trí độc tôn, mà là do công sức của ông, khổ công một đời gây nên. Nếu không, người đời có bao giờ gắn những câu như “Cầm Kỳ Thi Họa, Y Bốc Tinh Tướng, Kỳ Môn Đôn Giáp, Ngũ Hành Bát Quái, … không môn nào không biết, không môn nào không tinh đạt đến mức độ đăng phong tạo cực”, “ Cái gì cũng thấu, cái gì cũng giỏi, mà không chỉ giỏi mà phải là giỏi nhất”,…

Bích Hải Triều Sinh khúc, khúc nhạc bất hủ của cả một đời người; những câu thơ trên Thí Kiếm đình; bức họa đồ tuyệt thế cho người ái thê chốn hoàng tuyền; dược hoàn độc nhất vô nhị do tự ông sáng chế; toán học đạt đến trình độ khiến những học sĩ trong thiên hạ ai ai cũng phải khâm phục, có người còn sinh lòng đố kỵ mà tìm đến thách đấu, để rồi ngậm ngùi trở về với ý nghĩ “mình thật chẳng hơn súc sinh là bao”; rồi tài “biến đá thành bùn” kỳ diệu khiến Trung Thần thông phải bái phục sát đất; và hơn hết, đó chính là tuyệt tác của ông : Đào Hoa đảo – chốn diêu trì, bồng lai giữa nhân gian, cũng có thể sánh ngang với Shangri – la của thế giới hiện đại. Một hòn đảo mà ông dành trọn tâm huyết để làm nên những rừng đào thơ mộng nhưng ẩn chứa đầy biến hóa đa đoan, những kẻ tinh thông ngũ hành trong thiên hạ lạc vào chốn này cũng phải điên đảo; những cánh rừng hùng vĩ, bất tận, những ngọn núi sừng sững, ẩn chứa nét phong tuấn hào hùng; … Tất cả, làm nên một khí chất ngạo mạn, một sự cô độc không ai sánh bằng.


Hoàng Dung, con gái yêu của Hoàng Dược Sư (Châu Tấn đóng)

Bậc cổ nhân vĩ đại, tài giỏi là thế, đóng góp cho thế giới nhiều là thế, nhưng ông coi bằng “không”. Nào Khổng Tử, nào Gia Cát Lượng, nào Quan Vũ, nào Tống Giang, nào thần nào thánh, … tất cả trong mắt ông chỉ là một đống sắt phế liệu, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn. Lối suy nghĩ táo bạo, độc đáo như vậy cũng không thật quá quắt cho lắm, người ta tài năng như vậy, người ta có quyền chỉ trích người khác. Những kẻ sĩ coi đó là bá đạo, tà ác, ông mắng lại bọn chúng là lũ đạo đức giả, ôi đấng quân vương tôn kính như “Thiên tử” là thế, ông nói đó là hạng bần cùng đi học đòi, bắt chiếc lối thư họa tinh hoa, không lo làm nổi một việc cỏn con là trị nước; ông dạy cho bọn đồ gàn, quan gia, trọc phú cái gì gọi là “suy nghĩ của một người có óc”.

Ông chửi thẳng vào mặt những bậc chính nhân quân tử, luôn mồm tự khen mình là đấng “hào hiệp, trượng nghĩa, cứu nhân cứu thế” mà đằng sau là sự hèn mọn, thấy khó là tránh, trông nguy là bỏ, chỉ được “tuyệt kỹ” chuồn là công phu thứ thiệt. Lời nói của ông, chính xác hơn là sự vạch trần của bộ máy thối nát của xã hội phong kiến bấy giờ, là một khối thị phi hỗn loạn. Nhưng ấn chứa trong ông vẫn có chữ ‘trung”. Khi thấy Âu Dương Phong tặng cho mình thủ cấp của một ông đồ “tận trung báo quốc”, ông cũng chả nghi ngại gì mà trách móc thẳng vào mặt Tây Độc, làm cho bậc đại tôn sư Tây Độc cũng phải thấy xấu mặt trước bọn hậu bối như Quách Tĩnh, Hoàng Dung, … Liên hệ một chút từ hình ảnh của Đông Tà Hoàng Dược Sư với thời đại bây giờ, những chính kiến của ông về xã hội thời đó cho đến bây giờ cũng không lạc hậu chút nào. Ngày nay, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta vẫn đang tồn tại những “bậc quý ông” nham nhảm luôn miệng nói mình là nhà hảo tâm, vậy mà có khi chính họ lại lành nghề ăn chặn lắm; rồi quan chức chính phủ từ lớn đến bé mở “phong trào thi đua tham nhũng”, dưới cướp của nhân dân trắng trợn, nộp lên trên; trên thì chia nhau, chìm đắm trong những cuộc ăn chơi vô lối, làm cho xã hội đảo điên, ý thức của người dân cũng vì thế mà sa đọa, lụi bại,…

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi của sự việc, tôi cũng chỉ là hạng kiến thức nông cạn, chỉ biết được vài điều. Quay trở lại với tính cách ngạo mạn kia, thật là nực cười khi ông ngớ người nhận ra : “Ta một đời thông mình tuyệt đỉnh như vậy, ngờ đâu lại có 1 thằng con rể ngu ngốc thế này cơ chứ”. Nhưng rồi vì thương con, ông cũng đành chấp nhận, để cho tình cảm trong thâm tâm giành lại trước lý trí độc đoán xưa kia. Hoàng lão tà còn kiêu ngạo tới mức, bao nhiêu oan ức của mình, ông thây kệ ra đó, không thèm phân trần với Toàn Chân thất tử, để rồi xảy ra ẩu đả, … Ông nhìn thấy Giang Nam thất quái, lũ người đó xấu xí quá, rồi nhân cớ bọn họ nói năng lỡ lời, bắt bớ cả đám tự sát hết một lượt. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ông cam tâm ôm trọn lấy những oan ức của đời người, không ai hiểu lý do của ông, nhưng họa chăng đó là do ông quá cô đơn, nhưng ẩn sổ của một con người đặc biệt như vậy cũng chỉ là ẩn sổ mà thôi. Thế nhưng người đời vẫn luôn miệng gọi ông là tà ác, nhưng ta cần xem xét lại những lần “đại khai sát giới” của ông.

Người hầu trên Đào Hoa đảo hết thảy đều bị Đông Tà làm cho câm, điếc hết một lượt, nhưng toàn bộ bọn chúng đều từng là phường trộm cắp, sơn tặc, thổ phi,… Rồi ở Ngưu Gia thôn, vì thương xót con gái, ông bắt cả nhóm vương gia Hoàn Nhan Hồng Liệt uy quyền bậc nhất Đại Kim bấy giờ phải chui qua chân mình mới để lại cái mạng giẻ rách cho bọn chúng,… những lần như thế, có quá đáng không khi người đời gọi ông là tà ác. Nhưng có lẽ Đông Tà muốn như vậy, có thể ông không muốn mình lại bị so sánh ngang hàng với lũ đạo đức giả, mất hết cả phong cách một đời oanh liệt. Thế nhưng, trên hết cái ngạo mạn, cô độc toát ra từ bậc kỳ nhân đó, là một tình yêu vĩnh cửu chưa có một phút giây phai mòn …

Ông có quyền ngạo mạn về tài năng của mình, ông có quyền khinh rẻ những kẻ yếu thế hơn mình, ông có quyền định đoạt số phận của mình, bởi đó là những thành quả mà ông phải trải qua bao khó khăn, nhọc nhằn mới có được. Nhưng ông chẳng thể có được những ngày tháng yên ổn, hạnh phúc được, bởi chỉ vì tính hiếu thắng của mình, ông đã gián tiếp hại đi người mà ông thương yêu nhất cuộc đời, thương yêu hơn bất cứ thứ gì ông có được. Và Hoàng Dược Sư cũng phải chìm trong mặc cảm, đau đớn khi chính những tinh hoa mà ngàn đời trong con người ấy cũng không đủ sức cứu nổi ái thê của mình. Nếu bạn tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, bạn có chấp nhận được không? Bạn có cam tâm mà chịu đựng dằn vặt đến suốt cuộc đời được hay không? Tôi thiết nghĩ đó là cực điểm của sự đau khổ mà con người có thể trải qua được. Thế nên, ta không thế nói vị Đào Hoa đảo chủ hèn nhát, yếu đuối khi ông hoàn thành tâm nguyện của ái thê (tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc cho con gái của họ - Hoàng Dung) xong là dự định mang theo toàn bộ kiệt tác cả đời của mình và cùng thân xác thoát tục của vợ mình trở về cát bụi. Hằng đêm Hoàng lão tà vẫn lặng lẽ ngồi bên bờ biển, thổi khúc Bích Hải Triều Sinh khúc cho vợ mình nghe, tâm sự với đất trời, với biển cả mênh mông, với con sóng đơn độc, với ngọn gió cô liêu. Một con người bản lĩnh nghiêng trời như vậy, có thể là không cần một điều ước, nhưng với một người chồng thì ông cần. Tôi nghĩ nếu có thể, ông sẽ ước được trút bỏ hết võ công, tài năng của mình chỉ để sống hạnh phúc với ái thê đến trọn đời. Phan Trần Việt Dũng đã không sai khi khẳng định rằng : thế gian này không ai tài giỏi toàn diện như Đông Tà, nhưng cuộc đời cũng không có ai đau khổ như ông!

Hơn nữa, tôi nghĩ có lẽ cái mà Kim Dung người muốn khắc họa rõ nét nhất ở một nhân vật phụ đặc biệt như vậy, không phải là tài năng, không phải là võ công, không phải là khí chất ngạo mạn cũng như sự cô độc cực điểm, mà là tình yêu ông dành cho vợ mình. Có lẽ, Hoàng Dược Sư cũng được an ủi phần nào, vì ông có một hạnh phúc là có một người để yêu đến trọn đời. Nếu như ai hỏi tôi đánh giá thế nào về tình yêu, cảm xúc của Đông Tà Hoàng Dược Sư, tôi không không muốn làm chuyện đó, bởi tôi không thể nào đủ khả năng để giới hạn sự vĩ đãi, to lớn, tôn kính của chữ “Tình” trong một con người đặc biệt như vậy được.

Nhưng dẫu sao, ngòi bút của Kim Dung đã để lại cho hàng hậu bối chúng ta hình ảnh về một con người ‘cổ kim khó sánh”, tài hoa nghiêng trời lệch đất, nhưng trên hết vẫn là tình yêu ngàn đời mà Hoàng Dược Sư dành cho ái thê. Đó cũng chính là ước mơ của tôi, nhưng đó cũng là một bài học rất quan trọng : tôi mong muốn mình có đủ khả năng, đủ bản lĩnh để có được những tài năng toàn diện như Hoàng Dược Sư, nhưng ông cũng đã cho tôi hiểu rằng, cái đích mà ta luôn hướng đến không phải là những gì hơn người đời, khác với người đời mà là một hạnh phúc chân chính, một tình yêu trọn đời!

Giữa thế gian loạn đảo điên
Có một nơi chốn thần tiên ẩn mình
Đào Hoa nở rộ phiêu linh
Gió sương ảo diệu vút mình chen mây
Nắng rọi núi cao phơi bày
Tiên cảnh hùng vĩ ngất ngây lòng người
Bốn bề cảnh sắc đẹp tươi
Lòng chỉ thương nhớ nụ cười ái thê !
Tha thiết nỗi buồn lê thê
Không màng cảnh sắc sơn khê quanh mình
Người đi vẫn cứ vô tình
Hồn ta ở lại lặng thinh bên nàng
Âm Dương xa cách lỡ làng
Giữa đêm hoang vắng còn vang tiêu sầu
Réo rắt nỗi buồn đêm thâu
Nhớ nàng da diết về đâu bây giờ
Dáng người kiêu ngạo ngẩn ngơ
Thả mình theo con sóng hờ hững trôi !

Dành một khoảng lặng cho một con người tài hoa, ngạo mạn, cô độc!

-----------------------------

Bài liên quan:



No comments:

Post a Comment